Video Vô sinh hiếm muộn: Phương pháp điều trị hiệu quả
Có thể do một trong hai không thể thụ thai hoặc người vợ không thể mang thai đủ tháng. Vô sinh thường được định nghĩa là tình trạng không thụ thai sau 12 tháng quan hệ tình dục thường xuyên mà không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào.
Tại Hoa Kỳ, khoảng 10% phụ nữ từ 15 đến 44 tuổi được ước tính là khó thụ thai hoặc khó mang thai. Trên toàn thế giới, 8 đến 12% các cặp vợ chồng gặp vấn đề về khả năng sinh sản.
Nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới
Nguyên nhân phổ biến gây vô sinh ở nam giới liên quan tới tinh dịch và tinh trùng.
Tinh dịch là chất dịch màu trắng đục mà dương vật của nam giới tiết ra khi đạt cực khoái. Tinh dịch gồm dịch và tinh trùng. Chất dịch chảy ra từ tuyến tiền liệt, túi tinh và các tuyến sinh dục khác.
Tinh trùng được sản xuất trong tinh hoàn. Khi một người đàn ông xuất tinh và phóng tinh dịch qua dương vật, tinh dịch sẽ giúp vận chuyển tinh trùng đến gặp trứng.
Các vấn đề sau có thể xảy ra:
- Số lượng tinh trùng thấp: Người đàn ông xuất tinh với số lượng tinh trùng thấp (số lượng tinh trùng dưới 15 triệu được coi là thấp). Khoảng 1/3 các cặp vợ chồng khó thụ thai do số lượng tinh trùng thấp.
- Khả năng di chuyển của tinh trùng: Tinh trùng không thể “bơi” tốt để tới gặp trứng.
- Tinh trùng bất thường: Tinh trùng có thể có hình dạng bất thường, gây khó khăn trong quá trình di chuyển và thụ tinh với trứng.
Nếu tinh trùng không có hình dạng phù hợp, hoặc không thể di chuyển nhanh chóng và chính xác về phía trứng, thì việc thụ thai có thể gặp khó khăn. Có tới 2% nam giới được cho là có tinh trùng dưới mức tối ưu. Ngoài ra, tinh dịch bất thường cũng không thể mang tinh trùng đi một cách hiệu quả.
Điều này có thể là do:
- Tình trạng bệnh: Người đàn ông có thể bị viêm tinh hoàn, ung thư tinh hoàn hoặc từng phẫu thuật tinh hoàn.
- Tinh hoàn bị nóng: nguyên nhân do tinh hoàn bị sa xuống, giãn tĩnh mạch thừng tinh hoặc giãn tĩnh mạch bìu, sử dụng phòng tắm hơi hoặc bồn tắm nước nóng, mặc quần áo chật và làm việc trong môi trường nóng.
- Rối loạn xuất tinh: nếu ống dẫn tinh bị tắc, tinh dịch có thể được xuất tinh vào bàng quang.
- Mất cân bằng nội tiết: ví dụ, thiểu năng sinh dục có thể dẫn đến thiếu hụt testosterone.
Các nguyên nhân khác có thể bao gồm:
Yếu tố di truyền: một người đàn ông bình thường sẽ có nhiễm sắc thể X và Y, nếu anh ta có hai nhiễm sắc thể X và một nhiễm sắc thể Y (trong hội chứng Klinefelter) tinh hoàn sẽ phát triển không bình thường, lượng testosterone thấp, số lượng tinh trùng thấp hoặc không có tinh trùng.
- Quai bị: nếu một người bị quai bị sau tuổi dậy thì, có thể bị biến chứng viêm tinh hoàn và ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tinh trùng.
- Niệu đạo lệch thấp: Lỗ niệu đạo nằm dưới dương vật thay vì ở đầu của nó, tỉ lệ này khoảng 1/500 ở các bé trai sơ sinh. Sự bất thường này thường được điều chỉnh bằng phẫu thuật trong thời kỳ sơ sinh. Nếu việc điều chỉnh không được thực hiện, tinh trùng có thể khó di chuyển đến cổ tử cung của phụ nữ hơn.
- Bệnh xơ nang: đây là một bệnh mạn tính dẫn đến việc tạo ra chất nhầy dính. Chất nhầy này chủ yếu ảnh hưởng đến phổi, nhưng ở nam giới nó có thể gây ra tình trạng bị thiếu hoặc tắc nghẽn ống dẫn tinh, cản trở quá trình đưa tinh trùng từ mào tinh đến ống phóng tinh và niệu đạo.
- Xạ trị: Xạ trị có thể làm giảm sản xuất tinh trùng. Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào vị trí mà bức xạ nhắm đến gần tinh hoàn như thế nào.
- Một số bệnh lý: một số tình trạng bệnh lý có liên quan đến khả năng sinh sản thấp hơn ở nam giới như thiếu máu, hội chứng Cushing, bệnh tiểu đường và bệnh tuyến giáp.
Một số loại thuốc làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về khả năng sinh sản ở nam giới:
- Sulfasalazine: Thuốc chống viêm này có thể làm giảm đáng kể số lượng tinh trùng của nam giới. Thuốc thường được kê đơn cho bệnh Crohn hoặc viêm khớp dạng thấp. Số lượng tinh trùng thường trở lại bình thường sau khi ngừng thuốc.
- Anabolic steroid: Phổ biến với những người tập thể hình và vận động viên, sử dụng lâu dài có thể làm giảm nghiêm trọng số lượng và khả năng di chuyển của tinh trùng.
- Hóa trị: Một số loại có thể làm giảm đáng kể số lượng tinh trùng.
- Ma túy: Sử dụng cần sa và cocaine có thể làm giảm số lượng tinh trùng.
- Tuổi: Khả năng sinh sản của nam giới bắt đầu giảm sau 40 tuổi.
- Tiếp xúc với hóa chất: ví dụ như tiếp xúc với thuốc trừ sâu có thể làm tăng nguy cơ suy giảm khả năng sinh sản ở nam giới.
- Uống rượu quá mức: Uống rượu có thể làm giảm khả năng sinh sản của nam giới. Uống rượu không được chứng minh là làm giảm khả năng sinh sản ở hầu hết nam giới, nhưng nó có thể ảnh hưởng đến những người đã có số lượng tinh trùng thấp.
- Thừa cân hoặc béo phì: Điều này có thể làm giảm khả năng thụ thai.
- Căng thẳng tinh thần: Căng thẳng có thể là một yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, đặc biệt nếu nó dẫn đến giảm hoạt động tình dục.
Các nghiên cứu cho rằng việc sử dụng acetaminophen kéo dài trong thời kỳ mang thai có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở nam giới do làm giảm sản xuất testosterone. Phụ nữ được khuyến cáo không sử dụng thuốc nhiều hơn một ngày.
Nguyên nhân ở nữ giới
Vô sinh ở phụ nữ cũng có thể do nhiều nguyên nhân.
Các yếu tố nguy cơ gây vô sinh nữ bao gồm:
- Tuổi: Khả năng thụ thai bắt đầu giảm vào khoảng 32 tuổi.
- Hút thuốc: Hút thuốc làm tăng đáng kể nguy cơ vô sinh ở cả nam và nữ, nó có thể làm giảm hiệu quả của quá trình điều trị khả năng sinh sản. Hút thuốc khi mang thai làm tăng khả năng sảy thai. Hút thuốc lá thụ động cũng có liên quan đến khả năng sinh sản thấp hơn.
- Rượu: Uống rượu có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai.
- Béo phì hoặc thừa cân: thừa cân béo phì làm tăng nguy cơ vô sinh ở nữ giới cũng như nam giới.
- Rối loạn ăn uống: rối loạn ăn uống dẫn đến sụt cân nghiêm trọng và có thể phát sinh các vấn đề về khả năng sinh sản.
- Chế độ ăn uống: Thiếu axit folic, sắt, kẽm và vitamin B12 có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh, người ăn chay, nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc bổ sung các chất.
- Tập thể dục: chế độ tập thể dục không hợp lý (quá sức hoặc tập quá ít) đều có thể dẫn đến các vấn đề về khả năng sinh sản.
- Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs): Chlamydia có thể làm tổn thương vòi trứng ở nữ giới và gây viêm da bìu ở nam giới. Một số bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục khác cũng có thể gây vô sinh.
- Tiếp xúc với một số hóa chất: Một số hóa chất như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, kim loại nặng như chì,... có liên quan đến các vấn đề về khả năng sinh sản ở cả nam và nữ. Một nghiên cứu trên chuột đã chỉ ra rằng các thành phần trong một số chất tẩy rửa gia dụng có thể làm suy giảm khả năng sinh sản.
- Căng thẳng tinh thần: căng thẳng tinh thần có thể ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng của nữ giới cũng như quá trình sản xuất tinh trùng của nam giới. Ngoài ra, căng thẳng tinh thần cũng dẫn tới giảm hoạt động tình dục.
- Một số bệnh lý có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Rối loạn phóng noãn là nguyên nhân phổ biến nhất gây vô sinh nữ.
Phóng noãn là sự phóng thích hàng tháng của trứng. Rối loạn phóng noãn là khi sự phóng noãn không diễn ra đều đặn, trứng có thể không bao giờ được phóng (không phóng noãn) hoặc chỉ có thể được giải phóng trong một số chu kỳ (thưa phóng noãn).
Rối loạn phóng noãn có thể do các nguyên nhân sau:
- Suy buồng trứng sớm: buồng trứng ngừng hoạt động trước tuổi 40.
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): Buồng trứng hoạt động bất thường và có thể không xảy ra hiện tượng rụng trứng.
- Tăng prolactin máu: nồng độ prolactin máu tăng cao bất thường (khi người phụ nữ đang không mang thai hoặc cho con bú) có thể ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng và khả năng sinh sản của phụ nữ.
- Chất lượng trứng: chất lượng trứng kém hoặc trứng có các bất thường về gen không phát triển thai được. Phụ nữ càng lớn tuổi càng có nguy cơ gặp các vấn đề trên.
- Các vấn đề về tuyến giáp: Tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc kém hoạt động có thể dẫn đến sự mất cân bằng nội tiết tố của cơ thể.
- Bệnh mạn tính: AIDS hoặc ung thư cũng là một trong những nguyên nhân gây ra rối loạn phóng noãn.
Các vấn đề về tử cung hoặc vòi trứng cản trở trứng di chuyển từ buồng trứng đến tử cung, khi đó việc thụ thai tự nhiên cũng khó khăn hơn.
Nguyên nhân gây ra các vấn đề về tử cung và phần phụ:
- Phẫu thuật: Phẫu thuật vùng chậu đôi khi có thể gây sẹo hoặc tổn thương vòi trứng. Phẫu thuật cổ tử cung có thể gây sẹo hoặc làm ngắn cổ tử cung.
- U xơ dưới niêm mạc: Các khối u lành tính nằm ở lớp cơ của thành tử cung cản trở quá trình cấy ghép hoặc làm tắc vòi trứng, ngăn cản tinh trùng thụ tinh với trứng. Các u xơ tử cung lớn dưới niêm mạc có thể làm cho lòng tử cung lớn hơn, tăng quãng đường di chuyển của tinh trùng.
- Lạc nội mạc tử cung: xảy ra khi các tế bào thường xuất hiện trong niêm mạc tử cung bắt đầu phát triển ở những nơi khác trong cơ thể.
- Tiền sử điều trị : Ở những phụ nữ đã thắt ống dẫn trứng, quá trình này có thể đảo ngược tình thế, nhưng khả năng có thai trở lại là không cao.
Phương pháp điều trị và thuốc
Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở phụ nữ.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Sử dụng aspirin hoặc ibuprofen trong thời gian dài có thể khiến khó thụ thai hơn.
- Hóa trị: Một số loại thuốc hóa trị có thể dẫn đến suy buồng trứng. Trong một số trường hợp, điều này có thể là vĩnh viễn.
- Xạ trị: Nếu xạ trị vị trí gần cơ quan sinh sản, nó có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về khả năng sinh sản.
- Chất cấm: Một số phụ nữ sử dụng cần sa hoặc cocaine có thể gặp vấn đề về khả năng sinh sản.
- Cholesterol: Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức cholesterol cao có thể có ảnh hưởng tới khả năng sinh sản ở phụ nữ.
Điều trị vô sinh
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tuổi của người mong muốn thụ thai, tình trạng vô sinh đã kéo dài bao lâu, sở thích cá nhân và tình trạng sức khỏe chung của họ.
Tần suất giao hợp
Hai vợ chồng nên quan hệ tình dục thường xuyên hơn vào khoảng thời gian rụng trứng. Tinh trùng có thể tồn tại bên trong cơ thể phụ nữ tới 5 ngày, trong khi trứng chỉ có thể tồn tại trong vòng 24 giờ sau khi rụng, sau 24 giờ đó, nếu không được thụ tinh, trứng sẽ chết và được đẩy ra ngoài theo kinh nguyệt của kỳ kinh tiếp theo. Như vậy, về lý thuyết, có thể thụ thai vào bất kỳ thời gian nào trong vòng 6 ngày này.
Tuy nhiên, một cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng khoảng thời gian thụ thai lý tưởng nhất là 2 ngày trước khi trứng rụng cộng với ngày rụng trứng.
Một số ý kiến cho rằng nên giảm số lần giao hợp của một cặp vợ chồng để tăng nguồn cung cấp tinh trùng, nhưng điều này khó có thể tạo ra sự khác biệt.
Phương pháp điều trị vô sinh cho nam giới
Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản của vô sinh.
- Rối loạn cương dương hoặc xuất tinh sớm: Thuốc, phương pháp tiếp cận hành vi hoặc cả hai có thể giúp cải thiện khả năng sinh sản.
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Cắt bỏ tĩnh mạch thừng tinh trong bìu bằng phương pháp phẫu thuật.
- Tắc ống phóng tinh: Tinh trùng có thể được tách trực tiếp từ tinh hoàn và tiêm vào trứng trong phòng thí nghiệm.
- Xuất tinh ngược dòng: Tinh trùng có thể được lấy trực tiếp từ bàng quang và tiêm vào trứng trong phòng thí nghiệm.
- Phẫu thuật chữa tắc nghẽn mào tinh hoàn: Mào tinh hoàn là một bộ phận nhỏ, dạng ống, hình chữ C, nằm dọc ở bờ sau tinh hoàn, giúp lưu trữ và vận chuyển tinh trùng. Nếu mào tinh hoàn bị tắc nghẽn, tinh trùng có thể không được xuất tinh đúng cách, phẫu thuật mào tinh hoàn có thể khắc phục được vấn đề này.
Phương pháp điều trị vô sinh cho phụ nữ
Một số loại thuốc hỗ trợ sinh sản có thể được kê đơn để điều chỉnh hoặc kích thích rụng trứng như:
- Clomifene (Clomid, Serophene): Clomifene tác dụng làm tuyến yên tiết ra nhiều hormone kích thích nang trứng (FSH) và hormone tạo hoàng thể (LH), kích thích rụng trứng ở những người trứng không rụng hoặc rụng trứng không đều do hội chứng buồng trứng đa nang hoặc một rối loạn khác.
- Metformin (Glucophage): Nếu Clomifene không hiệu quả, metformin có tác dụng trên những phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang, đặc biệt khi liên quan đến kháng insulin.
- Gonadotropin ở người mãn kinh, hoặc hMG (Repronex): Loại này chứa cả FSH và LH. Những bệnh nhân không rụng trứng do nguyên nhân ở tuyến yên có thể dùng thuốc này dưới dạng tiêm.
- Hormone kích thích nang trứng (Gonal-F, Bravelle): Hormone này được sản xuất bởi tuyến yên kiểm soát việc sản xuất estrogen của buồng trứng. Nó kích thích buồng trứng để các nang trứng trưởng thành.
- Gonadotropin màng đệm ở người (Ovidrel, Pregnyl): Được sử dụng cùng với clomiphene, hMG và FSH, có tác dụng kích thích nang trứng rụng.
- Các chất tương tự hormone giải phóng gonadotropin (Gn-RH): Những chất này có tác dụng trên những phụ nữ rụng trứng quá sớm - trước khi nang trứng trưởng thành - trong quá trình điều trị hmG. Nó cung cấp nguồn Gn-RH liên tục cho tuyến yên, làm thay đổi quá trình sản xuất hormone, cho phép bác sĩ kích thích sự phát triển nang trứng với FSH.
- Bromocriptine (Parlodel): Bromocriptine ức chế sản xuất prolactin. Prolactin kích thích sản xuất sữa trong thời kỳ cho con bú. Ngoài thời kỳ mang thai và cho con bú, phụ nữ có lượng prolactin cao có thể có chu kỳ rụng trứng không đều và gặp các vấn đề về khả năng sinh sản.
Giảm nguy cơ đa thai
Thuốc hỗ trợ sinh sản đường tiêm đôi khi có thể dẫn đến sinh nhiều con, ví dụ như sinh đôi hoặc sinh ba. Khả năng sinh nhiều con sẽ thấp hơn khi dùng thuốc theo đường uống.
Theo dõi cẩn thận trong quá trình điều trị và mang thai có thể giúp giảm nguy cơ biến chứng. Càng có nhiều thai nhi, nguy cơ chuyển dạ sinh non càng cao.
Nếu phụ nữ cần tiêm HCG để kích hoạt quá trình rụng trứng và siêu âm cho thấy có quá nhiều nang noãn đã phát triển thì có thể ngừng tiêm HCG.
Nếu quá nhiều phôi phát triển, một hoặc nhiều phôi có thể bị loại bỏ. Các cặp vợ chồng sẽ phải cân nhắc về khía cạnh đạo đức và tình cảm của quy trình này.
Phương pháp phẫu thuật
Nếu vòi trứng bị tắc hoặc có sẹo, phẫu thuật có thể giúp trứng di chuyển qua vòi trứng dễ dàng hơn.
Lạc nội mạc tử cung có thể được điều trị thông qua phẫu thuật nội soi. Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở bụng để đưa ống nội soi vào bên trong. Bác sĩ phẫu thuật loại bỏ mô lạc nội mạc tử cung và mô sẹo, giúp bệnh nhân giảm đau và hỗ trợ khả năng sinh sản.
Hỗ trợ thụ thai
- Thụ tinh nhân tạo (IUI) hay còn gọi là bơm tinh trùng vào buồng tử cung: là thủ thuật đưa một ống thông nhỏ, mềm qua lỗ cổ tử cung để bơm tinh trùng trực tiếp vào tử cung vào thời điểm rụng trứng. Tinh trùng đã được lọc rửa và những con tốt nhất sẽ được lựa chọn để thực hiện thủ thuật.
Người phụ nữ được tiêm một liều lượng thấp hormone kích thích buồng trứng.
IUI thường được chỉ định khi người đàn ông có số lượng tinh trùng thấp, tinh trùng bị giảm khả năng di chuyển hoặc vô sinh không rõ nguyên nhân. Ngoài ra IUI cũng được chỉ định nếu một người đàn ông bị rối loạn cương dương nghiêm trọng.
- Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF): là biện pháp hỗ trợ sinh sản cho các cặp vợ chồng hiếm muộn bằng cách cho tinh trùng kết hợp/thụ tinh với trứng trong đĩa petri. Sau khi quá trình thụ tinh diễn ra thành công, phôi được chuyển vào tử cung của người mẹ để bắt đầu mang thai. Phôi cũng có thể được đông lạnh để sử dụng trong tương lai.
- Tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI): Một tinh trùng chất lượng tốt sẽ được lựa chọn để tiêm trực tiếp vào bào tương trứng để thụ tinh theo quy trình thụ tinh ống nghiệm. ICSI được chỉ định trong trường hợp nam giới có nồng độ tinh trùng thấp.
- Hiến tinh trùng hoặc trứng: Người mong muốn có con hoặc cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh có thể nhận tinh trùng hoặc trứng từ người hiến tặng. Hỗ trợ sinh sản bằng trứng của người hiến tặng thường được thực hiện bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
- Hỗ trợ phôi thoát màng: là một kỹ thuật vi thao tác trong thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Ở một số phụ nữ, đặc biệt khi tuổi càng cao, lớp màng ngoài của phôi (zona pellucid) ngày càng trở nên cứng hơn, gây khó khăn cho quá trình phôi thoát khỏi màng để làm tổ ở tử cung. Nhà phôi học mở một lỗ nhỏ trên màng ngoài của phôi, giúp phôi dễ dàng thoát khỏi màng bao, bám vào niêm mạc tử cung để làm tổ và phát triển thành thai.
Phương pháp này được sử dụng trong trường hợp IVF không hiệu quả, tốc độ phát triển phôi kém hoặc khi người phụ nữ lớn tuổi.
- Kích thích điện hoặc rung để tạo ra sự xuất tinh: Sự xuất tinh có thể được gây ra bằng điện hoặc rung. Kỹ thuật này được chỉ định khi một người đàn ông không thể xuất tinh bình thường, chẳng hạn như do chấn thương tủy sống.
- Chọc hút tinh trùng bằng phẫu thuật: Tinh trùng được lấy ra từ đường sinh sản của nam giới, chẳng hạn như ống dẫn tinh, tinh hoàn hoặc mào tinh hoàn.
Phân loại vô sinh
Vô sinh có thể nguyên phát hoặc thứ phát.
Vô sinh nguyên phát là khi một cặp vợ chồng không thể thụ thai sau khi đã quan hệ tình dục thường xuyên mà không sử dụng biện pháp tránh thai ít nhất 12 tháng.
Vô sinh thứ phát là khi cặp vợ chồng trước đây đã từng có thai nhưng hiện tại không thể thụ thai nữa.
Chẩn đoán vô sinh
Hầu hết mọi người sẽ đến gặp bác sĩ nếu không có thai sau 12 tháng cố gắng.
Tuy nhiên, khoảng thời gian này là không cố định, nếu phụ nữ trên 35 tuổi, các cặp vợ chồng có thể sẽ tới gặp bác sĩ sớm hơn để kiểm tra sức khỏe sinh sản, vì các xét nghiệm kiểm tra sức khỏe sinh sản có thể sẽ mất thời gian và khả năng sinh sản của phụ nữ cũng bắt đầu giảm nhanh sau độ tuổi 30.
Bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên và thực hiện một số đánh giá sơ bộ. Tốt hơn hết là hai vợ chồng nên đi khám cùng nhau.
Bác sĩ có thể hỏi về thói quen tình dục của hai vợ chồng và đưa ra khuyến nghị về những điều này. Hai vợ chồng có thể được chỉ định các xét nghiệm kiểm tra, nhưng không phải lúc nào cũng có thể tìm được nguyên nhân cụ thể.
Các xét nghiệm vô sinh cho nam giới
Bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh, các loại thuốc và thói quen tình dục của người chồng và tiến hành khám sức khỏe. Tinh hoàn và dương vật sẽ được kiểm tra xem có u hay dị dạng không, hình dạng và cấu trúc có bất thường gì hay không.
- Xét nghiệm tinh dịch: Mẫu tinh dịch có thể được lấy để kiểm tra màu sắc, nồng độ, khả năng di chuyển, chất lượng của tinh trùng, có bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào và có máu hay không. Số lượng tinh trùng có thể dao động, vì vậy có thể cần lấy một số mẫu.
- Xét nghiệm máu: Phòng xét nghiệm sẽ đo nồng độ testosterone và các hormon khác.
- Siêu âm: Hình ảnh siêu âm có thể tiết lộ các vấn đề như tắc nghẽn ống phóng tinh hay xuất tinh ngược dòng.
- Xét nghiệm Chlamydia: Chlamydia có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới, tuy nhiên thuốc kháng sinh có thể điều trị được vấn đề này.
Các xét nghiệm vô sinh cho nữ
Người vợ sẽ được khám sức khỏe tổng quát, bác sĩ khai thác các thông tin về tiền sử bệnh, các loại thuốc đã sử dụng, chu kỳ kinh nguyệt và thói quen tình dục của họ.
Bệnh nhân cũng sẽ khám phụ khoa và làm một số xét nghiệm như:
- Xét nghiệm máu: các xét nghiệm máu định lượng một số chỉ số có thể đánh giá được nồng độ hormone và dự đoán người vợ có đang rụng trứng hay không.
- Chụp x-quang tử cung vòi trứng: Chất cản quang được tiêm vào tử cung của người vợ và chụp X-quang để xác định xem chất cản quang có đi ra khỏi tử cung và vào ống dẫn trứng đúng cách hay không, từ đó cũng đánh giá được tử cung hay vòi trứng có gặp tổn thương, viêm nhiễm hay bị tắc nghẽn không. Nếu có tắc nghẽn, bệnh nhân có thể cần phải phẫu thuật.
- Nội soi ổ bụng: Một ống mỏng, linh hoạt có camera ở cuối được đưa vào bụng và khung chậu bệnh nhân, cho phép bác sĩ quan sát vòi trứng, tử cung và buồng trứng. Nội soi ổ bụng có thể phát hiện các dấu hiệu của lạc nội mạc tử cung, sẹo, tắc nghẽn và một số bất thường của tử cung và vòi trứng.
Các xét nghiệm khác
- Kiểm tra dự trữ buồng trứng, để đánh giá hiệu quả của trứng sau khi rụng
- Xét nghiệm di truyền, để xem liệu có bất thường di truyền nào ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay không
- Siêu âm vùng chậu, nhằm quan sát, đánh giá hình ảnh của tử cung, vòi trứng và buồng trứng
- Xét nghiệm Chlamydia, có thể cho thấy cần điều trị kháng sinh.
Kiểm tra chức năng tuyến giáp, vì tuyến giáp có vai trò trong cân bằng nội tiết tố
Các biến chứng
Người bệnh có thể gặp phải một số biến chứng do vô sinh và quá trình điều trị của chúng gây ra. Nếu sau nhiều tháng hoặc nhiều năm cố gắng mà cặp vợ chồng vẫn không thể có con, họ có thể bị căng thẳng và trầm cảm.
Hội chứng quá kích buồng trứng
Buồng trứng bị sưng lên, rò rỉ dịch dư thừa vào cơ thể và tạo ra quá nhiều nang trứng, túi dịch nhỏ để trứng phát triển.
Hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS) là bệnh lý thường xảy ra ở phụ nữ sau khi dùng thuốc để kích thích buồng trứng, chẳng hạn như clomifene và gonadotrophins. Nó cũng có thể xảy ra sau khi thụ tinh ống nghiệm.
Các triệu chứng bao gồm:
- Chướng bụng
- Táo bón
- Nước tiểu đậm
- Bệnh tiêu chảy
- Buồn nôn
- Đau bụng
- Nôn mửa
Các triệu chứng của hội chứng quá kích buồng trứng thường nhẹ và dễ điều trị.
Ngoài ra, cũng có thể xuất hiện các rối loạn về đông máu, các vấn đề về gan, thận hoặc tình trạng suy hô hấp. Trong trường hợp nghiêm trọng, hội chứng quá kích buồng trứng có thể gây tử vong.
Mang thai ngoài tử cung
Là tình trạng khi trứng đã thụ tinh làm tổ bên ngoài tử cung, thường là trong vòi trứng, dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm như vỡ vòi trứng và thai này không thể tiếp tục phát triển được.
Khi đó, bệnh nhân phải được phẫu thuật kịp thời và cắt bỏ vòi trứng bên chứa thai. Người bệnh vẫn có thể mang thai trong tương lai với buồng trứng và vòi trứng bên còn lại.
Phụ nữ thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh sản có nguy cơ mang thai ngoài tử cung cao hơn bình thường. Siêu âm kiểm tra có thể phát hiện được thai ngoài tử cung.
Điều trị về tinh thần
Quá trình điều trị để có con là một quá trình dài và tốn nhiều công sức cũng như tiền bạc. Không ai có thể biết được việc điều trị sẽ kéo dài trong bao lâu và tỉ lệ thành công của nó ra sao, nên việc điều trị có thể gây căng thẳng và những tổn thương về tâm lý cho cả hai vợ chồng, có thể làm ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ.
Việc tham gia vào một nhóm hỗ trợ có thể sẽ giúp ích cho các cặp vợ chồng đang điều trị vì nó giúp họ được đồng cảm, chia sẻ và động viên bởi chính những người trong hoàn cảnh tương tự, giải tỏa tâm lý căng thẳng và tiếp thêm niềm tin, động lực cho quá trình điều trị tốt hơn.
Đặc biệt, hãy chia sẻ với bác sĩ nếu người bệnh bị căng thẳng tinh thần quá mức. Họ có thể nhận được sự tư vấn từ chuyên gia cố vấn và những người khác để được hỗ trợ kịp thời và phù hợp.
Tổng kết
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, hiện nay, những cặp vợ chồng gặp vấn đề về sinh sản và những người mong muốn có con khi tuổi đã lớn có nhiều lựa chọn và cơ hội hơn bao giờ hết.
Năm 1978, em bé đầu tiên được sinh ra nhờ thụ tinh ống nghiệm. Đến năm 2014, đã có hơn 5 triệu người được sinh ra nhờ thụ thai bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm.
Khi công nghệ mới ra đời, việc điều trị hiếm muộn có thể tiếp cận được với nhiều người hơn, tỷ lệ thành công và độ an toàn cũng ngày càng cao hơn.
Mặc dù chi phí cho hỗ trợ sinh sản không phải là con số nhỏ, nhưng có những chương trình có thể hỗ trợ chi phí cho việc điều trị này, vì vậy có thể giúp ích cho rất nhiều gia đình.