Video: Bệnh suy tim là gì? Cách chữa bệnh suy tim
Tăng huyết áp và bệnh mạch vành là hai nguyên nhân chủ yếu dẫn đến suy tim, tim bơm máu yếu.
Các cách điều trị thích hợp có thể cải thiện các dấu hiệu và triệu chứng của suy tim, giúp kéo dài tuổi thọ. Thay đổi lối sống - chẳng hạn như giảm cân, tập thể dục, giảm muối (natri) trong chế độ ăn uống và kiểm soát căng thẳng - có thể cải thiện chất lượng cuộc sống. Suy tim có thể nguy hiểm đến tính mạng. Những người bị suy tim có thể tiến triển trầm trọng, cần ghép tim thay thể hoặc đặt thiết bị hỗ trợ tâm thất để điều trị.
Để ngăn ngừa suy tim tiến triển, người bệnh cần kiểm soát các tình trạng có thể gây ra bệnh suy tim, chẳng hạn như bệnh mạch vành, huyết áp cao, đái tháo đường và béo phì.
Triệu chứng của suy tim
Suy tim có thể mãn tính hoặc cấp tính.
Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm:
- Khó thở khi hoạt động hoặc khi nằm
- Mệt mỏi và suy nhược
- Phù nề chân, mắt cá chân và bàn chân
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều
- Giảm khả năng tập thể dục
- Ho dai dẳng hoặc thở khò khè kèm theo chất nhầy nhuốm máu màu trắng hoặc hồng
- Bụng chướng, có dịch trong màng bụng
- Tăng cân rất nhanh do phù, giữ nước
- Buồn nôn và chán ăn
- Khó tập trung hoặc giảm sự tỉnh táo
- Đau ngực nếu suy tim do nhồi máu cơ tim
Khi nào cần đi khám
Hãy đi khám ngay nếu bạn có các biểu hiện sau:
- Tức ngực
- Ngất xỉu hoặc suy nhược nghiêm trọng
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều kèm theo khó thở, đau ngực hoặc ngất xỉu
- Khó thở đột ngột, dữ dội và ho ra chất nhầy màu trắng hoặc hồng
Mặc dù những dấu hiệu và triệu chứng này có thể là do suy tim, nhưng cũng do nhiều nguyên nhân khác, bao gồm các tình trạng tim và phổi đe dọa tính mạng, chúng ta không nên cố gắng tự chẩn đoán.
Nếu bạn đã được chẩn đoán suy tim, và có xuất hiện triệu chứng mới, hoặc các triệu chứng cũ tiến triển nặng hơn, thì bệnh suy tim đang diến biến xấu hoặc không đáp ứng điều trị. Trường hợp này cũng có thể xảy ra nếu bạn tăng từ 2,3 kg trở lên trong vòng vài ngày. Hãy đến bệnh viện khám lại ngay lập tức.
Nguyên nhân gây suy tim
Suy tim thường xuất hiện sau các bệnh lý khác làm tim bị tổn thương hoặc suy yếu như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh,...Ngoài ra, suy tim xảy ra còn do tim bị xơ cứng.
Ở một số người, cơ tim có thể bị tổn hại và suy yếu. Theo thời gian, tim không còn đáp ứng các nhu cầu bơm máu đến các cơ quan, bộ phận khác của cơ thể.
Bác sĩ có thể đánh giá chức năng hoạt động của cơ tim bằng cách đo lượng máu được bơm ra qua mỗi nhịp đập (phân suất tống máu - EF). Phân suất tống máu được sử dụng để giúp phân loại suy tim và hướng điều trị. Ở một trái tim khỏe mạnh, phân suất tống máu ≥ 50% - có nghĩa là hơn một nửa lượng máu đổ vào tâm thất được bơm ra sau mỗi nhịp đập.
Tuy nhiên, suy tim vẫn có thể xảy ra ngay cả với phân suất tống máu bình thường. Điều này xảy ra nếu cơ tim bị xơ cứng do các bệnh lý như huyết áp cao.
Suy tim có thể liên quan đến tâm thất trái, tâm thất phải hoặc cả 2 bên. Nói chung, suy tim bắt nguồn từ tâm thất trái - buồng bơm chính của tim.
Loại suy tim | Mô tả |
Suy tim trái | Tuần hoàn ứ trệ gây phù phổi, bệnh nhân có biểu hiện khó thở |
Suy tim bên phải | Tuần hoàn ngưng trệ gây phù chân, tràn dịch màng bụng, màng phổi. |
Suy tim tâm thu (còn gọi là suy tim với giảm phân suất tống máu) | Tâm thất trái không thể co bóp mạnh, cho thấy có vấn đề về bơm máu. |
Suy tim với phân suất tống máu được duy trì | Tâm thất trái không thể co bóp hoàn toàn, cho thấy có vấn đề về bơm máu. |
Bất kỳ tình trạng nào sau đây đều có thể làm tổn thương hoặc làm tim suy yếu và gây ra suy tim. Một số trong số này có thể đang hiện diện mà bạn không biết:
- Bệnh mạch vành và đau tim: Bệnh động mạch vành là dạng bệnh tim phổ biến nhất và là nguyên nhân phổ biến nhất của suy tim. Căn bệnh này là kết quả của sự tích tụ chất béo lắng đọng trong động mạch, làm giảm lưu lượng máu và có thể dẫn đến đau tim.
Cơn đau tim xảy ra đột ngột khi động mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn. Tổn thương cơ tim do đau tim hay bệnh mạch vành có nghĩa là tim không còn hoạt động tốt được như bình thường.
- Huyết áp cao: Khi huyết áp cao, tim phải làm việc nhiều hơn mức bình thường để lưu thông máu khắp cơ thể. Theo thời gian, hoạt động gắng sức này có thể làm cho cơ tim xơ cứng hoặc quá yếu để đảm bảo bơm máu
- Bệnh lý van tim: Các van của tim giữ cho máu chảy theo hướng thích hợp. Van bị tổn thương - do khuyết tật tim, bệnh mạch vành hoặc viêm nội tâm mạc khiến tim phải làm việc nhiều hơn, có thể khiến tim yếu đi theo thời gian.
- Tổn thương cơ tim: Tổn thương cơ tim có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm một số bệnh, nhiễm trùng, sử dụng rượu nặng và tác dụng độc hại của thuốc, chẳng hạn như cocaine hoặc một số loại thuốc dùng cho hóa trị liệu. Yếu tố di truyền cũng có thể đóng một vai trò nào đó.
- Viêm cơ tim: Viêm cơ tim thường do vi-rút gây ra, trong đó có virus COVID-19, và có thể dẫn đến suy tim trái.
- Dị tật tim bẩm sinh: Nếu tim, các buồng hoặc van tim không được hình thành một cách chính xác trong bào thai gây dị tật tim bẩm sinh, các bộ phận khỏe mạnh khác của tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu, điều này có thể dẫn đến suy tim.
- Rối loạn nhịp tim: Nhịp tim bất thường có thể khiến tim đập quá nhanh, khiến tim phải hoạt động nhiều hơn. Nhịp tim chậm cũng có thể dẫn đến suy tim.
- Những căn bệnh khác. Các bệnh mãn tính - chẳng hạn như bệnh đái tháo đường, HIV, cường giáp, suy giáp, nhiễm độc sắt trong cơ tim hay protein máu quá cao - cũng có thể góp phần gây ra suy tim mãn tính.
Nguyên nhân của suy tim cấp tính bao gồm:
- Phản ứng dị ứng
- Bất kỳ bệnh nào ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể
- Thuyên tắc phổi
- Nhiễm trùng nặng
- Sử dụng một số loại thuốc
- Virus tấn công cơ tim
Các yếu tố nguy cơ của suy tim
Một yếu tố nguy cơ duy nhất có thể đủ để gây ra suy tim, nhưng sự kết hợp của nhiều yếu tố càng làm tăng nguy cơ của bệnh.
Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Bệnh động mạch vành: Động mạch bị thu hẹp có thể hạn chế cung cấp máu giàu oxy cho tim, dẫn đến cơ tim bị suy yếu.
- Đau tim: Nhồi máu cơ tim là một dạng của bệnh mạch vành xảy ra đột ngột. Tổn thương cơ tim do đau tim có thể có nghĩa là tim không còn hoạt động tốt được như bình thường.
- Bệnh van tim: Van tim không hoạt động bình thường làm tăng nguy cơ suy tim.
- Huyết áp cao: Tim sẽ phải làm việc nhiều hơn bình thường nếu huyết áp cao.
- Nhịp tim không đều: Nhịp tim bất thường, đặc biệt là nếu chúng xuất hiện rất thường xuyên, có thể làm suy yếu cơ tim và gây suy tim.
- Bệnh tim bẩm sinh: Một số người mắc suy tim do sinh ra đã có các vấn đề ảnh hưởng đến cấu trúc hoặc chức năng của tim.
- Bệnh đái tháo đường: Mắc bệnh đái tháo đường làm tăng nguy cơ cao huyết áp và bệnh mạch vành. Bạn không nên tự ý ngừng dùng bất kỳ loại thuốc nào. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu cần phải thay đổi thuốc.
- Một số loại thuốc điều trị bệnh đái tháo đường: Thuốc điều trị tiểu đường Rosiglitazone (Avandia) và Pioglitazone (Actos) đã được phát hiện làm tăng nguy cơ suy tim ở một số người. Tuy nhiên, không nên tự ý ngưng sử dụng. Nếu bạn đang dùng chúng, hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu cần thay đổi điều trị.
- Một số loại thuốc khác: Một số loại thuốc có thể dẫn đến suy tim hoặc các vấn đề về tim. Chúng bao gồm thuốc chống viêm không steroid (NSAID); một số loại thuốc gây mê và thuốc được sử dụng để điều trị huyết áp cao, ung thư, các bệnh về máu, nhịp tim không đều hoặc bất thường, các bệnh về hệ thần kinh, tình trạng sức khỏe tâm thần, các vấn đề về phổi, tiết niệu, các bệnh viêm nhiễm và nhiễm trùng.
- Sử dụng rượu: Uống quá nhiều rượu có thể làm suy yếu cơ tim và dẫn đến suy tim.
- Chứng ngưng thở lúc ngủ: Không thể thở bình thường trong khi ngủ dẫn đến nồng độ oxy trong máu thấp và tăng nguy cơ nhịp tim không đều. Cả hai vấn đề này đều có thể làm tim suy yếu.
- Hút thuốc hoặc sử dụng thuốc lá: Sử dụng thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và suy tim.
- Béo phì: Những người bị béo phì có nguy cơ cao bị suy tim.
- Virus: Một số bệnh nhiễm trùng do virus có thể gây tổn thương cho cơ tim.
Các biến chứng của suy tim
Các biến chứng của suy tim phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, sức khỏe bản thân và các yếu tố khác như tuổi tác... Các biến chứng có thể xảy ra là:
- Thận hư hoặc suy thận: Suy tim có thể làm giảm lưu lượng máu đến thận, gây suy thận nếu không được điều trị. Thận bị tổn thương do suy tim có thể phải lọc máu để điều trị.
- Các vấn đề về van tim: Các van của tim có thể không hoạt động bình thường nếu áp lực trong tim rất cao do suy tim.
- Các vấn đề về nhịp tim: Các vấn đề về nhịp tim có thể dẫn đến hay tăng nguy cơ suy tim.
- Tổn thương gan. Suy tim gây ra tình trạng phù toàn thân do ứ đọng dịch trong mô kẽ và các khoang trong cơ thể. Máu chảy ngược trở lại tĩnh mạch làm tràn dịch ổ bụng và tăng áp lực tĩnh mạch cửa qua gan, gây gan to, xơ hóa gan và có thể thành xơ gan.
Phòng bệnh suy tim
Phương pháp hàng đầu để ngăn ngừa suy tim là giảm các yếu tố nguy cơ. Bạn có thể kiểm soát hoặc loại bỏ chúng bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh và sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ.
Lối sống lành mạnh để phòng bệnh tim mạch bao gồm:
- Không hút thuốc
- Điều trị các bệnh lý mãn tính, chẳng hạn như huyết áp cao và đái tháo đường
- Duy trì các hoạt động thể chất
- Ăn thực phẩm lành mạnh
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Kiểm soát căng thẳng, nghỉ ngơi và thư giãn tốt.
Chẩn đoán suy tim
Để chẩn đoán suy tim, bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử, các triệu chứng và khám sức khỏe. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra người bệnh có các yếu tố nguy cơ gây suy tim không, chẳng hạn như huyết áp cao, bệnh mạch vành hoặc tiểu đường.
Bác sĩ có thể nghe tim phổi để kiểm tra các dấu hiệu như thuyên tắc phổi và tiếng rít gợi ý suy tim. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kiểm tra tĩnh mạch cổ và tình trạng ứ trệ dịch trong ổ bụng hay phù bàn chân.
Một số xét nghiệm liên quan bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu để tìm kiếm các dấu hiệu của các bệnh có thể ảnh hưởng đến tim.
- Chụp X-quang lồng ngực: Hình ảnh X-quang có thể cho thấy tình trạng của phổi và tim.
- Điện tâm đồ (ECG): ghi lại những thay đổi của dòng điện trong tim.
- Siêu âm tim: là kỹ thuật dùng sóng siêu âm để chụp và nghiên cứu các cấu trúc của tim trong khi tim đang hoạt động (co bóp). Siêu âm tim có thể được sử dụng để đo phân suất tống máu, cho biết khả năng bơm máu của tim giúp phân loại suy tim và đưa ra hướng điều trị chính xác.
- Nghiệm pháp gắng sức: Đo hoạt động của tim trong quá trình luyện tập thể chất. Đôi khi, nghiệm pháp gắng sức được thực hiện trong khi đeo mặt nạ để đo nồng độ nhận được oxy và thở ra CO2 của tim, phổi.
- Chụp CT: Là một kiểu chụp sử dụng bức xạ là tia X, thu các hình của một bộ phận nằm trong cơ thể người bệnh, ở các góc độ và vị trí khác nhau, từ đó dùng máy tính dựng thành một ảnh 3D (ảnh ở không gian ba chiều) của bộ phận đó.
- Chụp MRI: Quá trình quét này tạo ra hình ảnh chi tiết về các cơ quan bằng cách sử từ trường mạnh và sóng vô tuyến thay vì tia X. Chụp MRI tim có thể được thực hiện bằng thuốc nhuộm (cản quang).
Vì chất cản quang có thể ảnh hưởng đến chức năng thận, nên khi chụp CT hay MRI cần thận trọng với những bệnh nhân có bệnh lý về thận.
- Chụp mạch vành. Bác sĩ sẽ đặt ống thông từ mạch đùi hoặc cánh tay và luồn vào động mạch vành, bơm thuốc vào mạch vành và chụp mạch.
- Sinh thiết cơ tim: Bác sĩ sẽ luồn một sợi dây nhỏ, mềm dẻo vào tĩnh mạch ở cổ hoặc bẹn, và lấy ra những mảnh cơ tim rất nhỏ để kiểm tra. Xét nghiệm này có thể được thực hiện để chẩn đoán một số loại bệnh cơ tim gây suy tim.
Kết quả của các xét nghiệm trên giúp bác sĩ xác định nguyên nhân của bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào và đưa ra kế hoạch điều trị cụ thể. Để xác định phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh suy tim, ta có thể phân loại suy tim như sau:
Hiệp hội Tim mạch New York (NYHA) phân loại suy tim thành bốn mức độ dựa trên triệu chứng:
- Suy tim độ 1. Người bệnh không gặp bất kỳ triệu chứng nào vào bất kỳ lúc nào.
- Suy tim độ 2. Người bệnh có thể thực hiện các hoạt động hàng ngày một cách dễ dàng, nhưng cảm thấy mệt mỏi khi gắng sức.
- Suy tim độ 3. Người bệnh gặp khó khăn trong hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
- Suy tim độ 4. Người bệnh cảm thấy khó thở ngay cả khi đang nghỉ ngơi, chỉ có thể làm được những việc nhẹ.
Phân loại của Hội tim mạch và Viện nghiên cứu tim mạch Hoa Kỳ (AHA/ ACC) gồm 4 giai đoạn. Các bác sĩ sử dụng hệ thống phân loại này để xác định các yếu tố nguy cơ và bắt đầu điều trị sớm, tích cực hơn để giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn suy tim:
- Giai đoạn A. Người bệnh có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ gây suy tim, nhưng không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào.
- Giai đoạn B. Người bệnh mắc bệnh tim, nhưng không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của bệnh suy tim.
- Giai đoạn C. Người bệnh mắc bệnh tim và đang có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của suy tim.
- Giai đoạn D. Người bệnh bị suy tim giai đoạn nặng cần được điều trị chuyên khoa như máy trợ tim, ghép tim nhân tạo…
Các bác sĩ thường sử dụng hai hệ thống phân loại này cùng nhau để xác định phương pháp điều trị hoặc phòng ngừa tốt nhất cho người bệnh.
Điều trị suy tim
Suy tim là một bệnh mãn tính cần được theo dõi suốt đời. Tuy nhiên, với việc điều trị, các dấu hiệu và triệu chứng của suy tim có thể cải thiện. Điều trị suy tim thường phải kết hợp thuốc, phẫu thuật và các thiết bị máy móc hỗ trợ.
Thuốc
Các bác sĩ thường điều trị suy tim bằng cách kết hợp nhiều loại thuốc. Tùy thuộc vào các triệu chứng, người bệnh có thể dùng một hoặc nhiều loại thuốc, bao gồm:
- Thuốc ức chế men chuyển (ACE):Loại thuốc này làm giãn mạch, giảm huyết áp và tăng lưu lượng máu, giúp tim bơm máu dễ dàng hơn.
- Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II: Những loại thuốc này tương tự như chất ức chế ACE, nhưng một số người có ít tác dụng phụ hơn từ loại thuốc này.
- Thuốc chẹn beta: Những loại thuốc này làm giảm huyết áp và làm chậm nhịp tim, giúp bình thường hóa nhịp tim.
- Thuốc lợi tiểu: Đây là loại thuốc thuốc có tác dụng làm tăng sự đào thải muối và nước ở thận, làm giảm lượng nước trong hệ thống tuần hoàn cũng như nước ở các khoảng gian bào.
- Thuốc đối kháng Aldosterone: Đây là một loại thuốc lợi tiểu có thể kéo dài tuổi thọ của những người bị suy tim nặng.
- Inotropes: Những loại thuốc này được tiêm qua đường tĩnh mạch cho những người bị suy tim nặng đang ở bệnh viện. Inotropes giúp tim bơm máu hiệu quả hơn và duy trì huyết áp.
- Digoxin (Lanoxin): Thuốc này tăng cường sức co bóp của tim và làm cho tim đập chậm hơn.
- Hydralazine và isosorbide dinitrate (BiDil): Sự kết hợp thuốc này giúp mạch máu giãn ra. Nó có thể được thêm vào kế hoạch điều trị nếu người bệnh có các triệu chứng suy tim nghiêm trọng và thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc chẹn beta không có tác dụng.
- Vericiguat (Verquvo): Loại thuốc này cho bệnh suy tim mãn tính được dùng mỗi ngày một lần bằng đường uống. Vericiguat là một thuốc dùng để giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch và suy tim.
- Các loại thuốc khác: Bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc khác để điều trị các triệu chứng cụ thể. Ví dụ, một số người có thể điều trị bằng nitrat để giảm đau ngực, statin để giảm cholesterol hoặc thuốc chống đông máu để giúp ngăn ngừa cục máu đông.
Bác sĩ có thể cần điều chỉnh liều lượng thường xuyên, đặc biệt là khi người bệnh vừa mới bắt đầu sử dụng thuốc mới hoặc khi tình trạng đang trở nên tồi tệ hơn.
Người bệnh nên nhập viện nếu có các triệu chứng suy tim bùng phát. Tại bệnh viện, người bệnh sẽ được điều trị bằng các loại thuốc bổ sung để giúp tim bơm máu tốt hơn và giảm các triệu chứng. Người bệnh có thể được thở oxy trong thời gian dài, nếu suy tim nặng.
Phẫu thuật hoặc các thủ thuật khác
Phẫu thuật cấy ghép thiết bị trợ tim có thể được khuyến nghị để điều trị các vấn đề cơ bản dẫn đến suy tim, bao gồm:
- Thay thế hoặc sửa van tim: Nếu tim suy yếu do van tim có vấn đề, có thể cần điều trị chính van tim của bệnh nhân hoặc cấy ghép một van tim nhân tạo.
- Phẫu thuật bắc cầu mạch vành: Trong phẫu thuật này, bác sĩ phẫu thuật sẽ lấy một mạch máu từ một bộ phận khác trên cơ thể người bệnh, giúp tạo ra đường đi mới để máu đi vòng qua vị trí động mạch bị tắc.
- Máy khử rung tim cấy ghép (ICD): Là một thiết bị y tế nhỏ có thể cấy vào cơ thể bệnh nhân với chức năng tái lập nhịp tim ổn định bình thường và ngăn chặn nguy cơ đột tử do rối loạn nhịp tim của buồng dưới của tim (tâm thất).
- Liệu pháp tái đồng bộ tim (CRT): Còn được gọi là tạo nhịp hai thất, CRT là một phương pháp điều trị suy tim ở những người có buồng tim dưới (tâm thất) không bơm máu đồng bộ với nhau. Một thiết bị được gọi là máy tạo nhịp tim hai tâm thất sẽ gửi tín hiệu điện đến tâm thất. Các tín hiệu kích hoạt tâm thất co bóp một cách phối hợp hơn, giúp cải thiện việc bơm máu. CRT có thể được sử dụng với ICD .
- Thiết bị hỗ trợ tâm thất (VADs): Một VAD - còn được gọi là một thiết bị hỗ trợ tuần hoàn khí - giúp máu bơm từ các buồng dưới của tim (tâm thất) tới phần còn lại của cơ thể. Mặc dù VAD có thể được đặt ở một hoặc cả hai tâm thất của tim, nhưng nó thường được cấy vào tâm thất trái.
Bác sĩ có thể đặt VAD nếu người bệnh đang chờ ghép tim. Đôi khi, VAD được sử dụng như một phương pháp điều trị vĩnh viễn cho những người bị suy tim nhưng không phải là lựa chọn tốt để cấy ghép tim.
- Ghép tim: Một số người bị suy tim nặng đến mức phẫu thuật hoặc dùng thuốc cũng không có tác dụng. Những người này có thể cần thay thế tim bệnh bằng một trái tim khỏe mạnh được người khác hiến tặng.
Ghép tim không phải là phương pháp điều trị phù hợp cho tất cả mọi người. Đội ngũ bác sĩ tại trung tâm cấy ghép sẽ đánh giá kỹ lưỡng để xác định liệu thủ tục có thể an toàn và mang lại lợi ích cho bệnh nhân hay không.
Chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc cuối đời
Bác sĩ có thể đề nghị chăm sóc giảm nhẹ trong kế hoạch điều trị của người bệnh. Chăm sóc giảm nhẹ là chăm sóc y tế chuyên biệt tập trung vào việc giảm bớt các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Bất kỳ ai mắc bệnh nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng đều có thể được hưởng lợi từ chăm sóc giảm nhẹ như: điều trị các triệu chứng của bệnh (đau hoặc khó thở) hay giảm bớt các tác dụng phụ của điều trị (mệt mỏi hoặc buồn nôn).
Tình trạng suy tim có thể trở nên trầm trọng hơn đến mức thuốc không còn tác dụng và cấy ghép tim hoặc các thiết bị hỗ trợ không khả thi. Người bệnh có thể cần dịch vụ chăm sóc cuối đời. Việc chăm sóc này cho phép gia đình và bạn bè - với sự hỗ trợ của nhân viên y tế và tình nguyện viên - chăm sóc và an ủi người bệnh tại nhà hoặc trong khu nội trú của bệnh viện.
Thay đổi lối sống
Thay đổi lối sống thường xuyên có thể giúp làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh suy tim và ngăn bệnh tiến triển nặng hơn như:
- Bỏ thuốc lá: Hút thuốc làm hư hại mạch máu, tăng huyết áp, giảm lượng oxy trong máu và làm tim đập nhanh hơn.
- Kiểm tra chân, mắt cá chân và bàn chân xem có bị sưng phù hàng ngày không: đi khám ngay nếu tình trạng sưng tấy trở nên tồi tệ hơn.
- Theo dõi cân nặng: Tăng cân có thể có nghĩa là cơ thể đang tích nước và cần thay đổi kế hoạch điều trị.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Bị béo phì hoặc thừa cân có thể không tốt cho tim. Bạn nên thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.
- Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh: Một chế độ ăn uống lành mạnh cho tim là nhiều rau, trái cây và ngũ cốc. Bạn cũng cần protein trong chế độ ăn uống của mình.
- Hạn chế muối: Quá nhiều muối (natri) có thể tích nước, khiến tim làm việc nhiều hơn, gây khó thở, phù chân và mắt cá chân. Hãy tham khảo thêm ý kiến bác sĩ về các thực phẩm chứa nhiều muối.
- Hạn chế chất béo: Ngoài việc tránh thức ăn mặn, hãy hạn chế lượng chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa trong chế độ ăn uống. Những chất béo có hại trong chế độ ăn uống này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
- Tiêm phòng: Hỏi ý kiến bác sĩ về việc tiêm phòng ngừa cúm, viêm phổi và COVID-19.
- Hạn chế rượu bia: không nên uống rượu nếu bị suy tim, vì nó có thể tương tác với thuốc, làm suy yếu cơ tim và tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim.
- Tập thể dục: Chỉ cần 1 giờ tập thể dục nhịp điệu vừa phải mỗi tuần có thể cải thiện sức khỏe tim mạch. Đi bộ, đi xe đạp và bơi lội là những hoạt động thể thao rất tốt cho tim. Nếu bạn chưa tập thể dục trong một thời gian, hãy bắt đầu chỉ với 15 phút mỗi ngày.
- Giảm căng thẳng: Khi bạn lo lắng hoặc buồn phiền, tim sẽ đập nhanh hơn, hơi thở nặng nhọc hơn và làm tăng huyết áp. Điều này có thể làm cho tình trạng suy tim trở nên tồi tệ hơn.
Tìm cách giảm căng thẳng trong cuộc sống như: nghỉ ngơi, giao lưu với bạn bè hay giành thời gian cho gia đình…
- Khi ngủ: Nếu bạn đang bị khó thở, đặc biệt là vào ban đêm, hãy kê cao đầu lên. Nếu bạn ngủ ngáy hoặc gặp các vấn đề về giấc ngủ khác, hãy yêu cầu bác sĩ kiểm tra chứng ngưng thở khi ngủ.
Hỗ trợ
Điều trị suy tim đúng cách đôi khi có thể cải thiện các triệu chứng và giúp người bệnh sống lâu hơn. Hãy chú ý đến tình trạng của mình và nói với bác sĩ khi bạn cảm thấy tốt hơn hoặc tồi tệ hơn. Bằng cách này, bác sĩ sẽ biết phương pháp điều trị nào phù hợp nhất cho bạn.
Các bước có thể giúp bạn kiểm soát suy tim:
- Theo dõi các loại thuốc đang sử dụng: Lập danh sách tất cả các loại thuốc bạn dùng, mang theo bên mình và báo lại với bác sĩ. Không nên tự ý ngưng sử dụng bất kì loại thuốc nào mà chưa có sự đồng ý của bác sĩ. Nếu tác dụng phụ của bất kỳ loại thuốc nào bạn dùng gây khó chịu hoặc đáng lo ngại, hãy thông báo lại với bác sĩ.
- Kiểm tra thuốc: Một số loại thuốc có sẵn mà không cần đơn, chẳng hạn như ibuprofen (Advil, Motrin IB), naproxen sodium (Aleve) và thuốc ăn kiêng, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy tim và dẫn đến tích trữ nước. Hãy thông báo cho bác sĩ tất cả các loại thuốc bạn đang sử dụng.
- Lưu ý với các thực phẩm chức năng: Một số thực phẩm chức năng có thể ảnh hưởng đến thuốc điều trị suy tim hoặc có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Hãy thông báo cho bác sĩ tất cả các loại thuốc bạn đang sử dụng.
- Sử dụng nhật ký để theo dõi cân nặng: Sự gia tăng trọng lượng có thể là một dấu hiệu của tình trạng tích trữ nước trong cơ thể.
- Theo dõi huyết áp: Cân nhắc mua máy đo huyết áp tại nhà. Ghi lại số huyết áp giữa các cuộc hẹn và báo lại với bác sĩ khi đến khám.
- Viết ra các câu hỏi:Trước cuộc hẹn khám, hãy chuẩn bị một danh sách các câu hỏi hoặc thắc mắc.
- Lưu lại thông tin liên hệ của bác sĩ điều trị: Giữ số điện thoại của bác sĩ, số điện thoại của bệnh viện và chỉ đường đến bệnh viện hoặc phòng khám.
Điều trị suy tim cần có sự trao đổi cởi mở giữa người bệnh và bác sĩ. Hãy thành thật với bác sĩ về việc bạn có đang tuân theo các khuyến nghị liên quan đến chế độ ăn uống, lối sống và việc dùng thuốc hay không.
Chuẩn bị cho cuộc thăm khám
Nếu suy tim được phát hiện sớm, việc điều trị có thể dễ dàng và hiệu quả hơn. Vì vậy, hãy đi khám khi cảm thấy bất kì dấu hiệu hay triệu chứng nào của bệnh suy tim. Dưới đây là một số thông tin giúp người bệnh sẵn sàng cho cuộc hẹn khám:
Người bệnh có thể làm gì
- Tại thời điểm hẹn khám, hãy nhớ hỏi trước một số vấn đề ví dụ, đối với một số xét nghiệm hình ảnh, bạn có thể cần nhịn ăn trước một khoảng thời gian.
- Viết ra bất kỳ triệu chứng nào bạn đang gặp phải, bao gồm bất kỳ triệu chứng nào có thể không liên quan đến suy tim.
- Viết ra thông tin cá nhân quan trọng, bao gồm tiền sử gia đình mắc bệnh tim, đột quỵ, huyết áp cao hoặc tiểu đường, và bất kỳ căng thẳng lớn nào hoặc những thay đổi trong cuộc sống gần đây. Tìm hiểu xem trong gia đình có ai bị suy tim hay không. Biết càng nhiều càng tốt về tiểu sử gia đình có thể rất quan trọng.
- Lập danh sách tất cả các loại thuốc bạn đang sử dụng bao gồm cả vitamin và thực phẩm chức năng.
- Đi cùng một thành viên gia đình hoặc bạn bè, nếu có thể. Đôi khi có thể khó nhớ tất cả thông tin đã cung cấp. Một người nào đó đi có thể nhớ điều gì đó mà bạn đã bỏ lỡ hoặc quên.
- Hãy chuẩn bị để thảo luận về chế độ ăn uống và thói quen tập thể dục. Nếu bạn chưa tuân theo một chế độ ăn kiêng hoặc thói quen tập thể dục, hãy sẵn sàng nói chuyện với bác sĩ về bất kỳ thách thức nào bạn có thể gặp phải khi bắt đầu.
- Viết ra các câu hỏi để hỏi bác sĩ.
Thời gian với bác sĩ là có hạn, liệt kê các câu hỏi từ quan trọng nhất đến ít quan trọng nhất trong trường hợp hết thời gian. Đối với bệnh suy tim, một số câu hỏi cơ bản cần hỏi bao gồm:
- Nguyên nhân có khả năng nhất gây ra các triệu chứng của tôi là gì?
- Có những nguyên nhân nào khác có thể gây ra các triệu chứng của tôi không?
- Tôi sẽ cần những loại xét nghiệm nào? Những xét nghiệm này có yêu cầu bất kỳ sự chuẩn bị đặc biệt nào không?
- Những phương pháp điều trị có sẵn là gì? Bác sĩ đề xuất phương pháp nào cho tôi?
- Tôi nên ăn hoặc tránh những thực phẩm nào?
- Mức độ hoạt động thể chất thích hợp là gì?
- Tôi nên khám sàng lọc những thay đổi trong tình trạng của mình bao lâu một lần?
- Tôi có các tình trạng sức khỏe khác. Làm thế nào tôi có thể quản lý tốt nhất các vấn đề này cùng nhau?
- Có thuốc thay thế chung cho loại thuốc bác sĩ đang kê đơn cho tôi không?
- Các thành viên trong gia đình tôi có cần được kiểm tra các tình trạng có thể gây suy tim không?
- Có bất kỳ tài liệu online hoặc giấy tờ nào khác mà tôi có thể tìm kiếm thông tin hay mang về nhà không?
Ngoài những câu hỏi mà bạn đã chuẩn bị để hỏi bác sĩ, đừng ngần ngại đặt câu hỏi trong cuộc hẹn bất cứ lúc nào mà bạn không hiểu.
Bác sĩ có thể làm gì
Bác sĩ có thể sẽ hỏi bạn một số câu hỏi như:
- Lần đầu tiên bạn nhận thấy các triệu chứng của mình là khi nào?
- Các triệu chứng có xảy ra mọi lúc, thỉnh thoảng?
- Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng là như thế nào?
- Điều gì có thể cải thiện các triệu chứng đó?
- Có điều gì làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn không?
Bạn có thể làm gì trong thời gian chờ đợi
Không bao giờ là quá sớm để thay đổi lối sống lành mạnh, chẳng hạn như bỏ hút thuốc, cắt giảm lượng muối và ăn các thực phẩm lành mạnh. Những thay đổi này có thể giúp ngăn ngừa suy tim khởi phát hoặc trở nên tồi tệ hơn.
Xem thêm: