Dị ứng sữa đôi khi bị nhầm lẫn với chứng không dung nạp lactose vì thường có chung các triệu chứng. Tuy nhiên, hai bệnh này rất khác nhau. Lactose là một loại đường có trong sữa. Không dung nạp lactose xảy ra khi một người thiếu enzym lactase để chuyển hóa lactose ở ruột.
Sữa bò là nguyên nhân hàng đầu gây ra các phản ứng dị ứng ở trẻ nhỏ và là một trong tám loại thực phẩm gây ra 90% trường hợp dị ứng ở trẻ em. Bảy loại còn lại là trứng, đậu phộng, hạt cây, đậu nành, cá, động vật có vỏ và lúa mì.
Video hướng dẫn chăm sóc trẻ dị ứng sữa bò
Các triệu chứng của dị ứng sữa
Thường thì trẻ bị dị ứng sữa sẽ có phản ứng chậm – có nghĩa là các triệu chứng sẽ xuất hiện theo thời gian, từ vài giờ đến vài ngày sau đó. Các triệu chứng liên quan đến dị ứng sữa chậm bao gồm:
- Đau bụng
- Tiêu chảy (có thể chứa máu hoặc chất nhầy)
- Phát ban da
- Ho từng cơn
- Chảy nước mũi, viêm mũi xoang
- Kém phát triển (chậm tăng cân hoặc chiều cao)
Ngoài ra, các triệu chứng dị ứng sữa có thể xuất hiện nhanh chóng (trong vài giây đến vài giờ) như:
- Thở khò khè
- Nôn mửa
- Nổi mề đay
Mặc dù hiếm gặp nhưng trẻ bị dị ứng sữa có thể bị phản ứng nghiêm trọng gọi là phản vệ. Phản vệ gây sưng phù họng miệng, tụt huyết áp, khó thở, thậm chí dẫn đến ngừng tim. Người bị phản vệ cần được tiêm adrenaline và cấp cứu ngay lập tức.
Dị ứng sữa hạnh nhân
Chuyển từ sữa thông thường sang sữa hạnh nhân có thể thay đổi phản ứng dị ứng này sang phản ứng dị ứng khác. Các loại hạt cây như hạnh nhân (cùng với quả óc chó, hạt điều và quả hồ đào) đứng đầu trong danh sách tác nhân gây dị ứng. Ngoài ra, gần một nửa số người bị dị ứng với đậu phộng sẽ bị dị ứng với các loại hạt cây.
Không giống như dị ứng sữa bò, thường khỏi ở độ tuổi rất sớm, dị ứng hạt cây có xu hướng kéo dài suốt đời. Chỉ 9% trẻ em sẽ hết dị ứng với hạnh nhân và các loại hạt cây khác. Các triệu chứng của dị ứng hạt cây bao gồm:
- Ngứa
- Chàm hoặc phát ban
- Sưng tấy
- Buồn nôn
- Đau bụng
- Tiêu chảy
- Nôn
- Sổ mũi
- Thở khò khè
- Khó thở
Phản ứng sốc phản vệ với các loại hạt cây (và đậu phộng) cũng phổ biến hơn các loại dị ứng khác.
Dị ứng sữa đậu nành
Đậu nành là một trong những loại thực phẩm gây dị ứng hàng đầu. Vì vậy, theo dõi các triệu chứng dị ứng là rất quan trọng khi sử dụng đậu nành, đặc biệt ở trẻ em. Đậu nành, cùng với đậu phộng, đậu tây, đậu lăng và đậu Hà Lan đều thuộc họ đậu. Dị ứng đậu nành thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh.
Các triệu chứng của dị ứng đậu nành bao gồm:
- Đỏ mặt
- Ngứa
- Nổi mề đay
- Sổ mũi
- Thở khò khè
Các triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể bao gồm đau bụng, tiêu chảy và phù môi, lưỡi hoặc cổ họng. Trong một số trường hợp hiếm thì dị ứng đậu nành có thể dẫn đến sốc phản vệ.
Dị ứng sữa gạo
Gạo là loại ngũ cốc ít có khả năng gây ra phản ứng dị ứng nhất. Nhiều bậc cha mẹ chọn cho con mình uống sữa gạo thay vì sữa bò do lo ngại dị ứng. Hiện nay, trong khi dị ứng gạo là cực kỳ hiếm ở phương Tây thì tỉ lệ bệnh đã gia tăng ở các nước châu Á – nơi gạo là lương thực chính.
Các triệu chứng của dị ứng gạo bao gồm:
- Đỏ da
- Phát ban
- Nổi mề đay
- Sưng phù
- Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi
- Thở khò khè
- Sốc phản vệ
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Sữa mẹ
Nuôi con bằng sữa mẹ cung cấp nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ và giúp trẻ phát triển khả năng phòng vệ chống lại một số bệnh dị ứng. Tuy nhiên, người mẹ uống sữa bò sẽ truyền protein alpha S1- casein và whey cho con mình qua sữa mẹ. Điều này có thể gây ra phản ứng ở một em bé bị dị ứng với đạm sữa bò. Dị ứng sữa thường được phát hiện rất sớm ở trẻ sơ sinh bú sữa mẹ.
Tin tốt là trẻ bú sữa mẹ ít bị dị ứng và nhiễm trùng hơn trong năm đầu tiên so với trẻ bú sữa công thức. Hầu hết các bác sĩ khuyên các bà mẹ nên cho con bú ít nhất trong 6 tháng đầu đời của trẻ để giúp trẻ tránh bị dị ứng.
Sữa công thức dành cho trẻ bị dị ứng sữa
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều các loại sữa công thức ít gây dị ứng. Chúng bao gồm các sữa công thức thủy phân hoàn toàn – trong đó protein đã bị phân hủy nên ít có khả năng gây ra phản ứng hơn.
Loại sữa công thức ít gây dị ứng khác thường được sử dụng là sữa công thức acid amin. Protein trong loại sữa này được chia nhỏ hoàn toàn thành các đơn vị nhỏ nhất, được gọi là axit amin; điều này sẽ giúp ngăn chặn phản ứng dị ứng với sữa xảy ra.
Sữa đậu nành thường không được khuyến khích cho trẻ bị dị ứng với sữa bò. Sữa đậu nành không nên được sử dụng như một thức uống chính cho trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, nếu trẻ không bị dị ứng với sữa đậu nành và được chuyên gia y tế đề nghị sau thời gian 6 tháng tuổi thì trẻ vẫn có thể dùng.
Xem thêm:
- Dị ứng thực phẩm: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị
- Dị ứng với gia vị: Triệu chứng, chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa
- Dị ứng kem chống nắng: Triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
- Dị ứng bia: Triệu chứng, nguyên nhân, yếu tố rủi ro và phòng ngừa
- Nổi mề đay do nước: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị