Video Viêm phổi
Nguyên nhân viêm phổi cộng đồng ở người lớn
Ở Hoa Kỳ, viêm phổi là một căn bệnh phổ biến ảnh hưởng đến hàng triệu người mỗi năm. Vi khuẩn, virus và nấm là căn nguyên có thể gây ra viêm phổi. Ở người lớn, vi khuẩn là nguyên nhân gây viêm phổi phổ biến nhất.
Đường vào của tác nhân gây bệnh:
- Vi khuẩn và virus sống trong mũi, xoang hoặc miệng có thể di chuyển đến phổi.
- Hít trực tiếp một số vi trùng vào phổi.
- Hít phải thức ăn, chất lỏng, chất nôn, hoặc dịch từ miệng vào phổi (viêm phổi hít).
Viêm phổi có thể do nhiều loại vi sinh vật gây ra.
- Loại vi khuẩn phổ biến nhất là Streptococcus pneumonia (phế cầu).
- Viêm phổi không điển hình do các vi khuẩn khác gây ra.
- Một loại nấm có tên là Pneumocystis jiroveci có thể gây viêm phổi ở những người có hệ miễn dịch yếu, đặc biệt là những người bị nhiễm HIV giai đoạn nặng.
- Các loại virus, như virus cúm, và gần đây nhất là SARS-CoV-2 (gây ra COVID-19), cũng là những nguyên nhân phổ biến của bệnh viêm phổi.
Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bị viêm phổi như:
- Bệnh phổi mãn tính (COPD, giãn phế quản, xơ nang)
- Hút thuốc lá
- Sa sút trí tuệ, đột quỵ, chấn thương não, bại não hoặc các rối loạn não khác
- Vấn đề về hệ thống miễn dịch (trong quá trình điều trị ung thư hoặc do HIV / AIDS, cấy ghép nội tạng hoặc các bệnh khác)
- Các bệnh mạn tính như bệnh tim, xơ gan hoặc đái tháo đường
- Phẫu thuật hoặc chấn thương gần đây
- Phẫu thuật để điều trị ung thư miệng, họng hoặc cổ
Triệu chứng viêm phổi cộng đồng ở người lớn
Các triệu chứng phổ biến của viêm phổi là:
- Ho (ho đờm xanh hoặc vàng, hoặc thậm chí là có máu)
- Sốt, có thể nhẹ hoặc cao
- Ớn lạnh
- Khó thở (có thể xảy ra khi leo cầu thang hoặc gắng sức)
Các triệu chứng khác bao gồm:
- Lú lẫn, đặc biệt ở người lớn tuổi
- Vã mồ hôi nhiều
- Đau đầu
- Chán ăn, mệt mỏi, thiếu năng lượng
- Khó chịu (cảm thấy không khỏe)
- Đau ngực, nặng hơn khi hít thở sâu hoặc ho
- Hội chứng đốm trắng ở móng tay hay gọi là leukonychia
Khám bệnh và xét nghiệm
Bác sĩ sẽ dùng ống nghe để nghe tiếng ran rít hoặc âm thanh bất thường ở phổi. Gõ ở lồng ngực để nghe và nhận định tiếng vang của phổi.
Nếu nghi ngờ viêm phổi, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp X-quang ngực.
Các xét nghiệm khác như:
- Khí máu động mạch để đánh giá đủ oxy từ phổi đi vào máu.
- Cấy máu và đờm để tìm căn nguyên gây viêm phổi.
- Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi để đánh giá số lượng bạch cầu
- Chụp CT ngực.
- Nội soi phế quản. Trong một số trường hợp, nội soi ống mềm đưa đền có gắn camera để quan sát bên trong đường hô hấp.
- Nội soi màng phổi. Loại bỏ dịch từ không gian giữa màng ngoài của phổi và thành ngực.
- Lấy dịch tỵ hầu để xét nghiệm các virus như cúm và SARS-CoV-2.
Điều trị viêm phổi cộng đồng ở người lớn
Bác sĩ sẽ đánh giá xem liệu người bệnh có cần phải nhập viện hay không. Nếu điều trị tại bệnh viện, người bệnh sẽ được điều trị:
- Dịch truyền và kháng sinh đường tĩnh mạch
- Liệu pháp oxy
- Phương pháp hỗ trợ thở (có thể)
Nếu viêm phổi do vi khuẩn, người bệnh phải bắt đầu dùng kháng sinh ngay sau khi nhập viện. Nếu bị viêm phổi do vi rút không cần điều trị bằng thuốc kháng sinh, bởi vì kháng sinh không diệt được virus. Người bệnh có thể được điều trị bằng các loại thuốc như thuốc kháng virus, nếu bạn bị cúm.
Người bệnh cần nhập viện khi:
- Có bệnh lý nền nghiêm trọng
- Có các triệu chứng nghiêm trọng
- Không thể tự chăm sóc bản thân ở nhà, hoặc không thể ăn uống
- Trên 65 tuổi
- Dùng kháng sinh tại nhà và không đỡ
Nhiều người có thể được điều trị tại nhà. Bác sĩ có thể yêu cầu dùng các loại thuốc như kháng sinh.
Khi dùng thuốc kháng sinh:
- Không bỏ thuốc giữa chừng. Uống đủ ngày, ngay cả khi bạn bắt đầu cảm thấy tốt hơn.
- Không dùng thuốc ho hoặc thuốc cảm trừ khi có sự cho phép của bác sĩ. Ho giúp cơ thể tống chất nhầy ra khỏi phổi.
Hít thở không khí ấm, ướt khiến lỏng chất nhầy dính có thể làm cho bạn cảm thấy nghẹt thở. Một số mẹo cải thiện tình trạng này:
- Đặt một chiếc khăn ấm, ẩm nhẹ nhàng lên mũi và miệng.
- Đổ đầy nước ấm vào máy làm ẩm và hít thở không khí ấm.
- Hít thở sâu 2 hoặc 3 lần mỗi giờ. Hít thở sâu sẽ giúp mở rộng phổi của bạn.
- Gõ nhẹ vào ngực vài lần mỗi ngày khi nằm đầu thấp hơn ngực. Điều này giúp đẩy chất nhầy ra khỏi phổi để bạn có thể ho ra ngoài.
Uống nhiều chất lỏng, khi bác sĩ cho phép.
- Uống nước, nước trái cây hoặc trà loãng
- Uống ít nhất 6 đến 10 cốc (1,5 đến 2,5 lít) mỗi ngày
- Không uống rượu
Nghỉ ngơi nhiều tại nhà. Nếu bạn khó ngủ vào ban đêm, hãy cố gắng chợp mắt một chút vào ban ngày.
Tiên lượng
Hầu hết người bệnh đáp ứng điều trị và cải thiện trong vòng 2 tuần. Người lớn tuổi hoặc người bệnh nặng có thể cần điều trị lâu hơn.
Những người có nhiều khả năng bị viêm phổi nặng như:
- Người cao tuổi
- Những người có hệ miễn dịch yếu
- Những người có các bệnh lý nền, như bệnh đái tháo đường hoặc xơ gan
Viêm phổi nặng kèm theo bệnh lý nền có thể dẫn đến tử vong
Trong một số trường hợp, các diễn biến nặng có thể xảy ra như:
- Đe dọa tính mạng cần phải thở máy
- Tràn dịch màng phổi
- Nhiễm trùng dịch màng phổi
- Áp xe phổi
Bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang thêm để đánh giá. Có thể mất nhiều tuần để phim chụp X quang cải thiện hơn. Người bệnh có thể hồi phục sớm hơn so với hình ảnh trên phim X quang.
Khi nào cần đến khám bác sĩ
Liên lạc với bác sĩ hoặc đến khám nếu:
- Ho máu hoặc màu gỉ sắt
- Các triệu chứng hô hấp trở nên tồi tệ hơn
- Đau ngực tồi tệ hơn khi bạn ho hoặc hít vào
- Thở nhanh hoặc đau
- Đổ mồ hôi ban đêm hoặc sụt cân không rõ nguyên nhân
- Khó thở, ớn lạnh, rét run hoặc sốt dai dẳng
- Các dấu hiệu của bệnh viêm phổi và hệ miễn dịch kém (HIV hoặc hóa trị liệu)
- Các triệu chứng xấu đi so với ban đầu
Phòng ngừa
Người bệnh có thể ngăn ngừa bệnh viêm phổi bằng một số biện pháp dưới đây.
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là:
- Chuẩn bị ăn
- Sau khi xì mũi
- Sau khi đi vệ sinh
- Sau khi thay tã cho em bé
- Sau khi tiếp xúc với những người bị bệnh
- Tránh tiếp xúc với những người bị bệnh.
- Không hút thuốc. Thuốc lá làm mất khả năng chống nhiễm trùng của phổi.
- Vắc xin có thể giúp ngăn ngừa một số loại viêm phổi. Đảm bảo tiêm đủ các loại vắc xin sau:
- Vắc xin ngừa cúm có thể giúp ngăn ngừa bệnh viêm phổi do virus cúm gây ra.
- Vắc xin ngừa phế cầu làm giảm nguy cơ bị viêm phổi do Streptococcus pneumonia.
Vắc xin thậm chí còn quan trọng hơn đối với người lớn tuổi và những người mắc bệnh đái tháo đường, hen suyễn, khí phế thũng, HIV, ung thư, những người được ghép tạng hoặc các bệnh mãn tính khác.
Xem thêm: