Video Viêm phổi
Viêm phổi bệnh viện là những trường hợp viêm phổi xuất hiện ở người bệnh sau khi vào bệnh viện điều trị từ 2 ngày trở lên.
- Vi khuẩn, virus thậm chí cả nấm có thể gây viêm phổi ở những người nhập viện.
- Triệu chứng phổ biến nhất là ho có đờm, có khi đau ngực, rét run, sốt và khó thở.
- Chẩn đoán dựa trên các triệu chứng và hình ảnh phim chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) ngực.
- Thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus hoặc thuốc chống nấm dùng để điều trị, tùy thuộc vào vi sinh vật gây ra bệnh viêm phổi.
Người bệnh cũng đáp ứng kém với thuốc kháng sinh (kháng thuốc) do đó điều trị khó khăn hơn. Ngoài ra, người bệnh nằm viện thường ốm yếu hơn những người sống trong cộng đồng ngay cả khi không bị viêm phổi. Do đó khả năng chống lại sự lây nhiễm kém hơn.
Các yếu tố nguy cơ viêm phổi bệnh viện
Những người nhập viện và bị bệnh nặng, đặc biệt người bệnh đang phải thở máy, có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi cao nhất. Các yếu tố nguy cơ khác như:
- Đã điều trị kháng sinh
- Bệnh lý nền như suy giảm chức năng tim, phổi, gan hoặc thận
- Tuổi trên 70
- Phẫu thuật bụng hoặc ngực gần đây
- Sử dụng thuốc ức chế bơm proton (omeprazole, esomeprazole, lansoprazole hoặc pantoprazole) để điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản
- Suy nhược cơ thể
Người bệnh hay những người suy nhược cơ thể có hệ miễn dịch yếu hơn bình thường nên kể cả những vi sinh vật không gây bệnh cho người khỏe mạnh cũng có thể là tác nhân gây viêm phổi. Tác nhân gây bệnh phụ thuộc vào những vi sinh vật phổ biến trong bệnh viện và đôi khi phụ thuộc vào bệnh lý nền của bệnh nhân.
Tác nhân gây bệnh viêm phổi bệnh viện
Viêm phổi bệnh viện thường do các vi khuẩn như:
- Phế cầu khuẩn
- Tụ cầu vàng (bao gồm cả tụ cầu vàng kháng methicillin [MRSA])
- Vi khuẩn Gram âm như trực khuẩn mủ xanh và Haemophilus influenza
- Các vi khuẩn gram âm đường ruột khác
MRSA, trực khuẩn mủ xanh và các vi khuẩn gram âm đường ruột khác thường đề kháng với một số loại kháng sinh.
Virus và nấm cũng là nguyên nhân phổ biến gây viêm phổi bệnh viện.
Triệu chứng
Các triệu chứng thường giống với các triệu chứng của bệnh viêm phổi cộng đồng:
- Cảm giác mệt mỏi
- Ho có đờm (đờm đặc hoặc thay đổi màu sắc đờm)
- Khó thở
- Sốt
- Rét run
- Đau ngực
Viêm phổi bệnh viện có thể khó nhận biết hơn so với viêm phổi cộng đồng. Ví dụ, người bệnh bị viêm phổi có thể không có các triệu chứng như đau ngực, khó thở và mệt mỏi, đặc biệt ở những người lớn tuổi, đang thở máy, người bệnh bị sa sút trí tuệ và bệnh nặng. Trong những trường hợp đó, khi người bệnh có sốt, thở nhanh và tăng nhịp tim có thể nghi ngờ bị viêm phổi.
Những người lớn tuổi bị viêm phổi cũng có thể bị suy giảm ý thức, chán ăn, bồn chồn và kích động, té ngã và không thể tự chủ (ví dụ tiểu không tự chủ).
Chẩn đoán
- Bác sĩ đánh giá các triệu chứng của người bệnh
- Chụp X quang phổi hoặc chụp cắt lớp vi tính ngực (CT)
- Cấy máu
- Nội soi phế quản hoặc nội soi lồng ngực
Chẩn đoán viêm phổi bệnh viện dựa trên các triệu chứng và kết quả chụp X-quang phổi hoặc chụp CT ngực. Các bác sĩ có thể chỉ định cấy máu bằng việc lấy một mẫu máu và nuôi cấy trong phòng thí nghiệm để xác định căn nguyên vi khuẩn.
Người bệnh bị viêm phổi bệnh viện có thể rất nặng, vì vậy cần phải chẩn đoán được vi sinh vật gây viêm phổi từ đó có phương pháp điều trị tốt nhất. Vì những lý do này, đôi khi bác sĩ nội soi phế quản để lấy mẫu bệnh phẩm đường hô hấp để xác định căn nguyên. Trong khi nội soi phế quản, một ống soi mềm được đưa vào khí quản và phổi. Thủ thuật này có thể lấy mẫu mủ, dịch tiết, hoặc thậm chí nhu mô phổi để kiểm tra. Nếu không quan sát thấy có dịch, bác sĩ có thể rửa vùng phế quản để lấy dịch rửa làm xét nghiệm (thủ thuật này còn được gọi là rửa phế quản phế nang). Nếu dịch tích tụ trong màng phổi (được gọi là tràn dịch màng phổi), các bác sĩ có thể chọc kim xuyên qua lồng ngực để lấy dịch nuôi cấy (thủ thuật chọc dịch màng phổi).
Tiên lượng
Mặc dù điều trị tích cực nhưng sẽ có một tỷ lệ bệnh nhân bị viêm phổi bệnh viện tử vong. Tuy nhiên, nguyên nhân tử vong thường do có bệnh lý nền nặng kèm theo làm nặng hơn tình trạng bệnh (ví dụ, ung thư di căn).
Điều trị viêm phổi bệnh viện
- Thuốc kháng sinh
Kháng sinh điều trị viêm phổi bệnh viện được lựa chọn dựa theo kinh nghiệm những vi sinh vật có nhiều khả năng là nguyên nhân gây bệnh nhất và các yếu tố nguy cơ. Những người bị bệnh nặng có thể được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt và đôi khi phải thở máy. Điều trị bao gồm kháng sinh tiêm tĩnh mạch, thở oxy và dịch truyền tĩnh mạch.
Thuốc có thể dùng đơn độc hoặc kết hợp thêm với các loại khác.
Chăm sóc tích cực ở bệnh nhân viêm phổi nặng
Một số người bị viêm phổi bệnh viện rất ốm yếu. Viêm phổi có thể được điều trị bằng kháng sinh mạnh và có thể hỗ trợ hô hấp, thậm chí thở máy. Người bệnh có tiên lượng sống không cao cần được điều trị tích cực như vậy. Những người bị bệnh nặng hoặc giai đoạn cuối nên thảo luận với bác sĩ và người nhà về mong muốn điều trị viêm phổi hoặc các biến chứng nghiêm trọng khác khi nhập viện.
Xem thêm: