Các liệu pháp điều trị chuyển dạ sinh non: Lợi ích và nguy cơ

Em bé càng phát triểu lâu trong bụng mẹ thì khả năng sống sót càng cao và tỉ lệ mắc các bệnh lý sơ sinh càng thấp. do đó, ở những trường hợp có các dấu hiệu của chuyển dạ sinh non, bác sĩ sẽ chỉ định một số liệu pháp để ngăn ngừa hoặc trì hoãn chuyển dạ sinh non.

Sinh non có thể dẫn đến các vấn đề về phổi, tim, não và các cơ quan khác của trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, nhờ vào những tiến bộ trong nghiên cứu về chuyển dạ sinh non, hiện này chúng ta đã xác định được các loại thuốc hiệu quả có thể làm chậm quá trình sinh nở.

Nếu bạn có dấu hiệu chuyển dạ sớm, hãy đi khám ngay lập tức 

Các triệu chứng của chuyển dạ sinh non bao gồm

  • Xuất hiện cơn co thường xuyên hoặc liên tục (bụng gò cứng)
  • Đau thắt lưng âm ỉ và liên tục
  • Căng cứng vùng khung chậu và bụng dưới 
  • Co thắt cơ nhẹ vùng bụng 
  • Rỉ ối số lượng ít hoặc trào nhiều nước ối 
  • Sự biến đổi dịch tiết âm đạo
  • Ra máu nhiều vùng âm đạo, hoặc ra chấm máu nhỏ.
  • Tiêu chảy 

Xử trí chuyển dạ sinh non

Nếu bạn mang thai dưới 37 tuần gặp các triệu chứng chuyển dạ sinh non, bác sĩ có thể cố gắng tránh việc sinh non bằng một số loại thuốc nhất định.

Ngoài việc cho các loại thuốc giảm co bác sĩ có thể kê toa thuốc steroid để cải thiện chức năng phổi của em bé.

Nếu vỡ ối, bạn cũng có thể phải dùng thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng và giúp bạn giữ thai lâu hơn.

Nếu bạn có nguy cơ sinh non cao, bác sĩ có thể đề nghị dùng hormone progesterone. 

Dưới đây là các thông tin thêm về các liệu pháp ngăn chuyển dạ sinh non.

Lợi ích và rủi ro của corticosteroid đối với phổi của trẻ

Một số sản phụ chuyển dạ từ rất sớm. Nếu bạn sinh trước 34 tuần, việc tiêm corticosteroid có thể cải thiện sức khỏe em bé tốt hơn. Vì corticosteroid giúp phổi của em bé trưởng thành.

Steroid thường được tiêm vào một trong các cơ lớn (cánh tay, chân hoặc mông) của sản phụ. Liều tiêm thường từ 2-4 lần trong ngày, tùy thuộc vào loại steroid được sử dụng.

Thuốc steroid phổ biến nhất, betamethasone (Celestone), được dùng làm hai liều, mỗi liều 12 miligam (mg), cách nhau 12 hoặc 24 giờ. Thuốc có hiệu quả cao nhất từ 2 đến 7 ngày sau liều đầu tiên.

Corticosteroid không giống như loại steroid được các vận động viên sử dụng.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng corticosteroid là thuốc quan trọng và được sử dụng rộng rãi. Có rất ít bằng chứng khoa học chỉ ra chúng làm tăng các nguy cơ rủi ro.

Những lợi ích của steroid là gì?

Điều trị bằng steroid làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề về phổi đối với những trẻ sinh non, đặc biệt đối với những trẻ sinh từ 29 đến 34 tuần của thai kỳ.

Một nghiên cứu năm 2016 trên chuột nhắt cho thấy phương pháp điều trị bằng steroid có thể làm giảm nguy cơ loạn sản phế quản phổi, một tình trạng có thể dẫn đến bệnh phổi mạn tính ở trẻ sơ sinh. Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy điều trị sớm là rất quan trọng để có được hiệu quả tối đa

Steroid cũng có thể làm giảm các biến chứng khác ở trẻ sơ sinh. Một tổng quan các nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy rằng nhiều trẻ sơ sinh ít gặp vấn đề về đường ruột và chảy máu não hơn khi người mẹ được dùng betamethasone trước khi sinh.

Nếu bạn nhập viện trong tình trạng sinh non hoặc có tình trạng bệnh lý được dự đoán sinh non, bạn có thể phải dùng liệu pháp steroid.

Giữ thai trong 2 ngày đầu tiên sau khi tiêm corticosteroid là cột mốc quan trọng đầu tiên đối với bạn và thai nhi (hoặc trẻ sơ sinh). 

Nguy cơ của việc dùng steroid là gì?

Các số liệu trước đây đã không cho thấy bất kỳ rủi ro đáng kể nào liên quan đến điều trị steroid.

Một báo cáo tổng hợp năm 2017 từ các nghiên cứu trước đó đã cho thấy có sự gia tăng ít của nguy cơ sứt môi khi sử dụng corticosteroid trong ba tháng đầu. Việc sử dụng steroid trong thời kỳ đầu của thai kỳ không phổ biến.

Một nghiên cứu năm 2019 đã chỉ ra mối liên quan giữa việc sử dụng corticosteroid và trẻ sơ sinh nhẹ cân, nhưng nghiên cứu vẫn đang tiếp tục.

Một phân tích tổng hợp từ các dữ liệu vào năm 2019 cho thấy việc sử dụng lặp lại corticosteroid cho những người mang thai có nguy cơ sinh non liên tục có thể làm giảm khả năng em bé cần được hỗ trợ hô hấp khi sinh.

Tuy nhiên, việc dùng nhiều đợt steroids cũng liên quan đến cân nặng, chiều dài và chu vi vòng đầu khi sinh thấp hơn.

Hiện tại, việc dùng nhiều đợt không được khuyến cáo, trừ khi nó phục vụ cho mục đích nghiên cứu 

Ai nên dùng steroid?

Hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) tái khẳng định các khuyến nghị của họ vào năm 2020 về thời điểm nên sử dụng steroid:

Một liệu trình duy nhất được khuyến nghị khi sản phụ có nguy cơ sinh non trong khoảng 24 đến 34 tuần của thai kỳ

Đối với thai phụ từ 34-37 tuần thai, có nguy cơ sinh non trong vòng 7 ngày, hoặc người chưa dùng steroid trước đó, người ta cũng khuyến cáo dùng một liệu trình steroid duy nhất.

Một liều trình corticosteroid lặp lại duy nhất có thể được xem xét cho những người có nguy cơ sinh non trong vòng 7 ngày, những người đã dùng liệu trình trước đó hơn 14 ngày. 

Ai không nên dùng steroid?

Steroid có thể làm cho đái tháo đường (cả đái tháo đường thai kỳ, và đái tháo đường sau sinh) trở nên khó kiểm soát hơn. Khi được sử dụng kết hợp với một loại thuốc beta-mimetic (terbutaline, biệt dược Brethine), chúng có thể gây ra nhiều vấn đề hơn.

Cả đái tháo đường thai kỳ, và đái tháo đường sau sinh) trở nên khó kiểm soát hơn.

Những người bị bệnh đái tháo đường sẽ được theo dõi đường máu cẩn thận trong 3 đến 4 ngày sau khi dùng steroid.

Ngoài ra, khi đang có tình trạng nhiễm trùng hoặc nghi ngờ nhiễm trùng tử cung (viêm màng đệm) không nên dùng steroid. 

Lợi ích và rủi ro của hormone progesterone: 17-OHPC

Một số người mang thai có nhiều khả năng chuyển dạ sớm hơn những người khác. Những người có nguy cơ sinh non cao bao gồm:

  • Tiền sử đẻ non
  • Đang mang đa thai (sinh đôi, sinh ba, v.v.)
  • Có thai ngay sau lần mang thai trước
  • Sử dụng thuốc lá hoặc rượu, hoặc lạm dụng ma túy
  • Thụ thai thông qua thụ tinh trong ống nghiệm
  • Đã có nhiều hơn một lần sẩy thai hoặc phá thai
  • Có các vấn đề sức khỏe khác (chẳng hạn như nhiễm trùng, bất thường giải phẫu trong tử cung hoặc cổ tử cung hoặc một số bệnh mạn tính)
  • Suy dinh dưỡng
  • Gặp sang chấn (thể chất hoặc cảm xúc) 

Điều quan trọng cần lưu ý là nhiều thai phụ gặp phải các triệu chứng của chuyển dạ sinh non mà không có yếu tố nguy cơ nào đã biết.

Nếu bạn đã từng sinh non trước đây, bác sĩ sản khoa có thể khuyên bạn nên tiêm progesterone hoặc pessary (thuốc đặt âm đạo). Dạng hormone progesterone phổ biến nhất được sử dụng để ngăn ngừa sinh non là tiêm 17-OHPC, hoặc 17-alphahydroxyprogesterone caproate

Tiêm 17-OHPC là một progesterone tổng hợp thường được tiêm trước tuần thứ 21 của thai kỳ với mục đích kéo dài thời gian mang thai. Hormone hoạt động bằng cách giữ cho tử cung không co bóp. Thuốc tiêm thường được tiêm vào cơ hàng tuần.

Nếu dùng progesterone dạng viên đặt, thuốc sẽ được đặt ở âm đạo.

Điều trị hormone cần được kê đơn bởi bác sĩ chuyên khoa.

Những lợi ích của tiêm progesterone

Báo cáo tổng hợp từ các nghiên cứu lâm sàng năm 2013 đã chứng minh khả năng kéo dài thời gian mang thai của 17-OHPC. Những người có nguy cơ sinh con trước 37 tuần có thể mang thai lâu hơn nếu họ nhận được 17-OHPC trước tuần thứ 21 của thai kỳ.

Một nghiên cứu năm 2003 đã chứng minh rằng nếu sinh non, những đứa trẻ sống sót có ít biến chứng hơn nếu người mẹ được tiêm 17-OHPC trước khi sinh.

Những rủi ro khi tiêm progesterone

Cũng như các loại hormone đường tiêm khác, 17-OHPC có thể gây ra một số tác dụng phụ. Phổ biến nhất bao gồm:

  • Đau hoặc sưng tại chỗ tiêm
  • Phản ứng da tại chỗ tiêm
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa

Một số gặp các tác dụng phụ khác như:

Những người dùng thuốc đặt có nhiều khả năng tiết dịch khó chịu hoặc kích ứng trong âm đạo của họ.

Không có dấu hiệu nào cho thấy các mũi tiêm 17-OHPC có bất kỳ tác động tiêu cực nào đối với nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu, sinh non hoặc dị tật bẩm sinh.

Chưa có đủ bằng chứng về những ảnh hưởng lâu dài đối với cha mẹ hoặc trẻ sơ sinh để khuyến nghị tiêm phòng cho những người có các yếu tố dễ dẫn đến sinh non.

Mặc dù sử dụng 17-OHPC có thể làm giảm nguy cơ sinh non và một số biến chứng của nó, nhưng nó dường như không làm giảm nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh.

Một nghiên cứu năm 2019 đã đi ngược lại với các nghiên cứu trước đó và phát hiện ra rằng loại thuốc này không có hiệu quả trong việc ngăn ngừa sinh non. Sau khi kết quả này được công bố, ACOG khuyến cáo về việc tổng hợp toàn bộ các bằng chứng và 17-OHPC được sử dụng chủ yếu trong các tình huống rủi ro rất cao.

Ai nên được chỉ định 17-OHPC?

Những người mang thai trước đó đã từng chuyển dạ sinh non thường được tiêm hormone này. ACOG khuyến cáo rằng chỉ những người có tiền sử chuyển dạ trước khi thai được 37 tuần mới được tiêm 17-OHPC.

Ai không nên dùng 17-OHPC?

Những người không có tiền sử sinh non không nên tiêm phòng 17-OHPC cho đến khi có thêm nghiên cứu xác nhận tính an toàn và hiệu quả của chúng đối với các yếu tố nguy cơ khác. Ngoài ra, những người bị dị ứng hoặc phản ứng nghiêm trọng với thuốc tiêm có thể ngừng sử dụng thuốc.

Ngoài ra, có một số tình huống mà việc mang thai lâu hơn có thể có hại. Tiền sản giật, viêm màng ối và các dị tật gây chết người (hoặc thai nhi đang nguy kịch) có thể khiến thai kỳ kéo dài trở nên nguy hiểm.

Luôn tham khảo kỹ ý kiến của chuyên gia y tế trước khi quyết định tiêm 17-OHPC hoặc thuốc đặt. 

Lợi ích và rủi ro của nhóm thuốc giảm co (tocolytics)

Nhóm thuốc tocolytic được sử dụng để trì hoãn việc chuyển dạ từ 48 giờ trở lên. Tocolytic bao gồm các loại thuốc sau:

  • Terbutaline (mặc dù nó không còn được coi là an toàn để tiêm)
  • Ritodrine (Yutopar)
  • Magiê sunfat
  • Thuốc chẹn kênh canxi
  • Indomethacin (Indocin) 

Tocolytics là loại thuốc kê đơn chỉ nên dùng từ tuần 20 đến 37 của thai kỳ nếu có các triệu chứng chuyển dạ sinh non. Không nên kết hợp chúng trừ khi có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ.

Nói chung, thuốc giảm co chỉ làm chậm quá trình chuyển dạ. Chúng không ngăn ngừa các biến chứng sinh non, thai chết lưu hoặc các vấn đề của người mẹ liên quan đến chuyển dạ sinh non. Bệnh nhân thường được sử dụng thêm corticosteroid trước khi sinh

Lợi ích của nhóm thuốc giảm co (tocolytics)

Tất cả các thuốc tocolytic, nhưng đặc biệt là thuốc ức chế prostaglandin, có hiệu quả trong việc trì hoãn việc sinh nở trong khoảng 48 giờ đến 7 ngày. Điều này cho phép corticosteroid có thời gian để làm tăng sự phát triển phổi của thai nhi

Bản thân tocolytic không làm giảm nguy cơ tử vong hoặc bệnh tật cho trẻ sơ sinh. Thay vào đó, nó chỉ kéo dài thêm thời gian để em bé phát triển hoặc để các loại thuốc khác phát huy tác dụng.

Tocolytic cũng có thể làm chậm quá trình sinh nở đủ lâu để người mang thai phải được chuyển đến cơ sở có khoa chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh nếu có khả năng sinh non hoặc có biến chứng. 

Những rủi ro của nhóm thuốc giảm co (tocolytics)

Tocolytics có nhiều tác dụng phụ từ rất nhẹ đến rất nghiêm trọng.

Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm:

  • Các vấn đề về nhịp tim (đặc biệt là nhịp tim nhanh)
  • Chóng mặt
  • Đau đầu
  • Hôn mê
  • Đỏ bừng mặt
  • Buồn nôn
  • Yếu, mệt

Các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn có thể bao gồm:

  • Thay đổi lượng đường trong máu
  • Khó thở
  • Thay đổi huyết áp

Vì các loại tocolytic có những rủi ro khác nhau, nên việc lựa chọn loại thuốc nào lại tùy vào sức khỏe và nguy cơ của từng bệnh nhân cụ thể.

Có một số tranh cãi về việc liệu tocolytic có thể gây ra các vấn đề khi sinh, chẳng hạn như vấn đề hô hấp cho em bé hoặc nhiễm trùng ở người mẹ, khi thuốc được sử dụng sau khi vỡ ối.

Ai nên dùng tocolytics?

Những người mang thai có các triệu chứng của chuyển dạ sinh non, đặc biệt là trước khi thai được 32 tuần, nên được cân nhắc sử dụng.

Ai không nên dùng tocolytics?

Theo ACOG, sản phụ không nên dùng thuốc giảm có nếu họ có kèm bất kỳ tình trạng nào sau đây:

  • Tiền sản giật nặng
  • Nhau bong non
  • Nhiễm trùng tử cung
  • Bất thường gây tử vong
  • Dấu hiệu thai nhi sắp chết hoặc sắp sinh

Ngoài ra, mỗi loại thuốc tocolytic đều có những rủi ro đối với những người có cơ địa nhất định. Ví dụ: những người mắc bệnh đái tháo đường hoặc các vấn đề về tuyến giáp không được dùng ritodrine và những người có vấn đề về gan hoặc thận nghiêm trọng không được dùng thuốc ức chế tổng hợp prostaglandin.

Bác sĩ nên tìm hiểu kỹ về tình trạng sức khỏe của sản phụ trước khi kê đơn một loại thuốc cụ thể.

Lợi ích và rủi ro của thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh được sử dụng thường xuyên cho những người mang thai sinh non khi vỡ ối. Điều này là do màng ối vỡ khiến cả mẹ và con có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn.

Ngoài ra, thuốc kháng sinh thường được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng như viêm màng đệm và liên cầu nhóm B (GBS) khi sinh non. Thuốc kháng sinh cần có đơn thuốc và có sẵn ở dạng đường uống hoặc dạng tiêm tiêm mạch.

Lợi ích của thuốc kháng sinh là gì?

Nhiều nghiên cứu lớn đã chỉ ra rằng thuốc kháng sinh làm giảm rủi ro và kéo dài thời gian mang thai sau khi vỡ ối sớm.

Thuốc kháng sinh có thể trì hoãn hoặc ngăn ngừa sinh non bằng cách điều trị các tình trạng (chẳng hạn như nhiễm trùng) có thể gây ra sinh non.

Mặt khác, vẫn chưa rõ liệu thuốc kháng sinh có thể làm chậm quá trình sinh nở đối với những người sinh non nhưng chưa vỡ ối hay không. Hiện tại, việc sử dụng kháng sinh để điều trị tất cả các trường hợp chuyển dạ sinh non vẫn còn nhiều tranh cãi.

Cũng có dữ liệu cho thấy thuốc kháng sinh có tạc dụng trong quá trình sinh non đối với những người mang vi khuẩn GBS. Cứ 4 người mang thai thì có 1 người mang GBS và trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh trong quá trình chuyển dạ và sinh nở có thể bị bệnh nặng.

Thuốc kháng sinh có thể điều trị GBS và giảm các biến chứng của nhiễm trùng tiếp theo ở trẻ sơ sinh, nhưng mang lại rủi ro cho người mẹ.

Hầu hết các trung tâm y tế xét nghiệm nhiễm khuẩn liên cầu nhóm B trong khoảng tuần 36 đến 38 của thai kỳ. Xét nghiệm bao gồm việc lấy mẫu tăm bông từ âm đạo dưới và trực tràng.

Vì có thể mất vài ngày để làm xét nghiệm, thông lệ chung là bắt đầu điều trị GBS trước khi xác nhận có bằng chứng nhiễm trùng.

Ampicillin và penicillin là những loại kháng sinh được sử dụng phổ biến nhất để điều trị.

Những rủi ro của thuốc kháng sinh là gì?

Nguy cơ chính của thuốc kháng sinh khi sinh non là phản ứng dị ứng. Ngoài ra, ở một số trẻ sinh ra có thể bị nhiễm trùng đã kháng thuốc kháng sinh, khiến việc điều trị nhiễm trùng sơ sinh ở trở nên khó khăn hơn.

Ai nên dùng thuốc kháng sinh?

Theo ACOG, chỉ những người có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc vỡ ối (vỡ ối sớm) mới được dùng kháng sinh khi chuyển dạ sinh non. Các khuyến cáo hiện nay không khuyến khích sử dụng kháng sinh thường xuyên ở những người không gặp một trong hai vấn đề này.

Ai không nên dùng thuốc kháng sinh?

Những người không có dấu hiệu nhiễm trùng và màng ối còn nguyên vẹn không nên dùng kháng sinh khi chuyển dạ.

Ngoài ra, một số sản phụ có thể có phản ứng dị ứng với một số loại kháng sinh cụ thể. Một người đã xác nhận tình trạng dị ứng với thuốc kháng sinh nên dùng thuốc kháng sinh thay thế hoặc không dùng thuốc kháng sinh, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế.

Xem thêm : 

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!