Thuốc Ceftriaxone - Điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn - Hộp 1 lọ - Cách dùng

Thuốc ceftriaxone là kháng sinh được sử dụng điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Vậy thuốc Ceftriaxone được sử dụng như thế nào? Cần lưu ý gì? Hãy để 1900.edu.vn giúp bạn hiểu kĩ hơn về thuốc trong bài viết dưới đây.

Thành phần và cơ chế tác dụng thuốc Ceftriaxone

Thuốc có thành phần chính là Ceftriaxon

  • Ceftriaxone là một cephalosporin thế hệ 3 có hoạt phổ rộng, được sử dụng dưới dạng tiêm (Ceftriaxone natri).
  • Thuốc có tác dụng diệt khuẩn do khả năng ức chế sự tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. Thuốc gắn vào một hoặc nhiều protein gắn penicilin (PBP) là các protein tham gia vào thành phần cấu tạo màng tế bào vi khuẩn, do đó ức chế bước cuối cùng của quá trình sinh tổng hợp thành tế bào.
  • Giống như các cephalosporin thế hệ 3 (cefotaxim, ceftazidim...), nói chung Ceftriaxone có hoạt tính in vitro trên các chủng staphylococci kém hơn các cephalosporin thế hệ 1 nhưng có phổ tác dụng trên vi khuẩn Gram âm rộng hơn so với các cephalosporin thế hệ 1 và 2.

Dạng bào chế, hàm lượng và giá thuốc Ceftriaxone 

Thuốc được bào chế dưới dạng bột vô khuẩn để pha tiêm và dạng tiêm truyền tĩnh mạch

Ceftriaxone 1g:

  • Quy cách đóng gói: Hộp 10 lọ bột pha thuốc tiêm.
  • Giá thuốc Ceftriaxone 1g: 28.000 VNĐ/lọ.

Rocephin Ceftriaxone 250mg:

  • Quy cách đóng gói: hộp 1 lọ chứa 1g dược chất + 1 ống dung môi pha tiêm.
  • Giá Rocephin Ceftriaxone 250mg: 250.000 VNĐ/hộp.

Ceftriaxone 500mg:

  • Quy cách đóng gói: Hộp 1 lọ.
  • Giá Ceftriaxone 500mg: 365.000 VNĐ/hộp.

Chỉ định và chống chỉ định thuốc Ceftriaxone 

Chỉ định

Ceftriaxone được chỉ định điều trị viêm màng nãoCeftriaxone được chỉ định điều trị viêm màng não 

Chỉ nên dùng thuốc Ceftriaxone theo đúng chỉ định điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nặng.

 Các nhiễm khuẩn nặng do các vi khuẩn nhạy cảm với ceftriaxon bao gồm:

  • Bệnh hạ cam.
  • Viêm màng trong tim, viêm dạ dày – ruột, viêm màng não, viêm phổi.
  • Bệnh Lyme, nhiễm khuẩn đường tiết niệu (gồm cả viêm bể thận).
  • Lậu, giang mai.
  • Thương hàn.
  • Nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn xương và khớp.

 Dự phòng nhiễm khuẩn trong các phẫu thuật, nội soi can thiệp như phẫu thuật âm đạo hoặc ổ bụng.

 Điều trị theo kinh nghiệm sốt kèm giảm bạch cầu trung tính.

Chống chỉ định

Thuốc Ceftriaxone chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Mẫn cảm với cephalosporin, tiền sử có phản ứng phản vệ với Penicilin.
  • Với dạng thuốc tiêm bắp: Mẫn cảm với Lidocain; không dùng cho trẻ dưới 30 tháng tuổi. Có dung dịch kìm khuẩn chứa Benzyl Alcohol không được dùng cho trẻ sơ sinh. Liều cao (khoảng 100- 400 mg/kg/ngày) benzyl alcohol có thể gây độc ở trẻ sơ sinh.
  • Trẻ sơ sinh bị tăng bilirubin - huyết, đặc biệt ở trẻ đẻ non vì Ceftriaxone giải phóng Bilirubin từ albunin huyết thanh.
  • Dùng đồng thời với chế phẩm chứa calci ở trẻ em. Đặc biệt chú ý ở trẻ sơ sinh từ 1 đến 28 ngày tuổi, đang hoặc sẽ phải dùng dung dịch chứa calci đường tĩnh mạch, kể cả khi truyền tĩnh mạch liên tục dịch dinh dưỡng có chứa calci.

Cách dùng và liều lượng thuốc Ceftriaxone 

Cách dùng

Cách pha thuốc cần được hướng dẫn của nhân viên y tế. Bạn có thể được hướng dẫn cách sử dụng tại nhà. Đừng tự sử dụng nếu bạn không hiểu cách pha và bảo quản thuốc, cách sử dụng thuốc tiêm, cách bỏ kim tiêm và các vật dụng khác đúng cách.

  • Tiêm tĩnh mạch: nên tiêm tĩnh mạch trong 2-4 phút.
  • Truyền nhỏ giọt tĩnh mạch: nên truyền trong ít nhất 30 phút.
  • Tiêm bắp: tiêm trong cơ bắp lớn của cơ thể. Không nên tiêm quá 1g thuốc tại một vị trí.

Không trộn ceftriaxone trong cùng một mũi tiêm với kháng sinh khác hoặc với bất kỳ chất pha loãng nào chứa canxi. Chỉ sử dụng chất pha loãng mà bác sĩ đã khuyến nghị. Nếu bạn sử dụng các loại thuốc tiêm khác, đảm bảo rửa sạch ống thông tĩnh mạch giữa các lần tiêm thuốc.

Sử dụng thuốc theo thời gian quy định. Các triệu chứng có thể cải thiện trước khi nhiễm trùng hết hoàn toàn. Quên liều cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Rocephin không điều trị nhiễm vi-rút như cảm lạnh thông thường hoặc cúm.

Liều dùng

Bạn không nên tự ý sử dụng thuốc. Thuốc này phải được dùng theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Liều dưới đây chỉ là liều để tham khảo:

Liều chuẩn cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Liều thông thường là 1-2g Rocephin dùng một lần mỗi ngày (mỗi 24 giờ). Trong trường hợp nặng hoặc trong nhiễm trùng do vi khuẩn nhạy cảm mức trung bình với thuốc, có thể tăng liều lên 4g, dùng một lần trong ngày.

Thời gian điều trị: Thời gian điều trị thay đổi tùy theo diễn biến bệnh. Cũng như các kháng sinh khác, nên tiếp tục dùng Rocephin thêm ít nhất 48-72 giờ sau khi người bệnh hết sốt hoặc có bằng chứng đã diệt hết vi khuẩn.

Điều trị phối hợp: có thể cân nhắc phối hợp thuốc Rocephin và các aminoglycosides trong các nhiễm trùng nặng đe dọa tính mạng do các vi khuẩn gram âm như Pseudomonas aeruginosa. Tuy nhiên, do sự bất tương hợp về lý tính, các thuốc phải được dùng riêng rẽ theo liều khuyến cáo.

Tác dụng phụ thuốc Ceftriaxone 

Thường gặp

Tiêu chảy, phản ứng da, ngứa, nổi ban

Cần thông báo với bác sỹ nếu thấy dấu hiệu tiêu chảy khi sử dụng thuốcCần thông báo với bác sỹ nếu thấy dấu hiệu tiêu chảy khi sử dụng thuốc

Ít gặp

Sốt, viêm tĩnh mạch, phù, tăng bạch cầu ưa eosin, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, nổi mày đay.

Hiếm gặp

Đau đầu, chóng mặt, phản vệ, thiếu máu, mất bạch cầu hạt, rối loạn đông máu, viêm đại tràng có màng giả, ban đỏ đa dạng, tiểu ra máu, tăng creatinin huyết thanh. Tăng nhất thời các enzym gan trong khi điều trị bằng Ceftriaxone.

Điều trị với các thuốc kháng sinh thường ảnh hưởng đến hệ vi khuẩn đường ruột và gây tăng phát triển các nấm, men hoặc những vi khuẩn khác.

Không xác định tần suất

Nhiễm nấm sinh dục.

Lưu ý thuốc Ceftriaxone 

  • Trước khi bắt đầu điều trị bằng Ceftriaxone, phải điều tra kỹ về tiền sử dị ứng của người bệnh với cephalosporin, penicilin hoặc thuốc khác.
  • Có nguy cơ dị ứng chéo ở những người bệnh dị ứng với penicilin.
  • Với người bệnh bị suy giảm đáng kể cả chức năng thận và gan, liều Ceftriaxone không nên vượt quá 2 g/ngày nếu không theo dõi được chặt chẽ nồng độ thuốc trong huyết tương.
  • Thận trọng khi điều trị kéo dài quá 14 ngày; khi mất nước do nguy cơ Ceftriaxone kết tủa trong túi mật.
  • Phải tìm nguyên nhân thiếu máu trong khi điều trị bằng cephalosporin (kể cả Ceftriaxone) vì các cephalosporin có tiềm năng gây thiếu máu huyết tán nặng gây tử vong qua trung gian cơ chế miễn dịch.
  • Có thể xuất hiện các triệu chứng của sỏi niệu, tắc nghẽn niệu quản và suy thận cấp sau thận, nhiều nhất ở bệnh nhi.
  • Ngừng Ceftriaxone nếu xảy ra co giật; thực hiện liệu pháp chống co giật nếu có chỉ định lâm sàng.
  • Bệnh nhân bị tiêu chảy trong hoặc sau khi dùng Ceftriaxone. Nên cân nhắc việc ngừng điều trị bằng Ceftriaxone và sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu cho Clostridium difficile.
  • Ở những bệnh nhân được điều trị bằng Ceftriaxone, xét nghiệm Coombs có thể dẫn đến kết quả dương tính giả.

Phụ nữ có thai

Kinh nghiệm lâm sàng trong điều trị cho người mang thai còn hạn chế. Số liệu nghiên cứu trên súc vật chưa thấy độc với bào thai. Tuy vậy, chỉ nên dùng thuốc cho người mang thai khi thật cần thiết.

Phụ nữ cho con bú

Thuốc bài tiết qua sữa ở nồng độ thấp, cần thận trọng khi dùng thuốc cho người đang cho con bú.

Lái xe và vận hành máy móc

Trong quá trình điều trị bằng Ceftriaxone, các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra (ví dụ như chóng mặt), có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe và sử dụng máy móc. Bệnh nhân nên thận trọng khi lái xe hoặc vận hành máy móc.

Tương tác thuốc Ceftriaxone 

Thuốc

  • Cloramphenicol: Khi phối hợp với Ceftriaxone, in vitro có tính đối kháng.
  • Khả năng độc với thận của các Cephalosporin có thể bị tăng bởi Gentamicin, Colistin, Furosemid.
  • Probenecid không ảnh hưởng độ thanh thải qua thận của Ceftriaxone.
  • Tránh dùng đồng thời Ceftriaxone với các muối calci (tiêm truyền) và dung dịch tiêm Ringer lactat.
  • Ceftriaxone có thể làm tăng tác dụng của các thuốc đối kháng vitamin K.
  • Hiệu lực của Ceftriaxone có thể tăng khi dùng đồng thời với các tác nhân gây Acid Uric niệu.
  • Ceftriaxone có thể giảm tác dụng của vắc xin thương hàn.

Thức ăn và rượu bia

Thức ăn và rượu bia có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn và rượu bia. Bạn không nên uống rượu trong thời gian dùng thuốc

Tình trạng sức khỏe

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Bảo quản thuốc Ceftriaxone 

  • Bảo quản lọ thuốc ở nhiệt độ dưới 30oC. Giữ lọ thuốc trong hộp, nơi khô ráo, tránh ẩm và ánh nắng mặt trời trực tiếp.
  • Dung dịch thuốc sau pha giữ được đặc tính lý hóa trong 6 giờ ở nhiệt độ phòng (hoặc 24 giờ ở trong tủ lạnh từ 2-8°C). Nếu thuốc đã được đông lạnh, rã đông thuốc ở nhiệt độ phòng hoặc trong tủ lạnh. Không rã đông trong lò vi sóng hoặc nước sôi. Sử dụng thuốc càng sớm càng tốt sau khi rã đông và không đông lạnh lại.
  • Cất trữ sản phẩm cách xa tầm tay của trẻ em và vật nuôi.
  • Không dùng thuốc quá hạn sử dụng in trên hộp.

Làm gì khi dùng quá liều; quên liều?

Xử trí khi quá liều 

Trong trường hợp quá liều, không có thuốc giải độc đặc hiệu. Điều trị quá liều chỉ là điều trị triệu chứng.

Nếu xuất hiện bất kỳ tác dụng quá liều nào khi dùng thuốc, thông báo ngay cho bác sĩ, dược sĩ. Trong trường hợp có bất cứ phản ứng gì nghiêm trọng nghi do dùng quá liều, cần đến trung tâm y tế gần nhất để được hỗ trợ.

Xử trí khi quên liều 

Thuốc chỉ được sử dụng trong các cơ sở y tế và bởi nhân viên y tế, nên bệnh nhân ít hoặc không có khả năng quên liều.

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!