Metformin - Thuốc điều trị bệnh tiểu đường type 2 - Cách dùng

Hiện nay, metformin đang được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh tiểu đường. Thuốc rất an toàn với cả những người không có bệnh tăng đường huyết vì nó không có tác dụng kích thích giải phóng insulin ở tế bào beta tuyến tụy và không gây hạ đường huyết. Tuy nhiên, vẫn có một số lưu ý khi sử dụng metformin.

Giới thiệu về Metformin

Video Metformin là thuốc gì

Metformin là một loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2 và giúp ngăn ngừa tiểu đường type 2 ở những người có nguy cơ mắc bệnh cao.

Bệnh tiểu đường type 2 xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc insulin được tạo ra không thực hiện được chức năng bình thường. Từ đó có thể gây ra lượng đường trong máu tăng cao (tăng đường huyết).

Meformin hoạt động bằng cách ức chế tổng hợp glucose ở gan, giảm hấp thu glucose ở ruột, làm tăng sử dụng gluclose ở các tế bào, kích thích phân hủy glucose theo đường kỵ khí và cải thiện liên kết của insulin với các thụ  thể. Nhờ đó, thuốc làm giảm nồng độ glucose trong huyết tương khi đói và sau bữa ăn ở người bệnh tiểu đường type 2. Thuốc thường được kê đơn cho bệnh tiểu đường khi không kiểm soát được đường huyết bằng chế độ ăn kiêng và tập thể dục.

Ngoài ra, Metformin được sử dụng trong điều trị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS - Polycystic Ovary Syndrome), mặc dù thuốc chưa được phê duyệt chính thức để điều trị PCOS.

PCOS là tình trạng rối loạn nội tiết liên quan đến việc mất cân bằng hormone và kháng insulin, ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản của phụ nữ. Metformin làm giảm lượng insulin và đường huyết, đồng thời có thể kích thích rụng trứng.

Metformin là thuốc sử dụng theo đơn của bác sĩ, được bào chế dưới dạng viên nén hoặc dạng chất lỏng uống.

Những lưu ý khi sử dụng Metformin

  • Nên dùng Metformin trong bữa ăn để giảm tác dụng phụ.
  • Các tác dụng phụ thường gặp nhất là buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng và chán ăn.
  • Metformin không gây tăng cân, không giống như một số loại thuốc tiểu đường khác.

Thận trọng trước khi dùng thuốc Metformin

Metformin được quy định sử dụng cho người lớn và trẻ em từ 10 tuổi trở lên.

Metformin không phù hợp với một số người, do đó nên nói với bác sĩ trước khi bắt đầu dùng thuốc nếu:

  • Đã từng bị dị ứng với Metformin hoặc các loại thuốc khác trong quá khứ
  • Mắc bệnh tiểu đường không kiểm soát
  • Có vấn đề về gan hoặc thận
  • Bị nhiễm trùng nặng
  • Đang được điều trị suy tim hoặc gần đây đã bị nhồi máu cơ tim 
  • Có vấn đề nghiêm trọng với tuần hoàn hoặc khó thở 
  • Uống nhiều rượu

Có thể cần phải ngừng dùng Metformin trước khi phẫu thuật và trước khi thực hiện các xét nghiệm y tế như chụp X-quang, tiêm thuốc cản quang có chứa iot vào máu,…

Những người có vấn đề về gan hoặc thận nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng Metformin (nguồn ảnh: lifestyle.okezone.com)Những người có vấn đề về gan hoặc thận nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng Metformin (nguồn ảnh: lifestyle.okezone.com)Có nên dùng Metformin khi đang mang thai và cho con bú?

Metformin thường an toàn khi dùng trong thời kỳ mang thai, có thể dùng đơn lẻ hoặc kết hợp với insulin.

Có thể dùng Metformin khi đang cho con bú. Thuốc đi vào sữa mẹ nhưng lượng quá ít để có thể ảnh hưởng đến em bé. Tuy nhiên, phải báo cho bác sĩ biết nếu bạn đang có dự định mang thai, đang mang thai hoặc đang cho con bú để có hướng điều trị tốt nhất.

Cách sử dụng Metformin

Tốt nhất nên uống viên Metformin trong bữa ăn để giảm tác dụng phụ, nuốt toàn bộ viên thuốc Metformin với một cốc nước, không nhai thuốc trước khi uống.

Liều lượng

Liều tối đa của Metformin là 2000mg một ngày (ví dụ: 4 viên x 500mg).

Viên nén Metformin có các hàm lượng khác nhau. Bác sĩ sẽ kê đơn cho bạn nên uống bao nhiêu viên một ngày.

Các loại Metformin khác nhau

Metformin có 2 dạng viên nén khác nhau: viên nén giải phóng tiêu chuẩn và viên nén giải phóng chậm.

  • Viên nén giải phóng tiêu chuẩn giải phóng Metformin vào cơ thể một cách nhanh chóng. Bạn có thể cần dùng thuốc nhiều lần trong ngày tùy thuộc vào liều lượng chỉ định của bác sĩ.
  • Viên nén giải phóng chậm tan chậm nên không cần phải dùng thường xuyên, thường chỉ cần một liều là đủ và dùng thuốc trong bữa ăn tối.

Bác sĩ hoặc dược sĩ sẽ giải thích loại viên nén Metformin bạn đang sử dụng và cách dùng loại thuốc đó. Thuốc cũng có sẵn dưới dạng chất lỏng uống cho trẻ em và những người cảm thấy khó nuốt viên nén.

Tốt nhất nên uống viên Metformin trong bữa ăn để giảm tác dụng phụ (nguồn ảnh: publichealth.com.ng)Tốt nhất nên uống viên Metformin trong bữa ăn để giảm tác dụng phụ (nguồn ảnh: publichealth.com.ng)Nên tăng hay giảm liều thuốc?

Bác sĩ sẽ kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên và có thể thay đổi liều Metformin nếu cần thiết.

Khi bạn lần đầu tiên bắt đầu dùng viên nén giải phóng tiêu chuẩn Metformin, bạn sẽ được khuyên nên tăng liều từ từ để làm giảm nguy cơ mắc các tác dụng phụ.

Ví dụ:

  • Uống 1 viên 500mg cùng hoặc sau bữa ăn sáng trong ít nhất 1 tuần
  • Sau đó, uống 1 viên 500mg cùng với hoặc sau bữa ăn sáng và 1 viên vào bữa ăn tối trong ít nhất 1 tuần
  • Tiếp theo, uống một viên 500mg cùng với hoặc sau bữa sáng, 1 viên vào bữa trưa và 1 viên vào bữa tối

Nếu bạn nhận thấy không thể chịu đựng được các tác dụng phụ của viên Metformin giải phóng tiêu chuẩn, bác sĩ có thể đề nghị chuyển sang viên nén giải phóng chậm.

Nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bỏ lỡ một liều Metformin, hãy dùng liều tiếp theo vào thời điểm thông thường. Không dùng liều gấp đôi để bù cho liều đã quên.

Nếu thường xuyên quên liều, nên đặt báo thức để nhắc uống thuốc hoặc xin tư vấn từ dược sĩ về các cách nhớ uống thuốc.

Nên làm gì khi dùng quá liều thuốc?

Sử dụng quá liều lượng lớn viên nén Metformin có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Các triệu chứng nghiêm trọng và nhanh chóng xuất hiện bao gồm:

  • Đau bụng
  • Tiêu chảy
  • Thở nhanh hoặc nông
  • Cảm thấy lạnh
  • Buồn ngủ bất thường
  • Mệt mỏi hoặc suy nhược cơ thể 

Tác dụng phụ của Metformin

Giống như tất cả các loại thuốc khác, Metformin có thể gây ra tác dụng phụ, mặc dù không phải ai cũng mắc phải.

Các tác dụng phụ thường gặp

Các tác dụng phụ thường gặp xảy ra với tần suất hơn 1 trong 100 người.

Hãy gọi cho bác sĩ hoặc dược sĩ nếu những tác dụng phụ này gây khó chịu hoặc không biến mất sau 1 tuần:

  • Cảm thấy buồn nôn, nôn
  • Tiêu chảy
  • Đau bụng
  • Ăn mất ngon
  • Miệng có vị kim loại

Buồn nôn, nôn và tiêu chảy là các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng Metformin (nguồn ảnh: familydoctor.org)Buồn nôn, nôn và tiêu chảy là các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng Metformin (nguồn ảnh: familydoctor.org)Tác dụng phụ nghiêm trọng

Các tác dụng phụ nghiêm trọng rất hiếm và xảy ra với dưới 1 trong 10.000 người.

Gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo:

  • Cảm giác khó chịu, mệt mỏi nghiêm trọng, thở nhanh hoặc nông, lạnh người và tim đập chậm
  • Da vàng hoặc lòng trắng của mắt chuyển sang màu vàng - đây có thể là dấu hiệu của các vấn đề về gan
  • Cực kỳ mệt mỏi, thiếu năng lượng, cảm giác như bị kim châm, đau, lưỡi đỏ, loét miệng, yếu cơ và rối loạn thị lực - đây có thể là những dấu hiệu của bệnh thiếu máu do thiếu vitamin B12
  • Phát ban da, mẩn đỏ hoặc ngứa - đây có thể là dấu hiệu của rối loạn da

Hạ đường huyết khi sử dụng thuốc

Metformin thường không gây ra hạ đường huyết khi dùng đơn lẻ.

Tuy nhiên, có thể xảy ra hạ huyết áp khi dùng Metformin kết hợp với các loại thuốc tiểu đường khác như insulin hoặc gliclazide.

Các dấu hiệu cảnh báo sớm về hạ đường huyết bao gồm:

  • Cảm thấy đói
  • Run rẩy
  • Đổ mồ hôi
  • Hoang mang
  • Khó tập trung

Lượng đường trong máu có thể xuống quá thấp khi đang ngủ khiến bạn đổ mồ hôi, mệt mỏi và bối rối khi thức dậy.

Hạ đường huyết có thể xảy ra nếu bạn:

  • Uống quá nhiều một số loại thuốc tiểu đường
  • Ăn không thường xuyên hoặc bỏ bữa
  • Đang nhịn ăn
  • Không có một chế độ ăn uống lành mạnh và không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể
  • Thay đổi chế độ ăn
  • Tăng hoạt động thể chất mà không ăn nhiều hơn để bù đắp
  • Uống rượu, đặc biệt là sau khi bỏ bữa
  • Uống một số loại thuốc khác hoặc thuốc thảo dược cùng một lúc
  • Bị rối loạn hormone như suy giáp
  • Có vấn đề về thận hoặc gan

Để ngăn ngừa hạ đường huyết, điều quan trọng là phải có các bữa ăn thường xuyên, bao gồm cả bữa sáng. Không bao giờ bỏ lỡ hoặc trì hoãn một bữa ăn nào.

Nếu bạn dự định tập thể dục nhiều hơn bình thường, hãy đảm bảo cung cấp các loại thực phẩm chứa carbohydrate như bánh mì, mì ống hoặc ngũ cốc trước, trong hoặc sau khi tập thể dục.

Luôn mang bên mình một loại carbohydrate có tác dụng nhanh như viên đường, nước hoa quả hoặc một số đồ ngọt, phòng trường hợp đường huyết xuống thấp. Bạn cũng có thể cần ăn thực phẩm giàu tinh bột như bánh sandwich hoặc bánh quy, để duy trì lượng đường trong máu lâu hơn. Nếu dùng đường không đỡ hoặc các triệu chứng giảm rồi tái phát, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc bệnh viện gần nhất.

Ngoài ra, nên đảm bảo bạn bè và gia đình biết về bệnh tiểu đường của bạn và các triệu chứng của hạ đường huyết để họ kịp thời nhận ra.

Để ngăn ngừa hạ đường huyết nên ăn uống đủ các bữa, chế độ ăn lành mạnh và cân bằng dinh dưỡng (nguồn ảnh: express.co.uk)Để ngăn ngừa hạ đường huyết nên ăn uống đủ các bữa, chế độ ăn lành mạnh và cân bằng dinh dưỡng (nguồn ảnh: express.co.uk)Phản ứng dị ứng nghiêm trọng

Có thể xảy ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng (phản vệ) với Metformin.

Đến trung tâm cấp cứu hoặc bệnh viện gần nhất ngay lập tức nếu bạn có các dấu hiệu của phản ứng dị ứng bao gồm:

  • Phát ban trên da, ngứa, đỏ, sưng, phồng rộp hoặc bong tróc da
  • Thở khò khè
  • Cảm thấy tức ngực hoặc cổ họng
  • Khó thở hoặc khó nói
  • Sưng tấy miệng, mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng 

Trên đây không phải tất cả các tác dụng phụ có thể xảy ra của Metformin, hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của thuốc hoặc hỏi dược sĩ nếu có bất kỳ thắc mắc nào. 

Các cách đối phó với tác dụng phụ

  • Nếu cảm thấy khó chịu, buồn nôn: hãy dùng Metformin cùng với thức ăn để giảm sự khó chịu hoặc tăng liều thuốc từ từ trong vài tuần. Hãy hỏi dược sĩ hoặc bác sĩ để được tư vấn.
  • Nếu bị nôn hoặc tiêu chảy: uống nhiều chất lỏng để tránh mất nước, uống từng ngụm nhỏ và thường xuyên. Báo cho dược sĩ khi có dấu hiệu mất nước như đi tiểu ít hơn bình thường hoặc đi tiểu sẫm màu, có mùi nồng. Không tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào khác để điều trị tiêu chảy hoặc nôn mà không hỏi ý kiến bác sĩ.
  • Nếu bị đau bụng: cố gắng nghỉ ngơi và thư giãn, ăn uống từ từ và chia thành nhiều bữa nhỏ hơn, thường xuyên hơn. Đặt túi chườm nóng hoặc chai nước nóng lên bụng cũng có thể hữu ích để giảm đau. Nếu bị đau nhiều, hãy báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ.
  • Nếu bị chán ăn: nên ăn khi cảm thấy đói, hãy ăn các bữa nhỏ thường xuyên hơn bình thường.
  • Nếu cảm thấy có vị kim loại trong miệng: hãy thử nhai kẹo cao su không đường. 

Tương tác thuốc

Có một số loại thuốc cản trở cách hoạt động của Metformin. Nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào sau đây, có thể cần kiểm tra đường huyết thường xuyên hơn và điều chỉnh liều lượng thuốc cho phù hợp: 

  • Viên nén steroid như Prednisolone
  • Thuốc lợi tiểu như Furosemide
  • Thuốc điều trị các bệnh về tim và huyết áp cao
  • Kích thích tố (hormone) nam và nữ như testosterone, estrogen và progesterone
  • Các loại thuốc điều trị tiểu đường khác

Một số phụ nữ có thể cần điều chỉnh liều lượng Metformin sau khi bắt đầu dùng thuốc tránh thai vì thuốc tránh thai có thể thay đổi cách cơ thể xử lý đường.

Tóm lại, nên báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào khác bao gồm cả vitamin, thực phẩm chức năng và thảo dược.

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!