Đau mắt đỏ ở trẻ nhỏ: Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp điều trị

Đau mắt đỏ là một trong những bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ gây nên nỗi lo lắng cho nhiều bậc cha mẹ. Giống như người lớn, trẻ nhỏ cũng có thể bị đau mắt đỏ. Thậm chí, trẻ sơ sinh cũng có thể mắc phải tình trạng này.

Video: Đau mắt đỏ: nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Đau mắt đỏ, trong y học là gọi là viêm kết mạc, là tình trạng kích ứng của lớp niêm mạc mắt (kết mạc) do nhiễm trùng hoặc các tác nhân gây viêm. Đây thường là một tình trạng nhẹ và có thể tự khỏi.

Một số trường hợp đau mắt đỏ có thể diễn biến nặng hơn, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh. Trẻ cần được điều trị đặc hiệu để tránh những biến chứng của bệnh.

Bài viết này cung cấp cho bạn những thông tin cần biết về bệnh đau mắt đỏ ở trẻ nhỏ và các cách xử trí, chăm sóc tại nhà.

Những dấu hiệu sớm của đau mắt đỏ

Trước khi xuất hiện tình trạng đau mắt đỏ một hoặc hai bên, có thể có một số dấu hiệu tiền triệu cho thấy mắt của bé sắp bị tổn thương. Trẻ có thể bị đau mắt đỏ trong hoặc ngay sau khi bị nhiễm trùng tai hoặc viêm họng. Một số dấu hiệu sớm như chảy nước mũi, hắt hơi xuất hiện trước khi đau mắt đỏ.

Các dấu hiệu sớm khác có thể gặp như:

  • Sưng nề mí mắt 
  • Mí mắt đỏ
  • Chảy nước mắt
  • Trẻ đưa tay dụi mắt nhiều hơn bình thường
  • Mắt bị đóng màng hoặc có nhiều gỉ mắt (ghèn mắt)
  • Quấy khóc hoặc khóc nhiều hơn bình thường
  • Ngủ nhiều hơn 
  • Trẻ ít hoạt động hơn 
  • Trẻ bám mẹ hơn 
  • Trẻ ăn kém, hoặc bỏ bú
  • Các triệu chứng tiêu hóa như tiêu chảy hoặc táo bón

Các triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ ở trẻ nhỏ

Mắt có màu hồng, đỏ trong viêm kết mạc. Nguồn: Medical News TodayMắt có màu hồng, đỏ trong viêm kết mạc. Nguồn: Medical News Today

Các triệu chứng của bệnh sẽ xuất hiện như: Mắt có màu hồng, đỏ ở phần củng mạc (lòng trắng), dấu hiệu này rất dễ nhận ra. Giống như ở người lớn, đau mắt đỏ ở trẻ nhỏ  cũng có thể gây ra các triệu chứng khác.

Trẻ sơ sinh cũng có thể có các triệu chứng đau mắt đỏ, xuất hiện sớm nhất là vài ngày sau khi sinh. Ngoài ra đau mắt đỏ có thể xuất hiện vào bất kỳ thời điểm nào trong một tháng đầu đời.

Đau mắt đỏ có thể gây ra các triệu chứng hơi khác nhau ở mỗi trẻ. Các triệu chứng có thể gặp như:

  • Sưng nề mí mắt
  • Ngứa mắt hoặc kích ứng mắt
  • Đau mắt
  • Chớp mắt nhiều
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Xuất tiết dịch nhày dính ở một hoặc cả hai mắt
  • Gỉ mắt
  • Mí mắt bị dính vào nhau khi thức dậy
  • Có nhọt, mọc lẹo ở trên mí mắt (đây là trường hợp nghiêm trọng, cần đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt)

Khi nào cần đi khám?

Mọi trường hợp nhiễm trùng mắt ở trẻ nhỏ đều nên đi khám để loai trừ bệnh nặng. Nguồn: Verywell FamilyMọi trường hợp nhiễm trùng mắt ở trẻ nhỏ đều nên đi khám để loai trừ bệnh nặng. Nguồn: Verywell Family

Mọi nhiễm trùng mắt xảy ra ở trẻ nhỏ đều nên đi khám để loại trừ những trường hợp nghiêm trọng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe đôi mắt. Đôi mắt của trẻ nhỏ vốn rất nhạy cảm, vì vậy cha mẹ cần thận trọng với các triệu chứng nghi ngờ.

Mức độ nặng của bệnh tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và độ tuổi của em bé. Đau mắt đỏ ở trẻ nhỏ thường nhẹ và sẽ tự khỏi sau 1 hoặc 2 ngày mà không cần điều trị. Đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh luôn luôn cần đi khám để được bác sĩ kiểm tra. Nhiễm trùng gây đau mắt đỏ có thể là tình trạng nặng, cần được điều trị bằng thuốc. Việc không điều trị hoặc chậm trễ điều trị có thể làm hỏng mắt của trẻ, giảm thị lực và các vấn đề khác.

Chăm sóc tại nhà cho trẻ bị đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ có thể dễ dàng lây lan từ mắt này sang mắt kia và sang người khác (kể cả cha mẹ) trong một số trường hợp. Vì thế, trẻ bị đau mắt đỏ cần thường xuyên rửa tay bằng nước ấm và xà phòng. Tránh để cho trẻ chạm tay vào mặt và mắt của bạn.

Thật khó để khiến cho trẻ ngừng dụi mắt hoặc tự đưa tay lên mặt của mình. Nếu em bé bị đau mắt đỏ, bạn nên đeo găng tay cho trẻ. Nếu trẻ định dụi mắt, có thể đánh lạc hướng trẻ bằng đồ chơi hoặc cho xem TV một chút (cho phép xem thêm TV vào ngày chữa bệnh!).

Một số biện pháp điều trị tại nhà có thể giúp dịu bớt sự khó chịu và giảm triệu chứng đau mắt cho bé, nhưng chúng thực sự không thể điều trị khỏi được bệnh. Lau sạch mắt và mặt của bé, lau gỉ mắt và chất tiết vùng khóe mắt bằng khăn ấm. Vệ sinh mắt sạch sẽ cũng giúp mở thông, tránh tắc tuyến lệ.

Cách vệ sinh mắt: Sử dụng một miếng gạc ướt vô trùng, lau xung quanh bên ngoài hai mắt. Chỉ cần làm theo các bước sau:

  • Nước đun sôi, để nguội đến nhiệt độ phòng.
  • Rửa tay bằng nước ấm và xà phòng.
  • Nhúng miếng gạc hoặc khăn vô trùng vào nước, vắt hết nước thừa.
  • Lau nhẹ nhàng vùng ngoài hai mắt, khóe mắt của bé.
  • Vứt bỏ miếng gạc đã dùng
  • Lấy một miếng gạc vô trùng khác, tiếp tục lau và chấm vào mắt.
  • Không sử dụng cùng một miếng gạc cho cả hai mắt.

Nếu trẻ có biểu hiện bị đau mắt đỏ nhẹ nhiều lần, hãy kiểm tra bột giặt, dầu gội đầu, xà phòng và các dụng cụ vệ sinh xung quanh nhà. Đây có thể là tác nhân gây viêm kết mạc do hóa chất. Nếu trẻ bị kích ứng với chất tẩy rửa, chỉ sử dụng sản phẩm tự nhiên và xà phòng thân thiện với bé. Cũng nên cho bé mặc quần áo làm từ bông không tẩy trắng và các loại vải tự nhiên khác.

Tránh sử dụng bất kỳ loại thuốc nhỏ mắt nào cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ. Thuốc nhỏ mắt tự nhiên hoặc nhân tạo có thể hiệu quả với người lớn, nhưng chúng có thể không an toàn cho trẻ sơ sinh và trẻ bú mẹ. Thuốc nhỏ mắt nhân tạo chứa các thành phần bao gồm hóa chất, như:

  • Belladonna (đây thực sự là từ một loại cây độc!)
  • Euphrasia
  • Hepar sulphuris
  • Borate
  • Bạc sunfat
  • Natri nitrat

Điều trị bệnh đau mắt đỏ

Điều trị đau mắt đỏ ở trẻ nhỏ lâu hay nhanh tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu bé bị viêm kết mạc do vi khuẩn, bé có thể cần dùng kháng sinh. Điều trị kháng sinh trong viêm kết mạc ở trẻ nhỏ thường rất hiếm, nhưng cũng có thể cần trong một số trường hợp. Sử dụng thuốc kháng sinh theo đơn, với các dạng sau:

  • Sử dụng thuốc kháng sinh dạng riro, đường uống
  • Thuốc nhỏ mắt, thuốc mỡ hoặc gel kháng sinh
  • Thuốc kháng sinh đường tĩnh mạch tại bệnh viện

Nếu nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ là do virus, dị ứng hoặc kích ứng thì không thể điều trị bằng thuốc kháng sinh. Bệnh do nhiễm virus thường tự khỏi sau 1 đến 2 tuần. Triệu chứng mắt đỏ sẽ biến mất nhanh chóng chỉ sau vài ngày.

Nguyên nhân gây đau mắt đỏ ở trẻ nhỏ

Trẻ sơ sinh có thể bị đau mắt đỏ vì những nguyên nhân khác so với trẻ bú mẹ và trẻ ở lứa tuổi biết đi. Trẻ sơ sinh có thể bị đau mắt đỏ do:

  • Tắc tuyến lệ
  • Kích ứng
  • Nhiễm trùng
  • Thuốc nhỏ mắt trong bệnh viện 

Nếu trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ do nhiễm trùng, tình trạng có thể trở nặng và gây biến chứng nếu không được điều trị. Các loại nhiễm trùng do vi khuẩn và virus thường gặp ở trẻ sơ sinh như:

  • Chlamydia
  • Lậu cầu
  • HPV (virus gây u nhú ở người)

Đây có thể là nhiễm trùng nặng cần được điều trị kịp thời.

Trẻ lớn hơn và trẻ mới biết đi có thể bị đau mắt đỏ do kích ứng cọ xát và phản ứng dị ứng. Dị ứng theo mùa với phấn hoa hoặc dị ứng quanh năm với lông động vật và bụi có thể là tác nhân gây ra kích ứng. Cần giữ trẻ tránh xa khỏi các dị nguyên. Thử loại bỏ màn và thảm khỏi nhà hoặc tránh cho trẻ ra ngoài trời khi có nhiều phấn hoa trong không khí.

Phòng bệnh đau mắt đỏ ở trẻ nhỏ

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng sinh để điều trị viêm kết mạc cho trẻ. Điều này là do trong một số trường hợp hiếm hoi, nhiễm trùng có thể đã lây truyền từ cha mẹ sang con, có thể là vô tình xảy ra trong khi sinh. Trong trường hợp này, điều trị kháng sinh sẽ vừa giúp loại bỏ vi khuẩn gây nhiễm trùng, vừa ngăn ngừa đau mắt đỏ tái phát. 

Trong các trường hợp khác, bác sĩ có thể chỉ định làm test lẩy da, hoặc xét nghiệm panel dị nguyên để xác định căn nguyên gây đau mắt đỏ do dị ứng. Dự phòng các phản ứng dị ứng có thể giúp tránh tái phát bệnh đau mắt đỏ.

Mặt khác, nên có thói quen thực hành vệ sinh đôi mắt và mặt tốt, đặc biệt với trẻ có thói quen dụi mắt, đây là biện pháp phòng bệnh tốt nhất. Tuy nhiên, đôi khi trẻ cũng không thể tránh khỏi bị đau mắt đỏ.

Những điểm cần nhớ khi trẻ bị đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh khá là phổ biến, trong một số trường hợp có thể trở nên nghiêm trọng. Khi đó, trẻ cần được điều trị bằng thuốc để loại bỏ nhiễm trùng.

Trong một số trường hợp, nhiễm trùng có thể lây truyền từ mẹ sang con. Khi đó, cả hai đều cần được điều trị.

Đau mắt đỏ ở trẻ lớn hơn và trẻ mới biết đi thường nhẹ. Nguyên nhân có thể là do: Kích ứng hóa chất, do dị ứng, hoặc do cảm cúm.

Để an toàn và chắc chắn, hãy đưa trẻ đi khám khi có tình trạng đau mắt đỏ hoặc nhiễm trùng tại vùng mắt.

Xem thêm:

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!