Sảy thai: Dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân và biện pháp xử trí

Sảy thai là tình trạng thai nhi bị mất trước tuần 20 của thai kỳ. Thuật ngữ y học sảy thai mang nghĩa sảy thai tự nhiên phân biệt với các trường hợp phá thai hay đình chỉ thai có mục đích.

Video: vì sao bạn sảy thai liên tiếp?

Có tới 50% các trường hợp sảy thai xảy ra trước khi phụ nữ bị trễ kinh hoặc thậm chí trước khi biết mình đang mang thai, sảy thai được chẩn đoán chiếm tỷ lệ từ 15% -25%.

Hơn 80% trường hợp sảy thai xảy ra trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Sảy thai ít xảy ra sau 20 tuần. Sau 20 tuần gọi là lưu thai.

Triệu chứng của sảy thai

Các triệu chứng của sảy thai bao gồm:

  • Chảy máu âm đạo từ nhẹ đến nặng
  • Cơn co thắt nghiêm trọng
  • Đau bụng
  • Suy nhược
  • Đau lưng trầm trọng 
  • Sốt đi kèm với một trong các triệu chứng kể trên
  • Sụt cân
  • Khí hư màu trắng hồng
  • Xuất hiện các cơn co thắt tử cung
  • Chất trông giống như cục máu đông chảy ra từ âm đạo 
  • Dấu hiệu mang thai mất đi hoặc thuyên giảm

Nếu bạn có những triệu chứng này, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Họ sẽ giúp bạn chẩn đoán vấn đề sức khỏe bạn đang gặp phải.

Nguyên nhân gây sảy thai và các yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân sảy thai chủ yếu là do bất thường di truyền. Thông thường, nguyên nhân này không có nghĩa là người mẹ có bất thường về khả năng sinh sản.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ sảy thai bao gồm:

  • Nhiễm trùng
  • Sức khỏe của mẹ, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc bệnh tuyến giáp
  • Vấn đề về hormone
  • Phản ứng của hệ thống miễn dịch
  • Các vấn đề về thể chất ở người mẹ
  • Bất thường tử cung
  • Hút thuốc
  • Uống rượu
  • Sử dụng ma túy 
  • Tiếp xúc với bức xạ hoặc chất độc hại

Phụ nữ có nguy cơ sảy thai cao hơn nếu họ:

  • Trên 35 tuổi
  • Mắc một số bệnh, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc các vấn đề về tuyến giáp
  • Đã từng bị sảy thai từ ba lần trở lên

Hở eo cổ tử cung. Sảy thai có thể xảy ra trong trường hợp người mẹ có cổ tử cung bị suy yếu. Tình trạng này được gọi là chứng hở eo cổ tử cung. Cổ tử cung yếu không thể giữ thai. Loại sảy thai này thường xảy ra trong tam cá nguyệt thứ hai.

Triệu chứng trước khi sảy thai do hở eo cổ tử cung thường kín đáo. Bạn có thể cảm thấy đau bụng đột ngột, rỉ nước ối, thai nhi và bánh rau rời khỏi cơ thể người mẹ mà không bị đau nhiều. Điều trị hở eo cổ tử cung bằng cách khâu eo cổ tử cung. Trong lần mang thai tiếp theo, bác sĩ thường chủ động khâu eo cổ tử cung vào khoảng tuần thứ 12. Vết khâu giữ cổ tử cung đóng lại cho đến khoảng thời gian sắp sinh sẽ được loại bỏ. Nếu bạn chưa từng sảy thai nhưng tình cờ phát hiện hở eo thì việc khâu eo là cần thiết để ngăn sảy thai xảy ra.

Phân loại sảy thai

Có nhiều loại sảy thai khác nhau, bao gồm:

Dọa sảy thai. Có hiện tượng ra máu âm đạo nhưng cổ tử cung chưa mở. Khi đó nếu can thiệp kịp thời, loại bỏ nguyên nhân, nghỉ ngơi vẫn có thể giữ thai.

Sảy thai bất khả kháng. Có hiện tượng chảy máu kèm cơn co tử cung. Cổ tử cung giãn ra, khả năng cao thai sớm bị sảy.

Sảy thai không hoàn toàn. Một bộ phận của thai hoặc phần phụ rời khỏi cơ thể mẹ, một số vẫn ở trong tử cung.

Sảy thai hoàn toàn. Tất cả phôi thai rời khỏi cơ thể người mẹ. Loại sảy thai này thường xảy ra trước tuần thứ 12 của thai kỳ.

Sót thai. Là hiện tượng phôi chết hoặc ngừng phát triển, thậm chí không hình thành trong khi phần phụ của thai vẫn tồn tại trong buồng tử cung người mẹ.

Sảy thai liên tiếp (RM). Là loại sảy thai từ ba lần liền nhau trở lên. Loại này chiếm tỷ lệ khoảng 1% trong số các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn.

Chẩn đoán sảy thai

Để kiểm tra xem bạn có bị sảy thai hay không, bác sĩ sẽ thực hiện:

  • Thăm khám phụ khoa: Họ sẽ kiểm tra xem tình trạng cổ tử cung như thế nào, có bị giãn mở hay không?
  • Siêu âm: Sử dụng sóng âm theo dõi nhịp tim của thai. Nếu kết quả bình thường bạn có thể tái khám sau đó một tuần.
  • Xét nghiệm máu: Định lượng nồng độ hormone thai kỳ trong máu và so sánh với giá trị bình thường trong những lần thăm khám trước. Đồng thời kiểm tra tình trạng thiếu máu nếu bạn bị chảy máu nhiều.
  • Các xét nghiệm giải phẫu bệnh: Nếu thu thập được phần tổ chức rời khỏi cơ thể người mẹ, bác sĩ có thể gửi nó đến phòng thí nghiệm để xác nhận tình trạng cũng như nguyên nhân sảy thai cũng như chẩn đoán phân biệt với các tình trạng khác có dấu hiệu tương tự.
  • Xét nghiệm nhiễm sắc thể: Nếu bạn bị sảy thai từ hai lần trở lên, bác sĩ có thể yêu cầu kiểm tra công thức nhiễm sắc thể đồ nếu nghi ngờ bất thường nhiễm sắc thể là nguyên nhân gây ra tình trạng sảy thai.

Điều trị sảy thai

Khoảng 85% phụ nữ bị sảy thai có thai và sinh con bình thường sau đó. Sảy thai không nhất thiết có nghĩa là bạn có vấn đề về khả năng sinh sản. Mặt khác, khoảng 1% -2% phụ nữ có thể bị sảy thai nhiều lần (2 hoặc nhiều hơn). Các nhà nghiên cứu cho rằng điều này có liên quan đến phản ứng tự miễn dịch.

Nếu sảy thai hoàn toàn, tử cung không còn lưu giữ thai và tổ chức thai sau đó, bạn không cần điều trị thêm.

Đôi khi một phần tổ chức của thai còn sót lại trong buồng tử cung, không bị đẩy ra ngoài. Nếu điều đó xảy ra, bác sĩ cần tiến hành thủ thuật nong và nạo (D&C). Họ sẽ làm giãn cổ tử cung và nhẹ nhàng loại bỏ các mô còn sót lại. Bạn cũng có thể sử dụng thuốc thay vì can thiệp thủ thuật trong trường hợp này. Tham khảo ý kiến bác sĩ để có lựa chọn phù hợp.

Nếu thai kỳ kết thúc ở giai đoạn muộn hơn có thể cần tiến hành gây chuyển dạ chủ động và đỡ đẻ.

Khi máu ngừng chảy, bạn có thể trở lại sinh hoạt bình thường. Nếu nguyên nhân dọa sảy thai là do tình trạng hở eo cổ tử cung thì cần gặp bác sĩ để khâu eo giữ thai.

Nếu bạn mang nhóm máu Rh âm, bạn sẽ được chỉ định dùng Globulin miễn dịch Rh (Rhogam) khi mang thai mang nhóm máu Rh dương. Việc này giúp ngăn hình thành kháng thể gây hại cho thai bạn đang mang hoặc bất kỳ lần mang thai tiếp theo nào trong tương lai.

Nếu bị sảy thai hơn hai lần liên tiếp (sảy thai liên tiếp) bạn cần được làm các xét nghiệm chuyên sâu để tìm nguyên nhân. Các xét nghiệm cho tình trạng này bao gồm:

  • Siêu âm vùng chậu
  • Hysterosalpingogram, Chụp X-quang tử cung và vòi trứng
  • Nội soi tử cung qua ngả âm đạo để phát hiện những bất thường cấu trúc buồng tử cung

Nếu bạn bị sảy thai liên tiếp, hãy nói chuyện với bác sĩ để được hỗ trợ chẩn đoán, tìm nguyên nhân và biện pháp khắc phục tình trạng này.

Các triệu chứng sau sảy thai

Ra máu âm đạo kèm theo cảm giác khó chịu sau sảy thai ( Nguồn: https://hips.hearstapps.com)Ra máu âm đạo kèm theo cảm giác khó chịu sau sảy thai ( Nguồn: https://hips.hearstapps.com)

Chảy máu âm đạo và cảm giác khó chịu nhẹ là những triệu chứng thường gặp sau khi sảy thai. Nếu bạn bị chảy máu nhiều kèm theo sốt, ớn lạnh hoặc đau đớn, hãy trao đổi với bác sĩ ngay lập tức. Đây có thể là dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng.

Bên cạnh những tác động về thể chất, bạn cũng có thể đối mặt với nhiều cung bậc cảm xúc, từ buồn bã, tội lỗi đến đau buồn và lo lắng về những lần mang thai tiếp theo. Những gì bạn đang cảm thấy là cảm xúc mà bất cứ ai trong hoàn cảnh đó cũng không thể tránh khỏi. Hãy lắng nghe bản thân và tìm sự trợ giúp nếu bạn không thể vượt qua giai đoạn này một mình.

Nếu muốn vượt qua những cảm xúc tiêu cực này, hãy nói chuyện với người thân, bạn bè, những người luôn ủng hộ. Thậm chí bạn có thể nói chuyện với một chuyên gia tư vấn tâm lý. Các nhóm hỗ trợ khi mang thai cũng có thể giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn này. Hãy hỏi bác sĩ để biết thêm thông tin về những người có thể hỗ trợ bạn. Hãy luôn nhớ rằng mỗi cơ thể phục hồi theo những cách khác nhau, trong những khoảng thời gian khác nhau.

Mang thai sau sảy thai

Bạn có thể mang thai ngay sau khi sảy thai. Khoảng 85% phụ nữ từng bị sảy thai tiếp tục mang thai và sinh con bình thường trong những lần kế tiếp. Sảy thai không có nghĩa là bạn có vấn đề về khả năng sinh sản. Có khoảng 1% -2% các trường hợp sảy thai liên tiếp.

Nếu bạn bị sảy thai hai lần liên tiếp, bạn nên ngừng cố gắng thụ thai, thay vào đó nên có kế hoạch mang thai đặc biệt là tìm ra nguyên nhân gây ra sảy thai.

Thời điểm nên có thai sau khi sảy thai

Thảo luận về thời gian mang thai tiếp theo với bác sĩ. Một số chuyên gia cho rằng bạn nên đợi một khoảng thời gian nhất định (từ một chu kỳ kinh nguyệt đến 3 tháng) trước khi có thai trở lại. Để giảm nguy cơ sảy thai, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng progesterone, một loại hormone giúp phôi thai làm tổ và hỗ trợ mang thai sớm.

Dành thời gian để chữa lành cả về thể chất và tinh thần sau khi sảy thai là điều quan trọng. Trên tất cả, đừng tự trách bản thân. Tìm sự trợ giúp để bạn không phải một mình khi vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Phòng ngừa sảy thai

Hầu hết các trường hợp sảy thai là do thai bất thường, không thể tiếp tục sống và phát triển. Bạn không thể làm gì để ngăn điều này xảy ra. Hiện tượng này là một phần của chọn lọc tự nhiên. Việc tìm và loại bỏ nguyên nhân là cần thiết để những lần mang thai tiếp theo thuận lợi hơn.

Nếu bị bệnh, việc điều trị là cần thiết trước khi mang thai. Một trong các vấn đề quan trọng là chuẩn bị một sức khỏe thật tốt trước khi mang thai. Bạn có thể thay đổi lối sống bằng cách:

  • Tập thể dục thường xuyên .
  • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng.
  • Duy trì cân nặng hợp lý.
  • Tránh nhiễm trùng.
  • Không hút thuốc, uống rượu hoặc sử dụng ma túy bất hợp pháp.
  • Cắt giảm lượng caffeine

Xem thêm:

Câu hỏi liên quan

Sảy thai hay sảy thai tự nhiên là một sự kiện dẫn đến mất thai trước 20 tuần của thai kỳ. Nó thường xảy ra trong ba tháng đầu của thai kỳ. Sảy thai có thể xảy ra vì nhiều lý do về y tế, trong đó có cả lý do về phạm vi kiểm soát của con người.
Xem thêm
Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Sảy thai
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!