Tiêu chảy: Nguyên nhân, chẩn đoán, các biện pháp điều trị và phòng ngừa

Ruột non và đại tràng là một phần của đường tiêu hóa. Đây là nơi xử lý thức ăn và hấp thu các chất dinh dưỡng. Phần thức ăn không được hấp thu sẽ tiếp tục đi theo đường tiêu hóa và được thải ra ngoài theo phân.

Tiêu chảy được định nghĩa là tình trạng đi ngoài phân lỏng bất thường từ 3 lần trở lên trong 24 giờ. Đây là một tình trạng phổ biến, nó có thể biểu hiện đơn lẻ hoặc kết hợp với các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn, đau bụng hoặc sút cân.

Video: Hiểu về tiêu chảy cấp, tránh những sai lầm khi dùng thuốc điều trị

Tuy nhiên, tiêu chảy thường chỉ kéo dài vài ngày. Đối với trường hợp tiêu chảy kéo dài hơn vài ngày đến vài tuần, nó thường liên quan đến tình trạng khác như hội chứng ruột kích thích (Irritable bowel syndrome – IBS) hoặc các tình trạng nhiễm trùng dai dẳng hơn như trong bệnh Celiac hoặc bệnh viêm ruột (Inflammatory bowel disease – IBD).

Tiêu chảy có thể xuất hiện do bất thường ở ruột non hoặc đại tràng. Nguồn ảnh: Mayoclinic.orgTiêu chảy có thể xuất hiện do bất thường ở ruột non hoặc đại tràng. Nguồn ảnh: Mayoclinic.org

 

Triệu chứng đi kèm với tiêu chảy

Các dấu hiệu và triệu chứng đi kèm với tình trạng tiêu chảy (phân lỏng, nhiều nước) có thể là:

  • Đau quặn bụng
  • Chướng bụng
  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Sốt
  • Phân có máu
  • Phân có nhầy
  • Mót rặn

Khi nào cần đi khám

Đối với người lớn, hãy đến gặp bác sĩ nếu:

  • Tiêu chảy kéo dài hơn 2 ngày mà không cải thiện
  • Xuất hiện tình trạng mất nước
  • Tiêu chảy kèm đau bụng hoặc đau hậu môn dữ dội
  • Phân có máu hoặc phân đen
  • Sốt trên 39oC

Ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, tiêu chảy có thể nhanh chóng dẫn đến tình trạng mất nước. Hãy cho trẻ đi khám bác sĩ nếu bệnh tiêu chảy của trẻ không cải thiện trong vòng 24 giờ hoặc trẻ xuất hiện các dấu hiệu:

  • Mất nước
  • Sốt trên 39oC
  • Phân có máu hoặc phân đen

Nguyên nhân gây tiêu chảy

Một số bệnh lý và tác nhân có thể gây tiêu chảy, bao gồm:

  • Virus. Các loại virus có thể gây tiêu chảy bao gồm virus Norwalk (còn được gọi là norovirus), adenovirus, astrovirus, cytomegalovirus và virus viêm gan. Rotavirus là nguyên nhân phổ biến gây tiêu chảy cấp ở trẻ em. Coronavirus 2019 (COVID-19) cũng có thể gây ra các triệu chứng đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn và tiêu chảy.
  • Vi khuẩn và ký sinh trùng. Tiếp xúc với các vi khuẩn gây bệnh như E. coli hoặc ký sinh trùng qua thức ăn hoặc nước bị ô nhiễm sẽ gây ra tình trạng tiêu chảy. Khi đi du lịch ở các nước đang phát triển, tiêu chảy do vi khuẩn và ký sinh trùng gây ra thường được gọi là bệnh tiêu chảy du lịch. Clostridium difficile (còn được gọi là C. diff) cũng là một loại vi khuẩn có khả năng gây bệnh tiêu chảy. Nó có thể xuất hiện sau một đợt dùng thuốc kháng sinh hoặc trong khi nằm viện.
  • Thuốc. Một số loại thuốc như thuốc kháng sinh có thể gây tiêu chảy. Thuốc kháng sinh làm giảm tình trạng nhiễm trùng bằng cách tiêu diệt vi khuẩn có hại, tuy nhiên chúng cũng làm chết các vi khuẩn có lợi, dẫn đến sự mất cân bằng tự nhiên của hệ vi khuẩn đường ruột, gây tiêu chảy hoặc bội nhiễm một số vi khuẩn như C. diff. Các loại thuốc khác có thể gây tiêu chảy là thuốc chống ung thư và thuốc kháng axit dạ dày có chứa magiê.
  • Không dung nạp lactose. Lactose là một loại đường có trong sữa và các sản phẩm từ sữa. Những người khó tiêu hóa lactose sẽ bị tiêu chảy sau khi ăn các sản phẩm từ sữa. Tình trạng không dung nạp lactose có thể tăng dần theo tuổi tác vì nồng độ của enzym tiêu hóa lactose giảm dần theo tuổi.
  • Fructose. Fructose là một loại đường tự nhiên có trong trái cây và mật ong. Đôi khi, nó được thêm vào một số loại đồ uống nhất định để tạo ngọt. Những người khó tiêu hóa fructose có thể bị tiêu chảy.
  • Chất tạo ngọt tổng hợp. Sorbitol, erythritol và mannitol là những chất tạo ngọt tổng hợp. Những loại đường không thể hấp thu này có thể được tìm thấy trong kẹo cao su và các sản phẩm không đường khác. Chúng có thể gây tiêu chảy ở một số người khỏe mạnh.
  • Phẫu thuật. Phẫu thuật cắt đoạn đại tràng hoặc cắt túi mật đôi khi có thể gây tiêu chảy.
  • Các rối loạn tiêu hóa khác. Tiêu chảy kéo dài có thể do một số nguyên nhân khác như hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, bệnh Celiac, viêm đại tràng vi thể và hội chứng loạn khuẩn ở ruột non (Small intestinal bacterial overgrowth – SIBO).

Các biến chứng của tiêu chảy

Tiêu chảy có thể gây ra tình trạng mất nước. Mất nước nặng có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị. Tình trạng mất nước đặc biệt nguy hiểm nếu xảy ra ở trẻ em, người lớn tuổi và những người suy giảm miễn dịch.

Nếu người bị tiêu chảy có dấu hiệu mất nước nghiêm trọng, hãy đưa họ đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Dấu hiệu mất nước ở người lớn

Bao gồm các triệu chứng sau:

  • Khát
  • Khô miệng, khô da
  • Đi tiểu ít hoặc bí tiểu
  • Suy nhược, chóng mặt hoặc choáng váng
  • Mệt mỏi
  • Nước tiểu sẫm màu

Dấu hiệu mất nước ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Tiêu chảy ở trẻ nhỏ có thể nhanh chóng dẫn tới dấu hiệu mất nước nếu không được kiểm soát kịp thời. Nguồn ảnh: Parenting.firstcry.comTiêu chảy ở trẻ nhỏ có thể nhanh chóng dẫn tới dấu hiệu mất nước nếu không được kiểm soát kịp thời. Nguồn ảnh: Parenting.firstcry.com

Bao gồm các triệu chứng:

  • Tã khô từ 3 tiếng trở lên
  • Khô miệng, khô lưỡi
  • Sốt trên 39oC
  • Khóc không có nước mắt
  • Ngủ gà, không phản ứng hoặc quấy khóc
  • Mắt trũng, má hóp, nếp véo da bụng mất chậm

Phòng ngừa tiêu chảy

Phòng ngừa tiêu chảy do nhiễm khuẩn

Rửa tay là biện pháp ngăn ngừa lây lan bệnh tiêu chảy do nhiễm khuẩn. Hãy rửa tay đúng cách theo hướng dẫn sau:

  • Rửa tay thường xuyên. Rửa tay trước và sau khi chế biến thức ăn. Rửa tay sau khi tiếp xúc với thịt chưa nấu chín, sau khi đi vệ sinh, thay tã, hắt hơi, ho và xì mũi.
  • Rửa tay với xà phòng trong ít nhất 20 giây. Sau khi cho xà phòng lên tay, hãy xoa hai lòng bàn tay trong ít nhất 20 giây.
  • Sử dụng nước rửa tay khô khi không thể rửa tay bằng xà phòng. Hãy sử dụng nước rửa tay khô chứa cồn khi không thể rửa tay bằng xà phòng. Lấy một lượng vừa đủ nước rửa tay khô và thực hiện các bước như khi rửa tay thông thường, rửa cả mu tay và gan tay. Hãy sử dụng nước rửa tay khô có chứa ít nhất 60% cồn.

Xem chi tiết: Các bước rửa tay đúng cách

Sử dụng vắc xin

Bạn có thể phòng ngừa tiêu chảy do Rotavirus ở trẻ sơ sinh bằng vắc xin. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy ở trẻ em. Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ về việc sử dụng vắc xin này.

Phòng ngừa tiêu chảy du lịch

Tiêu chảy thường xuất hiện ở những người đi du lịch đến các quốc gia có điều kiện vệ sinh không đảm bảo hay do thực phẩm bị ô nhiễm. Dưới đây là một số biện pháp giảm nguy cơ tiêu chảy du lịch:

  • Cẩn trọng với những gì bạn ăn. Hãy ăn thức ăn nóng, được nấu chín kỹ. Bạn nên tránh ăn trái cây và rau sống trừ khi bạn có thể tự gọt vỏ. Bạn cũng nên tránh các loại thịt sống hoặc chưa nấu chín và các loại sản phẩm từ sữa.
  • Cẩn trọng với những gì bạn uống. Bạn có thể uống nước khoáng, nước ngọt, bia rượu đóng chai. Tránh sử dụng nước máy hay đá viên. Hãy sử dụng nước đóng chai ngay cả khi đánh răng. Không được để nước chảy vào miệng trong khi tắm.

Bạn có thể sử dụng đồ uống được pha bằng nước đun sôi như cà phê hoặc trà. Hãy nhớ rằng rượu và cà phê có thể làm tình trạng tiêu chảy và tình trạng mất nước trở nên trầm trọng hơn.

  • Hỏi ý kiến của bác sĩ về việc sử dụng thuốc kháng sinh. Nếu bạn đi du lịch dài ngày ở nơi có điều kiện vệ sinh kém, hãy nhờ bác sĩ tư vấn về các loại thuốc kháng sinh trước khi đi, đặc biệt nếu bạn bị suy giảm miễn dịch.
  • Kiểm tra các cảnh báo du lịch. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (The Centers for Disease Control and Prevention – CDC) có một trang web đăng tải các cảnh báo dịch bệnh ở nhiều quốc gia khác nhau. Nếu bạn định đi du lịch nước ngoài, hãy kiểm tra thông tin trên trang web đó để biết các cảnh báo và mẹo để giảm thiểu nguy cơ cho bản thân.

Chẩn đoán bệnh tiêu chảy

Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử, kiểm tra các loại thuốc đã dùng, tiến hành thăm khám và có thể chỉ định các xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây tiêu chảy. Các xét nghiệm có thể là:

  • Xét nghiệm máu. Xét nghiệm công thức máu toàn phần, điện giải đồ và xét nghiệm chức năng thận có thể giúp đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh tiêu chảy.
  • Xét nghiệm phân. Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm phân để tìm vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây tiêu chảy.
  • Xét nghiệm hơi thở hydro (Hydrogen breath test). Xét nghiệm này có thể xác định tình trạng không dung nạp lactose. Sau khi người bệnh uống dung dịch đường lactose, bác sĩ sẽ đo nồng độ hydro trong hơi thở của người bệnh một cách đều đặn. Nồng độ hydro trong hơi thở cao cho thấy tình trạng không tiêu hóa và không hấp thu hoàn toàn lactose.
  • Nội soi đại trực tràng toàn bộ hoặc nội soi đại tràng sigma ống mềm. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ đưa một ống dài đi qua trực tràng để quan sát bên trong đại tràng. Thiết bị này cũng cho phép bác sĩ lấy một mẫu mô nhỏ (sinh thiết) từ đại tràng. Nội soi đại tràng sigma ống mềm giúp đánh giá đại tràng sigma trong khi nội soi đại trực tràng toàn bộ có thể quan sát toàn bộ đại tràng.
  • Nội soi đường tiêu hóa trên. Thủ thuật này sử dụng một ống dài có gắn camera ở đầu để quan sát bên trong dạ dày và đoạn đầu của ruột non. Bác sĩ có thể lấy một mẫu mô (sinh thiết) để làm xét nghiệm.

Điều trị tiêu chảy

Hầu hết các trường hợp tiêu chảy cấp sẽ tự khỏi trong vòng vài ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu bạn đã thực hiện thay đổi lối sống và các biện pháp điều trị tiêu chảy tại nhà mà không thành công, bác sĩ có thể chỉ định một số thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác.

Thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng ký sinh trùng

Thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng ký sinh trùng có thể điều trị tiêu chảy do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây ra. Thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng với các trường hợp tiêu chảy do virus.

Bù dịch

Đối với người lớn, đa số các trường hợp sẽ bù dịch bằng cách uống nước có chất điện giải, nước trái cây hoặc nước canh. Nếu các loại nước này gây đau bụng hoặc gây nôn, bác sĩ có thể chỉ định truyền dịch qua đường tĩnh mạch.

Đối với những người bị tiêu chảy, nước lọc không thể thay thế hoàn toàn các loại dịch khác vì nó không chứa muối và chất điện giải (như natri và kali) cần thiết cho cơ thể. Bạn có thể bổ sung chất điện giải bằng nước trái cây để cung cấp kali hoặc nước canh để cung cấp natri. Tuy nhiên, một số loại nước trái cây như nước táo có thể làm tiêu chảy nặng hơn.

Đối với trẻ em, hãy nhờ bác sĩ tư vấn về việc uống Oresol để ngăn ngừa mất nước hoặc bù dịch.

Thay đổi thuốc bạn đang dùng

Nếu bạn bị tiêu chảy do thuốc kháng sinh, bác sĩ có thể giảm liều hoặc đổi sang một loại thuốc khác.

Điều trị các bệnh lý nền

Bác sĩ sẽ điều trị các bệnh lý có sẵn nếu chúng gây ra tình trạng tiêu chảy của bạn. 

Thay đổi lối sống và các biện pháp chăm sóc tại nhà đối với bệnh tiêu chảy

Người bị tiêu chảy cần tránh các thực phẩm nhiều dầu mỡ, nhiều chất xơ và gia vị. Nguồn ảnh: Everydayhealth.comNgười bị tiêu chảy cần tránh các thực phẩm nhiều dầu mỡ, nhiều chất xơ và gia vị. Nguồn ảnh: Everydayhealth.com

Tiêu chảy thường khỏi nhanh mà không cần điều trị. Bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau để làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng cho đến khi hết tiêu chảy:

  • Uống nhiều nước như nước lọc, nước canh và nước trái cây. Tránh uống cà phê và rượu bia.
  • Bổ sung từ từ các loại thức ăn mềm và ít chất xơ vào chế độ ăn khi nhu động ruột trở lại bình thường. Bạn có thể ăn bánh quy mặn, bánh mì nướng, trứng, cơm hoặc thịt gà.
  • Tránh một số loại thực phẩm như các sản phẩm từ sữa, thức ăn nhiều giàu mỡ, nhiều chất xơ hoặc nhiều gia vị trong khi bị tiêu chảy.
  • Cân nhắc sử dụng thuốc chống tiêu chảy. Thuốc chống tiêu chảy không kê đơn như loperamide và bismuth có thể giúp giảm số lần tiêu chảy và kiểm soát các triệu chứng nghiêm trọng.

Tiêu chảy do một số bệnh lý và mầm bệnh (vi khuẩn và ký sinh trùng) có thể nặng hơn khi dùng những loại thuốc này vì chúng ngăn cản cơ thể đào thải tác nhân gây ra tiêu chảy. Các loại thuốc này không được khuyến cáo cho trẻ em. Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng các loại thuốc này cho bản thân hoặc cho trẻ.

  • Cân nhắc dùng men vi sinh. Men vi sinh có thể giúp khôi phục sự cân bằng vốn có của hệ vi khuẩn đường ruột bằng cách tăng số lượng lợi khuẩn, tuy nhiên chưa có bằng chứng về khả năng làm giảm số lần đi ngoài của men vi sinh. Men vi sinh có thể ở dạng viên nang hoặc men uống. Nó cũng có thể được thêm vào thực phẩm như một số loại sữa chua có bổ sung men vi sinh. Cần nhiều nghiên cứu sâu hơn để tìm chủng vi khuẩn có ích nhất hoặc liều lượng cần thiết nhất đối với bệnh tiêu chảy.

Chuẩn bị trước khi đi khám

Nếu bị tiêu chảy nặng hoặc tiêu chảy kéo dài, bạn có thể đi khám chuyên khoa tiêu hóa. Dưới đây là một số thông tin bạn nên chuẩn bị trước khi đi khám.

Những điều nên làm

Khi bạn đặt lịch khám, hãy hỏi xem bạn có cần chuẩn bị trước không, ví dụ như nhịn ăn trước khi làm một số xét nghiệm nhất định. Bạn có thể liệt kê:

  • Các triệu chứng và thời gian bắt đầu xuất hiện, kể cả các triệu chứng không liên quan đến bệnh tiêu chảy.
  • Các thông tin cá nhân quan trọng, bao gồm cả các vấn đề gây căng thẳng, các thay đổi trong cuộc sống hoặc các chuyến du lịch gần đây.
  • Tất cả các loại thuốc, vitamin hoặc thực phẩm chức năng bạn đang dùng và liều lượng mỗi ngày. Nếu gần đây bạn đã dùng thuốc kháng sinh, hãy lưu ý loại thuốc, thời điểm bắt đầu sử dụng và thời điểm ngừng thuốc.
  • Các thắc mắc muốn được bác sĩ giải đáp.

Đối với bệnh tiêu chảy, một số câu hỏi có thể đặt ra là:

  • Nguyên nhân nào có thể gây ra các triệu chứng của tôi?
  • Có phải loại thuốc tôi đang dùng đã gây ra tiêu chảy hay không?
  • Tôi cần làm những xét nghiệm nào?
  • Tình trạng tiêu chảy này có thể khỏi hoàn toàn hay sẽ tiến triển thành mạn tính?
  • Phương pháp điều trị nào phù hợp với tôi nhất?
  • Có phương pháp điều trị thay thế khác không?
  • Tôi có những bệnh lý kèm theo khác. Làm thế nào để có thể kết hợp kiểm soát các bệnh này tốt nhất?
  • Tôi có phải kiêng hoặc tránh điều gì không?
  • Tôi có thể dùng thuốc chống tiêu chảy như loperamide để làm giảm tiêu chảy không?

Ngoài những câu hỏi đã được chuẩn bị, bạn đừng ngần ngại hỏi thêm những câu hỏi khác khi gặp bác sĩ.

Các câu hỏi của bác sĩ

Bác sĩ có thể sẽ đặt một số câu hỏi như:

  • Các triệu chứng của bạn bắt đầu từ khi nào?
  • Các triệu chứng xuất hiện liên tục hay ngắt quãng?
  • Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng? 
  • Có điều gì làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bạn không?
  • Có biện pháp nào giúp cải thiện các triệu chứng của bạn không?
  • Tiêu chảy có làm bạn thức giấc vào ban đêm không?
  • Khi đi ngoài bạn có thấy phân có máu hoặc phân đen không?
  • Gần đây bạn có tiếp xúc với người bị tiêu chảy không?
  • Gần đây bạn có nằm viện hoặc vào viện dưỡng lão không?
  • Gần đây bạn có dùng thuốc kháng sinh không?

Bạn có thể làm gì trước khi khám?

Trước khi đi khám, bạn có thể giảm bớt các triệu chứng bằng cách:

  • Uống các loại nước. Để tránh mất nước, hãy uống nước lọc, nước trái cây và nước canh.
  • Tránh ăn các loại thực phẩm có thể làm bệnh tiêu chảy nặng thêm. Tránh thức ăn nhiều giàu mỡ, nhiều chất xơ hoặc nhiều gia vị.

Xem thêm: 

Câu hỏi liên quan

Bù đủ nước và điện giải cho bé bị tiêu chảy Đảm bảo dinh dưỡng cho bé bị tiêu chảy Bổ sung vi chất cho trẻ Không tự ý sử dụng kháng sinh một cách bừa bãi
Xem thêm
Bù nước và điện giải với dung dịch Oresol: Probiotics: Điều chỉnh chế độ ăn Thuốc kháng sinh điều trị tiêu chảy cho phụ nữ có thai Thuốc điều trị các nguyên nhân gây tiêu chảy khác
Xem thêm
Việc mẹ bị tiêu chảy có nên cho con bú hay không phụ vào tình trạng bệnh, nguyên nhân gây bệnh ở người mẹ và mẹ có đang dùng thuốc hay không. Thông thường, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu chảy ở sản phụ là do đường ruột vẫn chưa hoạt động bình thường sau khi sinh con. Bên cạnh đó là chế độ ăn uống đặc biệt của mẹ sau sinh sẽ khiến tiêu hóa gặp khó khăn ở thời điểm đầu vì chưa thể thích nghi. Vì vậy, mẹ bị tiêu chảy có nên cho con bú hay không trong trường hợp này thì các mẹ cũng không cần quá lo lắng mà hãy tiếp tục cho con bú bình thường nhé.
Xem thêm
Vậy bị tiêu chảy có phải dấu hiệu mang thai sớm không? Trên thực tế, vẫn có những trường hợp bị tiêu chảy liên tục trong những tuần đầu tiên của thai kỳ. Biểu hiện khác thường này của cơ thể khiến không ít các chị em cảm thấy lo lắng vì sợ sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của phôi thai. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu chảy liên tục là do khi mới bắt đầu mang thai, cơ thể bạn sẽ tăng cường sản xuất chất thải nhiều hơn so với bình thường. Tình trạng bị tiêu chảy có thể khiến cơ thể bị mất nước, vì vậy các chị em nên chú ý uống thật nhiều nước để bổ sung nước cho cơ thể. Đồng thời, hạn chế sử dụng các loại trà, cà phê, rượu, thức ăn mặn… và có chế độ nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý. Nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm thì các chị em nên đến gặp bác sĩ thăm khám để tránh nguy cơ bị viêm bàng quang hoặc ngộ độc thực phẩm
Xem thêm
Trẻ sơ sinh tiêu chảy bị mất nước mức độ nhẹ: Khô miệng, khô mắt, khi khóc chảy ít nước mắt hoặc rất ít Đi tiểu ít hơn bình thường Bé quấy khóc, mệt mỏi. .Trẻ sơ sinh tiêu chảy bị mất nước mức độ trung bình: Da khô Mắt trũng Bé lờ đờ, li bì. Trẻ sơ sinh tiêu chảy bị mất nước mức độ nặng: Thóp trũng, da mất khả năng đàn hồi Trẻ không đi tiểu trong khoảng 6 giờ Người bé rất lờ đờ, đuối sức, thậm chí hôn mê bất tỉnh Mạch đập nhanh, tụt huyết áp.
Xem thêm
4.1. Thuốc tiêu chảy Berberin 4.2. Thuốc tiêu chảy Diphenoxylate 4.3. Thuốc tiêu chảy Loperamid 4.4. Thuốc tiêu chảy Codein 4.5. Thuốc tiêu chảy Pepto Bismol 4.6. Thuốc tiêu chảy Racecadotril 4.7. Thuốc Smecta 4.8. Kẽm
Xem thêm
Tiêu chảy khi mang thai có nhiều nguyên nhân, các nguyên nhân chính thường là do nhiễm vi khuẩn, virus, nhiễm ký sinh trùng,... do ăn uống không đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, tình trạng tiêu chảy khi mang thai còn bắt nguồn từ một số nguyên nhân khác như sau: Do tình trạng dị ứng hoặc nhạy cảm với thức ăn khi ăn phải thức ăn gây kích ứng đường ruột, thức ăn lạ. Tình trạng này khiến mẹ bầu bị đầy hơi, chướng bụng, và tiêu chảy. Do thay đổi khẩu phần ăn khiến hệ tiêu hóa không kịp thích nghi làm cho mẹ bầu bị tiêu chảy. Do mẹ bầu được cho sử dụng quá nhiều thực phẩm chức năng, vitamin, các chất bổ,... khiến cho hệ tiêu hóa bị quá tải và rối loạn cũng có nguy cơ gây ra hiện tượng tiêu chảy. Do tình trạng thay đổi nội tiết cũng gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa trong thời gian đầu mang thai. Mẹ bầu cũng có khả năng bị mắc các bệnh lý đường tiêu hóa trước đó như: hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn, Celiac, viêm loét đại trực tràng chảy máu,...
Xem thêm
Việc mẹ bầu bị tiêu chảy không những ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn gây tác động xấu đến sự phát triển của thai nhi trong bụng. Cụ thể, mẹ bị mệt mỏi, ăn uống kém, mất nước, suy kiệt,... khiến thai bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển, nguy hiểm nhất là tình trạng thai chết lưu trong bụng mẹ.
Xem thêm
Một số nguyên nhân khác không phổ biến như: uống nhiều rượu bia, tác dụng phụ của một số loại thuốc hay tình trạng quá lo lắng. Ngoài ra, mắc các bệnh về đường tiêu hóa gây ra tiêu chảy mạn tính. Khi ở giai đoạn đầu có thể nhầm với tiêu chảy cấp, ví dụ như tiêu chảy do viêm loét đại tràng. Theo đó, tiêu chảy nhiễm trùng ở người lớn được chia làm 2 nhóm: Nhóm 1: Tiêu chảy cấp không do xâm nhập có kèm theo đó là sốt và phân máu, nguyên nhân là các viêm ruột xuất tiết do vi khuẩn, kí sinh trùng. Nhóm 2: Tiêu chảy cấp không do xâm nhập không kèm theo tình trạng sốt và phân máu, nguyên nhân thường gặp là nhiễm virus, các nguyên nhân không nhiễm trùng, thuốc, ngộ độc, stress. Phân toàn nước, số lượng nhiều, ít khi kèm đau bụng, ít thay đổi toàn trạng. Bù nước và điện giải hay dịch truyền là một trong các phương pháp điều trị tiêu chảy cấp ở người lớn. Mục đích giúp người bệnh tránh bị mất nước, hay điều trị nếu có mất nước. Chú ý là nếu nghi ngờ mất nước nặng, phải liên hệ ngay với bác sĩ.
Xem thêm
3.1.Chuối 3.2.Cà rốt 3.3.Sữa chua không đường để bù lợi khuẩn cho ruột 3.4.Cơm trắng 3.5.Bánh mì trắng hoặc bánh quy 3.6.Nước dừa 3.7.Trứng gà 3.8.Quả việt quất giàu anthocyanin
Xem thêm
Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Tiêu chảy (bệnh)
Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!