Thời điểm mãn kinh trung bình của phụ nữ là 51 tuổi, khoảng thời gian trước mãn kinh được gọi là tiền mãn kinh. Giai đoạn này kéo dài trung bình khoảng 4 năm, tuy nhiên một số người có thể có ngoại lệ, có thể là vài tháng hoặc lên đến 10 năm. Trong khoảng thời gian này, nồng độ của các hormone sinh dục như estrogen hay progesterone luôn luôn thay đổi.
Những thay đổi này khá thất thường, có thể ảnh hưởng không nhỏ lên quá trình rụng trứng, điều này có thể dễ dàng nhận thấy qua các dấu hiệu như kinh nguyệt thất thường, trễ kinh, chảy máu bất thường…
Tiền mãn kinh - Những điều cần biết
Một vài dấu hiệu khác của tiền mãn kinh có thể kể đến như:
- Bốc hỏa
- Đổ mồ hôi về đêm
- Khó ngủ
- Trí nhớ thất thường
- Khó tiểu, bí tiểu
- Khô âm đạo
- Thay đổi ham muốn tình dục
Chảy máu giữa các lần hành kinh
Nếu quần lót của bạn xuất hiện một ít máu giữa các lần hành kinh mà không cần sử dụng đến băng vệ sinh thì đó có thể là dấu hiệu của việc mất cân bằng nội tiết tố cơ thể và sự tích tụ của nội mạc tử cung.
Giải pháp
Trong trường hợp này, bạn nên sử dụng nhật ký cá nhân để theo dõi kinh nguyệt, bao gồm các thông số như thời điểm xuất hiện, thời gian kéo dài, lượng máu mất đi hay các lần ra máu bất thường…
Những vết bẩn và dịch rỉ có thể giải quyết đơn giản bằng việc thay quần lót, có loại quần lót sử dụng một lần hoặc những loại tấm lót có thể tái sử dụng…Chúng khá đa dạng về mẫu mã và thường được bày bán tại các hiệu thuốc.
Kinh nguyệt nhiều bất thường
Khi nồng độ estrogen cao hơn progesterone sẽ kích thích hình thành niêm mạc tử cung, điều này sẽ dẫn đến tình trạng chảy máu nhiều hơn khi hành kinh do sự bong ra của lớp niêm mạc. Bên cạnh đó, tắt kinh hoặc trễ kinh cũng có thể dẫn đến sự tích tụ quá mức của niêm mạc, là nguyên nhân gây của tình trạng chảy máu quá mức.
Máu được coi là nhiều nếu như:
- Bạn phải thay băng vệ sinh hằng giờ trong vài giờ liên tục
- Bạn phải sử dụng đến 2 biện pháp bảo vệ để kiểm soát lượng máu tiết ra, chẳng hạn như băng vệ sinh và miếng lót
- Khiến bạn thức dậy giữa giấc ngủ để thay băng vệ sinh
- Kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày
Việc chảy máu nhiều có thể dẫn đến khó chịu, không thoải mái, ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày, gây khó khăn trong việc tập thể dục hoặc công việc cá nhân…Ngoài ra chảy máu nhiều có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi, thiếu máu…
Giải pháp
Để giảm đau, bạn có thể sử dụng ibuprofen (các biệt dược như Advil, Midol, Motrin...). Nếu tình trạng vẫn không thuyên giảm, bạn có thể sẽ cần đến sự can thiệp của bác sĩ để điều trị bằng các phương pháp khác như liệu pháp hormone…
Máu có màu đen hoặc sẫm
Máu kinh có thể có màu đỏ tươi hoặc nâu sẫm, đặc biệt là vào cuối kỳ kinh. Máu nâu hoặc sẫm màu có thể là dấu hiệu của máu cũ thoát khỏi cơ thể.
Bên cạnh đó, tính chất máu kinh cũng có thể loãng, đặc hoặc thậm chí có thể vón cục.
Giải pháp
Sự thay đổi màu sắc của máu thường phụ thuộc vào khoảng thời gian di chuyển của chúng, tuy nhiên đó có thể là dấu hiệu của các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn. Bên cạnh đó, nếu dịch tiết có mùi hôi thì khả năng cao bạn đã bị nhiễm trùng. Trong trường hợp này, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để nhận được hướng dẫn điều trị phù hợp.
Chu kỳ ngắn
Khi nồng độ estrogen trong máu thấp sẽ khiến lớp niêm mạc tử cung trở nên mỏng hơn, từ đó lượng máu mất đi mỗi lần ít hơn, đồng thời thời gian hành kinh cũng ngắn hơn.
Những điều này thường gặp ở giai đoạn sớm của thời kỳ tiền mãn kinh.
Giải pháp
Việc sử dụng băng vệ sinh hay cốc nguyệt san trong trường hợp này là điều không cần thiết vì chúng có thể gây ra những khó khăn hoặc cảm giác không thoải mái cho bạn. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng quần lót, miếng đệm lót…để hỗ trợ giảm triệu chứng.
Chu kỳ dài
Trong giai đoạn muộn của tiền mãn kinh, chu kỳ kinh nguyệt có thể trở nên dài hơn và cách xa nhau hơn – trên 38 ngày. Đó có thể là dấu hiệu của sự thay đổi trong quá trình rụng trứng.
Giải pháp
Trong trường hợp này, bạn có thể cân nhắc đến việc sử dụng cốc nguyệt san, các sản phẩm đồ lót có khả năng thấm máu tốt hoặc băng vệ sinh hay miếng lót.
Tắt kinh, trễ kinh
Sự dao động bất thường của hormone có thể dẫn đến tình trạng trễ kinh, các chu kỳ cách xa đến mức bạn không thể nhớ lại lần cuối cùng hành kinh của mình là bao giờ.
Đồng thời bạn cũng cần nhớ rằng trong trường hợp kinh nguyệt vẫn xuất hiện, nghĩa là quá trình rụng trứng vẫn diễn ra thì bạn hoàn toàn vẫn còn khả năng mang thai.
Giải pháp
Bạn không cần quá lo lắng khi gặp phải trễ kinh, thay vào đó bạn nên kiểm tra xem các triệu chứng đó có thực sự liên quan đến tiền mãn kinh hay không, hay đó là dấu hiệu của mang thai. Các dấu hiệu khác của mang thai bao gồm:
- Buồn nôn
- Căng ngực
- Đi tiểu thường xuyên
- Nhạy cảm với mùi vị
- Ợ nóng, ợ chua
Nếu không có kế hoạch sinh con trong tương lai, bạn nên cân nhắc việc sử dụng các biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục, bởi bạn vẫn còn khả năng mang thai nếu như chưa hoàn toàn mãn kinh.
Tất cả những bất thường trên
Bạn có thể gặp phải tất cả các tình trạng trễ kinh, chu kì kéo dài, chu kì ngắn hay tình trạng rong kinh, máu cục trong suốt thời kì tiền mãn kinh. Chúng là những bất thường chung nhất là khi bạn gần mãn kinh và thường khó đoán và khiến bạn khó chịu
Giải pháp
Hãy nhớ rằng những thay đổi này là một phần của sự thay đổi lớn bạn sắp trải qua. Cũng như lúc bắt đầu, quá trình này sẽ kết thúc khi giai đoạn mãn kinh bắt dầu.
Các trường hợp cần tham khảo ý kiến bác sĩ
Việc chảy máu bất thường trong một số trường hợp có thể là dấu hiệu của một vài bệnh lý tiềm ẩn. Do đó, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu gặp phải một trong những triệu chứng sau:
- Chảy máu quá nhiều khiến bạn cần thay băng vệ sinh mỗi 1 hoặc 2 giờ
- Chảy máu kéo dài trên 7 ngày
- Chảy máu trên 3 lần/ tuần (không phải tình trạng rỉ máu nhẹ)