Xem chi tiết: Rụng tóc: Nguyên nhân, chẩn đoán, biện pháp điều trị và phòng ngừa
Tuy nhiên, nếu lượng tóc rụng quá nhiều, đến mức bạn có thể thấy một phần tóc bị mỏng đi hoặc lộ phần da đầu phía dưới thì đó là điều đáng lo ngại. Tình trạng rụng tóc như vậy có thể do những nguyên nhân tiềm ẩn chứ không đơn giản là sự rụng tóc sinh lý bình thường.
Có rất nhiều các lý do gây rụng tóc. Một nguyên nhân phổ biến nhất là do yếu tố di truyền, chẳng hạn như chứng hói đầu ở nam giới. Ngoài ra sự thay đổi hormone, các bệnh lý tuyến giáp và bệnh khác đều có thể gây rụng tóc.
Bài viết sau đây sẽ giúp bạn tìm hiểu các nguyên nhân khác nhau gây rụng tóc và liệu chúng có thể là lý do khiến tóc bạn bị rụng hay không.
Thay đổi hormone
Nữ giới mất cân bằng hormone có thể bị rụng tóc. Phụ nữ ở các giai đoạn có nồng độ hormone thay đổi cũng có thể rụng tóc nhiều như sau khi sinh con hoặc trong thời kỳ mãn kinh.
Ngoài chứng hói đầu do di truyền, nam giới có thể bị rụng tóc do hormone thay đổi theo tuổi tác. Rụng tóc là do phản ứng của nang tóc với hormone dihydrotestosterone (DHT).
Rối loạn tuyến giáp
Có lẽ một trong những nguyên nhân gây rụng tóc phổ biến nhất liên quan đến hormone là bệnh lý tuyến giáp. Có quá nhiều hormone tuyến giáp (cường giáp) hoặc quá ít (suy giáp) đều có thể dẫn đến rụng tóc. Điều trị rối loạn tuyến giáp thường có thể đảo ngược tình trạng rụng tóc.
Căng thẳng
Căng thẳng về thể chất và tinh thần cũng là nguyên nhân phổ biến gây rụng tóc.
Phẫu thuật, sốt cao và mất máu có thể gây căng thẳng đến mức dẫn đến rụng tóc quá mức. Phụ nữ thường bị rụng tóc trong vài tháng sau khi sinh. Nguyên nhân của căng thẳng thể chất thường là tạm thời, và tình trạng rụng tóc sẽ giảm dần khi cơ thể hồi phục.
Đối với căng thẳng tâm lý, mối liên hệ ít được xác định rõ ràng hơn. Tuy nhiên, nhiều người cho biết họ bị rụng tóc vào những thời điểm tinh thần quá căng thẳng hoặc lo lắng. Và rụng tóc thì lại có thể tiếp tục gây ra căng thẳng. Bạn có thể giảm hoặc phòng ngừa căng thẳng tinh thần bằng cách thay đổi lối sống, chẳng hạn như:
- Tập thể dục hàng ngày
- Dinh dưỡng hợp lý
- Thiền định, yoga, hoặc có biện pháp kiểm soát căng thẳng khác
- Loại bỏ các yếu tố gây căng thẳng đã biết khỏi cuộc sống
Thuốc
Dược phẩm có thể đi kèm với một danh sách dài các tác dụng phụ, bao gồm cả rụng tóc. Hóa trị là nguyên nhân được biết đến nhiều nhất, nhưng những loại thuốc khác cũng có thể gây rụng tóc bao gồm:
- Thuốc tuyến giáp
- Một số thuốc tránh thai
- Thuốc chẹn beta
- Thuốc chống co giật
- Thuốc chống trầm cảm
- Thuốc chống đông máu
Những loại thuốc này ảnh hưởng đến mọi người theo cách khác nhau và có thể không gây rụng tóc ở tất cả người dùng. Hãy tìm hiểu xem các loại thuốc bạn đang dùng có khả năng gây rụng tóc không.
Thiếu hụt dinh dưỡng
Thiếu kẽm và sắt là những chất dinh dưỡng phổ biến nhất dẫn đến rụng tóc. Nhưng một số bằng chứng chỉ ra rằng việc hấp thụ thấp các vitamin và chất dinh dưỡng sau đây cũng có thể là nguyên nhân gây rụng tóc:
- Chất béo
- Vitamin D
- Vitamin B12
- Vitamin C
- Vitamin A
- Đồng
- Selen
- Biotin
Lupus
Lupus là một bệnh tự miễn dịch có thể gây rụng tóc. Triệu chứng là tóc rụng từng mảng và kèm theo các tổn thương trên da đầu. Một số loại thuốc điều trị lupus cũng có thể dẫn đến rụng tóc.
Các bệnh lý khác
Nhiều bệnh lý khác có thể dẫn đến tình trạng hói bất thường, bao gồm:
- Suy thận
- Viêm ruột
- Bệnh gan
- Bệnh tiểu đường
Các bệnh da như bệnh vẩy nến và viêm da có thể xảy ra trên da đầu và cản trở sự phát triển của tóc. Các bệnh nhiễm trùng như nấm da và viêm nang lông cũng có thể gây rụng tóc.
Những người bị rụng tóc thường cố gắng tìm kiếm lý do và cách điều trị và đây là điều rất dễ hiểu. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng rụng tóc làm giảm sự tự tin (về vẻ bề ngoài) và làm tăng sự lo lắng. Tạp chí của Viện Da liễu Hoa Kỳ khuyến cáo nên đánh giá mức độ lo lắng và căng thẳng khi chẩn đoán rụng tóc.
Nhiều nguyên nhân trong số những nguyên nhân gây rụng tóc không do di truyền có thể được điều trị thành công và ngăn chặn hay thậm chí đảo ngược được tình trạng rụng tóc.
Kết luận
Để có phương pháp điều trị phù hợp nhất, hãy trao đổi với bác sĩ về những lo lắng của bạn và nguyên nhân tiềm ẩn khiến bạn bị rụng tóc.
Xem thêm:
- Rụng tóc: Nguyên nhân, chẩn đoán, biện pháp điều trị và phòng ngừa
- Rụng tóc từng mảng: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, chẩn đoán và điều trị
- Điều trị rụng tóc ở nam giới: 17 phương pháp hữu hiệu
- Rụng tóc ở phụ nữ: Triệu chứng, nguyên nhân và cách khắc phục
- Rụng tóc sau sinh: Nguyên nhân và biện pháp khắc phục
- Rụng tóc ở trẻ sơ sinh có bình thường không? Nguyên nhân và biện pháp khắc phục