Video Viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi được không
Tổn thương khớp mà VKDT gây ra thường xảy ra ở cả hai bên của cơ thể.
Vì vậy, nếu có một khớp ở tay hoặc chân của bạn bị ảnh hưởng thì khớp tương tự ở tay hoặc chân bên kia cũng có thể bị ảnh hưởng. Đây là một trong những cách bác sĩ dùng để phân biệt VKDT với các dạng viêm khớp khác như thoái hóa khớp.
Điều trị hiệu quả nhất khi VKDT được chẩn đoán sớm, vì vậy điều quan trọng là phải tìm hiểu các triệu chứng. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc đầy đủ thông tin về VKDT, từ phân loại loại và triệu chứng đến các biện pháp khắc phục tại nhà, chế độ ăn và các phương pháp điều trị khác.
Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp
VKDT là một bệnh mạn tính, biểu hiện bằng các triệu chứng viêm và đau ở các khớp. Các triệu chứng và dấu hiệu này xảy ra trong các giai bùng phát hoặc đợt cấp. Thời điểm xen giữa các đợt bùng phát gọi là giai đoạn thuyên giảm – khi này các triệu chứng biến mất hoàn toàn.
Các triệu chứng VKDT có thể ảnh hưởng đến một số cơ quan trong cơ thể. Các triệu chứng tại khớp bao gồm:
- Đau khớp
- Sưng khớp
- Cứng khớp
- Mất chức năng khớp và biến dạng khớp
Các triệu chứng có thể khác nhau từ nhẹ đến nặng. Điều quan trọng là không bỏ qua các triệu chứng của bạn, ngay cả khi xuất hiện rồi lại biến mất. Biết các dấu hiệu ban đầu của VKDT sẽ giúp bạn và bác sĩ điều trị và kiểm soát bệnh tốt hơn.
Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp
Chẩn đoán VKDT có thể mất thời gian và có thể yêu cầu nhiều xét nghiệm để xác nhận các triệu chứng khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ sử dụng một số biện pháp để chẩn đoán bệnh.
Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và tiền sử bệnh của bạn. Họ cũng sẽ khám các khớp cho bạn. Quá trình khám sẽ thực hiện:
- Đánh giá xem có sưng tấy và mẩn đỏ không?
- Kiểm tra chức năng khớp và phạm vi chuyển động
- Sờ vào khớp bị ảnh hưởng để xem nó có nóng và đau không
- Kiểm tra phản xạ và sức mạnh cơ bắp
Không có xét nghiệm đơn lẻ nào có thể xác nhận chẩn đoán VKDT. Bác sĩ sẽ chỉ định vài xét nghiệm khác nhau giúp chẩn đoán bệnh.
Họ có thể chỉ định xét nghiệm máu của bạn để tìm một số chất như kháng thể hoặc kiểm tra nồng độ của một số chất như chất phản ứng ở giai đoạn cấp tính sẽ tăng cao trong các tình trạng viêm nhiễm. Đây có thể là dấu hiệu của VKDT và giúp hỗ trợ chẩn đoán.
Họ cũng có thể yêu cầu một số xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như siêu âm, chụp X-quang hoặc MRI.
Các xét nghiệm không chỉ cho biết tổn thương khớp đã xảy ra hay chưa mà còn cho biết mức độ nghiêm trọng của tổn thương.
Một số người bị VKDT cũng cần được đánh giá và theo dõi đầy đủ các hệ thống cơ quan khác.
Xét nghiệm máu cho bệnh viêm khớp dạng thấp
Có một số loại xét nghiệm máu giúp bác sĩ xác định xem bạn có bị VKDT hay không. Các xét nghiệm này bao gồm:
- Xét nghiệm yếu tố dạng thấp. Nồng độ cao của yếu tố dạng thấp có liên quan đến các bệnh tự miễn dịch, đặc biệt là VKDT.
- Xét nghiệm kháng thể kháng CCP (Anticitrullinated protein). Xét nghiệm này đánh giá một kháng thể có liên quan đến VKDT. Những người có kháng thể này thường mắc bệnh. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người mắc VKDT đều dương tính với kháng thể này. Kháng thể kháng CCP đặc hiệu hơn cho VKDT so với yếu tố dạng thấp
- Xét nghiệm kháng thể kháng nhân. Cơ thể của bạn có thể tạo ra kháng thể để phản ứng với nhiều loại tình trạng khác nhau, bao gồm cả viêm khớp dạng thấp.
- Tốc độ lắng của hồng cầu. Xét nghiệm giúp xác định mức độ viêm trong cơ thể bạn. Kết quả cho bác sĩ biết liệu bạn có bị viêm hay không. Tuy nhiên, nó không chỉ ra nguyên nhân gây VKDT viêm.
- Xét nghiệm protein phản ứng C (CRP). Một nhiễm trùng nghiêm trọng trong cơ thể của bạn có thể kích hoạt gan tăng sản xuất protein phản ứng C (CRP). Mức độ cao của dấu hiệu viêm này có liên quan đến VKDT.
Điều trị viêm khớp dạng thấp
Không có cách chữa khỏi VKDT, nhưng có những phương pháp điều trị có thể giúp bạn kiểm soát nó.
VKDT có thể khiến cả bệnh nhân và bác sĩ luôn lo lắng ra những cách tốt nhất để điều trị các triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của tình trạng này.
Gần đây, những tiến bộ trong chiến lược điều trị đã mang lại kết quả và chất lượng cuộc sống ngày càng cải thiện cho những người bị VKDT. Điều trị VKDT theo mục tiêu là một triết lý điều trị mà các bác sĩ sử dụng để kiểm soát hiệu quả căn bệnh này.
Phương pháp điều trị theo mục tiêu đã làm giảm triệu chứng hơn và tỷ lệ thuyên giảm cao hơn cho những người bị VKDT. Chiến lược điều trị bao gồm:
- Thiết lập một mục tiêu xét nghiệm cụ thể cho thấy tình trạng bệnh thuyên giảm
- Xét nghiệm chất phản ứng giai đoạn cấp tính và thực hiện giám sát hàng tháng để đánh giá tiến độ điều trị và kế hoạch quản lý
- Chuyển đổi chế độ thuốc ngay lập tức nếu không có tiến triển.
Các phương pháp điều trị VKDT giúp kiểm soát cơn đau và kiểm soát phản ứng viêm, trong nhiều trường hợp có thể dẫn đến thuyên giảm bệnh. Giảm viêm cũng có thể giúp ngăn ngừa tổn thương thêm các cơ quan và khớp.
Các biện pháp điều trị bao gồm:
- Thuốc men
- Biện pháp thay thế hoặc biện pháp tại nhà
- Thay đổi chế độ ăn uống
- Các loại bài tập cụ thể
Bác sĩ sẽ trao đổi với bạn để xác định kế hoạch điều trị tốt nhất cho tình trạng bệnh.
Đối với nhiều người bệnh, những phương pháp điều trị này giúp họ có một cuộc sống năng động và giảm nguy cơ biến chứng lâu dài.
Thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp
Có nhiều loại thuốc điều trị VKDT. Một số loại thuốc giúp giảm đau và viêm. Một số giúp giảm bùng phát và hạn chế tổn thương ở khớp của bạn.
Các loại thuốc không kê đơn sau đây giúp giảm đau và viêm trong thời gian bùng phát VKDT:
Các loại thuốc sau đây có tác dụng làm chậm những tổn thương mà VKDT có thể gây ra cho cơ thể bạn:
- Thuốc chống thấp khớp điều chỉnh bệnh tật (Disease-modifying antirheumatic drugs - DMARD). DMARDs hoạt động bằng cách ngăn chặn phản ứng của hệ thống miễn dịch, từ đó giúp làm chậm sự tiến triển của VKDT.
- Thuốc sinh học. Các DMARD sinh học thế hệ mới này nhằm vào mục tiêu giảm viêm hơn là ngăn chặn toàn bộ phản ứng của hệ thống miễn dịch. Chúng có thể là một phương pháp điều trị hiệu quả cho những người không đáp ứng với các DMARD truyền thống.
- Thuốc ức chế Janus kinase (Janus kinase (JAK) inhibitors). Đây là một loại thuốc DMARDs mới giúp ngăn chặn các phản ứng miễn dịch nhất định. Nó được chỉ định để giúp ngăn ngừa viêm và ngừng tổn thương khớp khi DMARD và thuốc sinh học không có tác dụng với bạn.
Các biện pháp khắc phục tại nhà cho bệnh viêm khớp dạng thấp
Một số biện pháp điều trị tại nhà và điều chỉnh lối sống có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn khi sống chung với VKDT. Các biện pháp bao gồm tập thể dục, nghỉ ngơi và các thiết bị hỗ trợ.
Tập thể dục
Các bài tập có tác động thấp (Low-impact exercises) có thể giúp cải thiện phạm vi chuyển động của khớp và tăng khả năng vận động của bạn. Tập thể dục cũng có thể tăng cường cơ bắp, giúp giảm bớt một số áp lực lên các khớp.
Bạn cũng có thể thử tập yoga nhẹ nhàng, nó có thể giúp bạn lấy lại sức mạnh và sự linh hoạt.
Nghỉ ngơi đầy đủ
Bạn có thể cần nghỉ ngơi nhiều hơn trong thời gian bùng phát và ít hơn trong thời gian thuyên giảm. Ngủ đủ giấc sẽ giúp giảm viêm và đau cũng như giảm mệt mỏi.
Chườm nóng hoặc lạnh
Chườm lạnh có thể giúp giảm viêm và đau. Chúng cũng có thể có hiệu quả trong việc chống lại sự co thắt cơ.
Bạn có thể xen kẽ chườm lạnh với các liệu pháp dùng nhiệt như tắm nước ấm và chườm nóng. Nó có thể giúp giảm độ cứng của khớp.
Thử các thiết bị hỗ trợ
Một số thiết bị như nẹp và đai có thể giữ khớp của bạn ở tư thế nghỉ ngơi, từ đó có thể giúp giảm viêm.
Nạng có thể giúp bạn duy trì khả năng vận động, ngay cả khi bệnh bùng phát. Bạn cũng có thể lắp đặt các thiết bị hỗ trợ như thanh vịn và tay vịn trong phòng tắm và dọc theo cầu thang.
Chế độ ăn cho người bệnh viêm khớp dạng thấp
Bác sĩ dinh dưỡng có thể đề xuất chế độ ăn uống chống viêm để giúp giảm các triệu chứng của bạn. Chế độ ăn này gồm các loại thực phẩm có nhiều axit béo omega-3.
Thực phẩm giàu axit béo omega-3 bao gồm:
- Cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá trích và cá thu
- Hạt chia
- Hạt lanh
- Quả óc chó
Các chất chống oxy hóa như vitamin A, C và E, và selen, cũng có thể giúp giảm viêm. Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa bao gồm:
- Quả mọng, như quả việt quất, nam việt quất, quả goji và dâu tây
- Sô cô la đen
- Rau bina
- Đậu tây
- Hồ đào
- Atisô
Ăn nhiều chất xơ cũng rất quan trọng. Theo một số nhà nghiên cứu, chất xơ có thể giúp giảm phản ứng viêm, từ đó có thể làm giảm mức protein phản ứng C. Bạn hãy chọn thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt, rau tươi và trái cây tươi. Dâu tây là một lựa chọn có lợi.
Thực phẩm có chứa flavonoid cũng có thể giúp chống lại chứng viêm trong cơ thể. Các thực phẩm có chứa flavonoid bao gồm:
- Các sản phẩm từ đậu nành, chẳng hạn như đậu phụ và miso
- Quả mọng
- Trà xanh
- Bông cải xanh
- Quả nho
Những thực phẩm cần tránh cũng rất quan trọng. Đảm bảo tránh các loại thực phẩm gây kích thích, bao gồm carbohydrate đã qua chế biến và chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa.
Hãy tránh thực phẩm gây kích thích và chọn thực phẩm phù hợp khi tuân theo một chế độ ăn uống chống viêm, nó có thể giúp bạn kiểm soát bệnh VKDT của mình.
Các loại viêm khớp dạng thấp
Có một số loại VKDT khác nhau. Nhận biết đúng loại VKDT giúp bác sĩ xây dựng đúng phác đồ điều trị cho bạn.
Các loại VKDT bao gồm:
- Viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính (Seropositive Rheumatoid Arthritis). Ở loại VKDT này, người bệnh sẽ có yếu tố dạng thấp trong huyết thanh. Điều đó có nghĩa là hệ thống miễn dịch sản sinh kháng thể tấn công vào khớp.
- Viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính (Seronegative Rheumatoid Arthritis). Nếu bạn có kết quả xét nghiệm yếu tố dạng thấp âm tính và kết quả kháng CCP âm tính, nhưng bạn vẫn có các triệu chứng VKDT, bạn có thể bị VKDT huyết thanh âm tính. Về mặt tiến triên, hệ miễn dịch vẫn có thể sinh ra kháng thể, thay đổi chẩn đoán của bạn thành VKDT huyết thanh dương tính.
- Viêm khớp vô căn vị thành niên (Juvenile idiopathic arthritis - JIA). Viêm khớp vô căn vị thành niên đề cập đến bệnh VKDT ở trẻ em từ 17 tuổi trở xuống. Tình trạng này trước đây được gọi là VKDT ở trẻ vị thành niên. Các triệu chứng giống như các loại VKDT khác nhưng cũng có thể bao gồm viêm mắt và các vấn đề về phát triển thể chất.
Viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính
Đây là loại VKDT phổ biến nhất. Loại viêm khớp này có thể di truyền được. VKDT huyết thanh dương tính có thể đi kèm với các triệu chứng nghiêm trọng hơn VKDT huyết thanh âm tính.
Các triệu chứng của VKDT huyết thanh dương tính có thể bao gồm:
- Cứng khớp buổi sáng kéo dài 30 phút hoặc lâu hơn
- Sưng và đau ở nhiều khớp
- Sưng và đau ở các khớp đối xứng
- Nốt thấp khớp
- Sốt
- Mệt mỏi
- Giảm cân
VKDT không phải lúc nào cũng giới hạn ở các khớp. Một số người bị VKDT huyết thanh dương tính có thể bị viêm ở mắt, tuyến nước bọt, dây thần kinh, thận, phổi, tim, da và mạch máu.
Nguyên nhân viêm khớp dạng thấp
Nguyên nhân chính xác của VKDT chưa được biết rõ. Tuy nhiên, các yếu tố nhất định dường như đóng một vai trò trong việc làm tăng nguy cơ phát triển VKDT hoặc khởi phát bệnh.
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh VKDT bao gồm:
- Là phụ nữ
- Có tiền sử gia đình bị VKDT
Các yếu tố có thể khởi phát VKDT bao gồm:
- Tiếp xúc với một số loại vi khuẩn, chẳng hạn như những vi khuẩn liên quan đến bệnh nha chu
- Có tiền sử nhiễm vi-rút, như vi-rút Epstein-Barr gây tăng bạch cầu đơn nhân
- Chấn thương như gãy xương, trật khớp và tổn thương dây chằng
- Hút thuốc lá
- Bị béo phì
Viêm khớp dạng thấp ở tay
Viêm khớp ở tay có thể bắt đầu với cảm giác bỏng rát ở mức độ nhẹ vào cuối ngày. Cuối cùng, bạn có thể bị đau dù không vận động tay. Cơn đau này có thể trở nên khá nghiêm trọng nếu bạn không điều trị.
Bạn cũng có thể cảm thấy:
- Sưng tấy
- Đỏ
- Nóng
- Cứng khớp
Nếu sụn trong khớp bị mòn đi, bạn có thể nhận thấy một số biến dạng ở tay. Bạn cũng có thể có cảm giác kẽo kẹt ở các khớp bàn tay, ngón tay và các khớp lớn, nếu sụn bị thoái hóa hoàn toàn.
Khi bệnh tiến triển, nang hoạt dịch thường phát triển ở cổ tay, đầu gối, khuỷu tay, mắt cá chân và xung quanh các khớp nhỏ của bàn tay. Những nang này có thể dẫn tới biến chứng. Đứt gân có thể xảy ra trong một số trường hợp.
Bạn cũng có thể phát triển các nốt sần, được gọi là gai xương, ở các khớp bị ảnh hưởng. Theo thời gian, các gai xương có thể khiến bạn khó sử dụng tay hơn.
Nếu bạn bị VKDT ở tay, bác sĩ sẽ trao đổi với bạn về các bài tập có thể giúp bạn duy trì hoạt động.
Các bài tập thể dục, cùng với các loại điều trị khác, có thể giúp giảm viêm và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.
Biến dạng ở bệnh viêm khớp dạng thấp
VKDT có thể tác động nhiều nhất tới bàn tay và bàn chân của bạn, đặc biệt là khi bệnh tiến triển và và không có kế hoạch điều trị.
Sưng ngón tay, cổ tay, đầu gối, mắt cá chân và ngón chân là thường gặp nhất. Tổn thương dây chằng và sưng ở bàn chân có thể khiến người bị VKDT gặp khó khăn khi đi lại.
Nếu bệnh không được điều trị, bạn có thể gặp các dị tật nghiêm trọng ở bàn tay và bàn chân của mình. Dị tật bàn tay và ngón tay có thể gây ra hình dạng bàn tay cong, giống móng vuốt.
Các ngón chân của bạn cũng có thể trông giống như móng vuốt, gọi là hình vuốt thú
Bạn cũng có thể gặp các vết loét, mụn nước và vết chai trên bàn chân.
Các cục u, được gọi là nốt thấp khớp, có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, nơi các khớp bị viêm. Chúng có thể có kích thước từ rất nhỏ đến kích thước của quả óc chó hoặc lớn hơn, và chúng có thể xuất hiện thành từng cụm.
Sự khác biệt giữa viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp
Giống như VKDT, những người bị thoái hóa khớp có thể bị đau và cứng khớp khiến việc di chuyển trở nên khó khăn.
Những người bị thoái hóa khớp có thể bị sưng khớp sau khi hoạt động kéo dài, nhưng thoái hóa khớp không gây ra bất kỳ phản ứng viêm đáng kể nào.
Không giống như VKDT, thoái hóa khớp không phải là một bệnh tự miễn dịch. Nó liên quan đến sự hao mòn tự nhiên của khớp khi bạn già đi hoặc do chấn thương.
Thoái hóa khớp thường thấy ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, đôi khi nó có thể gặp ở những người trẻ tuổi sử dụng quá mức một khớp cụ thể - ví dụ như người chơi quần vợt và các vận động viên khác - hoặc những người đã trải qua một chấn thương nặng.
VKDT là một bệnh tự miễn dịch. Tổn thương khớp do VKDT không phải do hao mòn bình thường. Đó là do hệ thống miễn dịch tự tấn công vào khớp.
Bệnh viêm khớp dạng thấp có di truyền không?
VKDT không được coi là một bệnh di truyền, nhưng nó dường như di truyền trong các gia đình. Điều này có thể do nguyên nhân môi trường, nguyên nhân di truyền hoặc kết hợp cả hai.
Nếu các thành viên trong gia đình bạn bị hoặc đã bị VKDT, hãy trao đổi với bác sĩ, đặc biệt nếu bạn có bất kỳ triệu chứng đau khớp dai dẳng, sưng và cứng nào không liên quan đến hoạt động quá sức hoặc chấn thương.
Có tiền sử gia đình mắc bệnh VKDT làm tăng nguy cơ mắc bệnh và chẩn đoán sớm có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong việc điều trị.
Tổng kết
VKDT là một bệnh mạn tính hiện chưa có thuốc chữa. Điều đó nói rằng, hầu hết những người bị VKDT không có các triệu chứng liên tục. Thay vào đó, chúng có các đợt bùng phát sau đó là các giai đoạn tương đối không có triệu chứng được gọi là các đợt thuyên giảm.
Diễn biến của bệnh ở mỗi người khác nhau, các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng.
Mặc dù các triệu chứng có thể biến mất trong thời gian dài, các vấn đề về khớp do VKDT thường sẽ trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Đó là lý do tại sao điều trị sớm là rất quan trọng để giúp trì hoãn các tổn thương khớp nghiêm trọng.
Nếu bạn đang gặp bất kỳ triệu chứng nào thì hãy đi khám ngay.
Xem thêm: