- Ung thư là bệnh gây ra bởi sự phát triển không kiểm soát của các tế bào bất thường trong cơ thể.
- Có hơn 200 loại ung thư.
- Các tác nhân có thể làm tế bào phát triển bất thường đều có khả năng gây ung thư. Các nhóm tác nhân chính gây ung thư hoặc liên quan đến ung thư là: tiếp xúc với hóa chất độc hại, bức xạ ion hóa, một số mầm bệnh và di truyền.
Video ung thư là gì? Cách chữa trị và phòng tránh?
- Các triệu chứng và dấu hiệu của ung thư phụ thuộc vào loại ung thư, mức độ biệt hóa của khối u. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu và triệu chứng không đặc hiệu cho bệnh ung thư cụ thể. Những bệnh nhân mắc các bệnh ung thư khác nhau có thể có những triệu chứng sau: mệt mỏi, sụt cân, đau, biến đổi trên da, rối loạn chức năng ruột hoặc bàng quang, chảy máu bất thường, ho dai dẳng hoặc thay đổi giọng nói, sốt, sờ thấy khối u.
- Mặc dù có nhiều xét nghiệm để sàng lọc và phát hiện ung thư nhưng chẩn đoán xác định bệnh phải dựa trên kết quả giải phẫu bệnh của các mảnh sinh thiết từ mô nghi ngờ ung thư.
- Giai đoạn ung thư thường được xác định bởi loại ung thư (dựa vào kết quả sinh thiết) và mức độ xâm lấn của ung thư. Xác định giai đoạn bệnh cũng giúp bác sĩ lựa chọn phác đồ điều trị thích hợp. Nói chung, trong hầu hết các cách phân chia giai đoạn, giai đoạn bệnh càng cao (thường trong khoảng từ 0 – 4) thì ung thư càng ác tính hoặc càng xâm lấn rộng. Mỗi bệnh ung thư sẽ có cách phân chia giai đoạn khác nhau.
- Điều trị ung thư sẽ phụ thuộc vào loại ung thư và giai đoạn bệnh. Hầu hết các phác đồ điều trị được xây dựng để phù hợp với từng bệnh nhân. Dù vậy, đa số các phác đồ sẽ bao gồm ít nhất một hoặc tất cả các phương pháp điều trị sau: phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.
- Có nhiều biện pháp chăm sóc tại nhà cho bệnh ung thư nhưng bệnh nhân cần được bác sĩ tư vấn về những biện pháp này trước khi sử dụng.
- Tiên lượng của bệnh ung thư có thể thay đổi từ tốt đến xấu. Tiên lượng phụ thuộc vào loại ung thư và giai đoạn bệnh. Ung thư có độ ác tính cao và bệnh ở giai đoạn muộn (giai đoạn 3 – 4) thường có tiên lượng xấu hơn.
Ung thư là gì?
Ung thư không chỉ xuất hiện ở con người mà động vật và các sinh vật sống khác cũng có thể bị ung thư. Thông thường, các tế bào ung thư có thể tách khỏi khối u ban đầu, di chuyển trong mạch máu và hệ bạch huyết, đến các vị trị khác trong cơ thể để lặp lại quá trình phân chia không kiểm soát. Quá trình các tế bào ung thư rời khỏi u và phát triển ở vị trí khác của cơ thể được gọi là ung thư di căn. Ví dụ, ung thư vú di căn xương không giống với ung thư xương nguyên phát (ung thư bắt nguồn từ xương).
Theo số liệu năm 2020 của Cơ quan nghiên cứu Ung thư Quốc tế (International Agence on Cancer Research – IACR), số ca mắc mới và số ca tử vong đối với từng loại ung thư phổ biến ước tính như sau:
Loại ung thư | Số ca mới | Số ca tử vong |
Ung thư vú (Nữ) | 2.261.419 | 684.996 |
Ung thư phổi (Bao gồm cả ung thư phế quản) | 2.206.771 | 1.796.144 |
Ung thư đại trực tràng | 1.880.725 | 915.880 |
Ung thư thận | 431.288 | 179.368 |
Bệnh bạch cầu (Tất cả các loại) | 474.519 | 311.594 |
Ung thư tế bào hắc tố | 324.635 | 57.043 |
U lympho không Hodgkin | 544.352 | 259.793 |
Ung thư tụy | 495.773 | 466.003 |
Ung thư tuyến tiền liệt | 1.414.259 | 375.304 |
Ung thư tuyến giáp | 586.202 | 43.646 |
Ba loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới, nữ giới và trẻ em trên thế giới là:
- Nam giới: Ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư đại trực tràng
- Nữ giới: Ung thư vú, ung thư đại trực tràng và ung thư phổi
- Trẻ em: Bệnh bạch cầu, u não và u lympho
Tỷ lệ mắc bệnh ung thư và tỷ lệ các loại ung thư phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, giới tính, chủng tộc, các yếu tố môi trường, chế độ ăn uống và di truyền. Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO) đã công bố một số thông tin chung về tình trạng bệnh ung thư trên toàn thế giới như sau:
- Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Nó chiếm 8,2 triệu ca tử vong (khoảng 22% tổng số ca tử vong không liên quan đến các bệnh truyền nhiễm; số liệu mới nhất của WHO).
- Ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư đại trực tràng và ung thư vú gây ra nhiều ca tử vong nhất mỗi năm.
- Số ca tử vong do ung thư trên toàn thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng, với ước tính khoảng 13,1 triệu ca tử vong vào năm 2030 (tăng khoảng 70%).
Các khu vực địa lý khác nhau có thể có tỷ lệ các loại ung thư khác nhau. Ví dụ, ung thư dạ dày thường xuất hiện ở Nhật Bản, trong khi loại ung thư này hiếm khi được tìm thấy ở Hoa Kỳ. Điều này chứng tỏ có mối liên quan giữa yếu tố môi trường và yếu tố di truyền trong khả năng gây ung thư.
Cùng tìm hiểu nội dung trong bài viết dưới đây để nắm được thông tin cơ bản về bệnh ung thư (bài viết không đề cập đến từng loại ung thư riêng biệt).
Các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây ra bệnh ung thư
Các tác nhân có thể làm tế bào phát triển bất thường đều có khả năng gây ung thư. Nhiều tác nhân có thể gây biến đổi tế bào và có liên quan đến sự phát triển của ung thư. Một số loại ung thư vẫn chưa biết rõ nguyên nhân gây bệnh, trong khi một số loại ung thư đã phát hiện các nguyên nhân từ môi trường, lối sống hoặc nhiều nguyên nhân khác. Một số loại ung thư có thể hình thành từ các gen di truyền. Nguyên nhân gây bệnh ung thư có thể do sự kết hợp của các tác nhân nêu trên. Mặc dù thường rất khó hoặc không thể xác định thời điểm ung thư bắt đầu phát triển nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra một số nguyên nhân có thể xảy ra độc lập hoặc kết hợp với nhau làm phát sinh ung thư. Các nguyên nhân chính gây ra ung thư là:
- Phơi nhiễm hóa chất độc hại như Benzen, amiăng, niken, cadimi, vinyl clorua, benzidine, N-nitrosamine, aflatoxin, thuốc lá hoặc khói thuốc lá (đã phát hiện ra ít nhất 66 hóa chất trong thuốc lá có thể gây ung thư)
- Bức xạ ion hóa: Uranium, radon, tia tử ngoại (tia UV) từ ánh sáng mặt trời, bức xạ từ các nguồn phát tia alpha, beta, gamma và tia X.
- Các mầm bệnh: Vi rút u nhú ở người (Human papillomavirus – HPV), vi rút Epstein-Barr (EBV), vi rút viêm gan B và C (HBV, HCV), vi rút herpes gây bệnh sarcoma Kaposi (Kaposi's sarcoma-associated herpes virus – KSHV), Merkel cell polyomavirus, sán máng và Helicobacter pylori. Các vi khuẩn khác đang được nghiên cứu thêm.
- Di truyền: Một số bệnh ung thư có liên quan đến gen di truyền như: ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư da và ung thư tế bào hắc tố.
Trong cuộc sống, hầu hết chúng ta đều tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư (ánh sáng mặt trời, khói thuốc lá, tia X, ...) nhưng không phải ai cũng sẽ bị bệnh. Ngoài ra, nhiều người có gen liên quan đến ung thư nhưng không phát triển bệnh. Mặc dù chưa có đủ bằng chứng giải thích cho việc này nhưng rõ ràng việc tiếp xúc với tác nhân gây ung thư càng nhiều thì khả năng mắc bệnh ung thư càng cao. Bên cạnh đó, những người có gen di truyền liên quan đến ung thư có thể không phát triển bệnh vì những lý do tương tự (kích thích chưa đủ để làm cho các gen hoạt động). Hơn nữa, một số người có thể tăng phản ứng miễn dịch để kiểm soát và loại bỏ các tế bào đang hoặc có khả năng trở thành tế bào ung thư. Một số chế độ ăn hỗ trợ hệ thống miễn dịch trong việc chấp nhận hoặc ngăn chặn sự tồn tại của tế bào ung thư. Vì những lý do này, nhiều trường hợp rất khó để xác định nguyên nhân cụ thể gây bệnh ung thư.
Gần đây, các yếu tố nguy cơ khác đã được phát hiện có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Cụ thể, thịt đỏ (như thịt bò, thịt cừu, thịt lợn) được IACR xếp vào nhóm nguy cơ cao có khả năng gây ung thư. Ngoài ra, các loại thịt đã qua chế biến (ướp muối, hun khói, chứa chất bảo quản hoặc đã qua xử lý) cũng được đưa vào danh sách chất gây ung thư. Ăn nhiều thịt nướng có thể tăng nguy cơ ung thư do các chất độc hại hình thành ở nhiệt độ cao. Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư bao gồm béo phì, lười vận động, các bệnh viêm mạn tính và hormone, đặc biệt là những hormone được sử dụng để điều trị thay thế. Các yếu tố khác như điện thoại di động đã được nghiên cứu rất nhiều. Năm 2011, WHO đã nhận định bức xạ năng lượng thấp từ điện thoại di động “có thể gây ung thư” nhưng nó có nguy cơ rất thấp, tương tự như cà phê và dưa muối.
Rất khó để chứng minh một chất không gây ra hoặc không liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư. Ví dụ, một số nhà khoa học cho rằng chất ngăn mồ hôi (antiperspirants) có thể liên quan đến ung thư vú. Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (National Cancer Institute – NCI) đã tuyên bố “cần có nghiên cứu bổ sung để tìm hiểu mối liên quan này cũng như các yếu tố ảnh hưởng khác”. Kết luận không thỏa đáng này được đưa ra bởi sự mâu thuẫn trong dữ liệu thu thập được từ trước đến nay. Các nghiên cứu tương tự cũng không thể thực hiện vì quá chuyên sâu và tốn kém. Dù khó có thể thực hiện nhưng tốt nhất bạn nên tránh tiếp xúc quá nhiều với các yếu tố nguy cơ gây ung thư, kể cả nó có nguy cơ rất thấp.
Các triệu chứng và dấu hiệu của ung thư
Các triệu chứng và dấu hiệu của ung thư phụ thuộc vào loại ung thư, vị trí của ung thư nguyên phát và ung thư di căn. Ví dụ, ung thư vú có thể phát hiện qua sự xuất hiện khối u ở vú hoặc tiết dịch núm vú. Trong khi đó, ung thư vú di căn có thể biểu hiện với các triệu chứng đau (di căn xương), cơ thể suy nhược (di căn phổi) hoặc co giật (di căn não). Một số bệnh nhân không có triệu chứng cho đến khi ung thư tiến triển.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (The American Cancer Society) đã liệt kê 7 dấu hiệu cảnh báo ung thư và sự xuất hiện những dấu hiệu này cho thấy bạn cần đi khám. Cần thận trọng với các dấu hiệu sau:
- Thay đổi thói quen đại tiện và tiểu tiện
- Loét họng lâu lành
- Chảy máu hoặc tiết dịch bất thường (như tiết dịch núm vú hoặc chảy dịch từ vết loét lâu lành)
- Cảm giác cứng chắc hoặc sờ thấy khối u ở vú, tinh hoàn hoặc những cơ quan khác
- Khó tiêu (thường là mạn tính) hoặc khó nuốt
- Thay đổi rõ ràng về kích thước, màu sắc, hình dạng, độ dày của mụn cóc hoặc nốt ruồi
- Ho dai dẳng hoặc khàn giọng
Một số triệu chứng khác cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của một số loại ung thư như:
- Sụt cân hoặc chán ăn không rõ nguyên nhân
- Cảm giác đau mới xuất hiện ở xương hoặc các bộ phận khác, có thể xuất hiện tăng dần hoặc từng đợt nhưng không giống những cảm giác đau trước đó
- Mệt mỏi dai dẳng, buồn nôn hoặc nôn mửa
- Sốt nhẹ không rõ nguyên nhân, có thể dai dẳng hoặc từng đợt
- Nhiễm trùng tái phát sau khi điều trị thông thường
Bất kỳ ai có những dấu hiệu và triệu chứng này cần phải đi khám. Những triệu chứng này cũng có thể do các bệnh lý không phải ung thư.
Các bệnh ung thư sẽ có một số triệu chứng không đặc hiệu như trên nhưng chúng thường có một hoặc nhiều triệu chứng đặc hiệu hơn. Ví dụ, ung thư phổi có thể có triệu chứng đau nhưng đa số cơn đau xuất hiện ở ngực. Bệnh nhân có thể bị chảy máu bất thường, nhưng máu thường xuất hiện khi ho. Bệnh nhân ung thư phổi thường khó thở và mệt mỏi.
Bởi vì ung thư có rất nhiều triệu chứng không đặc hiệu cùng một số ít triệu chứng đặc hiệu nên bạn có thể tìm hiểu về các loại ung thư thông qua các triệu chứng đặc hiệu của bệnh. Ngược lại, các dấu hiệu và triệu chứng đặc hiệu cũng được bác sĩ chú ý để phát hiện ung thư ở một vị trí. Dưới đây là hai cách để tìm hiểu về các triệu chứng của bệnh ung thư:
- Sử dụng công cụ tìm kiếm (Google) để tìm các trang web về ung thư bằng cách liệt kê các triệu chứng kèm cụm từ “ung thư”. Nếu xác định được loại ung thư mà bạn muốn tìm hiểu (như ung thư phổi, ung thư não, ung thư vú), hãy sử dụng tùy chọn tìm kiếm của các trang web về y học. Ví dụ: tìm kiếm “đi tiểu ra máu và bệnh ung thư” sẽ giúp hiển thị các bài viết về các loại ung thư có thể xuất hiện triệu chứng đi tiểu ra máu.
- Sử dụng công cụ tìm kiếm và điền tên cơ quan kèm cụm từ “ung thư” (ví dụ: ung thư bàng quang) sẽ giúp tìm kiếm các bài viết liệt kê các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư ở cơ quan đó.
- Lưu ý rằng nhiều trang web có chứa nội dung không phải do bác sĩ chuyên môn cung cấp và có thể chứa thông tin không chính xác. Tư vấn của bác sĩ mới là nguồn thông tin quan trọng nhất.
Bên cạnh đó, nếu đã chẩn đoán xác định loại ung thư cụ thể thì bạn có thể tìm kiếm chi tiết hơn (triệu chứng, mức độ ác tính, phương pháp điều trị, tiên lượng và nhiều thông tin khác).
Các thông tin mà bạn tìm hiểu được không thể thay thế thông tin mà bác sĩ tư vấn cho bạn, đặc biệt trong trường hợp nghi ngờ ung thư.
Phân loại ung thư
Có hơn 200 loại ung thư nên bài viết này không thể đề cập hết. Tuy nhiên, NCI đã thống kê một danh mục các bệnh ung thư, trong đó từng danh mục sẽ có các loại ung thư cụ thể. Dưới đây là phân loại ung thư theo loại tế bào u (không bao gồm tất cả các loại ung thư):
- Ung thư biểu mô (Carcinoma): Loại ung thư này xuất hiện ở da hoặc biểu mô lót các cơ quan nội tạng (phổi, đại trực tràng, tụy buồng trứng, …). Ung thư biểu mô có nhiều loại như: ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô vảy, ung thư biểu mô tế bào đáy, ...
- Ung thư mô liên kết (Sarcoma): Loại ung thư này xuất hiện ở xương, sụn, mỡ, cơ, mạch máu, hoặc mô liên kết khác như: Sarcoma xương, sarcoma hoạt dịch, sarcoma mỡ, sarcoma mạch máu, sarcoma cơ vân, sarcoma sợi, ...
- Bệnh bạch cầu (Lơ-xê-mi): Đây là loại ung thư bắt nguồn từ mô tạo máu như tủy xương và sản xuất vào máu rất nhiều tế bào máu bất thường, gồm: lơ-xê-mi cấp/lơ-xê-mi kinh dòng lympho (ALL và CLL), lơ-xê-mi cấp/lơ-xê-mi kinh dòng tủy (AML và CML), lơ-xê-mi dòng lympho T, ...
- Ung thư bạch huyết (Lymphoma) và đa u tủy xương (Multiple myeloma): Đây là loại ung thư bắt nguồn từ các tế bào của hệ thống miễn dịch, bao gồm: U lympho, u lympho tế bào T, u lympho tế bào B, u lympho Hodgkin, u lympho không Hodgkin, u lympho tăng sinh bạch huyết, ...
- Ung thư hệ thần kinh trung ương: Đây là loại ung thư hình thành trong các mô của não và tủy sống: u tế bào thần kinh đệm (glioma), u màng não (meningioma), u tuyến yên, u dây thần kinh thính giác, u lympho hệ thần kinh trung ương nguyên phát, u ngoại bì thần kinh nguyên phát, ...
Các loại ung thư di căn không được liệt kê trong danh sách trên. Điều này là do các tế bào ung thư di căn thường phát sinh từ một loại ung thư nguyên phát. Sự khác biệt lớn nhất giữa ung thư di căn và ung thư nguyên phát là các tế bào di căn xuất hiện ở vị trí khác trong cơ thể. Do đó, ung thư di căn được mô tả kèm theo vị trí mà nó di căn đến. Ví dụ, ung thư tuyến tiền liệt di căn xương không phải là ung thư xương nguyên phát mà là ung thư tuyến tiền liệt xuất hiện ở xương. Vì vậy, nó được điều trị khác với ung thư phổi di căn xương.
Chuyên khoa điều trị ung thư
Có nhiều chuyên khoa điều trị ung thư tương ứng với các phương pháp điều trị như chuyên khoa ngoại ung thư (phẫu thuật), chuyên khoa xạ trị (sử dụng bức xạ ion hóa) hoặc chuyên khoa điều trị hóa chất (sử dụng thuốc và các phương pháp điều trị liên quan). Mỗi trường hợp ung thư đều cần sự thống nhất giữa các chuyên khoa này để đưa ra phác đồ điều trị thích hợp.
Ngoài ra, tùy thuộc vào vị trí của ung thư mà các bác sĩ chuyên khoa khác có thể tham gia điều trị bệnh. Ví dụ, bác sĩ sản phụ khoa có thể tham gia điều trị ung thư tử cung, bác sĩ miễn dịch có thể tham gia điều trị các bệnh ung thư của hệ thống miễn dịch.
Chẩn đoán ung thư
Một số bệnh ung thư có thể phát hiện trong quá trình thăm khám tầm soát định kỳ. Những biện pháp tầm soát ung thư này được thực hiện thường quy ở một độ tuổi nhất định. Bên cạnh đó, nhiều bệnh ung thư được phát hiện qua các triệu chứng cụ thể.
Thăm khám và hỏi bệnh, đặc biệt là diễn biến các triệu chứng, là những bước đầu để chẩn đoán ung thư. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm để xác định loại ung thư và vị trí của nó. Ngoài ra, công thức máu toàn phần, điện giải đồ và một số xét nghiệm máu khác có thể giúp hỗ trợ chẩn đoán.
Chẩn đoán hình ảnh cũng là một trong những biện pháp hữu ích để phát hiện ung thư. Chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp cộng hưởng từ (MRI) và siêu âm là những kỹ thuật phổ biến thường được sử dụng. Các xét nghiệm khác như nội soi với nhiều kỹ thuật và phương pháp khác nhau có thể đánh giá bên trong đường tiêu hóa, tai mũi họng và phế quản. Một số vị trí không thể quan sát rõ (như bên trong xương hoặc hạch bạch huyết) có thể sử dụng kỹ thuật chụp xạ hình. Xét nghiệm này sử dụng chất phóng xạ yếu đưa vào cơ thể qua đường uống hoặc đường tiêm tĩnh mạch, sau đó chúng sẽ tập trung tại mô bất thường, giúp phát hiện các tổn thương nghi ngờ.
Các xét nghiệm nêu trên rất có ích trong việc xác định vị trí khối u. Một số bác sĩ cho rằng chúng có thể làm cơ sở để chẩn đoán ung thư. Tuy nhiên, chẩn đoán xác định ung thư cần dựa trên kết quả giải phẫu bệnh của mảnh sinh thiết từ mô nghi ngờ. Một số vị trí sinh thiết có thể lấy mẫu khá đơn giản (ví dụ, sinh thiết da hoặc sinh thiết đường tiêu hóa – thủ thuật này được thực hiện qua nội soi). Các vị trí sinh thiết khác có thể thực hiện bằng thủ thuật ít xâm lấn như sinh thiết kim dưới hướng dẫn siêu âm hoặc thủ thuật xâm lấn như phẫu thuật (ví dụ, sinh thiết não hoặc sinh thiết hạch bạch huyết). Trong một số trường hợp, phẫu thuật để chẩn đoán ung thư cũng có thể là biện pháp điều trị nếu mô ung thư được cắt bỏ hoàn toàn trong quá trình sinh thiết.
Sinh thiết có thể chẩn đoán xác định bệnh ung thư. Nó còn có thể xác định loại ung thư và giai đoạn bệnh. Giai đoạn ung thư là cơ sở để bác sĩ tiên lượng khả năng xâm lấn và di căn của ung thư trong cơ thể.
Kết quả sinh thiết có thể phát hiện ung thư nguyên phát hoặc ung thư di căn. Ung thư khu trú được coi là ung thư ở giai đoạn đầu, trong khi ung thư di căn là ung thư ở giai đoạn muộn. Phần tiếp theo sau đây sẽ nói rõ hơn cách phân chia giai đoạn ung thư.
Các giai đoạn của bệnh ung thư
Xem chi tiết: Những điều cần biết về các giai đoạn ung thư và tiên lượng bệnh
Có nhiều phương pháp phân chia giai đoạn ung thư khác nhau và chúng phân chia dựa trên các tiêu chí khác nhau. Theo NCI, các tiêu chí được sử dụng trong hầu hết các hệ thống phân chia là:
- Vị trí của khối u nguyên phát
- Kích thước và số lượng khối u
- Liên quan đến hạch bạch huyết (Ung thư di căn hạch)
- Loại ung thư và độ biệt hóa (mức độ khác biệt giữa tế bào ung thư và tế bào bình thường)
- Có hoặc không có di căn
Tuy nhiên, có 2 cách phân loại chính là cơ sở cho các phân loại ung thư khác. Phân loại TMN thường được sử dụng cho các khối u đặc, trong khi phân loại bằng số La Mã được một số bác sĩ và nhà nghiên cứu sử dụng với hầu hết các loại ung thư.
Hệ thống TNM dựa trên khối u nguyên phát (Tumor – T), hạch vùng (Nodes – N) và di căn xa (Metastasis – M). Mỗi tiêu chí sẽ được đánh số để chỉ ra kích thước hoặc mức độ lan rộng của khối u nguyên phát, mức độ di căn của ung thư (số càng cao có nghĩa là khối u càng lớn hoặc càng lan rộng).
Dưới đây là cách mô tả phân loại TNM theo NCI:
Khối u nguyên phát (T)
- TX – Không thể đánh giá khối u nguyên phát
- T0 – Không có bằng chứng về khối u nguyên phát
- Tis – Ung thư biểu mô tại chỗ (Carcinoma in situ – CIS: có tế bào bất thường nhưng còn khu trú trong lớp biểu mô. Mặc dù không phải ung thư nhưng CIS có thể trở thành ung thư và đôi khi được gọi là ung thư tiền xâm nhập)
- T1, T2, T3, T4 – Kích thước và/hoặc mức độ xâm lấn của khối u nguyên phát
Các hạch vùng (N)
- NX – Không thể đánh giá hạch vùng
- N0 – Chưa có dấu hiệu xâm lấn hạch vùng
- N1, N2, N3 – Xâm lấn hạch vùng (số lượng hạch vùng và/hoặc mức độ xâm lấn đến hạch vùng)
Di căn xa (M)
- MX – Không thể đánh giá di căn xa (một số bác sĩ không sử dụng phân loại này)
- M0 – Không có di căn xa
- M1 – Di căn xa
Dựa theo phân loại TNM, giai đoạn ung thư có thể được xác định là T1N2M0, nghĩa là khối u nhỏ (T1) nhưng đã di căn đến một số hạch vùng (N2) và không có di căn xa (M0).
Phân loại bằng số La Mã được NCI mô tả như sau:
Giai đoạn | Định nghĩa |
Giai đoạn 0 | Ung thư biểu mô tại chỗ |
Giai đoạn I | Số càng cao thì ung thư càng lan rộng: Kích thước khối u càng lớn và/hoặc ung thư càng lan rộng đến các hạch vùng và/hoặc các cơ quan lân cận của khối u nguyên phát |
Giai đoạn II | |
Giai đoạn III | |
Giai đoạn IV | Ung thư đã di căn sang (các) cơ quan khác. |
Như đã đề cập ở trên, có nhiều cách phân chia giai đoạn ung thư dựa trên 2 cách phân loại này. Ví dụ, một số nơi sử dụng phân loại của Chương trình Giám sát, Dịch tễ học và kết quả của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (Surveillance, Epidemiology, and End Results Program – SEER). Phân loại SEER chia ung thư thành 5 giai đoạn chính:
- Ung thư tại chỗ: Các tế bào bất thường phát triển chưa vượt quá lớp tế bào mà nó bắt nguồn
- Ung thư khu trú: Ung thư chỉ giới hạn trong cơ quan mà nó bắt nguồn, không có bằng chứng về sự xâm lấn.
- Ung thư xâm lấn: Ung thư đã lan ra ngoài cơ quan, xâm lấn đến hạch vùng hoặc các cơ quan lân cận.
- Ung thư di căn xa: Ung thư đã lan rộng từ vị trí ban đầu đến các cơ quan hoặc các hạch ở xa.
- Ung thư không xác định: Không có đủ thông tin để xác định giai đoạn bệnh.
Xác định giai đoạn ung thư là rất quan trọng để quyết định phác đồ điều trị hiệu quả nhất, đồng thời cung cấp cơ sở để tiên lượng bệnh.
Các phương pháp điều trị bệnh ung thư
Điều trị ung thư dựa trên loại ung thư và giai đoạn bệnh. Trong một số trường hợp, chẩn đoán và điều trị có thể thực hiện cùng lúc nếu khối u được cắt bỏ hoàn toàn trong quá trình sinh thiết bằng phẫu thuật.
Phác đồ điều trị ung thư có thể bao gồm một hoặc nhiều phương pháp sau: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị hoặc điều trị kết hợp (kết hợp 2 hoặc cả 3 phương pháp điều trị). Ung thư không thể phẫu thuật triệt để thường được điều trị kết hợp, phụ thuộc vào loại ung thư và giai đoạn bệnh.
Chăm sóc giảm nhẹ (sử dụng thuốc hoặc các biện pháp làm giảm triệu chứng của bệnh nhưng không thể chữa khỏi bệnh) được kết hợp với các phương pháp điều trị trên để kéo dài và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Có nhiều phương pháp chăm sóc giảm nhẹ khác nhau như thuốc giảm đau, thuốc chống nôn, ...
Các biện pháp chăm sóc tại nhà cho bệnh ung thư
Có rất nhiều bài báo trên mạng và báo cáo về các chất điều trị ung thư (như súp lơ xanh, nho, nhân sâm, đậu nành, trà xanh, lô hội và lycopen và các phương pháp điều trị như châm cứu, sử dụng vitamin và thực phẩm chức năng). Đa số các bác sĩ đều khuyên áp dụng chế độ ăn uống cân bằng và đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp ngăn ngừa bệnh ung thư. Mặc dù các biện pháp này giúp làm giảm triệu chứng nhưng không có bằng chứng xác thực để kết luận chúng có thể chữa khỏi bệnh ung thư. Bạn cần được bác sĩ tư vấn trước khi bắt đầu thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà nêu trên.
Tiên lượng bệnh ung thư
Tiên lượng bệnh ung thư có thể thay đổi từ tốt đến xấu. Tiên lượng liên quan trực tiếp đến loại ung thư và giai đoạn bệnh. Ví dụ, nhiều bệnh ung thư da có thể được chữa khỏi hoàn toàn bằng cách cắt bỏ mô ung thư. Khối u lớn cũng có thể được chữa khỏi bằng cách kết hợp phẫu thuật và các phương pháp điều trị khác như hóa trị (lưu ý: khỏi bệnh thường được định nghĩa là không tái phát ung thư trong vòng 5 năm). Tuy nhiên, nếu ung thư có độ ác tính cao, đã lan rộng đến các hạch hoặc di căn đến các cơ quan khác thì tiên lượng sống sẽ giảm. Giai đoạn ung thư càng cao (giai đoạn III hoặc T3N2M1) thì tiên lượng càng xấu và tỷ lệ sống càng giảm.
Bài viết này cung cấp thông tin chung về các bệnh ung thư nên không đề cập cụ thể về tiên lượng sống của từng bệnh ung thư. Tuy nhiên, các bệnh ung thư nói chung có tiên lượng sống giảm dần theo giai đoạn bệnh. Bệnh ung thư được điều trị và không tái phát trong thời gian 5 năm thường cho thấy bệnh nhân có thể sống bình thường. Một số bệnh nhân sẽ được chữa khỏi hoàn toàn, trong khi một số có thể bị ung thư tái phát. Điều này rất khó có thể trả lời chính xác.
Bệnh ung thư có nhiều biến chứng, phụ thuộc vào loại ung thư và giai đoạn bệnh. Tuy nhiên, một số biến chứng có thể xảy ra ở tất cả các loại ung thư hoặc xảy ra do phương pháp điều trị như:
- Mệt mỏi (cả do ung thư và phương pháp điều trị)
- Thiếu máu (cả hai nguyên nhân)
- Chán ăn (cả hai nguyên nhân)
- Mất ngủ (cả hai nguyên nhân)
- Rụng tóc (chủ yếu là do phương pháp điều trị)
- Buồn nôn (cả hai nguyên nhân)
- Phù bạch huyết (cả hai nguyên nhân)
- Đau (cả hai nguyên nhân)
- Suy giảm miễn dịch (cả hai nguyên nhân)
Có thể ngăn ngừa bệnh ung thư không?
Đa số các chuyên gia cho rằng nhiều bệnh ung thư có thể được ngăn ngừa hoặc làm giảm rõ rệt nguy cơ phát triển bệnh. Một số phương pháp ngăn ngừa ung thư khá đơn giản, một số phương pháp lại tương đối phức tạp, tùy thuộc vào từng trường hợp.
Phòng ngừa ung thư bằng cách tránh tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh là phương pháp đơn giản nhất. Tốt hơn hết, bạn nên dừng hút thuốc lá (hoặc tốt nhất là không bao giờ hút). Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời (bằng cách giảm tiếp xúc hoặc thoa kem chống nắng) và nhiều hóa chất độc hại là những cách hữu hiệu để phòng ngừa ung thư. Tránh tiếp xúc với vi rút và các mầm bệnh khác cũng có thể ngăn ngừa một số bệnh ung thư. Những người phải tiếp xúc thường xuyên với các tác nhân gây ung thư (công nhân hóa chất, kỹ thuật viên chụp X-quang, nhà nghiên cứu bức xạ ion hóa, công nhân khai thác amiăng) nên tuân theo tất cả các biện pháp phòng ngừa an toàn và giảm thiểu mọi tiếp xúc với các hợp chất đó. Mặc dù Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (Food and Drug Administration – FDA) cũng như Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (Centers for Disease Control and Prevention – CDC) cho rằng không có bằng chứng khoa học nào khẳng định điện thoại di động gây ra ung thư nhưng các tổ chức khác vẫn kêu gọi nghiên cứu thêm hoặc họ chỉ ra rằng điện thoại di động là yếu tố nguy cơ có khả năng gây bệnh rất thấp. Nếu lo lắng, bạn có thể hạn chế tiếp xúc với điện thoại di động bằng cách sử dụng tai nghe và giảm thời gian sử dụng điện thoại.
Có hai loại vắc-xin ngăn ngừa ung thư hiện đã được FDA chấp thuận, đó là vắc-xin phòng vi rút viêm gan B (HBV) – được coi là nguyên nhân của một số bệnh ung thư gan – và vắc xin phòng vi rút u nhú ở người (HPV) típ 16,18. Theo NCI, HPV típ 16, 18 là nguyên nhân gây ra khoảng 70% trường hợp ung thư cổ tử cung. Loại vi rút này cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh ung thư ở đầu mặt cổ, ung thư hậu môn và một số loại ung thư khác. Ngày nay, việc tiêm vắc-xin phòng HPV được khuyến cáo cho thanh thiếu niên ở cả nam và nữ. Vi rút HPV rất phổ biến. Hơn một nửa những người trong độ tuổi 50 có bằng chứng đã tiếp xúc với vi rút này. Sipuleucel-T là một loại vắc-xin mới được FDA chấp thuận để hỗ trợ điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối. Mặc dù vắc-xin này không chữa khỏi ung thư tuyến tiền liệt nhưng nó đã được chứng minh là có vai trò hỗ trợ kéo dài tuổi thọ ở những người ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối.
Hiện nay, những người có gen di truyền một số bệnh ung thư hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư không thể thay đổi cấu trúc gen của họ. Tuy nhiên, một số trường hợp có nguy cơ cao bị ung thư do di truyền đã thực hiện các biện pháp dự phòng ung thư. Ví dụ, một số phụ nữ trẻ có nhiều người thân trong gia đình mắc bệnh ung thư vú đã lựa chọn cắt bỏ vú ngay cả khi không có triệu chứng của ung thư để giảm hoặc loại bỏ nguy cơ ung thư vú. Một số bác sĩ coi đây là biện pháp ngăn ngừa ung thư quá mức trong khi một số khác lại không đánh giá như vậy.
Các xét nghiệm và thăm dò tầm soát ung thư giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, khi ung thư có khả năng cao được chữa khỏi bằng các phương pháp điều trị. Một số biện pháp sàng lọc ung thư bao gồm: khám vú, khám tinh hoàn, khám đại trực tràng, nội soi đại tràng, chụp nhũ ảnh (mammography), một số xét nghiệm máu, khám tuyến tiền liệt, xét nghiệm nước tiểu và nhiều xét nghiệm khác. Nếu nghi ngờ mình bị ung thư, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt. Các khuyến cáo sàng lọc ung thư là chủ đề gây tranh cãi của nhiều báo cáo trong những năm gần đây. Việc sàng lọc có thể gây tốn kém hoặc dẫn đến các xét nghiệm xâm lấn không cần thiết nên bác sĩ cần cân nhắc chỉ định các xét nghiệm sàng lọc ung thư.
Xem thêm: