Với khoảng 100.000 sợi tóc trên đầu thì việc rụng từ 50 - 100 sợi tóc mỗi ngày là điều bình thường. Tóc mới thường thay thế tóc đã mất, nhưng điều này không phải lúc nào cũng xảy ra. Rụng tóc có thể tiến triển dần dần theo năm tháng hoặc xảy ra đột ngột; và có thể là vĩnh viễn hoặc tạm thời.
Bạn không thể đếm cụ thể số lượng tóc rụng trong một ngày. Bạn có thể bị rụng nhiều tóc hơn mức bình thường nếu nhận thấy một lượng lớn tóc rơi ra sau khi gội / chải đầu; hay nhận thấy những mảng tóc thưa hơn, thậm chí là hói đầu.
Nếu rụng nhiều tóc hơn bình thường, bạn nên thảo luận vấn đề với bác sĩ da liễu. Bác sĩ có thể xác định nguyên nhân khiến bạn bị rụng tóc và đưa ra kế hoạch điều trị thích hợp.
Nguyên nhân nào gây rụng tóc?
Xem chi tiết: Những nguyên nhân gây rụng tóc thường gặp và biện pháp khắc phục
Đầu tiên, bác sĩ da liễu sẽ cố gắng xác định nguyên nhân khiến bạn bị rụng tóc. Nguyên nhân phổ biến nhất của rụng tóc là do di truyền ở nam hoặc nữ. Nếu có tiền sử người thân trong gia đình bị hói đầu, bạn có thể bị loại rụng tóc này. Một số hormone giới tính có thể khởi phát chứng rụng tóc do di truyền, đặc biệt xảy ra sớm nhất khi dậy thì.
Trong một số trường hợp, rụng tóc có thể xảy ra tự nhiên như một sự dừng lại đơn giản trong chu kỳ phát triển của tóc. Các bệnh nặng, phẫu thuật hoặc các sự kiện chấn thương có thể gây ra rụng tóc. Tuy nhiên, thường thì tóc sẽ bắt đầu mọc trở lại mà không cần điều trị.
Các giai đoạn có sự thay đổi hormone có thể gây rụng tóc tạm thời, như:
- Mang thai
- Sinh con
- Ngừng sử dụng thuốc tránh thai
- Mãn kinh
Các bệnh lý có thể gây rụng tóc bao gồm:
- Bệnh tuyến giáp
- Rụng tóc từng mảng (một bệnh tự miễn dịch tấn công các nang tóc)
- Nhiễm trùng da đầu như do nấm da
Các bệnh gây ra sẹo, chẳng hạn như lichen phẳng và một số loại bệnh lupus, có thể dẫn đến rụng tóc vĩnh viễn do sẹo.
Rụng tóc cũng có thể do dùng thuốc để điều trị:
Một cú sốc về thể chất / tinh thần có thể gây ra tình trạng rụng tóc đáng kể. Ví dụ như:
- Mất đi người thân
- Giảm cân cực độ
- Sốt cao
Nguyên nhân khác là ở người mắc hội chứng nghiện giật tóc - họ có nhu cầu nhổ tóc, thường là từ đầu, lông mày hoặc lông mi của mình.
Các lực kéo mạnh có thể gây rụng tóc; như do các kiểu tóc mà tạo áp lực lên nang tóc bằng cách kéo tóc quá chặt.
Chế độ ăn uống thiếu protein, sắt và các chất dinh dưỡng khác cũng có thể dẫn đến rụng tóc.
Chẩn đoán rụng tóc
Rụng tóc liên tục thường cho thấy một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Bác sĩ có thể xác định nguyên nhân gây rụng tóc dựa trên khám sức khỏe và hỏi tiền sử. Trong một số trường hợp, thay đổi chế độ ăn uống đơn giản có thể hữu ích, hoặc có thể thay đổi các loại thuốc theo đơn bạn đang dùng.
Bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết da đầu - tức là lấy một mẫu da nhỏ để kiểm tra trong phòng xét nghiệm - nếu nghi ngờ bạn mắc các bệnh tự miễn dịch hoặc bệnh da. Do sự phát triển của tóc là một quá trình phức tạp, có thể phải mất nhiều thời gian để xác định chính xác nguyên nhân gây rụng tóc.
Điều trị rụng tóc
Thuốc
Thuốc có thể sẽ là liệu trình điều trị rụng tóc đầu tiên. Thuốc không kê đơn thường bao gồm các loại kem và gel bôi ngoài da mà bạn bôi trực tiếp lên da đầu. Các sản phẩm không kê đơn phổ biến nhất có chứa một thành phần được gọi là minoxidil (Rogaine). Theo AAD, bác sĩ có thể khuyên dùng minoxidil kết hợp với các phương pháp điều trị rụng tóc khác. Tác dụng phụ của minoxidil bao gồm kích ứng da đầu và mọc tóc ở các vùng lân cận, chẳng hạn như trán hoặc mặt.
Thuốc kê đơn cũng có thể điều trị rụng tóc. Các bác sĩ kê đơn thuốc uống finasteride (Propecia) để điều trị chứng hói đầu ở nam giới. Bệnh nhân dùng thuốc này hàng ngày để làm chậm quá trình rụng tóc. Một số nam giới thấy mọc tóc mới khi dùng finasteride. Các tác dụng phụ hiếm gặp của finasteride bao gồm giảm ham muốn tình dục và suy giảm chức năng tình dục. Theo các chuyên gia, có thể có mối liên hệ giữa việc sử dụng finasteride và một loại ung thư tuyến tiền liệt ác tính cao.
Bác sĩ cũng kê đơn corticosteroid như prednisone, có tác dụng giảm viêm và ức chế hệ thống miễn dịch. Corticosteroid bắt chước các hormone do tuyến thượng thận tạo ra. Những người bị rụng tóc từng mảng do bệnh tự miễn có thể thấy hiệu quả khi sử dụng thuốc.
Tuy nhiên, thuốc corticosteroid có khả năng gây ra nhiều tác dụng phụ nên cần được theo dõi cẩn thận. Các tác dụng phụ này bao gồm:
- Bệnh tăng nhãn áp, có thể dẫn đến tổn thương dây thần kinh thị giác và mất thị lực
- Tích nước và phù cẳng chân
- Tăng huyết áp
- Đục thủy tinh thể
- Tăng đường huyết
Việc sử dụng corticosteroid cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh sau:
- Nhiễm trùng
- Mất canxi từ xương, có thể dẫn đến loãng xương
- Da mỏng và dễ bầm tím
- Viêm họng
- Khàn tiếng
Phẫu thuật
Đôi khi, thuốc không đủ để ngăn rụng tóc mà cần đến phương pháp phẫu thuật để điều trị chứng hói đầu. Các loại phẫu thuật bao gồm:
Phẫu thuật cấy ghép tóc
Phẫu thuật cấy tóc sẽ di chuyển những phần da nhỏ có một vài sợi tóc, đến những vùng bị hói trên da đầu. Loại phẫu thuật này có hiệu quả đối với những người bị hói đầu do di truyền vì thường bị rụng tóc trên đỉnh đầu. Do loại rụng tóc này tiến triển, người bệnh sẽ cần phải phẫu thuật nhiều lần theo thời gian.
Thu nhỏ da đầu
Trong quá trình thu nhỏ da đầu, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ phần da đầu thiếu tóc. Sau đó, sẽ khâu đóng vùng da đầu có tóc lại. Một phẫu thuật khác là tạo vạt chuyển da đầu, tức sẽ xoay một phần da đầu có tóc để che vùng bị hói.
Phương pháp giãn tổ chức da đòi hỏi hai cuộc phẫu thuật, cũng có thể che phủ các vết hói. Trong lần phẫu thuật đầu tiên, bác sĩ đặt một dụng cụ mở rộng mô dưới một phần da đầu có tóc và bên cạnh chỗ hói. Sau vài tuần, dụng cụ đó sẽ kéo rộng phần da đầu có tóc. Ở lần phẫu thuật thứ hai, bác sĩ loại bỏ dụng cụ mở rộng và kéo vùng da đầu đã mở rộng có tóc lên chỗ hói.
Những biện pháp phẫu thuật điều trị hói đầu nói chung thường đắt tiền và có nhiều nguy cơ, như:
- Mọc tóc loang lổ
- Chảy máu
- Sẹo rộng
- Nhiễm trùng
Phẫu thuật cũng có thể thất bại do mảnh ghép bị đào thải, có nghĩa là bệnh nhân sẽ cần phải phẫu thuật lại.
Phòng ngừa tình trạng rụng tóc
Có nhiều biện pháp có thể làm để hạn chế và ngăn ngừa rụng tóc.
Bạn không nên để các kiểu tóc bó sát như thắt bím, đuôi ngựa hoặc búi tóc gây áp lực quá lớn lên tóc. Theo thời gian, những kiểu tóc có lực kéo mạnh sẽ làm hỏng các nang tóc vĩnh viễn. Hãy cố gắng không kéo, xoắn hoặc vò tóc.
Một số biện pháp làm đẹp, như có chế độ ăn kiêng khắt khe, có thể làm xấu đi hoặc gây rụng tóc. Hãy đảm bảo bạn có một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm đủ lượng sắt và protein.
Nếu bạn hiện đang rụng tóc, hãy sử dụng dầu gội dịu nhẹ dành cho trẻ em để gội đầu. Trừ khi có tóc quá nhờn, hãy cân nhắc chỉ gội đầu cách ngày. Luôn vỗ nhẹ cho tóc khô và tránh chà xát tóc.
Các sản phẩm và dụng cụ tạo kiểu tóc cũng là thủ phạm phổ biến gây rụng tóc, chúng bao gồm:
- Máy sấy
- Máy duỗi
- Thuốc nhuộm
- Thuốc tẩy
- Thuốc uốn
- Thuốc duỗi
Nếu bạn muốn tạo kiểu tóc bằng các dụng cụ làm nóng thì chỉ làm khi tóc khô. Ngoài ra, hãy để ở chế độ cài đặt thấp nhất có thể.
Kết luận
Bạn có thể ngăn chặn hoặc thậm chí đảo ngược tình trạng rụng tóc bằng cách điều trị tích cực, đặc biệt nếu đó là do bệnh lý có từ trước. Rụng tóc do di truyền có thể khó điều trị hơn. Tuy nhiên, một số quy trình nhất định như cấy tóc có thể giúp giảm sự xuất hiện của chứng hói đầu. Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ để tìm hiểu tất cả các lựa chọn phù hợp với bạn nhằm giảm bớt ảnh hưởng của việc rụng tóc.
Xem thêm:
- Những nguyên nhân gây rụng tóc thường gặp và biện pháp khắc phục
- Rụng tóc từng mảng: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, chẩn đoán và điều trị
- Điều trị rụng tóc ở nam giới: 17 phương pháp hữu hiệu
- Rụng tóc ở phụ nữ: Triệu chứng, nguyên nhân và cách khắc phục
- Rụng tóc sau sinh: Nguyên nhân và biện pháp khắc phục
- Rụng tóc ở trẻ sơ sinh có bình thường không? Nguyên nhân và biện pháp khắc phục