Viêm phổi: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và hơn nữa

Viêm phổi là tình trạng viêm nhiễm ở một hoặc cả hai phổi nguyên nhân do vi khuẩn, virus hoặc nấm. Phổi bị viêm dẫn đến viêm các túi khí nhỏ, hay còn được gọi là phế nang. Các phế nang chứa đầy dịch hoặc mủ làm hạn chế sự trao đổi khí gây ra triệu chứng khó thở.

Video Viêm phổi

Viêm phổi do virus và vi khuẩn đều có thể khả năng lây nhiễm. Bệnh viêm phổi có thể lây lan từ người này sang người khác thông qua các giọt bắn kích thước nhỏ trong không khí do người bệnh hắt hơi hoặc ho.

Bạn cũng có thể bị viêm phổi khi tiếp xúc với các bề mặt hoặc đồ vật chứa vi khuẩn hoặc virus là căn nguyên gây viêm phổi.

Viêm phổi có thể có nguyên nhân do nấm từ môi trường. Bệnh không có khả năng lây từ người này sang người khác.

Viêm phổi được phân loại theo vị trí hoặc nguyên nhân mắc phải:

  • Viêm phổi bệnh viện(HAP – Hospital-acquired pneumonia). Đây là loại viêm phổi xuất hiện trong thời gian nằm viện thường do vi khuẩn. Loại viêm phổi này khá nghiêm trọng vì căn nguyên vi khuẩn có thể kháng các loại thuốc kháng sinh.
  • Viêm phổi cộng đồng (CAP -Community-acquired pneumonia): Là bệnh viêm phổi mắc ngoài bệnh viện hay còn gọi là ngoài cộng đồng.
  • Viêm phổi liên quan đến thở máy (VAP - Ventilator-associated pneumonia): Khi những người đang sử dụng máy thở bị viêm phổi, nó được gọi là viêm phổi liên quan đến thở máy (VAP).
  • Viêm phổi hít: Do người bệnh hít phải vi khuẩn từ thức ăn, đồ uống hoặc nước bọt nên gây ra viêm phổi hít. Bệnh lý này thường xảy ra ở những người gặp vấn đề về nuốt hoặc sử dụng thuốc an thần, rượu hoặc các loại ma túy khác.

Viêm phổi không điển hình

Viêm phổi không điển hình là một trường hợp viêm phổi nhẹ hơn. Những người bị viêm phổi không điển hình thậm chí có thể không biết họ bị viêm phổi. Các triệu chứng giống như nhiễm trùng đường hô hấp hơn là viêm phổi. Tuy nhiên, viêm phổi không điển hình có thể mất thời gian hồi phục lâu hơn.

Các triệu chứng của viêm phổi không điển hình có thể là:

  • Sốt nhẹ
  • Ho khan kéo dài hơn một tuần
  • Ớn lạnh
  • Khó thở
  • Đau tức ngực
  • Ăn kém

Virus và vi khuẩn, như Streptococcus pneumonia hoặc Haemophilus influenza, thường là nguyên nhân gây viêm phổi. Tuy nhiên, vi khuẩn Mycoplasma pneumonia lại thường là nguyên nhân gây viêm phổi không điển hình.

Các giai đoạn viêm phổi

Viêm phổi có thể được phân loại theo vị trí giải phẫu:

Viêm phế quản phổi

Viêm phế quản phổi có thể ảnh hưởng đến các khu vực thùy trên cả hai phổi. Viêm thường khu trú gần hoặc xung quanh phế quản. Đây là những ống dẫn khí từ khí quản đến nhu mô phổi.

Viêm phổi thùy

Viêm phổi thùy là tình trạng viêm một hoặc nhiều thùy phổi. Mỗi lá phổi được phân chia thành nhiều thùy.

Bệnh viêm phổi thùy có thể được chia thành bốn giai đoạn dựa trên tiến triển của bệnh:

  • Tắc nghẽn: Nhu mô phổi trở nên xung huyết. Các túi khí chứa đầy dịch nhầy do phản ứng viêm tạo ra.
  • Gan hóa đỏ: Các tế bào hồng cầu và tế bào miễn dịch đã xâm nhập và lấp đầy trong phế nang. Do vậy thùy phổi tổn thương có màu đỏ và mật độ chắc như gan.
  • Gan hóa xám: Các tế bào hồng cầu đã bắt đầu bị phá vỡ xen kẽ những tế bào miễn dịch còn lành. Sự phân hủy của các tế bào hồng cầu gây ra sự thay đổi màu sắc, từ đỏ sang xám.
  • Lui bệnh: Các tế bào miễn dịch đã bắt đầu giải quyết hết tình trạng nhiễm trùng. Lúc này người bệnh có triệu chứng ho đờm để giúp đẩy lượng dịch còn lại trong phổi ra ngoài.

Triệu chứng của viêm phổi

Các triệu chứng viêm phổi có thể nhẹ hoặc nặng dẫn đến đe dọa tính mạng. Các triệu chứng như:

  • Ho đờm (chất nhầy)
  • Sốt
  • Vã mồ hôi hoặc ớn lạnh
  • Khó thở khi hoạt động bình thường hoặc ngay cả khi đang nghỉ ngơi
  • Đau ngực tăng khi thở hoặc ho
  • Cảm giác mệt mỏi hoặc mệt mỏi
  • Mất cảm giác ngon miệng
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Đau đầu

Các triệu chứng có thể thay đổi tùy theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe như:

  • Trẻ sơ sinh có thể không có triệu chứng, nhưng đôi khi trẻ có thể bị nôn trớ, mệt mỏi, không chịu uống hoặc biếng ăn.
  • Trẻ em dưới 5 tuổi có thể có triệu chứng thở nhanh hoặc thở khò khè.
  • Người lớn tuổi có thể có các triệu chứng nhẹ hơn. Người bệnh có thể rối loạn ý thức, lơ mơ hoặc hạ thân nhiệt.

Nguyên nhân gây viêm phổi

Viêm phổi là do tình trạng nhiễm trùng khi vi khuẩn xâm nhập vào phổi. Phản ứng của hệ thống miễn dịch giúp loại bỏ tác nhân nhiễm trùng dẫn đến viêm túi khí của phổi (phế nang). Phản ứng viêm làm cho các túi khí chứa đầy mủ và dịch nhầy, gây ra các triệu chứng viêm phổi.

Một số loại tác nhân có thể gây viêm phổi bao gồm: vi khuẩn, virus và nấm.

Viêm phổi do vi khuẩn

Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm phổi do vi khuẩn là Streptococcus pneumonia. Các nguyên nhân khác bao gồm:

  • Mycoplasma pneumonia
  • Haemophilus influenza
  • Legionella pneumophila

Viêm phổi do virus

Virus đường hô hấp thường là nguyên nhân gây ra bệnh viêm phổi. Ví dụ các loại virus gây viêm phổi:

  • Cúm
  • Virus hợp bào hô hấp (RSV - respiratory syncytial virus)
  • Rhinovirus (virus gây cảm lạnh thông thường)
  • Virus á cúm (HPIV)
  • Human metapneumovirus (HMPV)
  • Sởi
  • Bệnh thủy đậu (vi rút varicella-zoster)
  • Adenovirus
  • Corona virus
  • Virus SARS-CoV-2 (vi rút gây bệnh COVID-19)

Mặc dù các triệu chứng của viêm phổi do virus và vi khuẩn rất giống nhau, nhưng viêm phổi do virus thường nhẹ hơn. Bệnh có thể cải thiện trong 1 đến 3 tuần mà không cần điều trị.

Theo viện Tim - Phổi và Bệnh máu Quốc gia Hoa Kỳ, những người bị viêm phổi do virus có nguy cơ bị bội nhiễm và trở thành viêm phổi do vi khuẩn.

Viêm phổi do nấm

Nấm có nguồn gốc từ đất hoặc phân chim có thể gây viêm phổi. Chúng thường gây viêm phổi ở những người có hệ miễn dịch suy yếu. Các loại nấm có thể gây viêm phổi như:

  • Pneumocystis jirovecii
  • Loài Cryptococcus
  • Các loài Histoplasmosis 

Các yếu tố nguy cơ

Bất kỳ ai cũng có thể bị viêm phổi, nhưng có một số đối tượng có nguy cơ cao hơn. Các đối tượng này bao gồm: 

  • Trẻ sơ sinh đến 2 tuổi
  • Những người từ 65 tuổi trở lên
  • Những người có hệ miễn dịch suy yếu do:
    • Thai kỳ
    • HIV
    • Sử dụng một số loại thuốc như steroid hoặc một số loại thuốc điều trị ung thư
  • Những người mắc một số bệnh mãn tính, chẳng hạn như:
  • Những người gần đây hoặc đang nằm viện, đặc biệt đã hoặc đang thở máy
  • Những người có bệnh lý não, ảnh hưởng đến khả năng nuốt hoặc ho, chẳng hạn như:
    • Tai biến
    • Chấn thương đầu
    • Sa sút trí tuệ
    • Bệnh Parkinson
  • Những người làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với các chất gây kích ứng phổi, chẳng hạn như ô nhiễm không khí và khói độc
  • Những người sống trong môi trường đông đúc, chẳng hạn như nhà tù hoặc viện dưỡng lão
  • Những người hút thuốc, khi đó cơ thể khó đào thải chất nhầy trong đường thở
  • Những người sử dụng ma túy hoặc uống nhiều rượu, làm suy giảm hệ thống miễn dịch và gia tăng khả năng hít nước bọt hoặc sặc vào phổi do thuốc an thần

Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ hỏi tiền sử bệnh tật của bạn. Các câu hỏi như thời điểm xuất hiện triệu chứng lần đầu tiên và tình trạng sức khỏe chung. Sau đó, bác sĩ sẽ khám toàn thân. Trong đó có khám phổi, để nghe bất kì tiếng ran nổ hay ran khác hay không.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và nguy cơ biến chứng, bác sĩ có thể chỉ định một hoặc nhiều xét nghiệm sau:

X-quang ngực

Chụp X-quang giúp bác sĩ tìm các dấu hiệu viêm phổi. Hình ảnh Xquang giúp chẩn đoán vị trí và mức độ của viêm phổi.

Cấy máu

Xét nghiệm máu để xác định tình trạng nhiễm trùng. Nuôi cấy máu để các định căn nguyên gây viêm phổi.

Cấy đờm

Người bệnh cần thực hiện động tác hít thở sâu và ho mạnh để lấy được mẫu đờm. Sau đó, mẫu đờm được gửi đến phòng xét nghiệm để nuôi cấy nhằm xác định nguyên nhân gây nhiễm trùng.

Đo độ bão hòa oxy

Đo độ bão hòa oxy trong máu là dùng một thiết bị đo được gọi là máy đo SpO2.  Một bộ cảm biến được đặt trên ngón tay có thể cho biết phổi có vận chuyển đủ oxy cho máu hay không.

Chụp CT

Chụp CT cung cấp hình ảnh rõ ràng và chi tiết hơn về phổi.

Dịch màng phổi

Nếu nghi ngờ có dịch trong khoang màng phổi, bác sĩ sẽ chọc màng phổi để lấy dịch. Thủ thuật này dùng kim chọc vào khoang liên xương sườn để hút dịch. Xét nghiệm này có thể giúp xác định nguyên nhân gây nhiễm trùng.

Nội soi phế quản

Nội soi phế quản giúp quan sát đường dẫn khí trong phổi. Quy trình này được thực hiện bằng cách dùng ống nội soi mềm có gắn camera, đưa nhẹ nhàng vào họng và đi vào phổi.

Bác sĩ có thể chỉ định thủ thuật này nếu các triệu chứng ban đầu nghiêm trọng hoặc không đáp ứng với kháng sinh khi nhập viện.

Điều trị bệnh viêm phổi

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào loại viêm phổi mắc phải, mức độ nghiêm trọng và sức khỏe chung.

Thuốc kê đơn

Bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc điều trị viêm phổi. Đơn thuốc sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh viêm phổi. Thuốc kháng sinh dạng uống có thể điều trị hầu hết các trường hợp viêm phổi do vi khuẩn. Người bệnh cần dùng kháng sinh đủ ngày kể cả khi cảm thấy tốt hơn. Nếu bỏ thuốc khi chưa đủ ngày có thể khiến nhiễm trùng lâu khỏi và không đáp ứng với thuốc nếu bị bệnh lại.

Thuốc kháng sinh không có tác dụng đối với virus. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chỉ cần chăm sóc tại nhà, viêm phổi do virus có thể tự khỏi.

Thuốc chống nấm được sử dụng để điều trị viêm phổi do nấm. Điều trị nấm phổi có thể mất đến vài tuần.

Thuốc không kê đơn

Bác sĩ cũng có thể đề nghị dùng thuốc không kê đơn (OTC) để giảm đau và hạ sốt nếu cần. Các loại thuốc như:

Bác sĩ cũng có thể kê thuốc ho để làm dịu cơn ho giúp bạn nghỉ ngơi thoải mái hơn. Tuy nhiên ho giúp loại bỏ chất dịch nhầy khỏi phổi, vì vậy không cần loại bỏ triệu chứng này hoàn toàn.

Các biện pháp khắc phục tại nhà

Mặc dù các biện pháp khắc phục tại nhà không thực sự giúp điều trị được bệnh viêm phổi, nhưng bạn có thể làm một số cách để giúp giảm bớt các triệu chứng.

Ho là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh viêm phổi. Các cách tự nhiên để giảm ho như súc miệng nước muối hoặc uống trà bạc hà.

Chườm mát có thể giúp hạ sốt. Uống nước ấm hoặc ăn một bát súp ấm có thể giúp giảm ớn lạnh. 

Bạn có thể nghỉ ngơi nhiều và uống nhiều nước để giúp phục hồi và ngăn ngừa bệnh tái phát.

Mặc dù các biện pháp điều trị tại nhà có thể giúp giảm bớt các triệu chứng, nhưng điều quan trọng là bạn phải tuân thủ kế hoạch điều trị. Dùng các loại thuốc được kê đơn của bác sĩ.

Nhập viện

Nếu các triệu chứng nghiêm trọng hoặc có các vấn đề sức khỏe khác, người bệnh có thể cần phải nhập viện. Tại bệnh viện, các bác sĩ theo dõi nhịp tim, nhiệt độ và nhịp thở. Điều trị tại bệnh viện có thể bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh đường tiêm tĩnh mạch
  • Liệu pháp hô hấp, bao gồm dùng các loại thuốc đưa trực tiếp vào phổi hoặc thực hiện các bài tập thở để hít thở tối đa lượng oxy
  • Liệu pháp oxy để duy trì mức oxy trong máu ổn định (thở qua kính mũi, mask hoặc máy thở, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng)

Các biến chứng

Viêm phổi có thể gây ra các biến chứng, đặc biệt là ở những người suy giảm miễn dịch hoặc mắc các bệnh mãn tính, chẳng hạn như đái tháo đường.

Các biến chứng như:

  • Làm nặng bệnh lý nền:. Nếu bạn có bệnh lý từ trước, thì viêm phổi có thể khiến chúng trở nên tồi tệ hơn. Những bệnh lý mạn tính như suy tim sung huyết và khí phế thũng. Đối với một số người, viêm phổi làm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.
  • Nhiễm khuẩn huyết: Vi khuẩn từ phổi có thể di chuyển vào máu. Tình trạng này có thể dẫn đến hạ huyết áp, sốc nhiễm trùng, và trong một số trường hợp có thể gây suy đa phủ tạng.
  • Áp-xe phổi: Là tình trạng ổ mủ trong một vùng phổi bị tổn thương. Điều trị bằng kháng sinh, có thể dẫn lưu hoặc phẫu thuật giải quyết ổ mủ.
  • Suy hô hấp: Người bệnh có thể gặp tình trạng thiếu oxy trầm trọng, hoặc có thể cần sử dụng máy thở.
  • Hội chứng suy hô hấp cấp tính: Đây là tình trạng suy hô hấp nặng, cần phải cấp cứu kịp thời.
  • Tràn dịch màng phổi: Nếu viêm phổi không được điều trị, có thể dẫn đến tích tụ dịch trong màng phổi, được gọi là tràn dịch màng phổi. Màng phổi là những màng mỏng lót bên ngoài phổi và bên trong khung xương sườn. Bệnh nhân có thể cần dẫn lưu màng phổi.
  • Thận, tim và gan bị tổn thương. Các cơ quan này có thể bị tổn thương nếu chúng không nhận đủ oxy hoặc nếu hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức đối với nhiễm trùng.
  • Tử vong: Trong một số trường hợp, viêm phổi có thể gây tử vong. Theo CDC, năm 2019 gần 44.000 người Hoa Kỳ đã chết vì viêm phổi.

Phòng ngừa viêm phổi

Các biện pháp dự phòng viêm phổi.

Tiêm phòng

Biện pháp đầu tiên ngăn ngừa bệnh viêm phổi là tiêm vắc xin. Có một số loại vắc xin có thể giúp ngăn ngừa bệnh viêm phổi.

Prevnar 13 và Pneumovax 23

Hai loại vắc-xin này giúp bảo vệ khỏi bệnh viêm phổi và viêm màng não do vi khuẩn phế cầu khuẩn gây ra. Bác sĩ có thể đánh giá loại nào có thể tốt hơn tùy thuộc từng người bệnh.

Prevnar 13 có hiệu quả chống lại 13 loại vi khuẩn phế cầu. CDC khuyến cáo loại vắc xin này cho:

  • Trẻ em dưới 2 tuổi
  • Những người từ 2 đến 64 tuổi mắc các bệnh mãn tính làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi
  • Người lớn từ 65 tuổi trở lên, theo khuyến nghị của bác sĩ

Pneumovax 23 có hiệu quả chống lại 23 loại vi khuẩn phế cầu. CDC khuyến cáo cho các đối tượng sau:

  • Người lớn từ 65 tuổi trở lên
  • Người lớn tuổi từ 19 đến 64 có hút thuốc
  • Những người từ 2 đến 64 tuổi mắc các bệnh mãn tính làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi

Vắc-xin cúm

Viêm phổi thường có thể là một biến chứng của bệnh cúm, vì vậy hãy nhớ tiêm phòng cúm hàng năm. CDC khuyến cáo rằng tất cả đối tượng từ 6 tháng tuổi trở lên nên tiêm phòng, đặc biệt là những người có thể có nguy cơ bị cúm.

Vắc xin Hib

Vắc xin này bảo vệ chống lại Haemophilus influenzae týp b (Hib), một loại vi khuẩn có thể gây viêm phổi và viêm màng não. CDC đề xuất loại vắc xin này cho:

  • Tất cả trẻ em dưới 5 tuổi
  • Trẻ lớn hơn chưa được tiêm phòng hoặc người lớn có tình trạng sức khỏe nhất định
  • Những người đã ghép tủy xương

Theo Viện Tim, Phổi và Bệnh máu Quốc gia Hoa Kỳ, vắc xin viêm phổi không có tác dụng ngăn ngừa được tất cả các trường hợp mắc bệnh. Nhưng nếu bạn đã tiêm phòng, bạn có khả năng bị bệnh nhẹ hơn và thời gian bệnh ngắn hơn cũng như giảm nguy cơ biến chứng.

Các mẹo phòng ngừa khác

Ngoài việc tiêm phòng, bạn có thể thực hiện những điều sau để ngừa viêm phổi:

  • Nếu hút thuốc, hãy cố gắng bỏ thuốc lá. Hút thuốc lá khiến bạn dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trong ít nhất 20 giây.
  • Che miệng khi ho và hắt hơi. Vứt bỏ ngay khăn giấy đã sử dụng.
  • Duy trì một lối sống lành mạnh để tăng cường hệ miễn dịch. Nghỉ ngơi đầy đủ, ăn uống điều độ và tập thể dục thường xuyên.

Tiêm phòng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh viêm phổi. 

Bệnh viêm phổi có chữa được không?

Có một loạt tác nhân gây ra bệnh viêm phổi. Với việc chẩn đoán và điều trị đúng cách, nhiều trường hợp viêm phổi có thể khỏi mà không có biến chứng.

Đối với nhiễm trùng do vi khuẩn, ngừng thuốc kháng sinh sớm có thể khiến nhiễm trùng không khỏi hoàn toàn. Điều này có nghĩa là bệnh viêm phổi có thể tái phát.

Ngừng thuốc kháng sinh sớm cũng có thể gây ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Nhiễm trùng kháng thuốc kháng sinh khó điều trị hơn.

Viêm phổi do virus thường khỏi sau 1 đến 3 tuần nếu điều trị tại nhà. Trong một số trường hợp, cần dùng thuốc kháng virus.

Thuốc kháng nấm điều trị viêm phổi do nấm. Điều trị kháng nấm mất thời gian lâu hơn.

Viêm phổi trong thai kỳ

Viêm phổi hoàn toàn có thể xảy ra trong thai kỳ. Thậm chí, những người mang thai có nguy cơ mắc viêm phổi cao hơn. Nguyên nhân là do sự ức chế tự nhiên của hệ thống miễn dịch xảy ra trong thời kỳ mang thai. 

Các triệu chứng của bệnh viêm phổi không khác nhau theo các giai đoạn mang thai. Tuy nhiên, bạn có thể nhận thấy nhiều triệu chứng hơn trong những giai đoạn sau của thai kỳ.

Nếu bạn đang mang thai, hãy đến gặp bác sĩ ngay khi có các triệu chứng của bệnh viêm phổi. Viêm phổi thai kỳ có thể dẫn đến một loạt các biến chứng, chẳng hạn như sinh non và trẻ sơ sinh nhẹ cân.

Viêm phổi trẻ em

Viêm phổi cũng là một bệnh lý khá phổ biến ở trẻ em. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), khoảng 1/7 trẻ em trên toàn thế giới bị viêm phổi mỗi năm.

Nguyên nhân của bệnh viêm phổi ở trẻ em có thể khác nhau tùy theo lứa tuổi. Ví dụ, viêm phổi do virus đường hô hấp Streptococcus pneumonia và Haemophilus influenza thường phổ biến hơn ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Viêm phổi do Mycoplasma pneumonia thường gặp ở trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 13. Mycoplasma pneumonia là một trong những nguyên nhân gây ra viêm phổi nhẹ. 

Hãy đưa con đến khám bác sĩ nếu có triệu chứng sau:

  • Khó thở
  • Mệt mỏi
  • Biếng ăn

Viêm phổi có thể rất nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. 

Tiên lượng

Hầu hết mọi người đều đáp ứng với điều trị và khỏi bệnh viêm phổi. Tùy thuộc vào loại viêm phổi mắc phải, mức độ nghiêm trọng và tình trạng sức khỏe sẽ có phương pháp điều trị, thời gian hồi phục khác nhau.

Người trẻ tuổi có thể hồi phục trở lại trong vòng một tuần sau khi điều trị. Những người khác có thể mất nhiều thời gian hơn để hồi phục và có thể bị mệt mỏi kéo dài. Nếu bệnh nghiêm trọng, quá trình hồi phục có thể mất vài tuần.

Có thể thực hiện các bước sau để hỗ trợ quá trình hồi phục của bạn và giúp ngăn ngừa các biến chứng xảy ra:

  • Hãy tuân thủ kế hoạch điều trị mà bác sĩ đã đưa ra và dùng thuốc theo hướng dẫn.
  • Đảm bảo nghỉ ngơi nhiều để giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng.
  • Uống nhiều nước.
  • Hỏi bác sĩ khi nào nên tái khám. Bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang ngực để đảm bảo rằng tình trạng nhiễm trùng đã ổn định.

Tóm tắt

Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng phổi do vi khuẩn, virus hoặc nấm gây ra. Phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với bệnh nhiễm trùng này làm cho các túi khí của phổi chứa đầy mủ và dịch. Điều này dẫn đến các triệu chứng như khó thở, ho có hoặc không có đờm, sốt và ớn lạnh.

Để chẩn đoán viêm phổi, bác sĩ sẽ khám sức khỏe và hỏi bệnh sử. Bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm, chẳng hạn như chụp X-quang phổi.

Điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây nhiễm trùng. Phác đồ điều trị có thể có thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus hoặc thuốc chống nấm.

Viêm phổi thường khỏi sau vài tuần. Đi khám ngay nếu các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn, khi đó có thể phải nhập viện để ngăn ngừa hoặc điều trị các biến chứng nghiêm trọng hơn.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!