Viêm khớp: Nguyên nhân, phân loại và điều trị

Viêm khớp là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả khoảng 200 vấn đề ảnh hưởng đến khớp, các mô bao quanh khớp và các mô liên kết khác. Trước đây, nó còn được gọi là thấp khớp, tuy nhiên hiện nay các bác sĩ đã không còn sử dụng thuật ngữ này vì thấp khớp được xem như một từ cũ không mang ý nghĩa rõ ràng.

Dạng viêm khớp phổ biến nhất là thoái hóa khớp (osteoarthritis). Các dạng viêm khớp khác có thể kể tới như bệnh gút, đau cơ xơ hóa (fibromyalgia) và viêm khớp dạng thấp (heumatoid arthritis - RA).

Tình trạng viêm khớp có xu hướng biểu hiện bằng đau, nhức, cứng và sưng ở một hoặc nhiều khớp. Các triệu chứng có thể phát triển dần dần hoặc đột ngột. Một số dạng viêm khớp có thể liên quan tới hệ thống miễn dịch và các cơ quan nội tạng khác nhau của cơ thể.

Các loại viêm khớp như viêm khớp dạng thấp và lupus ban đỏ hệ thống (Systemic lupus erythematosus - SLE), có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và gây ra các triệu chứng lan rộng.

Viêm khớp phổ biến hơn ở người lớn từ 65 tuổi trở lên, nhưng nó có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em.

Thông tin nhanh về bệnh viêm khớp

  • Viêm khớp là thuật ngữ đề cập đến khoảng 200 vấn đề ảnh hưởng đến khớp, bao gồm bệnh lupus và viêm khớp dạng thấp.
  • Nó có thể gây ra một loạt các triệu chứng và làm giảm khả năng thực hiện các công việc hàng ngày của người bệnh.
  • Hoạt động thể chất có tác động tích cực đến bệnh viêm khớp và có thể cải thiện cơn đau, chức năng vận động và sức khỏe tâm thần.
  • Các yếu tố đóng vai trò trong sự phát triển của bệnh viêm khớp bao gồm chấn thương, rối loạn chuyển hóa, di truyền, nhiễm trùng và rối loạn chức năng hệ thống miễn dịch.
  • Điều trị nhằm mục đích kiểm soát cơn đau, giảm thiểu tổn thương khớp và cải thiện hoặc duy trì chất lượng cuộc sống. Các biện pháp điều trị thường gồm thuốc, liệu pháp vật lý, giáo dục và hỗ trợ bệnh nhân.

Điều trị viêm khớp

Bác sĩ có thể sẽ đề xuất một liệu trình vật lý trị liệu để giúp bạn kiểm soát một số triệu chứng của bệnh viêm khớp. (Nguồn ảnh medicalnewstoday.com)Bác sĩ có thể sẽ đề xuất một liệu trình vật lý trị liệu để giúp bạn kiểm soát một số triệu chứng của bệnh viêm khớp. (Nguồn ảnh medicalnewstoday.com)Điều trị viêm khớp nhằm mục đích kiểm soát cơn đau, giảm thiểu tổn thương khớp, cải thiện hoặc duy trì chức năng và chất lượng cuộc sống.

Một loạt các loại thuốc và chiến lược lối sống có thể giúp đạt được điều này và bảo vệ các khớp khỏi bị tổn thương thêm.

Điều trị có thể bao gồm:

  • Thuốc men
  • Liệu pháp không dùng thuốc
  • Vật lý trị liệu 
  • Nẹp hoặc dụng cụ trợ giúp khớp
  • Giáo dục và hỗ trợ bệnh nhân
  • Giảm cân
  • Phẫu thuật, bao gồm cả thay khớp

Thuốc

Các loại viêm khớp không có tình trạng viêm, như thoái hóa khớp, thường được điều trị bằng thuốc giảm đau, hoạt động thể chất, giảm cân nếu người bệnh thừa cân.

Các phương pháp điều trị này cũng được áp dụng cho các loại viêm khớp khác, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, cùng với các thuốc chống viêm như corticosteroidthuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc chống thấp khớp điều chỉnh bệnh (disease-modifying anti-rheumatic drugs - DMARD) và một số nhóm thuốc mới, được gọi là thuốc sinh học.

Thuốc được chỉ định sẽ phụ thuộc vào loại viêm khớp. Các loại thuốc thường được sử dụng là

  • Thuốc giảm đau: những thuốc này giảm đau nhưng không có tác dụng giảm viêm. Ví dụ: paracetamol (Panadol), tramadol (Ultram) và thuốc có chứa oxycodone (Percocet, Oxycontin) hoặc hydrocodone (Vicodin, Lortab). 
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): những thuốc này làm giảm cả đau và viêm. NSAID có thể mua mà không cần bác sĩ kê đơn, bao gồm ibuprofen (Advil, Motrin IB) và naproxen natri (Aleve). Một số NSAID có sẵn dưới dạng kem, gel hoặc miếng dán có thể được áp dụng cho các khớp cụ thể.
  • Thuốc chống kích ứng: một số loại kem và thuốc mỡ có chứa tinh dầu bạc hà hoặc capsaicin (thành phần làm cho ớt có vị cay). Bôi thuốc lên da vùng khớp bị đau có thể điều chỉnh tín hiệu đau từ khớp và giảm đau. 
  • Thuốc chống thấp khớp điều chỉnh bệnh (DMARDs): được sử dụng để điều trị thấp khớp dạng cấp, DMARDs làm chậm hoặc ngăn chặn hệ thống miễn dịch tấn công các khớp. Ví dụ thuốc methotrexate (Trexall) và hydroxychloroquine (Plaquenil).
  • Thuốc sinh học: được sử dụng cùng với DMARDs. Thuốc điều chỉnh phản ứng sinh học là các loại thuốc được biến đổi gen nhằm vào các phân tử protein khác nhau tham gia vào phản ứng miễn dịch. Ví dụ bao gồm etanercept (Enbrel) và infliximab (Remicade).
  • Corticosteroid: prednisone và cortisone làm giảm viêm và ức chế hệ thống miễn dịch.

Biện pháp tại nhà

Một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng với các bài tập thể dục phù hợp, tránh hút thuốc, không uống rượu quá mức có thể giúp người bệnh viêm khớp duy trì sức khỏe tổng thể.

Chế độ ăn

Không có chế độ ăn uống cụ thể nào điều trị bệnh viêm khớp nhưng một số loại thực phẩm có thể giúp giảm viêm.

Các loại thực phẩm sau đây có thể cung cấp nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe khớp:

  • Các loại hạt 
  • Hoa quả và rau
  • Đậu
  • Dầu ô liu
  • Các loại ngũ cốc

Các thực phẩm cần tránh

Có một số loại thực phẩm mà những người bị viêm khớp nên tránh.

Các loại rau củ thuộc họ cà, như cà chua, có chứa một chất hóa học gọi là solanine - một số nghiên cứu cho rằng nó có liên quan đến cơn đau do viêm khớp. Các nghiên cứu về các loại rau củ này cho kết quả không giống nhau nhưng một số người đã báo cáo rằng họ giảm các triệu chứng viêm khớp khi tránh các loại rau củ họ cà.

Tự kiểm soát

Tự kiểm soát các triệu chứng viêm khớp cũng rất quan trọng.

Các chiến lược chính bao gồm:

  • Duy trì hoạt động thể chất
  • Giảm cân và duy trì cân nặng hợp lý
  • Đi khám sức khỏe định kỳ 
  • Bảo vệ khớp khỏi áp lực không cần thiết

7 phương pháp có thể giúp người bệnh viêm khớp kiểm soát tình trạng của họ là:

  1. Theo dõi: theo dõi các triệu chứng, mức độ đau, thuốc và các tác dụng phụ có thể xảy ra để tham khảo ý kiến của bác sĩ.
  2. Kiểm soát cơn đau và tình trạng mệt mỏi: một chế độ điều trị bằng thuốc có thể được kết hợp với việc kiểm soát cơn đau không dùng thuốc. Học cách kiểm soát tình trạng mệt mỏi là chìa khóa để sống thoải mái với bệnh viêm khớp.
  3. Duy trì hoạt động: tập thể dục có lợi cho việc kiểm soát bệnh viêm khớp và sức khỏe tổng thể.
  4. Cân bằng hoạt động với nghỉ ngơi: ngoài việc duy trì hoạt động, nghỉ ngơi cũng quan trọng không kém khi bệnh của bạn đang hoạt động.
  5. Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh: một chế độ ăn uống cân bằng có thể giúp bạn đạt được cân nặng hợp lý và kiểm soát tình trạng viêm nhiễm. Tránh thực phẩm đã qua chế biến, tinh chế và thực phẩm có nguồn gốc từ động vật gây viêm nhiễm và chọn thực phẩm toàn thực vật có nhiều chất chống oxy hóa và có đặc tính chống viêm.
  6. Cải thiện giấc ngủ: giấc ngủ kém có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đau nhức do viêm khớp và mệt mỏi. Hãy thực hiện các biện pháp giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn. Hãy tránh sử dụng caffeine và tập thể dục cường độ cao vào buổi tối, hạn chế thời gian nhìn vào màn hình ngay trước khi ngủ.
  7. Phẩn bổ việc sử dụng khớp: các mẹo để bảo vệ khớp gồm sử dụng các khớp lớn hơn, khỏe hơn làm đòn bẩy khi mở cửa, sử dụng nhiều khớp để truyền trọng lượng của một vật như sử dụng ba lô và nắm càng lỏng càng tốt bằng cách sử dụng tay cầm có đệm.

Không ngồi ở một tư thế trong thời gian dài. Hãy dành thời gian nghỉ ngơi khi làm việc liên tục.

Các liệu pháp vật lý

Các bác sĩ thường sẽ giới thiệu một liệu trình vật lý trị liệu để giúp bệnh nhân viêm khớp tập luyện và giảm bớt những hạn chế về khả năng vận động.

Các hình thức vật lý trị liệu có thể được khuyến nghị bao gồm:

  • Liệu pháp nước ấm: các bài tập trong hồ bơi nước ấm. Nước hỗ trợ trọng lượng và tạo áp lực ít hơn lên các cơ và khớp
  • Vật lýtrị liệu: các bài tập cụ thể phù hợp với tình trạng và nhu cầu cá nhân, đôi khi kết hợp với các liệu pháp giảm đau như chườm đá hoặc chườm nóng và xoa bóp
  • Liệu pháp nghề nghiệp: lời khuyên thiết thực về quản lý các công việc hàng ngày, lựa chọn thiết bị và dụng cụ hỗ trợ chuyên biệt, bảo vệ khớp khỏi bị tổn thương thêm và kiểm soát mệt mỏi

Hoạt động thể chất

Nghiên cứu cho thấy rằng mặc dù những người bị viêm khớp có thể bị đau tăng lên trong thời gian ngắn khi bắt đầu tập thể dục lần đầu nhưng hoạt động thể chất liên tục có thể là một cách hiệu quả để giảm các triệu chứng dài hạn. Những người bị viêm khớp có thể tham gia hoạt động thể chất thân thiện với khớp. Vì nhiều người bị viêm khớp cũng đồng thời mắc một bệnh lý khác như bệnh tim, điều quan trọng là phải lựa chọn các hoạt động thích hợp.

Các hoạt động thể chất thân thiện với khớp phù hợp với người lớn bị viêm khớp và bệnh tim gồm:

  • Đi dạo
  • Bơi lội
  • Đi xe đạp

Các biện pháp tự nhiên

Một số biện pháp tự nhiên đã được đề xuất cho các loại viêm khớp khác nhau.

Có một số bằng chứng tin cậy cho rằng nghệ có thể hữu ích, nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận hiệu quả của chúng.

Nhiều loại thảo mộc và gia vị khác đã được khuyến nghị cho viêm khớp dạng thấp nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm. Các loại thảo mộc và gia vị đó là nghệ, tỏi, gừng, hạt tiêu đen và trà xanh.

Bất kỳ ai đang xem xét sử dụng các biện pháp tự nhiên để cải thiện tình trạng viêm khớp đều nên trao đổi với bác sĩ trước.

Nguyên nhân viêm khớp

Không có một nguyên nhân duy nhất nào gây ra tất cả các loại viêm khớp. Các dạng viêm khớp khác nhau sẽ có nguyên nhân khác nhau.

Các nguyên nhân đó có thể bao gồm:

  • Chấn thương, dẫn đến viêm khớp thoái hóa
  • Rối loạn chuyển hóa, dẫn đến bệnh gút và giả gút.
  • Di truyền, như trong thoái hóa khớp.
  • Nhiễm trùng, như viêm khớp trong bệnh Lyme
  • Rối loạn chức năng hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như trong viêm khớp dạng thấp và lupus (SLE)

Hầu hết các loại viêm khớp thường có liên quan đến sự kết hợp của các yếu tố, nhưng một số loại viêm khớp không có nguyên nhân rõ ràng và dường như không thể đoán trước được khi chúng xuất hiện.

Một số người có thể có nhiều khả năng mắc một số bệnh khớp liên quan tới di truyền hơn. Các yếu tố bổ sung, chẳng hạn như chấn thương trước đó, nhiễm trùng, hút thuốc và các công việc đòi hỏi thể chất, có thể tương tác với các gen để làm tăng thêm nguy cơ viêm khớp.

Chế độ ăn uống và dinh dưỡng có thể đóng một vai trò trong việc kiểm soát viêm khớp và nguy cơ viêm khớp.

Những thực phẩm làm tăng tình trạng viêm (đặc biệt là thực phẩm có nguồn gốc từ động vật và chế độ ăn nhiều đường tinh luyện), cũng như thực phẩm kích thích hệ thống miễn dịch phản ứng, có thể làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn.

Bệnh gút là một loại viêm khớp có liên quan chặt chẽ đến chế độ ăn uống, vì nó gây ra bởi nồng độ axit uric tăng cao, đây có thể là kết quả của chế độ ăn nhiều purin.

Chế độ ăn uống có thực phẩm giàu purin, như hải sản, rượu vang đỏ và thịt, có thể làm bùng phát bệnh gút. Tuy nhiên, rau và các loại thực phẩm thực vật khác có chứa hàm lượng purin cao dường như không làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh gút.

Các yếu tố nguy cơ gây viêm khớp

Một số yếu tố nguy cơ có liên quan đến bệnh viêm khớp, trong đó một vài yếu tố có thể thay đổi được trong khi những yếu tố khác thì không.

Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được:

  • Tuổi tác: nguy cơ mắc hầu hết các loại viêm khớp tăng lên theo tuổi tác.
  • Giới tính: hầu hết các loại viêm khớp phổ biến hơn ở nữ giới và 60% tổng số người bị viêm khớp là nữ. Bệnh gút thường gặp ở nam nhiều hơn nữ.
  • Yếu tố di truyền: các gen cụ thể có liên quan đến nguy cơ cao mắc một số loại viêm khớp, như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống (SLE) và viêm cột sống dính khớp.

Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được:

  • Thừa cân và béo phì: thừa cân có thể góp phần làm khởi phát và tiến triển thoái hóa khớp gối.
  • Chấn thương khớp: tổn thương khớp có thể góp phần vào sự phát triển của thoái hóa khớp ở khớp đó.
  • Nhiễm trùng: nhiều tác nhân vi sinh vật có thể gây nhiễm trùng khớp và kích hoạt sự phát triển của các dạng viêm khớp khác nhau.
  • Nghề nghiệp: một số công việc liên quan đến việc gập gối và ngồi xổm lặp đi lặp lại có liên quan đến thoái hóa khớp gối.

Bệnh đi kèm

Hơn một nửa số người lớn ở Mỹ bị viêm khớp đồng thời bị huyết áp cao. Huyết áp cao có liên quan đến bệnh tim - là bệnh đi kèm phổ biến nhất ở người lớn bị viêm khớp.

Khoảng 1/5 người lớn ở Mỹ bị viêm khớp là người hút thuốc. Hút thuốc có liên quan đến các vấn đề hô hấp mạn tính - bệnh đi kèm phổ biến thứ hai ở người lớn bị viêm khớp.

Phân loại viêm khớp

Có khoảng 200 loại viêm khớp và các bệnh lý cơ xương khớp khác nhau. Chúng được chia thành 7 nhóm chính:

  1. Viêm khớp do viêm (Inflammatory arthritis)
  2. Viêm khớp thoái hóa hoặc cơ học 
  3. Đau cơ xương, mô mềm
  4. Đau lưng
  5. Bệnh mô liên kết
  6. Viêm khớp nhiễm trùng
  7. Viêm khớp chuyển hóa.

Viêm khớp do viêm (Inflammatory arthritis)

Viêm là một phần bình thường của quá trình tự chữa lành của cơ thể. Tình trạng viêm có xu hướng xảy ra như một biện pháp bảo vệ chống lại vi rút và vi khuẩn hoặc phản ứng với các chấn thương như bỏng. Tuy nhiên, với bệnh viêm khớp do viêm, tình trạng viêm xảy ra ở người bệnh mà không có lý do rõ ràng.

Viêm khớp do viêm có thể ảnh hưởng đến một số khớp, làm hỏng bề mặt của khớp và xương bên dưới. (Nguồn ảnh medicalnewstoday.com)Viêm khớp do viêm có thể ảnh hưởng đến một số khớp, làm hỏng bề mặt của khớp và xương bên dưới. (Nguồn ảnh medicalnewstoday.com) 

Viêm khớp do viêm được đặc trưng bởi tình trạng viêm gây các tổn thương phá hủy, không xảy ra như một phản ứng bình thường đối với chấn thương hoặc nhiễm trùng. Loại viêm này không hữu ích và thay vào đó gây ra tổn thương ở các khớp bị ảnh hưởng, dẫn đến đau, cứng và sưng.

Viêm khớp do viêm có thể ảnh hưởng đến một số khớp và tình trạng viêm có thể làm hỏng bề mặt của khớp và cả xương bên dưới.

Ví dụ về bệnh viêm khớp do viêm bao gồm:

Viêm khớp do viêm cũng có thể ảnh hưởng đến gân và dây chằng xung quanh khớp.

Viêm khớp thoái hóa hoặc cơ học

Viêm khớp thoái hóa hoặc cơ học đề cập đến một nhóm các tình trạng chủ yếu liên quan đến tổn thương sụn bao bọc các đầu xương.

Nhiệm vụ chính của lớp sụn trơn là giúp khớp vận động trơn tru. Loại viêm khớp này làm cho sụn trở nên mỏng hơn và thô ráp hơn.

Để bù đắp cho chức năng của sụn và những thay đổi trong chức năng khớp, cơ thể bắt đầu sửa chữa lại xương nhằm khôi phục lại sự ổn định. Điều này có thể khiến xương phát triển không kiểm soát, tạo thành các chồi xương. Các khớp có thể trở nên sai lệch. Tình trạng này thường được gọi là thoái hóa khớp.

Thoái hóa khớp cũng có thể do tổn thương khớp trước đó như gãy xương hoặc phản ứng viêm trước đó.

Đau cơ xương, mô mềm

Cảm giác đau cơ xương, mô mềm thường được cảm nhận ở các mô ngoài khớp và xương. Cơn đau thường xuất hiện sau chấn thương hoặc hoạt động quá mức và bắt nguồn từ các cơ hoặc mô mềm hỗ trợ khớp.

Tình trạng đau lan rộng hơn và kết hợp với các triệu chứng khác có thể gợi ý bệnh đau cơ xơ hóa.

Đau lưng

Đau lưng có thể phát sinh từ các cơ, đĩa đệm, dây thần kinh, dây chằng, xương hoặc khớp. Đau lưng có thể xuất phát từ các vấn đề với các cơ quan bên trong cơ thể. 

Có thể có một nguyên nhân cụ thể gây đau lưng như thoái hóa khớp. Tình trạng này sẽ được gọi là chứng thoái hóa cột sống nếu nó xảy ra ở cột sống. Các xét nghiệm hình ảnh hoặc khám sức khỏe có thể phát hiện ra điều này.

Thoát vị đĩa đệm là một nguyên nhân khác gây ra đau lưng, cùng với tình trạng loãng xương.

Nếu bác sĩ không thể xác định nguyên nhân chính xác của đau lưng, tình trạng này sẽ được gọi là đau không rõ nguyên nhân

Bệnh mô liên kết (Connective tissue disease - CTD)

Các mô liên kết hỗ trợ, liên kết các cơ quan với nhau hoặc phân tách các mô và cơ quan khác của cơ thể. Chúng bao gồm gân, dây chằng và sụn.

CTD liên quan đến đau khớp và phản ứng viêm. Tình trạng viêm cũng có thể xảy ra ở các mô khác, bao gồm da, cơ, phổi và thận. Điều này có thể dẫn đến các triệu chứng khác nhau bên cạnh các khớp đau và có thể cần đến sự tư vấn của một số bác sĩ chuyên khoa khác nhau.

Ví dụ về CTD bao gồm:

Viêm khớp nhiễm trùng

Vi khuẩn, vi rút hoặc nấm xâm nhập vào khớp đôi khi có thể gây viêm.

Các sinh vật có thể gây viêm nhiễm các khớp bao gồm: 

Nhiễm trùng khớp thường có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng vi rút, thuốc kháng nấm. Tuy nhiên, đôi khi bệnh viêm khớp có thể trở thành mạn tính và tổn thương khớp có thể không hồi phục nếu tình trạng nhiễm trùng kéo dài trong một thời gian.

Viêm khớp chuyển hóa

Axit uric là một chất hóa học được tạo ra khi cơ thể phân hủy purin. Purin được tìm thấy trong tế bào của người và trong một số loại thực phẩm.

Hầu hết axit uric hòa tan trong máu và di chuyển đến thận. Từ đó, nó được bài xuất ra ngoài theo nước tiểu. Một số người có nồng độ axit uric cao do sản xuất ra nhiều hơn mức cần thiết hoặc không thể đào thải axit uric đủ nhanh ra ngoài.

Axit uric tích tụ ở một số người và hình thành các tinh thể hình kim trong khớp, dẫn đến cơn gút cấp, gây đau đột ngột và dữ dội.

Bệnh gút có tái diễn thành các đợt cấp hoặc trở thành mạn tính nếu nồng độ axit uric không giảm.

Nó thường ảnh hưởng đến một khớp hoặc một số khớp nhỏ như khớp ngón chân cái và bàn tay. Tình trạng viêm hay gặp ở các chi. Có một giả thuyết cho rằng các tinh thể urat dễ hình thành ở các khớp mát, xa trung tâm hơn.

Một số loại viêm khớp phổ biến hơn sẽ được thảo luận dưới đây.

Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp có chung một số đặc điểm, nhưng chúng là những bệnh lý khác nhau.Viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp có chung một số đặc điểm, nhưng chúng là những bệnh lý khác nhau.

Viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid arthritis - RA) xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công chính các mô của cơ thể, đặc biệt là mô liên kết, dẫn đến viêm khớp, đau và thoái hóa khớp.

Sụn là một mô liên kết linh hoạt trong các khớp có khả năng hấp thụ áp lực và chấn động do chuyển động như chạy và đi bộ tạo ra. Nó cũng bảo vệ các khớp và cho phép chuyển động trơn tru.

Tình trạng viêm dai dẳng trong bao hoạt dịch dẫn đến sự thoái hóa của sụn và xương, sau đó có thể dẫn đến biến dạng khớp, đau, sưng và đỏ.

Viêm khớp dạng thấp có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và có liên quan đến tình trạng mệt mỏi và cứng khớp kéo dài sau khi nghỉ ngơi.

Viêm khớp dạng thấp có thể gây tử vong và khuyết tật ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bệnh có liên quan tới một số bệnh lý tim mạch như bệnh tim thiếu máu cục bộ và đột quỵ.

Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp sớm mang lại cơ hội tốt hơn trong việc kiểm soát triệu chứng. Điều này có thể làm giảm tác động của bệnh đến chất lượng cuộc sống.

Thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là tình trạng giảm số lượng mô sụn bình thường do hao mòn trong suốt cuộc đời.   (Nguồn ảnh medicalnewstoday.com)Thoái hóa khớp là tình trạng giảm số lượng mô sụn bình thường do hao mòn trong suốt cuộc đời. (Nguồn ảnh medicalnewstoday.com)

Thoái hóa khớp là một tình trạng phổ biến ảnh hưởng đến sụn, bao khớp, dây chằng và xương bên dưới của khớp.

Sự thoái hóa của các mô này cuối cùng dẫn đến đau và cứng khớp.

Các khớp thường bị ảnh hưởng bởi thoái hóa là những khớp phải sử dụng nhiều như hông, đầu gối, bàn tay, cột sống, gốc ngón cái và khớp ngón chân cái.

Viêm khớp thời thơ ấu

Thuật ngữ này có thể đề cập đến một số loại viêm khớp. Viêm khớp tự phát vị thành niên, còn được gọi là viêm khớp dạng thấp vị thành niên, là một loại trong số đó 

Viêm khớp ở trẻ em có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn cho các khớp và không có cách chữa trị. Tuy nhiên, tình trạng viêm có thể thuyên giảm, bệnh sẽ không hoạt động trong giai đoạn này.

Bệnh có thể là do các vấn đề về hệ thống miễn dịch.

Viêm khớp nhiễm trùng

Tỉ lệ mắc được cho là ở mức 2-10/100.000 dân. Trong số những người bị viêm khớp dạng thấp, tỉ lệ gặp viêm khớp nhiễm trùng lên đến 30-70/100.000 người.

Viêm khớp nhiễm trùng là tình trạng viêm khớp do nhiễm trùng vi khuẩn hoặc nấm. Nó thường ảnh hưởng đến khớp gối và hông.

Bệnh có thể phát triển khi vi khuẩn hoặc các vi sinh vật gây bệnh khác lây lan qua máu đến khớp hoặc khi khớp bị nhiễm trực tiếp vi sinh vật do chấn thương hoặc phẫu thuật.

Vi khuẩn như Staphylococcus, Streptococcus, hoặc Neisseria gonorrhoeae gây ra hầu hết các trường hợp viêm khớp nhiễm trùng cấp tính. Các sinh vật như Mycobacterium tuberculosis và Candida albicans gây ra bệnh viêm khớp nhiễm trùng mạn tính - ít phổ biến hơn so với viêm khớp nhiễm trùng cấp tính.

Viêm khớp nhiễm trùng có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Ở trẻ sơ sinh, nó có thể xảy ra trước 3 tuổi. Hông là vị trí dễ bị nhiễm trùng ở lứa tuổi này.

Viêm khớp nhiễm trùng không phổ biến từ 3 tuổi đến tuổi vị thành niên. Trẻ em bị viêm khớp nhiễm trùng có nhiều khả năng bị nhiễm Streptococcus nhóm B hoặc Haemophilus influenzae hơn người lớn nếu chúng chưa được chủng ngừa.

Tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp nhiễm trùng do nhiễm H. influenzae đã giảm khoảng 70% đến 80% kể từ khi việc sử dụng vacxin chủng ngừa H. influenzae b (Hib) trở nên phổ biến.

Các tình trạng sau đây làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp nhiễm trùng:

  • Tổn thương khớp hoặc đang mắc bệnh lý về khớp
  • Khớp nhân tạo
  • Nhiễm trùng ở nơi khác trong cơ thể
  • Nhiễm khuẩn máu
  • Bệnh mạn tính như bệnh tiểu đường, viêm khớp dạng thấp và bệnh hồng cầu hình liềm
  • Tiêm tĩnh mạch hoặc chích ma túy
  • Thuốc ức chế hệ thống miễn dịch
  • Chấn thương khớp gần đây
  • Nội soi khớp gần đây hoặc phẫu thuật khác
  • Các tình trạng như HIV làm suy yếu khả năng miễn dịch
  • Cao tuổi

Viêm khớp nhiễm trùng là trường hợp cần phải xử trí sớm vì nó có thể dẫn đến phá hủy khớp nhanh chóng. Bệnh có thể gây tử vong.

Đau cơ xơ hóa

Đau cơ xơ hóa ảnh hưởng đến ước tính 4.000.000 người lớn ở Hoa Kỳ, chiếm khoảng khoảng 2% dân số. Bệnh thường bắt đầu ở tuổi trung niên trở đi nhưng nó có thể ảnh hưởng đến trẻ em.

Đau cơ xơ hóa có thể biểu hiện:

  • Đau lan rộng
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Mệt mỏi
  • Phiền muộn
  • Gặp vấn đề với suy nghĩ và ghi nhớ.

Người bệnh có thể gặp phải những cơn đau bất thường do phản ứng quá mức với tác nhân gây đau, trong khi người bình thường lại không bị đau với cùng tác nhân đó.

Ngoài ra người bệnh có thể bị ngứa ran hoặc tê ở bàn tay và bàn chân, đau ở hàm và gặp các vấn đề về tiêu hóa.

Nguyên nhân của đau cơ xơ hóa vẫn chưa được biết rõ, nhưng một số yếu tố có liên quan chặt chẽ đến sự khởi phát của bệnh: 

  • Sự kiện căng thẳng hoặc đau buồn
  • Rối loạn căng thẳng sau chấn thương
  • Chấn thương do chuyển động lặp đi lặp lại
  • Bệnh tật, ví dụ như nhiễm virus
  • Mắc bệnh lupus, viêm khớp dạng thấp hoặc hội chứng mệt mỏi mạn tính
  • Tiền sử gia đình
  • Béo phì

Bệnh gặp nhiều hơn ở phụ nữ.

Viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vẩy nến là một vấn đề về khớp thường xảy ra cùng với bệnh vẩy nến – một bệnh lý của da. Bệnh được cho là ảnh hưởng đến từ 0,3 đến 1% dân số ở Hoa Kỳ, và từ 6 đến 42 % những người bị bệnh vẩy nến.

Hầu hết người bệnh phát triển bệnh vẩy nến đầu tiên và sau đó là bệnh viêm khớp vẩy nến, nhưng các vấn đề về khớp đôi khi có thể xảy ra trước khi các tổn thương da xuất hiện.

Nguyên nhân chính xác của bệnh viêm khớp vảy nến vẫn chưa được biết, nhưng nó có vẻ liên quan đến việc hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào và mô khỏe mạnh. Phản ứng miễn dịch bất thường gây ra tình trạng viêm ở khớp và sản xuất quá mức các tế bào da. Bệnh có thể gây tổn thương phá hủy các khớp.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bao gồm:

  • Bị bệnh vẩy nến
  • Tiền sử gia đình
  • Từ 30 đến 50 tuổi

Những người bị viêm khớp vảy nến có xu hướng tăng các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch nhiều hơn so với dân số chung, gồm tăng BMI, nồng độ triglycerid và protein phản ứng C.

Bệnh Gút

Gút là một bệnh viêm khớp xảy ra khi các tinh thể urat hình thành trong các mô và dịch của cơ thể. Nó xảy ra khi cơ thể sản xuất quá nhiều axit uric hoặc không bài tiết được axit uric dư thừa.

Bệnh gút gây ra những cơn đau dữ dội ở khớp, với biểu hiện đỏ, nóng và sưng tấy.   (Nguồn ảnh medicalnewstoday.com)Bệnh gút gây ra những cơn đau dữ dội ở khớp, với biểu hiện đỏ, nóng và sưng tấy. (Nguồn ảnh medicalnewstoday.com)

Cơn gút cấp tính thường xuất hiện dưới dạng khớp sưng đỏ, nóng và đau dữ dội.

Các yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Tăng huyết áp
  • Uống rượu
  • Sử dụng thuốc lợi tiểu
  • Chế độ ăn nhiều thịt và hải sản
  • Một số loại thuốc thông thường
  • Chức năng thận kém

Thời gian thuyên giảm có thể kéo dài, sau đó là các đợt bùng phát từ vài ngày đến vài tuần. Đôi khi bệnh có thể là mạn tính. Các đợt cấp tái phát của cơn gút cấp có thể dẫn đến một dạng thoái hóa của viêm khớp mạn tính, được gọi là viêm khớp do gút.

Hội chứng Sjögren

Hội chứng Sjögren là một rối loạn tự miễn dịch đôi khi xảy ra cùng với viêm khớp dạng thấp và lupus ban đỏ. Nó liên quan đến việc phá hủy các tuyến sản xuất nước mắt và nước bọt. Từ đó dẫn tới khô miệng, khô mắt và khô ở các khu vực khác thường cần độ ẩm, như mũi, cổ họng và da.

Nó cũng có thể ảnh hưởng đến khớp, phổi, thận, mạch máu, cơ quan tiêu hóa và thần kinh.

Hội chứng Sjögren thường ảnh hưởng đến người lớn từ 40 đến 50 tuổi và đặc biệt thường gặp ở phụ nữ. Theo một nghiên cứu trên tạp chí Clinical and Experimental Rheumatology, khoảng 40 đến 50% những người mắc hội chứng Sjögren nguyên phát có các tổn thương mô khác ngoài các tuyến.

Nó có thể ảnh hưởng đến phổi, gan hoặc thận hoặc có thể dẫn đến viêm mạch da, bệnh thần kinh ngoại vi, viêm cầu thận. Tất cả những điều này chỉ ra mối liên hệ giữa hội chứng Sjögren và hệ thống miễn dịch.

Nếu những mô này bị ảnh hưởng, người bệnh có nguy cơ cao phát triển u lympho không Hodgkin.

Bệnh xơ cứng bì

Xơ cứng bì dùng để chỉ một nhóm bệnh co ảnh hưởng đến mô liên kết trong cơ thể. Người bệnh sẽ có những mảng da khô, cứng. Một số loại bệnh có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng và các động mạch nhỏ.

Các tổn thương giống như sẹo tích tụ trên da và gây phá hủy tổ chức.

Hiện tại nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được biết. Nó thường ảnh hưởng đến những người trong độ tuổi 30 đến 50 tuổi và nó có thể xảy ra với các bệnh tự miễn dịch khác, chẳng hạn như bệnh lupus.

Xơ cứng bì tác động đến mỗi người bệnh khác nhau. Các biến chứng bao gồm các vấn đề về da, suy tim, tổn thương phổi, các vấn đề về đường tiêu hóa và suy thận.

Lupus ban đỏ hệ thống (Systemic lupus erythematosus - SLE)

Lupus ban đỏ hệ thống, thường được gọi là lupus, là một bệnh tự miễn dịch, trong đó hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể tấn công các tế bào trong cơ thể, dẫn tới tổn thương viêm lan rộng và phá hủy các mô. Căn bệnh này được đặc trưng bởi các giai đoạn phát bệnh và giai đoạn lui bệnh.

Nó có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng thường khởi phát ở độ tuổi từ 15 đến 45 tuổi. Cứ 1 người đàn ông mắc bệnh lupus sẽ có từ 4 đến 12 phụ nữ mắc bệnh lupus.

Lupus có thể ảnh hưởng đến khớp, da, não, phổi, thận, mạch máu và các mô khác. Các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, đau hoặc sưng khớp, phát ban trên da và sốt.

Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa rõ ràng nhưng nó có thể liên quan đến các yếu tố di truyền, môi trường và nội tiết tố.

Dấu hiệu sớm

Các triệu chứng của các loại viêm khớp sẽ khác nhau và cách xuất hiện cũng khác nhau. 

Các dấu hiệu cảnh báo của bệnh viêm khớp bao gồm đau, sưng, cứng và khó cử động khớp. (Nguồn ảnh medicalnewstoday.com)Các dấu hiệu cảnh báo của bệnh viêm khớp bao gồm đau, sưng, cứng và khó cử động khớp. (Nguồn ảnh medicalnewstoday.com)

 Chúng có thể phát triển từ từ hoặc đột ngột. Vì viêm khớp thường là một bệnh mạn tính nên các triệu chứng có thể xuất hiện rồi biến mất hoặc kéo dài theo thời gian.

Tuy nhiên, những người gặp phải bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào sau đây đều nên đi khám.

  1. Đau: Đau do viêm khớp có thể liên tục hoặc có thể đến rồi biến mất. Nó có thể chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận hoặc có thể cảm nhận được ở nhiều nơi trên cơ thể
  2. Sưng: Trong một số loại viêm khớp, da ở khớp bị ảnh hưởng trở nên đỏ và sưng lên, sờ vào thấy ấm.
  3. Cứng khớp. Cứng khớp là một triệu chứng điển hình. Với một số loại viêm khớp, triệu chứng này có thể xảy ra khi thức dậy vào buổi sáng, sau khi ngồi vào bàn làm việc hoặc sau khi ngồi trong ô tô trong một thời gian dài. Với các loại viêm khớp khác, cứng khớp có thể xảy ra sau khi vận động hoặc có thể dai dẳng.
  4. Khó cử động khớp: Nếu bạn gặp khó khăn hoặc đau khi đứng dậy khỏi ghế thì có thể là dấu hiệu của bệnh viêm khớp hoặc một vấn đề về khớp khác.

Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh toàn thân, vì vậy nó thường ảnh hưởng đến các khớp ở cả hai bên của cơ thể như nhau. Các khớp cổ tay, ngón tay, đầu gối, bàn chân và mắt cá chân là những khớp thường bị ảnh hưởng nhất.

Các triệu chứng khớp có thể bao gồm:

  • Cứng khớp buổi sáng, kéo dài hơn 1 giờ
  • Đau, thường ở các khớp giống nhau ở cả hai bên của cơ thể
  • Mất phạm vi cử động của khớp, có thể bị biến dạng khớp

Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Đau ngực khi hít vào do viêm màng phổi
  • Khô mắt và miệng nếu có hội chứng Sjögren
  • Bỏng rát ở mắt, ngứa và chảy dịch
  • Nốt sần dưới da, thường là dấu hiệu của bệnh nặng hơn
  • Tê, ngứa ran hoặc bỏng rát ở bàn tay và bàn chân
  • Khó ngủ

Thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp thường là kết quả của sự hao mòn ở các khớp. Nó sẽ ảnh hưởng đến các khớp phải vận động nhiều hơn những khớp khác. Những người bị thoái hóa khớp có thể gặp các triệu chứng sau:

  • Đau và cứng khớp
  • Cơn đau trở nên tồi tệ hơn sau khi tập thể dục hoặc áp lực lên khớp
  • Tiếng cọ xát hoặc tiếng răng rắc khi khớp di chuyển
  • Cứng khớp buổi sáng
  • Cơn đau gây rối loạn giấc ngủ

Một số người có thể có những thay đổi liên quan đến thoái hóa khớp xuất hiện trên phim chụp X-quang, nhưng họ không gặp phải các triệu chứng của bệnh.

Thoái hóa khớp thường ảnh hưởng đến một số khớp nhiều hơn những khớp khác như khớp gối, vai hoặc cổ tay trái hoặc phải.

Viêm khớp thời thơ ấu

Các triệu chứng của bệnh viêm khớp thời thơ ấu là:

  • Khớp bị sưng, đỏ hoặc nóng
  • Khớp bị cứng hoặc hạn chế cử động
  • Đi khập khiễng hoặc khó sử dụng cánh tay hoặc chân
  • Một cơn sốt cao đột ngột có thể xuất hiện rồi biến mất
  • Phát ban trên thân và tứ chi kèm theo sốt
  • Các triệu chứng toàn thân như da nhợt nhạt, sưng hạch bạch huyết
  • Nhìn ốm yếu

Viêm khớp dạng thấp vị thành niên cũng có thể gây ra các vấn đề về mắt bao gồm viêm màng bồ đào, viêm mống mắt. Nếu các triệu chứng về mắt xảy ra, có thể gặp:

  • Mắt đỏ
  • Đau mắt, đặc biệt là khi nhìn vào ánh sáng
  • Thay đổi tầm nhìn.

Viêm khớp nhiễm trùng

Các triệu chứng của viêm khớp nhiễm trùng xảy ra đột ngột.

Thường gặp:

  • Sốt
  • Đau khớp dữ dội, trở nên trầm trọng hơn khi cử động
  • Sưng ở một khớp

Các triệu chứng ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ sơ sinh bao gồm:

  • Khóc khi cử động khớp bị nhiễm trùng
  • Sốt
  • Không có khả năng cử động chi có khớp bị nhiễm trùng
  • Cáu gắt

Các triệu chứng ở trẻ em và người lớn bao gồm:

  • Không có khả năng cử động chi có khớp bị nhiễm trùng
  • Đau khớp dữ dội, sưng và đỏ
  • Sốt.

Ớn lạnh đôi khi xảy ra nhưng là một triệu chứng không phổ biến.

Đau cơ xơ hóa

Đau cơ xơ hóa có thể gây ra các triệu chứng:

Đau cơ xơ hóa gây nhiều triệu chứng có xu hướng khác nhau ở mỗi người. Triệu chứng chính là đau lan rộng.Đau cơ xơ hóa gây nhiều triệu chứng có xu hướng khác nhau ở mỗi người. Triệu chứng chính là đau lan rộng.
  •  Đau lan rộng, thường có các điểm đau cụ thể
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Mệt mỏi
  • Căng thẳng tâm lý
  • Cứng khớp buổi sáng
  • Ngứa ran hoặc tê ở bàn tay và bàn chân
  • Đau đầu, bao gồm cả chứng đau nửa đầu
  • Hội chứng ruột kích thích
  • Các vấn đề về suy nghĩ và trí nhớ
  • Đau bụng kinh và các hội chứng đau khác

Viêm khớp vảy nến

Các triệu chứng của viêm khớp vẩy nến có thể nhẹ và chỉ liên quan đến một số khớp như khớp đốt bàn xa ở ngón tay hoặc ngón chân.

Viêm khớp vẩy nến nặng có thể ảnh hưởng đến nhiều khớp, bao gồm cả cột sống. Các triệu chứng ở cột sống thường được cảm nhận ở phần dưới cột sống và xương cùng, bao gồm cứng, bỏng và đau.

Những người bị bệnh viêm khớp vẩy nến thường có những thay đổi về da và móng của bệnh vẩy nến và da trở nên tồi tệ hơn cùng lúc với bệnh viêm khớp.

Bệnh gout

Các triệu chứng của bệnh gút gồm 

  • Đau và sưng, thường ở các khớp ngón chân cái, đầu gối hoặc mắt cá chân
  • Đau đột ngột, thường xuyên vào ban đêm, có thể đau nhói, quặn thắt hoặc đau dữ dội
  • Các khớp ấm và mềm, có vẻ đỏ và sưng
  • Thỉnh thoảng sốt

Sau khi mắc bệnh gút trong nhiều năm, người bệnh có thể phát triển các hạt tophi. Tophi là những cục u bên dưới da, điển hình là xung quanh khớp hoặc nổi rõ trên đầu ngón tay và tai. Có thể phát triển nhiều hạt tophi nhỏ, hoặc một cục lớn màu trắng. Nó có thể gây ra biến dạng và căng da.

Đôi khi, các hạt tophi vỡ ra và chảy ra một chất màu trắng như phấn. Các hạt tophi vỡ có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc viêm tủy xương. Một số bệnh nhân sẽ cần phẫu thuật khẩn cấp để dẫn lưu hạt tophi.

Hội chứng Sjögren

Các triệu chứng của hội chứng Sjögren bao gồm:

  • Mắt khô và ngứa, cảm giác có gì đó ở trong mắt
  • Khô miệng
  • Khó nuốt 
  • Mất vị giác
  • Nói khó
  • Nước bọt đặc
  • Loét miệng hoặc đau
  • Khàn tiếng
  • Mệt mỏi
  • Sốt
  • Thay đổi màu sắc của bàn tay hoặc bàn chân
  • Đau khớp hoặc sưng khớp
  • Các tuyến sưng to

Bệnh xơ cứng bì

Các triệu chứng của bệnh xơ cứng bì có thể bao gồm:

  • Ngón tay hoặc ngón chân chuyển sang màu xanh lam hoặc trắng khi gặp nhiệt độ lạnh, được gọi là hiện tượng Raynaud
  • Rụng tóc
  • Da trở nên sẫm màu hơn hoặc sáng hơn bình thường
  • Cứng và căng da ở ngón tay, bàn tay, cẳng tay và mặt
  • Những cục nhỏ màu trắng bên dưới da, đôi khi chảy ra chất màu trắng giống như kem đánh răng
  • Vết loét trên đầu ngón tay hoặc ngón chân
  • Da căng và giống như mặt nạ trên mặt
  • Tê và đau ở bàn chân
  • Đau, cứng và sưng cổ tay, ngón tay và các khớp khác
  • Ho khan, khó thở và thở khò khè
  • Các vấn đề về đường tiêu hóa, chẳng hạn như đầy hơi sau bữa ăn, táo bón và tiêu chảy
  • Khó nuốt
  • Trào ngược thực quản hoặc ợ chua

Lupus ban đỏ hệ thống (SLE)

Các triệu chứng gặp nhiều nhất trong lupus là:

  • Phát ban đỏ hoặc thay đổi màu sắc trên mặt, thường có hình con bướm trên mũi và má
  • Đau hoặc sưng khớp
  • Sốt không rõ nguyên nhân
  • Đau ngực khi hít thở sâu
  • Các tuyến sưng to
  • Mệt mỏi
  • Rụng tóc bất thường
  • Ngón tay hoặc ngón chân nhợt nhạt hoặc tím tái vì lạnh hoặc căng thẳng
  • Nhạy cảm với ánh nắng mặt trời
  • Thiếu các tế bào máu
  • Trầm cảm, khó suy nghĩ hoặc gặp các vấn đề về trí nhớ.

Các dấu hiệu khác là loét miệng, co giật không rõ nguyên nhân, ảo giác, sẩy thai nhiều lần và các vấn đề về thận không rõ nguyên nhân.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!