Không giống như các trẻ lớn hơn và người lớn, hệ thống miễn dịch ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa phát triển đầy đủ. Tiêm chủng giúp cơ thể của trẻ có miễn dịch tốt hơn để chống lại các tác nhân gây bệnh mà trẻ tiếp xúc.
Bé của bạn được khuyến cáo tiêm chủng đầy đủ các bệnh đã có vắc-xin phòng ngừa để có được sự bảo vệ tốt tránh khỏi một số bệnh nguy hiểm. Các vắc xin khuyến cáo tiêm chủng thường qui cho trẻ nhỏ được miễn phí trong Chương trình Tiêm chủng Quốc gia. Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ mối quan tâm hoặc câu hỏi về việc tiêm chủng cho bé của bạn.
Vai trò của vắc xin và tiêm chủng
Tiêm chủng phòng bệnh là một cách đơn giản, an toàn và hiệu quả để chủ động bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng. Tiêm phòng sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể, xây dựng khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng trước khi tiếp xúc với căn nguyên gây bệnh.
Vắc xin là sinh phẩm khi đi vào trong cơ thể sẽ huấn luyện hệ thống miễn dịch của bạn để tạo ra kháng thể, cũng giống như khi cơ thể tiếp xúc với tác nhân gây nhiễm trùng. Tuy nhiên, vắc xin chỉ chứa các dạng vi trùng bị tiêu diệt hoặc làm suy yếu như virus hoặc vi khuẩn nên chúng không gây ra bệnh cũng như không gây ra các biến chứng của bệnh. Khi tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ, vắc xin sẽ tác động lên hệ thống miễn dịch của cơ thể bé, giúp cơ thể:
- Nhận biết vi trùng xâm nhập, chẳng hạn như virús hoặc vi khuẩn.
- Sản xuất kháng thể. Kháng thể là các protein được sản xuất tự nhiên bởi hệ thống miễn dịch để chống lại bệnh tật.
- Gi nhớ cắc căn nguyên gây nhiễm trùng và cách chiến đấu với bệnh. Nếu sau đó cơ thẻ tiếp xúc với vi trùng trong tương lai, hệ thống miễn dịch sẽ biết cách để tiêu diệt nhanh chóng vi trùng, bảo vệ cơ thể
Do đó, vắc-xin là một cách an toàn và hữu hiệu giúp tạo ra phản ứng miễn dịch trong cơ thể mà không gây bệnh.
Hệ thống miễn dịch của chúng ta có đặc tính ghi nhớ các tác nhân gây bệnh và các phản ứng bảo vệ cơ thể chống lại tác nhân đã từng tiếp xúc. Sau khi cơ thể tiếp xúc với một hoặc nhiều liều vắc-xin, hệ miễn dịch sẽ ghi nhớ và biết cách bảo vệ chúng ta chống lại bệnh tật trong nhiều năm, và thậm chí suốt đời. Đây là những gì làm cho vắc-xin trở nên hiệu quả trong việc bảo vệ cơ thể chống lại bệnh nhiễm trùng
Khi nào nên tiêm chủng cho con ?
Video: Các mũi tiêm vắc xin cần thiết cho bé từ 0-12 tháng tuổi
Vắc xin sẽ bảo vệ cơ thể ở các lứa tuổi khác nhau trong suốt cuộc đời từ khi sơ sinh cho tới lúc già. Ở hầu hết các quốc gia, mỗi trẻ sẽ được phát một thẻ tiêm chủng theo dõi các loại vắc xin đã tiêm và thời hạn tiêm vắc xin còn lại hoặc liều nhắc lại tiếp theo. Điều quan trọng là phải đảm bảo rằng tất cả các loại vắc xin này đều được cập nhật.
Nếu chúng ta trì hoãn việc tiêm phòng cho trẻ, trẻ sẽ có nguy cơ bị bệnh nặng. Nếu chúng ta chờ đợi cho đến khi cơ thể tiếp xúc với một căn bệnh nào đó như trong một đợt bùng phát dịch bệnh, thì có thể sẽ không có đủ thời gian để vắc-xin phát huy tác dụng.
Nếu bạn đã bỏ lỡ bất kỳ loại vắc xin nào được khuyến nghị cho con, hãy tham vấn ý kiến của bác sĩ để kịp thời tiêm bổ sung.
Sau đây là thời điểm tiêm chủng các loại vắc xin:
Lịch tiêm chủng vắc xin cho trẻ theo từng lứa tuổi
Theo quyết định số 845/2010/QĐ-BYT ngày 17/03/2010 của Bộ Y tế, từ năm 2010, lịch tiêm chủng thường xuyên trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng áp dụng như sau:
STT | Tuổi của trẻ | Loại vắc xin |
1 | Sơ sinh | Tiêm vắc xin viêm gan B (VGB) trong 24h đầu sau sinh Tiêm BCG phòng lao |
2 | 02 tháng | Tiêm vắc xin 5 trong 1 mũi 1: DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván), VGB, Hib. Uống vắc xin bại liệt lần 1 Có thể bằng vắc xin 6 trong 1 (tiêm chủng dịch vụ) |
3 | 03 tháng | Tiêm vắc xin 5 trong 1 mũi 2: DPT, VGB, Hib. Uống vắc xin bại liệt lần 2 Có thể thay bằng vắc xin 6 trong 1 (tiêm dịch vụ ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng) |
4 | 04 tháng | Tiêm vắc xin 5 trong 1 mũi 3: DPT, VGB, Hib. Uống vắc xin bại liệt lần 3 Có thể thay bằng vắc xin 6 trong 1 (tiêm dịch vụ ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng) |
5 | 09 tháng | Tiêm vắc xin sởi mũi 1 (chương trình tiêm chủng mở rộng) |
6 | 18 tháng | Tiêm vắc xin DPT mũi 4 Tiêm vắc xin sởi, rubella (MR) |
7 | Từ 12 tháng tuổi | Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản mũi 1 Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản mũi 2 (02 tuần sau tiêm mũi 1) Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản mũi 3 (01 năm sau tiêm mũi 2) |
8 | Từ 2 đến 5 tuổi | Uống vắc xin tả đối với vùng nguy cơ cao (lần 2 sau lần 1 hai tuần) |
9 | Từ 3-10 tuổi | Tiêm vắc xin thương hàn 01 mũi duy nhất (vùng nguy cơ cao) |
Tiêm vắc xin uốn ván cho phụ nữ | ||
10 | Phụ nữ có thai, trong độ tuổi sinh đẻ | Tiêm càng sớm càng tốt với phụ nữ mang thai lần đầu, hoặc nữ 15 -35 tuổi ở vùng nguy cơ cao 01 tháng sau mũi 1 06 tháng sau mũi 2 hoặc lần mang thai sau 01 năm sau mũi 3 hoặc lần mang thai sau 01 năm sau mũi 4 hoặc lần mang thai sau |
Ngoài các vắc xin nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ cần bắt buộc tiêm phòng, có một số các vắc xin phòng bệnh khác trẻ nên tiêm chủng:
- Tiêm vắc xin quai bị: Vắc xin Sởi-quai bị-rubella (MMR) mũi 1 lúc 9 -12 tháng. Nếu đã mũi 1 tiêm lúc 9- dưới 12 tháng thì tiêm MMR sau mũi sởi 6 tháng, tiêm nhắc lại MMR sau 4 năm.
Nếu không được tiêm vắc xin có sởi trước lúc 1 tuổi, thì sau 12 tháng sẽ tiêm MMR mũi 1, sau 6 tháng tiêm nhắc lại vắc xin sởi (MVVAC) hoặc sởi+ rubella (MR). Sau 4 năm tiêm nhắc lại MMR mũi 2.
- Vắc xin phòng cúm: Mũi 1 tiêm lúc 6 tháng, mũi 2 tiêm sau mũi 1 một tháng. Tiêm nhắc lại vắc xin cúm hàng năm
- Vắc xin phòng viêm gan A: Tiêm mũi 1 vắc xin viêm gan A khi trẻ được 12-24 tháng. Tiêm nhắc lại mũi 2 sau 6-12 tháng.
Tiêm chủng vắc xin đầy đủ cho trẻ chính là sự khởi đầu tốt đẹp mà bố mẹ chuẩn bị cho con yêu của mình.
Xem thêm: