Video: u tuyến thượng thận là gì?
Các hooc môn được sản xuất bởi vỏ thượng thận bao gồm: aldosterone có tác dụng điều hòa huyết áp; androgen là hormon sinh dục nam; và cortisol giúp bảo vệ cơ thể trước tình trạng căng thẳng. Các hooc môn được sản xuất bởi phần tủy thượng thận bao gồm epinephrine và norepinephrine, cũng tham gia điều chỉnh huyết áp.
Các khối u tại tuyến thượng thận có thể khiến các tuyến sản xuất quá mức các hooc môn này, dẫn đến tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, đau đầu, đổ mồ hôi, dễ bầm tím, mệt mỏi, giữ nước và hạ kali, một khoáng chất quan trọng đối với sức khỏe tim mạch. Hầu hết các khối u tuyến thượng thận là lành tính, có nghĩa là không phải ung thư, nhưng chúng vẫn cần được điều trị khi gây ra các triệu chứng.
Phân loại và nguyên nhân gây u thượng thận
Nguyên nhân của khối u tuyến thượng thận chưa được hiểu biết đầy đủ, mặc dù người ta đã ghi nhận một số tình trạng di truyền hiếm gặp làm tăng nguy cơ u. Chúng bao gồm đa u nội tiết loại 2, hội chứng von Hippel-Lindau, hội chứng paraganglioma (u tế bào cận hạch thần kinh) gia đình, u xơ thần kinh loại 1, phức hợp Carney và hội chứng Li-Fraumeni. Có một số loại khối u tuyến thượng thận sẽ cần phải điều trị.
Hội chứng Cushing
Các khối u xuất hiện ở vùng vỏ thượng thận có thể dẫn đến hội chứng Cushing. Khi đó, tuyến thượng thận sản xuất quá nhiều hooc môn cortisol. Các triệu chứng bao gồm tăng cân nhanh chóng - đặc biệt là ở thân và mặt, teo cơ ở tay và chân, rối loạn phân bố mỡ, xuất hiện u mỡ dọc lưng, thường được gọi là “bướu trâu” và các mô mỡ trên mặt, tạo ra bộ mặt Cushing (mặt tròn như mặt trăng). Các triệu chứng khác như da mỏng, dễ bị kích ứng, vết rạn da màu tím trên đùi và bụng, mọc nhiều lông trên mặt, rối loạn cảm xúc như ủ rũ hoặc cáu kỉnh ,và yếu cơ.
Những người mắc hội chứng Cushing có thể mắc các biến chứng khác, chẳng hạn như loãng xương, đái tháo đường típ 2 và tăng huyết áp.
Aldosteronoma (U biểu mô tuyến vỏ thượng thận)
Đây là một khối u lành tính xảy ra ở phần vỏ tuyến thượng thận. Các khối u như thế này khiến tuyến thượng thận sản xuất aldosterone quá mức. Điều này có thể dẫn đến hội chứng Conn, trong đó cơ thể giữ lại natri và nước, dẫn đến đầy hơi và tăng huyết áp nghiêm trọng.
Hội chứng Conn cũng có thể dẫn đến hạ kali máu, một chất điện giải cần thiết trong cơ thể. Nếu không được điều trị, tăng huyết áp do hội chứng Conn có thể dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc suy thận.
U tủy thượng thận (Pheochromocytoma)
Pheochromocytoma là một khối u hiếm gặp, thường nguyên phát ở tủy thượng thận, nơi tạo ra các hooc môn căng thẳng đóng vai trò bảo vệ cơ thể bằng việc tạo ra phản ứng với tình trạng căng thẳng . Pheochromocytoma làm cho tủy thượng thận sản xuất quá mức các hooc môn đáp ứng với căng thẳng như dopamine, norepinephrine và epinephrine. Điều này có thể dẫn đến phản ứng đáp ứng quá mức như tăng huyết áp rất cao, đột quỵ, đau tim và thậm chí tử vong.
Một số ít các khối u này là ác tính hoặc ung thư.
U sản xuất hooc môn tình dục
Mặc dù hiếm gặp, một số khối u tuyến thượng thận tiết ra androgen và các hooc môn khác có vai trò kiểm soát đặc điểm giới tính nam. Các triệu chứng của khối u sản xuất androgen ở trẻ trai bao gồm bắt đầu dậy thì sớm. Ở trẻ em gái và phụ nữ, việc sản xuất androgen dư thừa có thể dẫn đến trầm giọng, mụn trứng cá và lông mọc nhiều.
Những khối u này có tỉ lệ ác tính cao hơn các khối u tuyến thượng thận khác. Các khối u tiết ra cả androgen và các hooc môn tuyến thượng thận bổ sung cũng có nhiều khả năng là ác tính. Các khối u ác tính có thể di căn đến các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như các cơ quan lân cận trong ổ bụng hoặc các hạch bạch huyết.
Ung thư biểu mô vỏ thượng thận
Ung thư biểu mô vỏ thượng thận là một bệnh hiếm gặp trong đó các tế bào ác tính hình thành ở phần vỏ tuyến thượng thận. Loại ung thư này có xu hướng tăng sinh mạnh, phát triển nhanh chóng và có thể di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.
Các khối u phát triển nhanh đôi khi khiến tuyến thượng thận tăng sản xuất aldosterone, cortisol và hooc môn sinh dục như androgen. Các triệu chứng của ung thư biểu mô vỏ thượng thận chẳng hạn như huyết áp cao, tăng cân và đái tháo đường thường bị nhầm lẫn với bệnh khác. Đôi khi, bạn đi khám vì các triệu chứng đầu tiên như đau bụng, đau hông lưng.
Ung thư di căn tuyến thượng thận
Một số người bị ung thư vú, phổi, đại trực tràng hoặc các bệnh ung thư khác có thể di căn đến tuyến thượng thận.
U tuyến thượng thận ngẫu nhiên
U tuyến thượng thận ngẫu nhiên là thuật ngữ chỉ các khối u tuyến thượng thận được phát hiện tình cờ trên các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khi được chỉ định để chẩn đoán và điều trị bệnh khác. Hơn 90% các khối u tuyến thượng thận được phát hiện tình cờ là lành tính, nhưng tất cả chúng đều phải được đánh giá và theo dõi thêm. Chúng có thể có bản chất là bất kỳ một trong các loại khối u tuyến thượng thận kể trên.
Chẩn đoán
Xét nghiệm máu và nước tiểu
Các bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu hoặc nước tiểu để kiểm tra nồng độ hooc môn thượng thận trong cơ thể. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cần xét nghiệm mẫu nước tiểu được thu thập trong khoảng thời gian 24 giờ. Xét nghiệm này đánh giá cơ thể bạn sản xuất hooc môn nhanh như thế nào.
Các bác sĩ cũng có thể kiểm tra mức độ bất thường của kali và protein renin. Thận giải phóng renin khi nồng độ natri thấp. Mức độ bất thường của hooc môn aldosterone, natri, kali và renin có thể là dấu hiệu của cường aldosteron do u tuyến thượng thận (aldosteronoma)
Bác sĩ cũng có thể kiểm tra nồng độ cortisol trong máu. Nồng độ cortisol tăng cao là biểu hiện của hội chứng Cushing. Mức độ tăng cao của các hooc môn đáp ứng căng thẳng khác, bao gồm dopamine, norepinephrine và epinephrine, có thể là dấu hiệu của bệnh u pheochromocytoma.
Các bác sĩ cũng có thể chỉ định xét nghiệm định lượng androgen tuyến thượng thận như dehydroepiandrosterone, còn được gọi là DHEA, để xác định xem có khối u tuyến thượng thận sản xuất androgen hay không.
Chẩn đoán hình ảnh
Xét nghiệm nồng độ hooc môn tuyến thượng thận tăng cao có thể khiến các bác sĩ hướng tới chẩn đoán có khối u tuyến thượng thận, còn chẩn đoán hình ảnh sẽ xác nhận khối u đó. Đôi khi thăm dò chẩn đoán hình ảnh được chỉ định khi triệu chứng duy nhất của khối u tuyến thượng thận là đau bụng, đau lưng hông. Thông thường, chẩn đoán hình ảnh tình cờ phát hiện khối u thượng thận khi bác sĩ đang đánh giá một bệnh khác.
Chụp CT
Chụp CT là một dạng X-quang sử dụng máy tính để tạo ra hình ảnh ba chiều, chụp mặt cắt ngang của tuyến thượng thận. Trước khi chụp, bạn có thể cần uống chất phản quang và tiêm thuốc cản quang đường tĩnh mạch để tạo hình ảnh CT tốt hơn. Độ tương phản cho phép các bác sĩ có được hình ảnh rõ ràng của tuyến thượng thận.
Chụp MRI
Một lựa chọn khác để phát hiện khối u tuyến thượng thận là chụp MRI. MRI sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh ba chiều của các cấu trúc trong cơ thể. Trước khi chụp, thuốc cản quang được tiêm vào tĩnh mạch để tăng cường hình ảnh MRI rõ hơn.
Chụp PET (cắt lớp phát xạ positron)
Các bác sĩ có thể sử dụng phương pháp chụp PET để xác định xem u tuyến thượng thận có phải là ung thư hay không. Nếu một người đã được chẩn đoán ung thư, các bác sĩ cũng có thể sử dụng phương pháp chụp PET để xác định xem khối u đã xâm lấn hay di căn đến tuyến thượng thận chưa.
Để thực hiện chụp PET, bác sĩ sẽ tiêm một lượng nhỏ glucose hoặc đường phóng xạ vào tĩnh mạch. Glucose sẽ phân bố vào mô có hoạt tính cao, trong đó có các khối u tăng sinh đang chuyển hóa đường mạnh mẽ. Mô này được phát hiện bởi một máy ảnh đặc biệt. Sau đó, máy tính sẽ tạo ra hình ảnh ba chiều của khối u để cho các bác sĩ biết mức độ hoạt động của u.
Các bác sĩ có thể xác nhận xem một khối u là ác tính hay lành tính bằng xét nghiệm giải phẫu bệnh đối với khối u được lấy ra trong phẫu thuật.
Chụp PET / CT
Nếu bác sĩ cần hình ảnh chi tiết hơn về tuyến thượng thận, họ có thể sử dụng kết hợp chụp PET / CT để đánh giá tuyến. Trong khi phần CT của quá trình quét sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh mặt cắt ngang của cơ thể, thì chụp PET sẽ phát hiện mức độ hoạt động của khối u và đánh giá liệu khối u có khả năng bị ung thư hay không.
Lấy mẫu tĩnh mạch thượng thận
Khi nồng độ aldosterone tăng cao, các bác sĩ có thể chỉ định phương pháp lấy mẫu tĩnh mạch thượng thận. Xét nghiệm này giúp các bác sĩ xác định xem tăng aldosterone là do u tuyến thượng thận hay một tình trạng gọi là tăng sản tuyến thượng thận hai bên, trong đó cả hai tuyến thượng thận đều sản xuất quá nhiều aldosterone.
Để thực hiện xét nghiệm, các bác sĩ đặt một ống thông mỏng lòng rỗng vào tĩnh mạch đùi dẫn đến cả hai tuyến thượng thận. Họ lấy mẫu máu từ cả hai bên. Nếu chỉ có một bên có tăng aldosterone trong máu, nguyên nhân là do u tuyến thượng thận. Còn nếu cả 2 bên đều tăng cao aldosterone, thì nguyên nhân là tăng sản tuyến thượng thận hai bên hoặc một tình trạng khác không phải do u thượng thận.
Điều trị phẫu thuật u thượng thận
Các bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để loại bỏ khối u thượng thận đang gây ra các triệu chứng, còn được gọi là khối u chức năng. Loại bỏ những khối u này giúp bạn tránh được các vấn đề sức khỏe lâu dài, chẳng hạn như tăng huyết áp, đột quỵ, đau tim, tăng cân, đái tháo đường và các vấn đề về thận.
Các bác sĩ phẫu thuật có thể tiến hành loại bỏ khối u có chiều ngang lớn hơn 4 cm vì chúng có nhiều khả năng là ung thư.
Các loại phẫu thuật
Các bác sĩ có thể thực hiện một trong hai phương pháp phẫu thuật: cắt bỏ toàn bộ tuyến thượng thận, hoặc cắt bỏ một phần tuyến thượng thận. Trong phẫu thuật này, bác sĩ tạo vết rạch nhỏ ở bụng, nhưng cũng có thể loại bỏ các khối u tuyến thượng thận qua đường lưng dưới.
Thực hiện phẫu thuật qua lưng có thể cần thiết ở những người đã có sẹo ở bụng trước đó.
Cắt bỏ toàn bộ tuyến thượng thận
Để điều trị các khối u tuyến thượng thận chức năng lớn, các bác sĩ có thể cần phải cắt bỏ toàn bộ tuyến thượng thận. Mặc dù tuyến thượng thận rất cần thiết cho sự sống, nhưng một tuyến thường có thể thực hiện công việc của cả hai. Các bác sĩ cũng loại bỏ toàn bộ tuyến đối với ung thư biểu mô vỏ thượng thận hoặc ung thư di căn tuyến thượng thận từ một u nguyên phát khác của cơ thể.
Cắt bỏ một phần tuyến thượng thận
Cắt bỏ một phần tuyến thượng thận chỉ định đối với khối u lành tính, không phải ung thư trong khi vẫn giữ nguyên phần còn lại của tuyến.
Phương pháp phẫu thuật
Các bác sĩ sẽ cố gắng sử dụng phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu trong các cuộc mổ đủ chỉ định. Các phương pháp này bao gồm phẫu thuật nội soi và có thể có sự hỗ trợ của robot.
Phẫu thuật nội soi
Các bác sĩ thường có thể thực hiện phẫu thuật cắt bỏ phần phụ liên quan và cắt bỏ một phần bằng cách chỉ tạo ba hoặc bốn vết rạch nhỏ ở bụng hoặc lưng. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ sẽ đưa một ống nội soi - một ống mỏng, sáng có camera ở một đầu để tạo ra hình ảnh hai chiều trên màn hình. Các dụng cụ phẫu thuật được đưa vào qua nội soi để loại bỏ khối u.
Các vết mổ nhỏ hơn cho phép mọi người phục hồi nhanh hơn, ít đau và ít sẹo hơn so với phẫu thuật mở.
Phẫu thuật có sự hỗ trợ của robot
Một số trung tâm phẫu thuật có sử dụng rô bốt hỗ trợ trong phẫu thuật cắt bỏ khối u tuyến thượng thận. Thiết bị này bao gồm các dụng cụ phẫu thuật nhỏ gắn trên một số cánh tay robot. Một cánh tay bổ sung có một máy ảnh tạo ra hình ảnh phóng đại, ba chiều trên màn hình máy tính để hướng dẫn bác sĩ phẫu thuật trong quá trình phẫu thuật.
Trong quá trình phẫu thuật, các dụng cụ phẫu thuật và máy ảnh được đưa vào qua các vết rạch nhỏ ở bụng. Bác sĩ phẫu thuật điều khiển các dụng cụ này và máy ảnh từ một bàn điều khiển đặt trong phòng mổ.
Quy trình này cho phép hình dung khối u tốt hơn và các kỹ thuật mổ chính xác hơn.
Bởi vì phẫu thuật có sự hỗ trợ của robot được thực hiện cùng với hình ảnh siêu âm thời gian thực, việc sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của cơ thể, nên các bác sĩ có thể xác định và loại bỏ khối u dễ dàng hơn.
Hầu hết những người đã phẫu thuật cắt bỏ tuyến thượng thận bằng robot đều được xuất viện sau một đến ba ngày, trong khi mổ mở cần thời gian nằm viện từ 4 đến 5 ngày.
Phẫu thuật mở
Trong quá trình phẫu thuật mở, các bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường dài ở bụng để loại bỏ khối u tuyến thượng thận. Phẫu thuật mở có thể được áp dụng ở những người có mô sẹo ở bụng, vì sẹo có thể khiến các phương pháp xâm lấn tối thiểu trở nên khó khăn hơn. Các bác sĩ cũng có thể sử dụng phẫu thuật mở để loại bỏ các khối u tuyến thượng thận ung thư lớn.
Cắt bỏ khối u tuyến thượng thận có thể giúp khôi phục mức hooc môn bình thường cho cơ thể, nhưng các bác sĩ có thể cần kê đơn thuốc trước, trong hoặc sau khi phẫu thuật để giảm tác dụng phụ nguy hiểm của nồng độ hooc môn tăng cao, chẳng hạn như tăng huyết áp. Họ cũng có thể đề nghị hóa trị để tiêu diệt các khối u tuyến thượng thận hiếm gặp, đối với ung thư biểu mô vỏ thượng thận.
Các thuốc điều trị
Các bác sĩ kê đơn thuốc trước hoặc sau khi phẫu thuật để giảm mức độ hooc môn dư thừa trong cơ thể. Ví dụ: nếu u pheochromocytoma - một khối u thường phát triển ở tủy thượng thận đang sản xuất một lượng lớn hooc môn đáp ứng căng thẳng và gây ra tăng huyết áp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chẹn alpha để hạ huyết áp trước phẫu thuật. Bác sĩ cũng có thể kê đơn các loại thuốc chẹn beta để giúp giảm nhịp tim, vì nồng độ hooc môn đáp ứng căng thẳng tăng cao gây tăng nhịp tim.
Ngay sau khi phẫu thuật, nồng độ hooc môn vẫn có thể thay đổi. Ví dụ, cơ thể vẫn cần tăng nồng độ cortisol sau khi khối u sản xuất cortisol đã được loại bỏ. Các bác sĩ có thể kê đơn cortisol trong vài tuần trong khi tuyến thượng thận còn lại hoạt động bù lại vai trò của bên đã bị cắt.
Hóa trị liệu
Các bác sĩ có thể điều trị ung thư biểu mô vỏ thượng thận bằng các loại thuốc hóa chất có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư di căn khắp cơ thể. Ví dụ, thuốc mitotane, được uống nhiều lần trong ngày, có thể làm giảm nguy cơ ung thư tái phát. Nếu không thể phẫu thuật vì tình trạng sức khỏe tổng thể kém hoặc một tình trạng khác như bệnh tim mạch, mitotane có thể được sử dụng để giảm nồng độ hooc môn sinh dục tăng cao do khối u gây ra.
Bởi vì mitotane phá hủy cả tế bào ung thư và mô thượng thận khỏe mạnh, bạn có thể cần phải dùng thuốc steroid liên tục để giúp điều chỉnh hoặc thay thế các hooc môn như cortisol và aldosterone.
Nếu ung thư biểu mô vỏ thượng thận đã lan rộng, các bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc hóa trị như doxorubicin, cisplatin hoặc etoposide, được tiêm, truyền tĩnh mạch (IV). Những loại thuốc này thường được tiêm vài ngày một tuần, cách nhau mỗi ba hoặc bốn tuần.
Các tác dụng phụ phổ biến nhất của các loại thuốc hóa trị liệu trong điều trị u tuyến thượng thận là buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. Các bác sĩ sẽ giúp bạn kiểm soát chúng bằng cách điều chỉnh liều lượng của thuốc, kê đơn thuốc bổ sung hoặc tái khám.
Xem thêm: