Video: Tăng huyết áp
Động mạch xơ cứng làm tăng sức đề kháng. Động mạch của bạn càng hẹp, huyết áp của bạn càng cao. Về lâu dài, tăng huyết áp có thể gây ra các bệnh lý khác, bao gồm cả bệnh tim.
Tăng huyết áp là bệnh lý thường gặp. Hiện nay, tiêu chuẩn chẩn đoán THA có nhiều thay đổi, vì thế cho nên sẽ có gần một nửa người Mỹ trưởng thành được chẩn đoán THA.
Tăng huyết áp thường tiến triển thầm lặng trong nhiều năm. Thông thường, bạn không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào. Nhưng ngay cả khi không có triệu chứng, tăng huyết áp vẫn có thể gây tổn thương mạch máu và các cơ quan đích, đặc biệt là não, tim, mắt và thận.
Phát hiện bệnh sớm rất quan trọng. Đo huyết áp thường xuyên có thể giúp bạn và bác sĩ chẩn đoán sớm. Nếu huyết áp của bạn tăng cao, bác sĩ có thể theo dõi huyết áp trong một vài tuần để xem liệu con số này có tăng hay giảm hay trở lại mức bình thường.
Điều trị tăng huyết áp bao gồm cả điều trị dùng thuốc và điều trị không dùng thuốc. Nếu không điều trị THA, nó có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe, bao gồm đau thắt ngực và đột quỵ.
Phân loại bệnh tăng huyết áp
Có hai loại tăng huyết áp. Mỗi loại có một nguyên nhân khác nhau.
Tăng huyết áp nguyên phát( vô căn)
Loại tăng huyết áp này tiến triển theo thời gian mà không xác định được nguyên nhân. Phần lớn bệnh nhân THA là loại này.
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ cơ chế nào khiến huyết áp từ từ tăng lên. Sự kết hợp của các yếu tố có thể đóng một vai trò nào đó. Các yếu tố này bao gồm:
- Di truyền :
Người ta nhận thấy nếu trong gia đình có người cùng huyết thống mắc bệnh, thì nhiều khả năng người đó bị THA hơn.
- Thay đổi về thể chất :
Nếu có điều gì đó trong cơ thể bạn thay đổi, bạn có thể bắt đầu gặp các vấn đề trên nhiều cơ quan. tăng huyết áp có thể là một trong những vấn đề đó. Ví dụ, lão hóa chức năng thận có thể làm rối loạn cân bằng về muối và nước. Sự thay đổi này có thể gây tăng huyết áp.
- Môi trường :
Theo thời gian, lối sống không lành mạnh như lười vận động và chế độ ăn uống không tốt có thể gây hại cho cơ thể như các vấn đề về cân nặng. Thừa cân hoặc béo phì có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp.
Tăng huyết áp thứ phát
Tăng huyết áp thứ phát thường xảy ra nhanh chóng và có thể trở nên trầm trọng hơn tăng huyết áp nguyên phát. Một số nguyên nhân có thể gây ra tăng huyết áp thứ phát bao gồm:
- Bệnh thận
- Ngưng thở khi ngủ
- Bệnh tim bẩm sinh
- Bệnh lý tuyến giáp
- Tác dụng phụ của thuốc
- Nghiện ma túy
- Nghiện rượu
- Bệnh lý tuyến thượng thận
- U tuy nội tiết
Triệu chứng của bệnh tăng huyết áp
Bệnh nhân tăng huyết áp phần lớn không có triệu chứng. Nhiều người sẽ không gặp bất kỳ dấu hiệu nào. Có thể mất nhiều năm hoặc thậm chí hàng chục năm để có thể xuất hiện triệu chứng. Thậm chí, triệu chứng đó có thể bị chẩn đoán nhầm là do một nguyên nhân khác. Các triệu chứng của tăng huyết áp nặng bao gồm:
- Đau đầu
- Khó thở
- Chảy máu cam
- Đỏ bừng mặt
- Chóng mặt
- Đau ngực
- Nhìn mờ
- Đái máu
Khi xuất hiện những triệu chứng này, bệnh nhân cần đến bệnh viện ngay lập tức.Không phải tất cả bệnh nhân tăng huyết áp đều xuất hiện tình trạng trên, nhưng khi xuất hiện một trong những triệu chứng đó, thì sẽ nguy hiểm tới tính mạng.
Cách tốt nhất để biết bạn có bị tăng huyết áp hay không là đo huyết áp thường xuyên. Hầu hết bệnh nhân đều được đo huyết áp khi tới bệnh viện.
Nếu bạn ít khi đi khám sức khỏe định kì, hãy nói chuyện với bác sĩ về nguy cơ tăng huyết áp của mình và các kết quả xét nghiệm khác mà bạn có thể cần để giúp bạn tự theo dõi huyết áp của mình.
Ví dụ, nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh tim hoặc có các yếu tố nguy cơ thuận lợi để tiến triển bệnh, bác sĩ có thể khuyên bạn nên kiểm tra huyết áp hai lần một năm. Điều này giúp bạn và bác sĩ của bạn nắm được mọi vấn đề có thể xảy ra trước khi nó tiến triển nặng hơn.
Chẩn đoán bệnh tăng huyết áp
Chẩn đoán tăng huyết áp chỉ đơn giản là đo huyết áp. Hầu hết các phòng khám hay bệnh viện đều đo huyết áp cho mọi bệnh nhân và coi đó là một xét nghiệm thường quy. Nếu bạn không biết kết quả đo huyết áp của bản thân khi tái khám, hãy hỏi lại bác sỹ nhé!
Nếu huyết áp tăng cao, bác sĩ có thể yêu cầu bạn theo dõi thêm trong vài ngày hoặc vài tuần. Chẩn đoán tăng huyết áp hiếm khi được đưa ra chỉ sau một lần đo. Bác sĩ cần theo dõi trong một khoảng thời gian nhất định, vì huyết áp chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, như môi trường, cảm xúc, lo lắng,... thậm chí ngay cả thời điểm trong ngày cũng có thể làm thay đổi huyết áp.
Nếu huyết áp của bạn vẫn ở mức cao, bác sĩ sẽ tiến hành nhiều xét nghiệm hơn để loại trừ các bệnh lý tiềm ẩn. Một số xét nghiệm thường gặp như:
- Xét nghiệm nước tiểu
- Kiểm tra cholesterol máu và các xét nghiệm máu khác
- Điện tâm đồ
- Siêu âm tim hoặc thận
Các xét nghiệm này có thể giúp bác sĩ của bạn chẩn đoán xem THA của bạn là nguyên phát hay thứ phát( có nguyên nhân bệnh lý gây ra tăng huyết áp) đồng thời đánh giá những ảnh hưởng mà tăng huyết ápcó thể gây ra đối với các cơ quan khác.
Trong thời gian này, bác sĩ có thể bắt đầu điều trị bệnh tăng huyết áp của bạn. Điều trị sớm có thể làm giảm nguy cơ tổn thương lâu dài.
Ý nghĩa của kết quả đo huyết áp
Kết quả đo huyết áp gồm 2 con số:
- Huyết áp tâm thu : Đây là số đầu tiên. Nó cho biết áp suất trong động mạch khi tim co và bơm máu ra ngoài( thời kì tâm thu)
- Huyết áp tâm trương : Đây là con số thứ hai. Nó cho biết việc áp suất trong động mạch khi tim giãn nở( thời kì tâm trương)
Năm loại xác định các chỉ số huyết áp cho người lớn:
- Khỏe mạnh:Chỉ số huyết áp khỏe mạnh là nhỏ hơn 120/80 milimet thủy ngân (mm Hg).
- Tiền tăng huyết áp:HA tâm thu là từ 120 đến 129 mm Hg, và HA tâm trương nhỏ hơn 80 mm Hg. Các bác sĩ thường không điều trị tiền tăng huyết áp bằng thuốc. Thay vào đó, họ có thể khuyên bạn thay đổi lối sống để giúp giảm HA
- Tăng huyết áp giai đoạn 1: HA tâm thu từ 130- 139 mm Hg, hoặc tâm trương từ 80 đến 89 mm Hg.
- Tăng huyết áp giai đoạn 2: Số tâm thu là 140 mm Hg hoặc cao hơn, hoặc số lượng tâm trương là 90 mm Hg hoặc cao hơn.
- THA cấp cứu: HA tâm thu trên 180 mm Hg, hoặc HA tâm trương trên 120 mm Hg. Huyết áp trong phạm vi này cần được can thiệp y tế khẩn cấp. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào như đau ngực, nhức đầu, khó thở hoặc thay đổi thị giác khi tăng huyết ápđến mức này, cần đưa bệnh nhân tới phòng cấp cứu ngay lập tức.
Việc đo huyết áp được thực hiện bằng máy đo huyết áp. Để có kết quả chính xác, máy đo HA phải có băng đo phù hợp. Băng đo không vừa vặn có thể mang lại kết quả đọc không chính xác.
Kết quả đo huyết áp ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên rất khác nhau. Hãy hỏi bác sĩ nhi khoa để biết giới hạn an toàn của trẻ nếu cần theo dõi huyết áp.
Điều trị bệnh tăng huyết áp
Phương pháp điều trị được cá thể hóa trên từng bệnh nhân để có kết quả tốt nhất, các bác sỹ thường cân nhắc dựa trên loại THA của bạn và nguyên nhân gây nên THA để có kế hoạch điều trị cụ thể.
- Điều trị THA tiên phát:
Nếu bạn bị tăng huyết áp nguyên phát, thay đổi lối sống có thể giúp giảm huyết áp của bạn. Nếu chỉ thay đổi lối sống là không đủ hoặc nếu chúng không còn hiệu quả, bác sĩ có thể kê đơn thuốc.
- Điều trị tăng huyết áp thứ phát:
Nếu bác sĩ phát hiện ra một nguyên nhân cụ thể gây ra tăng huyết áp của bạn, thì việc điều trị sẽ tập trung vào nguyên nhân. Ví dụ, nếu một loại thuốc bạn đang dùng ( để điều trị bệnh khác) gây tăng huyết áp, bác sĩ sẽ thay các loại thuốc khác không có tác dụng phụ này.
Đôi khi, tăng huyết áp vẫn dai dẳng mặc dù đã điều trị nguyên nhân cơ bản. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ khuyên thay đổi lối sống lành mạnh hơn và kê đơn thuốc để giúp giảm huyết áp.
Các phác đồ điều trị tăng huyết áp thường thay đổi theo thời gian. Một số loại thuốc sau quá trình điều trị sẽ dần dần giảm tác dụng( quen thuốc). Khi đó bác sỹ cần kiểm tra lại và đề nghị đổi thuốc để duy trì HA ổn định.
- Thuốc dành cho bệnh nhân THA
Nhiều người trải qua giai đoạn thử-và-sai với thuốc huyết áp. Bạn có thể cần thử các loại thuốc khác nhau cho đến khi bạn tìm thấy loại thuốc phù hợp với mình.
Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị tăng huyết áp bao gồm:
Thuốc chẹn beta : Thuốc chẹn beta làm cho tim đập chậm hơn và yếu hơn. Điều này làm giảm lượng máu bơm vào động mạch trong mỗi nhịp đập, làm giảm huyết áp. Nó cũng giảm tác dụng một số hormone nội sinh có thể làm tăng huyết áp.
Thuốc lợi tiểu : Nồng độ muối cao và nước dư thừa trong cơ thể có thể làm tăng huyết áp. Thuốc lợi tiểu giúp thận loại bỏ muối dư thừa ra khỏi cơ thể. Khi thải bớt muối, nước sẽ đi theo muối, làm giảm thể tích trong lòng mạch và giúp giảm huyết áp.
Thuốc ức chế men chuyển : Angiotensin là một chất hóa học khiến mạch máu và thành động mạch co lại. Các chất ức chế ACE (men chuyển đổi angiotensin) ngăn cơ thể sản xuất nhiều chất này. Điều này giúp các mạch máu giãn và giảm huyết áp.
Thuốc chẹn thụ thể Angiotensin II (ARB) : Trong khi thuốc ức chế men chuyển nhằm ngăn chặn việc tạo angiotensin, ARB lại ngăn angiotensin liên kết với các thụ thể. Nếu không có hóa chất, các mạch máu sẽ không co lại. Mạch máu vẫn giãn và huyết áp sẽ hạ xuống.
Thuốc chẹn kênh canxi: Những loại thuốc này ngăn canxi đi vào tế bào cơ tim. Điều này dẫn đến tim đập chậm hơn và huyết áp sẽ hạ xuống. Những loại thuốc này cũng có tác dụng lên cơ trơn mạch máu, làm cho chúng giãn ra và làm giảm huyết áp hơn nữa.
Thuốc chủ vận alpha-2: Loại thuốc này làm thay đổi các xung thần kinh khiến mạch máu co lại. Điều này giúp các mạch máu giãn ra, làm giảm huyết áp.
Bạn nên làm gì để kiểm soát huyết áp?
Thay đổi lối sống lành mạnh có thể giúp bạn kiểm soát các yếu tố gây tăng huyết áp. Bạn nên:
Có chế độ ăn uống lành mạnh
Một chế độ ăn uống lành mạnh cho tim rất quan trọng để giúp hạn chế bệnh tăng huyết áp. Việc kiểm soát huyết áp trong giới hạn an toàn và giảm nguy cơ biến chứng cũng rất quan trọng. Những biến chứng này bao gồm bệnh tim, đột quỵ và đau tim.
Một chế độ ăn uống lành mạnh cho tim bao gồm các loại thực phẩm bao gồm:
- Trái cây
- Rau
- Các loại ngũ cốc
- Protein nạc như cá, các loại thịt trắng
- Tăng vận động
- Để đạt được cân nặng hợp lý nên bao gồm hoạt động thể chất nhiều hơn. Ngoài việc giúp bạn giảm cân, tập thể dục có thể giúp giảm căng thẳng, giảm huyết áp một cách tự nhiên và tăng cường hệ thống tim mạch.
- Cố gắng dành 150 phút hoạt động thể chất vừa phải mỗi tuần. Đó là khoảng 30 phút năm lần mỗi tuần.
Duy trì cân nặng hợp lý
- Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì, bạn nên giảm cân bằng chế độ ăn uống có lợi cho tim mạch và tăng cường hoạt động thể chất.
Giải tỏa căng thẳng
Tập thể dục là một cách tuyệt vời để giải tỏa căng thẳng. Các hoạt động khác cũng có thể hữu ích, ví dụ như:
- Thiền
- Thở sâu
- Mát xa
- Giãn cơ
- Yoga hoặc thái cực quyền
Đây là tất cả các kỹ thuật giảm căng thẳng đã được chứng minh. Ngủ đủ giấc cũng có thể giúp giảm mức độ căng thẳng.
Áp dụng lối sống khỏe mạnh hơn
Nếu bạn nghiện thuốc lá, nên cố gắng bỏ nó. Các chất hóa học trong khói thuốc lá làm thương các mô của cơ thể và làm xơ cứng thành mạch.
Rượu có thể làm tăng huyết áp. Vì vậy, nếu bạn đang sử dụng nhiều rượu, bạn nên hạn chế dần và bỏ hẳn rượu để sống khỏe mạnh hơn.
Chế độ ăn đề nghị cho bệnh nhân THA
Một trong những cách đơn giản nhất bạn có thể điều trị tăng huyết ápvà ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra là thay đổi chế độ ăn uống.
Dưới đây là một số khuyến nghị về chế độ ăn uống phổ biến nhất cho những người bị tăng huyết áp.
- Ăn ít thịt, nhiều thực vật
Chế độ ăn kiêng nhiều rau xanh để tăng chất xơ và giảm lượng muối cũng như chất béo no mà bạn nạp vào từ các loại thực phẩm từ sữa và thịt. Nên ăn nhiều trái cây, rau, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt. Thay vì thịt đỏ, hãy chọn nguồn đạm lành mạnh hơn như cá, thịt gia cầm hoặc đậu phụ.
- Giảm muối trong chế độ ăn uống
Những người bị tăng huyết áp và những người có nhiều nguy cơ mắc bệnh tim có thể cần phải giữ lượng muối ăn hàng ngày của họ trong khoảng 1.500 miligam đến 2.300 miligam mỗi ngày. Cách tốt nhất để giảm natri là sử dụng thực phẩm tươi thường xuyên hơn. Tránh ăn thức ăn đóng gói sẵn, thường có hàm lượng muối rất cao.
- Hạn chế đồ ngọt
Thực phẩm và đồ uống có đường chứa nhiều calo nhưng không có nhiều chất dinh dưỡng. Nếu bạn muốn ăn ngọt, hãy ăn trái cây tươi hoặc một lượng nhỏ sô cô la đen không đường. Theo một số nghiên cứu, thường xuyên ăn sô cô la đen có thể làm giảm huyết áp.
Tăng huyết áp thai kì
Phụ nữ bị tăng huyết áp vẫn có thể sinh con khỏe mạnh. Tuy nhiên, tăng huyết áp thai kì có thể nguy hiểm cho cả mẹ và con nếu không được theo dõi và quản lý chặt chẽ trong suốt thai kỳ.
Phụ nữ bị tăng huyết ápdễ bị biến chứng hơn . Ví dụ, phụ nữ mang thai bị tăng huyết ápcó thể bị giảm chức năng thận. Trẻ sinh ra từ mẹ bị tăng huyết ápcó thể bị nhẹ cân hoặc sinh non.
Một số phụ nữ có thể bị tăng huyết áp khi mang thai. Tuy nhiên, tình trạng này thường tự hết sau khi em bé được sinh ra. Tăng huyết áp thai kì làm tăng nguy cơ tăng huyết áp thực sự sau này.
- Tiền sản giật
Trong một số trường hợp, thai phụ bị tăng huyết áp có thể bị tiền sản giật. Tình trạng tăng huyết áp này có thể gây ra các biến chứng về thận và các cơ quan khác. Điều này dẫn đến lượng protein cao trong nước tiểu, các vấn đề về chức năng gan, phù phổi hoặc các vấn đề về thị giác.
Khi tình trạng này nặng lên, thì những nguy cơ cho mẹ và bé cũng tăng lên theo. Tiền sản giật có thể dẫn đến sản giật, gây co giật. Các vấn đề về tăng huyết áp thai kỳ vẫn là một nguyên nhân quan trọng gây tử vong cho bà mẹ ở Hoa Kỳ. Các biến chứng cho em bé bao gồm nhẹ cân, sinh non và thai chết lưu.
Không có cách nào để ngăn ngừa tiền sản giật, và cách duy nhất để điều trị bệnh lý này là chấm dứt thai kỳ( sinh con) . Nếu bạn xuất hiện tình trạng này trong khi mang thai, bác sĩ sẽ phải theo dõi chặt chẽ bạn để theo dõi và điều trị các biến chứng.
Biến chứng của tăng huyết áp
Bởi vì tăng huyết áp thường là một bệnh lý tiến triển thầm lặng, nó có thể gây ra những tổn thương cho cơ thể bạn trong nhiều năm trước khi bạn phát hiện ra. Nếu tăng huyết áp không được điều trị, bạn có thể phải đối mặt với các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Các biến chứng của tăng huyết áp bao gồm:
- Tổn thương thành động mạch
Các động mạch khỏe mạnh sẽ rất đàn hồi và bền vững. Máu chảy tự do và không bị cản trở qua các động mạch khỏe mạnh.
Tăng huyết áp làm cho các động mạch trở nên xơ cứng và kém đàn hồi hơn. Tổn thương này làm cho chất béo trong chế độ ăn uống dễ dàng lắng đọng trong động mạch và hạn chế lưu lượng máu. Tổn thương này có thể dẫn đến tăng huyết áp, tắc nghẽn mạch và cuối cùng là đau tim và đột quỵ.
- Suy tim
Tăng huyết áp khiến tim bạn phải làm việc quá sức. Áp lực trong mạch máu tăng lên buộc các cơ tim phải bơm thường xuyên hơn và với nhiều lực hơn một trái tim khỏe mạnh cần phải làm.
Điều này có thể gây ra phì đại cơ tim, làm tăng nguy cơ mắc những bệnh sau:
- Suy tim
- Loạn nhịp tim
- Đột tử do tim
- Đau tim
- Tổn thương não
Bộ não dựa vào nguồn dinh dưỡng là máu giàu oxy để hoạt động bình thường. Tăng huyết áp có thể làm giảm lượng máu cung cấp cho não của bạn:
Sự tắc nghẽn tạm thời của dòng máu lên não được gọi là cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIAs) .
Sự tắc nghẽn đáng kể của dòng máu khiến các tế bào não chết. Đây được gọi là đột quỵ.
Tăng huyết áp không kiểm soát cũng có thể ảnh hưởng đến trí nhớ và khả năng học, nhớ, nói và suy luận. Điều trị tăng huyết áp thường không thay đổi được các biến chứng đã xảy ra do tăng huyết áp không được kiểm soát. Tuy nhiên, nó làm giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng sau này của bệnh.
Phòng bệnh bệnh tăng huyết áp
Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp, bạn có thể thực hiện các biên pháp sau ngay bây giờ để giảm nguy cơ mắc bệnh và các biến chứng của nó.
Ăn uống lành mạnh
Hãy ăn nhiều thực vật tốt cho tim mạch hơn. Cố gắng ăn nhiều hơn 7 phần trái cây và rau mỗi ngày. Sau đó, hãy bổ sung thêm 1 phần mỗi ngày trong hai tuần. Sau hai tuần đó, hãy đặt mục tiêu thêm 1 phần nữa. Mục tiêu là có 10 phần trái cây và rau mỗi ngày.
- Sử dụng ít thịt đỏ hơn
Thay vì ăn thịt là món chính, hãy sử dụng thịt làm gia vị. Nói cách khác, thay vì ăn bít tết với salad phụ, hãy ăn salad nhiều hơn và bít tết ít hơn.
- Ăn ít đường
Cố gắng ăn ít thức ăn có đường hơn,ví dụ như sữa chua nhiều đường, gạo trắng và nước ngọt. Thực phẩm đóng gói rất nhiều đường, vì vậy hãy đọc kĩ nhãn trước khi dùng.
- Đặt mục tiêu giảm cân
Thay vì đặt mục tiêu tùy ý là “giảm cân”, hãy nói chuyện với bác sĩ về mức cân nặng hợp lý cho bạn. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đề xuất mục tiêu giảm cân từ 0.5-1kg/tuần. Điều đó có nghĩa là bắt đầu ăn giảm đi 500 calo mỗi ngày so với bình thường. Sau đó, hãy chọn một môn thể thao phù hợp với bản thân. Bạn nên tập thể dục 5 lần/ tuần. Nếu không thể sắp xếp được thời gian, thì hãy tranh thủ vận động vào bất cứ lúc nào bạn có thể, thậm chí việc đi bộ hay đạp xe đi làm thay cho ô tô hay xe máy cũng rất được khuyến khích.
- Tự theo dõi huyết áp của bạn thường xuyên
Cách tốt nhất để ngăn ngừa các biến chứng và tránh các vấn đề là phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp. Bạn có thể đến phòng khám để đo huyết áp, hoặc bác sĩ hướng dẫn bạn cách tự đo HA tại nhà.
Giữ bảng theo dõi các kết quả đo huyết áp của bạn và mang nó đến các lần tái khám tiếp theo. Điều này có thể giúp bác sĩ của bạn xem bất kỳ vấn đề nào có thể xảy ra trước khi tình trạng bệnh tiến triển.