Viêm đường mật là bệnh lý nhiễm khuẩn ống mật. Tổ chức Gan Hoa Kỳ cho rằng đây là một bệnh lý của gan và phân loại thành:
- Viêm đường mật nguyên phát (primary biliary cholangitis - PBC)
- Viêm xơ đường mật nguyên phát (primary sclerosing cholangitis - PSC)
- Viêm đường mật thứ phát
- Viêm đường mật tự miễn
Khi ống dẫn mật bị viêm hoặc tắc nghẽn, mật có thể trào ngược vào gan, dẫn đến tổn thương gan và nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác. Bệnh có thể diễn tiến ở mức độ nhẹ hoặc nặng tuỳ từng trường hợp.
Viêm đường mật có 2 thể chính:
- Viêm đường mật mạn tính diễn tiến chậm theo thời gian và các triệu chứng sẽ xuất hiện trong vòng 5 đến 20 năm.
- Viêm đường mật cấp tính xuất hiện đột ngột và các triệu chứng thường diễn biến một khoảng thời gian ngắn.
Các triệu chứng của viêm đường mật
Triệu chứng phụ thuộc vào từng thể bệnh và thời gian diễn tiến bệnh. Hơn 50% bệnh nhân viêm đường mật mạn tính không có bất kỳ triệu chứng nào.
Các triệu chứng ban đầu của viêm đường mật mạn tính bao gồm:
- Mệt mỏi và suy nhược
- Ngứa
- Khô mắt
- Khô miệng
Những bệnh nhân viêm đường mật mạn tính trong một thời gian dài có thể gặp phải triệu chứng sau:
- Đau vùng hạ sườn phải
- Đổ mồ hôi vào ban đêm
- Sưng nề bàn chân và mắt cá chân
- Sạm da (tăng sắc tố)
- Đau mỏi cơ
- Đau xương hoặc khớp
- Đầy hơi
- Tích tụ mỡ ở vùng da quanh mắt và mí mắt (xanthomas)
- Tích tụ mỡ vùng khuỷu tay, đầu gối, lòng bàn tay và lòng bàn chân
- Tiêu chảy hoặc phân có chứa mỡ
- Phân bạc màu
- Tụt cân
- Rối loại cảm xúc và trí nhớ
Sau đây là các triệu chứng của viêm đường mật cấp tính:
- Sốt cao hơn 24 giờ
- Ớn lạnh
- Buồn nôn
- Nôn
- Đau lưng
- Đau dưới bả vai
- Đau âm ỉ hoặc đau quặn vùng hạ sườn phải
- Đau nhói hoặc đau âm ỉ vùng dạ dày
- Tụt uyết áp
- Lú lẫn
- Vàng da và vàng mắt
Bác sĩ có thể tìm thấy các dấu hiệu của viêm đường mật ở các bộ phận khác của cơ thể. Bao gồm các:
- Phì đại gan
- Phì đại lá lách
- Tăng cholesterol máu
- Suy giáp
- Loãng xương gây giòn hoặc gãy xương
Điều trị viêm đường mật
Phương pháp điều trị viêm đường mật mạn tính và cấp tính có thể khác nhau phụ thuộc vào nguyên nhân và thời gian bệnh nhân được chẩn đoán. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
Điều trị sớm đặc biệt quan trọng đối với viêm đường mật cấp tính. Bác sĩ có thể kê các loại thuốc kháng sinh đường uống (chẳng hạn như penicillin, ceftriaxone, metronidazole và ciprofloxacin) trong tối đa 10 ngày.
Ngoài ra bệnh nhân cũng được chỉ định thêm một số thủ thuật khác như:
- Truyền dịch tĩnh mạch
- Dẫn lưu ống mật
Viêm đường mật mạn tính không có thuốc đặc trị. Tuy nhiên, các loại thuốc có chứa thành phần axit ursodeoxycholic có thể hỗ trợ bảo vệ gan bằng cách cải thiện lưu lượng mật.
Các phương pháp điều trị viêm đường mật mạn bao gồm:
- Điều trị triệu chứng
- Theo dõi chức năng gan
- Thông tắc ống mật
Các phương pháp điều trị hiệu quả cho cả viêm đường mật cấp và mạn tính là:
- Điều trị nội soi. Trước khi nội soi, các bác sĩ sẽ gây tê toàn bộ hoặc cục bộ. Sau đó đường mật sẽ được lưu thông bởi sự giãn nở của bóng nội soi. Điều này làm tăng lưu lượng mật và cải thiện các triệu chứng của bệnh. Trong một số trường hợp, bệnh nhân cần can thiệp nội soi nhiều lần.
- Can thiệp qua da. Thủ thuật này tương tự như can thiệp nội soi, nhưng được thực hiện qua da. Bác sĩ sẽ gây tê cục bộ hoặc tiền mê trước khi can thiệp.
- Phẫu thuật. Bác sĩ cắt bỏ phần ống mật bị tắc hoặc đặt stent để dẫn lưu dịch mật. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân được gây mê toàn bộ.
- Ghép gan. Trong những trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân thường có chỉ định ghép gan. Bác sĩ sẽ thay thế vùng gan tổn thương bằng một phần gan khoẻ mạnh khác. Sau đó, người bệnh phải dùng thuốc chống thải ghép suốt đời.
- Viêm đường mật có thể gây ra một số các biến chứng sau đây:
- Rối loạn dinh dưỡng. Viêm đường mật ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng. Vì vậy, bệnh nhân cần bổ sung thêm vitamin A, D, E và K.
- Loãng xương có thể điều trị nội khoa bằng thuốc, bổ sung canxi và vitamin D.
- Cao huyết áp. Trong một số trường hợp bệnh nhân viêm đường mật cần được theo dõi và điều trị cao huyết áp trong gan (tăng áp lực tĩnh mạch cửa).
Nguyên nhân gây viêm đường mật
Video Viêm đường mật do sỏi và điều trị
Trong một số trường hợp, các bác sĩ không thể xác định được nguyên nhân gây viêm đường mật.
Viêm đường mật mạn tính có thể là do bệnh tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào các ống mật và gây viêm.
Theo thời gian, tình trạng viêm để lại các vết sẹo xơ cứng, gây hẹp hoặc tắc nghẽn đường mật.
Nguyên nhân gây viêm đường mật cấp tính là:
- Nhiễm khuẩn
- Sỏi mật
- Tắc mật
- Khối u đường mật
Sau đây là các nguyên nhân ngoại cảnh gây viêm đường mật:
- Nhiễm vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng
- Hút thuốc lá
- Hóa chất
Các yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng bị viêm đường mật:
- Nữ giới. Viêm đường mật mạn tính thường gặp ở phụ nữ.
- Tuổi. Những người ở độ tuổi từ 30 đến 60 có tỷ lệ mắc cao.
- Di truyền học. Người có tiền sử gia đình mắc viêm đường mật có nguy cơ cao hơn.
- Vị trí địa lý. Bệnh phổ biến hơn ở Bắc Mỹ và Bắc Âu.
Chẩn đoán viêm đường mật
Bác sĩ có thể chẩn đoán viêm đường mật bằng các xét nghiệm sau đây:
- Công thức máu toàn phần (complete blood count - CBC)
- Xét nghiệm chức năng gan
- Xét nghiệm chức năng thận
- Cấy máu
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm nước tiểu, phân, dịch mật hoặc sử dụng các kĩ thuật chẩn đoán hình ảnh sau đây:
- Chụp X – quang (sử dụng thuốc nhuộm để chẩn đoán bệnh lý đường mật)
- Chụp MRI
- Chụp CT
- Siêu âm
Các biến chứng của viêm đường mật
Nếu không được điều trị kịp thời, viêm đường mật có thể dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng hơn như:
- Các bệnh lý về gan. Viêm đường mật gây xơ gan, suy giảm chức năng gan, suy gan và ung thư gan. Hơn nữa, bệnh nhân còn có thể bị phì đại gan và cao huyết áp.
- Sỏi mật. Tắc mật làm tăng khả năng hình thành sỏi mật, gây đau và nhiễm khuẩn.
- Phì đại lá lách. Suy giảm chức năng gan dẫn đến ứ đọng các chất không cần thiết cho cơ thể. Vì vậy, các tế bào hồng cầu già sẽ tích tụ trong lách và gây phì đại lách.
- Giãn tĩnh mạch. Huyết áp cao làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch vùng bụng và gây giãn các tĩnh mạch này. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể bị vỡ tĩnh mạch, gây xuất huyết.
- Nhiễm trùng máu. Viêm đường mật cấp tính có thể dẫn đến nhiễm khuẩn huyết. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể gây tổn thương đến các bộ phận khác và đe dọa tính mạng.
Viêm đường mật mạn tính có liên quan đến các bệnh lý về tuyến giáp, xơ cứng bì hoặc viêm khớp dạng thấp.
Tổng kết
Triệu chứng của viêm đường mật khác nhau ở từng bệnh nhân. Trong một số trường hợp, các bác sĩ không thể xác định được nguyên nhân gây bệnh.
Điều trị sớm có thể ngăn ngừa các triệu chứng, biến chứng và giúp bệnh nhân hồi phục tốt hơn. Hãy đi khám bác sĩ nay nếu bạn có bất kỳ các triệu chứng nào sau đây:
- Sốt
- Đau bụng
- Vàng mắt và vàng da
- Rối loạn tiêu hóa và nhu động ruột
Đôi khi bệnh có thể diễn tiến mà không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Vì vậy, để được phát hiện sớm, bạn nên đi khám bác sĩ và xét nghiệm công thức máu định kỳ.
Một số loại viêm đường mật có thể điều trị khỏi bằng cách uống thuốc theo chỉ định và tái khám đúng hẹn.
Bệnh nhân viêm đường mật có thể phòng ngừa các biến chứng và cải thiện các triệu chứng của bệnh bằng cách tuân thủ một lối sống lành mạnh, ăn uống cân bằng, bổ sung thêm các chất xơ và bỏ thuốc lá. Để có được chế độ ăn tốt nhất hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng.
Xem thêm: