Video Bác sĩ giải đáp thắc mắc về bệnh nhiễm khuẩn Chlamydia
Chlamydia là gì?
Chlamydia là một bệnh do vi khuẩn gây ra. Đây là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất ở Mỹ. Bệnh rất dễ lây lan vì nó thường không gây ra triệu chứng. Điều đó có nghĩa là bạn có thể truyền chlamydia cho bạn tình mà không biết. Trên thực tế, khoảng 75% trường hợp nhiễm trùng ở phụ nữ và 50% ở nam giới không có triệu chứng. Nếu không điều trị, chlamydia có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
Các triệu chứng Chlamydia
Các triệu chứng nhiễm Chlamydia thường xuất hiện trong vòng 1 đến 3 tuần sau khi tiếp xúc.
Các triệu chứng Chlamydia ở phụ nữ bao gồm:
- Tiết dịch âm đạo bất thường có thể có mùi
- Chảy máu giữa các kỳ kinh
- Kinh nguyệt đau đớn
- Đau bụng kèm theo sốt
- Đau khi quan hệ tình dục
- Ngứa hoặc nóng rát trong hoặc xung quanh âm đạo
- Đau khi bạn đi tiểu
Các triệu chứng Chlamydia ở nam giới bao gồm:
- Xuất hiện một lượng nhỏ dịch tiết trong hoặc đục từ đầu dương vật
- Đi tiểu đau buốt
- Ngứa xung quanh lỗ dương vật
- Đau và sưng xung quanh tinh hoàn
Quan hệ tình dục không an toàn cũng có thể dẫn đến chlamydia ở các bộ phận khác của cơ thể như hậu môn, cổ họng và mắt. Các triệu chứng bao gồm:
- Hậu môn: Khó chịu và tiết dịch
- Họng: Thường không có triệu chứng
- Mắt : Đỏ, đau và chảy dịch
Nguyên nhân Chlamydia
Bệnh Chlamydia do vi khuẩn chlamydia trachomatis gây ra, thường lây lan qua quan hệ tình dục bằng đường âm đạo, miệng hoặc hậu môn. Vi khuẩn này thường có trong tinh dịch hoặc dịch âm đạo của người bị bệnh, có thể truyền từ người nhiễm bệnh sang người khác thông qua tiếp xúc bộ phận sinh dục, ngay cả khi không có quan hệ tình dục. Phụ nữ mang thai có thể truyền cho thai nhi trong thời gian sinh nở.
Chẩn đoán Chlamydia
Bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm khác nhau để chẩn đoán chlamydia. Bác sĩ thường sử dụng tăm bông để lấy mẫu từ niệu đạo ở nam giới hoặc từ cổ tử cung ở phụ nữ. Sau đó được chuyển đến phòng xét nghiệm để phân tích, kiểm tra mẫu nước tiểu để tìm vi khuẩn.
Điều trị Chlamydia
Chlamydia có thể chữa khỏi được. Vì đây là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn nên các bác sĩ có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh. Nếu bạn được chẩn đoán nhiễm chlamydia, bác sĩ sẽ kê cho bạn đơn thuốc kháng sinh uống, thường là azithromycin (Zithromax) hoặc doxycycline. Bác sĩ cũng sẽ đề nghị bạn tình của bạn được điều trị để ngăn chặn sự tái nhiễm và lây lan thêm của bệnh.
Khi được điều trị, nhiễm trùng sẽ khỏi sau khoảng một hoặc hai tuần. Điều quan trọng là phải sử dụng hết liều thuốc kháng sinh, ngay cả khi bạn cảm thấy đã hết các triệu chứng.
Phụ nữ khi bị nhiễm chlamydia nặng có thể cần được điều trị tại bệnh viện, dùng thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch (thuốc truyền qua tĩnh mạch) và thuốc giảm đau.
Sau khi sử dụng hết liều thuốc kháng sinh được kê đơn, bạn nên đi kiểm tra lại sau 3 tháng để chắc chắn rằng bệnh nhiễm trùng đã được chữa khỏi. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn không chắc (những) bạn tình của mình đã được điều trị hay chưa. Tuy nhiên, nên đi xét nghiệm ngay cả khi (những) bạn tình của bạn đã được điều trị. Không quan hệ tình dục cho đến khi chắc chắn rằng cả bạn và (những) bạn tình của bạn không còn mắc bệnh.
Biến chứng Chlamydia
Nếu không được điều trị, Chlamydia có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe
- Phụ nữ: nếu không được điều trị, nhiễm chlamydia có thể gây ra bệnh viêm vùng chậu, có thể làm hỏng ống dẫn trứng. Thậm chí có thể gây vô sinh. Nhiễm chlamydia không được điều trị cũng có thể làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung (khi trứng thụ tinh làm tổ và phát triển bên ngoài tử cung). Chlamydia còn có thể gây sinh non. Nếu các thai phụ truyền bệnh cho con trong khi sinh, trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm trùng mắt, mù lòa hoặc viêm phổi.
- Nam giới: Chlamydia có thể gây nhiễm trùng mào tinh hoàn (ống dẫn tinh trùng đi từ tinh hoàn) hoặc proctitis – bệnh viêm trực tràng.
Đối với cả nam giới và phụ nữ có thể mắc một bệnh gọi là viêm niệu đạo không do mô cầu - một bệnh nhiễm trùng niệu đạo.
Phòng chống Chlamydia
Để giảm nguy cơ nhiễm chlamydia:
- Sử dụng bao cao su đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục.
- Hạn chế số lượng bạn tình và không qua lại giữa các bạn tình.
- Thực hành tiết chế tình dục, hoặc hạn chế quan hệ tình dục với đối tác chưa bị nhiễm bệnh.
- Nếu bạn nghĩ rằng bạn đang bị nhiễm bệnh, hãy tránh quan hệ tình dục và đi khám bác sĩ.
Khi xuất kỳ triệu chứng nào ở bộ phận sinh dục, chẳng hạn như tiết dịch hoặc nóng rát khi đi tiểu, đau hoặc phát ban bất thường, cần ngừng quan hệ tình dục và đi khám ngay. Nếu bạn được chẩn đoán và điều trị chlamydia hoặc bất kỳ bệnh lây truyền qua đường tình dục nào khác, hãy nói với tất cả những người bạn tình gần đây của bạn để họ có thể gặp bác sĩ và được điều trị.
Vì chlamydia thường không có triệu chứng nên những người bị nhiễm có thể vô tình lây cho bạn tình của họ. Nhiều bác sĩ khuyến cáo rằng tất cả những người có nhiều hơn một bạn tình nên được xét nghiệm chlamydia thường xuyên, ngay cả khi không có triệu chứng.
Xem thêm: