Chức năng cổ tử cung
Cổ tử cung có một số chức năng quan trọng như:
- Sản xuất chất nhầy trong nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt, giúp tinh trùng dễ dàng đi từ âm đạo vào tử cung
- Mở ra trong quá trình chuyển dạ để thai nhi đi qua ống đẻ
- Bảo vệ tử cung khỏi vi khuẩn và các dị vật khác
Dưới đây là cách cổ tử cung hoạt động trong các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt và khi có thai:
Trong kỳ kinh nguyệt
Trong kỳ kinh nguyệt, cổ tử cung hơi mở ra để máu kinh nguyệt ra khỏi tử cung và âm đạo.
Trong quá trình thụ thai
Sự thụ thai xảy ra khi tinh trùng di chuyển qua cổ tử cung để vào tử cung và thụ tinh với trứng. Vào khoảng thời gian rụng trứng - thời điểm dễ thụ thai nhất của chu kỳ kinh nguyệt, cổ tử cung tiết ra chất dịch trong suốt, tạo thuận lợi cho quá trình thụ tinh.
Trong thời kỳ mang thai và chuyển dạ
Khi mang thai, chất nhầy cổ tử cung đặc lại và tạo thành "nút" cổ tử cung để bảo vệ thai nhi khỏi nhiễm trùng. Khi gần đến ngày chuyển dạ, cổ tử cung sẽ mỏng dần, mềm và ngắn lại sau đó giãn ra để chuẩn bị cho việc sinh nở.
Khi sắp đến ngày dự sinh, bác sĩ sẽ kiểm tra độ xóa mở của cổ tử cung để đánh giá khả năng sinh nở của thai phụ.
Trong thời kỳ mãn kinh
Trong thời kỳ mãn kinh, sự thay đổi nội tiết tố và sự lão hóa làm thay đổi chất nhầy cổ tử cung và dịch tiết âm đạo khiến một số phụ nữ mãn kinh bị khô âm đạo.
Cổ tử cung ở vị trí nào?
Cổ tử cung nằm giữa tử cung và âm đạo. Có thể sờ thấy cổ tử cung bằng ngón tay và bạn sẽ nhận thấy sự thay đổi tính chất của cổ tử cung trong suốt chu kỳ kinh nguyệt. Để quan sát được cổ tử cung, bạn cần sử dụng gương và đèn soi nhưng vẫn có thể khó quan sát tùy thuộc vào chiều dài của âm đạo.
Phần lỗ mở ở trung tâm cổ tử cung được gọi là kênh cổ tử cung. Cổ tử cung cho phép máu kinh chảy ra từ âm đạo trong kỳ kinh nguyệt.
Cổ tử cung có 3 phần:
Phần thấp nhất, có thể được nhìn thấy từ bên trong âm đạo khi khám phụ khoa, được gọi là lỗ ngoài. Trung tâm của lỗ ngoài có thể mở ra thông giữa tử cung và âm đạo.
Phần cao nhất là lỗ trong cổ tử cung. Đó là đoạn giữa tử cung và lỗ ngoài.
Điểm ở giữa nơi giao nhau giữa lỗ trong và lỗ ngoài là vùng biến đổi.
Cổ tử cung được bao phủ bởi biểu mô lát tầng không sừng hóa hoặc biểu mô trụ đơn.
Các bệnh liên quan
Video Các nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung
Cổ tử cung dễ mắc một số bệnh sau:
- Ung thư cổ tử cung: Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung là do HPV, một bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ khuyến cáo rằng tất cả trẻ em nên tiêm vắc xin HPV ở độ tuổi từ 11 - 12, nhưng một số người có thể tiêm vắc xin đến tận 45 tuổi.
- Viêm cổ tử cung: Xảy ra khi cổ tử cung bị viêm, có thể do bệnh lây truyền qua đường tình dục như chlamydia, lậu hoặc herpes
- Loạn sản cổ tử cung: Xảy ra khi các tế bào phát triển bất thường ở cổ tử cung có thể tiến triển thành ung thư cổ tử cung. Bệnh có thể được phát hiện bằng xét nghiệm Pap.
- Polyp cổ tử cung: Đây là những khối u nhỏ ở lỗ ngoài cổ tử cung. Polyp không đau và thường vô hại, nhưng có thể gây chảy máu âm đạo.
- Hở eo tử cung: Xảy ra khi cổ tử cung quá yếu để duy trì thai kỳ, có khả năng dẫn đến sẩy thai.
Trong một số trường hợp, phấu thuật cắt bỏ cổ tử cung cùng với tử cung để điều trị ung thư hoặc một số bệnh lý khác. Đây được gọi là phẫu thuật cắt tử cung toàn bộ.
Những người phụ nữ sẽ phải làm xét nghiệm Pap thường xuyên để phát hiện sớm những thay đổi của tế bào cổ tử cung có thể tiến triển thành ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, phần lớn các xét nghiệm Pap bất thường là do viêm hoặc nhiễm trùng.
Các câu hỏi thường gặp
Cổ tử cung trông như thế nào?
Cổ tử cung dài hơn 2,5cm và rộng khoảng 2,5cm và có một lỗ mở ở trung tâm được gọi là lỗ cổ tử cung. Cổ tử cung được tạo thành từ các mô cơ và mở vào âm đạo.
Điều gì xảy ra khi bạn bị cắt bỏ cổ tử cung?
Tùy thuộc vào nguyên nhân, có 3 phương pháp phẫu thuật cắt cổ tử cung là nội soi, phẫu thuật mở ổ bụng hoặc qua âm đạo. Phẫu thuật cắt tử cung toàn bộ có thể được thực hiện để điều trị ung thư, u xơ tử cung hoặc các bệnh lý khác. Đôi khi chỉ cắt bỏ cổ tử cung ở những người bị ung thư cổ tử cung có mong muốn có con trong tương lai. Đây được gọi là phẫu thuật cắt bỏ cổ tử cung.
Cổ tử cung hoạt động như thế nào?
Cổ tử cung có một lỗ mở ở phía dưới cho phép tinh trùng đi đến tử cung và thụ tinh với trứng, đồng thời cho phép máu kinh chảy ra ngoài. Ở phụ nữ có thai, cổ tử cung mở ra và mỏng dần trong quá trình chuyển dạ để em bé dễ dàng chui qua ống đẻ.
Kết luận
Sẽ rất hữu ích nếu bạn biết cổ tử cung hoạt động như thế nào, vì nó đóng vai trò quan trọng trong việc thụ thai, kinh nguyệt và sinh con. Hãy trao đổi với bác sĩ phụ khoa về cách bảo vệ cổ tử cung khỏe mạnh bằng xét nghiệm Pap thường xuyên, quan hệ tình dục an toàn (để tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục) và chủng ngừa HPV.
Xem thêm: