Bạn luôn cảm thấy mệt mỏi: Nguyên nhân và cách giải quyết

Chắc chắn tất cả chúng ta đều biết cảm giác mệt mỏi là như thế nào. Nhưng mệt mỏi mạn tính đề cập đến tình trạng mệt mỏi kéo dài, liên tục, gây hạn chế trong các hoạt động hằng ngày

Video: 11 Lý Do Bạn Luôn Cảm Thấy Mệt Mỏi Và Cách Khắc Phục

Theo bác sĩ Harris H. McIlwain - chuyên gia thấp khớp học và là tác giả của cuốn sánh Sổ tay hội chứng đau cơ xơ hóa, bệnh nhân phàn nàn về sự mệt mỏi ngay cả khi đã ngủ khá nhiều và nghỉ ngơi đầy đủ.

McIlwain, giáo sư trợ giảng tại Đại học Nam Florida cho biết: “Đi kèm với mệt mỏi thường là cảm giác kiệt sức nhưng lại không buồn ngủ. Một số bệnh nhân bị mệt mỏi tương tự như khi bị cúm hoặc cảm giác sau khi làm việc nhiều giờ và mất ngủ triền miên."

Ông cũng nói: “Những bệnh nhân này nói rằng họ mệt mỏi vào buổi sáng, mệt mỏi sau các hoạt động nhẹ như mua sắm đơn giản. Họ quá mệt mỏi để hoạt động hiệu quả tại nơi làm việc hoặc làm việc nhà và quá mệt mỏi để tập thể dục cũng như quan hệ tình dục. Trong hầu hết các trường hợp, đều có một lý do cho sự mệt mỏi, có thể là quản lý thời gian kém, dùng quá nhiều caffeine, thiếu máu, đau cơ xơ hóa, trầm cảm hoặc thậm chí là bệnh tim chưa được chẩn đoán".

Trước khi đổ lỗi cho tuổi tác hoặc lối sống hối hả, hãy tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ của sự mệt mỏi không rõ nguồn gốc và những lời khuyên của một số chuyên gia hàng đầu để giải quyết tình trạng mệt mỏi mạn tính.

Nguyên nhân số 1: Chồng chéo thời gian

Đối với nhiều phụ nữ bị mệt mỏi, nguyên nhân có thể là "chồng chéo thời gian" hoặc làm quá nhiều việc và ngủ không đủ giấc.

McIlwain nói: “Nếu họ vừa phải chăm sóc con cái vừa lo cho sự nghiệp và có một danh sách dài những việc phải làm mà chỉ có năm hay sáu giờ mỗi đêm thì việc mệt mỏi là điều tất yếu”.

Nhưng nếu bạn là một người phụ nữ khỏe mạnh, ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm mà vẫn cảm thấy mệt mỏi thì sao? McIlwain khuyên bạn nên đi kiểm tra sức khỏe để xem có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào gây ra tình trạng mệt mỏi hay không.

Theo McIlwain: “Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn cảm thấy mệt mỏi kéo dài 1-2 tuần kèm theo đó là ngủ rất nhiều nhưng không phải do cảm lạnh hay nhiễm vi-rút. Hầu hết các trường hợp mệt mỏi đều dễ giải thích nguyên nhân, đôi khi cần phải điều trị."

Mệt mỏi cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng, đó là lý do cần đi khám bác sĩ để tìm ra vấn đề cốt lõi.

Nguyên nhân thứ 2: Dùng quá nhiều caffeine

Nhiều người trong chúng ta uống một tách espresso, latte hoặc cola để nạp năng lượng nhanh chóng, nhưng đối với một số phụ nữ, caffeine lại có tác dụng ngược lại.

Dùng quá nhiều cà phê gây mệt mỏi 

Trong một bài báo đăng trên tạp chí Dược sĩ Hoa Kỳ, Tiến sĩ W. Stephen Pray báo cáo rằng caffeine là một chất kích thích, nhưng nếu bạn uống quá nhiều, tác dụng có thể bị đảo lộn.

Ông nói: “Ở một số bệnh nhân, việc lạm dụng nó sẽ dẫn đến mệt mỏi. Và nếu bạn nghĩ rằng giải quyết vấn đề này đơn giản bằng cách tăng lượng caffeine thì nó hoàn toàn sai lầm. Càng tăng lượng caffeine thì tình trạng mệt mỏi càng trở nên trầm trọng hơn”.

Giải pháp nào cho tình trạng quá liều caffeine? Loại bỏ càng nhiều caffeine ra khỏi chế độ ăn uống của bạn càng tốt. Điều này không đơn thuần chỉ là bỏ cà phê. Sô-cô-la, trà, nước ngọt và thậm chí một số loại thuốc không kê đơn và kê đơn cũng chứa caffeine và có thể gây mệt mỏi không giải thích được

Nguyên nhân thứ 3: Thiếu máu

Bác sĩ Rebecca Amaru – bác sĩ lâm sàng về sản phụ khoa tại Trung tâm Y tế Mount Sinai ở Thành phố New York, cho biết “Nếu bạn đang trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt nếu bạn bị rong kinh, có khối u xơ tử cung hoặc polyp tử cung, hoặc nếu bạn mới sinh con, việc mất máu có thể khiến bạn bị thiếu máu – là nguyên nhân hàng đầu gây mệt mỏi ở nữ giới”.

Cô ấy giải thích rằng khi mất máu sẽ dẫn đến thiếu hụt hemoglobin -  một loại protein giàu sắt trong các tế bào hồng cầu mang oxy từ phổi đến các bộ phận khác của cơ thể. Khi các mô và cơ quan của bạn không nhận đủ oxy thì bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi.

Các nguyên nhân khác dẫn tới thiếu máu bao gồm chảy máu trong và thiếu sắt, axit folic hoặc vitamin B-12. Thiếu máu cũng có thể do các bệnh mạn tính như bệnh thận. Các triệu chứng có thể gặp gồm chóng mặt, cảm thấy lạnh và khó chịu.

Để chẩn đoán xác định thiếu máu, bác sĩ sẽ cho bạn xét nghiệm máu. Bác sĩ cũng nói, điều trị thường bao gồm bổ sung sắt nếu thiếu sắt là nguyên nhân, sử dụng các thực phẩm giàu chất sắt trong chế độ ăn uống của bạn - chẳng hạn như rau bina, bông cải xanh và thịt đỏ.

Với các phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh thiếu máu, tình trạng mệt mỏi của bạn sẽ bắt đầu thuyên giảm sau 30 ngày hoặc ít hơn. Đây hẳn là một tin tốt lành!

Nguyên nhân số 4: Nhiễm trùng đường tiết niệu chưa được chẩn đoán (UTI)

Mặc dù hầu hết phụ nữ bị nhiễm trùng đường tiết niệu sẽ xuất hiện các triệu chứng như nóng rát hoặc tiểu gấp, nhưng đôi khi mệt mỏi lại là manh mối duy nhất.

Trong hầu hết các trường hợp, nhiễm trùng tiết niệu là do vi khuẩn trong đường tiết niệu gây ra, thường là kết quả của việc vệ sinh vùng kín không đúng cách (như lau ngược từ sau ra trước). Quan hệ tình dục có thể làm tăng nguy cơ vì nó có thể đẩy vi khuẩn từ âm đạo vào niệu đạo.

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị nhiễm trùng tiết niệu, bạn sẽ được làm xét nghiệm nước tiểu. Điều trị bệnh thường nhanh chóng và đơn giản, bác sĩ sẽ cho bạn kháng sinh uống. Tình trạng mệt mỏi sẽ thuyên giảm trong vòng một tuần hoặc ít hơn nếu thuốc kháng sinh hoạt động hiệu quả.

Nếu các triệu chứng lặp lại, hãy đi kiểm tra lại lần nữa. Một số phụ nữ bị nhiễm trùng tiết niệu mạn tính rất khó giải quyết. Nếu bạn rơi vào trường hợp này thì hãy hỏi bác sĩ về điều trị phòng ngừa, bác sĩ có thể cho bạn sử dụng thuốc kháng sinh liều thấp.

Nguyên nhân số 5: Đau cơ xơ hóa

Đau cơ xơ hóa và hội chứng mệt mỏi mạn tính được coi là những rối loạn riêng biệt nhưng có liên quan với nhau. Chúng có chung một triệu chứng - mệt mỏi trầm trọng gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người bệnh.

Mcllwain nói rằng đau cơ xơ hóa là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng mệt mỏi và đau cơ liên tục, đặc biệt là ở phụ nữ.

"Nhiều bệnh nhân đau cơ xơ hóa của tôi phàn nàn rằng dù họ ngủ bao lâu đi nữa thì cũng không bao giờ yên giấc và họ luôn mệt mỏi vào ban ngày. Giấc ngủ của họ thường gián đoạn do thức giấc thường xuyên nhưng khi tỉnh dậy vào ngày hôm sau họ lại không nhớ về những gián đoạn này. Họ như sống trong “sương mù” - một cảm giác mơ hồ, mập khiến họ khó tập trung. "

Mệt mỏi liên tục vào ban ngày kèm theo chứng đau cơ xơ hóa thường dẫn đến hạn chế tập thể dục, làm cho tâm trạng tồi tệ hơn và thể chất kém đi. Vậy giải pháp là gì? Hãy cố gắng tập thể dục nhiều hơn. Tập thể dục có tác dụng vô cùng lớn đối với giấc ngủ, tâm trạng và sự mệt mỏi.

Mcllwain khuyến khích bệnh nhân đau cơ xơ hóa tham gia bơi lội để giảm bớt mệt mỏi. "Hồ bơi nước nóng giúp làm dịu cơn đau cơ ở sâu và giảm sự khó chịu, do đó bạn có thể hoạt động nhiều hơn trong nước. Bơi lội giúp giảm bớt lo lắng và căng thẳng, đồng thời giúp bạn có thể ngủ ngon hơn, từ đó giải quyết cơn mệt mỏi."

Nếu bạn tham gia bơi lội để giảm bớt mệt mỏi (hoặc bất kỳ bài tập thể dục mức độ vừa phải nào), hãy bắt đầu từ từ. Khi bạn đã quen với các hoạt động thể chất, bạn có thể tăng thời gian bơi. Hãy thiết lập thời gian tập thể dục thường xuyên nhưng không nên tập luyện quá sức để tránh gây thêm mệt mỏi.

Nguyên nhân số 6: Tuyến giáp hoạt động kém (Suy giáp)

(Nguồn ảnh GPonline)Suy giáp gây mệt mỏiNếu bạn thường uể oải, xuống sức và thậm chí hơi chán nản, thì vấn đề có thể là do tuyến giáp hoạt động kém, còn được gọi là suy giáp. Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nhỏ, hình con bướm, nằm ở trước cổ của bạn. Nó giúp thiết lập tốc độ trao đổi chất, tốc độ sử dụng năng lượng.

Theo Tổ chức Tuyến giáp Hoa Kỳ, ở độ tuổi 60 có khoảng 17% phụ nữ sẽ bị rối loạn chức năng tuyến giáp và hầu hết họ không biết điều đó. Theo đó, nguyên nhân phổ biến nhất là do rối loạn tự miễn dịch, được gọi là viêm tuyến giáp Hashimoto. Viêm giáp Hashimoto ngăn không cho tuyến giáp tạo ra đủ hormone tuyến giáp để cơ thể hoạt động bình thường. Kết quả là suy giáp hoặc chuyển hóa chậm.

Các xét nghiệm máu T3 và T4 sẽ được tiến hành để đánh giá nồng độ các hormone tuyến giáp. Nếu các hormone này thấp, bác sĩ có thể kê cho bạn hormone tuyến giáp tổng hợp để bù đắp phần thiếu hụt.

Nguyên nhân số 7: Dị ứng thực phẩm

Thực phẩm là nguồn cung cấp năng lượng cho con người, tuy nhiên các bác sĩ cho rằng những trường hợp không dung nạp thức ăn hoặc dị ứng sẽ đi ngược lại điều đó. Theo bác sĩ Rudy Rivera -  tác giả của cuốn sách Dị ứng thực phẩm tiềm ẩn đang khiến bạn tăng cân, ngay cả tình trạng không dung nạp thức ăn mức độ nhẹ cũng có thể khiến bạn cảm thấy buồn ngủ. Ăn những thực phẩm này kéo dài có thể khiến cho bạn liên tục kiệt sức.

Rivera cho biết: “Bằng chứng cho thấy không dung nạp thức ăn là nguyên nhân gây ra mệt mỏi, thậm chí còn cho thấy rằng mệt mỏi có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của tình trạng không dung nạp thức ăn.”

Nếu bạn nghi ngờ rằng thức ăn là nguyên nhân làm cho bạn mệt mỏi và buồn ngủ, Rivera khuyên bạn hãy bắt đầu với chế độ ăn kiêng, cắt bỏ những thực phẩm khiến bạn cảm thấy buồn ngủ trong vòng 10 đến 30 phút sau khi ăn chúng. Bạn cũng có thể trao đổi với bác sĩ để làm xét nghiệm dị ứng thức ăn.

Nguyên nhân số 8: Ngưng thở khi ngủ

Nếu bạn không ngủ đủ giấc, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi. Nhưng có khi nào bạn lại không nhận ra rằng mình ngủ không đủ giấc? Điều này xảy ra với hàng triệu người bị chứng ngưng thở khi ngủ, một chứng rối loạn giấc ngủ khiến bạn ngừng thở trong giây lát, thường là nhiều lần trong đêm. Mỗi lần bạn ngừng thở, bạn thức giấc vừa đủ lâu để làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ của bạn nhưng bạn không nhận thức được điều đó.

Theo National Sleep Foundation, hơn một phần ba số người trưởng thành ở Mỹ nói rằng họ ngủ ngáy ít nhất vài đêm một tuần. Ngáy là do sự rung động của các bộ phận mềm của cổ họng khi hít vào thở ra trong khi ngủ. Đôi khi ngáy có thể gây ra các triệu chứng ban ngày như mệt mỏi quá mức.

Chứng ngưng thở khi ngủ là một tình trạng liên quan đến ngáy, nhưng có những lúc lặp lại

Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn dẫn đến lượng oxy trong máu thấp do ngăn không khí đến phổi. Mức oxy thấp cũng ảnh hưởng đến chức năng tim và não. Manh mối duy nhất cho thấy bạn có thể bị ngưng thở khi ngủ là mệt mỏi mạn tính.

Bạn có thể làm gì trong tình huống này? Trước tiên, hãy trao đổi với bác sĩ của bạn để được theo dõi về giấc ngủ, từ đó xác định xem bạn có bị ngưng thở khi ngủ hay không. Béo phì và hút thuốc lá đều là những yếu tố nguy cơ gây ra chứng ngưng thở khi ngủ, vì vậy bạn nên giảm cân và bỏ hút thuốc. Hãy nằm nghiêng thay vì nằm ngửa để giúp loại bỏ chứng ngưng thở nhẹ khi ngủ.

Bác sĩ có thể sử dụng một thiết bị y tế được gọi là CPAP giúp giữ cho đường thở của bạn mở trong khi ngủ. Trong những trường hợp mức độ ngưng thở nghiêm trọng, có thể phải phẫu bệnh cắt bỏ các nguyên nhân gây tắc nghẽn. Nếu không được điều trị, chứng ngưng thở khi ngủ có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ hoặc đau tim.

Nguyên nhân số 9: Trầm cảm

(Nguồn ảnh additudemag.com)Trầm cảm. (Nguồn ảnh additudemag.com)

Đôi khi trầm cảm là gốc rễ của sự mệt mỏi. Trầm cảm gặp ở phụ nữ nhiều gấp đôi nam giới và thường xảy ra trong các gia đình, ở độ tuổi từ 15 đến 30 tuổi. Phụ nữ cũng có thể bị trầm cảm sau khi sinh em bé. Một số người bị rối loạn cảm xúc theo mùa, theo đó, vào mùa đông họ sẽ có cảm giác mệt mỏi và buồn bã. Trầm cảm cũng là một phần của rối loạn lưỡng cực.

Theo bác sĩ tâm thần Ronald Fieve tại Trung tâm lão khoa ở New York, tâm trạng là một khía cạnh chi phối của cuộc sống. Trong cuốn sách Bipolar II của mình Fieve giải thích rằng rối loạn tâm trạng là một nhóm lớn các tình trạng tâm thần. Tâm trạng bất thường và rối loạn thể chất - như thay đổi thói quen ăn uống, cách ngủ và chuyển động của cơ thể - chi phối cuộc sống.

Mặc dù thỉnh thoảng cảm thấy thấp thỏm là bình thường, nhưng trầm cảm nặng cần được điều trị, nó là một yếu tố nguy cơ dẫn đến tự tử. Bệnh lý này thường tái phát, với các giai đoạn trầm cảm lặp đi lặp lại. Fieve nói: “Với chứng trầm cảm nặng, bạn có thể rơi vào tâm trạng chán nản hầu như cả ngày và ít quan tâm đến các hoạt động bình thường. Cùng với cảm giác mệt mỏi, bạn có thể ăn quá nhiều hoặc quá ít, ngủ ít hoặc nhiều, cảm thấy vô ích và tuyệt vọng, kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng khác."

Fieve nói rằng chẩn đoán trầm cảm bắt đầu bằng việc khám sức khỏe. Nếu nguyên nhân thực thể của bệnh trầm cảm được loại trừ, bác sĩ có thể kê đơn thuốc hoặc giới thiệu bạn đến bác sĩ tâm thần hoặc nhà tâm lý học để đánh giá tâm lý.

Mặc dù nguyên nhân cụ thể của bệnh trầm cảm chưa rõ ràng, nhưng trầm cảm là một bệnh lý có thể điều trị được bằng thuốc chống trầm cảm, liệu pháp tâm lý hoặc kết hợp cả hai. Trong một số trường hợp, liệu pháp điện (electroconvulsive therapy - ECT) được sử dụng để điều trị cho những bệnh nhân không thể dùng thuốc chống trầm cảm, hoặc những người bị trầm cảm cực độ.

Nguyên nhân số 10: Bệnh tim chưa được chẩn đoán

Nếu bạn thấy mình hay bị kiệt sức sau những hoạt động mà trước đây bạn thực hiện dễ dàng, có thể đã đến lúc bạn nên nói chuyện với bác sĩ về khả năng mắc bệnh tim của mình.

Theo bác sĩ Nieca Goldberg - Giám đốc Chương trình Tim mạch Phụ nữ của Trung tâm Y tế NYU, khi sự mệt mỏi quá mức xảy ra sau những công việc bình thường - chẳng hạn như hút bụi nhà, làm vườn hoặc đi làm về mỗi ngày - trái tim của bạn có thể cần được kiểm tra.

Goldberg nói: “Điều này không có nghĩa là bạn nên hoảng sợ mỗi khi ngáp. Hầu hết trường hợp, mệt mỏi không phải là dấu hiệu đầu tiên của bệnh tim và nó thường liên quan đến một vấn đề gì đó ít nghiêm trọng hơn nhiều."

Đồng thời, Goldberg chỉ ra rằng bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ. Cô khuyên "Nếu mệt mỏi nhiều sau mỗi hoạt động và không có lý do nào khác có thể xảy ra, hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra". Nếu tình trạng mệt mỏi của bạn liên quan đến tim, dùng thuốc hoặc các thủ tục điều trị có thể giúp khắc phục vấn đề, giảm mệt mỏi và phục hồi năng lượng cho bạn.

Xem thêm : 

Câu hỏi liên quan

Mệt mỏi mãn tính là một hội chứng tên tiếng anh là Chronic Fatigue Syndrome (CFS) đặc trưng bởi tình trạng người bệnh cảm thấy uể oải, lúc nào cũng thấy mệt mỏi chung chung không rõ lý do, mệt mỏi này kéo dài ít nhất 6 tháng và không được cải thiện ngay cả khi bệnh nhân đã được nghỉ ngơi, không liên quan đến các bệnh lý khác.
Xem thêm
Hội chứng mệt mỏi mãn tính là tên gọi đối với những rối loạn đặc trưng bởi sự mệt mỏi, yếu sức và những khó chịu khác về cơ thể, thể trạng và thần kinh tâm lý như mệt mỏi, khó tập trung sự chú ý, đau đầu, đau cơ, đau khớp, khó ngủ, các rối loạn tâm lý, đau họng, sốt nhẹ…
Xem thêm
Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Mệt mỏi Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Mệt mỏi (sức khỏe tinh thần)
Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!