Các triệu chứng của phản ứng dị ứng nhẹ hoặc trung bình bao gồm phát ban, sưng tấy, ngứa ran ở miệng hoặc môi, đau bụng, nôn mửa, sốt và hen suyễn.
Các dấu hiệu của sốc phản vệ bao gồm khó thở, ho dai dẳng và ngất xỉu, cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp.
Video: hướng dẫn chăm sóc trẻ dị ứng đạm sữa bò
Dị ứng xảy ra như thế nào?
Dị ứng xảy ra khi trẻ phản ứng với một thứ gì đó trong môi trường. Thứ gây ra phản ứng dị ứng được gọi là chất gây dị ứng. Nó có thể là thứ gì đó như thức ăn, mạt bụi nhà hoặc phấn hoa.
Chất gây dị ứng khiến hệ thống miễn dịch của trẻ giải phóng histamine và các chất khác vào cơ thể. Điều này dẫn đến các triệu chứng dị ứng. Các phản ứng dị ứng nhẹ, trung bình và thậm chí nghiêm trọng là phổ biến; nhưng rất hiếm khi tử vong do phản ứng dị ứng. Tử vong có thể xảy ra khi chậm trễ trong việc xử lý tình trạng dị ứng nặng như sốc phản vệ cho người bị dị ứng.
Phản ứng dị ứng xảy ra nhanh như thế nào?
Phản ứng dị ứng tức thì thường xảy ra trong vòng vài phút hoặc tối đa 1 – 2 giờ sau khi trẻ tiếp xúc hoặc ăn phải chất bị dị ứng.
Phản ứng dị ứng chậm thường xảy ra nhiều giờ sau khi tiếp xúc. Thậm chí, có thể đến vài ngày sau khi tiếp xúc với chất bị dị ứng thì trẻ mới có các triệu chứng dị ứng.
Triệu chứng của các phản ứng dị ứng nhẹ hoặc trung bình?
Nếu trẻ có phản ứng dị ứng nhẹ hoặc trung bình, các triệu chứng có thể bao gồm một hoặc nhiều dấu hiệu sau:
- Phát ban, nổi mề đay
- Phù mặt, mắt hoặc môi
- Ngứa da hoặc ngứa miệng
- Viêm da dị ứng, viêm mũi dị ứng hoặc hen suyễn – những triệu chứng này có thể tồi tệ hơn bình thường
- Tiêu chảy, đau bụng hoặc nôn mửa.
Lưu ý rằng nếu trẻ bị tiêu chảy, đau bụng hoặc nôn mửa sau khi bị côn trùng đốt thì có nghĩa là trẻ đang bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng.
Triệu chứng của phản ứng dị ứng nghiêm trọng (sốc phản vệ)
Một phản ứng dị ứng nghiêm trọng được gọi là sốc phản vệ. Các triệu chứng có thể bao gồm một hoặc nhiều dấu hiệu sau:
- Thở khó hoặc khò khè
- Sưng phù lưỡi và cổ họng
- Khó nói hoặc giọng khàn
- Ho dai dẳng
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu
- Nhợt nhạt và cơ thể mềm nhão (ở trẻ nhỏ)
- Tiêu chảy, đau bụng hoặc nôn mửa sau khi bị côn trùng đốt.
Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng đe dọa tính mạng và cần được cấp cứu. Nếu trẻ đang bị sốc phản vệ, trước tiên hãy cho trẻ nằm phẳng. Đừng để trẻ đứng hoặc đi lại. Tiếp theo, sử dụng ống tiêm adrenaline tự động như EpiPen® nếu có sẵn. Sau đó gọi xe cấp cứu ngay.
Các xét nghiệm dị ứng
Nếu bạn nghĩ rằng trẻ có thể bị dị ứng, thì việc chẩn đoán là rất quan trọng.
Hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ đa khoa, họ có thể giới thiệu bạn đến bác sĩ chuyên khoa dị ứng hoặc miễn dịch học để làm các xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm lẩy da: Da của trẻ được chích bằng một dụng cụ đặc biệt có đầu nhọn và có chứa một giọt chất gây dị ứng cụ thể. Nếu nổi mề đay nơi da trẻ bị châm, có thể trẻ đã bị dị ứng với chất đó.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm kháng thể IgE đặc hiệu trong huyết thanh xét nghiệm máu của trẻ để xem liệu trẻ có nhạy cảm với các chất gây dị ứng cụ thể hay không. Trẻ có thể làm xét nghiệm này nếu trẻ không thể thực hiện xét nghiệm lẩy da. Nếu máu của trẻ có lượng kháng thể cao, có thể trẻ đã bị dị ứng.
Hiện nay, có nhiều loại xét nghiệm được quảng cáo giúp phát hiện dị ứng nhưng chưa được khoa học chứng minh là xét nghiệm dị ứng. Các xét nghiệm và phương pháp điều trị được hỗ trợ bởi khoa học như trên là hiệu quả nhất, đáng giá thời gian, tiền bạc, năng lượng của bạn và an toàn cho trẻ.
Điều trị các phản ứng dị ứng nhẹ đến trung bình
Việc điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của phản ứng dị ứng.
Thuốc kháng histamine
Cho trẻ uống một liều thuốc kháng histamine (ở dạng viên nén hoặc xi-rô) là thích hợp nếu trẻ có phản ứng dị ứng từ nhẹ đến trung bình như phát ban trên da, ngứa ở miệng hoặc bị phù. Tốt nhất bạn nên sử dụng loại thuốc kháng histamine mà không làm trẻ buồn ngủ. Dược sĩ hoặc bác sĩ có thể tư vấn cho bạn về nhãn hiệu thích hợp nhất cho trẻ.
Các phương pháp điều trị dị ứng khác
Tùy thuộc vào loại phản ứng dị ứng của trẻ mà có thể cần các phương pháp điều trị khác. Ví dụ:
- Nếu bị viêm da, trẻ có thể cần dùng thuốc mỡ corticoid.
- Nếu bị viêm mũi dị ứng, trẻ có thể cần corticoid thuốc xịt mũi.
- Nếu bị hen suyễn, trẻ có thể cần một ống hít có chứa salbutamol – là một chất chủ vận thụ thể β2-adrenergic sử đụng để làm giảm co thắt phế quản ở bệnh như hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Bác sĩ sẽ hướng dẫn phụ huynh và trẻ cách kiểm soát các phản ứng dị ứng và loại thuốc nào trẻ nên sử dụng.
Những trẻ bị dị ứng dai dẳng và khó chịu với vết đốt của côn trùng, mạt bụi nhà và phấn hoa cỏ có thể được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch để giảm các triệu chứng.
Với trẻ bị hen suyễn, nếu bị dị ứng với thức ăn hoặc côn trùng đốt thì điều cực kì quan trọng là phải duy trì kiểm soát tốt bệnh hen suyễn của trẻ. Nếu trẻ lên cơn hen suyễn nặng, hãy gọi xe cấp cứu ngay lập tức.
Phòng ngừa sốc phản vệ
Trẻ em có nguy cơ bị sốc phản vệ thường được kê đơn thuốc tiêm tự động adrenaline - ví dụ như EpiPen®. Nếu trẻ được kê đơn bút tiêm adrenaline tự động thì cả bạn và trẻ phải tìm hiểu cách thức và thời điểm sử dụng. Luôn luôn để bút tiêm ở những nơi có thể dễ dàng tiếp cận. Bạn cũng có thể dạy những người khác – gia đình, bạn bè, giáo viên và người chăm sóc – cách sử dụng nó. Bạn cũng nên đeo vòng tay y tế cho trẻ để cho người khác biết về chứng dị ứng cụ thể của trẻ.
Các yếu tố nguy cơ dị ứng
Trẻ em có thành viên trong gia đình bị dị ứng hoặc các vấn đề về dị ứng như hen suyễn, viêm da cơ địa và viêm mũi dị ứng có nguy cơ mắc bệnh dị ứng cao hơn.
Kết luận
- Dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của trẻ phản ứng với chất gây dị ứng.
- Các triệu chứng của phản ứng dị ứng nhẹ hoặc trung bình bao gồm phát ban, sưng phù, ngứa ở miệng hoặc môi, đau bụng, nôn mửa, viêm mũi dị ứng và hen suyễn.
- Các dấu hiệu của sốc phản vệ bao gồm khó thở, co thắt cổ họng, ho dai dẳng và ngất xỉu. Hãy đưa trẻ đi cấp cứu ngay lập tức.
- Nếu bạn cho rằng trẻ bị dị ứng, hãy đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và hướng dẫn xử trí thích hợp.
Xem thêm: