Bệnh celiac là bệnh gì
Bệnh Celiac có thể khởi phát khi ăn phải một loại protein gọi là gluten. Gluten được tìm thấy trong các loại ngũ cốc, như lúa mì, lúa mạch và thậm chí cả lúa mì đen. Thay đổi chế độ ăn uống tránh xa Gluten giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh.
Tổng quan bệnh Celiac
Bệnh celiac là gì?
Bệnh Celiac (còn được gọi bệnh ruột nhạy cảm với Gluten) là một bệnh hệ thống gây rối loạn tiêu hóa. Bệnh hệ thống có nghĩa là nó có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Bệnh Celiac là một rối loạn phức tạp qua trung gian miễn dịch, gây ra tổn thương cho ruột non khi người bệnh ăn phải Gluten (một loại protein trong các loại ngũ cốc như lúa mì, lúa mạch và lúa mì đen).
Sự khác biệt giữa bệnh Celiac và nhạy cảm với Gluten không phải Celiac (NCGS) là gì?
Bệnh Celiac gây tổn thương ruột non. Có các dấu ấn sinh học cụ thể trong máu giúp xác định chẩn đoán. Nhạy cảm với gluten không phải celiac cũng gây ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau bụng, đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, mệt mỏi và “chứng sương mù não”. Những triệu chứng này có thể nhẹ hoặc nặng. Tuy nhiên, NCGS không làm tổn thương ruột; không có dấu ấn sinh học cụ thể trong máu; và chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào việc các triệu chứng cải thiện sau khi thực hiện chế độ ăn kiêng không có gluten.
Triệu chứng và nguyên nhân bệnh Celiac
Nguyên nhân của bệnh Celiac là gì?
Thông thường, hệ thống miễn dịch của cơ thể được thiết kế để bảo vệ khỏi những tác nhân xâm nhập từ bên ngoài. Khi những người bị bệnh Celiac ăn thực phẩm có chứa gluten, hệ thống miễn dịch của họ sẽ tấn công lớp niêm mạc của ruột. Điều này gây ra viêm tại ruột và làm hỏng các nhung mao - các cấu trúc giống như lông trên niêm mạc của ruột non. Chất dinh dưỡng từ thức ăn được hấp thụ bởi nhung mao. Nếu nhung mao bị tổn thương, người đó không thể hấp thụ chất dinh dưỡng và cuối cùng sẽ dẫn đến bệnh cảnh suy dinh dưỡng, cho dù họ ăn bao nhiêu đi nữa.
Các triệu chứng của bệnh Celiac
Các triệu chứng của bệnh Celiac cơ thể khác nhau ở những đối tượng khác nhau, bao gồm:
- Không có bất kỳ triệu chứng nào
- Các vấn đề về tiêu hóa (đầy bụng, đau, đầy hơi, táo bón, tiêu chảy, phân sống và sụt cân).
- Phát ban, da phồng rộp nghiêm trọng được gọi là viêm da và lở loét trong miệng (được gọi là loét áp-tơ).
- Thiếu máu không rõ nguyên nhân hoặc viêm gan.
- Các vấn đề về cơ xương khớp (chuột rút cơ, đau xương khớp) và các khiếm khuyết về men răng.
- Các vấn đề về tăng trưởng và chậm phát triển ở trẻ em. Điều này là do chúng không thể hấp thụ các chất dinh dưỡng.
- Cảm giác ngứa ran ở chân (do tổn thương dây thần kinh và lượng canxi thấp).
- Trầm cảm.
Những vấn đề sức khỏe nào khác có thể đi kèm với bệnh celiac?
Bệnh Celiac làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác, bao gồm:
- Suy dinh dưỡng.
- Loãng xương, một căn bệnh làm yếu xương và dẫn đến gãy xương. Điều này xảy ra do người bệnh khó hấp thụ đủ canxi và vitamin D.
- Giảm bài tiết dịch âm đạo ở nữ.
- Ung thư ruột (rất hiếm).
Những người bị bệnh Celiac có thể mắc các bệnh tự miễn dịch khác, bao gồm:
- Bệnh tuyến giáp hoặc bệnh gan.
- Bệnh đái tháo đường typ 1.
- Lupus.
- Viêm khớp dạng thấp.
- Hội chứng Sjogren (các tuyến sản xuất không đủ độ ẩm cho cơ thể)
- Viêm gan tự miễn dịch.
Một số người có thể mắc phải "bệnh Celiac không điển hình", chẳng hạn như chỉ có triệu chứng thiếu máu. Bệnh Celiac không điển hình đang trở thành dạng bệnh Celiac phổ biến nhất. Một số trường hợp khác có thể bị "bệnh celiac không triệu chứng" khi bệnh không có bất kì biểu hiện nào.
Chẩn đoán và các xét nghiệm cần làm với bệnh Celiac
Bệnh Celiac được chẩn đoán như thế nào?
Để chẩn đoán bệnh Celiac, các bác sĩ sẽ tiến hành khai thác tiền sử bệnh và thăm khám sức khỏe tỉ mỉ, toàn diện. Họ cũng có thể sẽ chỉ định xét nghiệm máu để đo nồng độ kháng thể kháng gluten. Những người bị bệnh Celiac có lượng kháng thể trong máu cao hơn bình thường. Xét ngiệm gen cũng có thể được chỉ định trong một số trường hợp.
Các bác sĩ cũng có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm khác để đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng, chẳng hạn như xét nghiệm sắt huyết thanh. Nồng độ sắt thấp (một trong những nguyên nhân gây thiếu máu) có thể xảy ra trong bệnh Celiac.
Một số trường hợp có thể cần sinh thiết ruột non để kiểm tra xem có tổn thương nhung mao hay không. Trong sinh thiết, bác sĩ đưa một ống nội soi (ống mỏng, rỗng) từ miệng xuống ruột non và sinh thiết lấy một mẫu ruột bằng dụng cụ. Thủ thuật có thể được thực hiện khi gây mê để tránh khó chịu cho bệnh nhân.
Quản lý và điều trị bệnh Celiac
Bệnh Celiac được điều trị như thế nào?
Bệnh nhân Celiac không thể ăn bất kỳ thực phẩm nào có chứa Gluten (bao gồm lúa mì, lúa mạch và lúa mì đen). Họ nên được thăm khám bởi các chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn kiêng hợp lý. Loại bỏ gluten khỏi chế độ ăn uống thường cải thiện tình trạng bệnh trong vài ngày và cuối cùng chấm dứt các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, các nhung mao thường cần vài tháng đến vài năm để hồi phục hoàn toàn. Có thể mất hai đến ba năm để ruột lành lại ở người lớn, và khoảng sáu tháng đối với trẻ em.
Bệnh nhân Celiac cần tái khám thường xuyên (thường là 3 tháng, 6 tháng, sau đó là hàng năm) và phải duy trì chế độ ăn kiêng Gluten trong suốt phần đời còn lại. Ăn dù chỉ một lượng nhỏ Gluten cũng có thể làm tổn thương niêm mạc ruột và khởi phát bệnh.
Tuân theo chế độ ăn không có Gluten có nghĩa là không thể ăn nhiều loại lương thực phổ biến, bao gồm mì ống, ngũ cốc và nhiều thực phẩm chế biến có chứa Gluten. Gluten cũng có thể có trong các thành phần được thêm vào thực phẩm để cải thiện kết cấu hoặc hương vị và trong một số loại thuốc. Một số nguồn Gluten ít rõ ràng hơn có thể bao gồm kem và nước xốt salad. Nhiễm chéo là Gluten xảy ra khi thực phẩm không chứa gluten vô tình tiếp xúc với gluten. Nên hết sức thận trọng với những trường hợp này.
Nếu bạn bị bệnh Celiac, bạn vẫn có thể ăn một chế độ ăn uống cân bằng. Ví dụ, bánh mì và mì ống làm từ các loại bột khác (khoai tây, gạo, ngô hoặc đậu nành) đều có sẵn. Các công ty thực phẩm và một số cửa hàng tạp hóa cũng bán bánh mì và các sản phẩm không chứa Gluten.
Bạn cũng có thể ăn thực phẩm tươi chưa qua chế biến nhân tạo, chẳng hạn như trái cây, rau, thịt và cá, vì chúng không chứa Gluten.
Dự phòng bệnh Celiac
Có thể ngăn ngừa bệnh Celiac bằng cách nào?
Bệnh Celiac không thể ngăn ngừa được. Tuy nhiên, phát hiện sớm và quản lý bệnh Celiac có thể ngăn ngừa các biến chứng nặng. Do đó, điều rất quan trọng là phải tầm soát bệnh Celiac ở những người có nguy cơ mắc cao, chẳng hạn như người có tiền sử gia đình mắc bệnh Celiac.
Tiên lượng
Tiên lượng đối với những bệnh nhân Celiac sẽ như thế nào?
Tiên lượng của những người bị bệnh Celiac rất khác nhau. Sau khi điều trị đầy đủ và theo dõi y tế thường xuyên, tiên lượng rất tốt. Những người không được điều trị hoặc không đáp ứng với điều trị có thể bị một số biến chứng của bệnh hoặc thậm chí tử vong sớm hơn bình thường. Tuy nhiên, bệnh Celiac hiếm khi gây tử vong - hầu hết những người được chẩn đoán và không ăn Gluten đều có tiên lượng tốt.
Sống chung với bệnh Celiac
Các khía cạnh thực tế của việc sống chung với bệnh Celiac là gì?
Chế độ ăn không có Gluten sẽ là một thay đổi lớn trong cuộc đời (một thay đổi tốt và cần thiết nếu bạn mắc bệnh Celiac). Bạn phải xem xét lại thói quen ăn uống của mình, bao gồm những gì bạn mua cho bữa trưa, những gì bạn ăn trong các bữa tiệc, và cả những thức ăn nhanh hàng ngày. Khi bạn đi mua hàng tạp hóa, hãy nhớ đọc kỹ nhãn thành phần để tránh vô tình ăn phải Gluten. Nếu sau khi đọc thành phần mà bạn không chắc chắn về hàm lượng gluten thì tốt nhất là không nên ăn.
Một bác sĩ dinh dưỡng, chuyên gia về thực phẩm, có thể giúp bạn xây dựng chế độ ăn không có Gluten. Ngoài ra còn có các nhóm hỗ trợ có thể giúp những bệnh nhân vừa được chẩn đoán mắc bệnh Celiac.