Ho có đờm: Nguyên nhân, cách điều trị đối với người lớn và trẻ nhỏ

Ho là một triệu chứng của nhiều bệnh lý. Đó là cách cơ thể phản ứng với chất gây kích ứng trong đường hô hấp. Khi các chất kích thích như bụi, chất gây dị ứng, các chất ô nhiễm hoặc khói xâm nhập vào đường thở, các thụ thể chuyên biệt sẽ gửi thông tin đến não và cảnh báo về sự hiện diện của các tác nhân xâm nhập vào đường thở. Sau đó, não sẽ gửi một thông tin đến tủy sống rồi đến các cơ ở ngực và bụng. Khi các cơ này co lại nhanh chóng, nó sẽ đẩy một luồng khí ra ngoài qua hệ thống hô hấp. Luồng không khí này giúp đẩy các chất kích ứng có hại ra ngoài.

Video: Ho có đờm lâu ngày không khỏi - Nguyên nhân và cách xử lý

Ho là một phản xạ quan trọng giúp loại bỏ các chất kích thích gây hại cho cơ thể. Khi cơ thể trong trạng thái bệnh lý, ho cũng có thể đẩy chất nhầy và các chất bài tiết khác ra khỏi cơ thể để giúp thông thoáng đường thở và nhanh khỏi bệnh hơn. Ho thường nặng hơn vào ban đêm vì chất nhầy đọng lại ở phía sau họng trong khi nằm, tiếp tục kích hoạt phản xạ gây ho.

Đôi khi đặc điểm của cơn ho có thể là dấu hiệu cho thấy nguyên nhân của nó.

Ho ướt còn được gọi là ho có đờm là bất kỳ cơn ho nào cũng có chất nhầy (đờm). Bạn có thể cảm thấy như có vật gì đó mắc kẹt trong ngực hoặc cổ họng. Đôi khi một cơn ho có đờm sẽ làm miệng đầy chất nhầy. Ho có đờm cho thấy cơ thể đang tiết ra nhiều chất nhầy hơn bình thường. 

Nguyên nhân gây ho có đờm

Ho có đờm thường là do nhiễm các vi sinh vật như vi khuẩn hoặc virus như những loại gây cảm lạnh hoặc cúm. Toàn bộ đường hô hấp được bao phủ bằng chất nhầy. Chất nhầy có các tác dụng như giữ ẩm cho đường hô hấp và bảo vệ phổi khỏi các chất kích thích.

Tuy nhiên, khi cơ thể đang chống chọi với bệnh nhiễm trùng như cúm, cơ thể bạn sẽ sản xuất nhiều chất nhờn hơn bình thường. Nó làm điều này để giúp lọa bỏ các sinh vật gây nhiễm trùng ra khỏi cơ thể. Ho giúp bạn loại bỏ tất cả các chất nhầy dư thừa bị mắc kẹt trong phổi và đường đẫn khí. Có nhiều lý do khác khiến cơ thể tiết nhiều chất nhầy hơn bình thường gây ho đờm. Nếu tình trạng ho đờm kéo dài hơn một vài tuần, có thể do:

  • Viêm phế quản. Viêm phế quản là tình trạng viêm trong các ống phế quản, các ống dẫn khí vào phổi. Viêm phế quản cấp tính thường do nhiều loại virus gây ra. Viêm phế quản mãn tính là một tình trạng viêm liên tục, thường do hút thuốc gây ra.
  • Viêm phổi. Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng trong phổi do vi khuẩn, virus hoặc nấm gây ra. Đây là một tình trạng có mức độ từ nhẹ đến đe dọa tính mạng.
  • COPD. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một nhóm các tình trạng tổn thương cả phổi và các ống dẫn khí vào phổi. Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh.
  • Bệnh xơ nang. Bệnh xơ nang là một bệnh lý di truyền của hệ hô hấp thường được chẩn đoán trong thời trẻ nhỏ. Bệnh lý này xảy ra do việc sản xuất chất nhầy đặc và dính trong phổi và các cơ quan khác. Tất cả 50 tiểu bang đều có chương trình sàng lọc trẻ sơ sinh để tìm bệnh xơ nang.

Bệnh xơ nang (nguồn: https://www.mayoclinic.org/) Bệnh xơ nang (nguồn: https://www.mayoclinic.org/) 

  • Bệnh hen suyễn. Mặc dù những người mắc bệnh hen suyễn có nhiều khả năng bị ho khan hơn, nhưng một bộ phận nhỏ những người tiết ra chất nhầy dư thừa liên tục và trải qua cơn ho đờm mạn tính. 

Ho có đờm ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ

Ở trẻ em, hầu hết các trường hợp ho là do nhiễm virus. Nguyên nhân phổ biến tiếp theo là bệnh hen suyễn. Tất cả các nguyên nhân khác gây ho có đờm ở trẻ em chẳng hạn như những nguyên nhân sau đây đều hiếm gặp:

  • Ho gà biểu hiện bằng những cơn ho dữ dội không kiểm soát được. Trẻ em phát ra âm thanh “khục khục” khi thở nhanh.
  • Ho ở trẻ em đôi khi do hít phải dị vật, khói thuốc lá, hoặc các chất kích thích ngoài môi trường.
  • Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng ở phổi có thể gây nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. 

Chẩn đoán ho có đờm

Lấy máu động mạch xét nghiệm khí máu (nguồn: https://nurse.org/) Lấy máu động mạch xét nghiệm khí máu (nguồn: https://nurse.org/) 

Để chẩn đoán cơn ho, trước tiên bác sĩ sẽ cần biết bệnh đã diễn ra trong bao lâu và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Hầu hết các cơn ho có thể được chẩn đoán bằng thông qua thăm khám.  Nếu cơn ho kéo dài hoặc nghiêm trọng, hoặc có các triệu chứng khác như sốt, sụt cân và mệt mỏi, bác sĩ có thể yêu cầu thêm các xét nghiệm bổ sung. Xét nghiệm bổ sung có thể bao gồm:

  • Chụp X-quang ngực
  • Đo chức năng hô hấp
  • Xét nghiệm máu
  • Phân tích đờm, soi đờm bằng kính hiển vi
  • Đo lượng oxy trong máu 
  • Khí máu động mạch: xét nghiệm mẫu máu từ động mạch để cho biết lượng oxy và carbon dioxide trong máu, cùng với chỉ số sinh hóa máu

Điều trị ho có đờm

Các phương pháp điều trị ho có đờm tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra. Đối với phần lớn các trường hợp ho đờm do virus như cảm lạnh hoặc cúm việc điều trị là không cần thiết. Nguyên nhân do vi khuẩn cần dùng đến kháng sinh.

Nếu bạn hoặc con bạn bị khó ngủ, có thể dùng một số loại thuốc để làm giảm đờm và giảm ho. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng 1/2 thìa mật ong trước khi đi ngủ ở trẻ em là một phương pháp an toàn có thể áp dụng. Hãy nhớ rằng mật ong nguyên chất không thích hợp cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi do nguy cơ ngộ độc.

Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, trẻ em dưới 4 tuổi không nên dùng các thuốc ho và cảm lạnh không kê đơn (OTC). Các phương pháp điều trị ho đờm khác bao gồm:

  • Máy phun sương làm ẩm không khí
  • Acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Advil) để trị đau nhức cơ thể và khó chịu ở ngực do ho
  • Các thuốc ho không kê đơn (cho trẻ lớn và người lớn)
  • Các thuốc ho kê đơn (có hoặc không có codein - không khuyến cáo dùng codeine trong thuốc ho cho trẻ em dưới 12 tuổi)
  • Thuốc giãn phế quản
  • Steroid trị ho liên quan đến hen suyễn
  • Thuốc dị ứng
  • Thuốc kháng sinh cho các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn
  • Không khí ẩm (được cung cấp bằng máy làm ẩm hoặc phun hơi nước) 

Ho khan so với ho đờm

Ho khan là cơn ho không tiết ra chất nhầy. Ho khan có thể gây cơn đau và khó kiểm soát. Chúng xảy ra khi hệ thống hô hấp bị viêm hoặc bị kích thích, nhưng không tạo ra chất nhờn dư thừa. Ho khan thường kéo dài trong vài tuần sau khi bị nhiễm trùng đường hô hấp. Một khi chất nhầy dư thừa được đào thải hết, ho khan có thể kéo dài trong nhiều tuần hoặc thậm chí vài tháng. Các nguyên nhân khác có thể gây ra ho khan bao gồm:

  • Viêm thanh quản
  • Viêm họng
  • Viêm thanh khí quản
  • Viêm amiđan
  • Bệnh hen suyễn
  • Dị ứng
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
  • Các thuốc (đặc biệt là thuốc ức chế men chuyển)
  • Tiếp xúc với các chất gây kích ứng (ô nhiễm không khí, khói bụi)

Khi nào cần gặp bác sĩ

Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu cơn ho đã kéo dài hơn hai tuần. Bạn có thể cần được chăm sóc y tế ngay lập tức nếu cảm thấy khó thở hoặc ho ra máu hoặc nhận thấy da hơi xanh. Dịch nhầy có mùi hôi cũng có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng nặng hơn. Gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu trẻ nhỏ:

  • Dưới 3 tháng tuổi và sốt 100,4ºF (38ºC) độ trở lên
  • Dưới 2 tuổi và sốt hơn 100,4ºF (38ºC) trong hơn một ngày
  • Trên 2 tuổi và bị sốt từ 100,4ºF (38ºC) trở lên trong hơn ba ngày
  • Sốt từ 104ºF (40ºC) trở lên
  • Thở khò khè mà không có tiền sử bệnh hen suyễn
  • Quấy khóc nhiều, vật vã kích thích
  • Khó đánh thức
  • Bị co giật
  • Sốt và phát ban

Tóm tắt

Ho có đờm thường do nhiễm trùng. Nếu cơn ho của bạn đã kéo dài từ hai tuần trở lên, hãy đến gặp bác sĩ do có thể những bệnh lý nghiêm trọng hơn có thể xảy ra. Điều trị ho sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân. Vì hầu hết các cơn ho là do virus gây ra, chúng sẽ tự biến mất theo thời gian.

Xem thêm: 

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!