Y học ngày nay ghi nhận một số bệnh lý thuộc về tuyến thượng thận có thể gây ra những ảnh hưởng tới sức khỏe con người như: bệnh Addison, hội chứng Cushing và ung thư tuyến thượng thận, cũng như huyết áp cao do sản xuất quá mức aldosterone.
Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thông tin cần biết về các chức năng của tuyến thượng thận và một số bệnh lý ảnh hưởng tới tuyến thượng thận. Chúng tôi cũng thảo luận về nguyên nhân, chẩn đoán và các phương pháp điều trị liên quan đến rối loạn tuyến thượng thận.
Hormon tuyến thượng thận
Tuyến thượng thận có hai phần: vỏ và tủy. Vỏ thượng thận là phần bên ngoài của tuyến. Vỏ thượng thận tạo ra các hormon cortisol và aldosterone. Phần tủy thượng thận là phần bên trong của tuyến. Nó tạo ra các hormon adrenaline và noradrenaline.
Bốn loại nội tiết tố này rất cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ thể. Chúng có nhiều chức năng quan trọng tham gia vào hoạt động sống của cơ thể:
- Sự trao đổi chất
- Kiểm soát đường máu
- Kiểm soát huyết áp
- Cân bằng nước và điện giải
- Điều hòa thai kỳ
- Phát triển giới tính trước và trong tuổi dậy thì
- Tạo phản ứng tự vệ giúp cơ thể đối mặt với stress.
- Tạo sự cân bằng giữa các hormon giới tính estrogen và testosterone
Các rối loạn của đến tuyến thượng thận
Đôi khi, tuyến thượng thận sản xuất quá nhiều hoặc không đủ các hormon kể trên. Tình trạng này được gọi là rối loạn tuyến thượng thận.
Dưới đây là các rối loạn tuyến thượng thận phổ biến nhất.
Suy tuyến thượng thận và bệnh Addison
Khi tuyến thượng thận không tạo đủ cortisol, nó gây ra tình trạng suy tuyến thượng thận. Có ba loại suy thượng thận:
- Suy tuyến thượng thận nguyên phát hoặc bệnh Addison: Tình trạng này xuất hiện khi bản thân tuyến thượng thận không hoạt động tốt và không thể tạo đủ cortisol.
- Suy thượng thận thứ phát: Tình trạng này xảy ra khi tuyến yên không sản xuất đủ hormon gọi là adrenocorticotropin (ACTH). Nếu không có ACTH, tuyến thượng thận không nhận được tín hiệu để tổn hợp nên cortisol.
- Suy thượng thận cấp ba: Là một dạng thứ phát xảy ra khi não không thể sản xuất đủ hormon giải phóng corticotropin (CRH). Nếu không có CRH, tuyến yên không thể tạo ACTH. Điều này có nghĩa là tuyến thượng thận không thể tạo đủ cortisol.
Video: suy tuyến thượng thận do lạm dụng corticoid
Có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn gây ra suy tuyến thượng thận như:
- Bệnh tự miễn, là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh Addison, theo Viện Quốc gia về Đái tháo đường, bệnh tiêu hóa và bệnh thận
- Bất thường tuyến thượng thận bẩm sinh
- U của tuyến thượng thận hoặc u di căn tuyến thượng thận
- Nhiễm trùng, bệnh lao
- Lạm dụng corticosteroid trong một thời gian dài và sau đó đột ngột dừng lại
- Suy giảm miễn dịch, HIV/ AIDS
- Ung thư tuyến thượng thận
- Chấn thương sọ não
Những người mắc bệnh Addison thường sẽ bị thiếu hụt aldosterone cũng như cortisol. Các triệu chứng của suy tuyến thượng thận có thể khó phát hiện. Chúng có thể tiến triển từ từ, vì vậy người bệnh thường bị nhầm lẫn với tình trạng bệnh lý khác.
Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:
- Luôn cảm thấy mệt mỏi hoặc mất năng lượng
- Sụt cân không giải thích được
- Ăn mất ngon
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Tiêu chảy
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu khi đứng lên
- Huyết áp thấp
- Đường huyết thấp
- Kinh nguyệt không đều, mất kinh hoặc mãn kinh sớm
- Thèm muối hoặc thức ăn mặn
- Đau khớp
- Sạm da, đặc biệt là trên sẹo, môi, nếp gấp da và khớp
- Lo âu, trầm cảm
Suy tuyến thượng thận là bệnh cần điều trị sớm. Nếu không có đủ cortisol, người bệnh có nguy cơ suy tuyến thượng thận cấp, còn gọi là cơn bão thượng thận. Các dấu hiệu và triệu chứng của suy tuyến thượng thận cấp bao gồm:
- Nôn nhiều, tiêu chảy
- Ngất xỉu
- Tụt huyết áp
- Đau bụng, đau lưng dưới hoặc đùi
Người bệnh khi gặp cơn bão thượng thận cần được xử trí cấp cứu ngay. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong.
U thượng thận
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS), ung thư tuyến thượng thận rất hiếm, gặp ở 200 người Mỹ mỗi năm. Trong đó, các khối u lành tính thuộc tuyến thượng thận gặp phổ biến hơn. Có một số loại khối u thượng thận, bao gồm:
- U tuyến vỏ thượng thận (Adenomas): Hầu hết các khối u thuộc vùng vỏ thượng thận là u tuyến. Đây là những khối u lành tính của vỏ thượng thận. Tuy nhiên, bác sĩ có thể cần phải loại bỏ chúng nếu chúng cản trở chức năng tuyến thượng thận hoặc đạt đến một kích thước nhất định.
- Ung thư biểu mô vỏ thượng thận: Mặc dù hiếm gặp, loại ung thư này có thể xuất hiện ở phần vỏ thượng thận, là phần bên ngoài của tuyến thượng thận.
- U nguyên bào thần kinh: Ung thư này xảy ra trong thời thơ ấu và có thể bắt đầu ở tủy, là phần bên trong của tuyến thượng thận.
- U tủy thượng thận: Đây là một khối u thần kinh nội tiết ảnh hưởng đến tủy thượng thận, gây ra tăng cao adrenaline trong máu.
Các thống kê cho thấy rằng hầu hết các khối u trong tuyến thượng thận không phải là nguyên phát. Thay vào đó, chúng thường do các bệnh ung thư khác, chẳng hạn như ung thư vú hoặc ung thư phổi, di căn đến tuyến thượng thận.
Một số dấu hiệu và triệu chứng của ung thư tuyến thượng thận bao gồm:
- Tăng hoặc giảm cân không giải thích được
- Tăng huyết áp
- Tăng đường máu hoặc có bệnh tiểu đường
- Hạ kali máu
- Lo lắng, hồi hộp, trống ngực, tinh thần hoảng loạn
- Tim đập nhanh
- Đổ quá nhiều mồ hôi
- Đau đầu
- Đau bụng
- Yếu ớt
- Mọc tóc bất thường
- Mụn trứng cá
- Thay đổi bộ phận sinh dục hoặc ham muốn tình dục
Hội chứng Cushing
Những người mắc hội chứng Cushing có tuyến thượng thận sản xuất quá nhiều cortisol. Nguyên nhân phổ biến nhất của điều này là sử dụng các loại thuốc gọi là glucocorticoid trong thời gian dài và ở liều lượng cao.
Glucocorticoid giúp điều trị nhiều bệnh như hen phế quản, viêm khớp dạng thấp và lupus. Chúng hoạt động giống như cortisol trong cơ thể.
Một số khối u cũng có thể gây ra hội chứng Cushing như:
- U tuyến yên: Đây là những khối u lành tính trên tuyến yên. Chúng có thể làm cho tuyến yên sản xuất quá nhiều ACTH, dẫn đến sản xuất quá nhiều cortisol.
- Các khối u sản xuất ACTH ngoài tử cung. Chúng tạo ra quá nhiều ACTH nhưng không nằm trên tuyến yên. Thay vào đó, chúng có thể nằm trên phổi, tuyến tụy, tuyến giáp hoặc các khu vực khác.
- U vỏ thượng thận hoặc các khối u tuyến thượng thận khác
Một số dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng Cushing bao gồm:
- Tích tụ mỡ quanh cổ
- U mỡ vùng vai
- Mặt tròn
- Tăng cân không giải thích được
- Tay và chân gầy
- Bầm tím
- Vết rạn da rộng, có màu tím ở bụng, hông và ngực
- Lông thừa ở mặt, cổ, ngực, bụng và đùi (ở nữ)
- Kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh nguyệt (ở nữ giới)
- Giảm khả năng sinh sản, giảm ham muốn tình dục hoặc rối loạn cương dương (ở nam giới)
- Béo phì và chậm lớn (ở trẻ em)
Tăng sản thượng thận bẩm sinh
Tăng sản thượng thận bẩm sinh (CAH) thường gây ra do một bất thường di truyền. Điều này có nghĩa đây là bệnh bẩm sinh. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể không rõ ràng ngay từ đầu. Người bệnh CAH sẽ không có đủ enzym để tạo ra hooc môn cortisol. Kết quả là họ có thể có rất ít cortisol hoặc không có. Nhiều người bị CAH cũng có mức aldosterone thấp.
Có hai loại CAH:
Tăng sản thượng thận bẩm sinh thể cổ điển
CAH cổ điển là loại nặng hơn. Các bác sĩ thường chẩn đoán nó ngay từ khi mới sinh hoặc trong thời kỳ sơ sinh. Trẻ sơ sinh bị CAH cổ điển có thể có bộ phận sinh dục to ra. Chúng cũng có thể có các triệu chứng khác, chẳng hạn như nôn mửa hoặc sụt cân. Nếu trẻ sơ sinh không được điều trị kịp thời, CAH cổ điển có thể dẫn đến sốc, hôn mê hoặc tử vong.
Thể CAH không cổ điển
CAH không cổ điển là một tình trạng nhẹ không đe dọa đến tính mạng. Trong những năm đầu đời, các triệu chứng thường không rõ ràng cho đến tuổi thơ ấu hoặc trưởng thành.
Một số dấu hiệu và triệu chứng của bệnh:
- Trẻ phát triển nhanh khi còn nhỏ
- Xuất hiện mụn trứng cá sớm, lông mu hoặc lông nách
- Da khô
- Nữ giới mọc râu, có mụn trứng cá hoặc giọng nói trầm ở nữ
Chẩn đoán rối loạn tuyến thượng thận
Bác sĩ có thể thực hiện nhiều xét nghiệm khác nhau để chẩn đoán chứng rối loạn tuyến thượng thận. Các xét nghiệm bao gồm:
- Xét nghiệm nước tiểu
- Xét nghiệm máu
- X quang
- Chụp CT
- Chụp MRI
Các xét nghiệm sẽ khác nhau tùy thuộc vào các triệu chứng và tiền sử bệnh của mỗi người.
Điều trị tuyến thượng thận
Điều trị rối loạn tuyến thượng thận phụ thuộc vào chứng rối loạn cụ thể mà một người mắc phải và nguyên nhân gây ra nó.
Các phương pháp điều trị như:
- Thuốc để khôi phục sự cân bằng hormon thích hợp
- Dần dần ngừng thuốc glucocorticoid và chuyển sang một loại thuốc khác
- Phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị để điều trị ung thư
- Phẫu thuật cắt bỏ khối u hoặc tuyến thượng thận bị ảnh hưởng
Tiên lượng tuyến thượng thận
Nếu chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, nhiều người bị rối loạn tuyến thượng thận có thể sống khỏe mạnh. Ngày nay, thuốc và các lựa chọn phẫu thuật làm cho tiên lượng của bệnh tốt hơn nhiều.
Những điểm cần nhớ
Các tuyến thượng thận chịu trách nhiệm sản xuất một số hormon quan trọng trong cơ thể.
Các tình trạng rối loạn tuyến thượng thận có thể nặng, nhưng hiện y học có nhiều phương pháp điều trị đem lại cơ hội sống tốt, giúp người bệnh có một cuộc sống khỏe mạnh.
Những người có các triệu chứng của rối loạn tuyến thượng thận nên đi khám sớm. Chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp người bệnh kiểm soát bệnh tốt và ngăn ngừa biến chứng.
Xem thêm: