Dị ứng thực phẩm: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị

Dị ứng thực phẩm là một phản ứng của hệ thống miễn dịch xảy ra ngay sau khi ăn một loại thực phẩm nào đó. Ngay cả một lượng nhỏ thức ăn gây dị ứng cũng có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng như các vấn đề về da, tiêu hóa hay hô hấp. Ở một số người, dị ứng thực phẩm có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hoặc thậm chí là phản ứng đe dọa tính mạng được gọi là sốc phản vệ.

Dị ứng thực phẩm ảnh hưởng đến ước tính từ 6 – 8% trẻ em dưới 3 tuổi và lên đến 3% người lớn. Dị ứng thực phẩm không có cách chữa trị, một số trẻ em sẽ khỏi bệnh khi lớn hơn.

Rất dễ nhầm lẫn dị ứng thực phẩm với một phản ứng phổ biến hơn được gọi là không dung nạp thực phẩm. Tuy khó chịu nhưng không dung nạp thực phẩm là một tình trạng ít nghiêm trọng hơn mà không liên quan đến hệ thống miễn dịch. 

Video Hướng dẫn sơ cứu khi nổi mẩn ngứa do dị ứng thức ăn

Triệu chứng của dị ứng thực phẩm

Đau bụng, ngứa miệng, buồn nôn, nôn… là những triệu chứng dị ứng thực phẩm phổ biến.  (nguồn: health.clevelandclinic.or)

Đau bụng, ngứa miệng, buồn nôn, nôn… là những triệu chứng dị ứng thực phẩm phổ biến.(nguồn: health.clevelandclinic.or)

Đối với một số người, phản ứng dị ứng với một loại thực phẩm cụ thể có thể khó chịu nhưng không nghiêm trọng. Đối với những người khác, phản ứng dị ứng thực phẩm có thể gây sợ hãi và thậm chí đe dọa tính mạng. Các triệu chứng dị ứng thực phẩm thường xuất hiện trong vòng vài phút đến hai giờ sau khi ăn thực phẩm gây dị ứng.

Các dấu hiệu và triệu chứng dị ứng thực phẩm phổ biến nhất bao gồm:

Sốc phản vệ

Ở một số người, dị ứng thực phẩm có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng (sốc phản vệ) gây ra các dấu hiệu và triệu chứng đe dọa tính mạng, bao gồm:

  • Co thắt đường thở
  • Phù nề họng, thanh quản hoặc cảm giác có khối u trong cổ họng gây khó thở
  • Sốc do tụt huyết áp nghiêm trọng
  • Mạch nhanh
  • Chóng mặt, choáng váng hoặc mất ý thức

Người bị sốc phản vệ cần được cấp cứu ngay lập tức. Nếu không được điều trị kịp thời, sốc phản vệ có thể gây hôn mê hoặc thậm chí tử vong.

Khi nào nên đến gặp bác sĩ

Đi khám bác sĩ chuyên khoa dị ứng nếu bạn có các triệu chứng dị ứng thực phẩm ngay sau khi ăn. Nếu có thể, hãy đến gặp bác sĩ khi phản ứng dị ứng đang xảy ra. Điều này sẽ giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác hơn.

Hãy gọi cấp cứu nếu bạn xuất hiện bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của sốc phản vệ, chẳng hạn như:

  • Co thắt đường thở gây khó thở
  • Sốc do tụt huyết áp nghiêm trọng
  • Mạch nhanh
  • Chóng mặt hoặc choáng váng 

Nguyên nhân của dị ứng thực phẩm

Nếu bạn cảm thấy khó thở do dị ứng thực phẩm, hãy gọi sự trợ giúp ngay lập tức.  (nguồn: bernsteinallergyresearch.com)

Nếu bạn cảm thấy khó thở do dị ứng thực phẩm, hãy gọi sự trợ giúp ngay lập tức.

(nguồn: bernsteinallergyresearch.com)

Khi bị dị ứng thực phẩm, hệ thống miễn dịch xác định nhầm một loại thực phẩm cụ thể hoặc một chất nào đó trong thực phẩm là thứ gì đó có hại đối với cơ thể. Hệ thống miễn dịch sẽ kích hoạt các tế bào giải phóng một kháng thể được gọi là immunoglobulin E (IgE) để vô hiệu hóa thức ăn hoặc chất có trong thực phẩm gây dị ứng (chất gây dị ứng).

Lần tiếp theo khi bạn ăn một lượng nhỏ nhất của thực phẩm đó, các kháng thể IgE sẽ cảm nhận nó và báo hiệu hệ thống miễn giải phóng một chất gọi là histamine vào máu, gây ra các triệu chứng dị ứng.

Ở người lớn, phần lớn các trường hợp dị ứng thực phẩm được kích hoạt bởi một số loại protein trong:

  • Động vật có vỏ như các loại tôm, cua
  • Đậu phộng
  • Các loại hạt cây như quả óc chó, quả hồ đào, hạnh nhân

Ở trẻ em, dị ứng thực phẩm thường do protein có trong:

  • Đậu phộng
  • Hạt cây như quả óc chó, quả hồ đào, hạnh nhân
  • Trứng
  • Sữa bò
  • Lúa mì
  • Đậu nành

Hội chứng dị ứng thực phẩm – phấn hoa

Còn được gọi là hội chứng dị ứng miệng, hội chứng dị ứng thực phẩm – phấn hoa ảnh hưởng đến nhiều người bị viêm mũi dị ứng. Ở bệnh này, protein trong một số loại trái cây, rau, hạt cây và gia vị gây ra phản ứng dị ứng khiến miệng bị ngứa vì tương tự như các protein gây dị ứng được tìm thấy trong một số loại phấn hoa nhất định. Đây là một ví dụ về phản ứng chéo. Một số trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến phù nề cổ họng hoặc thậm chí là sốc phản vệ. Khi bạn chỉ nấu mà không ăn các loại thực phẩm gây ra hội chứng dị ứng thực phẩm – phấn hoa, các triệu chứng có thể ít nghiêm trọng hơn.

Bảng sau đây cho thấy các loại trái cây, rau, hạt cây và gia vị cụ thể có thể gây ra hội chứng dị ứng thực phẩm – phấn hoa  ở những người bị dị ứng với các loại phấn hoa khác nhau.

Nếu bạn bị dị ứng với

Phấn hoa bạch dương

Phấn hoa cỏ phấn hương

Họ hòa thảo

Phấn hoa ngải cứu

Bạn cũng có thể có phản ứng với:

Hạnh nhân

Táo

Cà rốt

Cần tây

Qủa anh đào

Hạt phỉ

Đào

Đậu phụng

Mận

Khoai tây 

Đậu tương

Một số loại thảo mộc và gia vị (hồi, rau mùi, thì là, mùi tây)

Chuối

Dưa chuột

Dưa (dưa đỏ,  dưa hấu)

Dưa chuột

Kiwi

Dưa (dưa đỏ, dưa hấu)

Cam

Đậu phộng

Cà chua

Khoai tây 

Táo

Ớt chuông

Bông cải xanh

Bắp cải

Cà rốt

Cần tây

Súp lơ trắng

Tỏi

Củ hành

Đào

Một số loại thảo mộc và gia vị (hồi, tiêu đen, rau mùi, thì là, mù tạt, mùi tây)

Dị ứng thực phẩm do tập thể dục

Ăn một số loại thực phẩm có thể khiến một số người cảm thấy ngứa ngáy và choáng váng ngay sau khi bắt đầu tập thể dục. Các trường hợp nghiêm trọng thậm chí có thể bị nổi mề đay hoặc sốc phản vệ. Không ăn trong vài giờ trước khi tập thể dục và tránh một số loại thực phẩm có thể giúp ngăn ngừa vấn đề này.

Không dung nạp thực phẩm và các phản ứng khác

Không dung nạp thực phẩm hoặc phản ứng với chất khác mà bạn đã ăn có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng tương tự như dị ứng thực phẩm - chẳng hạn như buồn nôn, nôn, đau bụng và tiêu chảy.

Nhưng tùy thuộc vào loại thức ăn không dung nạp mà bạn có thể ăn một lượng nhỏ thức ăn có vấn đề mà không có phản ứng. Ngược lại, nếu bạn bị dị ứng thực phẩm thực sự, ngay cả một lượng nhỏ thức ăn cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng.

Một trong những khía cạnh khó khăn của việc chẩn đoán không dung nạp thực phẩm là một số người không bị nhạy cảm với bản thân thực phẩm mà với một chất hoặc thành phần được sử dụng để chế biến thực phẩm.

Các tình trạng phổ biến có thể gây ra các triệu chứng nhầm với dị ứng thực phẩm bao gồm:

  • Thiếu một loại enzym cần thiết để tiêu hóa hoàn toàn thức ăn. Bạn có thể không có đủ lượng enzyme cần thiết để tiêu hóa một số loại thực phẩm. Ví dụ, lượng enzyme lactase không đủ sẽ làm giảm khả năng tiêu hóa đường lactose, loại đường chính trong các sản phẩm sữa. Không dung nạp lactose có thể gây đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy và xì hơi nhiều.
  • Ngộ độc thực phẩm. Đôi khi ngộ độc thực phẩm có thể bắt chước phản ứng dị ứng. Vi khuẩn trong cá ngừ bị hư hỏng và các loại cá, thịt khác cũng có thể tạo ra độc tố gây ra các phản ứng có hại.
  • Độ nhạy cảm với phụ gia thực phẩm. Một số người có phản ứng tiêu hóa và các triệu chứng khác sau khi ăn một số chất phụ gia thực phẩm. Ví dụ, sulfite được sử dụng để bảo quản trái cây khô, đồ hộp và rượu vang có thể gây ra các cơn hen suyễn ở những người nhạy cảm.
  • Độc tính histamine. Một số loại cá, chẳng hạn như cá ngừ hoặc cá thu, không được bảo quản lạnh đúng cách và chứa nhiều vi khuẩn cũng có thể chứa lượng histamine cao gây ra các triệu chứng tương tự như dị ứng thực phẩm. Thay vì phản ứng dị ứng, đây được gọi là ngộ độc histamine hoặc ngộ độc scombroid.
  • Bệnh celiac. Trong khi bệnh celiac đôi khi được coi là dị ứng với gluten, nhưng nó không dẫn đến sốc phản vệ. Giống như dị ứng thực phẩm, bệnh liên quan đến phản ứng của hệ thống miễn dịch, nhưng đó là một phản ứng đặc biệt phức tạp hơn dị ứng thực phẩm đơn giản. Bệnh tiêu hóa mãn tính này được kích hoạt khi ăn gluten, một loại protein có trong bánh mì, mì ống, bánh quy và nhiều loại thực phẩm khác có chứa lúa mì, lúa mạch hoặc lúa mạch đen. Nếu bạn bị bệnh celiac và ăn thực phẩm có chứa gluten, phản ứng miễn dịch xảy ra gây tổn thương bề mặt ruột non, dẫn đến không thể hấp thụ một số chất dinh dưỡng. 

Các yếu tố nguy cơ đối với dị ứng thực phẩm

Nếu có các dạng phản ứng dị ứng khác, chẳng hạn như viêm mũi dị ứng hoặc chàm, thì nguy cơ bị dị ứng thực phẩm của bạn sẽ cao hơn. (nguồn: everydayhealth.com)Nếu có các dạng phản ứng dị ứng khác, chẳng hạn như viêm mũi dị ứng hoặc chàm, thì nguy cơ bị dị ứng thực phẩm của bạn sẽ cao hơn. (nguồn: everydayhealth.com)

Các yếu tố nguy cơ dị ứng thực phẩm bao gồm:

  • Tiền sử gia đình. Bạn có nhiều nguy cơ bị dị ứng thực phẩm nếu người thân trong gia đình mắc hen suyễn, chàm, nổi mề đay hoặc các bệnh dị ứng như viêm mũi dị ứng.
  • Các bệnh dị ứng khác. Nếu đã bị dị ứng với một loại thực phẩm, bạn có nhiều nguy cơ bị dị ứng với một loại thực phẩm khác. Tương tự, nếu có các dạng phản ứng dị ứng khác, chẳng hạn như viêm mũi dị ứng hoặc chàm, thì nguy cơ bị dị ứng thực phẩm của bạn sẽ cao hơn.
  • Tuổi. Dị ứng thức ăn phổ biến hơn ở trẻ em, đặc biệt là trẻ mới biết đi và trẻ sơ sinh. Khi lớn lên, hệ tiêu hóa của trẻ trưởng thành và cơ thể ít có khả năng hấp thụ thức ăn hoặc các thành phần thức ăn gây dị ứng.

May mắn thay, trẻ em thường khỏi các tình trạng dị ứng với sữa, đậu nành, lúa mì và trứng khi lớn lên. Các tình trạng dị ứng nghiêm trọng và dị ứng với các loại hạt, động vật có vỏ có xu hướng bị suốt đời.

  • Bệnh hen suyễn. Hen suyễn và dị ứng thực phẩm thường xảy ra cùng nhau. Khi bị như vậy, cả triệu chứng do dị ứng thức ăn và hen suyễn có nhiều khả năng trở nên trầm trọng hơn.

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc phản ứng phản vệ bao gồm:

  • Có tiền sử bệnh hen suyễn
  • Là thanh thiếu niên trở xuống
  • Trì hoãn việc sử dụng adrenaline để điều trị các triệu chứng dị ứng thực phẩm 
  • Không bị nổi mề đay hoặc các triệu chứng về da khác 

Các biến chứng của dị ứng thực phẩm

Các biến chứng của dị ứng thực phẩm có thể bao gồm:

  • Sốc phản vệ. Đây là một phản ứng dị ứng đe dọa tính mạng.
  • Viêm da dị ứng (chàm). Dị ứng thực phẩm có thể gây ra phản ứng trên da, chẳng hạn như bệnh chàm. 

Phòng ngừa dị ứng thực phẩm

Việc giới thiệu sớm các sản phẩm từ đậu phộng có liên quan đến việc giảm nguy cơ dị ứng đậu phộng. Trước khi cho trẻ ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng, hãy hỏi bác sĩ về thời điểm tốt nhất để cho trẻ ăn.

Tuy nhiên, một khi tình trạng dị ứng thực phẩm đã xuất hiện, cách tốt nhất để ngăn ngừa phản ứng dị ứng là biết và tránh các loại thực phẩm gây ra các dấu hiệu và triệu chứng. Đối với một số người, đây chỉ là một sự bất tiện đơn thuần, nhưng những người khác lại thấy đó là một khó khăn lớn hơn. Ngoài ra, một số loại thực phẩm – khi được sử dụng làm nguyên liệu trong một số món ăn – có thể được giấu kỹ. Điều này đặc biệt đúng trong các nhà hàng và trong các môi trường xã hội khác.

Nếu bạn biết mình bị dị ứng thực phẩm, hãy làm theo các bước sau:

Biết những gì bạn đang ăn và uống. Đảm bảo đọc kỹ nhãn thực phẩm.

  • Nếu bạn đã bị phản ứng nghiêm trọng, hãy đeo vòng tay/vòng cổ y tế để người khác biết rằng bạn bị dị ứng thực phẩm trong trường hợp bạn bị phản ứng và không thể giao tiếp.
  • Trao đổi với bác sĩ về việc kê đơn adrenaline khẩn cấp. Bạn có thể cần mang theo máy tiêm adrenaline tự động (Adrenaclick, EpiPen) nếu có nguy cơ bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng.
  • Hãy cẩn thận khi ăn ở ngoài. Hãy nói cho người phục vụ hoặc đầu bếp biết rằng bạn tuyệt đối không được ăn thức ăn bị dị ứng và cần hoàn toàn chắc chắn rằng bữa ăn không có thức ăn đó. Ngoài ra, hãy đảm bảo rằng thực phẩm không được chế biến trên bề mặt hoặc chảo có chứa bất kỳ loại thực phẩm nào mà bạn bị dị ứng.
  • Lên kế hoạch cho các bữa ăn chính và đồ ăn nhẹ trước khi rời khỏi nhà. Nếu cần, hãy mang theo một thùng lạnh chứa thực phẩm không gây dị ứng khi bạn đi du lịch hoặc tham dự một sự kiện. Nếu bạn hoặc con bạn không thể ăn bánh ngọt hoặc món tráng miệng trong một bữa tiệc, hãy mang theo một món ăn đặc biệt có thể dùng được để không ai cảm thấy bị bỏ rơi.

Nếu trẻ bị dị ứng thực phẩm, hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau để đảm bảo an toàn cho trẻ:

  • Thông báo cho những người quan trọng rằng trẻ bị dị ứng thực phẩm. Nói chuyện với bác sĩ, giáo viên, cha mẹ bạn bè của trẻ và những người lớn khác thường xuyên tiếp xúc với trẻ. Nhấn mạnh rằng phản ứng dị ứng có thể đe dọa tính mạng và cần phải hành động ngay lập tức. Hãy chắc chắn rằng trẻ cũng biết yêu cầu giúp đỡ ngay lập tức nếu có phản ứng với thức ăn.
  • Giải thích các triệu chứng dị ứng thực phẩm. Hướng dẫn những người lớn chăm sóc trẻ cách nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng của phản ứng dị ứng.
  • Viết một kế hoạch xử lý trong trường hợp nếu trẻ bị dị ứng. Kế hoạch nên mô tả cách chăm sóc trẻ khi trẻ bị dị ứng với thức ăn. Cung cấp một bản sao của kế hoạch này cho nhân viên y tế trường học và những người khác chăm sóc và giám sát trẻ.
  • Cho trẻ đeo vòng tay/vòng cổ cảnh báo y tế. Cảnh báo này liệt kê các triệu chứng dị ứng của trẻ và giải thích cách những người khác có thể sơ cứu trẻ trong trường hợp khẩn cấp. 

Chẩn đoán dị ứng thực phẩm

Xét nghiệm máu có thể đo phản ứng của hệ thống miễn dịch với các loại thực phẩm cụ thể bằng cách đo kháng thể liên quan đến dị ứng được gọi là immunoglobulin E (IgE). (nguồn: pzalab.com)Xét nghiệm máu có thể đo phản ứng của hệ thống miễn dịch với các loại thực phẩm cụ thể bằng cách đo kháng thể liên quan đến dị ứng được gọi là immunoglobulin E (IgE). (nguồn: pzalab.com)

Không có xét nghiệm hoàn hảo nào được sử dụng để xác nhận hoặc loại trừ dị ứng thực phẩm. Bác sĩ sẽ xem xét một số yếu tố trước khi đưa ra chẩn đoán. Những yếu tố này bao gồm.

  • Các triệu chứng. Cung cấp cho bác sĩ tiền sử chi tiết về các triệu chứng của bạn - loại thực phẩm nào và lượng bao nhiêu thì gây ra vấn đề.
  • Tiền sử dị ứng của gia đình. Chia sẻ thông tin về các thành viên trong gia đình bạn bị dị ứng dưới bất kỳ hình thức nào.
  • Khám sức khỏe. Kiểm tra sức khỏe cẩn thận thường có thể xác định hoặc loại trừ các vấn đề như bệnh lý khác.
  • Xét nghiệm lẩy da. Xét nghiệm lẩy da có thể xác định phản ứng của bạn với một loại thực phẩm cụ thể. Trong xét nghiệm này, một lượng nhỏ thức ăn nghi ngờ được đặt trên da của cánh tay hoặc lưng. Sau đó, bác sĩ hoặc một chuyên gia y tế khác sẽ dùng kim chích vào da bạn để đưa một lượng nhỏ chất này bên dưới bề mặt da. Nếu bị dị ứng với một chất cụ thể đang được thử nghiệm, bạn sẽ xuất hiện một vết sưng hoặc có phản ứng tại chỗ. Hãy nhớ rằng chỉ phản ứng dương tính với xét nghiệm này không đủ để xác nhận dị ứng thực phẩm.
  • Xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu có thể đo phản ứng của hệ thống miễn dịch với các loại thực phẩm cụ thể bằng cách đo kháng thể liên quan đến dị ứng được gọi là immunoglobulin E (IgE). Đối với xét nghiệm này, một mẫu máu được lấy tại phòng khám được gửi đến phòng xét nghiệm để kiểm tra với các loại thực phẩm khác nhau.
  • Chế độ ăn loại trừ: Bạn có thể được yêu cầu loại bỏ các loại thực phẩm nghi ngờ trong 1 hoặc 2 tuần và sau đó thêm từng loại thực phẩm trở lại chế độ ăn uống của bạn. Quá trình này có thể giúp liên kết các triệu chứng với các loại thực phẩm cụ thể. Tuy nhiên, chế độ ăn loại trừ không thể cho bạn biết liệu phản ứng của bạn với thực phẩm có phải là dị ứng thực sự hay không, hay là không dung nạp với thực phẩm. Ngoài ra, nếu trước đây bạn đã từng bị phản ứng nghiêm trọng với một loại thực phẩm thì chế độ ăn loại trừ có thể không an toàn.
  • Thử nghiệm ăn thử thực phẩm. Quá trình kiểm tra này được thực hiện tại phòng khám, bạn sẽ được cung cấp một lượng nhỏ nhưng tăng dần lượng thức ăn bị nghi ngờ là nguyên nhân gây ra các triệu chứng của bạn. Nếu không có phản ứng trong quá trình thử nghiệm này, bạn có thể thêm thực phẩm này vào chế độ ăn uống của mình một lần nữa. 

Điều trị dị ứng thực phẩm

Bạn có thể cần mang theo máy tiêm adrenaline tự động nếu có nguy cơ bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng.  (nguồn: foodallergiesatlanta.com)

Bạn có thể cần mang theo máy tiêm adrenaline tự động nếu có nguy cơ bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng.(nguồn: foodallergiesatlanta.com)

Cách duy nhất để tránh phản ứng dị ứng là tránh các loại thực phẩm gây ra các dấu hiệu và triệu chứng. Tuy nhiên, dù đã cố gắng hết sức, bạn vẫn có thể tiếp xúc với thực phẩm gây dị ứng.

Đối với phản ứng dị ứng nhẹ, thuốc kháng histamine có thể giúp giảm các triệu chứng. Những loại thuốc này có thể được dùng sau khi tiếp xúc với thực phẩm gây dị ứng để giúp giảm ngứa hoặc nổi mề đay. Tuy nhiên, thuốc kháng histamine không thể điều trị phản ứng dị ứng nghiêm trọng.

Đối với phản ứng dị ứng nghiêm trọng, bạn có thể cần tiêm adrenaline khẩn cấp và được đưa đi cấp cứu. Nhiều người từng bị dị ứng mang theo thuốc tiêm tự động adrenaline (Adrenaclick, EpiPen). Thiết bị này là một ống tiêm kết hợp với kim được giấu kín để tiêm một liều thuốc duy nhất khi bị ấn vào đùi bệnh nhân.

Nếu bác sĩ đã kê thuốc tiêm tự động adrenaline:

  • Hãy chắc chắn rằng bạn biết cách sử dụng nó. Ngoài ra, hãy đảm bảo rằng những người gần bạn nhất cũng biết cách sử dụng thuốc, để nếu trong trường hợp khẩn cấp bạn bị sốc phản vệ thì họ có thể cứu mạng bạn.
  • Luôn mang theo bên mình. Bạn nên để thêm một ống tiêm tự động trong ô tô hoặc bàn làm việc của bạn.
  • Luôn đảm bảo ống tiêm tự động này còn hạn sử dụng và hoạt động bình thường. 

Phương pháp điều trị thử nghiệm

Mặc dù có nghiên cứu đang được tiến hành để tìm ra các phương pháp điều trị tốt hơn giúp giảm các triệu chứng dị ứng thực phẩm và ngăn ngừa các cuộc tấn công của dị ứng, nhưng không có bất kỳ phương pháp điều trị nào đã được chứng minh có thể ngăn ngừa hoặc làm giảm hoàn toàn các triệu chứng.

Các phương pháp điều trị đang được nghiên cứu là:

  • Liệu pháp miễn dịch đường miệng. Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu việc sử dụng liệu pháp miễn dịch đường uống như một phương pháp điều trị dị ứng thực phẩm. Bạn có thể nuốt hoặc đặt một lượng nhỏ thức ăn bị dị ứng dưới lưỡi (ngậm dưới lưỡi). Liều lượng thức ăn gây dị ứng được tăng dần lên. Kết quả có vẻ hứa hẹn, ngay cả ở những người bị dị ứng đậu phộng, trứng và sữa.
  • Tiếp xúc sớm. Trước đây, người ta thường khuyến cáo rằng trẻ em nên tránh các thực phẩm gây dị ứng để giảm khả năng bị dị ứng. Nhưng trong một nghiên cứu gần đây, trẻ sơ sinh có nguy cơ cao – chẳng hạn như những trẻ bị viêm da dị ứng hoặc dị ứng trứng hoặc cả hai – được lựa chọn cho ăn sớm hoặc tránh các sản phẩm đậu phộng từ 4 – 11 tháng cho đến 5 tuổi. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những trẻ em có nguy cơ cao thường xuyên tiêu thụ protein đậu phộng, chẳng hạn như bơ đậu phộng hoặc đồ ăn nhẹ có hương vị đậu phộng, ít có nguy cơ bị dị ứng đậu phộng hơn từ 70 – 86%. 

Phong cách sống và các biện pháp khắc phục tại nhà

Luôn đọc nhãn thực phẩm để đảm bảo rằng chúng không chứa thành phần mà bạn bị dị ứng. (nguồn: safefood.net)Luôn đọc nhãn thực phẩm để đảm bảo rằng chúng không chứa thành phần mà bạn bị dị ứng. (nguồn: safefood.net)

Một trong những chìa khóa để ngăn ngừa phản ứng dị ứng là tránh hoàn toàn thực phẩm gây ra các triệu chứng.

  • Luôn đọc nhãn thực phẩm để đảm bảo rằng chúng không chứa thành phần mà bạn bị dị ứng. Ngay cả khi bạn nghĩ rằng bạn biết những gì trong thực phẩm, hãy kiểm tra nhãn. Thành phần của nó đôi khi được thay đổi. Nhãn thực phẩm được yêu cầu liệt kê rõ ràng liệu chúng có chứa bất kỳ chất gây dị ứng thực phẩm thông thường nào hay không. Đọc kỹ nhãn thực phẩm để tránh các nguồn gây dị ứng thực phẩm phổ biến nhất: sữa, trứng, đậu phộng, hạt cây, cá, động vật có vỏ, đậu nành và lúa mì.
  • Khi bạn nghi ngờ thì hãy nói không. Tại các nhà hàng và các cuộc hội họp, bạn luôn có nguy cơ ăn phải thực phẩm bị dị ứng. Nhiều người không hiểu mức độ nghiêm trọng của phản ứng dị ứng thực phẩm và có thể không nhận ra rằng một lượng nhỏ thực phẩm có thể gây ra phản ứng nghiêm trọng. Nếu bạn có bất kỳ nghi ngờ nào rằng thực phẩm có thể chứa thứ mà bạn bị dị ứng, hãy tránh xa.
  • Nếu trẻ bị dị ứng thức ăn thì hãy nói với người thân, người trông trẻ, giáo viên và những người chăm sóc trẻ khác. Hãy đảm bảo họ hiểu tầm quan trọng của trẻ trong việc tránh thực phẩm gây dị ứng và biết phải làm gì trong trường hợp khẩn cấp. Bạn phải hướng dẫn cho người chăm sóc trẻ biết những bước họ có thể thực hiện để ngăn ngừa phản ứng ngay từ đầu, chẳng hạn như rửa tay cẩn thận và làm sạch bất kỳ bề mặt nào có thể tiếp xúc với thực phẩm gây dị ứng.

Ứng phó và hỗ trợ

Dị ứng thực phẩm có thể là một nguyên nhân gây lo ngại thường xuyên ảnh hưởng đến cuộc sống ở nhà, trường học và nơi làm việc. 

Hãy ghi nhớ những chiến lược sau để giúp kiểm soát tình trạng dị ứng thực phẩm của bạn hoặc trẻ:

  • Kết nối với những người khác. Thảo luận về dị ứng thực phẩm và trao đổi thông tin với những người có cùng mối quan tâm với bạn có thể rất hữu ích. Nhiều trang web và tổ chức phi lợi nhuận cung cấp thông tin và diễn đàn để thảo luận về dị ứng thực phẩm. Một số trang dành riêng cho cha mẹ có con bị dị ứng thức ăn. 
  • Giáo dục những người xung quanh bạn. Hãy chắc chắn rằng gia đình và những người chăm sóc trẻ, bao gồm cả người trông trẻ và giáo viên, hiểu rõ về tình trạng dị ứng thực phẩm của trẻ.
  • Giải quyết vấn đề bắt nạt. Trẻ em thường bị bắt nạt vì dị ứng thức ăn ở trường. Thảo luận về tình trạng dị ứng của trẻ với nhân viên trường học giúp giảm đáng kể nguy cơ con bạn trở thành mục tiêu bắt nạt. 

Chuẩn bị cho cuộc đi khám

Vì các cuộc hẹn với bác sĩ thường ngắn và có nhiều điều cần giải đáp, bạn nên chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc hẹn khám của mình. Dưới đây là một số thông tin để giúp bạn sẵn sàng.

  • Viết ra bất kỳ triệu chứng nào bạn gặp phải, bao gồm cả bất kỳ triệu chứng nào có vẻ không liên quan.
  • Viết ra thông tin cá nhân quan trọng, bao gồm bất kỳ căng thẳng lớn nào hoặc những thay đổi trong cuộc sống gần đây.
  • Lập danh sách tất cả các loại thuốc, vitamin và chất bổ sung mà bạn đang dùng.
  • Đưa một thành viên gia đình hoặc bạn bè đi cùng, nếu có thể. Đôi khi rất khó để nhớ tất cả thông tin trong một lần. Có ai đó đi cùng có thể nhớ lại điều gì đó mà bạn đã bỏ lỡ hoặc quên.
  • Viết ra các câu hỏi để hỏi bác sĩ của bạn.

Thời gian của bạn với bác sĩ là có hạn, vì vậy việc chuẩn bị một danh sách các câu hỏi sẽ giúp bạn tận dụng tối đa thời gian. Liệt kê các câu hỏi của bạn từ quan trọng nhất đến ít quan trọng hơn trong trường hợp hết thời gian. Một số câu hỏi cơ bản để hỏi bác sĩ bao gồm:

  • Tình trạng của tôi do dị ứng thực phẩm hay một phản ứng khác gây ra ?
  • Tôi cần những loại xét nghiệm nào?
  • Tình trạng của tôi có thể là tạm thời hay lâu dài?
  • Có những phương pháp điều trị nào, và bác sĩ đề xuất phương pháp nào?
  • Tôi có những tình trạng sức khỏe khác. Làm thế nào tôi có thể quản lý tốt nhất các điều kiện này cùng nhau?
  • Tôi có cần tránh loại thực phẩm nào không?
  • Tôi có nên gặp bác sĩ chuyên khoa không? 
  • Có thuốc thay thế chung cho loại thuốc bạn đang kê cho tôi không?
  • Tôi có thể tìm hiểu thêm thông tin về bệnh này ở sách hay trang web nào?

Nếu trẻ đi khám bác sĩ vì dị ứng thực phẩm, bạn cũng có thể hỏi:

  • Con tôi có khả năng bị dị ứng cao hơn không?
  • Có những lựa chọn thay thế cho thực phẩm gây ra các triệu chứng dị ứng của con tôi không?
  • Nếu con tôi bị dị ứng thực phẩm ở trường thì tôi nên làm như thế nào?

Ngoài những câu hỏi bạn đã chuẩn bị để hỏi bác sĩ, đừng ngần ngại đặt thêm các câu hỏi khác trong cuộc hẹn.

Những gì mong đợi từ bác sĩ của bạn

  • Bác sĩ có thể sẽ hỏi bạn một số câu hỏi như sau:
  • Các triệu chứng bắt đầu từ khi nào?
  • Các triệu chứng nghiêm trọng như thế nào?
  • Mất bao lâu các triệu chứng xuất hiện sau khi ăn thực phẩm mà bạn nghi ngờ mình bị dị ứng?
  • Bạn có dùng bất kỳ loại thuốc dị ứng không kê đơn nào như thuốc kháng histamine không, và nếu có thì chúng có giúp ích gì không?
  • Phản ứng của bạn luôn được kích hoạt bởi một loại thực phẩm nhất định?
  • Bạn đã ăn lượng thức ăn bao nhiêu trước khi phản ứng xảy ra?
  • Thực phẩm gây ra phản ứng đã được nấu chín hay còn sống?
  • Bạn có biết thức ăn đã được chuẩn bị như thế nào không?
  • Điều gì làm cải thiện các triệu?
  • Điều gì làm trầm trọng thêm các triệu chứng?

Bạn có thể làm gì trong thời gian chờ đợi

Nếu bạn nghi ngờ mình bị dị ứng thực phẩm nào đó, hãy tránh tiếp xúc hoàn toàn với thực phẩm này cho đến khi có chỉ định của bác sĩ. Nếu bạn ăn thức ăn và có phản ứng nhẹ, thuốc kháng histamine có thể giúp làm giảm các triệu chứng. Nếu bạn có phản ứng nghiêm trọng hơn và bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào của sốc phản vệ thì hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!