Nhiễm trùng máu (nhiễm khuẩn huyết): Yếu tố nguy cơ, triệu chứng và điều trị

Nhiễm trùng máu (nhiễm khuẩn huyết) là tình trạng xảy ra khi vi khuẩn từ ổ viêm nhiễm ở những cơ quan khác trong cơ thể, chẳng hạn như phổi, da hoặc đường tiết niệu, xâm nhập vào máu, gây ra những phản ứng mạnh mẽ của hệ thống miễn dịch đối với tình trạng nhiễm trùng. Tình trạng này rất nguy hiểm vì vi khuẩn và chất độc của chúng có thể theo đường máu đến toàn bộ cơ thể. Đồng thời những phản ứng của hệ thống miễn dịch có thể gây ra cục máu đông ngăn cản oxy đến các cơ quan quan trọng, dẫn đến suy chức năng các cơ quan và đe dọa tính mạng người bệnh.

Các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng máu bao gồm sốt cao, nhịp tim nhanh, khó thở và lú lẫn. 

Video Nhiễm trùng máu có thực sự nguy hiểm?

Bệnh dễ xuất hiện hơn ở người cao tuổi, trẻ nhỏ và những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch hoặc mắc một số bệnh khác.

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) cho thấy, mỗi năm có đến 30 triệu người lớn, 3 triệu trẻ sơ sinh và 1,2 triệu trẻ em bị nhiễm khuẩn máu trên toàn thế giới. Trong đó, 6 triệu người lớn và 500.000 trẻ sơ sinh tử vong vì lý do trên. Khi tình trạng viêm gây tụt huyết áp thì được gọi là sốc nhiễm trùng máu. Người bệnh sốc nhiễm trùng máu có nguy cơ tử vong cao.

Nắm được các dấu hiệu của nhiễm trùng máu có thể giúp người bệnh nhanh chóng nhận được chăm sóc y tế phù hợp. Bởi nhiễm trùng máu là một cấp cứu y khoa và điều trị kịp thời có thể giúp cứu sống người bệnh.  

Nguyên nhân nào gây ra nhiễm trùng máu?

Nhiễm trùng máu xảy ra do nhiễm trùng ở cơ quan khác của cơ thể, thường là mức độ nghiêm trọng. Nhiều loại vi khuẩn có thể dẫn đến nhiễm trùng máu. Nhưng thường không thể xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Các bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất dẫn đến nhiễm trùng máu là: 

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Nhiễm trùng phổi, chẳng hạn như viêm phổi, bao gồm cả do Covid-19
  • Nhiễm trùng thận
  • Nhiễm trùng ở vùng bụng
  • Nhiễm trùng vết thương, vết mổ 

Vi khuẩn từ những ổ nhiễm trùng này xâm nhập vào máu và sinh sôi nhanh chóng, gây ra các triệu chứng ngay lập tức. 

Những người nằm viện điều trị nội trú, chẳng hạn như phẫu thuật, có nguy cơ bị nhiễm trùng máu cao hơn. Nhiễm trùng thứ phát có thể xảy ra khi người bệnh ở trong bệnh viện. Loại nhiễm trùng này thường nguy hiểm hơn vì vi khuẩn có thể đã kháng với thuốc kháng sinh. Bạn cũng có nguy cơ cao bị nhiễm trùng máu nếu bạn: 

  • Có vết thương hoặc bỏng nặng
  • Rất trẻ hoặc rất già
  • Suy giảm hệ miễn dịch, có thể xảy ra do các bệnh lý, chẳng hạn như HIV hoặc bệnh bạch cầu, hoặc từ các phương pháp điều trị như hóa trị hoặc tiêm steroid
  • Đặt ống thông tiểu hoặc catheter tĩnh mạch
  • Đang thở máy

Các yếu tố nguy cơ

Nhiễm trùng máu có xảy ra ở tất cả những người mắc nhiễm trùng, nhưng nguy cơ cao hơn ở: 

  • Người trên 65 tuổi
  • Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi
  • Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu
  • Những người mắc bệnh mãn tính, chẳng hạn như đái tháo đường, HIV và ung thư 

Khả năng bệnh nhân mắc nhiễm trùng máu ngày càng tăng. Có thể là do tình trạng kháng kháng sinh - một thuật ngữ đề cập đến hiện tượng vi khuẩn trở nên đề kháng với các loại thuốc đã từng kiểm soát nhiều bệnh nhiễm trùng. 

Triệu chứng của nhiễm trùng máu

Các triệu chứng của nhiễm trùng máu thường diễn biến rất nhanh. Ngay cả trong giai đoạn đầu, bệnh nhân cảm thấy rất mệt. Họ có thể mắc nhiễm trùng máu sau một chấn thương, phẫu thuật hoặc một bệnh nhiễm trùng khu trú khác, chẳng hạn như viêm phổi. Các triệu chứng ban đầu phổ biến là: 

  • Gai lạnh
  • Sốt
  • Thở rất nhanh
  • Nhịp tim nhanh 

Các triệu chứng nghiêm trọng hơn sẽ bắt đầu xuất hiện khi tình trạng nhiễm trùng máu tiến triển mà không được điều trị thích hợp. Bệnh nhân cần được điều trị cấp cứu nếu có các triệu chứng: 

  • Sốt, gai lạnh và rùng mình
  • Mạch nhanh, hay nhịp tim nhanh
  • Khó thở
  • Da ướt hoặc lạnh
  • Cực kỳ đau đớn hoặc khó chịu
  • Đỏ và sưng tấy quanh vết thương

Khi nhiễm trùng máu nặng có thể gây ra: 

  • Huyết áp thấp
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu
  • Giảm lượng nước tiểu
  • Da tái nhợt hoặc lốm đốm
  • Da lúc nóng lúc lạnh, như bị sốt
  • Đầu chi lạnh, ẩm
  • Lẫn lộn, không tỉnh táo 
  • Cảm giác sắp chết hoặc đột ngột sợ hãi cái chết
  • Nói lắp bắp
  • Tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Đau dữ dội và cực kỳ khó chịu
  • Khó thở
  • Mất ý thức 

Nhiễm trùng máu tiến triển có thể dẫn đến sốc nhiễm trùng (septic shock). Đó là khi tụt huyết áp gây nguy hiểm, vì máu không thể đưa oxy đến các cơ quan của cơ thể.

Điều quan trọng là phải đến bệnh viện ngay lập tức nếu bạn hoặc người khác có dấu hiệu nhiễm trùng máu. Bạn không nên chờ đợi hoặc cố gắng điều trị tại nhà. 

Người cao tuổi và trẻ nhỏ có nguy cơ nhiễm trùng máu cao hơn, và có nhiều khả năng các triệu chứng nhiễm trùng máu nặng lên nhanh chóng. Nhưng các triệu chứng có thể khó phát hiện hơn ở những nhóm tuổi này.

Các triệu chứng cũng có thể khó xác định hơn ở những người: 

  • Khó khăn trong học tập
  • Vấn đề giao tiếp
  • Sa sút trí tuệ 

Khi người bệnh yêu cầu trợ giúp y tế, nhân viên y tế cần nắm được: 

  • Các triệu chứng
  • Tình trạng nhiễm trùng, chấn thương hoặc thủ thuật phẫu thuật nào gần đây
  • Bệnh nhân có mắc suy giảm miễn dịch hay không
  • Các bệnh mạn tính khác 

Điều này có thể giúp đẩy nhanh quá trình chẩn đoán và điều trị. 

Các biến chứng của nhiễm trùng máu

Xem chi tiết: Sốc nhiễm khuẩn: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và tiên lượng

Nhiễm trùng máu có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng. Những biến chứng này có thể gây tử vong nếu không được điều trị hoặc nếu trì hoãn điều trị quá lâu.

Sốc nhiễm trùng máu 

Một biến chứng của nhiễm trùng máu là tụt huyết áp nghiêm trọng. Đây được gọi là sốc nhiễm trùng máu. Độc tố do vi khuẩn tiết ra trong máu có thể gây giảm lưu lượng tuần hoàn, dẫn đến tổn thương cơ quan hoặc mô. 

Sốc nhiễm trùng máu là một tình trạng cấp cứu y khoa. Những người bị sốc nhiễm trùng thường được chăm sóc tại đơn vị hồi sức của bệnh viện. Bạn có thể cần được hỗ trợ thở máy nếu bị sốc nhiễm trùng.

Hội chứng suy hô hấp cấp tính (Acute respiratory distress syndrome - ARDS) 

Một biến chứng thứ ba của nhiễm trùng máu là hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS). Đây là một tình trạng đe dọa đến tính mạng, ngăn cản oxy đến phổi và máu. Tình trạng này thường dẫn đến một số tổn thương phổi vĩnh viễn, hoặc có thể làm tổn thương não, dẫn đến các vấn đề về trí nhớ.

Nhiễm trùng máu được chẩn đoán như thế nào? 

Chẩn đoán nhiễm trùng máu và nhiễm trùng toàn thân là một trong số những thách thức lớn nhất mà các bác sĩ phải đối mặt. Có thể khó tìm ra nguyên nhân chính xác của nhiễm trùng. Chẩn đoán thường sẽ thông qua một loạt các xét nghiệm. 

Bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng và hỏi bệnh sử của bạn, đồng thời kiểm tra huyết áp và nhiệt độ. Bác sĩ cũng có thể thăm khám để tìm ổ nhiễm khuẩn gây ra nhiễm trùng máu, bao gồm: 

  • Viêm phổi
  • Viêm màng não
  • Viêm mô tế bào 

Bác sĩ có thể chỉ định nhiều xét nghiệm nhằm xác định tình trạng nhiễm trùng. Chúng có thể bao gồm xét nghiệm: 

  • Nước tiểu
  • Dịch tiết vết thương và vết loét trên da
  • Dịch tiết đường hô hấp
  • Máu 

Ngoài ra họ có thể kiểm tra số lượng tế bào và tiểu cầu trong máu, đồng thời xét nghiệm đánh giá chức năng đông máu của bạn. 

Bác sĩ cũng có thể xét nghiệm đo nồng độ oxy và carbon dioxide trong máu nếu tình trạng nhiễm trùng máu khiến bạn gặp khó khăn về hô hấp. 

Nếu các dấu hiệu nhiễm trùng không rõ ràng, bác sĩ có thể chỉ định nhiều phương pháp khác để thăm dò kỹ hơn, chẳng hạn như: 

  • Chụp Xquang
  • MRI
  • Chụp CT
  • Siêu âm 

Điều trị nhiễm trùng máu

Bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị nhanh chóng cho nhiễm trùng máu, bao gồm: 

  • Điều trị nguyên nhân của nhiễm trùng
  • Dùng thuốc kháng sinh, nếu nhiễm trùng do vi khuẩn. Thường không có đủ thời gian để tìm ra loại vi khuẩn gây bệnh. Điều trị ban đầu thường sẽ sử dụng kháng sinh “phổ rộng”- nhóm kháng sinh chống lại nhiều loại vi khuẩn cùng một lúc. Kháng sinh phổ hẹp hơn có thể được sử dụng nếu xác định được vi khuẩn cụ thể.
  • Cung cấp oxy và dịch truyền tĩnh mạch đảm bảo lưu lượng máu đến các cơ quan
  • Cung cấp phương tiện hỗ trợ hô hấp, nếu cần thiết
  • Phẫu thuật, nếu cần, để loại bỏ mô bị tổn thương 

Nhiễm trùng máu thường phải điều trị tại bệnh viện và một số bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt. 

Đặc biệt, những người lớn tuổi cũng cần điều trị nhằm: 

  • Phòng ngừa loét do tỳ đè
  • Ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu
  • Kiểm soát đường huyết 

Một số trường hợp nhiễm trùng máu nặng hoặc sốc nhiễm trùng không đáp ứng với tất cả các liệu pháp điều trị. Trong những trường hợp này, nhân viên y tế có thể cần cung cấp dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ.

Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh

Nhiễm trùng máu có thể xuất hiện trong vòng 24 giờ sau khi sinh và ở trẻ sơ sinh. Nguồn: https://www.sepsis.org.Nhiễm trùng máu có thể xuất hiện trong vòng 24 giờ sau khi sinh và ở trẻ sơ sinh. Nguồn: https://www.sepsis.org.

Nhiễm trùng máu có thể xuất hiện trong vòng 24 giờ sau khi sinh và ở trẻ sơ sinh, tình trạng này được gọi là nhiễm trùng máu sơ sinh (neonatal sepsis). Trẻ sơ sinh là trẻ trong vòng 90 ngày tuổi sau khi sinh. 

Nguy cơ nhiễm trùng máu sơ sinh cao hơn nếu: 

  • Mẹ nhiễm trùng liên cầu nhóm B khi mang thai.
  • Trẻ sinh thiếu tháng.
  • Vỡ ối hơn 24 giờ trước khi sinh. 

Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh khởi phát muộn bắt đầu từ  sau sinh 24 giờ trở lên. Nguyên nhân có thể do vi khuẩn, vi rút hoặc nấm. 

Nguy cơ nhiễm trùng máu khởi phát muộn cao hơn nếu trẻ sơ sinh tới bệnh viện vì một lý do nào đó hoặc tiếp xúc với người mắc nhiễm trùng. 

Các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh bao gồm: 

  • Thay đổi nhiệt độ cơ thể
  • Gặp vấn đề về hô hấp
  • Tiêu chảy và nôn mửa
  • Bụng chướng
  • Giảm đường máu
  • Vàng da
  • Nhịp tim chậm
  • Giảm vận động, kể cả bú
  • Co giật 

Nhiễm trùng máu ở người cao tuổi

Người cao tuổi có nguy cơ nhiễm trùng máu cao hơn vì họ: 

  • Thường mắc các bệnh khác, chẳng hạn như bệnh đái tháo đường
  • Thường giảm khả năng miễn dịch
  • Mắc nhiễm trùng thường xuyên hơn, đặc biệt là những bệnh có thể dẫn đến nhiễm trùng máu
  • Có nguy cơ suy dinh dưỡng cao hơn 

Nhiễm trùng máu thường bắt nguồn từ nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc nhiễm trùng đường hô hấp, chẳng hạn như viêm phổi hoặc cúm. Năm 2020, COVID-19 nổi lên như một yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng máu, đặc biệt là ở người cao tuổi. 

Các dấu hiệu ban đầu của nhiễm trùng máu ở người cao tuổi có thể khó phát hiện hơn ở người trẻ và bệnh có thể tiến triển nhanh hơn. 

Theo Sepsis Alliance, những người trên 65 tuổi phải nhập viện vì nhiễm trùng máu cao gấp 13 lần so với những người dưới 65 tuổi. Ngoài ra, 63% những người từ 60 tuổi trở lên bị nhiễm trùng máu khi điều trị trong phòng hồi sức. 

Sau khi hồi phục sau nhiễm trùng máu, người cao tuổi có nguy cơ cao: 

  • Nhiễm trùng lại
  • Đau mạn tính và mệt mỏi
  • Rối loạn căng thẳng sau chấn thương
  • Tổn thương cơ quan 

Nhìn chung, điều quan trọng đối với người cao tuổi và những người thân của họ là nhận biết các dấu hiệu của nhiễm trùng máu, đảm bảo điều trị kịp thời tất cả bệnh nhiễm trùng và ngăn ngừa nhiễm trùng máu tiến triển.

Phòng ngừa nhiễm trùng máu

Thực hiện các bước để ngăn ngừa nhiễm trùng và điều trị kịp thời có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng máu. 

Các chiến lược khác bao gồm: 

  • Tiêm chủng định kỳ, bao gồm cả những loại vắc xin cúm và viêm phổi
  • Phòng ngừa vết loét và vết thương, giữ vệ sinh sạch sẽ
  • Tuân thủ hướng dẫn rửa tay sạch
  • Đi khám ngay khi dấu hiệu nhiễm trùng xấu đi 

Ngoài ra, trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, hãy đeo khẩu trang ở nơi công cộng và thực hiện giãn cách.

Tiên lượng nhiễm trùng máu

Điều trị nhiễm trùng máu sớm thường đem lại hiệu quả nhưng bệnh có thể tiến triển và khó có thể điều trị nhanh chóng. 

Hầu hết bệnh nhân hồi phục sau nhiễm trùng máu nếu được điều trị phù hợp. Tuy nhiên, bệnh có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của họ, đặc biệt nếu người bệnh đó bị tổn thương các cơ quan hoặc suy giảm hệ thống miễn dịch. 

Điều trị kịp thời các trường hợp nhiễm trùng, đi khám ngay khi tình trạng nhiễm trùng trở nên trầm trọng hơn và nếu có dấu hiệu nhiễm trùng máu, hãy đến phòng khám cấp cứu ngay lập tức. 

Xem thêm: 

Câu hỏi liên quan

Chi phí kèm theo phụ thuộc vào việc bạn thực hiện xét nghiệm nào.
Xem thêm
Thông thường, nhiễm trùng máu có thời gian ủ bệnh rất ngắn trong cơ thể người.
Xem thêm
Thực phẩm giàu chất sắt Thực phẩm giàu protein Thực phẩm giàu chất xơ và vitamin Những thực phẩm có tính kháng khuẩn
Xem thêm
Giai đoạn 1: Hội chứng đáp ứng viêm toàn thân (SIRS) Giai đoạn 2: Nhiễm trùng máu Giai đoạn 3: Sốc nhiễm trùng
Xem thêm
Thông thường, nhiễm trùng máu có thời gian ủ bệnh rất ngắn trong cơ thể người. Ông Tony Fogg - một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình cột sống có nhiều năm kinh nghiệm tại Bệnh viện Great Western, ở Swindon nước Anh đã chết vì căn bệnh này chỉ sau 8 ngày xuất hiện triệu chứng mắc bệnh. Trước đó, ông hoàn toàn không có biểu hiện gì bất thường ngoài dấu hiệu cảm cúm thông thường.
Xem thêm
Mặc dù, tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng máu, nhất là bệnh nhi có biểu hiện suy đa tạng còn khá cao, tuy nhiên bệnh nhân hoàn toàn có thể được chữa khỏi nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Xem thêm
Câu trả lời là không. Đây là 2 bệnh hoàn toàn khác nhau về nguyên nhân, triệu chứng và cả cách điều trị nên bạn phải phân biệt được, mới có hướng điều trị đúng biện pháp hiệu quả.
Xem thêm
Các chuyên gia cho biết, những người bị nhiễm trùng máu có tỷ lệ tử vong khá cao, chiếm tới 20 – 50%. Những ca vong do bệnh lý này đều có các biến chứng như sốc nhiễm khuẩn hay suy đa phủ tạng, … Trong những yếu tố trên thì thời điểm phát hiện bệnh là quan trọng nhất. Bởi nhiễm trùng máu hoàn toàn có thể được điều trị khỏi và không nguy hại tới tính mạng nếu như bệnh mới khởi phát, chưa gây ra biến chứng nguy hiểm. Ngược lại,bệnh lý này có thể cướp đi sinh mạng của người bệnh ngay tức khắc nếu như phát hiện muộn.
Xem thêm
Theo các bác sĩ, nhiễm trùng máu đa số không lây. Mặc dù bệnh không lây nhưng nếu có người thân là bệnh nhân nhiễm trùng máu thì người nhà phải nên cẩn thận.
Xem thêm
Mặc dù bệnh nhân nhiễm trùng huyết thường có tiên lượng tử vong cao hơn so với các bệnh nhiễm trùng khác nhưng người bệnh vẫn có thể được điều trị khỏi. Mức độ nguy hiểm của bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Tuổi tác, bệnh lý nền, sức khỏe tổng thể, thời gian phát hiện bệnh,... Càng phát hiện sớm thì cơ hội chữa khỏi bệnh càng cao và thời gian điều trị càng ngắn. Thời gian vàng để điều trị nhiễm trùng máu: Trong vòng 3 giờ đầu tiên, bệnh nhân cần được phát hiện bệnh, dùng kháng sinh và truyền dịch tĩnh mạch. Bác sĩ sẽ thực hiện cấy máu, điều trị tích cực để huyết áp trở lại bình thường. Sau đó là áp dụng các phương pháp điều trị tổng thể khác.
Xem thêm
Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Nhiễm trùng máu
Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!