Tất cả những điều cần biết về bệnh trầm cảm: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa

Trầm cảm được xếp vào nhóm rối loạn tâm trạng, được mô tả là cảm giác buồn bã, mất mát hoặc tức giận làm cản trở hoạt động hàng ngày của một người.

Video: Trầm cảm và nỗi buồn làm sao nhận biết, điều trị 

Bệnh trầm cảm cũng khá phổ biến. Theo WHO, có tới hơn 100 triệu người bị rối loạn sức khỏe tâm thần ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Chỉ riêng rối loạn trầm cảm là nguyên nhân gây ra 5,73% gánh nặng bệnh tật ở khu vực này.

Tại Việt Nam, theo Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, tỷ lệ mắc 10 chứng rối loạn tâm thần phổ biến trong năm 2014 là 14,2%, trong đó riêng rối loạn trầm cảm chiếm 2,45%. 

Nếu trước kia người mắc trầm cảm đa phần nằm trong độ tuổi từ 60 - 65 tuổi, thì hiện nay trầm cảm đang có xu hướng trẻ hóa với độ tuổi từ 15 - 27 tuổi. Nữ giới bị trầm cảm nhiều hơn nam giới. Trung bình cứ 2 bệnh nhân nữ mới có 1 bệnh nhân nam bị trầm cảm. Tại các cơ sở y tế chuyên khoa, số lượng bệnh nhân đến thăm khám các bệnh lý liên quan đến trầm cảm tăng 20 - 30% mỗi năm.

Mọi người trải qua trầm cảm theo những cách khác nhau. Trầm cảm có thể cản trở công việc hàng ngày, dẫn đến mất thời gian và giảm năng suất làm việc. Nó cũng gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ và một số bệnh mãn tính.

Các bệnh có thể trở nên tồi tệ hơn do trầm cảm bao gồm:

Việc đôi khi cảm thấy chán nản là một phần bình thường của cuộc sống, những sự kiện đáng buồn và khó chịu xảy ra với tất cả mọi người. Tuy nhiên, nếu thường xuyên cảm thấy thất vọng hoặc tuyệt vọng, bạn có thể đang đối mặt với chứng trầm cảm.

Trầm cảm được coi là một tình trạng y tế nghiêm trọng có thể trở nên tồi tệ hơn nếu không được điều trị thích hợp. Những người được điều trị thường thấy các triệu chứng cải thiện chỉ trong vài tuần. 

Các triệu chứng trầm cảm 

Xem chi tiết: Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh trầm cảm nhẹ, vừa và nặng

Trầm cảm có thể không chỉ là một trạng thái buồn bã hay chán nản liên tục. Chứng trầm cảm chủ yếu có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau. Một số ảnh hưởng đến tâm trạng, còn số khác ảnh hưởng đến cơ thể. Các triệu chứng cũng có thể liên tục hoặc xuất hiện rồi biến mất.

Cảm thấy trống rỗng, buồn bã, tuyệt vọng là triệu chứng của bệnh trầm cảm(nguồn: gq-magazine.co.uk)

Các triệu chứng của bệnh trầm cảm có thể xảy ra khác nhau ở nam giới, phụ nữ và trẻ em.

Nam giới có thể gặp các triệu chứng liên quan đến:

  • Tâm trạng: tức giận, hung hăng, cáu kỉnh, lo lắng, bồn chồn
  • Cảm xúc tinh thần: cảm thấy trống rỗng, buồn bã, tuyệt vọng
  • Hành vi: mất hứng thú, không còn tìm thấy niềm vui trong các hoạt động yêu thích, dễ cảm thấy mệt mỏi, có ý định tự tử, uống rượu quá mức, sử dụng ma túy, tham gia vào các hoạt động có nguy cơ cao
  • Nhu cầu tình dục: giảm ham muốn tình dục, không hoạt động tình dục
  • Khả năng nhận thức:  không có khả năng tập trung, khó hoàn thành nhiệm vụ, phản hồi chậm trong cuộc trò chuyện
  • Giấc ngủ: mất ngủ, ngủ không yên giấc, buồn ngủ quá mức, không ngủ suốt đêm
  • Sức khỏe thể chất: mệt mỏi, đau nhức, đau đầu, các vấn đề về tiêu hóa

Phụ nữ có thể gặp các triệu chứng liên quan đến:

  • Tâm trạng: cáu kỉnh…
  • Cảm xúc tinh thần: cảm thấy buồn hoặc trống rỗng, lo lắng hoặc tuyệt vọng
  • Hành vi: mất hứng thú với các hoạt động, rút lui khỏi các hoạt động xã hội, ý nghĩ tự tử
  • Khả năng nhận thức: suy nghĩ hoặc nói chậm hơn
  • Giấc ngủ: khó ngủ suốt đêm, thức dậy sớm, ngủ quá nhiều
  • Sức khỏe thể chất: giảm năng lượng, mệt mỏi nhiều hơn, thay đổi cảm giác thèm ăn, thay đổi cân nặng, đau nhức, đau đầu, tăng chuột rút

Trẻ em có thể gặp các triệu chứng liên quan đến:

  • Tâm trạng: cáu kỉnh, tức giận, thay đổi tâm trạng, khóc
  • Cảm xúc tinh thần: cảm giác kém cỏi (ví dụ: “Tôi không thể làm gì đúng”) hoặc tuyệt vọng, khóc lóc, buồn bã dữ dội
  • Hành vi: gặp rắc rối ở trường hoặc từ chối đi học, tránh mặt bạn bè hoặc anh chị em, nghĩ đến cái chết hoặc tự tử
  • Khả năng nhận thức: khó tập trung, sa sút thành tích ở trường, thay đổi điểm số
  • Giấc ngủ: khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều
  • Sức khỏe thể chất: mất năng lượng, các vấn đề về tiêu hóa, thay đổi cảm giác thèm ăn, giảm hoặc tăng cân

Các triệu chứng có thể vượt ra ngoài những gì bạn có thể nghĩ đến. 

Nguyên nhân trầm cảm

Có một số nguyên nhân có thể gây ra trầm cảm, bao gồm từ cơ thể của bạn đến hoàn cảnh xung quanh.

Các nguyên nhân phổ biến bao gồm:

  • Lịch sử gia đình. Bạn có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn nếu bạn có tiền sử gia đình bị trầm cảm hoặc một chứng rối loạn tâm trạng khác.
  • Chấn thương thời thơ ấu. Một số sự kiện ảnh hưởng đến cách cơ thể bạn phản ứng với tình huống sợ hãi và căng thẳng.
  • Cấu trúc não bộ. Có nhiều nguy cơ bị trầm cảm hơn nếu thùy trán của não hoạt động kém hơn. Tuy nhiên, các nhà khoa học không biết liệu điều này xảy ra trước hay sau khi bắt đầu các triệu chứng trầm cảm.
  • Các bệnh lý có sẵn. Một số bệnh nhất định có thể khiến bạn có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn, chẳng hạn như các bệnh mãn tính, mất ngủ, đau mãn tính hoặc rối loạn tăng động giảm chú ý (attention deficit hyperactivity disorder - ADHD).
  • Kích thích cũng bị trầm cảm. 

 Ngoài những nguyên nhân này, các yếu tố nguy cơ khác của trầm cảm bao gồm:

  • Lòng tự trọng thấp hoặc hay chỉ trích bản thân
  • Tiền sử bệnh tâm thần cá nhân
  • Một số loại thuốc
  • Các sự kiện căng thẳng, chẳng hạn như mất người thân, các vấn đề kinh tế hoặc ly hôn

Một số sự kiện thời thơ ấu ảnh hưởng đến cách cơ thể phản ứng với tình huống sợ hãi và căng thẳng.(nguồn: family.lovetoknow.com)Có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến cảm giác trầm cảm, và mức độ ảnh hưởng khác nhau đối với các cá nhân khác nhau. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp cụ thể không thể xác định điều gì gây ra chứng trầm cảm.

Chẩn đoán trầm cảm

Không có một bài kiểm tra hoặc xét nghiệm đơn lẻ nào để chẩn đoán bệnh trầm cảm. Nhưng bác sĩ có thể chẩn đoán dựa trên các triệu chứng và đánh giá tâm lý.

Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ hỏi một loạt câu hỏi về:

  • Tâm trạng
  • Mức độ thèm ăn
  • Chế độ ngủ
  • Mức độ hoạt động
  • Suy nghĩ

Vì trầm cảm có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác, bác sĩ cũng có thể tiến hành khám sức khỏe và yêu cầu xét nghiệm máu. Đôi khi các vấn đề về tuyến giáp hoặc thiếu hụt vitamin D có thể gây ra các triệu chứng trầm cảm.

Trầm cảm là một bệnh lý nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần với khả năng biến chứng. Nếu không được điều trị, các biến chứng có thể bao gồm:

  • Tăng hoặc giảm cân
  • Đau đớn về thể xác
  • Sử dụng chất kích thích
  • Cơn hoảng sợ
  • Gặp vấn đề về các mối quan hệ
  • Cách ly xã hội
  • Y nghĩ tự tử
  • Tự làm hại bản thân

Do vậy đừng bỏ qua các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Nếu tâm trạng không cải thiện hoặc trở nên tồi tệ hơn, hãy đi khám bác sĩ. 

Các loại trầm cảm

Trầm cảm có thể được chia thành nhiều loại tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Một số người trải qua các giai đoạn nhẹ và tạm thời, trong khi những người khác trải qua các giai đoạn trầm cảm nặng và liên tục.

Có 2 loại chính: rối loạn trầm cảm chủ yếu và rối loạn trầm cảm dai dẳng.

Rối loạn trầm cảm chủ yếu (Major depressive disorder)

Rối loạn trầm cảm chủ yếu (rối loạn trầm cảm chính) là dạng trầm cảm nghiêm trọng hơn; được đặc trưng bởi cảm giác buồn bã, tuyệt vọng và vô giá trị dai dẳng không thể tự biến mất.

Để chẩn đoán mắc bệnh thì bạn phải trải qua 5 triệu chứng trở lên trong khoảng thời gian 2 tuần, bao gồm:

  • Cảm thấy chán nản hầu hết trong ngày
  • Mất hứng thú với hầu hết các hoạt động thường xuyên
  • Giảm hoặc tăng cân đáng kể
  • Ngủ nhiều hoặc không ngủ được
  • Suy nghĩ hoặc hoạt động chậm lại
  • Mệt mỏi hoặc ít năng lượng trong hầu hết các ngày
  • Cảm giác vô giá trị hoặc tội lỗi
  • Mất tập trung hoặc thiếu quyết đoán
  • Lặp đi lặp lại ý nghĩ về cái chết hoặc tự tử 

Có nhiều dạng phụ khác nhau của rối loạn trầm cảm chủ yếu, bao gồm:

  • Rối loạn trầm cảm không điển hình
  • Rối loạn trầm cảm lo lắng
  • Rối loạn trầm cảm hỗn hợp
  • Rối loạn trầm cảm trong khi mang thai hoặc ngay sau khi sinh
  • Rối loạn trầm cảm theo mùa
  • Rối loạn trầm cảm u sầu
  • Rối loạn tâm thần trầm cảm
  • Hội chứng căng trương lực (catatonia) 

Rối loạn trầm cảm dai dẳng (Persistent depressive disorder - PDD)

Rối loạn trầm cảm dai dẳng là một dạng trầm cảm nhẹ hơn nhưng mãn tính, nên bệnh còn có tên khác là trầm cảm mãn tính, hoặc trầm cảm nhẹ.

Để chẩn đoán được, các triệu chứng phải kéo dài ít nhất 2 năm. PDD có thể ảnh hưởng đến cuộc sống nhiều hơn trầm cảm chủ yếu vì nó kéo dài hơn.

Những người mắc chứng PDD thường:

  • Mất hứng thú với các hoạt động bình thường hàng ngày
  • Cảm thấy tuyệt vọng
  • Thiếu năng suất
  • Có lòng tự trọng thấp

Trầm cảm có thể được điều trị thành công, nhưng điều quan trọng là bạn phải tuân theo kế hoạch điều trị của mình. 

Điều trị trầm cảm

Xem chi tiết: Các loại thuốc chống trầm cảm: Cơ chế hoạt động, hiệu quả và tác dụng phụ

Sống chung với bệnh trầm cảm có thể khó khăn, nhưng điều trị có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn. Nói chuyện với bác sĩ về các phương án điều trị, có thể áp dụng một hoặc kết hợp nhiều phương pháp để mang lại hiệu quả tốt nhất. Hiện nay các liệu pháp trong đời sống kết hợp cùng với điều trị y tế là rất phổ biến.

Các phương pháp điều trị bao gồm:

Thuốc 

Bác sĩ có thể kê đơn:

  • Thuốc chống trầm cảm
  • Chống lo âu
  • Thuốc chống loạn thần

Tâm lý trị liệu

Nói chuyện với bác sĩ tâm lý có thể giúp bạn học các kỹ năng ứng phó với cảm giác tiêu cực. Các buổi trị liệu gia đình hoặc nhóm cũng mang lại hiệu quả cao.

Liệu pháp ánh sáng

Tiếp xúc với liều lượng ánh sáng trắng nhất định có thể giúp điều chỉnh tâm trạng và cải thiện các triệu chứng trầm cảm. Liệu pháp ánh sáng thường được sử dụng trong rối loạn cảm xúc theo mùa, hiện nay được gọi là rối loạn trầm cảm chủ yếu với mô hình theo mùa.

Phương pháp điều trị thay thế

Hãy hỏi bác sĩ của bạn về châm cứu hoặc thiền định. Một số chế phẩm bổ sung thảo dược cũng được sử dụng để điều trị trầm cảm, như St. John’s wort, SAMe (s-adenosylmethionine) và dầu cá.

Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng chế phẩm bổ sung hoặc kết hợp chế phẩm bổ sung với thuốc kê đơn; vì một số chế phẩm bổ sung có thể phản ứng với một số loại thuốc nhất định, làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc làm nặng thêm tình trạng trầm cảm.

Tập thể dục

Mục tiêu 30 phút hoạt động thể chất từ 3 đến 5 ngày một tuần. Tập thể dục có thể làm tăng sản xuất endorphin của cơ thể, là hormone giúp cải thiện tâm trạng.

Tránh rượu và chất kích thích

Uống hoặc lạm dụng chất kích thích có thể khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn một chút. Nhưng về lâu dài, những chất này có thể khiến các triệu chứng trầm cảm và lo lắng trở nên tồi tệ hơn.

Học cách nói không

Cảm thấy quá tải có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng lo âu và trầm cảm. Đặt ra các ranh giới giữa cuộc sống nghề nghiệp và cá nhân có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn.

Chăm sóc bản thân

Bạn cũng có thể cải thiện các triệu chứng của bệnh trầm cảm bằng cách chăm sóc bản thân. Điều này bao gồm ngủ nhiều, ăn uống lành mạnh, tránh những người tiêu cực và tham gia vào các hoạt động thú vị.

Nói chuyện với bác sĩ tâm lý có thể giúp bạn học các kỹ năng ứng phó với cảm giác tiêu cực. (nguồn: think.kera.org)Đôi khi trầm cảm không đáp ứng với thuốc. Bác sĩ có thể đề xuất các lựa chọn điều trị khác nếu các triệu chứng không cải thiện, bao gồm liệu pháp sốc điện (electroconvulsive therapy - ECT) hoặc kích thích từ trường xuyên sọ lặp lại (repetitive transcranial magnetic stimulation - rTMS) để điều trị trầm cảm và cải thiện tâm trạng.

Phương pháp điều trị tự nhiên cho bệnh trầm cảm

Điều trị trầm cảm truyền thống sử dụng kết hợp thuốc theo đơn và tư vấn tâm lý. Nhưng cũng có những phương pháp điều trị thay thế hoặc chế phẩm bổ sung mà bạn có thể thử.

Nhưng hãy ghi nhớ rằng nhiều phương pháp điều trị tự nhiên có rất ít nghiên cứu cho thấy tác dụng của chúng đối với bệnh trầm cảm.

Tương tự như vậy, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) không chấp thuận nhiều thực phẩm bổ sung trên thị trường ở Hoa Kỳ, vì vậy bạn hãy chắc chắn rằng mình đang mua sản phẩm từ một thương hiệu đáng tin cậy.

Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thêm chế phẩm bổ sung vào kế hoạch điều trị 

  • Chế phẩm bổ sung

Một số loại được cho là có tác dụng tích cực đối với các triệu chứng trầm cảm:

St. John’s wort

Tuy các nghiên cứu còn chưa rõ ràng, nhưng St. John’s wort được sử dụng ở châu Âu như một loại thuốc chống trầm cảm. Ở Hoa Kỳ, nó không nhận được sự chấp thuận tương tự.

S-adenosyl-L-methionine (SAMe)

Trong một số nghiên cứu hạn chế, hợp chất này đã được chỉ ra là có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Tác dụng được thấy rõ nhất ở những người dùng thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), một loại thuốc chống trầm cảm truyền thống.

5-hydroxytryptophan (5-HTP)

5-HTP nâng cao mức serotonin trong não, có thể làm giảm các triệu chứng trầm cảm. Cơ thể tạo ra chất này khi bạn tiêu thụ tryptophan - một amino acid thiết yếu.

Axit béo omega-3

Những chất béo thiết yếu này rất quan trọng đối với sự phát triển thần kinh và sức khỏe của não bộ. Thêm chất bổ sung omega-3 vào chế độ ăn uống có thể giúp giảm các triệu chứng trầm cảm.

  • Tinh dầu

Tinh dầu là một phương thuốc tự nhiên phổ biến cho nhiều tình trạng, nhưng nghiên cứu về tác dụng của tinh dầu đối với bệnh trầm cảm còn hạn chế.

Những người bị trầm cảm có thể giảm triệu chứng với các loại tinh dầu sau:

    • Gừng dại: Hít mùi hương mạnh này có thể kích hoạt các thụ thể serotonin trong não. Điều này có thể làm chậm việc giải phóng các hormone gây căng thẳng.
    • Cam Bergamot: Loại tinh dầu thuộc họ cam quýt này đã được chứng minh là làm giảm lo lắng ở những bệnh nhân đang chờ phẫu thuật. Lợi ích tương tự có thể giúp những người bị lo âu do trầm cảm, nhưng không có nghiên cứu nào chứng minh cho điều đó.

Các loại dầu khác, chẳng hạn như dầu hoa cúc hoặc dầu hoa hồng, có thể có tác dụng làm dịu khi hít vào. Những loại dầu này có thể có lợi khi sử dụng trong thời gian ngắn.

  • Vitamin

Vitamin rất quan trọng đối với nhiều chức năng của cơ thể. Nghiên cứu cho thấy hai loại vitamin đặc biệt hữu ích để giảm bớt các triệu chứng của bệnh trầm cảm:

    • Vitamin B: B-12 và B-6 rất quan trọng đối với sức khỏe của não. Khi lượng vitamin B thấp, nguy cơ mắc bệnh trầm cảm có thể cao hơn.
    • Vitamin D: Đôi khi được gọi là vitamin ánh nắng mặt trời vì tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ cung cấp vitamin D cho cơ thể, Vitamin D rất quan trọng đối với sức khỏe của não, tim và xương. Những người bị trầm cảm có nhiều khả năng có lượng vitamin này thấp.

Nhiều loại thảo mộc, chế phẩm bổ sung và vitamin được cho là giúp giảm bớt các triệu chứng của bệnh trầm cảm, nhưng hầu hết đều không cho thấy có hiệu quả trong nghiên cứu lâm sàng.

Khi lượng vitamin B thấp, nguy cơ mắc bệnh trầm cảm có thể cao hơn.(nguồn: walmart.com)

Khi lượng vitamin B thấp, nguy cơ mắc bệnh trầm cảm có thể cao hơn.(nguồn: walmart.com)

  • Ngăn ngừa trầm cảm

Bệnh trầm cảm thường không được coi là có thể ngăn ngừa được. Thật khó để nhận ra nguyên nhân gây ra trầm cảm, đồng nghĩa với việc ngăn chặn càng khó hơn.

Nhưng khi đã trải qua một giai đoạn trầm cảm, bạn có thể chuẩn bị tốt hơn để ngăn chặn việc nó xảy ra trong tương lai; bằng cách tìm hiểu những thay đổi lối sống và phương pháp điều trị nào là hữu ích.

Các phương pháp có thể giúp ích bao gồm:

    • Tập thể dục thường xuyên
    • Ngủ nhiều
    • Duy trì các phương pháp điều trị
    • Giảm căng thẳng
    • Xây dựng mối quan hệ bền chặt với những người khác

Tập thể dục thường xuyên có thể ngăn chặn trầm cảm xảy ra trong tương lai. (nguồn: helpguide.org)Ngoài ra còn có nhiều phương pháp và ý tưởng khác cũng có thể giúp bạn ngăn ngừa trầm cảm.

Trầm cảm lưỡng cực

Trầm cảm lưỡng cực xảy ra trong một số loại rối loạn lưỡng cực, khi người đó trải qua một giai đoạn trầm cảm.

Những người bị rối loạn lưỡng cực có thể bị thay đổi tâm trạng đáng kể. Ví dụ: rối loạn lưỡng cực 2 thường bao gồm các giai đoạn hưng cảm có năng lượng cao đến các giai đoạn trầm cảm với năng lượng thấp.

Nhưng điều này còn phụ thuộc vào loại rối loạn lưỡng cực mà bạn mắc phải. Chẩn đoán rối loạn lưỡng cực 1 chỉ cần có sự hiện diện của các giai đoạn hưng cảm, không phải trầm cảm.

Các triệu chứng trầm cảm ở những người bị rối loạn lưỡng cực có thể bao gồm:

  • Mất hứng thú với các hoạt động bình thường
  • Cảm thấy buồn, lo lắng, bồn chồn hoặc trống rỗng
  • Không có năng lượng hoặc gặp khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ
  • Khó nhớ lại hoặc ghi nhớ điều gì
  • Ngủ quá nhiều hoặc mất ngủ
  • Tăng cân hoặc giảm cân do tăng hoặc giảm cảm giác thèm ăn
  • Suy nghĩ về cái chết hoặc có ý tự sát

Nếu rối loạn lưỡng cực được điều trị, khi trải qua các giai đoạn trầm cảm thì nhiều người sẽ ít gặp phải các triệu chứng trầm cảm  hơn và ít nghiêm trọng hơn, 

Trầm cảm và lo lắng

Trầm cảm và lo lắng có thể xảy ra ở một người cùng một lúc. Trên thực tế, nghiên cứu đã chỉ ra rằng 70% những người bị rối loạn trầm cảm cũng có các triệu chứng lo lắng.

Mặc dù được cho là do những nguyên nhân khác nhau, nhưng trầm cảm và lo lắng có thể có một số triệu chứng tương tự, bao gồm:

  • Cáu gắt
  • Khó ghi nhớ hoặc tập trung
  • Các vấn đề về giấc ngủ

Hai tình trạng này cũng có chung một số phương pháp điều trị, gồm có:

  • Các liệu pháp, như liệu pháp nhận thức hành vi
  • Thuốc
  • Các liệu pháp thay thế, bao gồm cả liệu pháp thôi miên

Nếu bạn cho rằng mình đang gặp phải các triệu chứng của một trong hai tình trạng này hoặc cả hai, hãy hẹn gặp bác sĩ để xác định các triệu chứng lo lắng và trầm cảm có cùng tồn tại hay không và cách để điều trị chúng. 

Rối loạn trầm cảm và ám ảnh cưỡng chế (OCD)

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (obsessive compulsive disorder - OCD) là một loại rối loạn lo âu. Bệnh gây ra những suy nghĩ, thôi thúc và sợ hãi không mong muốn, lặp đi lặp lại (ám ảnh).

Những nỗi sợ hãi này khiến bạn thực hiện các hành vi hoặc nghi thức lặp đi lặp lại (cưỡng chế) với hy vọng sẽ giảm bớt căng thẳng do ám ảnh gây ra.

Những người được chẩn đoán mắc chứng OCD thường xuyên thấy mình trong một vòng lặp của những ám ảnh và cưỡng chế. Nếu bạn có những hành vi này, bạn có thể cảm thấy bị cô lập vì chúng. Điều này có thể dẫn đến việc xa lánh khỏi bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.

Không có gì lạ khi một người mắc chứng OCD cũng bị trầm cảm. Mắc một chứng rối loạn lo âu có thể làm tăng khả năng mắc chứng rối loạn lo âu khác. Tỷ lệ người bị OCD bị trầm cảm chủ yếu lên tới 80%.

Chẩn đoán kép này cũng là một mối quan tâm đối với trẻ em. Những hành vi cưỡng chế có thể bắt đầu phát triển khi còn nhỏ khiến trẻ cảm thấy bất thường, dẫn đến việc xa lánh khỏi bạn bè và có thể làm tăng khả năng mắc bệnh trầm cảm ở trẻ. 

Trầm cảm có loạn thần

Một số người được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm chủ yếu cũng có thể có các triệu chứng của một bệnh lý tâm thần khác được gọi là loạn thần (psychosis). Khi hai tình trạng xảy ra cùng nhau, nó được gọi là rối loạn tâm thần trầm cảm.

Rối loạn tâm thần trầm cảm khiến mọi người nhìn, nghe, tin hoặc ngửi thấy những thứ không có thật. Những người mắc chứng bệnh này cũng có thể trải qua cảm giác buồn bã, tuyệt vọng và cáu kỉnh.

Sự kết hợp của hai bệnh là đặc biệt nguy hiểm. Đó là bởi vì một người nào đó bị rối loạn tâm thần trầm cảm có thể bị ảo tưởng khiến họ có ý nghĩ tự tử hoặc chấp nhận những rủi ro bất thường.

Tuy không rõ nguyên nhân gây ra hai bệnh lý này hoặc tại sao có thể xảy ra cùng nhau, nhưng điều trị bằng thuốc và liệu pháp sốc điện (ECT) có thể làm dịu các triệu chứng hiệu quả.  

Trầm cảm trong thai kỳ

Tuy mang thai thường là một thời gian thú vị nhưng việc phụ nữ mang thai bị trầm cảm vẫn có thể xảy ra.(nguồn: mydr.com.au)

Mang thai thường là một thời gian thú vị đối với mọi người. Tuy nhiên, việc phụ nữ mang thai bị trầm cảm vẫn có thể xảy ra. 

Các triệu chứng của trầm cảm khi mang thai bao gồm:

  • Thay đổi cảm giác thèm ăn hoặc thói quen ăn uống
  • Cảm thấy tuyệt vọng
  • Lo lắng
  • Mất hứng thú với các hoạt động và những điều yêu thích trước đây
  • Nỗi buồn dai dẳng
  • Khó tập trung hoặc ghi nhớ
  • Các vấn đề về giấc ngủ, bao gồm mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
  • Ý nghĩ về cái chết hoặc tự tử

Điều trị trầm cảm khi mang thai có thể tập trung hoàn toàn vào liệu pháp trò chuyện và các phương pháp điều trị tự nhiên khác.

Mặc dù một số phụ nữ dùng thuốc chống trầm cảm khi mang thai, nhưng không rõ loại nào là an toàn nhất. Bác sĩ có thể khuyến khích bạn thử các phương pháp điều trị tự nhiên hay tư vấn tâm lý cho đến sau khi sinh con.

Nguy cơ trầm cảm có thể tiếp diễn sau khi em bé chào đời. Trầm cảm sau sinh là một mối quan tâm đặc biệt đối với các bà mẹ mới sinh. 

Trầm cảm và rượu

Đã có các nghiên cứu xác định mối liên hệ giữa việc sử dụng rượu và trầm cảm. Những người bị trầm cảm có nhiều khả năng lạm dụng rượu.

Trong số 20,2 triệu người trưởng thành ở Hoa Kỳ từng trải qua rối loạn sử dụng chất kích thích, khoảng 40% mắc bệnh tâm thần kéo dài.

Theo một nghiên cứu năm 2012, 63,8% những người nghiện rượu bị trầm cảm.

Uống rượu thường xuyên có thể làm cho các triệu chứng của bệnh trầm cảm trở nên tồi tệ hơn và những người bị trầm cảm có nhiều khả năng lạm dụng rượu hoặc trở nên phụ thuộc vào nó. 

Kết luận

Trầm cảm có thể là tạm thời hoặc có thể là một thách thức lâu dài. Điều trị không phải lúc nào cũng làm cho bệnh trầm cảm biến mất hoàn toàn.

Tuy nhiên, điều trị thường làm cho các triệu chứng dễ kiểm soát hơn. Kiểm soát các triệu chứng của bệnh trầm cảm liên quan đến việc tìm ra sự kết hợp phù hợp giữa thuốc và các liệu pháp điều trị.

Nếu một phương pháp điều trị không hiệu quả, hãy nói chuyện với bác sĩ để đưa ra một kế hoạch điều trị khác có thể tốt hơn trong việc giúp kiểm soát tình trạng bệnh.

Xem thêm:

Câu hỏi liên quan

Hãy nói rằng “Cậu rất quan trọng!”; Cách nói chuyện với người trầm cảm – chân thành và ấm áp; “Cậu không cô đơn vì mình luôn ở đây !”...
Xem thêm
Thang đánh giá lo âu Hamilton gồm tất cả 21 câu hỏi khác nhau, nhưng chỉ tính điểm đánh giá 17 câu đầu tiên.
Xem thêm
Các chất ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRIs): Một số loại thuốc thuốc thuộc nhóm này có thể kể đến như: thuốc fluoxetine (Prozac và Sarafem), thuốc sertraline(Zoloft), Thuốc escitalopram (Lexapro), thuốc paroxetine (Paxil, Pexeva và Britorelle),...
Xem thêm
Rèn luyện giấc ngủ hợp lí; Luyện tập thể dục thể thao; Giao tiếp xa hội nhiều hơn...
Xem thêm
Đối với người mẹ: bệnh trầm cảm khiến sức khỏe giảm sút (do triệu chứng mất ngủ và chán ăn), tinh thần và trí tuệ không còn được minh mẫn dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đến công việc và cuộc sống hàng ngày.
Xem thêm
Trầm cảm là một bệnh thuộc tâm thần học đặc trưng bởi sự rối loạn khí sắc. Bệnh do hoạt động của não bộ bị rối loạn gây nên do một yếu tố tâm lý nào nào tạo thành những biến đổi bất thường trong suy nghĩ hành vi tác phong.
Xem thêm
Dấu hiệu trầm cảm tuổi dậy thì bao gồm: Thường xuyên có các biểu hiện tức giận; Luôn cảm thấy mình vô dụng là biểu hiện rất thường thấy ở bệnh trầm cảm tuổi dậy thì; Luôn cảm thấy buồn mà không có lý do
Xem thêm
Những biện pháp người thân cần thực hiện để hỗ trợ người mẹ vượt qua chứng trầm cảm sau sinh: Khuyến khích và chủ động đưa người bệnh đến thăm khám ngay khi nhận thấy các triệu chứng bất thường. Ngoài ra, cần chú ý mức độ tuân thủ điều trị và sự cải thiện của bệnh nhân khi dùng thuốc. Nếu nhận thấy đơn thuốc không có hiệu quả, nên động viên người bệnh quay trở lại phòng khám/ bệnh viện. Thường xuyên động viên, chia sẻ với người bệnh. Nhưng cần tránh tình trạng đối xử quá đặc biệt khiến bệnh nhân cảm thấy tội lỗi, bi quan, có cảm giác bản thân vô dụng và bất tài. Hỗ trợ người mẹ trong việc chăm sóc con cái. Đồng thời khuyến khích phụ nữ sau sinh nghỉ ngơi và dành thời gian chăm sóc bản thân. Để tránh những tình huống đáng tiếc, cần đảm bảo luôn có người thân bên cạnh mẹ và bé trong thời gian điều trị.
Xem thêm
Chữa bệnh trầm cảm bằng Đông Y được chia ra làm 2 phương pháp chính: Phương pháp không dùng thuốc và phương pháp dùng thuốc.
Xem thêm
Viện sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai; Khoa Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Lão khoa Trung ương; Phòng khám Tâm thần KaZuO...
Xem thêm
Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Trầm cảm
Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!