Sinh non: Tất cả những gì bạn cần biết

Sinh non là trường hợp sinh trước nhiều hơn ba tuần so với dự kiến sinh của mẹ. Nói cách khác, sinh non xảy ra trước khi bắt đầu tuần thứ 37 của thai kỳ.

Video: Nguyên nhân khiến trẻ sinh non và cách phòng tránh

Trẻ sinh non, đặc biệt là những trẻ sinh rất sớm, thường gặp phải các vấn đề bệnh lý phức tạp. Thông thường, các biến chứng của sinh non rất khác nhau tuy nhiên sinh con càng sớm thì nguy cơ biến chứng càng cao. 

Tùy thuộc vào thời điểm trẻ được sinh ra sớm, có thể phân loại như sau:

  • Sinh non muộn: Từ 34 đến 36 tuần hoàn thành của thai kỳ.
  • Sinh non vừa: Từ tuần thứ 32 đến 34 của thai kỳ.
  • Rất non tháng: Khi thai dưới 32 tuần.
  • Cực kỳ non tháng: Sinh vào hoặc trước 25 tuần của thai kỳ. 

Hầu hết các trường hợp sinh non đều xảy ra ở giai đoạn sinh non muộn. 

Dấu hiệu sinh non là gì?

Trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng sinh non rất nhẹ hoặc nhiều biến chứng rõ ràng hơn. 

Một số dấu hiệu của sinh non bao gồm: 

  • Trọng lượng cơ thể nhỏ, vòng đầu lớn không cân xứng.
  • Các đặc điểm như xương lộ rõ nét, kém đầy đặn hơn so với trẻ đủ tháng, do thiếu mỡ dự trữ.
  • Lông mao bao phủ phần lớn cơ thể.
  • Hạ thân nhiệt, đặc biệt là ngay sau khi sinh, do tỉ lệ mỡ dự trữ trong cơ thể thấp.
  • Khó thở hoặc suy hô hấp.
  • Phản xạ bú và nuốt kém dẫn đến bú khó. 

Các bảng sau đây mô tả cân nặng, chiều dài và vòng đầu trung bình sau sinh của trẻ sinh non ở các tuổi thai khác nhau theo giới tính. 

Cân nặng, chiều dài và vòng đầu theo tuổi thai của trẻ trai 

Tuần thai

Trọng lượng

Chiều dài

Chu vi vòng đầu

40 tuần 

3600g

51cm

35cm

35 tuần

2500g

46cm

32cm

32 tuần

1800g

42cm

29,5cm

28 tuần

1100g

36,5cm

26cm

24 tuần

650g

31cm

22cm

Cân nặng, chiều dài và vòng đầu theo tuổi thai của trẻ gái 

Tuần thai

Trọng lượng

Chiều dài

Chu vi vòng đầu

40 tuần 

3400g

51cm

35cm

35 tuần

2400g

45cm

31,5cm

32 tuần

1700g

42cm

29cm

28 tuần

1000g

36cm

25cm

24 tuần

600g

32cm

21cm

Chăm sóc đặc biệt

Nếu sinh non, trẻ có thể sẽ cần thời gian nằm viện lâu hơn trong khoa sơ sinh và chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện. Tùy thuộc vào mức độ chăm sóc mà trẻ có thể được đưa vào phòng chăm sóc trung gian hoặc đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh (NICU). Các bác sĩ và đội ngũ chuyên môn được đào tạo về chăm sóc trẻ sinh non sẽ sẵn sàng hỗ trợ chăm sóc. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào hãy trao đổi với bác sĩ ngay.

Trẻ có thể cần được hỗ trợ thêm bú và thích nghi ngay sau khi sinh. Nhân viên chăm sóc sức khỏe có thể giúp bạn hiểu những gì cần thiết và kế hoạch chăm sóc trẻ sau sinh như thế nào. 

Các yếu tố rủi ro

Đa thai là một trong những yếu tố hay gặp gây sinh non. Nguồn ảnh: holadoctor.comĐa thai là một trong những yếu tố hay gặp gây sinh non. Nguồn ảnh: holadoctor.com

Thông thường, nguyên nhân cụ thể của sinh non không rõ ràng. Tuy nhiên, có những yếu tố nguy cơ sinh non đã được báo cáo, bao gồm: 

  • Tiền sử sinh non.
  • Đa thai, sinh ba hoặc sinh đôi khác
  • Khoảng cách giữa các lần mang thai dưới 6 tháng.
  • Thụ thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
  • Các vấn đề với tử cung, cổ tử cung hoặc nhau thai.
  • Hút thuốc lá hoặc sử dụng ma túy bất hợp pháp.
  • Một số bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là nước ối và đường sinh dục dưới.
  • Một số tình trạng mạn tính, chẳng hạn như tăng huyết áp và đái tháo đường.
  • Thiếu hoặc thừa cân trước khi mang thai.
  • Các sự kiện gây căng thẳng trong cuộc sống, chẳng hạn như cái chết của một người thân yêu hoặc bạo lực gia đình.
  • Sảy thai hoặc phá thai nhiều lần.
  • Tổn thương thể chất hoặc sang chấn tinh thần. 

Vì những lý do không rõ, phụ nữ da đen có nhiều khả năng sinh non hơn phụ nữ thuộc các chủng tộc khác. Nhưng sinh non có thể xảy ra với bất kỳ ai. Trên thực tế, nhiều phụ nữ sinh non mà không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào được biết đến. 

Các biến chứng sau sinh non

Biến chứng thường xuyên gặp ở trẻ sinh non là vàng da sinh lý. Nguồn ảnh: PinterestBiến chứng thường xuyên gặp ở trẻ sinh non là vàng da sinh lý. Nguồn ảnh: Pinterest

Mặc dù không phải tất cả trẻ sinh non đều gặp phải biến chứng, nhưng sinh quá sớm có thể gây ra các vấn đề sức khỏe ngắn và dài hạn. Nói chung, trẻ sinh ra càng sớm, nguy cơ biến chứng càng cao. Cân nặng khi sinh cũng đóng một vai trò quan trọng.

Một số vấn đề có thể rõ ràng khi mới sinh, trong khi những vấn đề khác có thể không phát triển cho đến khi trẻ lớn. 

Biến chứng sớm 

Trong những tuần đầu tiên, các biến chứng của sinh non có thể bao gồm: 

  • Các vấn đề về hô hấp: Trẻ sinh non có thể bị khó thở do hệ thống hô hấp chưa hoàn thiện chức năng. Nếu phổi của trẻ thiếu chất hoạt động bề mặt surfactant (chất cho phép phổi giãn nở mà không bị xẹp) có thể gây ra hội chứng suy hô hấp vì phổi không thể giãn nở và co bóp bình thường. 

Trẻ sinh non cũng có thể hình thành một chứng rối loạn phổi như loạn sản phế quản phổi. Ngoài ra, một số trẻ sinh non có thể bị ngừng thở kéo dài, được gọi là ngưng thở. 

  • Vấn đề về tim: Các vấn đề về tim phổ biến nhất mà trẻ sinh non gặp phải là còn ống động mạch (PDA) và hạ huyết áp. PDA là một lỗ mở dai dẳng giữa động mạch chủ và động mạch phổi. Mặc dù, ống động mạch thường tự đóng lại, nhưng nếu không được điều trị, có thể dẫn đến tiếng thổi ở tim, suy tim cũng như các biến chứng khác. Hạ huyết áp có thể cần điều chỉnh dịch truyền tĩnh mạch, thuốc và đôi khi truyền máu. 
  • Các vấn đề về não: Trẻ sinh ra càng sớm, nguy cơ chảy máu não càng cao, hay gọi là xuất huyết não thất. Hầu hết các trường hợp xuất huyết đều nhẹ và tự khỏi với ít ảnh hưởng ngắn hạn. Nhưng một số trẻ sơ sinh có thể bị xuất huyết não mức độ nặng gây tổn thương não vĩnh viễn. 
  • Các vấn đề về kiểm soát nhiệt độ: Trẻ sinh non có thể mất thân nhiệt nhanh chóng. Vì không có đủ lượng mỡ dự trữ trong cơ thể như một đứa trẻ đủ tháng do đó không thể tạo ra đủ nhiệt để ngăn chặn nước và chất điện giải bị mất qua bề mặt cơ thể. Nếu nhiệt độ cơ thể giảm xuống quá thấp dẫn đến nhiệt độ cơ thể thấp bất thường (hạ thân nhiệt). 

Hạ thân nhiệt ở trẻ sinh non có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp và giảm lượng đường trong máu. Ngoài ra, trẻ sinh non có thể sử dụng hết năng lượng thu được từ các cữ bú chỉ để giữ ấm. Đó là lý do tại sao trẻ sinh non nhỏ hơn cần thêm nhiệt từ máy sưởi hoặc lồng ấp cho đến khi chúng lớn hơn và có thể duy trì nhiệt độ cơ thể mà không cần hỗ trợ. 

  • Các vấn đề về dạ dày-ruột: Trẻ sinh non thường có hệ tiêu hóa chưa trưởng thành, dẫn đến các biến chứng như viêm ruột hoại tử (NEC). Tình trạng nghiêm trọng tiềm ẩn này khiến các tế bào lót trong thành ruột bị tổn thương, có thể xảy ra ở trẻ sinh non sau khi bắt đầu bú. Trẻ sinh non bú mẹ hoàn toàn có nguy cơ phát triển viêm ruột hoại tử thấp hơn nhiều. 
  • Các vấn đề về máu: Trẻ sinh non có nguy cơ mắc các vấn đề về máu như thiếu máu và vàng da sinh lý. Thiếu máu là một tình trạng phổ biến trong đó cơ thể không có đủ số lượng tế bào hồng cầu. Mặc dù tất cả trẻ sơ sinh đều bị giảm số lượng hồng cầu chậm trong những tháng đầu đời, nhưng sự sụt giảm này có thể nhiều hơn ở trẻ sinh non. 

Vàng da ở trẻ sơ sinh là tình trạng da và mắt chuyển sang màu vàng do máu của trẻ có chứa nhiều bilirubin, một chất có màu vàng được tìm thấy trong gan hoặc là sản phẩm thoái hóa của các tế bào hồng cầu. Trong khi có nhiều nguyên nhân gây ra vàng da nhưng thường gặp hơn ở trẻ sinh non

  • Các vấn đề về trao đổi chất: Trẻ sinh non thường gặp vấn đề với quá trình trao đổi chất. Một số trẻ sinh non có thể xuất hiện tình trạng hạ đường huyết - lượng đường trong máu thấp bất thường. Bởi vì trẻ sinh non thường có lượng đường dự trữ nhỏ hơn so với trẻ đủ tháng. Trẻ sinh non cũng gặp khó khăn hơn trong việc chuyển đổi lượng glucose dự trữ thành các dạng glucose hoạt động và hữu ích hơn.

Các vấn đề về hệ thống miễn dịch: Hệ thống miễn dịch kém phát triển, thường gặp ở trẻ sinh non dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng. Nhiễm trùng ở trẻ sinh non có thể nhanh chóng lây lan vào máu gây nhiễm trùng huyết. 

Biến chứng muộn 

Bại não được coi là biến chứng muộn có thể gặp ở trẻ sinh non. Nguồn ảnh: healthtian.comBại não được coi là biến chứng muộn có thể gặp ở trẻ sinh non. Nguồn ảnh: healthtian.com

Về lâu dài, sinh non có thể dẫn đến các biến chứng sau: 

  • Bại não: Tình trạng rối loạn vận động, trương lực cơ hoặc tư thế có thể do nhiễm trùng, lưu lượng máu không đủ hoặc tổn thương não đang phát triển của trẻ sơ sinh trong thời kỳ đầu của thai kỳ hoặc khi trẻ còn nhỏ và chưa trưởng thành.
  • Học hành sa sút: Trẻ sinh non có nhiều khả năng bị chậm hơn so với trẻ sinh đủ tháng về các mốc phát triển khác nhau. Khi đến tuổi đi học, một đứa trẻ sinh non có nhiều khả năng bị khuyết tật học tập. 
  • Các vấn đề về thị lực: Trẻ sinh non có thể phát triển bệnh võng mạc, một căn bệnh xảy ra khi các mạch máu sưng lên và phát triển quá mức trong lớp dây thần kinh nhạy cảm với ánh sáng ở phía sau của mắt (võng mạc). Đôi khi các mạch máu bất thường của võng mạc dần dần hình thành xơ sẹo kéo võng mạc lệch ra khỏi vị trí ban đầu. Khi võng mạc bị kéo ra khỏi phía sau mắt, được gọi là bong võng mạc, nếu không được phát hiện có thể làm giảm thị lực và dẫn đến mù lòa. 
  • Các vấn đề về thính giác: Trẻ sinh non có nhiều nguy cơ bị mất thính giác ở một mức độ nào đó. Tất cả trẻ sơ sinh sẽ được kiểm tra thính lực trước khi ra viện. 
  • Vấn đề nha khoa: Trẻ sinh non bị bệnh nặng có nhiều nguy cơ phát triển các vấn đề về răng miệng, chẳng hạn như chậm mọc răng, đổi màu răng và răng mọc không đúng cách. 
  • Các vấn đề về hành vi và tâm lý: Trẻ sinh non có nhiều khả năng mắc các vấn đề về hành vi hoặc tâm lý cũng như chậm phát triển hơn trẻ đủ tháng.
  • Các vấn đề sức khỏe mạn tính: Trẻ sinh non có nhiều khả năng mắc các vấn đề sức khỏe mạn tính, một số trường hợp có thể phải chăm sóc tại bệnh viện hơn so với trẻ đủ tháng. Nhiễm trùng, hen phế quản và các vấn đề về ăn uống xuất hiện nhiều hoặc kéo dài. Trẻ sinh non cũng có nhiều nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). 

Các biện pháp phòng ngừa 

Mặc dù nguyên nhân chính xác của sinh non thường không xác định rõ, nhưng có một số biện pháp có thể thực hiện để giúp phụ nữ - đặc biệt là những người có nguy cơ cao - giảm tỷ lệ sinh non, bao gồm:

  • Thuốc bổ sung progesterone: Những phụ nữ có tiền sử sinh non, cổ tử cung ngắn hoặc cả hai, có thể giảm nguy cơ sinh non bằng cách bổ sung progesterone. 
  • Khâu cổ tử cung: Đây là một thủ thuật ngoại khoa được thực hiện khi mang thai ở những phụ nữ có cổ tử cung ngắn hoặc tiền sử cổ tử cung ngắn dẫn đến sinh non. 

Trong thủ thuật này, cổ tử cung được khâu kín và chắc chắn bằng chỉ có thể hỗ trợ thêm cho tử cung. Các vết khâu được cắt chỉ khi đến thời điểm sinh. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu phải tránh hoạt động mạnh trong thời gian còn lại của thai kỳ.

Các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán

Xét nghiệm máu gót chân giúp tầm soát sớm được các bệnh lý rối loạn chuyển hóa ở trẻ sinh non.   Nguồn ảnh: drlabo.com

Xét nghiệm máu gót chân giúp tầm soát sớm được các bệnh lý rối loạn chuyển hóa ở trẻ sinh non. Nguồn ảnh: drlabo.com

Sau khi sinh non, trẻ được chuyển đến đơn vị chăm sóc đặc biệt (NICU) và có thể phải thực hiện xét nghiệm. Một số xét nghiệm được tiến hành, trong khi những trường hợp khác chỉ có thể được thực hiện nếu nhân viên NICU nghi ngờ một biến chứng cụ thể. 

Các xét nghiệm có thể tiến hành trên trẻ sinh non bao gồm: 

  • Máy đo nhịp thở và nhịp tim: Nhịp thở và nhịp tim của trẻ được theo dõi liên tục. Đo huyết áp cũng được thực hiện thường xuyên. 
  • Lượng dịch vào và ra khỏi cơ thể: Nhân viên y tế theo dõi cẩn thận lượng chất lỏng mà trẻ hấp thu qua các lần bú, dịch truyền tĩnh mạch và lượng chất lỏng mà bé mất qua tã ướt hoặc phân. 
  • Xét nghiệm máu: Lấy máu gót chân hoặc tĩnh mạch để theo dõi các chỉ số quan trọng, bao gồm cả nồng độ canxi, glucose và bilirubin trong máu. Một mẫu máu cũng có thể được phân tích để đo số lượng hồng cầu và kiểm tra tình trạng thiếu máu hoặc đánh giá tình trạng nhiễm trùng. 

Nếu bác sĩ chỉ định lấy một vài mẫu máu, nhân viên NICU có thể dùng một đường truyền tĩnh mạch rốn trung tâm, để tránh phải đâm kim tiêm vào trẻ mỗi khi cần lấy máu. 

  • Siêu âm tim: Để kiểm tra các vấn đề về chức năng tim của trẻ. Giống như siêu âm thai, điện tâm đồ sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh chuyển động trên màn hình hiển thị. 
  • Siêu âm đầu dò: Có thể được thực hiện để kiểm tra não xem có chảy máu, tích tụ chất lỏng hay không hoặc kiểm tra các cơ quan trong ổ bụng tìm các vấn đề về đường tiêu hóa, gan, thận. 
  • Kiểm tra mắt: Bác sĩ nhãn khoa có thể khám mắt và thị lực của bé để kiểm tra các vấn đề về võng mạc (bệnh võng mạc do sinh non). 

Nếu phát triển trẻ có bất kỳ biến chứng nào, có thể cần thêm các xét nghiệm chuyên biệt khác. 

Chăm sóc hỗ trợ 

Các phương pháp chăm sóc hỗ trợ chuyên biệt cho trẻ sinh non có thể bao gồm: 

  • Được đặt trong lồng ấp: Trẻ có thể sẽ ở trong nôi nhựa kín (lồng ấp) được giữ ấm để giúp bé duy trì thân nhiệt bình thường. Sau đó, nhân viên NICU có thể hướng dẫn bà mẹ cách bế con - được gọi là chăm sóc "kangaroo" tiếp xúc trực tiếp với da. 
  • Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn: Các dụng cụ cảm biến có thể được dán vào cơ thể của bé để theo dõi huyết áp, nhịp tim, nhịp thở và nhiệt độ. Có thể dùng máy thở để giúp bé thở. 
  • Ống thông dạ dày: Lúc đầu, trẻ có thể nhận được chất lỏng và chất dinh dưỡng thông qua đường tĩnh mạch. Sữa mẹ có thể được sử dụng sau đó thông qua một ống dẫn từ mũi vào dạ dày (ống thông mũi-dạ dày). Khi trẻ đã đủ cứng cáp để bú, có thể cho trẻ bú mẹ hoặc bú bình thường xuyên. 
  • Bổ sung dịch vào cơ thể: Trẻ cần một lượng dịch nhất định mỗi ngày, tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng bệnh. Nhân viên NICU sẽ theo dõi chặt chẽ số lượng dịch, nồng độ natri và kali để đảm bảo rằng các chỉ số luôn trong giới hạn mục tiêu. Nếu cần bổ sung thêm dịch sẽ được cung cấp qua đường truyền tĩnh mạch. 
  • Chiếu đèn bilirubin: Để điều trị bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh, trẻ có thể được đặt dưới một bộ đèn (đèn bilirubin) trong một khoảng thời gian. Đèn chiếu sáng giúp cơ thể phá vỡ bilirubin dư thừa, tích tụ do gan không thể xử lý hết. Khi ở dưới ánh đèn bilirubin, trẻ sẽ đeo tấm chắn bảo vệ mắt để nghỉ ngơi thoải mái hơn. 
  • Tiếp nhận truyền máu: Trẻ sinh non có thể cần được truyền máu để tăng lượng hồng cầu - đặc biệt nếu trẻ đã được lấy một số mẫu máu để làm các xét nghiệm khác nhau. 

Điều trị trẻ sinh non

Thuốc 

Có thể cho trẻ dùng thuốc để thúc đẩy quá trình trưởng thành và kích thích hoạt động bình thường của phổi, tim và tuần hoàn. Tùy thuộc vào tình trạng của trẻ, thuốc có thể bao gồm: 

  • Chất hoạt động bề mặt, một loại thuốc được sử dụng để điều trị hội chứng suy hô hấp.
  • Thuốc dạng hít (bình xịt) hoặc thuốc tiêm tĩnh mạch để tăng cường nhịp thở và nhịp tim.
  • Thuốc kháng sinh nếu có nhiễm trùng hoặc có nguy cơ nhiễm trùng.
  • Thuốc làm tăng lượng nước tiểu (thuốc lợi tiểu) để quản lý lượng dịch thừa.
  • Tiêm thuốc vào mắt để ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu mới có thể gây ra bệnh võng mạc do sinh non
  • Thuốc giúp đóng khuyết tật tim được gọi là còn ống động mạch. 

Phẫu thuật 

Trong một số trường hợp, phẫu thuật là cần thiết để điều trị một số tình trạng liên quan đến sinh non. Hãy trao đổi với bác sĩ để hiểu những tình trạng nào có thể cần phẫu thuật và tìm hiểu về loại phẫu thuật có thể cần thiết để thực hiện điều trị. 

Điều kiện trẻ ra viện  

Trẻ đã sẵn sàng về nhà khi: 

  • Có thể thở mà không cần hỗ trợ.
  • Có thể duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định.
  • Có thể bú mẹ hoặc bú bình.
  • Tăng cân đều đặn.
  • Không bị nhiễm trùng. 

Trong một số trường hợp, trẻ có thể được phép về nhà trước khi đáp ứng một trong những yêu cầu trên - miễn là đội ngũ y tế và gia đình thiết lập và thống nhất về kế hoạch chăm sóc và theo dõi tại nhà. 

Đội ngũ chăm sóc sức khỏe sẽ giúp các mẹ học cách chăm sóc bé tại nhà. Trước khi xuất viện, điều dưỡng hoặc bác sĩ lập kế hoạch xuất viện có thể hỏi những điều sau: 

  • Sắp xếp công việc trong cuộc sống.
  • Những đứa trẻ khác trong gia đình.
  • Người thân và bạn bè, những người có thể hỗ trợ bạn chăm sóc em bé.
  • Chăm sóc nhi khoa ban đầu 

Câu hỏi liên quan

Việc thụ thai, nên để thời gian sau sinh non là khoảng từ 3 – 6 tháng, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của từng mẹ.
Xem thêm
Không thể trả lời chính xác cho tất cả mọi trường hợp. Tuy nhiên, nhiều trẻ sinh non có thể có vấn đề về khả năng nhận thức. Một số trẻ cũng có thể có vấn đề kỹ năng xã hội và hành vi.
Xem thêm
Mặc dù sinh non 30 tuần về cơ bản đã phát triển hoàn thiện như những đứa trẻ sinh đủ tháng nhưng chúng vẫn còn khá non nớt và có sức đề kháng yếu. Do vậy, việc chú ý chăm sóc là rất quan trọng để bé có thể phát triển bình thường.
Xem thêm
Chế độ ăn của bà bầu dọa đẻ non nên được bổ sung như sau: Bổ sung sắt, Bổ sung acid folic,Bổ sung canxi, Bổ sung vitamin A,...
Xem thêm
Tư thế nằm ngủ tốt nhất cho phụ nữ mang thai là tư thế nằm nghiêng bên trái.
Xem thêm
Theo các chuyên gia y tế, đối với trẻ sinh dưới 22 tuần tuổi rất hiếm trường hợp sống sót được. Đối với những bé sinh non từ 22 đến 28 tuần, tỷ lệ sống và phát triển như đứa trẻ sinh đủ tháng chỉ khoảng 35 – 40%. Chỉ số này tăng lên đến 90% với những bé sinh từ 28 – 36 tuần.
Xem thêm
Một số dấu hiệu thai nhi 34 tuần tuổi sinh non mà mẹ bầu cần nhận biết để kịp thời có những biện pháp xử lý: Cảm giác đau bụng dưới như sắp đến kỳ kinh nguyệt, đau quặn bụng, Cơn co thắt bụng xảy ra liên tục cứ sau 10 phút hoặc sớm hơn, Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau lưng âm ỉ, Cảm giác đau tức vùng chậu, nặng nề ở vùng dưới bụng,...
Xem thêm
Khi có các dấu hiệu liên quan đến dọa sinh non, thai phụ nên: Ngừng làm việc, Nếu có thể, nằm và nghiêng về bên trái, Liên hệ với người hỗ trợ ( người thân, đồng nghiệp…) và nhân viên y tế, Nếu diễn tiến tốt, cơn đau sẽ giảm dần về tần suất và cường độ trong giờ đầu, Nên được xác định nguyên nhân gây đau sau đó.
Xem thêm
Trẻ sinh non 28 tuần hoàn toàn có thể nuôi được. Tuy nhiên, trẻ sinh ra ở giai đoạn này có thể phải đối mặt với một số biến chứng và cần được chăm sóc tại phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh ở bệnh viện.
Xem thêm
Có khoảng 50% trường hợp sinh non không xác định rõ lý do.
Xem thêm
Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Sinh non
Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!