Bệnh đậu mùa: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa

Đậu mùa là một bệnh truyền nhiễm, gây mất thẩm mỹ và thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng. Bệnh đậu mùa trở thành nỗi ám ảnh hàng nghìn năm trước. Đến năm 1980, căn bệnh này đã bị xóa sổ trên toàn thế giới. Đây là kết quả của một chiến dịch tiêm chủng toàn cầu chưa từng có.

Video làm thế nào để đánh bại vi rút đậu mùa?

Các mẫu virus đậu mùa đã được lưu trữ để phục vụ cho các mục đích nghiên cứu. Và những tiến bộ trong sinh học tổng hợp có thể tạo ra bệnh đậu mùa từ các chuỗi axit amin đã được công bố. Điều này dẫn đến mối lo ngại rằng một ngày nào đó bệnh đậu mùa có thể được sử dụng như một loại vũ khí sinh học. 

Không có phương pháp điều trị bệnh đậu mùa. Vaccine có thể ngăn ngừa bệnh đậu mùa, nhưng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ của vaccine rất cao. Chính vì thế, cần cân nhắc về việc tiêm phòng định kỳ đối với những người có nguy cơ phơi nhiễm thấp. 

Triệu chứng bệnh đầu mùa

Các triệu chứng đầu tiên của bệnh đậu mùa thường xuất hiện từ 10-14 ngày sau khi bệnh nhân bị nhiễm bệnh. Trong thời gian ủ bệnh từ 7-17 ngày, bệnh nhân trông khỏe mạnh và không có khả năng lây bệnh cho người khác. 

Sau thời gian ủ bệnh, các triệu chứng giống cúm xuất hiện đột ngột như:  

  • Sốt
  • Mệt mỏi, khó chịu
  • Đau đầu
  • Đau lưng dữ dội
  • Có thể xuất hiện nôn mửa 

Vài ngày sau, những vết ban đỏ, phẳng xuất hiện, đầu tiên ở trên mặt, bàn tay và cẳng tay, sau đó lan ra lưng. Trong vòng một hoặc hai ngày, những tổn thương này biến thành các mụn nước nhỏ chứa dịch trong, phát triển thành áp xe chứa đầy dịch và mủ. Sau 8-9 ngày, áp xe vỡ ra, đóng vảy ở trên. Khi bong vảy sẽ để lại sẹo rỗ.  

Mụn nước phát triển thành áp xe, vỡ ra và đóng vảy bên trên. Nguồn ảnh: www.mja.com.auMụn nước phát triển thành áp xe, vỡ ra và đóng vảy bên trên. Nguồn ảnh: www.mja.com.auBệnh cũng gây tổn thương ở niêm mạc mũi và miệng, tạo thành các vết loét.  

Nguyên nhân và các con đường lây truyền bệnh đậu mùa

Bệnh đậu mùa là do virus Variola gây nên. Virus có thể lây truyền: 

  • Trực tiếp từ người này sang người khác: Phương thức này đòi hỏi sự tiếp xúc trực tiếp trong khoảng thời gian khá lâu. Virus có thể lây truyền trong không khí, qua các giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện.
  • Gián tiếp: Trong một số trường hợp hiếm gặp, virus trong không khí có thể lây lan xa hơn, ví dụ như qua hệ thống thông gió, lây nhiễm cho những người ở phòng bên hoặc tầng trên. 
  • Qua các đồ vật dính virus: Bệnh đậu mùa cũng có thể lây lan qua việc tiếp xúc với quần áo và giường dính virus, mặc dù nguy cơ lây nhiễm từ những nguồn này không cao. 

Virus gây bệnh đậu mùa có thể trở thành một loại vũ khí sinh học. Nếu như virus đậu mùa bị phát tán ra ngoài sẽ là một mối đe dọa đối với con người, dịch bệnh sẽ lây lan nhanh chóng. Nhưng khả năng này rất khó xảy ra bởi chính phủ luôn thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng này, chẳng hạn như dự trữ vaccine đậu mùa.  

Biến chứng bệnh đậu mùa

Hầu hết những người mắc bệnh đậu mùa đều sống sót. Tuy nhiên, một số thể bệnh đậu mùa hiếm gặp hầu như luôn gây tử vong. Những thể bệnh nguy hiểm này thường ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai và những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch. 

Bệnh đậu mùa thường để lại sẹo xấu. Nguồn ảnh: www.freepik.esBệnh đậu mùa thường để lại sẹo xấu. Nguồn ảnh: www.freepik.es

Những người hồi phục sau bệnh đậu mùa thường có những vết sẹo xấu, đặc biệt là ở mặt, cánh tay và chân. Trong một số trường hợp, bệnh đậu mùa có thể gây mù.  

Phòng ngừa bệnh đậu mùa

Trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, những người mắc bệnh đậu mùa sẽ được cách ly nhằm kiểm soát sự lây lan của virus. Bất kỳ ai tiếp xúc với người nhiễm bệnh đều cần được tiêm vaccine đậu mùa. Vaccine tiêm trong vòng 4 ngày kể từ khi tiếp xúc với virus có thể ngăn ngừa hoặc làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.  

Có hai loại vaccine. Một loại vaccine có tên là ACAM2000, chứa virus sống và có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng, ảnh hưởng đến tim hoặc não. Những rủi ro tiềm ẩn của vaccine nhiều hơn lợi ích mà nó mang lại. Đó là lý do tại sao mọi người không nên tiêm phòng bằng vaccine này khi không có dịch đậu mùa bùng phát.  

Loại vaccine thứ hai, vaccine được điều chế từ virus Ankara bị biến đổi, đã được chứng minh là an toàn và có thể được sử dụng cho những người không thể dùng vaccine ACAM2000, những người có hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc những người có các vấn đề về da liễu. 

Trường hợp được tiêm phòng từ nhỏ 

Khả năng miễn dịch với bệnh đậu mùa có thể kéo dài 10 năm, thậm chí 20 năm nếu được tiêm nhắc lại. Trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, những người đã tiêm vaccine từ nhỏ vẫn có thể tiêm bổ sung sau khi phơi nhiễm với virus.  

Chẩn đoán bệnh đậu mùa

Hầu hết các bác sĩ sẽ không thể chẩn đoán bệnh đậu mùa nếu bệnh nhân đang trong giai đoạn đầu của bệnh và không có yếu tố dịch tễ. Điều này khiến cho dịch bệnh dễ dàng bùng phát và lây lan.  

Một ca mắc bệnh đậu mùa sẽ được coi là một trường hợp khẩn cấp về y tế cấp quốc tế. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh có thể làm xét nghiệm để chẩn đoán xác định bằng cách sử dụng mẫu mô được lấy từ những tổn thương trên da của người bệnh. 

Điều trị bệnh đậu mùa

Hiện tại không có thuốc đặc trị bệnh đậu mùa. Thông thường, bác sĩ sẽ tập trung điều trị triệu chứng và phòng tránh mất nước. Bác sĩ cũng có thể kê thuốc kháng sinh nếu bệnh nhân có kèm theo nhiễm trùng do vi khuẩn ở phổi hoặc trên da.   

Tecovirimat (Tpoxx) là một loại thuốc kháng virus được chấp thuận sử dụng ở Mỹ vào năm 2018. Tuy nhiên, loại thuốc này không được thử nghiệm ở những người bị bệnh đậu mùa, vì vậy chưa thể khẳng định thuốc có hiệu quả đối với bệnh đậu mùa hay không. Một thử nghiệm đã kiểm tra tính an toàn của thuốc này trên người và cho thấy nó an toàn như giả dược. Các loại thuốc kháng virus khác vẫn đang được nghiên cứu. 

Thuốc kháng virus có thể được sử dụng để điều trị bệnh đậu mùa. Nguồn ảnh: www.commonwealthfund.orgThuốc kháng virus có thể được sử dụng để điều trị bệnh đậu mùa. Nguồn ảnh: www.commonwealthfund.org

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!