Video tư vấn về bệnh ung thư máu mãn tính
Các triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện sớm, một số triệu chứng sẽ chỉ xuất hiện nếu ung thư di căn ngoài máu hoặc tủy xương. Hãy đọc tiếp để tìm hiểu thêm về các cơ quan chính bị ảnh hưởng bởi bệnh bạch cầu.
Ảnh hưởng đến máu
Bệnh bạch cầu là một bệnh ung thư máu, vì vậy tác động của nó bắt đầu từ các tế bào máu. Đầu tiên, cơ thể người bệnh sẽ sản xuất quá nhiều tế bào bạch cầu chưa trưởng thành và lấn át các dòng tế bào khác trong máu.
Theo thời gian, điều này có thể ảnh hưởng đến các tế bào hồng cầu, tiểu cầu và các tế bào bạch cầu khỏe mạnh khác. Những thay đổi này trong máu có thể dẫn đến các tình trạng bệnh khác như:
- Thiếu máu:Nếu người bệnh có số lượng tế bào hồng cầu thấp, có thể dẫn đến thiếu máu. Các triệu chứng của thiếu máunhư:
- Mệt mỏi
- Chóng mặt
- Tim đập nhanh
- Tức ngực
- Da nhợt nhạt
- Giảm tiểu cầu:Khi số lượng tiểu cầu quá thấp sẽ dẫn đến tình trạng giảm tiểu cầu. Người bệnh có thể gặp:
- Bầm tím
- Tiểu máu
- Chảy máu cam
- Chảy máu chân răng
- Đau đầu dữ dội
- Suy giảm miễn dịch. Các tế bào bạch cầu non không thể chống lại nhiễm trùng như các tế bào bạch cầu trưởng thành. Điều này sẽ làm tăng khả năng bị nhiễm trùng hoặc mắc các bệnh truyền nhiễm.
Ảnh hưởng lên tủy xương
Bệnh bạch cầu có thể khởi phát từ tủy xương-nơi các tế bào bạch cầu được sản sinh. Các tế bào bạch cầu non lấn át các tế bào bạch cầu khỏe mạnh trong tủy xương và có thể dẫn đến đau nhức xương khớp.
Nếu không điều trị, bệnh bạch cầu có thể dẫn đến tình trạng suy tủy xương, có nhiều triệu chứng giống bệnh bạch cầu:
- Sốt
- Bầm tím tự nhiên
- Đau xương
- Mệt mỏi
- Dễ chảy máu
Ảnh hưởng lên hệ tiêu hóa
Bệnh bạch cầu có thể gây chảy máu chân răng dẫn đến khó chịu ở miệng và khiến bệnh nhân ăn uống rất khó khăn.
Tế bào bệnh bạch cầu cũng có thể thâm nhiễm vào cơ quan ngoài tủy gây gan to,lách to, đau bụng, đầy hơi và cảm giác no lâu khiến người bệnh ăn ít hơn.
Ngoài ra, các phương pháp điều trị bệnh bạch cầu như hóa trị và xạ trị có thể gây buồn nôn và nôn. Cả hai yếu tố này đều có thể dẫn đến cảm giác chán ăn.
Ảnh hưởng đến da
Bệnh bạch cầu có thể gây ra các vết bầm tím và xuất huyết dưới da. Khi bệnh tiến triển, tiểu cầu càng giảm càng dễ gây nốt xuất huyết bầm tím xuất hiện tự nhiên hoặc do va đập.
Bệnh bạch cầu cũng có thể làm vỡ thành các mao mạch và dẫn đến các chấm, nốt nhỏ màu đỏ hoặc tím xuất hiện trên da được gọi là ban xuất huyết.
Ngoài bầm tím và xuất huyết, bệnh bạch cầu cũng có thể khiến da trông nhợt nhạt do thiếu hồng cầu.
Bệnh bạch cầu làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Nó cũng làm cho bệnh nhân dễ bị phát ban do nấm hoặc vi khuẩn.
Ảnh hưởng lên hệ hô hấp
Người bệnh có thể bị mệt mỏi và khó thở do thiếu máu .
Điều này có thể xảy ra khi bệnh nhân không có đủ các tế bào máu khỏe mạnh để cung cấp lượng oxy cần thiết cho cơ thể. Cơ thể sẽ bù trừ bằng cách thở nhanh nông để bù đắp cho lượng tế bào thiếu oxy này.
Bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp dòng T cũng có thể khiến các tế bào ung thư tập trung tại tuyến ức-là một phần của hệ miễn dịch và nằm bên dưới xương ức. Khi đó, tuyến ức to lên và đè vào đường thở làm bệnh nhân khó thở, ho hoặc thở khò khè.
Ảnh hưởng lên não
Bệnh bạch cầu có thể khiến bệnh nhân bị đau đầu trong suốt quá trình mắc bệnh. Ngay từ giai đoạn sớm, triệu chứng này có thể được gây ra bởi sự thiếu hụt các tế bào máu khỏe mạnh, cung cấp oxy cho não. Đau đầu cũng là một tác dụng phụ thường gặp của hóa trị liệu và các phương pháp điều trị khác.
Bệnh bạch cầu tiến triển đến giai đoạn muộn có thể di căn tới dịch não tủy và thâm nhiễm hệ thần kinh trung ương. Khi đó người bệnh có thể bị đau đầu dữ dội, co giật và mất kiểm soát cơ.
Ảnh hưởng lên tim
Bệnh bạch cầu thường không ảnh hưởng trực tiếp lên tim. Nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc điều trị anthracyclines và suy tim. (Các bác sĩ thường sử dụng anthracyclines để điều trị bệnh bạch cầu cấp dòng lympho và bệnh bạch cầu cấp dòng tủy). Các nhà khoa học cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn mối liên hệ này.
Tìm kiếm sự hỗ trợ trong quá trình điều trị
Nếu bạn được chẩn đoán bệnh bạch cầu và sớm bắt đầu điều trị, bạn có thể muốn biết về tiên lượng bệnh của mình. May mắn thay, các phương pháp điều trị bệnh bạch cầu đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Một số tin tức tích cực mà bạn có thể chú ý:
- Tỷ lệ sống sau 5 năm đối với bệnh bạch cầu tăng hơn gấp 4 lần từ năm 1963 đến năm 2015.
- Các nhà nghiên cứu hiện đang xem xét phát triển vắc-xin ung thư.
- Các nhà khoa học đã phát triển các phương pháp mới để chống lại ung thư. Phương pháp này đã được chứng minh là hiệu quả ở chuột, chẳng hạn như các tế bào tiêu diệt tự nhiên đã được biến đổi.
- Các nhà khoa học đang nghiên cứu các liệu pháp điều trị đích mới, liệu pháp miễn dịch và kết hợp hóa trị để giúp điều trị bệnh bạch cầu hiệu quả hơn.
Đi khám sớm, bạn sẽ được chuyển khám chuyên khoa huyết học để được tư vấn và điều trị kịp thời
Tổng kết
Bệnh bạch cầu có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể của người bệnh. Các triệu chứng có thể bao gồm đau đầu, dễ chảy máu, khó thở, v.v. Tình trạng này ảnh hưởng đến máu, tủy xương, da, hệ tiêu hóa và não của người bệnh. Một số phương pháp điều trị thậm chí có thể ảnh hưởng đến tim.
Hãy đi khám sớm nếu bạn gặp các triệu chứng kể trên. Bác sĩ có thể giúp bạn kiểm soát chúng trong quá trình điều trị.
Xem thêm: