Video Vì sao khớp háng dễ thoái hóa? Cách phòng chống và điều trị
Có nhiều loại viêm khớp háng khác nhau. Mỗi loại sẽ có phương pháp điều trị riêng, bao gồm điều trị nội khoa và ngoại khoa.
Các loại viêm khớp
Có 5 loại viêm khớp thường gặp có thể biểu hiện ở khớp háng, bao gồm:
- Thoái hóa khớp
- Viêm khớp dạng thấp
- Viêm cột sống dính khớp
- Bệnh lupus ban đỏ hệ thống
- Viêm khớp vảy nến
Không có phương pháp điều trị triệt để bệnh viêm khớp nhưng có một số biện pháp giúp cải thiện các cơn đau và nhiều triệu chứng khác.
Thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp là dạng viêm khớp phổ biến nhất. Nó là kết quả của sự bào mòn các khớp. Vì vậy, tình trạng này thường gặp ở người cao tuổi.
Khớp háng bao gồm chỏm xương đùi có hình cầu khớp với ổ cối của xương chậu. Mặt trong của khớp háng được lót bằng lớp sụn trong, giúp khớp vận động dễ dàng. Nếu lớp sụn trong này mòn đi, các bề mặt gồ ghề của chỏm xương đùi và ổ cối sẽ ma sát vào nhau, khiến người bệnh bị đau. Theo thời gian, thoái hóa khớp có thể phá hủy hoặc làm tổn thương khớp vĩnh viễn.
Các yếu tố nguy cơ gây thoái hóa khớp háng (và nhiều vị trí khác của cơ thể) có thể là:
- Bất thường giải phẫu khớp háng như loạn sản khớp háng bẩm sinh (hip dysplasia), hội chứng chạm khớp háng (Femoroacetabular impingement – FAI)
- Người cao tuổi
- Béo phì
- Tiền sử chấn thương khớp háng
Tuy nhiên, thoái hóa khớp có thể xuất hiện ở những người không có các yếu tố nguy cơ này.
Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh hệ thống, trong đó, tình trạng viêm khớp gây ra bởi phản ứng tự miễn của hệ thống miễn dịch. Tình trạng này ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, trong đó có khớp háng.
Cũng giống như các khớp khác trong cơ thể, khớp háng được bao bọc xung quanh bởi bao khớp. Bao khớp có màng hoạt dịch lót ở bên trong và chứa đầy chất hoạt dịch, giúp khớp vận động dễ dàng. Viêm khớp dạng thấp thường gây viêm màng hoạt dịch. Điều này gây ra triệu chứng đau và sưng khớp. Cuối cùng, viêm khớp dạng thấp có thể làm cho xương và sụn trong khớp bị thoái hóa.
Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, bao gồm cả trẻ em (được gọi là viêm khớp dạng thấp thiếu niên hay Juvenile rheumatoid arthritis – JRA) và thường gặp ở nữ giới hơn nam giới. Không giống như thoái hóa khớp háng có thể chỉ xảy ra ở một bên, viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở cả hai khớp háng (và ở nhiều khớp khác). Viêm khớp dạng thấp cũng gây ra tình trạng suy nhược và mệt mỏi toàn thân. Hiện nay, thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp ngày càng phát triển hơn.
Viêm cột sống dính khớp
Viêm cột sống dính khớp là tình trạng viêm cột sống và khớp cùng chậu (khớp giữa cột sống và xương chậu) mạn tính, đôi khi có thể gây viêm khớp háng. Viêm cột sống dính khớp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em, và thường bắt đầu ở những người trong độ tuổi từ 17 – 35. Bệnh phổ biến ở nam giới hơn nữ giới.
Viêm cột sống dính khớp điển hình có các đợt bùng phát với triệu chứng nặng, dữ dội, xen kẽ các đợt thuyên giảm với triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Bệnh lupus ban đỏ hệ thống
Bệnh lupus ban đỏ hệ thống (Systemic lupus erythematosus – SLE) là một bệnh tự miễn có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, trong đó có khớp háng với biểu hiện viêm và tổn thương khớp. Bệnh lupus ban đỏ hệ thống có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở phụ nữ trong độ tuổi từ 15 – 35.
Viêm khớp vảy nến
Viêm khớp vảy nến là tình trạng viêm khớp ở những người bị bệnh vảy nến, gây đau, sưng và cứng khớp. Viêm khớp vảy nến có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào trên cơ thể, bao gồm cả khớp háng. Hầu hết những người bị vảy nến sẽ xuất hiện triệu chứng đầu tiên ở da (với các mảng da đỏ có vảy) nhưng họ cũng có thể xuất hiện tình trạng viêm khớp vẩy nến trước.
Các triệu chứng của viêm khớp háng
Các triệu chứng của viêm khớp háng nói chung bao gồm:
- Đau khớp háng, cụ thể ở háng, mặt ngoài đùi hoặc mông
- Đau thường tăng lên vào buổi sáng và giảm đi khi vận động
- Đi lại khó khăn hoặc đi khập khiễng
- Đau tăng lên khi vận động mạnh hoặc vận động trong thời gian dài
- Căng cứng khớp háng hoặc giới hạn phạm vi cử động khớp
Ở những bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp hoặc lupus ban đỏ hệ thống, tình trạng mệt mỏi và suy nhược cũng có thể xảy ra. Viêm khớp thường có các đợt bùng phát và thuyên giảm xen kẽ, nhưng một số trường hợp bị đau với mức độ không đổi và không có đợt bùng phát.
Viêm khớp có thể biển hiện trên nhiều khớp của cơ thể, vì vậy người bị thoái hóa khớp bàn tay cũng có thể bị thoái hóa khớp háng. Viêm khớp dạng thấp và lupus ban đỏ hệ thống thường biểu hiện ở cả hai khớp háng, trong khi thoái hóa khớp và viêm khớp vảy nến có thể chỉ xảy ra ở một bên khớp.
Chẩn đoán nguyên nhân viêm khớp
Để chẩn đoán nguyên nhân gây viêm khớp, bác sĩ sẽ cần đến những thông tin sau:
- Tiền sử bệnh, vị trí đau và tình trạng vận động khớp háng của bạn
- Khám lâm sàng, đặc biệt là đánh giá tầm vận động của khớp háng
- Chụp X-quang để xác định các bất thường ở khớp háng
- Xét nghiệm máu để tìm kháng thể đặc hiệu cho các bệnh viêm khớp tự miễn (chỉ làm khi cần thiết)
Điều trị viêm khớp
Lựa chọn điều trị bảo tồn, tái tạo khớp và thay khớp sẽ phụ thuộc vào loại viêm khớp và một số yếu tố khác như sức khỏe tổng thể, tuổi tác và nhu cầu của người bệnh.
Điều trị bảo tồn
Các thuốc điều trị bệnh viêm khớp háng có thể bao gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen.
- Thuốc chống viêm corticosteroid đường tiêm để ngăn chặn tình trạng viêm khớp.
- Vật lý trị liệu hoặc tập thể dục để cải thiện độ linh hoạt, tăng cường sức mạnh và duy trì cơ bắp. Trong đó, bơi lội là một bài tập rất tốt cho những người bị viêm khớp.
- Một số loại viêm khớp có thể đáp ứng với các loại thuốc mới như thuốc chống thấp khớp điều chỉnh triệu chứng (Symptom-modifying antirheumatic drugs – SMARD) và thuốc chống thấp khớp điều chỉnh bệnh (DMARD). Đây là những loại thuốc mới có tác dụng mạnh, không thích hợp cho tất cả mọi người bị viêm khớp.
- Sử dụng dụng cụ như gậy hoặc khung tập đi để đi lại dễ dàng và an toàn hơn.
Một số biện pháp thay đổi lối sống cũng có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm khớp háng như:
- Duy trì cân nặng hợp lý (có thể giảm cân nếu cần thiết)
- Sử dụng biện pháp kiểm soát cơn đau phù hợp
- Thay đổi công việc để giảm áp lực lên khớp háng
- Tập thể dục để tăng cường sức khỏe
Điều trị phẫu thuật
Một số trường hợp viêm khớp háng cần phải được phẫu thuật. Phẫu thuật có thể giúp giảm đau, nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện tối đa khả năng sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
- Thay khớp háng toàn bộ có thể được chỉ định cho trường hợp khớp háng bị tổn thương nghiêm trọng
- Phẫu thuật cắt bỏ xương có thể được chỉ định cho những trường hợp nhẹ hơn. Phẫu thuật này sẽ cắt bỏ và tái định vị bề mặt khớp háng, làm phần khớp còn lại chịu đựng phần lớn trọng lượng của cơ thể. Tuy nhiên, chỉ một vài trường hợp mới có thể phù hợp với phẫu thuật này.
Nếu cần phải thực hiện phẫu thuật, bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của các phương pháp phẫu thuật nêu trên.
Những lưu ý quan trọng đối với bệnh viêm khớp háng
Không có phương pháp điều trị triệt để bệnh viêm khớp háng. Thông thường, bệnh sẽ tiến triển dần dần và xấu đi theo thời gian. Cuối cùng, tất cả các loại viêm khớp háng đều sẽ phá hủy khớp háng vĩnh viễn. Thoái hóa khớp thường gặp ở người cao tuổi, trong khi những dạng viêm khớp khác lại thường xuất hiện ở người trẻ tuổi.
Tuy nhiên, có nhiều biện pháp để làm giảm ảnh hưởng của bệnh viêm khớp đến các khớp nói chung và khớp háng nói riêng.
Một số đặc điểm của bệnh viêm khớp:
- Năm 2010, 22% dân số Hoa Kỳ bị viêm khớp
- 50% người trên 65 tuổi bị viêm khớp
- Thoái hóa khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất
- Giảm 5kg trọng lượng cơ thể có thể giảm 50% nguy cơ bị viêm khớp gối ở nữ giới
- 1/3 những người trong độ tuổi lao động (18 – 64 tuổi) mắc bệnh viêm khớp bị hạn chế khả năng làm việc
Xem thêm: