Bệnh Lupus: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và các biện pháp điều trị

Lupus là một bệnh tự miễn mạn tính có thể gây tình trạng viêm khắp cơ thể.

Bệnh tự miễn là tình trạng trong đó hệ thống miễn dịch của bạn tấn công chính các tế bào của cơ thể, tạo các phức hợp miễn dịch lắng đọng ở bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể và gây viêm. 

Video bệnh lupus ban đỏ hệ thống là bệnh gì? 

Nhiều người có thể mắc Lupus mức độ nhẹ, nhưng bệnh có thể trở nên nghiêm trọng nếu không được điều trị thích hợp. Hiện tại, chưa có phương pháp nào chữa trị khỏi hoàn toàn bệnh lupus, vì vậy, việc điều trị tập trung vào làm dịu các triệu chứng và giảm tình trạng viêm. 

Triệu chứng của bệnh Lupus

Các triệu chứng của bệnh lupus có thể phụ thuộc vào bộ phận nào của cơ thể bị ảnh hưởng. Tình trạng viêm ở bệnh lupus có thể ảnh hưởng đến các cơ quan và mô khác nhau trong cơ thể bạn, bao gồm:

  • Cơ xương khớp
  • Da
  • Tim
  • Máu
  • Phổi
  • Não
  • Thận 

Các triệu chứng có thể khác nhau, tùy thuộc vào từng cá nhân:

  • Kéo dài
  • Biến mất đột ngột
  • Thỉnh thoảng bùng lên đợt cấp
Lupus có thể gây phát ban đỏ trên da (Nguồn: healthline)Lupus có thể gây phát ban đỏ trên da (Nguồn: healthline)

Mặc dù không có bất kỳ trường hợp mắc Lupus nào giống nhau, nhưng các triệu chứng và dấu hiệu phổ biến nhất bao gồm: 

  • Sốt cao
  • Mệt mỏi
  • Đau nhức toàn thân
  • Đau khớp
  • Phát ban, bao gồm ban hình cánh bướm trên mặt
  • Tổn thương da
  • Khó thở
  • Hội chứng Sjogren, bao gồm khô mắt mạn tính và khô miệng
  • Viêm màng ngoài tim và viêm màng phổi, cả hai đều có thể gây đau ngực
  • Đau đầu
  • Suy giảm trí nhớ

Viêm do lupus cũng có thể gây các biến chứng liên quan đến các cơ quan khác nhau như: 

  • Thận
  • Máu
  • Phổi

Triệu chứng ban đầu

Các triệu chứng của bệnh lupus thường xuất hiện khi bạn bước vào tuổi trưởng thành, ở bất kỳ thời điểm nào từ độ tuổi thanh thiếu niên đến tuổi 30.

Một số triệu chứng ban đầu bao gồm: 

  • Mệt mỏi
  • Sốt
  • Phát ban
  • Sưng khớp
  • Khô miệng hoặc khô mắt
  • Rụng tóc từng mảng
  • Các vấn đề với phổi, thận, tuyến giáp hoặc đường tiêu hóa  

Những triệu chứng này tương tự như triệu chứng của các bệnh lý khác, vì vậy việc có những triệu chứng này không nhất thiết nghĩa là bạn mắc bệnh Lupus. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải đi khám để được bác sĩ tư vấn. 

Nhạy cảm với ánh sáng

Mặc dù tiếp xúc với quá nhiều ánh nắng mặt trời có thể gây hại cho bất kỳ ai, nhưng nhiều người mắc Lupus bị nhạy cảm với ánh sáng. Điều đó có nghĩa là họ đặc biệt nhạy cảm với bức xạ UV, một loại bức xạ có trong ánh sáng mặt trời hoặc thậm chí một số loại ánh sáng nhân tạo. 

Một số người mắc bệnh Lupus có thể thấy tiếp xúc với ánh sáng mặt trời gây ra một số triệu chứng, bao gồm: 

  • Phát ban, chủ yếu là phát ban nhạy cảm với ánh sáng khi có SSA tự kháng thể (Ro)
  • Mệt mỏi
  • Đau khớp
  • Sưng đỏ

Nếu bạn mắc Lupus và phải ra ngoài, điều quan trọng là bạn phải mặc quần áo chống nắng và thoa kem chống nắng.  

Nguyên nhân gây bệnh Lupus

Mặc dù các bác sĩ không biết chính xác nguyên nhân gây ra bệnh lupus, nhưng họ cho rằng nó có thể do sự kết hợp của nhiều yếu tố. Bao gồm 

  • Môi trường: các tác nhân tiềm ẩn như hút thuốc, căng thẳng và tiếp xúc với các chất độc như bụi silica là những nguyên nhân tiềm ẩn gây bệnh Lupus.
  • Di truyền: Hơn 50 gen liên quan đến bệnh Lupus đã được xác định. Ngoài ra, tiền sử gia đình mắc bệnh Lupus có thể khiến một người có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn một chút.
  • Nội tiết tố: Một số nghiên cứu cho thấy rằng mức độ hormon bất thường, chẳng hạn như tăng nồng độ estrogen, có thể góp phần gây ra bệnh Lupus.
  • Nhiễm trùng: Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu mối liên hệ giữa các bệnh nhiễm trùng như cytomegalovirus và Epstein-Barr, và nguyên nhân gây bệnh Lupus.
  • Thuốc: Sử dụng lâu dài một số loại thuốc, chẳng hạn như hydralazine (Apresoline), procainamide (Procanbid) và quinidine, có liên quan đến việc gây ra bệnh Lupus ban đỏ do thuốc (DIL). Ngoài ra, bệnh nhân dùng thuốc chẹn TNF cho các bệnh như viêm khớp dạng thấp (RA), bệnh viêm ruột (IBD) và viêm cột sống dính khớp có thể phát triển DIL. Mặc dù hiếm gặp, nhưng tetracycline, như minocycline, có thể được sử dụng để điều trị mụn trứng cá và bệnh trứng cá đỏ, cũng có thể gây DIL. 

Bạn cũng có thể không gặp phải bất kỳ nguyên nhân tiềm ẩn nào của bệnh Lupus được liệt kê ở đây nhưng vẫn mắc bệnh tự miễn. 

Yếu tố nguy cơ của bệnh Lupus

Một số nhóm có thể có nguy cơ mắc bệnh Lupus cao hơn. Các yếu tố nguy cơ của bệnh Lupus bao gồm: 

  • Giới tính: Phụ nữ có nhiều khả năng mắc bệnh Lupus hơn nam giới, nhưng bệnh có thể biểu hiện nghiêm trọng hơn ở nam giới.
  • Tuổi tác: Mặc dù bệnh Lupus có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng bệnh này thường được chẩn đoán nhất ở những người trong độ tuổi từ 15 đến 44.
  • Chủng tộc: Lupus phổ biến hơn ở một số chủng tộc nhất định như người Mỹ gốc Phi, người Tây Ban Nha, người Mỹ gốc Á, người Mỹ bản địa hoặc người Thái Bình Dương
  • Tiền sử gia đình: Có tiền sử gia đình mắc bệnh Lupus có nghĩa là bạn có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn. 

Hãy nhớ rằng có các yếu tố nguy cơ không có nghĩa là bạn sẽ mắc bệnh Lupus. Điều đó chỉ có nghĩa là bạn có nguy cơ mắc cao hơn so với những người không có yếu tố nguy cơ. 

Bệnh lupus có chữa được không?

Video bệnh lupus ban đỏ có chữa được không? 

Hiện tại, không có cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh lupus. Tuy nhiên, có nhiều phương pháp điều trị khác nhau có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng của mình. 

Điều trị bệnh lupus tập trung vào một số nguyên tắc: 

  • Điều trị triệu chứng
  • Ngăn ngừa đợt cấp Lupus
  • Giảm mức độ tổn thương cho khớp và các cơ quan của bạn 

Tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ là điều quan trọng trong việc giúp bạn kiểm soát các triệu chứng và có một cuộc sống bình thường, viên mãn. 

Các nhà nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu để hiểu rõ hơn về bệnh lupus và tìm ra các phương pháp điều trị mới cho tình trạng này. 

Điều trị Lupus

Mặc dù hiện tại không có cách chữa trị bệnh lupus, nhưng các loại thuốc có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng của mình và ngăn ngừa bùng phát đợt cấp bệnh lupus. Bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng lupus của bạn và mức độ nghiêm trọng của chúng khi đề xuất phương pháp điều trị. 

Điều quan trọng là bạn phải đến khám bác sĩ thường xuyên. Điều này cho phép họ theo dõi tình trạng của bạn tốt hơn và xem kế hoạch điều trị có hiệu quả không. 

Ngoài ra, các triệu chứng lupus có thể thay đổi theo thời gian. Do đó, bác sĩ có thể thay đổi loại thuốc của bạn hoặc điều chỉnh liều lượng thuốc hiện tại cho phù hợp. 

Ngoài thuốc, bác sĩ có thể đề nghị bạn thay đổi lối sống để giúp kiểm soát các triệu chứng lupus tốt hơn, bao gồm:

  • Tránh tiếp xúc quá mức với tia cực tím (UV)
  • Chế độ ăn uống lành mạnh
  • Dùng các chất bổ sung giúp giảm các triệu chứng như vitamin D, canxi và dầu cá
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Bỏ thuốc lá nếu bạn hút thuốc

Thuốc điều trị lupus

Lupus không thể được điều trị khỏi hoàn toàn nhưng có thể điều trị cải thiện triệu chứng. (Nguồn ảnh: practicalpainmanagement.com)Lupus không thể được điều trị khỏi hoàn toàn nhưng có thể điều trị cải thiện triệu chứng. (Nguồn ảnh: practicalpainmanagement.com)

Loại thuốc bạn được bác sĩ kê đơn có thể tùy thuộc vào các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của chúng. Thuốc có thể hỗ trợ điều trị các triệu chứng lupus theo một số cách, bao gồm: 

  • Ức chế hệ thống miễn dịch của bạn
  • Giảm sưng, giảm viêm
  • Ngăn ngừa tổn thương khớp hoặc các cơ quan nội tạng

Một số ví dụ về thuốc điều trị lupus bao gồm: 

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Những thuốc này có thể làm giảm sưng và giảm đau. Ví dụ bao gồm thuốc không kê đơn như ibuprofen (Advil, Motrin) và naproxen (Aleve).
  • Thuốc điều trị sốt rét: Những loại thuốc này đã từng được sử dụng để điều trị bệnh truyền nhiễm sốt rét. Do vi sinh vật gây bệnh sốt rét tang khả năng kháng thuốc, các loại thuốc mới hơn hiện đang được sử dụng để điều trị bệnh. Thuốc trị sốt rét có thể giải quyết các triệu chứng lupus như phát ban, đau khớp và mệt mỏi. Chúng cũng có thể giúp ngăn chặn các đợt bùng phát bệnh lupus cấp tính. Thuốc này được khuyên dùng trong thời kỳ mang thai để giảm các biến chứng liên quan đến thai kỳ và nguy cơ bệnh trở nên trầm trọng hơn ở người mẹ.
  • Corticosteroid: Loại thuốc này giúp làm dịu hệ thống miễn dịch của bạn và có thể giảm sưng đau. Chúng có nhiều dạng, bao gồm thuốc tiêm, kem bôi và thuốc viên. Một ví dụ về corticosteroid là prednisone. Corticosteroid có thể gây các tác dụng phụ như nhiễm trùng và loãng xương. Điều quan trọng là phải giảm liều lượng và thời gian sử dụng.
  • Thuốc ức chế miễn dịch: Những loại thuốc này có tác dụng ức chế hệ thống miễn dịch của bạn. Bởi vì chúng rất mạnh và có thể làm giảm khả năng phòng vệ của cơ thể bạn chống lại nhiễm trùng, chúng thường chỉ được sử dụng khi bệnh lupus nặng hoặc tổn thương đến nhiều cơ quan. Chúng cũng được sử dụng để giảm lượng steroid phải dùng. Ví dụ: Methotrexate (Trexall), mycophenolate mofetil (CellCept), axit mycophenolic (Myfortic) và azathioprine (Imuran).  
  • Thuốc sinh học: Là thuốc có nguồn gốc sinh học. Belimumab (Benlysta) là một loại thuốc sinh học được sử dụng để điều trị bệnh lupus. Đó là một loại kháng thể có thể ngăn chặn một loại protein quan trọng trong cơ thể đối với phản ứng miễn dịch.

Điều quan trọng là phải theo dõi cách thuốc tác dụng đến các triệu chứng của bạn. Nếu thuốc gây ra tác dụng phụ ở bạn hoặc điều trị các triệu chứng không hiệu quả nữa, hãy trao đổi với bác sĩ. 

Chế độ ăn kiêng cho bệnh nhân lupus

Hiện tại chưa có một chế độ ăn kiêng cụ thể cho bệnh lupus. Nói chung, hãy cố gắng ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng. bao gồm:

  • Cá có nhiều axit béo omega-3 như cá hồi, cá ngừ hoặc cá thu, bạn cần điều chỉnh lượng tiêu thụ vì có thể tăng nồng độ nhiễm thủy ngân
  • Thực phẩm giàu canxi như các sản phẩm sữa ít chất béo
  • Nguồn carbohydrate từ ngũ cốc nguyên hạt
  • Ăn hỗn hợp trái cây và rau củ nhiều màu sắc

Ngoài ra còn có một số loại thực phẩm mà những người mắc bệnh lupus nên tránh, chủ yếu là do các loại thuốc họ thường dùng. Một số ví dụ về các loại thực phẩm nên tránh xa bao gồm:

  • Rượu: Rượu có thể tương tác với nhiều loại thuốc. Ví dụ, nó có thể gây xuất huyết tiêu hóa ở những người dùng NSAID. Và cũng có thể làm tăng khả năng viêm.
  • Cỏ linh lăng: Axit amin được L-canavanine được tìm thấy trong mầm và hạt cỏ linh lăng có thể làm tăng triệu chứng viêm và dẫn đến bùng phát cấp tính bệnh lupus.
  • Thực phẩm giàu muối và cholesterol: Cắt giảm những thứ này không chỉ có lợi cho sức khỏe của bạn mà còn giúp ngăn ngừa đầy hơi và tăng huyết áp do sử dụng corticosteroid.
  • Vitamin D: Ngoài ra, nếu bạn bị nhạy cảm với ánh sáng do bệnh lupus, bạn có thể thiếu vitamin D. Uống bổ sung vitamin D có thể hữu ích. 

Chẩn đoán lupus

Không có một xét nghiệm máu hoặc chẩn đoán hình ảnh nào có thể chẩn đoán bệnh lupus. Thay vào đó, các bác sĩ xem xét các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhân và loại trừ các bệnh lý tiềm ẩn khác có thể gây ra chúng. 

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng có những kháng thể rất đặc hiệu với bệnh lupus, bao gồm Anti - dsDNA và Anti Smith (Sm). Kháng thể Sm cũng có liên quan đến bệnh thận do SLE (viêm thận). 

Bác sĩ sẽ hỏi tiền sử bệnh của bạn và thăm khám sức khỏe toàn thân. Họ sẽ hỏi về các triệu chứng của bạn, bao gồm cả thời gian bạn mắc bệnh, liệu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh lupus hoặc các bệnh tự miễn dịch khác hay không. 

Ngoài việc hỏi bệnh sử chi tiết và khám sức khoẻ, bác sĩ có thể thực hiện chỉ định các xét nghiệm sau để chẩn đoán bệnh lupus: 

  • Xét nghiệm máu: để xác định số lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu trong máu. Các xét nghiệm khác có thể bao gồm tốc độ máu lắng, xét nghiệm protein phản ứng C (CRP) và xét nghiệm kháng thể kháng nhân, có thể cho biết hoạt động của hệ miễn dịch tăng cao.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Sử dụng phương pháp tổng phân tích nước tiểu có thể xác định xem có nồng độ protein hoặc hồng cầu trong nước tiểu của bạn hay không. Điều này có thể cho thấy bệnh lupus đang ảnh hưởng đến thận của bạn.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang ngực và siêu âm tim có thể chỉ ra tình trạng viêm hoặc tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim.
  • Sinh thiết mô: Bác sĩ có thể sinh thiết mẫu da từ vùng da phát ban để xác định xem có phải bị bệnh lupus không. Nếu có tổn thương thận, sinh thiết thận có thể cần thiết để giúp xác định phương pháp điều trị thích hợp.

Các thể bệnh Lupus

Lupus ban đỏ hệ thống là thể phổ biến nhất. (Nguồn ảnh: kymeramedical.com)Lupus ban đỏ hệ thống là thể phổ biến nhất. (Nguồn ảnh: kymeramedical.com)

Lupus ban đỏ hệ thống (SLE)

Lupus ban đỏ hệ thống là thể phổ biến nhất.  

SLE thường ảnh hưởng đến một số hệ thống cơ quan khác nhau của cơ thể, bao gồm: 

  • Thận
  • Da
  • Xương khớp
  • Tim
  • Hệ thần kinh
  • Phổi

SLE có thể từ mức nhẹ đến nặng. Tình trạng này gây ra các triệu chứng có thể tiến triển tồi tệ hơn theo thời gian. Thời điểm đó được gọi là thời kỳ bùng phát, trong khi những giai đoạn bệnh cải thiện hoặc biến mất được gọi là thuyên giảm.

Lupus da

Thể lupus này thường chỉ giới hạn ở da. Nó có thể gây phát ban và tổn thương vĩnh viễn với sẹo. Có một số thể lupus da khác nhau, bao gồm: 

  • Bệnh lupus da cấp tính: gây ra hiện tượng “phát ban cánh bướm” đặc trưng. Đây là tình trạng da phát ban đỏ xuất hiện trên má và mũi.
  • Bệnh lupus da bán cấp: gây phát ban đỏ trên da và có vảy. Nó thường xuất hiện trên những vùng da thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và thường không gây sẹo.
  • Bệnh lupus da mạn tính: gây phát ban màu tím hoặc đỏ. Nó cũng có thể gây thay đổi màu da, sẹo và rụng tóc. Bạn cũng có thể thấy nó được gọi là Lupus ban đỏ dạng đĩa.

Trong khi lupus da cấp tính thường liên quan đến bệnh lupus hệ thống, lupus da bán cấp và mạn tính thường chỉ xảy ra trên da. 

Lupus sơ sinh

Tình trạng này cực kỳ hiếm và xảy ra ở trẻ sơ sinh có mẹ có kháng thể tự miễn. Các kháng thể tự miễn này được truyền từ mẹ sang thai nhi qua nhau thai. 

Không phải tất cả các bà mẹ có các tự kháng thể này đều có các triệu chứng của bệnh lupus. Trên thực tế, khoảng 25% trong số các bà mẹ sinh con bị lupus sơ sinh không có các triệu chứng lupus. Tuy nhiên, khoảng 50% những bà mẹ này sẽ xuất hiện các triệu chứng trong vòng 3 năm. 

Các triệu chứng của tình trạng này có thể bao gồm: 

  • Phát ban trên da
  • Giảm số lượng tế bào máu
  • Vấn đề về gan sau khi sinh

Trong khi một số trẻ sơ sinh có thể bị dị tật tim, hầu hết các triệu chứng sẽ biến mất sau vài tháng. 

Tuy nhiên, tự kháng thể (SSA / B) có thể đi qua nhau thai và gây ra rối loạn dẫn truyền nhịp tim. 

Những bệnh nhân có các kháng thể này cần được theo dõi rất chặt chẽ trong suốt thời kỳ mang thai bởi bác sĩ sản khoa.

 Lupus do thuốc

Sử dụng một số loại thuốc có thể dẫn đến bệnh lupus do thuốc (DIL). DIL cũng có thể được gọi là Lupus ban đỏ do thuốc (DILE).

DIL có thể phát triển do việc sử dụng lâu dài một số loại thuốc được kê đơn, thường chỉ sau vài tháng dùng thuốc. 

Có nhiều loại thuốc có thể khiến bạn mắc DIL. Một số ví dụ bao gồm: 

  • Thuốc chống nhiễm trùng, chẳng hạn như terbinafine (thuốc chống nấm) và pyrazinamide (thuốc chữa bệnh lao)
  • Thuốc chống co giật như phenytoin (Dilantin) và valproate
  • Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim như quinidine và procainamide
  • Thuốc điều trị tăng huyết áp như timolol (Timoptic, Istlol) và hydroxyzine
  • Thuốc sinh học chống TNF-alpha, như infliximab (Remicade) và etanercept (Enbrel)

DIL có thể giống các triệu chứng của SLE, nhưng trong hầu hết các trường hợp, DIL thường không ảnh hưởng đến các cơ quan chính. Tuy nhiên, nó có thể gây viêm màng ngoài tim và viêm màng phổi. DIL thường biến mất trong vòng vài tuần sau khi ngừng thuốc. 

Bệnh lupus có lây không?

Lupus không phải là một bệnh truyền nhiễm. Bệnh truyền nhiễm có nghĩa là bệnh có thể được truyền từ người này sang người khác. Ví dụ về các bệnh truyền nhiễm bao gồm cúm và cảm lạnh thông thường. 

Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lupus khá phức tạp. Thay vì "lây" bệnh từ ai đó, người ta tin rằng bệnh lupus có thể được kích hoạt bởi sự kết hợp của các yếu tố như: 

  • Môi trường
  • Nội tiết tố
  • Di truyền

Vì vậy, mặc dù một số người có tiền sử gia đình mắc bệnh lupus có nhiều nguy cơ mắc bệnh này hơn, nhưng họ không “lây” bệnh từ người khác. Trên thực tế, bạn có thể có tiền sử gia đình mắc bệnh lupus và không mắc bệnh này.  

Tuổi thọ của bệnh nhân lupus

Theo Tổ chức Lupus của Mỹ (Lupus Foundation of America), ước tính khoảng 80 đến 90% những người được chẩn đoán mắc bệnh lupus có thể sống một cuộc sống bình thường. 

Những người bị lupus nhẹ đến trung bình có thể làm những biện pháp sau để bảo vệ sức khỏe và tránh các biến chứng: 

  • Thường xuyên đi khám bác sĩ
  • Tuân thủ đúng kế hoạch điều trị 
  • Tìm kiếm sự trợ giúp từ bác sĩ nếu gặp các triệu chứng mới hoặc tác dụng phụ của thuốc 
  • Xác định các yếu tố nguy cơ và cố gắng hạn chế chúng
  • Bỏ hút thuốc lá vì nó gây khởi phát các triệu chứng lupus (nếu bạn hút thuốc)

Những người có các triệu chứng lupus nặng hoặc trải qua một đợt bùng phát nghiêm trọng có nguy cơ mắc các biến chứng cao hơn những người bị lupus mức độ nhẹ đến trung bình. Một số biến chứng của bệnh lupus có thể đe dọa tính mạng. 

Lupus đợt cấp

Một đợt bùng phát bệnh lupus xảy ra khi các triệu chứng lupus của bạn trầm trọng hơn, khiến bạn cảm thấy khó chịu. Đôi khi có các dấu hiệu cảnh báo xảy ra trước bùng phát đợt cấp, trong khi những lần khác có thể xảy ra mà không có dấu hiệu cảnh báo. 

Có một số yếu tố coa thể kích hoạt đợt cấp, bao gồm: 

  • Tiếp xúc với bức xạ UV như ánh sáng mặt trời hoặc ánh sang đèn huỳnh quang
  • Căng thẳng
  • Không được nghỉ ngơi đầy đủ
  • Nhiễm trùng hoặc chấn thương

Một số loại thuốc

  • Không tuân thủ dùng thuốc điều trị bệnh lupus 

Mặc dù điều trị lupus có thể giúp ngăn ngừa đợt cấp xuất hiện, bạn vẫn có thể gặp phải đợt cấp khi đang dùng thuốc điều trị lupus. Ví dụ: nếu bạn đã làm việc nhiều giờ mà không được nghỉ ngơi đầy đủ, bạn có thể bị bùng phát đợt cấp khi đang dùng thuốc. 

Triệu chứng đợt cấp bệnh lupus

Đợt cấp Lupus có thể gây bệnh Raynaud (Nguồn ảnh: healthline)Đợt cấp Lupus có thể gây bệnh Raynaud (Nguồn ảnh: healthline)

Có một số dấu hiệu cảnh báo có thể cho bạn biết rằng một đợt bùng phát bệnh lupus đang đến. Nhận biết được những dấu hiệu này có thể giúp bạn điều trị kịp thời hơn, có khả năng làm cho cơn bùng phát ít nghiêm trọng hơn. Các dấu hiệu cảnh báo đợt cấp bệnh lupus bao gồm: 

  • Mệt mỏi hơn bình thường
  • Phát ban
  • Đau, đặc biệt là đau ngực, có thể do viêm màng ngoài tim hoặc viêm màng phổi
  • Sốt
  • Đau dạ dày
  • Chóng mặt
  • Nhức đầu dữ dội
  • Bệnh Raynaud
  • Sưng hạch bạch huyết

Các đợt bùng phát bệnh lupus có thể có nhiều mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng. Một số có thể chỉ gây phát ban hoặc đau khớp, trong khi nghiêm trọng hơn có thể gây tổn thương các cơ quan nội tạng. Do đó, điều quan trọng là bạn phải được điều trị y tế đầy đủ. 

Lupus ở nam giới

Lupus ít phổ biến ở nam giới hơn so với nữ giới. Trên thực tế, cứ 10 người mắc bệnh lupus thì chỉ có 1 người là nam giới.

Nhìn chung, các triệu chứng lupus tương tự nhau giữa nam và nữ. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của bệnh có thể khác nhau giữa các giới. 

Bằng chứng về sự khác biệt này là mâu thuẫn. Các nghiên cứu cũ hơn đã chỉ ra rằng nam giới dường như phải chịu đựng mức độ bệnh nghiêm trọng hơn phụ nữ và cũng có thể có nhiều nguy cơ mắc các biến chứng lupus, bao gồm: 

  • Thận
  • Hệ thần kinh
  • Mạch máu

Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy không có sự khác biệt về đặc điểm bệnh lupus giữa hai giới, ngoại trừ rụng tóc nhiều hơn ở nữ giới. Tuy nhiên, họ đã phát hiện ra rằng nam giới mắc bệnh lupus có mức độ hoạt động của bệnh nặng hơn khi được chẩn đoán. 

Nếu bạn là một người đàn ông đang có các triệu chứng phù hợp với bệnh lupus, điều quan trọng là bạn phải đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Họ có thể giúp bạn xác định xem bệnh lupus hoặc một bệnh lý tiềm ẩn khác đang gây ra các triệu chứng của bạn. 

Lupus gây viêm khớp

Khi bạn bị viêm khớp, bệnh có thể gây sưng, đau và hạn chế chuyển động ở (các) khớp bị ảnh hưởng. Trong nhiều trường hợp viêm khớp, tình trạng viêm xảy ra do sự hao mòn ở các khớp khi chúng ta già đi. 

Viêm khớp thường xảy ra ở những người mắc bệnh lupus. Tuy nhiên, viêm khớp liên quan đến lupus là do tình trạng viêm tăng lên trong cơ thể. 

Mức độ viêm khớp và tổn thương mô có xu hướng nhẹ hơn trong bệnh lupus so với tình trạng viêm do viêm khớp dạng thấp (RA). Tuy nhiên, một số người có thể bị cả lupus và RA. 

Trong trường hợp mắc cả lupus và RA, có thể có mối liên hệ di truyền giữa hai bệnh này. 

Lupus và mang thai

Điều quan trọng cần biết là phụ nữ mắc lupus vẫn có thể mang thai và sinh con khỏe mạnh. Tuy nhiên, mang thai ở phụ nữ bị lupus được coi là có nguy cơ cao. Điều này là do phụ nữ bị lupus có thể có nhiều nguy cơ mắc một số biến chứng, bao gồm: 

  • Bùng phát đợt cấp lupus thường xuyên hơn
  • Tiền sản giật
  • Tăng huyết áp
  • Bệnh thận
  • Đái tháo đường

Một số phụ nữ mắc bệnh lupus đặc biệt có nguy cơ cao khi mang thai. Điều này bao gồm cả những phụ nữ bị lupus có: 

  • Đợt cấp bệnh lupus trong vòng 6 tháng qua
  • Tăng huyết áp
  • Suy tim
  • Bệnh phổi
  • Bệnh thận hoặc suy thận
  • Tiền sử tiền sản giật

Nếu bạn dự định có thai, hãy đảm bảo rằng bệnh lupus của bạn được quản lý đúng cách, lý tưởng là bệnh thuyên giảm trong 6 tháng gần đây. Bạn cũng có thể đến gặp bác sĩ sản khoa chuyên về các trường hợp mang thai có nguy cơ cao. 

Hầu hết phụ nữ mắc bệnh lupus có thể sinh con khỏe mạnh. Rất hiếm, nhưng đôi khi phụ nữ mắc lupus có thể sinh con bị lupus sơ sinh. Thể lupus này thường biến mất sau vài tháng. Tuy nhiên, một số trẻ bị lupus sơ sinh có thể bị dị tật tim nghiêm trọng. 

Lupus ở trẻ em

Lupus hiếm gặp ở trẻ em. Trên thực tế, theo một nghiên cứu năm 2013, tỷ lệ bệnh lupus xảy ra từ 3.3 – 8.8 trong số 100 000 trẻ em. 

Tương tự như bệnh lupus ở người lớn, hầu hết trẻ em mắc bệnh lupus là nữ. Các triệu chứng lupus phổ biến ở trẻ em cũng tương tự như ở người lớn, bao gồm: 

  • Mệt mỏi
  • Sốt
  • Phát ban cánh bướm
  • Giảm cân
  • Đau khớp
  • Ăn mất ngon
  • Rụng tóc
  • Sưng hạch bạch huyết

Nhiều trẻ em bị lupus cũng có các triệu chứng liên quan đến thận. Người ta ước tính rằng hơn 90% trong số những đứa trẻ này có thể mắc bệnh thận sau khi được chẩn đoán. 

Vì bệnh này hiếm gặp và một số triệu chứng có thể giống với các tình trạng khác ở trẻ nhỏ nên bệnh lupus có thể khó chẩn đoán ở trẻ em. Giống như bệnh lupus ở nam giới, bệnh lupus ở trẻ em thường hoạt động mạnh hơn sau khi được chẩn đoán. Do đó, việc điều trị ban đầu cần tích cực hơn. 

Lupus ở nữ giới

Lupus xảy ra ở nữ giới nhiều hơn nam giới (Nguồn ảnh: today.com)Lupus xảy ra ở nữ giới nhiều hơn nam giới (Nguồn ảnh: today.com)

Lupus xảy ra ở nữ thường xuyên hơn ở nam giới. Tình trạng này phổ biến nhất ở nữ giới trong độ tuổi từ 15 đến 44. 

Mắc bệnh lupus cũng có thể khiến một số bệnh lý xảy ra sớm hơn bình thường. Chúng bao gồm các điều kiện như: 

  • Loãng xương: Một số loại thuốc điều trị lupus có thể gây loãng xương. Ngoài ra, giống như bệnh lupus, loãng xương ảnh hưởng đến nữ giới nhiều hơn nam giới. Trên thực tế, khoảng 80% những người bị loãng xương ở Hoa Kỳ là phụ nữ.
  • Bệnh tim: Lupus có thể góp phần gây ra bệnh tim, vì nhiều người bị lupus cũng có các yếu tố nguy cơ bệnh tim như tăng huyết áp hoặc cholesterol cao. Phụ nữ mắc bệnh lupus cũng có nguy cơ bị đau ngực hoặc đau tim cao hơn 50 lần so với phụ nữ không mắc bệnh lupus.
  • Bệnh thận: Hơn một nửa những người bị lupus cũng mắc các vấn đề về thận.

Phụ nữ Mỹ gốc Phi mắc lupus có nhiều nguy cơ bị co giật và đột quỵ hơn, trong khi phụ nữ gốc Tây Ban Nha và Latina mắc bệnh lupus có nhiều nguy cơ phát triển các vấn đề về tim mạch. 

Sống chung với bệnh lupus

Mặc dù bệnh lupus có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn, nhưng nó không nhất thiết ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Bằng cách duy trì sử dụng thuốc và tập trung vào sức khỏe của mình, bạn có thể sống một cuộc sống lành mạnh nhất có thể. 

Ngoài việc tuân thủ kế hoạch điều trị, một số điều bạn có thể làm tại nhà để cải thiện sức khỏe của mình bao gồm: 

  • Duy trì hoạt động và tập thể dục.
  • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng.
  • Quản lý căng thẳng.
  • Đảm bảo nghỉ ngơi đầy đủ và không làm việc quá sức.

Ngoài ra, đọc về hành trình chiến đấu với bệnh lupus của những người khác có thể giúp bạn tìm hiểu thêm về cách sống chung với bệnh lupus. Có rất nhiều blog về bệnh lupus mà bạn có thể tìm hiểu. 

Đôi khi, có thể hữu ích khi chia sẻ kinh nghiệm của bạn với những người khác thông qua các nhóm hoặc trực tuyến.

Biến chứng Lupus

Có nhiều biến chứng liên quan đến bệnh lupus. Chúng được gây ra bởi tình trạng viêm do Lupus. Các biến chứng có thể xảy ra của bệnh lupus bao gồm:

  • Thận: Tình trạng viêm do lupus có thể gây tổn thương thận và thậm chí có thể dẫn đến suy thận.
  • Máu hoặc mạch máu: Các mạch máu có thể bị viêm do bệnh lupus. Đây được gọi là viêm mạch máu. Ngoài ra, bệnh lupus có thể dẫn đến các vấn đề về chảy máu hoặc đông máu.
  • Tim: Lupus cũng có thể dẫn đến viêm tim và các mô xung quanh. Nó cũng có thể khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh tim, đau tim hoặc đột quỵ cao hơn.
  • Phổi: Viêm phổi do lupus có thể gây đau khi thở.
  • Hệ thần kinh: Khi bệnh lupus ảnh hưởng đến não, bạn có thể bị chóng mặt, đau đầu hoặc thậm chí co giật.

Những người mắc bệnh lupus cũng dễ bị nhiễm trùng hơn. Điều này không chỉ do bệnh mà còn do nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh lupus làm suy yếu hoặc ức chế hệ thống miễn dịch. 

Nếu bạn mắc lupus, điều quan trọng là bạn phải tuân thủ kế hoạch điều trị mà bác sĩ đã kê cho bạn. Làm điều này không chỉ có thể giúp ngăn ngừa đợt bùng phát bệnh lupus mà còn có thể giúp ngăn ngừa tổn thương các cơ quan. 

Viêm thận lupus

Viêm thận lupus là một biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra do bệnh lupus. Nó xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn tấn công vào thận (cơ quan có chức năng lọc máu).

Điều quan trọng là nhận biết các triệu chứng của viêm thận lupus để có thể kịp thời điều trị. Các triệu chứng có thể bao gồm: 

  • Nước tiểu sậm màu
  • Nước tiểu có bọt
  • Nước tiểu có máu
  • Đi tiểu thường xuyên, đặc biệt là vào buổi tối hoặc ban đêm
  • Phù chân, mắt cá chân và bàn chân
  • Tăng cân
  • Tăng huyết áp

Có một số giai đoạn khác nhau của bệnh viêm thận lupus từ Loại I đến Loại VI. Loại I là ít nghiêm trọng nhất trong khi loại VI là nghiêm trọng nhất 

Lupus gây mệt mỏi

Mệt mỏi là một trong những triệu chứng phổ biến của bệnh lupus. Theo một nghiên cứu năm 2012, khoảng 53- 80% người mắc bệnh Lupus cảm thấy triệu chứng mệt mỏi. 

Không rõ điều gì chính xác gây ra mệt mỏi ở bệnh lupus. Tuy nhiên, có những yếu tố có thể góp phần vào nó, bao gồm: 

  • Ngủ kém
  • Ít hoạt động thể chất
  • Thiếu vitamin D
  • Béo phì
  • Đau do viêm khớp lupus
  • Tác dụng phụ của thuốc diều trị lupus
  • Bệnh đồng mắc như trầm cảm, thiếu máu hoặc bệnh tuyến giáp 

Một số điều bạn có thể làm để giúp giảm bớt mệt mỏi, bao gồm: 

  • Hiểu rõ giới hạn thể chất của bạn. Mặc dù điều quan trọng là duy trì hoạt động thể chất, nhưng đừng quá sức. Đảm bảo nghỉ ngơi giữa các hoạt động.
  • Cố gắng tránh ngủ nướng vào ban ngày. Điều này có thể cản trở giấc ngủ của bạn vào ban đêm.
  • Lập kế hoạch và sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các công việc. Điều này giúp quản lý tốt hơn khi bạn hoạt động và để bạn có thời gian nghỉ ngơi. 
  • Hãy cho những người thân yêu biết họ có thể làm gì để giúp đỡ khi bạn mỏi mệt
  • Cân nhắc tham gia các nhóm để được hỗ trợ trực tiếp hoặc trực tuyến. Bạn học có thể học các chiến lược mà những người khác cũng mắc lupus sử dụng để kiểm soát sự mệt mỏi của họ.

Lupus và trầm cảm

Người mắc bệnh Lupus có thể bị trầm cảm (Nguồn ảnh: pimchawee / shutterstock.com)Người mắc bệnh Lupus có thể bị trầm cảm (Nguồn ảnh: pimchawee / shutterstock.com)

Đôi khi có thể rất khó khăn để đối phó với bệnh lupus. Cảm giác thất vọng hoặc buồn bã rất phổ biến. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải phân biệt giữa cảm giác tiêu cực tạm thời và các tình trạng như trầm cảm.

Trầm cảm có thể xảy ra thường xuyên ở những người bị lupus. Theo một nghiên cứu năm 2018, ước tính khoảng 25% người bị lupus cũng mắc trầm cảm. Do đó, điều quan trọng là bạn phải nhận biết được các dấu hiệu của bệnh trầm cảm để có thể tìm kiếm sự giúp đỡ. Bao gồm các triệu chứng: 

  • Cảm giác buồn bã, tuyệt vọng hoặc tội lỗi
  • Lòng tự trọng thấp
  • Khóc, có thể xảy ra mà không có lý do cụ thể
  • Khó tập trung
  • Khó ngủ 
  • Thay đổi khẩu vị khiến tăng hoặc giảm cân
  • Không còn hứng thú với những thứ mà bạn từng yêu thích trong quá khứ

Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào trong số những dấu hiệu này ở bản thân, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ. Trầm cảm thường có thể được quản lý hiệu quả thông qua liệu pháp tâm lý và thuốc. 

Phòng ngừa bệnh lupus

Đối với hầu hết các thể bệnh lupus, bệnh này không thể ngăn ngừa được. Bệnh lupus do thuốc (DIL) là một ngoại lệ do các loại thuốc gây ra nó. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải thảo luận về những rủi ro và lợi ích vì không dùng những loại thuốc này cũng có thể đe dọa tính mạng. 

Có một số điều bạn có thể làm để giảm khả năng bùng phát đợt cấp bệnh lupus. Bao gồm: 

  • Tránh ánh nắng trực tiếp: Phơi nắng quá mức có thể gây phát ban liên quan đến lupus. Bạn phải luôn bôi kem chống nắng khi ra ngoài trời và tránh ánh nắng trực tiếp khi tia nắng chiếu qua nhiều nhất từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
  • Kiểm soát căng thẳng: Bao gồm thiền, yoga hoặc mát-xa. Chúng có thể giúp bạn giải tỏa căng thẳng bất cứ khi nào có thể.
  • Phòng ngừa nhiễm trùng: Điều này bao gồm rửa tay thường xuyên và tránh ở gần những người bị cảm lạnh và các bệnh khác có thể dễ dàng lây truyền từ người này sang người khác.
  • Nghỉ ngơi nhiều: Nghỉ ngơi là quan trọng để giúp cơ thể bạn chữa bệnh. 

Luôn nhớ tuân theo kế hoạch điều trị của bạn. Đảm bảo rằng bạn đang dùng thuốc không chỉ hỗ trợ ngăn ngừa các đợt cấp bùng phát mà còn có thể giúp ngăn ngừa tổn thương các cơ quan nội tạng của bạn. 

Nếu bạn nhận thấy rằng loại thuốc này không còn kiểm soát được các triệu chứng của bạn, hãy đến gặp bác sĩ. 

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!