Video: Vitamin B12 có tác dụng gì cho da và sức khỏe?
Vitamin B12 đóng nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể. Nó hỗ trợ chức năng bình thường của các tế bào thần kinh, cần thiết cho sự hình thành tế bào hồng cầu và tổng hợp ADN.
Đối với người lớn, liều lượng hàng ngày được khuyến nghị (RDI) là 2,4 mcg, đối với phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú có thể cần tiêu thụ hàm lượng cao hơn.
Vitamin B12 đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe theo những cách khác nhau, chẳng hạn như tăng cường năng lượng, cải thiện trí nhớ và giúp ngăn ngừa bệnh tim.
Dưới đây là 9 lợi ích sức khỏe của vitamin B12, tất cả đều dựa trên cơ sở khoa học.
Giúp hình thành hồng cầu và phòng ngừa thiếu máu
Nồng độ vitamin B12 thấp làm giảm sự hình thành tế bào hồng cầu và ngăn chúng phát triển đúng cách.
Các tế bào hồng cầu bình thường có hình tròn, nhỏ và lõm đều 2 mặt, trong trường hợp thiếu vitamin B12 chúng trở nên lớn hơn và thường có hình bầu dục.
Do hình dạng lớn hơn và bất thường này, các tế bào hồng cầu không thể di chuyển từ tủy xương vào máu với tốc độ thích hợp, gây ra bệnh thiếu máu nguyên bào khổng lồ (megaloblastic anemia).
Khi bị thiếu máu, cơ thể không có đủ tế bào hồng cầu để vận chuyển oxy đến các cơ quan quan trọng. Điều này có thể gây ra các triệu chứng như mệt mỏi và suy nhược.
Tóm lại
Vitamin B12 tham gia vào quá trình hình thành hồng cầu. Khi lượng vitamin B12 quá thấp, quá trình sản xuất hồng cầu bị thay đổi, gây ra bệnh thiếu máu nguyên bào khổng lồ.
Có thể ngăn ngừa các khuyết tật bẩm sinh lớn
Bổ sung vitamin B12 đầy đủ là yếu tố quan trọng để có một thai kỳ khỏe mạnh.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng não và hệ thần kinh của thai nhi cần có đủ lượng B12 từ mẹ để phát triển bình thường.
Thiếu vitamin B12 trong giai đoạn đầu của thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh, chẳng hạn như dị tật ống thần kinh. Hơn nữa, sự thiếu hụt vitamin B12 của người mẹ có thể góp phần gây ra sinh non hoặc sẩy thai.
Một nghiên cứu cho thấy những phụ nữ có mức vitamin B12 thấp hơn 250 mg/dL có nguy cơ sinh con bị dị tật bẩm sinh cao gấp 3 lần so với những phụ nữ bổ sung đầy đủ.
Đối với những phụ nữ bị thiếu hụt vitamin B12 và ở mức dưới 150 mg/dL, nguy cơ cao hơn gấp 5 lần so với những phụ nữ có mức trên 400 mg/dL
Tóm lại
Mức độ vitamin B12 thích hợp là chìa khóa cho một thai kỳ khỏe mạnh. Chúng rất quan trọng trong việc ngăn ngừa dị tật bẩm sinh não và tủy sống.
Có thể hỗ trợ sức khỏe xương và ngăn ngừa loãng xương
Duy trì mức vitamin B12 đầy đủ có thể hỗ trợ sức khỏe của xương.
Một nghiên cứu ở hơn 2.500 người trưởng thành cho thấy những người bị thiếu vitamin B12 cũng có mật độ xương thấp hơn bình thường.
Mật độ khoáng chất của xương giảm có thể trở nên mỏng manh và dễ gãy theo thời gian, dẫn đến tăng nguy cơ loãng xương.
Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra mối liên hệ giữa mức vitamin B12 thấp với sức khỏe xương kém và bệnh loãng xương, đặc biệt là ở phụ nữ.
Tóm lại
Vitamin B12 có thể đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe của xương. Nồng độ vitamin này trong máu thấp có liên quan đến việc tăng nguy cơ loãng xương.
Có thể giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng
Thoái hóa điểm vàng là một bệnh về mắt chủ yếu ảnh hưởng đến thị lực vùng trung tâm.
Duy trì lượng vitamin B12 đầy đủ có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ thoái hóa điểm vàng do tuổi tác.
Các nhà nghiên cứu tin rằng bổ sung vitamin B12 có thể làm giảm homocystein, một loại axit amin được tìm thấy trong máu.
Nồng độ homocysteine tăng cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ thoái hóa điểm vàng do tuổi tác.
Một nghiên cứu được tiến hành trên 5.000 phụ nữ từ 40 tuổi trở lên kết luận rằng: Việc bổ sung vitamin B12, cùng với axit folic và vitamin B6, có thể làm giảm nguy cơ này.
Nhóm nhận được các chất bổ sung này trong 7 năm có ít trường hợp thoái hóa điểm vàng hơn so với nhóm dùng giả dược. Nguy cơ phát triển bất kỳ dạng nào của tình trạng này thấp hơn 34% và nguy cơ tiến triển thành nặng thấp hơn 41%.
Cuối cùng, cần có các nghiên cứu sâu hơn để hiểu đầy đủ vai trò của vitamin B12 trong việc thúc đẩy sức khỏe thị lực và ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng.
Tóm lại
Duy trì lượng vitamin B12 đầy đủ làm giảm mức homocysteine trong máu. Điều này có thể giúp ngăn ngừa sự hình thành của bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác.
Có thể cải thiện tâm trạng và các triệu chứng của bệnh trầm cảm
Vitamin B12 có thể cải thiện tâm trạng của bạn.
Tác dụng của vitamin B12 đối với tâm trạng vẫn chưa được xác định một cách đầy đủ. Tuy nhiên, vitamin này đóng một vai trò quan trọng trong việc tổng hợp và chuyển hóa serotonin, một chất hóa học chịu trách nhiệm điều chỉnh tâm trạng.
Do đó, thiếu hụt vitamin B12 có thể dẫn đến giảm sản xuất serotonin, gây ra tâm trạng chán nản.
Các nghiên cứu ủng hộ việc sử dụng bổ sung vitamin B12 để cải thiện các triệu chứng trầm cảm ở những người thiếu vitamin này.
Một nghiên cứu ở những người bị trầm cảm và có mức vitamin B12 thấp cho thấy: Những người dùng cả thuốc chống trầm cảm và vitamin B12 có nhiều khả năng cải thiện các triệu chứng trầm cảm hơn so với những người chỉ điều trị bằng thuốc chống trầm cảm.
Một nghiên cứu khác phát hiện ra rằng thiếu hụt vitamin B12 có liên quan đến nguy cơ trầm cảm nặng gấp đôi.
Ngoài ra, mức vitamin B12 cao có liên quan đến kết quả điều trị tốt hơn và tăng khả năng phục hồi sau rối loạn trầm cảm nghiêm trọng (MDD).
Mặc dù bổ sung vitamin B12 có thể giúp cải thiện tâm trạng và chứng trầm cảm ở những người bị thiếu hụt, nhưng nghiên cứu hiện không cho thấy rằng chúng có tác dụng tương tự ở những người có mức vitamin B12 bình thường.
Tóm lại
Vitamin B12 cần thiết cho việc sản xuất serotonin, một chất hóa học chịu trách nhiệm điều chỉnh tâm trạng. Bổ sung vitamin B12 có thể giúp cải thiện tâm trạng ở những người bị thiếu hụt.
Vitamin B12 có thể mang lại lợi ích cho não bằng cách ngăn ngừa phá hủy tế bào thần kinh
Thiếu vitamin B12 có liên quan đến chứng mất trí nhớ, đặc biệt là ở người lớn tuổi.
Vitamin có thể đóng một vai trò trong việc ngăn ngừa chứng teo não, tức là mất các tế bào thần kinh trong não và thường liên quan đến chứng mất trí nhớ hoặc sa sút trí tuệ.
Một nghiên cứu ở những người bị sa sút trí tuệ giai đoạn đầu cho thấy sự kết hợp giữa vitamin B12 và các chất bổ sung axit béo omega-3 làm chậm quá trình suy giảm tinh thần.
Một nghiên cứu khác cho thấy rằng ngay cả mức vitamin B12 ở mức thấp so với mức bình thường cũng có thể góp phần làm suy giảm trí nhớ. Kết quả là, bổ sung vitamin này có thể cải thiện trí nhớ, ngay cả khi không có sự thiếu hụt trên chẩn đoán lâm sàng.
Cần có nhiều nghiên cứu hơn để đưa ra kết luận đúng đắn về tác dụng của việc bổ sung vitamin B12 đối với trí nhớ và chức năng nhận thức.
Tóm lại
Vitamin B12 có thể giúp ngăn ngừa teo não và mất trí nhớ. Cần nghiên cứu thêm để kết luận liệu bổ sung vitamin này có thể cải thiện trí nhớ ở những người không bị thiếu hụt hay không.
Có thể giúp tăng cường năng lượng
Thực phẩm bổ sung vitamin B12 từ lâu đã được coi là sản phẩm phù hợp để tăng cường năng lượng.
Tất cả các vitamin B đều đóng một vai trò quan trọng trong việc sản xuất năng lượng của cơ thể.
Hiện tại, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy bổ sung vitamin B12 có thể tăng cường năng lượng ở những người có đủ hàm lượng vitamin này.
Mặt khác, nếu thiếu vitamin B12 đáng kể, thì việc bổ sung hoặc tăng lượng tiêu thụ có thể cải thiện mức năng lượng.
Trên thực tế, một trong những dấu hiệu ban đầu phổ biến nhất của sự thiếu hụt vitamin B12 là mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng.
Tóm lại
Vitamin B12 tham gia vào quá trình sản xuất năng lượng trong cơ thể. Nếu thiếu vitamin này, uống thực phẩm bổ sung có thể giúp cải thiện mức năng lượng.
Vitamin B12 có thể cải thiện sức khỏe tim mạch bằng cách giảm homocystein
Nồng độ axit amin thông thường homocystein trong máu cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Nếu thiếu vitamin B12 đáng kể, mức homocysteine trong máu sẽ tăng cao.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin B12 giúp giảm mức homocystein, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Tuy nhiên, hiện không có bằng chứng khoa học nào xác nhận rằng bổ sung vitamin B12 có hiệu quả trong vấn đề này.
Do đó, cần nghiên cứu sâu hơn để hiểu mối quan hệ giữa vitamin B12 và sức khỏe tim mạch.
Tóm lại
Vitamin B12 có thể làm giảm homocystein trong máu, một loại axit amin có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, nghiên cứu hiện không ủng hộ tuyên bố rằng vitamin B12 làm giảm nguy cơ này.
Hỗ trợ tóc, da và móng khỏe mạnh
Với vai trò của vitamin B12 trong sản xuất tế bào, cần có đủ lượng vitamin này để giúp tóc, da và móng khỏe mạnh.
Trên thực tế, mức vitamin B12 thấp có thể gây ra các triệu chứng da liễu khác nhau, bao gồm tăng sắc tố, đổi màu móng, thay đổi tóc, bạch biến (mất màu da thành từng mảng) và chốc mép (khóe miệng bị viêm và nứt).
Bổ sung vitamin B12 đã được chứng minh là có thể cải thiện các triệu chứng da liễu ở những người bị thiếu hụt B12.
Tuy nhiên, nếu nuôi dưỡng đầy đủ và không bị thiếu vitamin này, thì việc uống bổ sung không có khả năng cải thiện làn da, độ chắc khỏe của móng tay hoặc sức khỏe của tóc.
Tóm lại
Nồng độ vitamin B12 đầy đủ rất quan trọng đối với tóc, da và móng tay. Tuy nhiên, dùng thực phẩm bổ sung có thể sẽ không cải thiện sức khỏe ở những khu vực này nếu có nồng độ B12 đủ.
Ai có nguy cơ thiếu vitamin B12?
Thiếu vitamin B12 có thể xảy ra theo một trong 2 cách. Chế độ ăn uống thiếu một lượng thích hợp hoặc cơ thể không thể hấp thu đầy đủ từ thực phẩm.
Những người có nguy cơ thiếu vitamin B12 bao gồm:
- Người cao tuổi
- Những người bị rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như bệnh Crohn hoặc bệnh Celiac
- Những người đã phẫu thuật đường tiêu hóa, chẳng hạn như phẫu thuật cắt dạ dày hoặc phẫu thuật cắt bỏ ruột
- Những người có chế độ ăn thuần chay nghiêm ngặt
- Những người mất metformin để kiểm soát lượng đường trong máu
- Những thuốc ức chế bơm proton dùng để điều trị chứng ợ nóng mạn tính
- Ở nhiều người lớn tuổi, sự bài tiết axit clohydric trong dạ dày bị giảm, gây giảm hấp thu vitamin B12
Nếu cơ thể gặp khó khăn trong việc hấp thu vitamin B12, bác sĩ có thể khuyên bạn nên tiêm bắp B12 để tăng nồng độ B12.
Vitamin B12 chỉ được tìm thấy ở tự nhiên trong thực phẩm có nguồn gốc động vật.
Mặc dù một số loại sữa hoặc ngũ cốc có nguồn gốc thực vật có thể đã được tăng cường vitamin B12, nhưng chế độ ăn thuần chay thường hạn chế vitamin này, khiến mọi người có nguy cơ bị thiếu hụt.
Nếu bạn ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, đa dạng, thì việc ngăn ngừa sự thiếu hụt vitamin B12 sẽ trở nên dễ dàng. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ rằng mình có nguy cơ bị thiếu hụt, hãy trao đổi với bác sĩ.
Sự thiếu hụt vitamin B12 thường có thể được ngăn ngừa hoặc giải quyết bằng cách uống hoặc tiêm bắp.
Tóm lại
Các yếu tố nguy cơ thiếu hụt vitamin B12 bao gồm giảm khả năng hấp thụ do tiết axit clohydric thấp, một số loại thuốc hoặc bệnh đường tiêu hóa và phẫu thuật. Những người ăn chay trường cũng có nguy cơ mắc bệnh vì B12 chỉ có trong các thực phẩm động vật.
Kết luận
Vitamin B12 là một loại vitamin tan trong nước mà cơ thể hấp thụ được thông qua chế độ ăn uống hoặc thực phẩm chức năng.
Nó chịu trách nhiệm cho nhiều chức năng của cơ thể và có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như ngăn ngừa các dị tật bẩm sinh lớn, hỗ trợ sức khỏe của xương, cải thiện tâm trạng và duy trì làn da và mái tóc khỏe mạnh.
Bổ sung đầy đủ vitamin B12 thông qua chế độ ăn uống là rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu bạn gặp khó khăn trong việc bổ sung đủ hoặc có một tình trạng ảnh hưởng đến sự hấp thụ, thì thực phẩm bổ sung là một cách đơn giản để tăng hàm lượng B12.
Xem thêm:
- Thiếu vitamin B12 là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng, điều trị và phòng ngừa
- Mục đích của xét nghiệm nồng độ vitamin B12, kết quả và hướng điều trị
- Nguồn thực phẩm chay và thuần chay có chứa vitamin B12
- Những điều cần biết về vitamin B12: lợi ích, tình trạng thiếu hụt và bổ sung
- 12 loại thực phẩm giàu vitamin B12 hàng đầu