Bạn đừng quá lo lắng, rụng tóc có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ sơ sinh. Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), hầu hết trẻ sơ sinh đều rụng một phần tóc - hoặc thậm chí toàn bộ - trong vài tháng đầu đời. Và điều đó là hoàn toàn bình thường.
Tình trạng rụng tóc này ở trẻ sơ sinh có thể do một số tác nhân gây ra, từ nội tiết tố đến tư thế ngủ và rất hiếm khi có liên quan đến bất kỳ bệnh lý nào.
Bài viết sau đây sẽ giúp bạn tìm hiểu về tất cả những điều cần biết về rụng tóc ở trẻ sơ sinh.
Những dấu hiệu nào là bình thường?
Theo các chuyên gia tại Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon, Hoa Kỳ, hầu hết có tình trạng rụng tóc xảy ra trong 6 tháng đầu đời. Ở một số trẻ sơ sinh, tóc mọc lại cùng thời gian rụng, vì vậy người thân có thể không nhận thấy được sự khác biệt. Ở nhiều trường hợp khác, tóc rụng nhanh chóng, khiến trẻ bị hói đầu. Nhưng tất cả đều bình thường.
Một số dấu hiệu cho thấy tóc rụng ở trẻ sơ sinh là:
- Những sợi tóc rụng trên tay sau khi vuốt đầu bé
- Tóc rơi ra khi gội đầu cho bé
- Tóc ở những nơi bé tựa đầu, chẳng hạn như cũi hoặc xe đẩy
Nguyên nhân gây rụng tóc ở trẻ sơ sinh
Hầu hết các nguyên nhân gây rụng tóc ở trẻ sơ sinh khá vô hại và bao gồm:
Rụng tóc telogen (telogen effluvium)
Em bé được sinh ra với tất cả các nang tóc sẽ có. Nang tóc là một phần của da mà từ đó các sợi tóc phát triển.
Khi mới sinh, một số nang thường ở giai đoạn telogen (giai đoạn nghỉ ngơi) và những nang khác đang trong giai đoạn anagen (giai tăng trưởng). Nhưng một số yếu tố nhất định có thể đẩy nhanh giai đoạn telogen, như sự thay đổi nồng độ hormone. Các hormone trong quá trình mang thai ở người mẹ đã đi sang trẻ qua dây rốn. Nhưng sau khi sinh, nồng độ những hormone đó giảm xuống, gây ra rụng tóc ở bé - và thậm chí ngay cả chính người mẹ cũng trải qua tình trạng rụng tóc sau sinh.
Một giả thuyết nữa cho rằng sự căng thẳng do quá trình chuyển dạ và sinh em bé có thể góp phần gây ra tình trạng rụng tóc sau sinh của cả mẹ và con.
Ma sát
Trẻ sơ sinh có thể bị rụng tóc ở phía sau đầu do tóc cọ xát với bề mặt cứng của giường, cũi và xe đẩy. (Các chuyên gia khuyên nên đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ để giảm nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh)
Rụng tóc có tính chất này được gọi là rụng tóc chẩm ở trẻ sơ sinh hoặc đơn giản là rụng tóc do ma sát. Những mảng tóc mỏng này sẽ bắt đầu đầy vào thời điểm trẻ có thể lật và di chuyển nhiều hơn, thường là vào cuối tháng thứ bảy.
Điều thú vị là, một nghiên cứu năm 2011 đã xem xét chứng rụng tóc chẩm ở trẻ sơ sinh và đề xuất một cách giải thích khác. Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng rụng tóc ở trẻ sơ sinh là một tình trạng đã được bắt đầu từ trước khi trẻ sinh ra. Họ kết luận rằng nó thường ảnh hưởng đến trẻ mà có:
- Mẹ dưới 34 tuổi
- Sinh thường
- Đủ tháng
Tuy nhiên, giả định rụng tóc sau sinh do ma sát vẫn được chấp nhận nhiều nhất.
Viêm da tiết bã (Cứt trâu ở trẻ sơ sinh)
Trẻ sơ sinh hay gặp tình trạng viêm da tiết bã, hay tên thường gọi là cứt trâu, ở đầu và lông mày. Các bác sĩ không biết chính xác nguyên nhân gây ra nó, nhưng có thể do sự thay đổi của nấm men hoặc hormone khiến da đầu tiết nhiều dầu hơn. Dù sao tình trạng này không gây cho bé đau đớn, ngứa ngáy, hay cả việc rụng tóc. Nhưng nỗ lực của người thân để loại bỏ lớp vảy cứng đầu cũng có thể vô tình lấy ra một số sợi tóc.
Hầu hết các trường hợp nhẹ viêm da tiết bã sẽ tự biến mất trong vài tuần, mặc dù có thể tồn tại trong vài tháng (và vẫn hoàn toàn vô hại).
Nấm da
Bệnh nấm da (hắc lào) có thể gây rụng tóc và thường làm xuất hiện phát ban đỏ, có vảy, hình vòng tròn trên da đầu. Bé có thể nhiễm nấm da do tiếp xúc với người hoặc thú cưng đã nhiễm bệnh; hoặc từ khăn bàn chải đánh răng, lược, mũ và quần áo khác.
Rụng tóc từng mảng
Rụng tóc từng mảng là một bệnh da dẫn đến các vết hói loang lổ trên đầu. Nguyên nhân là do khiếm khuyết của hệ thống miễn dịch bị khiến nó tấn công và phá hủy các tế bào tóc khỏe mạnh. Bệnh rất hiếm gặp ở trẻ em dưới 6 tháng, không nguy hiểm đến tính mạng hay gây lây nhiễm.
Điều trị tình trạng rụng tóc ở trẻ sơ sinh
Điều trị là không cần thiết và hầu hết tóc bị mất trong vài tháng đầu đời sẽ mọc lại trong khoảng thời gian từ tháng thứ 6 - tháng thứ 12.
Thực sự là chúng ta không thể làm gì để kích thích tóc mọc lại. Nhưng nếu nghi ngờ một tình trạng bệnh lý như bệnh hắc lào hoặc rụng tóc từng mảng, hãy đưa bé đi khám để được chẩn đoán và điều trị, cũng như ngăn ngừa tóc rụng thêm.
Người chăm sóc có thể giúp giảm thiểu tình trạng rụng tóc do ma sát bằng cách cho trẻ nằm sấp nhiều hơn - nhưng hãy luôn đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ cho đến khi trẻ tròn 1 tuổi và có thể tự mình lật được.
Lời khuyên chăm sóc tóc cho bé
- Dùng dầu gội dịu nhẹ, ít gây kích ứng da đầu dành cho trẻ sơ sinh.
- Đừng lạm dụng dầu gội. Theo AAP, chỉ cần gội đầu bằng dầu cho trẻ từ 2 - 3 lần một tuần. Gội dầu nhiều hơn có nguy cơ gây khô da đầu.
- Đừng chà xát. Lấy khăn ướt thấm dầu gội đầu và nhẹ nhàng mát-xa lên đầu của trẻ.
- Nếu muốn loại bỏ cứt trâu, hãy dùng bàn chải lông mềm, không cạy hay chà mạnh.
Điều gì sẽ xảy ra khi tóc mọc lại
Phần lớn trẻ sơ sinh sẽ mọc lại tóc đã mất trong vài tháng. Nhưng điều khiến nhiều bậc cha mẹ ngạc nhiên là những lọn tóc mới có thể trông khác với lọn tóc đầu tiên của bé, ví dụ như từ xoăn sang thẳng. Di truyền và hormone sẽ quyết định tóc trẻ như thế nào.
Kết luận
Rụng tóc ở trẻ sơ sinh là bình thường và tạm thời. Nhưng nếu tóc của bé không bắt đầu mọc lại vào khi đã tròn 1 tuổi hoặc nếu nhận thấy bất kỳ điều gì kỳ lạ - chẳng hạn như các mảng trợt, phát ban hoặc vảy quá mức trên da đầu - thì bố mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ.
Xem thêm:
- Rụng tóc: Nguyên nhân, chẩn đoán, biện pháp điều trị và phòng ngừa
- Những nguyên nhân gây rụng tóc thường gặp và biện pháp khắc phục
- Rụng tóc từng mảng: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, chẩn đoán và điều trị
- Điều trị rụng tóc ở nam giới: 17 phương pháp hữu hiệu
- Rụng tóc ở phụ nữ: Triệu chứng, nguyên nhân và cách khắc phục
- Rụng tóc sau sinh: Nguyên nhân và biện pháp khắc phục