Viêm gan A: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa

Viêm gan A là bệnh gây tổn thương gan do vi rút viêm gan A gây ra.

Nguồn nhiễm vi rút viêm gan A có thể từ thức ăn, nước uống bị ô nhiễm hoặc do tiếp xúc gần với người hoặc vật bị nhiễm bệnh. Các trường hợp viêm gan A nhẹ không cần điều trị. Hầu hết những người bị nhiễm bệnh đều tự khỏi mà không có tổn thương gan dai dẳng kéo dài.

Video Bệnh viêm gan A lây truyền qua đường nào?

Giữ an toàn vệ sinh thực phẩm là biện pháp chủ yếu để phòng bệnh, trong đó quan trọng nhất là rửa tay thường xuyên. Bên cạnh đó, những người có nguy cơ cao mắc bệnh cần tiêm vắc xin phòng bệnh.

Triệu chứng của viêm gan A

Các triệu chứng của viêm gan A thường xuất hiện sau khi nhiễm vi rút vài tuần. Tuy nhiên, có những trường hợp bị viêm gan A mà không biểu hiện triệu chứng. Một số triệu chứng thường gặp là:

  • Mệt mỏi
  • Buồn nôn và nôn
  • Đau hoặc khó chịu ở bụng, đặc biệt là vùng hạ sườn phải
  • Phân màu đất sét (màu xám)
  • Mất cảm giác ngon miệng
  • Sốt nhẹ
  • Nước tiểu vàng đậm
  • Đau khớp
  • Vàng da, vàng mắt
  • Ngứa toàn thân 

Đau vùng hạ sườn phải là một trong những triệu chứng của viêm gan A(Nguồn ảnh: https://familydoctor.org)

Các triệu chứng này có thể tương đối nhẹ và hết sau vài tuần. Tuy nhiên, có một tỉ lệ nhỏ người nhiễm viêm gan A tiến triển và kéo dài triệu chứng đến hàng tháng.

Dấu hiệu cần đi khám

Bất cứ khi nào có các triệu chứng của bệnh viêm gan A đều cần đến khám chuyên khoa.

Tiêm vắc-xin viêm gan A hoặc tiêm globulin miễn dịch (kháng thể) trong vòng hai tuần kể từ khi tiếp xúc với nguồn lây viêm gan A có thể bảo vệ khỏi bị nhiễm vi rút. Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc tiêm vắc xin trong các trường hợp:

  • Gần đây bạn đã ra nước ngoài, đặc biệt là đến Mexico, Nam Mỹ, Trung Mỹ, hoặc đến các khu vực có điều kiện vệ sinh kém.
  • Một nhà hàng nơi bạn ăn gần đây báo cáo có đợt bùng phát bệnh viêm gan A
  • Một người nào đó sống cùng hoặc làm cùng với bạn được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan A
  • Gần đây bạn có quan hệ tình dục với người bị viêm gan A

Nguyên nhân gây viêm gan A

Khi bị nhiễm vi rút viêm gan A, vi rút xâm nhập và phá huỷ tế bào gan, gây nên tình trạng viêm. Tình trạng viêm có thể làm suy giảm chức năng gan và gây ra các triệu chứng của bệnh.

Bạn bị nhiễm bệnh khi ăn hoặc uống thứ gì đó bị nhiễm vi rút, thậm chí chỉ với một lượng nhỏ. Vi rút không lây lan qua giọt bắn được tạo thành khi hắt hơi hoặc ho.

Dưới đây là một số ví dụ cụ thể mà vi rút viêm gan A có thể lây lan:

  • Ăn thức ăn do người bị viêm gan A cầm nắm mà không rửa tay kỹ sau khi đi vệ sinh
  • Uống nước bị nhiễm vi rút
  • Ăn động vật có vỏ sống từ nguồn nước bị nhiễm vi rút
  • Tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh - ngay cả khi người đó không có dấu hiệu hoặc triệu chứng
  • Quan hệ tình dục với người có vi rút

Các yếu tố nguy cơ của viêm gan A

Đi du lịch hoặc làm việc ở các khu vực trên thế giới nơi bệnh viêm gan A phổ biến

  • Làm việc tại trường mầm non
  • Sống với một người khác bị viêm gan A
  • Quan hệ tình dục nam - nam
  • Quan hệ tình dục với người bị viêm gan A
  • Nhiễm HIV
  • Vô gia cư
  • Bị rối loạn yếu tố đông máu (hemophilia...)
  • Sử dụng bất kỳ loại ma túy bất hợp pháp nào (không chỉ những loại dùng qua đường tiêm)

Biến chứng của viêm gan A

Không giống như các loại viêm gan do vi rút khác, viêm gan A không gây tổn thương gan lâu dài và không trở thành mạn tính.

Trong một số trường hợp hiếm hoi, viêm gan A có thể gây mất chức năng gan cấp tính, đặc biệt là ở người lớn tuổi hoặc những người mắc bệnh gan mạn tính. Suy gan cấp cần nằm viện để theo dõi và điều trị. Một số người bị suy gan cấp tính có thể cần ghép gan.

Phòng bệnh viêm gan A

Vắc xin phòng viêm gan A có thể ngăn ngừa nhiễm vi rút. Vắc xin này thường được tiêm hai mũi, cách nhau 6 tháng.

Chuyên gia khuyến cáo nên tiêm phòng vắc xin viêm gan A cho những người sau:

  • Tất cả trẻ em từ 1 tuổi trở lên chưa được chủng ngừa
  • Bất kỳ ai từ 1 tuổi trở lên trong tình trạng vô gia cư
  • Trẻ sơ sinh từ 6 đến 11 tháng tuổi đi du lịch nước ngoài
  • Gia đình nhận nuôi hoặc chăm sóc người từ các quốc gia nơi bệnh viêm gan A phổ biến
  • Những người tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh viêm gan A
  • Nhân viên phòng xét nghiệm có thể tiếp xúc với bệnh viêm gan A
  • Nam quan hệ tình dục đồng giới
  • Những người làm việc hoặc đi du lịch ở những nơi trên thế giới có bệnh viêm gan A phổ biến
  • Những người sử dụng bất kỳ loại ma túy bất hợp pháp nào, không chỉ những loại ma túy được tiêm
  • Người bị bệnh rối loạn yếu tố đông máu
  • Người bị bệnh gan mãn tính, bao gồm cả viêm gan B hoặc viêm gan C
  • Bất kỳ ai có nhu cầu

Một số trường hợp cần tiêm phòng vắc xint viêm gan A (Nguồn ảnh: https://ccphohio.org)Nếu bạn lo lắng về nguy cơ mắc bệnh viêm gan A, trao đổi với bác sĩ về khả năng cần tiêm vắc xin phòng bệnh.

Tuân thủ các biện pháp phòng bệnh khi đi du lịch, đặc biệt là vùng có dịch viêm gan A đang lưu hành:

  • Tự gọt vỏ và rửa tất cả trái cây tươi, rau củ.
  • Không ăn thịt và cá sống hoặc nấu chưa chín.
  • Uống nước đóng chai và dùng nước đóng chai để đánh răng.
  • Tránh tất cả đồ uống không rõ chất lượng.
  • Nếu không có nước đóng chai, hãy đun sôi nước máy trước khi uống.

Giữ gìn vệ sinh cá nhân

Thường xuyên rửa tay đúng quy cách, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh hoặc thay tã và trước khi chế biến thức ăn, đồ uống.

Chẩn đoán bệnh viêm gan A

Viêm gan A chủ yếu được chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm máu.

Điều trị bệnh viêm gan A

Không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh viêm gan A. Cơ thể bệnh nhân sẽ tự loại bỏ vi rút. Trong hầu hết các trường hợp tổn thương gan sẽ lành trong vòng sáu tháng mà không để lại di chứng.

Điều trị viêm gan A thường tập trung vào việc điều trị triệu chứng như:

  • Nghỉ ngơi: nhiều người bệnh bị nhiễm viêm gan A cảm thấy mệt mỏi. Do đó cần nghỉ ngơi, tránh làm việc quá sức.
  • Giảm cảm giác buồn nôn. Cảm giác buồn nôn có thể khiến người bệnh chán ăn. Chia bữa ăn lớn thành các bữa nhỏ để có đủ calo, ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng calo cao. Người bệnh có thể uống nước trái cây hoặc sữa thay vì uống nước. Bổ sung đủ nước là điều quan trọng để ngăn ngừa tình trạng mất nước nếu xảy ra nôn mửa.
  • Tránh uống rượu và sử dụng thuốc thận trọng. Chức năng gan có thể suy giảm thêm nếu phải tăng hoạt động để chuyển hoá rượu và thuốc. Nếu bị viêm gan, tuyệt đối không uống rượu. Nó có thể gây tổn thương gan nhiều hơn. Trao đổi với bác sĩ về tất cả các loại thuốc đang dùng, bao gồm cả thuốc không kê đơn.

Thực hiện các biện pháp tránh lây bệnh cho người khác:

  • Tránh hoạt động tình dục. Tránh tất cả các hoạt động tình dục nếu bạn bị viêm gan A. Bao cao su không đảm bảo ngăn lây truyền viêm gan A qua đường tình dục.
  • Rửa tay thật sạch sau khi đi vệ sinh và thay tã. Mỗi bước rửa tay ít nhất 20 giây và rửa sạch. Lau khô tay bằng khăn dùng một lần.
  • Không chuẩn bị thức ăn cho người khác khi bạn đang bị nhiễm bệnh. 

Lưu ý

Nếu người sống cùng bạn được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan A, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ xem bạn có nên chủng ngừa viêm gan A để ngăn ngừa lây nhiễm hay không.

Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm gan A, cần đi khám chuyên khoa

Trao đổi với bác sĩ đầy đủ thông tin (Nguồn ảnh: https://www.ldnscience.org)

Trước khi đi khám, bạn cần chuẩn bị:

  • Viết ra các triệu chứng. Bao gồm những điều dường như không liên quan đến lý do đến khám.
  • Liệt kê các loại thuốc, vitamin và chất bổ sung đang sử dụng.
  • Cân nhắc đưa một thành viên gia đình hoặc bạn bè đi cùng. Ai đó đi cùng bạn có thể nhớ điều gì đó mà bạn đã bỏ lỡ hoặc quên.

Chuẩn bị các câu hỏi cần bác sĩ tư vấn. Đối với nhiễm viêm gan A, một số câu hỏi cơ bản cần hỏi bác sĩ là:

  • Nguyên nhân gây ra các triệu chứng của tôi?
  • Ngoài nguyên nhân có thể xảy ra nhất, những nguyên nhân khác có thể là gì?
  • Nếu tôi bị viêm gan A, tôi có thể làm gì để tránh lây nhiễm cho người khác?
  • Những người thân cận với tôi có nên chủng ngừa viêm gan A không?
  • Tôi có thể tiếp tục đi làm hoặc đi học khi đang bị viêm gan A không?
  • Những dấu hiệu và triệu chứng của các biến chứng viêm gan A nghiêm trọng là gì?
  • Làm sao tôi biết được khi nào tôi không còn khả năng lây bệnh viêm gan A cho người khác nữa?
  • Tôi có thể đọc thêm tài liệu về viêm gan A ở đâu?
  • Đừng ngần ngại hỏi những câu hỏi khác mà bạn thắc mắc.

Bác sĩ có thể sẽ hỏi bạn một số câu hỏi, bao gồm:

  • Các triệu chứng của bạn bắt đầu khi nào?
  • Bạn có các triệu chứng liên tục, hay chúng đến và biến mất?
  • Các triệu chứng của bạn nghiêm trọng như thế nào?
  • Nếu có, điều gì dường như cải thiện hoặc làm nặng hơn các triệu chứng của bạn?

Xem thêm:

Câu hỏi liên quan

Xét nghiệm viêm gan A là một xét nghiệm máu để kiểm tra chỉ số kháng thể IgM và IgG anti-HAV có tồn tại trong huyết tương.
Xem thêm
Trẻ em trên 1 tuổi. Mũi đầu tiên của vắc - xin ngừa viêm gan virus A cho trẻ là khi trẻ đủ 12 tháng tuổi tới trước khi trẻ được 24 tháng tuổi.
Xem thêm
Chi phí một mũi vắc-xin viêm gan A dao động từ 200.000- 600.000 đồng.
Xem thêm
Đường tiêu hóa( đường phân miệng ); Đường máu
Xem thêm
Bệnh viêm gan A là bệnh nhiễm trùng gan cấp tính do virus viêm gan A gây ra. Bệnh khiến cho các tế bào của gan bị tổn thương nên làm suy giảm các hoạt động và chức năng của gan.
Xem thêm
Virus viêm gan A không gây ra viêm mãn tính. Thời gian phát bệnh không kéo dài quá 6 tháng và hiếm khi gây chết người. Tuy nhiên hiện tại chưa có phương pháp đặc trị cho người bệnh viêm gan A.
Xem thêm
Bệnh viêm gan A là bệnh lý lây lan qua đường ăn uống. Nếu nguồn nước không đảm bảo vệ sinh hoặc ô nhiễm dễ khiến bạn nhiễm viêm gan A.
Xem thêm
Tuy bệnh viêm gan A không nguy hiểm nhưng hiện nay bệnh vẫn chưa có phác đồ điều trị cụ thể.
Xem thêm
Vắc-xin phòng viêm gan A đã giúp giảm thiểu đáng kể số lượng ca mắc bệnh trên toàn thế giới. Ở Việt Nam chưa có thống kê cụ thể. Tuy nhiên, có thể tham khảo, tại Hoa Kỳ, lượng người nhiễm virus HAV đã giảm tới 95% kể từ khi vắc-xin phòng viêm gan A được đưa vào sử dụng năm 1995. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến tháng 6 năm 2016 đã có 16 quốc gia đưa vắc-xin viêm gan A vào chương trình tiêm chủng Quốc gia. Vắc-xin phòng viêm gan A có chứa virus viêm gan A đã được phân lập và làm bất hoạt (ngừng hoạt động). Khi tiêm vào cơ thể, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ nhận biết và sinh ra các kháng thể. Sau khi đã có kháng thể, cơ thể chúng ta sẽ “ghi nhớ” loại virus này. Nếu trong quá trình sống, tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ lây nhiễm, virus viêm gan A xâm nhập vào cơ thể, các tế bào sẽ có thể nhận biết và sản sinh nhanh chóng kháng thể chống lại virus viêm gan A, virus sẽ không có cơ hội để nhân lên và gây bệnh. Nhờ đó, người đã tiêm vắc-xin phòng viêm gan A trước đó sẽ không bị mắc bệnh. Vắc-xin phòng viêm gan A cũng được ghi nhận là chế phẩm an toàn bởi tác dụng phụ nghiêm trọng là rất hiếm, tác dụng phụ nhẹ có thể tự hết sau vài ngày hoặc thậm chí không có. Các tác dụng phụ thường gặp có thể là: Đau, sưng hoặc đỏ tại chỗ tiêm; sốt, đau đầu, mệt mỏi, đau cơ, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy... thường rất hiếm gặp.
Xem thêm
Xét nghiệm viêm gan A là xét nghiệm máu, kiểm tra chỉ số kháng thể IgG (Anti HAV-IgG) và kháng thể IgM (Anti HAV-IgM) tồn tại trong huyết tương. Khi kết quả xét nghiệm dương tính với HAV, cần làm các xét nghiệm kiểm tra chức năng gan, để chẩn đoán giai đoạn bệnh và đưa ra các biện pháp điều trị phù hợp. Khi có các biểu hiện lâm sàng đặc trưng nghi ngờ nhiễm viêm gan A, bạn nên chủ động đến các cơ sở y tế làm xét nghiệm. Xét nghiệm này giúp phát hiện bệnh, theo dõi mức độ bệnh, kiểm tra sau khi điều trị viêm gan A.
Xem thêm
Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Viêm gan A
Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!