3 loại xạ trị trong điều trị ung thư: Cách thức hoạt động và tác dụng phụ

Xạ trị là phương pháp điều trị sử dụng năng lượng của tia bức xạ để tiêu diệt hoặc thu nhỏ các khối u ác tính. Hai loại xạ trị chính để điều trị ung thư là xạ trị ngoài và xạ trị trong.

Loại bức xạ mà bác sĩ chỉ định sẽ phụ thuộc vào loại ung thư, kích thước và vị trí của khối u cũng như sức khỏe tổng thể của người bệnh.

Xạ trị có thể sử dụng với các mục đích điều trị khác nhau. Ví dụ, nó có thể nâng cao hiệu quả của phẫu thuật, giúp ngăn ngừa sự lây lan của ung thư hoặc làm giảm các triệu chứng của ung thư giai đoạn muộn.

Video những lưu ý khi xạ trị ung thư 

Bài viết này sẽ đề cập đến cơ chế tác dụng, các tác dụng phụ và biến chứng của các loại xạ trị khác nhau. Bài viết cũng sẽ giải thích quy trình xạ trị và các kết quả có thể xảy ra.

Xạ trị là gì?

Xạ trị là một phương pháp điều trị ung thư sử dụng các hạt hoặc sóng năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư và thu nhỏ khối u.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (The American Cancer Society – ACS), hơn một nửa số người bị ung thư đã điều trị bằng phương pháp xạ trị.

Bức xạ sẽ phá hủy vật chất di truyền (DNA) bên trong tế bào ung thư. Nếu tế bào ung thư không thể sửa chữa DNA, nó sẽ không thể tạo ra tế bào mới, dẫn đến chết tế bào.

Theo ACS, bức xạ có thể làm tổn thương các tế bào không phải ung thư, nhưng hầu hết là tổn thương có thể phục hồi.

Bác sĩ sẽ lập kế hoạch xạ trị cụ thể để giảm thiểu tổn thương cho các mô và cơ quan bình thường

Các loại xạ trị

Có hai loại xạ trị thường được sử dụng để điều trị ung thư: xạ trị ngoài và xạ trị trong.

Xạ trị ngoài (External beam radiation)

Xạ trị ngoài là loại xạ trị phổ biến nhất trong điều trị ung thư.

Phương pháp này sử dụng máy điều khiển các tia năng lượng cao đi từ bên ngoài cơ thể vào khối u. Bác sĩ sẽ xác định chính xác chùm tia để chiếu xuyên vào vị trí khối u.

Xạ trị trong (Internal radiation therapy)

Xạ trị trong còn được gọi là xạ trị áp sát. Một nguồn phóng xạ được đưa vào bên trong khối u hoặc gần khối u trong cơ thể. Các nguồn xạ có nhiều hình dạng khác nhau như:

  • Ống
  • Dây
  • Viên nang
  • Hạt 
  • Viên nén

Xạ trị toàn thân (Systemic radiation therapy)

Xạ trị toàn thân là một loại xạ trị trong. Thuốc phóng xạ được đưa vào cơ thể qua đường uống hoặc đường tĩnh mạch. Chất này sẽ đi khắp cơ thể để tìm và tiêu diệt các tế bào ung thư.

Cơ chế tác dụng của xạ trị

Xạ trị ngoài và xạ trị trong có cùng cơ chế tác dụng. Cả hai đều là phương pháp điều trị ung thư tại chỗ bằng việc sử dụng tia bức xạ năng lượng cao tác động đến các tế bào ung thư để tiêu diệt chúng.

Tuy nhiên, hai loại xạ trị này có sự khác biệt về nguồn bức xạ.

Đối với xạ trị trong, nguồn bức xạ là các thiết bị cấy ghép đặt gần hoặc đặt tại khối u trong cơ thể. Đối với xạ trị ngoài, nguồn bức xạ là máy phát xạ ở bên ngoài cơ thể.

Mục đích của xạ trị

Bác sĩ có thể chỉ định xạ trị để đạt được các mục đích sau:

  • Giảm hoặc chữa khỏi ung thư giai đoạn sớm
  • Ngăn chặn ung thư lây lan sang các vị trí khác trong cơ thể
  • Điều trị ung thư tái phát
  • Làm giảm các triệu chứng của ung thư tiến triển

Các loại ung thư có thể xạ trị

Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (The National Cancer Institute – NCI) đã liệt kê các loại ung thư thường được điều trị bằng xạ trị ngoài, bao gồm:

NCI cũng khuyến cáo xạ trị trong là một phương pháp điều trị đặc biệt hiệu quả đối với các bệnh ung thư sau:

  • Ung thư cổ tử cung
  • Ung thư âm đạo
  • Ung thư tử cung
  • Ung thư trực tràng
  • Ung thư vùng đầu mặt cổ
  • Ung thư mắt

Bác sĩ cũng có thể chỉ định xạ trị trong đối với các trường hợp:

  • Ung thư tuyến tiền liệt
  • Ung thư não
  • Ung thư phổi
  • Ung thư da
  • Ung thư vú
  • Ung thư thực quản
  • Ung thư ống hậu môn
  • Ung thư bàng quang

Chuẩn bị trước khi xạ trị

Dù điều trị bằng phương pháp xạ trị ngoài hay xạ trị trong thì trước hết người bệnh cũng cần phải được lập kế hoạch điều trị.

Bác sĩ sẽ thăm khám và hỏi bệnh, đồng thời tư vấn cho người bệnh về các phương pháp điều trị. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh.

Trước khi xạ trị ngoài, bác sĩ sẽ thực hiện mô phỏng xạ trị. Họ sẽ đánh dấu các vị trí chiếu xạ. Những vết đánh dấu này có thể là tạm thời hoặc lưu lại trên da như hình xăm. Ngoài ra, bác sĩ có thể làm khuôn để cố định tư thế người bệnh khi xạ trị.

Nếu xạ trị vùng đầu mặt cổ, người bệnh cần phải sử dụng mặt nạ để cố định đầu trong quá trình điều trị.

Trong quá trình xạ trị

Quá trình xạ trị sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại xạ trị mà người bệnh được chỉ định.

Xạ trị ngoài

Khi xạ trị ngoài, người bệnh sẽ nằm trên bàn của máy chiếu xạ. Bác sĩ sẽ điều chỉnh vị trí của người bệnh và máy, sau đó đi vào phòng điểu khiển.

Tuy người bệnh phải nằm yên trong suốt quá trình xạ trị nhưng họ không phải nín thở. Máy chiếu xạ sẽ phát ra tiếng ồn hoặc tiếng lách cách giống như máy hút bụi.

Phòng xạ trị ngoài sẽ được lắp hệ thống loa để người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ trong khi xạ.

Xạ trị trong

Đối với xạ trị trong, bác sĩ sẽ sử dụng ống thông (catheter) hoặc ống áp (applicator) để đưa nguồn xạ vào.

Khi ống thông hoặc ống áp đã vào vị trí, bác sĩ sẽ đặt nguồn xạ vào bên trong các ống.

Trong một số trường hợp, nguồn xạ có thể được giữ lại trong cơ thể vài ngày, sau đó được lấy ra.

Với một số trường hợp khác, bác sĩ có thể đặt nguồn xạ vào cơ thể trong thời gian ngắn hơn (khoảng 10 – 20 phút) và lặp lại điều trị trong vài tuần.

Khi quá trình điều trị hoàn tất, ống thông hoặc ống áp sẽ được rút ra khỏi cơ thể.

Đôi khi nguồn xạ sẽ tồn tại trong cơ thể vĩnh viễn, nhưng nó sẽ ngừng phát xạ sau một thời gian.

Các phương pháp điều trị ung thư phối hợp với xạ trị

Xạ trị có thể thực hiện sau các phương pháp điều trị khác như phẫu thuật hoặc hóa trị (điều trị bổ trợ) để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.

Xạ trị cũng có thể được tiến hành trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u, giúp cắt bỏ u dễ dàng hơn (điều trị tân bổ trợ).

Đôi khi, bác sĩ sử dụng xạ trị như biện pháp chăm sóc giảm nhẹ để làm giảm các triệu chứng của ung thư giai đoạn cuối. Các triệu chứng có thể là:

  • Đau
  • Khó thở
  • Khó nuốt
  • Tắc ruột

Tác dụng phụ và nguy cơ

ACS cho biết các tác dụng phụ phổ biến nhất do xạ trị là:

  • Suy nhược
  • Chán ăn
  • Kích ứng da ở vùng điều trị

Tuy nhiên, họ cũng lưu ý rằng những tác dụng phụ này có thể được cải thiện bằng một số biện pháp khác nhau.

Nếu bị mệt mỏi do xạ trị, người bệnh có thể:

  • Thực hiện các công việc cần thiết khi thấy đỡ mệt hơn
  • Đặt các vật dụng thường xuyên sử dụng ở gần mình
  • Thư giãn bằng cách đọc sách, hít thở sâu hoặc nghe nhạc
  • Nhờ người thân hỗ trợ
  • Cân bằng giữa nghỉ ngơi và công việc. Chỉ ngủ ngày trong thời gian ngắn để không bị gián đoạn giấc ngủ vào ban đêm
  • Tập thể dục mỗi ngày
  • Ăn thực phẩm giàu protein như trứng, sữa, đậu và thịt
  • Uống đủ nước
  • Trò chuyện với bác sĩ nếu thấy lo lắng, sợ hãi

Nếu bị kích ứng da, người bệnh có thể:

  • Mặc quần áo mềm, rộng rãi
  • Tránh chà xát hoặc gãi vùng da bị kích ứng
  • Dùng nước ấm và xà phòng nhẹ để làm sạch vùng da bị kích ứng
  • Bảo vệ vùng da bị kích ứng khỏi ánh nắng mặt trời
  • Tránh tiếp xúc với nhiệt độ quá nóng hoặc lạnh như chườm nóng hoặc chườm đá trên vùng da điều trị
  • Hạn chế sử dụng kem cạo râu hoặc các sản phẩm tẩy lông trên vùng da điều trị
  • Tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bôi bất kỳ loại sữa dưỡng thể (lotion), kem dưỡng (cream), bột, thuốc mỡ, … lên vùng da bị kích ứng

Nếu cảm thấy chán ăn, người bệnh có thể áp dụng một số cách sau:

  • Chia bữa ăn thành 5 – 6 bữa nhỏ/ngày thay vì ăn 3 bữa lớn
  • Ăn khi thấy đói, kể cả khi không phải bữa chính
  • Ăn cùng người khác hoặc xem TV, nghe đài radio khi ăn
  • Để đồ ăn vặt tốt cho sức khỏe ở quanh mình
  • Bổ sung các loại thực phẩm chức năng phù hợp
  • Ăn rau củ kèm nước sốt hoặc pho mát để bổ sung năng lượng
  • Nếu có thể hãy nhờ người thân chuẩn bị bữa ăn cho bạn

Kết quả của xạ trị

Xạ trị có thể chữa khỏi một số bệnh ung thư giai đoạn sớm mà không cần kết hợp với các phương pháp điều trị khác.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu của NCI cho thấy kết quả điều trị ung thư sẽ tốt hơn nếu người bệnh được xạ trị trước hoặc sau phẫu thuật.

Điều quan trọng cần lưu ý là người bệnh chỉ được xạ trị với liều lượng trong giới hạn cho phép. Vì vậy, xạ trị chỉ được áp dụng tại một số vị trí và bị giới hạn liều xạ trị.

Mặc dù quá trình xạ trị thường không gây đau nhưng nó thể dẫn đến các tác dụng phụ gây đau cho người bệnh. Nếu bị đau do xạ trị, người bệnh nên báo ngay với bác sĩ điều trị.

Xạ trị có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản nên người bệnh cần thảo luận với bác sĩ về tác dụng phụ này trước khi bắt đầu điều trị.

Theo ACS, xạ trị có thể làm tăng nhẹ nguy cơ bị ung thư thứ phát. Người bệnh nên cân nhắc giữa lợi ích điều trị và các rủi ro khi quyết định xạ trị.

Kết luận

Xạ trị là một phương pháp điều trị ung thư phổ biến. Xạ trị có thể thực hiện đơn lẻ hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác.

Xạ trị ngoài và xạ trị trong (xạ trị áp sát) là 2 loại xạ trị chính.

Bác sĩ sẽ xác định kế hoạch xạ trị tốt nhất cho người bệnh dựa trên loại ung thư, vị trí khối u và mục tiêu điều trị.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!