Xơ gan: Nguyên nhân, triệu chứng, giai đoạn, điều trị và phòng ngừa

Xơ gan là hậu quả giai đoạn cuối của các bệnh gan và biến chứng. Trong giai đoạn đầu của bệnh, có thể không có triệu chứng nào. Nguyên nhân phổ biến bao gồm lạm dụng rượu, viêm gan và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây xơ gan và mức độ tổn thương. Ghép gan có thể là một lựa chọn nếu chức năng gan quá kém.

Video Bệnh xơ gan

Tổng quan xơ gan

Xơ gan là gì?

Xơ gan là bệnh gan giai đoạn cuối, khi đó các mô gan khỏe mạnh bị thay thế bằng các mô sẹo và các tết bào gan bị tổn thương vĩnh viễn. Mô sẹo làm cho chức năng của gan giảm xuống.

Nhiều loại bệnh của gan làm tổn thương các tế bào gan khỏe mạnh, gây viêm và chết tế bào. Tiếp theo là quá trình sửa chữa tế bào và cuối cùng hình thành mô sẹo là hậu quả của quá trình sửa chữa.

Mô sẹo ngăn chặn dòng chảy của máu qua gan và làm chậm khả năng chuyển hóa các chất dinh dưỡng, hormone, thuốc và các chất độc của gan. Mô sẹo cũng làm giảm sản xuất protein và các chất khác từ gan. Xơ gan cuối cùng khiến gan không đảm bảo thực hiện đủ chức năng. Xơ gan giai đoạn cuối có thể nguy hiểm đến tính mạng. 

Xơ gan có thường gặp không?

Các nhà khoa học ước tính rằng bệnh xơ gan ảnh hưởng đến khoảng 1/400 người trưởng thành ở Hoa Kỳ, ảnh hưởng đến khoảng 1/200 người từ 45 đến 54 tuổi, nhóm tuổi thường bị ảnh hưởng nhất bởi bệnh xơ gan. Xơ gan gây ra khoảng 26.000 ca tử vong mỗi năm ở Hoa Kỳ và là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 7 ở Hoa Kỳ ở người từ 25 đến 64 tuổi. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam có khoảng hơn 13.000 người bị xơ gan mất bù, gần 6.000 người bị ung thư tế bào gan và hơn 6.400 người tử vong do bệnh gan gây nên.

Ai có thể bị xơ gan? 

Những người có nguy cơ bị xơ gan bao gồm:

Xơ gan có phải ung thư không?

Không, xơ gan không phải ung thư. Tuy nhiên, hầu hết những người bị ung thư gan đều bị xơ gan. Nếu bị xơ gan sẽ tăng nguy cơ ung thư gan. Nếu người bệnh bị viêm gan B hoặc viêm gan C sẽ tăng nguy cơ ung thư gan vì những bệnh này thường dẫn đến xơ gan. Bất kỳ nguyên nhân nào gây ra bệnh gan đều có thể dẫn đến xơ gan, làm tăng khả năng bị ung thư gan. (Ngay cả khi bị viêm gan B hoặc bệnh gan nhiễm mỡ mà không bị xơ gan, vẫn có nguy cơ bị ung thư gan cao hơn.) 

Xơ gan có di truyền không?

Bản thân bệnh xơ gan không phải là một bệnh di truyền (truyền từ cha mẹ sang con cái). Tuy nhiên, một số bệnh là nguyên nhân gây tổn thương gan dẫn đến xơ gan là bệnh di truyền. 

Xơ gan có thể chữa khỏi được không?

Nói chung là không. Xơ gan là bệnh gan giai đoạn cuối và những tổn thương là vĩnh viễn. Có rất nhiều bệnh gan và biến chứng của các bệnh về gan có thể dẫn đến xơ gan. Nếu phát hiện sớm và điều trị các bệnh hoặc biến chứng gan thành công có thể làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. 

Xơ gan có gây tử vong không?

Được chẩn đoán là xơ gan không có nghĩa là bệnh nhân bị tử vong ngay lập tức. Tuy nhiên, khi quá trình xơ gan tiến triển, sẹo xơ xuất hiện nhiều hơn và chức năng gan tiếp tục suy giảm. Cuối cùng, gan suy nặng sẽ trở thành nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, vẫn còn hy vọng, bác sĩ điều trị sẽ thảo luận xem bệnh nhân có phải là ứng cử viên để ghép gan hay không. Nếu vậy, bệnh nhân sẽ bắt đầu quá trình được đưa vào danh sách người nhận ghép gan quốc gia. 

Nguyên nhân và triệu chứng xơ gan

Triệu chứng xơ gan là gì?

Các triệu chứng của bệnh xơ gan phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Các triệu chứng có thể không đặc hiệu và có thể dễ bị nhầm với các triệu chứng của nhiều bệnh khác.

Các triệu chứng và dấu hiệu ban đầu của xơ gan bao gồm:

  • Ăn mất ngon.
  • Cảm thấy yếu hoặc mệt mỏi.
  • Buồn nôn.
  • Sốt.
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân.

Khi chức năng gan trở nên kém hơn, các triệu chứng xơ gan khác sẽ xuất hiện bao gồm:

  • Dễ bị bầm tím và chảy máu.
  • Vàng da hoặc vàng mắt 
  • Da bị ngứa.
  • Sưng (phù) ở chân, bàn chân và mắt cá chân.
  • Tràn dịch ổ bụng (cổ trướng).
  • Nước tiểu có màu nâu hoặc cam.
  • Phân màu nhạt.
  • Lú lẫn, khó suy nghĩ, giảm trí nhớ, thay đổi tính cách.
  • Có máu trong phân.
  • Lòng bàn tay sưng tấy đỏ.
  • Các mạch máu giống như mạng nhện bao quanh các đốm nhỏ, màu đỏ trên da (sao mạch).
  • Ở nam giới: mất ham muốn tình dục, vú to (nữ hóa tuyến vú), tinh hoàn bị teo lại.
  • Ở phụ nữ: mãn kinh sớm (không còn kinh nguyệt). 

Xơ gan có đau không?

Có, xơ gan có thể gây đau, đặc biệt là khi bệnh ở giai đoạn muộn. Đau có thể xuất hiện ở 82% những người bị xơ gan và hơn một nửa trong số những người này nói rằng cơn đau của họ kéo dài (mạn tính).

Hầu hết những người bị bệnh gan cho biết họ bị đau bụng. Bản thân cơn đau ở gan có thể giống cảm giác đau nhói âm ỉ ở vùng bụng trên bên phải ngay dưới xương sườn. Đau bụng và khó chịu nói chung cũng có thể liên quan đến nguyên nhân sưng tấy do giữ nước và lá lách, gan to ra do xơ gan.

Đau có thể đến từ cả các bệnh dẫn đến xơ gan và/hoặc xơ gan có thể làm cho cơn đau do các bệnh hiện có trầm trọng hơn. Ví dụ, nếu bị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và béo phì cũng có thể bị thoái hóa khớp và xơ gan làm cho tình trạng đau nhức xương khớp trở nên trầm trọng hơn. Xơ gan cũng gây ra tình trạng viêm trong toàn bộ cơ thể. Tình trạng viêm và phản ứng của cơ thể đối với tình trạng đó có thể gây ra đau đớn. 

Nguyên nhân gây ra xơ gan? 
Nguồn: Medical News TodayRượu bia là nguyên nhân gây xơ ganCác nguyên nhân phổ biến nhất gây xơ gan là:

  • Lạm dụng rượu (bệnh gan liên quan đến rượu do sử dụng rượu lâu dài).
  • Nhiễm virus mạn tính ở gan (viêm gan B và viêm gan C).
  • Gan nhiễm mỡ liên quan đến béo phì và tiểu đường không do rượu. Tình trạng này được gọi là viêm gan nhiễm mỡ không do rượu.

Bất cứ nguyên nhân nào làm tổn thương gan đều có thể dẫn đến xơ gan, bao gồm:

  • Các bệnh di truyền:
    • Thiếu alpha-1 antitrypsin (tích tụ protein bất thường trong gan)
    • Hemochromatosis (sắt dư thừa dự trữ trong gan).
    • Bệnh Wilson (đồng dư thừa dự trữ trong gan).
    • Xơ nang (chất nhầy đặc, dính tích tụ trong gan).
    • Các bệnh về dự trữ glycogen (gan không thể lưu trữ hoặc phân hủy glycogen).
    • Hội chứng Alagille (bệnh lý vàng da tắc mật bẩm sinh, nguyên nhân do bất thường đường mật).
    • Viêm gan tự miễn (hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các mô gan khỏe mạnh gây tổn thương).
  • Các bệnh làm tổn thương hoặc tắc nghẽn ống dẫn mật trong gan (ống dẫn mật từ gan đến các bộ phận khác của hệ tiêu hóa; mật giúp tiêu hóa chất béo):
    • Viêm đường mật nguyên phát (đường mật bị tổn thương do nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm đường mật, cuối cùng dẫn đến tổn thương vĩnh viễn).
    • Viêm đường mật xơ cứng nguyên phát (viêm đường mật dẫn đến sẹo và hẹp ống dẫn và tích tụ mật trong gan).
    • Tắc ống mật (có thể gây nhiễm trùng).
    • Rối loạn đường mật (trẻ sinh ra với đường mật bị thiếu hụt hoặc bị tắc nghẽn, gây tổn thương, sẹo, mất mô gan và xơ gan).
    • Suy tim mạn tính (khiến máu ứ lại trong gan, phù ở các vùng khác trên cơ thể và các triệu chứng khác).
    • Các bệnh hiếm gặp, chẳng hạn như bệnh amyloidosis, trong đó sự lắng đọng của một loại protein bất thường gọi là amyloid trong gan làm phá vỡ chức năng bình thường của gan.

Những thay đổi từ các bệnh gan dần dần dẫn đến xơ gan. Tế bào gan bị tổn thương tiến triển dần và hậu quả tế bào gan bắt đầu chết. Theo thời gian, mô sẹo sẽ thay thế các tế bào gan bị hỏng và gan không thể hoạt động bình thường.

Biến chứng của xơ gan

Xơ gan tiến triển sẽ gây ra nhiều biến chứng. Vì xơ gan phát triển trong nhiều năm, một số biến chứng này có thể là dấu hiệu và triệu chứng đáng chú ý đầu tiên của bệnh.

Tăng áp lực tĩnh mạch cửa: Đây là biến chứng nghiêm trọng thường gặp nhất. Tăng áp lực tĩnh mạch cửa là sự gia tăng áp lực trong tĩnh mạch cửa (mạch máu lớn đưa máu từ các cơ quan tiêu hóa về gan). Sự gia tăng áp lực này là do sự tắc nghẽn dòng máu qua gan do xơ gan. Khi dòng máu chảy qua các tĩnh mạch bị tắc nghẽn một phần, các tĩnh mạch trong thực quản, dạ dày hoặc ruột có thể bị phình ra (giãn tĩnh mạch). Khi áp lực trong các tĩnh mạch này tăng quá cao có thể bị chảy máu hoặc thậm chí vỡ ra, gây xuất huyết nghiêm trọng.

Các biến chứng khác của tăng áp lực tĩnh mạch cửa bao gồm:

  • Phù ở mắt cá chân hoặc bàn chân.
  • Tích tụ chất lỏng trong bụng (cổ trướng).
  • Lách to.
  • Sự hình thành và giãn các mạch máu trong phổi (hội chứng gan phổi), dẫn đến lượng oxy trong máu và cơ thể thấp và gây khó thở.
  • Suy chức năng thận do tăng áp lực tĩnh mạch cửa là một biến chứng của xơ gan (hội chứng gan thận). Đây là một dạng suy thận.
  • Lú lẫn, khó suy nghĩ, thay đổi hành vi, thậm chí hôn mê. Điều này xảy ra khi các chất độc từ ruột không được loại bỏ bởi gan bị tổn thương lưu thông trong máu và tích tụ trong não người bệnh (gọi là bệnh não gan).

Chứng cường lách: Chứng cường lách là tình trạng lá lách hoạt động quá mức. Tình trạng này gây tăng phá hủy các tế bào máu, dẫn đến bất thường về máu.

Nhiễm trùng: Xơ gan làm tăng nguy cơ mắc và giảm khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm phúc mạc do vi khuẩn (nhiễm trùng mô lót thành trong của bụng).

Suy dinh dưỡng: Gan chuyển hóa các chất dinh dưỡng. Gan bị tổn thương làm việc này trở nên khó khăn hơn dẫn đến giảm cân và suy nhược cơ thể.

Ung thư gan: Hầu hết những người phát triển ung thư gan đều bị xơ gan.

Suy gan: Nhiều bệnh và tình trạng gây suy gan bao gồm cả xơ gan. Như tên gọi của nó, suy gan xảy ra khi gan không hoạt động đủ tốt để thực hiện các chức năng quan trọng. 

Xét nghiệm và chẩn đoán

Chẩn đoán xơ gan như thế nào?

Bác sĩ trước tiên sẽ hỏi về tiền sử bệnh và việc sử dụng thuốc không của người bệnh. Ngoài ra, bác sĩ sẽ hỏi về các loại thực phẩm bổ sung hoặc sản phẩm thảo dược nào bệnh nhân dùng. Bác sĩ sẽ nghĩ đến xơ gan nếu bệnh nhân có tiền sử lạm dụng rượu lâu dài, lạm dụng thuốc tiêm hoặc đã bị viêm gan B hoặc C và có các triệu chứng được liệt kê trong bài viết này.

Để chẩn đoán xơ gan, bác sĩ sẽ thực hiện khám sức khỏe và có thể yêu cầu một hoặc nhiều xét nghiệm sau:

  • Khám bệnh: Bác sĩ sẽ khám và tìm các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh xơ gan bao gồm: các mạch máu đỏ, giống như mạng nhện trên da; vàng da hoặc vàng mắt; vết bầm tím trên da; đỏ trên lòng bàn tay; đau hoặc chướng bụng; khám gan to, mật độ rắn chắc, kết cấu gồ ghề đến rìa dưới của gan (có thể cảm nhận được phần gan bên dưới khung xương sườn).
  • Xét nghiệm máu: Nếu nghi ngờ xơ gan, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu để tìm các dấu hiệu của bệnh gan. Các dấu hiệu của tổn thương gan bao gồm:
  • Nồng độ albumin và các yếu tố đông máu thấp hơn bình thường (mức thấp hơn có nghĩa là gan đã mất khả năng tạo ra các protein này).
  • Tăng nồng độ men gan (gợi ý viêm).
  • Mức độ sắt cao hơn (có thể cho thấy bệnh huyết sắc tố).
  • Sự hiện diện của tự kháng thể (có thể chỉ ra viêm gan tự miễn hoặc xơ gan mật nguyên phát).
  • Mức bilirubin tăng (cho thấy gan không hoạt động bình thường để loại bỏ bilirubin- một chất độc khỏi máu).
  • Số lượng bạch cầu cao (cho thấy bị nhiễm trùng).
  • Mức độ creatinine cao (một dấu hiệu của bệnh thận gợi ý xơ gan giai đoạn cuối).
  • Mức natri thấp (là một dấu hiệu của bệnh xơ gan).
  • Mức độ alpha-fetoprotein tăng lên (cho thấy sự hiện diện của ung thư)

Ngoài ra, các xét nghiệm máu khác còn bao gồm công thức máu toàn phần để tìm các dấu hiệu nhiễm trùng và thiếu máu do chảy máu trong và xét nghiệm viêm gan siêu vi để kiểm tra viêm gan B hoặc C.

  • Chẩn đoán hình ảnh: cho biết kích thước, hình dạng và kết cấu của nhu mô gan. Các xét nghiệm này cũng có thể xác định số lượng sẹo, lượng chất béo có trong gan và chất lỏng trong bụng người bệnh. Các xét nghiệm hình ảnh về gan có thể được chỉ định bao gồm chụp cắt lớp vi tính (CT), siêu âm bụng và chụp cộng hưởng từ (MRI). Một phương pháp siêu âm đặc biệt giúp đo hàm lượng chất béo và độ cứng nhu mô gan. Hai loại nội soi khác nhau có thể được chỉ định: nội soi mật tụy ngược dòng để phát hiện các vấn đề về ống mật và/hoặc nội soi đường tiêu hóa trên để phát hiện các giãn tĩnh mạch hoặc chảy máu trong thực quản, dạ dày hoặc ruột.
  • Sinh thiết: Một mẫu mô gan được lấy ra từ gan và kiểm tra dưới kính hiển vi. Sinh thiết gan có thể xác định chẩn đoán xơ gan, xác định các nguyên nhân và mức độ tổn thương gan hoặc chẩn đoán ung thư gan. 

Chẩn đoán giai đoạn

Nếu đã được chẩn đoán xơ gan, bệnh nhân đã qua giai đoạn đầu của bệnh gan. Bị xơ gan có nghĩa là gan có các mô sẹo do đã bị tổn thương từ trước đó.

Các chuyên gia và nhà nghiên cứu về gan đã phát triển nhiều hệ thống tính điểm khác nhau để dự đoán kết quả và hướng dẫn điều trị bệnh gan mạn tính. Một số bệnh gan cụ thể cũng có hệ thống tính điểm riêng. Tuy nhiên, không phải bệnh gan nào cũng có hệ thống tính điểm và không có hệ thống tính điểm nào nếu đồng thời mắc nhiều bệnh gan.

Vì những lý do này, phân loại giai đoạn xơ gan theo hệ thống phân loại mà bác sĩ hay dùng sẽ giúp bệnh nhân dễ hiểu hơn: xơ gan còn bù hoặc xơ gan mất bù.

Xơ gan còn bù nghĩa là bị xơ gan nhưng chưa có các triệu chứng đáng chú ý (không có triệu chứng). Các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh có thể không thấy bất thường. Sinh thiết gan là cách duy nhất để xác định chẩn đoán xơ gan ở giai đoạn này. Thời gian sống trung bình ở bệnh nhân xơ gan còn bù là khoảng 9 đến 12 năm. 

Xơ gan mất bù nghĩa là bệnh xơ gan đã trở nên tồi tệ hơn và bệnh nhân có các triệu chứng đáng chú ý. Bác sĩ phát hiện tình trạng mất bù dựa trên tiền sử, kết quả khám bệnh và xét nghiệm. Bệnh nhân có ít nhất một biến chứng, bao gồm vàng da, cổ trướng, bệnh não gan, hội chứng gan thận, chảy máu do giãn tĩnh mạch hoặc ung thư gan. Bệnh nhân thường cần phải nhập viện để được chăm sóc. Thời gian sống thêm trung bình ở bệnh nhân xơ gan mất bù là khoảng 2 năm. 

Quản lý và điều trị xơ gan

Nguồn: Women’s HealthTránh uống rượu biaXơ gan có chữa khỏi được không?

Bệnh xơ gan không chữa khỏi được, tổn thương của gan là vĩnh viễn. Tuy nhiên, tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản của bệnh xơ gan, bệnh nhân có thể thực hiện các biện pháp để giữ cho bệnh xơ gan không trở nên tồi tệ hơn, bao gồm:

  • Ngừng uống rượu.
  • Điều trị viêm gan mạn tính (nếu mắc phải).
  • Tránh dùng thuốc gây độc cho gan.
  • Ăn chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng, ít chất béo

Ngoài ra còn một số phương pháp trong phần Phòng bệnh của bài viết này

Mục tiêu điều trị xơ gan là gì?

Mục tiêu của điều trị xơ gan gồm:

  • Làm chậm quá trình tổn thương gan.
  • Ngăn ngừa và điều trị các triệu chứng.
  • Phòng ngừa và điều trị các biến chứng. 

Điều trị xơ gan như thế nào?

Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra xơ gan và mức độ tổn thương gan.

Mặc dù không có cách chữa khỏi bệnh xơ gan, nhưng các phương pháp điều trị có thể trì hoãn hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh và giảm các biến chứng.

Phương pháp điều trị các nguyên nhân gây xơ gan gồm:

  • Bệnh gan do rượu: Nếu đã phát triển thành xơ gan do lạm dụng rượu, hãy ngừng uống rượu. Nếu cần giúp đỡ, hãy hỏi bác sĩ để được khuyến nghị về các chương trình điều trị nghiện rượu.
  • Viêm gan B hoặc C: Một số loại thuốc kháng vi-rút đã được phê duyệt có sẵn để điều trị viêm gan loại B và C.
  • Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu: Kiểm soát bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu bao gồm giảm cân, tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục và làm theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát bệnh đái tháo đường.
  • Các bệnh gan di truyền: Việc điều trị phụ thuộc vào từng bệnh di truyền cụ thể. Các phương pháp điều trị nhằm điều trị các triệu chứng và quản lý các biến chứng. Điều trị thiếu alpha-1 antitrypsin có thể bao gồm thuốc để giảm dịch cổ trướng, thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng và các loại thuốc khác điều trị các biến chứng. Đối với bệnh huyết sắc tố, điều trị là loại bỏ sắt để giảm mức độ sắt trong máu. Đối với bệnh Wilson, điều trị bằng các loại thuốc để loại bỏ đồng và kẽm khỏi cơ thể giúp giảm nồng độ tích tụ trong gan. Đối với bệnh xơ nang, các loại thuốc được kê đơn để cải thiện chức năng phổi, các phương pháp làm sạch đờm và điều trị các biến chứng. Điều trị các bệnh dự trữ glycogen liên quan đến gan là giữ cho glucose ở mức thích hợp.
  • Viêm gan tự miễn: Điều trị bằng thuốc để ức chế miễn dịch.
  • Các bệnh làm tổn thương hoặc tắc nghẽn ống dẫn mật trong gan: Điều trị bằng thuốc như ursodiol (Actigall®) hoặc phẫu thuật để mở các ống dẫn mật bị hẹp hoặc tắc.
  • Suy tim: Điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân và giai đoạn suy tim. Thuốc bao gồm các loại điều trị tăng huyết áp, giảm cholesterol, lợi tiểu và cải thiện chức năng bơm máu của tim. Các phương pháp điều trị khác bao gồm cấy ghép các thiết bị giúp tim bơm máu hoặc theo dõi nhịp tim, phẫu thuật để mở tắc động mạch, thay thế hoặc sửa chữa van tim và phẫu thuật cấy ghép tim.
  • Các loại thuốc có thể gây xơ gan: Bác sĩ sẽ xem xét tất cả các loại thuốc bệnh nhân dùng để xác định xem có loại thuốc nào đang gây ra vấn đề cho gan hay không và nếu có, hãy ngừng thuốc, giảm liều lượng hoặc đổi sang một loại thuốc khác theo y lệnh của bác sĩ. 

Dự phòng xơ gan

Dự phòng xơ gan như thế nào?

Chế độ ăn uống

Không lạm dụng rượu. Hãy hạn chế uống rượu. Nam giới uống nhiều hơn hai ly mỗi ngày hoặc phụ nữ uống nhiều hơn một ly mỗi ngày sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh. Lượng đồ uống có cồn một ngày được khuyến cáo là một ly rượu vang hoặc một lon bia 350ml hoặc 45ml rượu mạnh. Nếu bị bệnh gan, hoàn toàn không nên uống rượu.

Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, ít chất béo, chẳng hạn như chế độ ăn Địa Trung Hải. Một chế độ ăn uống lành mạnh cân bằng bao gồm trái cây, rau, protein nạc và ngũ cốc nguyên hạt.

Không ăn hải sản sống, đặc biệt là hàu và ngao. Những thực phẩm này có thể chứa loại vi khuẩn có thể gây các bệnh nghiêm trọng.

Giảm lượng muối trong chế độ ăn, thay bằng các loại gia vị khác để tạo hương vị cho món ăn.

Các thói quen tốt cho cơ thể:

  • Duy trì cân nặng hợp lý. Chất béo dư thừa trong cơ thể có thể làm hỏng gan.
  • Luyện tập thể dục đều đặn.
  • Khám sức khỏe định kì kiểm soát béo phì, tiểu đường, tăng huyết và rối loạn chuyển hóa cholesterol (cholesterol xấu cao [LDL] và / hoặc cholesterol tốt thấp [HDL]).
  • Bỏ thuốc lá.

Các phương pháp giúp gan khỏe mạnh:

  • Tránh các hành vi nguy cơ cao có thể dẫn đến lây nhiễm viêm gan B hoặc C, chẳng hạn như dùng chung kim tiêm để sử dụng ma túy hoặc quan hệ tình dục không an toàn.
  • Tiêm phòng viêm gan B. Nếu đã bị viêm gan, hãy hỏi bác sĩ xem việc điều trị bằng thuốc có phù hợp hay không.
  • Tiêm phòng cúm hàng năm và hỏi bác sĩ xem có nên tiêm vắc xin viêm phổi không (những người bị xơ gan có nhiều khả năng bị nhiễm trùng hơn).
  • Tránh dùng thuốc chống viêm không steroid (chẳng hạn như ibuprofen [Advil®, Motrin®] indomethacin [Indocin®] celecoxib [Celebrex®] và aspirin) và liều cao acetaminophen (Tylenol®). Acetaminophen (paracetamol) có thể được dùng một cách an toàn với liều lên đến 2.000 mg mỗi ngày. Những loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến chức năng gan.
  • Tuân thủ chế độ điều trị. 

Tiên lượng của bệnh nhân xơ gan

Tiên lượng của bệnh nhân xơ gan

Tổn thương gan là vĩnh viễn, nhưng gan là một cơ quan lớn nên phần gan lành có thể hoạt động bù trừ được. Vì vậy, cần điều trị nhằm mục đích giữ chức năng của phần gan lành còn lại tối đa, tùy thuộc nguyên nhân xơ gan. Ví dụ, nếu xơ gan do lạm dụng rượu, bệnh nhân cần phải ngừng uống rượu ngay lập tức. Nếu bị béo phì hoặc mắc bệnh tiểu đường sẽ cần phải giảm cân và kiểm soát lượng đường trong máu để có thể giảm bớt thiệt hại do bệnh gan nhiễm mỡ gây ra.

Bệnh nhân nên thảo luận với bác sĩ xác định nguyên nhân gây ra bệnh xơ gan và những biến chứng nào do bệnh xơ gan cũng như phương pháp điều trị phù hợp. 

Tuổi thọ của những người bị xơ gan là bao nhiêu?

Tuổi thọ phụ thuộc vào một số yếu tố bao gồm nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh xơ gan, đáp ứng điều trị, các biến chứng xơ gan, tuổi bệnh nhân và các bệnh lý đi kèm.

Nếu bệnh xơ gan đã tiến triển nặng, ghép gan có thể là một lựa chọn. Bác sĩ sẽ nói chuyên với bệnh nhân về phương pháp điều trị này. 

Điểm Child-Turcotte-Pugh và điểm MELD là gì?

Điểm Child-Turcotte-Pugh (CTP), còn được gọi đơn giản là điểm Child-Pugh, là điểm số lâm sàng cho bác sĩ biết mức độ nghiêm trọng của bệnh gan và dự báo tỷ lệ sống sót mong đợi. Cách tính điểm dựa trên của năm biện pháp lâm sàng (giá trị của bilirubin, albumin huyết thanh và thời gian prothrombin; sự hiện diện của cổ trướng và bệnh não gan) và mức độ nghiêm trọng của mỗi biện pháp này.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!