Dấu hiệu rụng tóc ở phụ nữ
Rụng tóc có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân. Bạn có thể nhận thấy tóc rụng đột ngột hoặc mỏng dần theo thời gian. Một số triệu chứng rụng tóc ở phụ nữ bao gồm:
- Tóc mỏng đi. Tóc thưa dần trên đỉnh đầu là kiểu rụng tóc phổ biến nhất, ảnh hưởng đến cả nam và nữ.
- Các đốm hói, có thể có hình tròn - kích thước như đồng xu - hoặc loang lổ, xuất hiện trên da đầu. Da đầu thậm chí có thể cảm thấy ngứa hoặc đau ngay lập tức trước khi tóc rụng.
- Rất nhiều tóc bị rụng ra. Có thể bị rụng tóc rất đột ngột, đặc biệt là sau chấn thương tinh thần hoặc thể chất. Tóc có thể nhanh chóng bị rụng ra khi đang gội hoặc chải, dẫn đến tình trạng tóc mỏng đi.
- Rụng toàn bộ tóc. Một số bệnh lý, hoặc phương pháp điều trị như hóa trị có thể làm tóc/lông rụng đột ngột và trên toàn bộ cơ thể cùng một lúc.
Phân loại rụng tóc ở phụ nữ
Rụng tóc (alopecia) không lây nhiễm hoặc liên quan đến thần kinh. Rụng tóc được chia nhiều loại, và có nguyên nhân rất đa dạng (từ di truyền đến cách chăm sóc tóc hoặc do hệ thống miễn dịch tấn công các nang tóc), bao gồm:
- Rụng tóc nội tiết tố androgen (androgenetic alopecia) là tình trạng do di truyền, ảnh hưởng cả nam và nữ. Nam giới mắc bệnh này được gọi là chứng hói đầu kiểu nam giới, có đặc điểm chung là chân tóc bị rút xuống và tóc rụng hết khỏi đỉnh đầu hoặc da đầu ở phía trước. Đối với phụ nữ mắc chứng rụng tóc androgen sẽ được gọi là hói đầu kiểu nữ giới. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây rụng tóc ở phụ nữ và thường bắt đầu từ 12 - 40 tuổi, tóc sẽ rụng dần và mỏng đi, lượng tóc rụng nhiều nhất ở vùng đỉnh đầu.
- Rụng tóc từng mảng (alopecia areata) là tình trạng rụng tóc xảy ra đột ngột, thường bắt đầu với một hoặc nhiều mảng hói tròn có thể chồng lên nhau hoặc không.
- Rụng tóc có sẹo (cicatricial alopecia) là một nhóm các tình trạng gây rụng tóc không thể phục hồi do sẹo. Tóc rụng và nang tóc được thay thế bằng mô sẹo.
- Rụng tóc do chấn thương (traumatic alopecias) do quá trình tạo kiểu tóc. Thân tóc có thể bị gãy sau khi sử dụng máy sấy, máy uốn, máy ép hoặc một số hóa chất để nhuộm, uốn hoặc ép tóc.
Tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét các nguyên nhân gây rụng tóc.
Nguyên nhân gây rụng tóc ở phụ nữ
Bệnh lý
Video: rụng tóc bệnh lý là gì - Hiểu đúng về rụng tóc
Có nhiều bệnh lý trực tiếp dẫn đến rụng tóc, cho dù là do rối loạn hormone (như bệnh lý tuyến giáp); sẹo (do bệnh da, như hắc lào); hoặc rối loạn tự miễn dịch (như bệnh celiac). Các bệnh lý đó có thể bao gồm:
- Suy giáp
- Cường giáp
- Bệnh u lympho Hodgkin
- Suy tuyến yên
- Viêm tuyến giáp Hashimoto
- Lupus ban đỏ hệ thống
- Suy tuyến thượng thận
- Bệnh celiac
- Lichen phẳng
- Nấm da
- Xơ cứng bì
- Tóc tre (trichorrhexis invaginata)
Các triệu chứng khác giúp chẩn đoán
Bạn cũng có thể gặp một loạt các triệu chứng khác nếu tình trạng rụng tóc là do bệnh lý có từ trước. Ví dụ như:
- Suy giáp có thể gây ra mệt mỏi, tăng cân, yếu cơ, sưng khớp.
- Bệnh hắc lào có thể gây ra các mảng màu xám hoặc đỏ có vảy, gây đau trên da đầu.
- Bệnh celiac có thể gây ra loét miệng, đau đầu, phát ban trên da, thiếu máu.
- Bệnh u lympho Hodgkin có thể gây sốt, đổ mồ hôi ban đêm, sưng hạch bạch huyết.
Bác sĩ sẽ khám, xem xét các triệu chứng khác mà bạn đang gặp phải ngoài rụng tóc và cho xét nghiệm máu, hay thậm chí sinh thiết da đầu để giúp xác định nguyên nhân. Một số bệnh, như bệnh celiac, có thể do di truyền. Nếu có tiền sử gia đình liên quan đến rụng tóc, hãy cho bác sĩ biết.
Thời kỳ mãn kinh và mất cân bằng hormone
Phụ nữ có thể bị rụng tóc trong thời kỳ mãn kinh do giảm sản xuất hormone estrogen và progesterone. Những thay đổi này cũng dẫn đến các triệu chứng khác - như chu kỳ kinh nguyệt không đều, da khô, đổ mồ hôi ban đêm, tăng cân, khô âm đạo - làm cơ thể thêm căng thẳng, dẫn đến làm trầm trọng thêm tình trạng rụng tóc.
Một số phụ nữ thậm chí có thể nhận thấy tóc rụng và mỏng đi sau khi dùng thuốc tránh thai hormone. Một lần nữa, những thay đổi hormone dưới bất kỳ hình thức nào, đặc biệt là giảm nồng độ estrogen, có thể tạm thời làm gián đoạn vòng đời của tóc.
Căng thẳng
Nếu bạn bị căng thẳng về tinh thần hoặc thể chất - như có người thân qua đời, trải qua một cuộc phẫu phuật lớn hoặc bệnh nặng - thì đều có thể dẫn đến rụng tóc.
Có thể mất một khoảng thời gian 3 tháng từ khi sự kiện căng thẳng xảy ra cho đến khi nhận thấy tóc rụng, vì vậy bạn có thể không xác định được nguyên nhân ngay lập tức.
Tuy nhiên, nếu bạn đang gặp phải tình trạng tóc mỏng hơn, hãy xem xét các sự kiện hoặc tình huống khác nhau trong cuộc sống có thể khiến bạn căng thẳng nhiều. Rụng tóc do căng thẳng nói chung là tạm thời. Sau khi căng thẳng trôi qua, nang tóc bắt đầu tăng trưởng và tóc sẽ mọc trở lại.
Xem thêm: Căng thẳng ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của bạn
Rụng tóc telogen
Rụng tóc telogen (telogen effluvium), là nguyên nhân gây rụng tóc phổ biến thứ hai, xảy ra tạm thời khi có sự thay đổi về số lượng nang tóc ở trạng thái nghỉ ngơi (telogen phase).
Ví dụ, phụ nữ có thể bị rụng tóc trong những tháng sau khi sinh con hoặc một sự kiện căng thẳng khác. Đôi khi bạn có thể xác định có phải rụng tóc telogen không bằng cách nhìn vào sợi tóc. Các sợi tóc rụng telogen có chứa chất sừng ở gốc.
Rụng tóc telogen thường được gây ra bởi bất cứ thứ gì có thể gây sốc cho cơ thể và làm gián đoạn vòng đời của tóc. Có thể mất khoảng thời gian lên đến 3 tháng trước khi bạn nhận thấy mình đang bị rụng tóc telogen.
Các tác nhân có thể gây rụng tóc telogen bao gồm:
- Sốt cao
- Nhiễm trùng nghiêm trọng
- Bệnh mãn tính
- Căng thẳng về cảm xúc
- Rối loạn ăn uống (gây thiếu chất dinh dưỡng)
Dùng một số loại thuốc, như retinoids, thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc chống trầm cảm và thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS) cũng có thể dẫn đến rụng tóc telogen. Tin tốt là loại rụng tóc này thường có thể hồi phục được, và cuối cùng các sợi tóc sẽ mọc trở lại trên da đầu.
Thiếu vitamin B
Thiếu một số vitamin và khoáng chất cũng có thể dẫn đến tóc mỏng hoặc rụng tóc ở phụ nữ. Một số bác sĩ da liễu tin rằng không ăn đủ thịt đỏ hoặc ăn chay có thể gây rụng tóc. Thịt đỏ và các loại thực phẩm từ động vật khác rất giàu sắt, một loại khoáng chất hỗ trợ sự phát triển của tóc và cơ thể. Phụ nữ vốn đã dễ bị thiếu sắt do mất máu trong thời kỳ kinh nguyệt, vì vậy không bổ sung đủ sắt trong chế độ ăn uống có thể dẫn đến thiếu hụt.
Rối loạn ăn uống, như chứng biếng ăn, cũng có thể dẫn đến thiếu hụt vitamin và làm tóc mỏng. Đặc biệt, thiếu hụt các chất như kẽm, axit amin L-lysine, B6, B12 được cho là ảnh hưởng đến tóc.
Xem thêm: Tác dụng của vitamin B6 tới sức khỏe
Phương pháp điều trị rụng tóc hiệu quả ở phụ nữ
Rụng tóc do căng thẳng hoặc thay đổi hormone, như mang thai hoặc mãn kinh, có thể không cần điều trị. Tình trạng rụng tóc sẽ tự dừng lại sau khi cơ thể điều chỉnh.
Sự thiếu hụt chất dinh dưỡng cũng thường không cần điều trị y tế ngoài chất bổ sung, trừ khi sự thiếu hụt đó là do bệnh lý gây ra. Và bất kỳ bệnh lý nào dẫn đến rụng tóc nên được điều trị trực tiếp để giải quyết toàn bộ tình trạng bệnh chứ không chỉ là các triệu chứng của nó.
Có một số loại thuốc và phương pháp điều trị có thể áp dụng với chứng rụng tóc ở phụ nữ. Bạn có thể cần sử dụng một hoặc kết hợp các phương pháp điều trị trong nhiều tháng hoặc nhiều năm để thấy được kết quả.
Minoxidil
Minoxidil là một loại thuốc không kê đơn có dạng lỏng và bọt để sử dụng tại chỗ. Nó được xoa lên da đầu hàng ngày và thường cần được sử dụng lâu dài trong nhiều tháng và nhiều năm để ngăn ngừa rụng tóc hiệu quả và thúc đẩy sự phát triển của tóc.
Liệu pháp estrogen
Mặc dù không được sử dụng rộng rãi như những năm trước, liệu pháp thay thế hormone estrogen có thể là một phương pháp điều trị chứng rụng tóc nội tiết tố androgen. Nó tập trung vào việc cung cấp hormone estrogen để hỗ trợ sự giảm sút hormone này của phụ nữ. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên trao đổi với bác sĩ nếu dùng liệu pháp này và muốn uống thuốc tránh thai. Tuy nhiên, so với dùng liệu pháp hormone, hiện nay minoxidil được lựa chọn phổ biến hơn do tính hiệu quả của nó.
Spironolactone
Còn được gọi là Aldactone, có tác dụng điều trị rụng tóc bằng cách liên kết với các thụ thể androgen và làm giảm quá trình xử lý testosterone của cơ thể. Không phải tất cả các nhà nghiên cứu đều đồng ý về tính hiệu quả của nó và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã không cho rằng spironolactone là một phương pháp điều trị chứng rụng tóc nội tiết tố androgen.
Tretinoin
Tretinoin tại chỗ (Retin-A) đôi khi được sử dụng như một liệu pháp kết hợp với minoxidil cho chứng rụng tóc nội tiết tố androgen. Điều quan trọng là phải sử dụng loại thuốc này dưới sự hướng dẫn của bác sĩ vì có thể làm cho tình trạng rụng tóc trở nên tồi tệ hơn.
Corticoid
Phụ nữ bị rụng tóc do rụng tóc từng mảng có thể cân nhắc điều trị bằng corticoid tiêm tại các vị trí bị rụng tóc nhiều. Mọc tóc có thể nhận thấy ngay sau 4 tuần và việc điều trị có thể được lặp lại sau mỗi 4 - 6 tuần. Các tác dụng phụ khi tiêm bao gồm teo da hoặc mỏng da đầu.
Corticosteroid tại chỗ cũng có sẵn nhưng hiệu quả không cao. Và corticosteroid đường uống có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ khó chịu.
Xem thêm: Công dụng của corticosteroid
Anthralin
Ở phụ nữ bị rụng tóc từng mảng, anthralin vừa an toàn và hiệu quả. Nó có thể được thoa tại nhà lên da đầu, một lần mỗi ngày, mát xa từ 5 phút đến 1 giờ. Sau khi thoa, cần rửa sạch da đầu bằng xà phòng và nước mát. Tóc mới có thể mọc lên sau 2 - 3 tháng.
Rụng tóc ở nữ giới khác với nam giới như thế nào
Một số phương pháp điều trị rụng tóc đặc biệt hiệu quả hơn đối với nữ giới so với nam giới, và một số phương pháp, chẳng hạn như finasteride, không được khuyên dùng cho phụ nữ.
Finasteride
Finasteride (Proscar) là một loại thuốc được sử dụng cho chứng rụng tóc ở nam giới. Finasteride không được khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản vì có thể gây ra các vấn đề về tăng trưởng và phát triển của thai nhi. Finasteride cũng được coi là không phù hợp cho phụ nữ sau mãn kinh.
Phẫu thuật
Trong phẫu thuật cấy tóc, các mảnh da đầu có gắn tóc thường được lấy từ một vùng da đầu và chuyển đến vùng hói đầu. Cấy tóc không phải là phương pháp điều trị phổ biến đối với chứng hói đầu ở phụ nữ vì kiểu rụng tóc phân tán và số lượng ít ở nữ giới (chứ không phải là các đốm hói như nam giới).
Ngoài ra còn có những nguy cơ, bao gồm nhiễm trùng hoặc thải ghép có thể khiến tóc rụng ra khỏi vùng cấy. Phẫu thuật cũng có thể không giúp ích cho những vùng hói lớn.
Xem chi tiết: Phương pháp điều trị rụng tóc ở nam giới
Kết luận
Có một số tình trạng rụng tóc có thể tự hồi phục hoặc chỉ cần sử dụng thuốc không kê đơn như minoxidil. Nhưng nhiều bệnh lý cũng gây rụng tóc nên điều quan trọng là phải hỏi ý kiến bác sĩ. Nếu bạn nhận thấy hoặc nghi ngờ tóc mình rụng nhiều hơn mức bình thường, hãy đi khám để bác sĩ có thể chẩn đoán nguyên nhân và đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp.
- Những nguyên nhân gây rụng tóc thường gặp và biện pháp khắc phục
- Rụng tóc từng mảng: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, chẩn đoán và điều trị
- Điều trị rụng tóc ở nam giới: 17 phương pháp hữu hiệu
- Rụng tóc sau sinh: Nguyên nhân và biện pháp khắc phục
- Rụng tóc ở trẻ sơ sinh có bình thường không? Nguyên nhân và biện pháp khắc phục