Theo các chuyên gia y tế, vắc xin bảo vệ trẻ khỏi nhiều loại bệnh nghiêm trọng hoặc có khả năng gây tử vong, bao gồm:
- Thủy đậu
- Bạch hầu
Bệnh do Haemophilius influenzae týp b (Hib)
- Viêm gan A
- Viêm gan B
- Bệnh do virus HPV
- Sởi
- Viêm não mô cầu
- Quai bị
- Bệnh do phế cầu khuẩn
- Bại liệt
- Rotavirus
- Rubella
- Cúm mùa
- Đậu mùa
- Uốn ván
- Lao
- Ho gà
Những loại vắc xin này chứa một tác nhân bất hoạt hoặc một sinh vật sống bị suy yếu và giúp trẻ tạo ra các kháng thể để bảo vệ chống lại các bệnh nhiễm trùng cụ thể.
Mặc dù trẻ sơ sinh nhận được một số kháng thể miễn dịch từ mẹ, nhưng điều này chỉ kéo dài cho đến khi trẻ được khoảng 6 tháng tuổi. Tiêm phòng sớm cho trẻ là rất quan trọng vì trẻ có nguy cơ cao mắc các bệnh nguy hiểm khi còn nhỏ. Các bệnh như sởi và thủy đậu đe dọa tính mạng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Điều này làm cho việc tiêm phòng sớm - đôi khi bắt đầu ngay sau khi sinh - là điều cần thiết. Nếu bạn hoãn tiêm vắc xin cho đến khi trẻ lớn hơn, có thể đã quá muộn để bảo vệ tốt cho trẻ.
Nhiều bậc cha mẹ lo lắng về việc bé tiêm phòng và bị sốt sau khi tiêm vắc xin. Kể từ khi tiêm chủng được phát triển, đã có những rủi ro, bao gồm nguy cơ mắc bệnh hoặc các phản ứng phụ nghiêm trọng. Nhưng hầu hết các phản ứng phụ của vắc xin là rất nhẹ và những tác dụng phụ nghiêm trọng là khá hiếm. Việc sử dụng vắc xin từ khi còn bé về cơ bản đã chấm dứt một số bệnh có thể để lại di chứng nặng nề hoặc gây tử vong ở trẻ em.
Việc không tiêm phòng cho trẻ sơ sinh có thể dẫn đến các đợt dịch bệnh mới có thể gây hại - thậm chí gây chết người. Ví dụ, trước khi có vắc xin sởi, ở Hoa Kỳ có 3 - 4 triệu người mắc bệnh sởi mỗi năm, 48.000 người phải nhập viện và 400 - 500 người tử vong hàng năm. Bệnh bạch hầu là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong ở trẻ em trong độ tuổi đi học. Khoảng 4 triệu người mắc bệnh thủy đậu mỗi năm ở Hoa Kỳ, hơn 10.500 người trong số đó phải nhập viện và khoảng 100 - 150 người đã tử vong. Và bệnh ho gà - một căn bệnh gây khó thở, đã giết chết 8.000 người hàng năm trước khi vắc xin ho gà ra đời.
Mặc dù các mũi tiêm có thể gây khó chịu cho trẻ (thậm chí là cả bố mẹ của trẻ), nhưng cũng có nhiều cách được xác nhận để làm giảm đau cho trẻ trong và sau quá trình tiêm phòng. Dưới đây là một số biện pháp giúp hỗ trợ trẻ trong quá trình tiêm chủng:
Video: Bí kíp để con đi tiêm phòng không đau, không khóc nhè
Ôm sát trẻ khi tiêm
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nhi khoa, bố mẹ nên ở bên cạnh để có thể đánh lạc hướng và trấn an bé trong khi tiêm. Hãy bế và giữ em bé chắc chắn để phần trên cánh tay hoặc đùi bé lộ ra và bác sĩ có thể tiêm thuốc. Nếu trẻ lớn hơn một chút thì trẻ có thể ngồi trong lòng bố mẹ, đối mặt với bố mẹ.
Cho trẻ bú để giảm đau khi tiêm
Cho bé bú có thể giúp giảm đau do tiêm. Một nghiên cứu gần đây cho thấy trẻ bú mẹ trong thời gian tiêm phòng sẽ ít khóc hơn. Tuy nhiên, không khuyến cáo các bậc phụ huynh cho trẻ ăn trước khi tiêm phòng, vì trẻ sơ sinh có thể dễ bị nôn trớ trong khi tiêm nếu vừa ăn xong.
Một chút nước đường có thể giúp giảm đau với trẻ dưới 6 tháng
Vị ngọt của đường có thể giúp giảm đau do tiêm chủng, đặc biệt với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng. Hãy thử cho trẻ uống một ít nước đường trước khi tiêm phòng, hoặc nhúng núm vú giả vào chất lỏng ngọt và để trẻ ngậm trong khi tiêm.
Các lựa chọn thay thế kim tiêm dành cho trẻ sơ sinh
Trong một số tình huống, bác sĩ có thể giảm đau khi tiêm chủng bằng cách sử dụng thiết bị không có kim tiêm, chẳng hạn như thiết bị sử dụng khí nén để đưa thuốc vào da. Bạn có thể hỏi liệu đây có phải là một lựa chọn cho con bạn hay không, nhưng nói chung chúng được sử dụng khi nhiều bệnh nhân được tiêm chủng cùng một lúc.
Đánh lạc hướng trẻ
Đánh lạc hướng trẻ là một trong những bước quan trọng nhất bố mẹ có thể làm để giảm đau cho trẻ khi tiêm chủng. Hãy mang theo một món đồ mà bạn biết sẽ thu hút sự chú ý của trẻ như đồ chơi, chăn, sách bé yêu thích.
Sử dụng thuốc tê ngoài da
Các chất xoa bóp làm tê da, chẳng hạn như kem EMLA (hỗn hợp thuốc gây tê cục bộ), có thể giúp giảm đau do tiêm chủng. Nhưng EMLA có thể mất khoảng một giờ để có tác dụng. Thuốc xịt tê bằng cách làm lạnh da cũng có thể hữu ích - và có tác dụng sau vài giây. Nếu bố mẹ lo lắng về cơn đau do tiêm vắc xin thì hãy hỏi bác sĩ xem liệu có kem làm tê không.
Xoa da của trẻ sau khi tiêm
Sau khi tiêm phòng, hãy xoa nhẹ vùng da của bé gần vùng tiêm (không xoa trực tiếp vào vết tiêm). Sự kích thích gây mất tập trung từ việc xoa bóp nhẹ có thể khiến bé không cảm thấy đau nhiều. Một nghiên cứu ở người lớn cho thấy chỉ cần 10 giây xoa bóp sau khi tiêm có thể giúp giảm đau hơn. Một nghiên cứu khác cho thấy áp lực lên da trước khi tiêm cũng có thể làm giảm cơn đau.
Các mũi tiêm vắc xin kết hợp
Có thể kết hợp tiêm vắc xin cho một số bệnh trong một mũi tiêm duy nhất để giảm số lần tiêm cho trẻ, giúp giảm đau khi tiêm chủng. Ví dụ hiện nay có vắc xin 6 trong 1, là vacxin phối hợp có khả năng phòng được 6 bệnh nguy hiểm có khả năng gây tử vong ở trẻ, bao gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, Hib. Các chuyên gia khuyến cáo nên sử dụng vắc xin phối hợp cho trẻ bất cứ khi nào có thể.
Dùng thử paracetamol để ngăn ngừa sốt sau khi tiêm chủng
Cho trẻ dùng paracetamol ngay trước khi tiêm có thể giúp giảm đau và hạ sốt sau khi tiêm chủng. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng việc sử dụng paracetamol để ngăn ngừa sốt có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin. Nếu bạn không chắc chắn, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ.
Bố mẹ hãy giữ bình tĩnh trong khi tiêm phòng cho trẻ
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng hành vi của cha mẹ chiếm khoảng 50% cảm giác đau mà em bé cảm thấy trong khi tiêm. Các bậc cha mẹ thường lo lắng nhiều về việc trẻ sẽ bị đau do tiêm chủng. Hãy yên tâm khi biết rằng cơn đau do tiêm chủng mà con bạn cảm thấy sẽ chỉ kéo dài trong chốc lát, nhưng khả năng bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật sẽ kéo dài trong nhiều năm.
Xem thêm: