Ung thư xương: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ung thư xương là sự tăng sinh ác tính các tế bào trong tổ chức xương. Ung thư bắt nguồn từ các tế bào xương là ung thư xương nguyên phát. Ngoài ra, còn có ung thư xương thứ phát: ung thư từ các mô khác của cơ thể di căn đến xương. Ung thư xương có thể điều trị bằng các phương pháp như phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Cùng tìm hiểu kĩ hơn về ung thư xương qua bài viết dưới đây.

Video Ung thư xương

Tổng quát ung thư xương

Ung thư xương là gì?

Ung thư xương là thuật ngữ chỉ sự phát triển bất thường của các tế bào trong tổ chức xương. Khi các tế bào này phát triển, tăng sinh, nó gây hại cho mô xương bình thường. Người ta dựa vào nguồn gốc của các tế bào ung thư để phân loại ung thư xương.

Tế bào ung thư có nguồn gốc từ xương được gọi là ung thư xương nguyên phát. Còn tế bào ở mô khác trong cơ thể di căn đến xương gọi là ung thư xương thứ phát hoặc di căn. Ung thư ở các tạng như phổi, tuyến tiền liệt, ung thư vú thường di căn đến xương. 

Tỉ lệ mắc ung thư xương

Tỉ lệ mắc ung thư xương rất hiếm, chỉ chiếm nhỏ hơn 1% số ca ung thư ở Mỹ. Loại ung thư này có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp ở trẻ em, thanh thiếu niên hơn là ở người lớn tuổi.

Sarcoma xương (Nguồn ảnh: wkhs.com)Sarcoma xương (Nguồn ảnh: wkhs.com)Có bốn loại ung thư xương nguyên phát:

  • Sarcoma xương : Là loại ung thư xương phổ biến nhất, u xương phát triển trong các tế bào nơi mô xương mới hình thành. Vị trí: có thể gặp ở bất kì xương nào nhưng hay gặp nhất là ở đầu của các xương dài như xương cánh tay và xương đùi. Là loại ung thư phổ biến ở trẻ em, thanh thiếu niên
  • Sarcoma Ewing: Được đặt theo tên của vị bác sĩ đầu tiên mô tả loại ung thư xương này. Sarcoma Ewing bao gồm nhiều khối u có cấu trúc tương tự nhau do chúng đều bắt nguồn từ một loại tế bào. Những khối u này có thể hình thành trong xương và trong các mô mềm xung quanh. Vị trí tổn thương thường ở thân xương dài, hoặc các xương dẹt như xương hông, xương bả vai. 
  • Sarcoma sụn: Khởi nguồn từ mô sụn - mô liên kết mềm cho phép chuyển động giữa xương và khớp. Mô sụn khi được lắng đọng canxi sẽ trở thành mô xương. Sarcoma sụn thường hình thành ở xương cánh tay, chân hoặc xương chậu. Không giống như sarcoma xương và sarcoma Ewing, sarcoma sụn xảy ra ở người lớn nhiều hơn ở người trẻ tuổi.
  • U chordoma: Đây là khối u hiếm gặp, thường xuất hiện ở cột sống hoặc nền sọ. Không giống như sarcoma xương, chordoma hay gặp ở người lớn. Tỉ lệ mắc bệnh ở nam cao hơn nữ. 

U xương lành tính có thể trở thành ung thư không?

Câu trả lời là có nhưng không phổ biến. Mặc dù vậy, những người bị u xương lành tính vẫn cần điều trị để giảm nguy cơ tổn thương các mô xương khỏe mạnh lân cận, giảm nguy cơ  yếu xương, gãy xương, các vấn đề về khớp khác. 

Giai đoạn ung thư xương?

Giai đoạn được xác định bởi kích thước và vị trí của khối u, và tình trạng di căn của khối u. Ung thư xương nguyên phát được phân loại thành bốn giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Khối u nhỏ và các tế bào ung thư vẫn còn khu trú.
  • Giai đoạn 2: Các tế bào ung thư vẫn còn khu trú, nhưng kích thước khối u lớn.
  • Giai đoạn 3: Kích thước khối u lớn và ung thư đã di căn sang các khu vực khác trong cùng xương.
  • Giai đoạn 4: Ung thư di căn ra ngoài xương.

Triệu chứng và nguyên nhân gây ung thư xương

Các triệu chứng thường gặp trong ung thư xương là gì?

Triệu chứng của ung thư xương rất đa dạng. Có người không có triệu chứng gì ngoài việc thấy khối sưng to trên vùng u xương, nhưng có những bệnh nhân triệu chứng diễn biến rầm rộ. Các triệu chứng này cũng có thể gặp ở những tình trạng bệnh lý khác như viêm khớp, bệnh Lyme làm chậm trễ chẩn đoán. Các dấu hiệu phổ biến nhất của ung thư xương bao gồm:

  • Đau (thường nặng hơn vào ban đêm).
  • Sưng tấy không rõ nguyên nhân.
  • Khó khăn khi cử động các vùng xung quanh u
  • Mệt mỏi
  • Sốt .

Nguyên nhân gây ra ung thư xương?

Tia xạ là yếu tố nguy cơ gây ung thư xương (Nguồn ảnh: futurism)Tia xạ là yếu tố nguy cơ gây ung thư xương (Nguồn ảnh: futurism)

Các chuyên gia chưa tìm ra chính xác nguyên nhân ung thư xương là gì. Tuy nhiên, họ đã xác định được các yếu tố nguy cơ, trong đó yếu tố quan trọng nhất là tiếp xúc với tia phóng xạ hoặc thuốc trong quá trình điều trị các bệnh ung thư khác. Một số ít trường hợp ung thư xương xảy ra do bệnh di truyền. 

Chẩn đoán ung thư xương

Làm thế nào để chẩn đoán ung thư xương?

Để chẩn đoán ung thư xương, trước tiên cần làm các chẩn đoán hình ảnh như chụp XQ để  phát hiện tổn thương. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn chụp thêm MRI hoặc CT để nắm rõ vị trí, mức độ tổn thương, cũng như cấu trúc phần mềm xung quanh khối u. 

Chẩn đoán ung thư xương được khẳng định bằng xét nghiệm sinh thiết tế bào. Bác sĩ sẽ lấy một mảnh mô u xương, soi dưới kính hiển vi. Sinh thiết cung cấp thông tin cụ thể về khối u: là khối u lành tính hay ác tính và nguồn gốc tế bào ung thư. Từ đó bác sĩ có thể đưa ra liệu trình điều trị phù hợp. 

Điều trị ung thư xương

Điều trị ung thư xương như thế nào?

Xạ trị - một trong những phương pháp điều trị ung thư xương (Nguồn ảnh: Asma Medical)Xạ trị - một trong những phương pháp điều trị ung thư xương (Nguồn ảnh: Asma Medical)

Điều trị ung thư xương phụ thuộc vào loại ung thư và tính chất di căn của ung thư đó. Đồng thời, điều trị cần kết hợp nhiều chuyên khoa: ung thư, hóa xạ trị và chuyên khoa xương khớp. 

Tùy thuộc vào kích thước, số lượng khối u, tính chất mô bệnh học và đặc điểm di căn, các bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị thích hợp, cũng như thời gian trị liệu. Các phương pháp điều trị thường được sử dụng bao gồm:

  • Phẫu thuật: Bác sĩ sẽ cắt bỏ khối u và một phần mô lành xung quanh khối u.  Sau đó xương sẽ được sửa chữa hoặc ghép xương nhân tạo. Nếu u quá lớn, toàn bộ chi sẽ bị cắt bỏ, rồi dùng chân giả để thay thế. Đôi khi cần phải phẫu thuật lần hai nếu chưa cắt bỏ được hết các tế bào ung thư trong lần phẫu thuật đầu tiên.
  • Xạ trị : Phương pháp này dùng tia X để giảm kích thước khối u. Nó thường được sử dụng trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u, giúp phẫu thuật dễ dàng hơn. 
  • Hóa trị : Dùng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư. Thuốc được đưa vào cơ thể bằng đường uống hoặc đường tiêm tĩnh mạch. Phương pháp này được sử dụng để điều trị ung thư xương nguyên phát hoặc ung thư xương đã di căn.

Phòng bệnh ung thư xương

Các chuyên gia chưa biết chính xác nguyên nhân gây ung thư xương, nên hiện tại không có cách nào để ngăn ngừa nó. Xạ trị - một yếu tố nguy cơ của ung thư xương nhưng không thể ngăn ngừa, vì đây là biện pháp hữu hiệu để điều trị các loại ung thư khác. 

Tiên lượng ung thư xương

Tiên lượng ung thư xương

Ung thư xương có thể được chữa khỏi hoàn toàn, không tái phát. Tuy nhiên, một số khối u cần phẫu thuật nhiều lần mới có thể cắt bỏ hết. Hoặc cần phối hợp hóa xạ trị sau phẫu thuật để ngăn ngừa sự di căn của khối u.

Trong quá trình điều trị cần được thăm khám và theo dõi sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm khối u tái phát.

Ung thư xương có thường gây tử vong không?

Phần trăm bệnh nhân tử vong vì ung thư xương là rất nhỏ. Tỷ lệ sống trên năm năm của bệnh ung thư xương là 66,8%. Điều này có nghĩa là 66,8% những người bị ung thư xương vẫn còn sống sau 5 năm kể từ khi phát hiện bệnh. Tỉ lệ này được tính toán trên khảo sát những người đã mắc bệnh và nó không thể dự đoán khả năng sống hay khỏi bệnh của bạn bởi mỗi cá thể là độc nhất và không giống nhau. Để tiên lượng chính xác tình trạng bệnh của bạn, hãy hỏi bác sĩ điều trị.

Điều trị ung thư xương có tỉ lệ thành công rất cao. Bệnh phát hiện càng sớm, cơ hội sống thêm càng lâu. Ngược lại, bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn, thời gian sống thêm ít hơn.

Chung sống với ung thư

Khi nào cần đến khám bác sĩ?

Đến khám bác sĩ ngay khi có triệu chứng bất thường (Nguồn ảnh: Mumbai Mirror)Đến khám bác sĩ ngay khi có triệu chứng bất thường (Nguồn ảnh: Mumbai Mirror)

Bất cứ khi nào bị đau hoặc sưng vùng xương, cần đến khám bác sĩ. Nếu đang điều trị ung thư xương, mà phát hiện triệu chứng bất thường, cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị của bạn.

Những câu hỏi nên hỏi bác sĩ

Hiểu rõ về bệnh tình của mình giúp bạn đưa ra quyết định tốt nhất cho sức khỏe. Bạn có thể đặt các câu hỏi cho bác sĩ điều trị để có nhiều thông tin hơn về bệnh mình đang mắc phải. Ví dụ như:

  • Tôi bị loại ung thư xương nào?
  • Nó có di căn không?
  • Tôi cần làm những xét nghiệm gì?
  • Phương pháp điều trị như thế nào?
  • Tỉ lệ khỏi bệnh, tỉ lệ sống của bệnh thế nào?

Các câu hỏi thường gặp ung thư xương

Đau trong ung thư xương là cảm giác thế nào?

Đau là triệu chứng hay gặp trong ung thư xương (Nguồn ảnh: Parkway Cancer Center)Đau là triệu chứng hay gặp trong ung thư xương (Nguồn ảnh: Parkway Cancer Center)

Triệu chứng phổ biến nhất của ung thư xương là đau, mặc dù đôi khi có những khối u không gây đau. Cơn đau có thể nhẹ hoặc nặng cảm giác đau nhói hoặc đau như kim châm. Khối u có thể cứng hoặc mềm.

Loãng xương và ung thư xương có liên quan đến nhau không?

Loãng xương không phải nguyên nhân gây ung thư xương. Nhưng ung thư gây ra loãng xương.

Một số lưu ý từ Viện lâm sàng Cleveland 

Ung thư xương là một bệnh hiếm. Khi biết mình mắc bệnh, chắc hẳn mọi người ai cũng đều sợ hãi, thất vọng. Nhưng hãy nhớ rằng, tỉ lệ điều trị thành công của ung thư xương rất cao, phát hiện điều trị bệnh càng sớm khả năng khỏi càng cao. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất. Đồng thời, hãy trò chuyện cùng những bệnh nhân mắc bệnh giống như bạn để kiểm soát cảm xúc tốt hơn, có thêm kinh nghiệm trong trị bệnh.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!