Suy tuyến thượng thận (bệnh Addison) có nguy hiểm không? Chẩn đoán và điều trị

Bệnh Addison, còn được gọi là suy tuyến thượng thận, là một chứng rối loạn hiếm gặp của tuyến thượng thận xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ một số hooc môn nhất định. Trong bệnh Addison, tuyến thượng thận (tuyến nội tiết nằm ngay trên thận) sản xuất quá ít cortisol và aldosterone. Bệnh Addison xảy ra ở mọi lứa tuổi và gặp ở cả hai giới, là bệnh có thể nguy hiểm đe dọa tính mạng. Điều trị bệnh bằng cách dùng hooc môn thay thế suốt đời.

Video: Bệnh suy tuyến thượng thận

Triệu chứng suy tuyến thượng thận

Các triệu chứng bệnh Addison thường tiến triển chậm, diễn biến trong khoảng vài tháng. Thông thường, căn bệnh này tiến triển rất chậm nên các triệu chứng thường bị bỏ qua cho đến khi xảy ra một sang chấn của cơ thể, chẳng hạn như bệnh tật hoặc chấn thương làm cho các triệu chứng nặng hơn. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:

  • Mệt mỏi quá nhiều
  • Gầy sút cân và giảm cảm giác thèm ăn
  • Sạm da (tăng sắc tố)
  • Tụt huyết áp, thậm chí ngất xỉu
  • Thèm muối
  • Hạ đường huyết
  • Buồn nôn, tiêu chảy hoặc nôn (các triệu chứng tiêu hóa)
  • Đau bụng
  • Đau cơ hoặc khớp
  • Cáu gắt
  • Trầm cảm hoặc các triệu chứng hành vi khác
  • Rụng tóc trên cơ thể hoặc rối loạn chức năng tình dục ở phụ nữ

Suy thượng thận cấp tính (cơn bão thượng thận)

Đôi khi các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Addison có thể xuất hiện đột ngột và trở nặng. Suy thượng thận cấp (hay cơn bão thượng thận) có thể dẫn đến sốc đe dọa tính mạng. Cần xử trí cấp cứu nếu người bệnh gặp các dấu hiệu sau:

  • Mệt nhiều, yếu cơ
  • Hoảng loạn, kích thích hoặc bất tỉnh
  • Đau lưng dưới hoặc đau chân
  • Đau bụng dữ dội, nôn mửa và tiêu chảy, dẫn đến mất nước
  • Suy giảm ý thức hoặc mê sảng

Trong cơn bão thượng thận, người bệnh có thể gặp các biến chứng nguy hiểm:

  • Tụt huyết áp
  • Tăng kali và hạ natri máu 

Khi nào cần đi khám

Hình: Tăng sắc tố da, niêm mạc trong bệnh Addison. Nguồn: The LancetHình: Tăng sắc tố da, niêm mạc trong bệnh Addison. Nguồn: The Lancet

Đi khám bác sĩ nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của bệnh Addison, chẳng hạn như:

  • Các vùng da sậm màu (tăng sắc tố)
  • Mệt lả
  • Sút cân không chủ ý
  • Các vấn đề về đường tiêu hóa, chẳng hạn như buồn nôn, nôn mửa và đau bụng
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu
  • Cảm giác thèm muối
  • Đau cơ hoặc khớp

Nguyên nhân suy tuyến thượng thận 

Hình: Tuyến thượng thận. Nguồn: John Hopskin MedicineHình: Tuyến thượng thận. Nguồn: John Hopskin Medicine

Bệnh Addison là do tuyến thượng thận bị tổn thương, dẫn đến không đủ hooc môn cortisol và aldosterone. Tuyến thượng thận là tuyến nội tiết quan trọng của cơ thể. Chúng tạo ra các kích thích cần thiết hướng dẫn hầu hết mọi cơ quan và mô tham gia vào các hoạt động sống quan trọng của cơ thể.

Tuyến thượng thận bao gồm hai phần: Phần tủy thượng thận sản xuất các hooc môn giống adrenaline. Phần vỏ thượng thận sản xuất một nhóm hooc môn được gọi là corticosteroid. Corticosteroid bao gồm:

  • Glucocorticoid: Những hooc môn này bao gồm cortisol tham gia vào quá trình chuyển hóa thức ăn thành năng lượng của cơ thể, đóng một vai trò trong phản ứng chống viêm của hệ miễn dịch và giúp bảo vệ cơ thể trước tình trạng căng thẳng.
  • Mineralocorticoid: Những hooc môn này bao gồm aldosterone, giúp duy trì sự cân bằng muối nước, duy trì nồng độ natri và kali máu ở mức bình thường, do đó kiểm soát huyết áp ổn định.
  • Nội tiết tố androgen: Đây là hooc môn sinh dục nam được sản xuất với một lượng nhỏ bởi tuyến thượng thận ở cả nam và nữ. Chúng chịu trách nhiệm cho sự phát triển tình dục ở nam giới, ảnh hưởng đến khối lượng cơ, ham muốn tình dục và cảm giác hạnh phúc ở cả nam và nữ.

Suy thượng thận nguyên phát

Khi vỏ thượng thận bị tổn thương và không sản xuất đủ hooc môn, tình trạng này được gọi là suy tuyến thượng thận nguyên phát. Đây thường là do bệnh tự miễn – một tình trạng mà hệ miễn dịch tự tấn công tuyến thượng thận của mình. Vì những lý do chưa được biết rõ, hệ thống miễn dịch coi vỏ thượng thận là vật ngoại lai, đối tượng để tấn công và tiêu diệt. Những người mắc bệnh Addison cũng có nguy cơ cao mắc bệnh tự miễn khác.

Các nguyên nhân khác gây suy tuyến thượng thận như:

  • Bệnh lao
  • Các bệnh nhiễm trùng khác 
  • Ung thư di căn đến tuyến thượng thận
  • Chảy máu tuyến thượng thận. 

Trong trường hợp này, cơ thể người bệnh có thể khởi phát cơn bão thượng thận mà không kèm triệu chứng báo trước.

Suy thượng thận thứ phát

Tuyến yên tạo ra hooc môn adrenocorticotropic (ACTH). Đến lượt mình, ACTH kích thích vỏ thượng thận sản xuất các hooc môn của nó. Các khối u lành tính tuyến yên, tình trạng viêm và phẫu thuật tuyến yên là những nguyên nhân phổ biến khiến cơ thể không sản xuất đủ hooc môn tuyến yên, từ đó gây suy thượng thận.

Khi nồng độ ACTH thấp có thể dẫn đến suy giảm nồng độ glucocorticoid và androgen do tuyến thượng thận giảm sản xuất chúng, mặc dù bản thân tuyến thượng thận không bị tổn thương. Đây được gọi là suy thượng thận thứ phát. Quá trình sản xuất mineralocorticoid không bị ảnh hưởng bởi nồng độ ACTH thấp.

Hầu hết các triệu chứng của suy thượng thận thứ phát tương tự như các triệu chứng của suy thượng thận nguyên phát. Tuy nhiên, những người bị suy tuyến thượng thận thứ phát không bị tăng sắc tố da và ít có khả năng bị mất nước nghiêm trọng hoặc tụt huyết áp. Tuy nhiên, họ có nguy cơ bị hạ đường máu.

Nguyên nhân thường gặp của suy tuyến thượng thận thứ phát là lạm dụng corticosteroid (ví dụ, prednisone) để điều trị các bệnh mãn tính, chẳng hạn như hen phế quản hoặc viêm khớp, hoặc do ngừng thuốc đột ngột. Suy thượng thận do thuốc có thể hồi phục được khi dừng thuốc.

Các biến chứng suy tuyến thượng thận 

Suy thượng thận cấp hay cơn bão thượng thận

Nếu người bệnh Addison không được điều trị, họ có thể phải đối mặt với cơn bão thượng thận khi cơ thể gặp phải các sang chấn về thể chất, chẳng hạn như chấn thương, nhiễm trùng hoặc bệnh tật. Bình thường, tuyến thượng thận sản xuất gấp 2-3 lần lượng cortisol mức nền để giúp cơ thể phản ứng với   các căng thẳng này. Trong suy tuyến thượng thận, cơ thể không có khả năng tăng sản xuất cortisol khi bị stress, do đó gây ra cơn bão thượng thận.

Suy thượng thận cấp là một tình huống đe dọa tính mạng do cơ thể bị tụt huyết áp,  hạ đường huyết và tăng kali máu. Người bệnh cần được xử trí cấp cứu ngay. Những người bị bệnh Addison thường gặp các bệnh tự miễn liên quan.

Phòng bệnh suy tuyến thượng thận 

Không có biện pháp dự phòng mắc bệnh Addison, nhưng có những cách giúp cho người bệnh tránh những cơn bão thượng thận nguy hiểm:

  • Hãy đi khám sỡm nếu cảm thấy mệt mỏi, yếu ớt hoặc sụt cân không rõ lý do. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về nguy cơ  gặp suy thượng thận cấp.
  • Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh Addison, hãy xin tư vấn của bác sĩ về những việc cần và tuân thủ điều trị bệnh. Bạn có thể cần học cách tăng liều corticosteroid.
  • Nếu bạn mệt nhiều, rối loạn tiêu hóa, nôn mửa và không thể uống thuốc, hãy đi khám cấp cứu ngay.

Một số người bị bệnh Addison lo lắng về các tác dụng phụ nghiêm trọng từ hydrocortisone hoặc prednisone vì họ từngbiết những tác dụng phụ này ở những người đã dùng steroid điều trị bệnh khác. Tuy nhiên, nếu bạn bị bệnh Addison, tác dụng phụ của glucocorticoid liều cao sẽ không xảy ra, vì liều bạn được kê đơn sẽ thay thế cho lượng cơ thể đang bị thiếu. Hãy nhớ tái khám theo hẹn để theo dõi điều trị, tránh quá liều thuốc.

Chẩn đoán suy tuyến thượng thận 

Trước tiên, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh cũng như các dấu hiệu và triệu chứng của bạn. Bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm cần thiết:

Xét nghiệm máu: 

  • Các xét nghiệm có thể định lượng natri, kali, cortisol và hormone vỏ thượng thận (ACTH) trong máu, làm nghiệm pháp kích thích vỏ thượng thận sản xuất hooc môn. Xét nghiệm máu cũng có thể định lượng các kháng thể liên quan đến bệnh tự miễn.
  • Nghiệm pháp kích thích ACTH: ACTH báo hiệu cho tuyến thượng thận để sản xuất cortisol. Xét nghiệm này đo nồng độ cortisol trong máu của bạn trước và sau khi tiêm ACTH tổng hợp.
  • Nghiệm pháp gây hạ đường huyết bằng insulin: Bạn có thể được thực hiện xét nghiệm này nếu các bác sĩ nghi ngờ bạn bị suy tuyến thượng thận thứ phát do bệnh tuyến yên. Nghiệm pháp này bao gồm việc kiểm tra lượng đường trong máu và nồng độ cortisol sau khi tiêm insulin. Ở những người khỏe mạnh, mức đường huyết giảm và mức độ cortisol tăng lên.
  • Trong một số tình huống nhất định, bác sĩ có thể chỉ định làm các xét nghiệm thay thế cho suy tuyến thượng thận thứ phát, chẳng hạn như nghiệm pháp kích thích ACTH liều thấp, nghiệm pháp kích thích ACTH kéo dài hoặc nghiệm pháp kích thích glucagon.

Các thăm dò chẩn đoán hình ảnh: Bạn có thể tiến hành chụp cắt lớp vi tính (CT) vùng bụng để kiểm tra kích thước của tuyến thượng thận và tìm kiếm các bất thường khác. Bác sĩ cũng có thể chỉ định chụp MRI tuyến yên nếu kết quả xét nghiệm gợi ý suy tuyến thượng thận thứ phát.

Điều trị suy tuyến thượng thận 

Điều trị bệnh Addison chủ yếu là dùng thuốc. Bạn sẽ được thực hiện liệu pháp thay thế hooc môn để điều chỉnh lượng hooc môn steroid thiếu hụt. Một số thuốc corticosteroid đường uống như:

  • Hydrocortisone (Cortef), Prednisone hoặc Methylprednisolone (Solomedrol) để thay thế cortisol. Các hormone này được dùng theo lịch trình để bắt chước sự dao động cortisol bình thường trong 24 giờ.
  • Fludrocortisone acetate để thay thế aldosterone. Bạn sẽ cần bổ sung nhiều muối (natri) trong chế độ ăn uống, đặc biệt là khi tập thể dục nặng, khi thời tiết nóng hoặc nếu bạn bị rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như tiêu chảy.

Bác sĩ cũng sẽ đề nghị tăng liều lượng thuốc tạm thời nếu cơ thể đang trong quá trình điều trị phẫu thuật, nhiễm trùng hoặc bệnh khác. Nếu bạn bị nôn mửa và không thể tiếp tục uống thuốc, bạn có thể cần tiêm corticosteroid.

Các khuyến nghị điều trị khác bao gồm:

  • Luôn mang theo thẻ cảnh báo y tế và vòng đeo tay bên người. Thẻ khẩn cấp steroid và nhận dạng cảnh báo y tế sẽ cho nhân viên y tế cấp cứu biết bạn cần chăm sóc gì. 
  • Luôn có hộp đựng thuốc mang theo người, tránh quên thuốc. Việc bỏ lỡ liều thuốc dù chỉ một ngày cũng có thể nguy hiểm, vì vậy hãy dự trữ một lượng nhỏ thuốc tại nơi làm việc và bên mình bất cứ khi nào bạn đi du lịch.
  • Mang theo bộ dụng cụ tiêm glucocorticoid. Bộ sản phẩm có chứa một kim tiêm, ống tiêm và thuốc corticosteroid đường tiêm để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
  • Giữ liên lạc với bác sĩ điều trị của mình. Hãy khám và theo dõi bởi một bác sĩ và hỏi ý kiến bác sĩ khi chỉnh liêu để đảm bảo chế độ thuốc bạn dụng là đủ, không quá liều. Nếu bạn đang gặp vấn đề với chế độ dùng thuốc, bạn cần điều chỉnh liều lượng hoặc thời gian sử dụng phù hợp.
  • Kiểm tra sức khỏe hàng năm: Đi khám bác sĩ chuyên khoa nội tiết ít nhất mỗi năm một lần. Bác sĩ có thể đề nghị tầm soát hàng năm đối với một số bệnh tự miễn.

Điều trị và xử trí cơn bão thượng thận thường dung thuốc đường tiêm:

  • Corticosteroid
  • Dung dịch nước muối
  • Đường (dextrose)

Phương pháp điều trị tiềm năng trong tương lai

Các nhà khoa học đang nghiên cứu để phát triển corticosteroid giải phóng chậm, hoạt động giống với cơ thể người hơn. Họ cũng đang nghiên cứu các máy bơm được cấy dưới da có thể cung cấp steroid với liều lượng chính xác hơn.

Một phương pháp đầy hứa hẹn trong tương lai khác là sử dụng tế bào gốc vỏ thượng thận kết hợp với điều trị điều hòa miễn dịch (điều chỉnh phản ứng miễn dịch hoặc hệ thống miễn dịch)  và liệu pháp gen. Tuy nhiên, các phương pháp  mới này cần tiếp tục nghiên cứu và phát triển.

Xem thêm:

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!