Video nguyên nhân trẻ bị đau mắt đỏ? Cách xử trí?
Viêm kết mạc có thể do nhiễm trùng, dị ứng với một số tác nhân hoặc một số chất kích thích khác. Bệnh đau mắt đỏ do vi khuẩn và virus sẽ rất dễ lây lan.
Các triệu chứng đau mắt đỏ ở trẻ nhỏ
- Củng mạc mắt (lòng trắng của mắt) và lớp niêm mạc bên trong của mí mắt sẽ bị sung huyết, có màu đỏ
- Tăng tiết dịch, chảy nước mắt, gỉ mắt
- Mí mắt sưng nề, cộm vùng lông mi.
Cần đưa trẻ đi khám hoặc tham vấn ý kiến của bác sĩ khi mẹ nhận thấy các triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ. Việc điều trị kịp thời rất quan trọng nhằm ngăn ngừa biến chứng hiếm gặp của nhiễm trùng mí mắt và mô mềm xung quanh mắt, và hạn chế sự lây lan của vi trùng.
Ở trẻ sơ sinh có thể gặp một loại viêm kết mạc tồn tại trong thời gian ngắn, gây ra do phản ứng với thuốc nhỏ mắt cho trẻ sơ sinh. Trẻ sẽ có các triệu chứng như: Củng mạc mắt đỏ nhẹ, sưng nề mí mắt nhưng sẽ mất đi nhanh sau khi nhỏ mắt.
Nguyên nhân gây đau mắt đỏ ở trẻ nhỏ
Dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây ra bệnh đau mắt đỏ ở trẻ nhỏ:
Do vi rút: Nếu trẻ bị đau mắt đỏ có kèm các triệu chứng cảm lạnh, rất có thể đây là nhiễm trùng do virus. Virus là căn nguyên phổ biến nhất của bệnh viêm kết mạc.
Vi khuẩn: Nếu mắt bé tiết dịch vàng đặc khiến mí mắt sưng lên, hai bờ mi dính vào nhau, có lẽ nguyên nhân là do vi khuẩn như tụ cầu, liên cầu, hoặc vi khuẩn hemophilus gây ra. Ngoài ra còn có một dạng viêm kết mạc mắt nghiêm trọng do vi khuẩn gây ra được gọi là viêm kết mạc trẻ sơ sinh xảy ra trong những ngày đầu sau sinh. Bệnh xảy ra ở trẻ sơ sinh tiếp xúc với lậu cầu hoặc vi khuẩn chlamydia trong khi sinh qua đường âm đạo ở người mẹ bị nhiễm lậu cầu.
Chất gây dị ứng: Các phản ứng dị ứng thường hiếm gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Các biểu hiện có thể gặp như: mắt bé có vẻ bị ngứa, mí mắt sưng nề, mắt đỏ ngầu, chảy nước mắt kèm chảy nước mũi. Nguyên nhân dị ứng có thể gặp là bụi, phấn hoa hoặc khói thuốc.
Thuốc nhỏ mắt cho trẻ sơ sinh: Đối với trẻ sơ sinh, thuốc nhỏ mắt cho trẻ sơ sinh giúp ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn nhưng chúng cũng có thể gây kích ứng mắt. Tình trạng này được gọi là viêm kết mạc do hóa chất.
Tắc tuyến lệ: Có khoảng hơn 20% trẻ sinh ra có hiện tượng tắc tuyến lệ ở một hoặc cả hai mắt. Tắc tuyến lệ có thể dẫn đến các triệu chứng giống như viêm kết mạc, chẳng hạn như tiết dịch màu trắng hoặc vàng, hoặc viêm kết mạc toàn phát.
Một số loại chất gây kích ứng khác: Là các chất có thể gây kích ứng mắt và niêm mạc mí mắt, như: khói, bụi, nước mưa, chất clo trong bể bơi.
Điều trị đau mắt đỏ như thế nào?
Trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ cần đi khám sớm hoặc cần hỏi ý kiến của bác sĩ ngay. Đây có thể là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh. Bác sĩ sẽ khám mắt cho bé và hỏi về các triệu chứng của bé để loại trừ tình trạng nặng hoặc điều trị bệnh nếu có. Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân đau mắt đỏ:
Viêm kết mạc do virus
Viêm kết mạc do vi rút gây ra thường tự hết sau một tuần hoặc lâu hơn. Bác sĩ sẽ khuyên bạn nên giữ cho mắt bé được sạch sẽ, vệ sinh mắt thường xuyên bằng nước ấm, lau nhẹ nhàng, thấm bớt dịch xuất tiết. Nếu mắt của bé không cải thiện sau hai tuần, hãy đi khám lại.
Đắp miếng gạc ấm có thể giúp trẻ giảm đau và khó chịu. Mẹ dùng miếng vải sạch, ngâm trong nước ấm, vắt khô và đặt lên mắt khi bé đang bú.
Viêm kết mạc do vi khuẩn
Nếu viêm kết mạc do vi khuẩn gây ra, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh tra mắt dạng mỡ hoặc dung dịch nhỏ mắt dùng trong khoảng bảy ngày. Thuốc mỡ tra mắt sẽ dễ bôi hơn dạng thuốc nhỏ. Cách tra mắt: Rửa tay sạch, nhẹ nhàng kéo mí mắt dưới của bé xuống một chút và dùng tăm bông vô khuẩn bôi thuốc mỡ dọc theo mặt trong mí mắt. Khi bé chớp mắt, thuốc mỡ sẽ thoa đều vào mắt bé.
Nếu bạn đang sử dụng thuốc nhỏ, hãy tra vào góc trong chỗ khóe mắt. Khi bé nhắm mắt, nhỏ thuốc vào góc trong của mắt, để khi mở mắt, thuốc sẽ chảy đều vào trong mắt.
Rửa tay trước và sau khi điều trị mắt cho bé. Không bao giờ dùng chung thuốc hoặc sử dụng thuốc đã cũ. Thuốc cũ đã mở nắp lâu không thể vô trùng nên có nguy cơ làm nhiễm trùng nặng hơn.
Đảm bảo sử dụng kháng sinh đầy đủ, theo đúng liệu trình, ngay cả khi các triệu chứng đã hết. Nếu không, nhiễm trùng có thể trở lại.
Bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn nên rửa mắt cho trẻ bằng nước ấm và nhẹ nhàng lau gỉ mắt đã khô, vì sự tích tụ của chất tiết do nhiễm trùng có thể làm cho thuốc kháng sinh kém hiệu quả hơn.
Đắp lên mắt một miếng gạc ấm vô trùng có thể làm dịu cảm giác khó chịu cho bé. Nhúng một miếng vải sạch vào nước ấm và chườm lên mắt khi trẻ đang bú.
Viêm kết mạc dị ứng
Điều cốt lõi là xác định chất gây dị ứng và giữ cho em bé tránh xa dị nguyên. Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, ngăn không cho trẻ tiếp xúc với tác nhân dị ứng.
Nếu đôi mắt của bé bị kích ứng và trở nên khó chịu, mẹ có thể đắp lên mắt bé một miếng gạc mát, gạc vô trùng để làm dịu cảm giác đau tức.
Viêm kết mạc do hóa chất
Thuốc nhỏ mắt trẻ sơ sinh được dùng để ngăn ngừa nhiễm trùng, nhưng có thể gây ra kích ứng, được gọi là tình trạng viêm kết mạc do hóa chất. Tình trạng này thường chỉ kéo dài từ 24 đến 36 giờ.
Đối với tất cả các dạng viêm kết mạc
Dân gian thường khuyên các bà mẹ đang cho con bú nhỏ một vài giọt sữa mẹ đã vắt ra, nhỏ vào mắt trẻ mỗi ngày để phòng chống viêm kết mạc, nhưng điều này hoàn toàn không được khuyến khích. Đôi mắt là cơ quan rất nhạy cảm nên không thể dùng được những loại dịch không phải thuốc hay dung dịch dành riêng cho mắt. Tránh tuyệt đối việc nhỏ bừa bãi dịch, nước chanh, sữa, nước muối tự pha,… vào mắt trẻ.
Bệnh đau mắt đỏ lây như thế nào?
Viêm kết mạc do vi khuẩn và virus đều rất dễ lây lan.
Để ngăn nhiễm trùng lây lan, hãy rửa tay sạch trước và sau khi chăm sóc mắt cho trẻ. Phân loại và để riêng khăn tắm, quần áo và ga giường của bé riêng biệt với những người khác, giặt chúng thường xuyên.
Con tôi bị đau mắt đỏ có thể đi nhà trẻ không?
Viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo rằng không phải lúc nào cũng cần cách ly riêng trẻ bị đau mắt đỏ, nhưng các cơ sở có trông giữ trẻ sẽ quy định riêng. Bạn cần tham khảo quy định của từng nhà trẻ.
Thực tế, một số cơ sở cho phép trẻ em trở lại nhà trẻ sau 24 giờ điều trị đau mắt đỏ. Một số cơ sở khác không nhận giữ trẻ mắc bệnh cho đến khi trẻ hết tình trạng chảy dịch, gỉ mắt.
Xem thêm: