Bệnh thường biểu hiện triệu chứng ở những vùng ấm, ẩm của cơ thể, bao gồm:
- Niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang)
- Mắt
- Họng
- Âm đạo
- Hậu môn
- Cơ quan sinh sản (vòi trứng, cổ tử cung và tử cung)
Bệnh lậu lây truyền từ người sang người qua quan hệ tình dục đường miệng, hậu môn hoặc âm đạo mà không sử dụng bao cao su hoặc các biện pháp bảo vệ nào khác. Các biện pháp phòng tránh sự lây nhiễm lậu là hạn chế quan hệ tình dục và sử dụng bao cao su hoặc các biện pháp bảo vệ thích hợp.
Triệu chứng của bệnh lậu
Thời kì ủ bệnh trong khoảng từ 2 đến 14 ngày sau khi phơi nhiễm. Tuy nhiên, một số người mắc bệnh lậu lại không có triệu chứng hoặc triệu chứng kín đáo.
Điều quan trọng cần nhớ là người bệnh dù không có triệu chứng nhưng vẫn mang mầm bệnh và có thể dễ dàng lây nhiễm cho người khác.
Triệu chứng ở nam giới
Ở một số ít nam giới có thể không biểu hiện triệu chứng hoặc triệu chứng thường khó nhận biết. Còn thông thường, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện một tuần sau khi quan hệ. Triệu chứng đầu tiên dễ nhận thấy ở nam giới thường là cảm giác nóng rát hoặc đau khi đi tiểu.
Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng khác có thể gặp, bao gồm:
- Tiểu nhiều lần hoặc tiểu gấp
- Dịch tiết niệu đạo giống như mủ màu trắng, vàng, màu be hoặc xanh lục.
- Sưng hoặc đỏ ở đầu dương vật
- Sưng hoặc đau tinh hoàn
- Viêm họng dai dẳng
Trong một số hiếm các trường hợp, bệnh lậu có thể tiếp tục gây tổn thương cho cơ thể, đặc biệt là niệu đạo và tinh hoàn. Những biểu hiện này sẽ kéo dài một vài tuần sau khi điều trị.
Triệu chứng đau cũng có thể lan đến trực tràng.
Triệu chứng ở nữ giới
Biểu hiện bệnh thường không rõ ràng ở nhiều bệnh nhân nữ. Khi bệnh tiến triển, triệu chứng cũng có xu hướng nhẹ hơn hoặc tương tự với các bệnh lý khác, khiến việc chẩn đoán trở nên khó khăn hơn.
Các triệu chứng biểu hiện có thể giống như bệnh nấm âm đạo hoặc viêm âm đạo do vi khuẩn thông thường, bao gồm:
- Tiết dịch âm đạo (màu trong, màu kem hoặc hơi xanh)
- Đau hoặc cảm giác nóng bỏng khi đi tiểu
- Thường xuyên cảm thấy buồn tiểu
- Kinh nguyệt ra nhiều hơn
- Viêm họng
- Đau khi quan hệ tình dục
- Đau nhói ở bụng dưới
- Sốt
Xét nghiệm bệnh lậu
Có một số phương pháp xét nghiệm khác nhau để chẩn đoán bệnh lậu. Ở phương pháp thứ nhất, nhân viên y tế lấy dịch tiết từ tổn thương (dương vật, âm đạo, trực tràng hoặc cổ họng) bằng một que tăm bông và phết lên lam kính.
Nếu bác sĩ nghi ngờ viêm khớp hoặc nhiễm trùng huyết, họ sẽ thực hiện lấy máu hoặc hút dịch khớp để xét nghiệm
Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành nhuộm mẫu và quan sát dưới kính hiển vi. Nếu có hình ảnh vi khuẩn lậu thì có thể chẩn đoán được bệnh. Xét nghiệm này tương đối nhanh và dễ thực hiện, nhưng độ chính xác không phải tuyệt đối.
Phương pháp thứ hai với cách lấy mẫu bệnh phẩm giống như phương pháp thứ nhất, nhưng bệnh phẩm được đặt và nuôi cấy trong một đĩa đặc biệt chứa môi trường sinh trưởng lý tưởng với vi khuẩn lậu trong vòng vài ngày. Một quần thể vi khuẩn lậu sẽ phát triển nếu có bệnh lậu.
Tiến hành đọc kết quả trong vòng từ 24 giờ đến 3 ngày.
Biến chứng của bệnh lậu
Nữ giới mắc bệnh lậu có nguy cơ cao gặp các biến chứng kéo dài nếu không được điều trị. Vì vi khuẩn có khả năng xâm nhập vào cơ quan sinh sản như tử cung, vòi trứng và buồng trứng.
Tình trạng này được gọi là bệnh viêm vùng chậu (PID) và có thể gây đau nhiều, mạn tính cũng như tổn thương cơ quan sinh dục nữ. Tuy nhiên, PID cũng là hậu quả của các bệnh STI khác gây ra.
Ngoài ra, phụ nữ có thể bị tắc hoặc tạo sẹo ở vòi trứng dẫn đến vấn đề khó có thai trong tương lai hoặc gây ra chửa ngoài tử cung. Chửa ngoài tử cung là khi trứng đã thụ tinh làm tổ bên ngoài tử cung.
Bệnh lậu cũng có thể lây nhiễm sang trẻ trong khi sinh.
Nam giới có nguy cơ bị sẹo niệu đạo hoặc tạo thành áp xe bên trong dương vật dẫn đến giảm khả năng sinh sản hoặc vô sinh.
Khi vi khuẩn lậu vào máu, có thể xảy ra viêm khớp, tổn thương van tim, hoặc viêm màng não hoặc tủy sống. Đây là những biến chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng.
Điều trị bệnh lậu
Video Bị bệnh lậu, đường tiểu nóng rát nên điều trị như thế nào?
Các thuốc kháng sinh có khả năng chữa khỏi hầu hết các trường hợp mắc bệnh lậu.
Biện pháp điều trị tại nhà và sử dụng thuốc không kê đơn (OTC)
Không có bất kỳ biện pháp điều trị tại nhà hoặc sử dụng thuốc không kê đơn nào để điều trị khỏi bệnh lậu. Bất kỳ ai nghi ngờ bị mắc bệnh lậu từ bạn tình nên đi khám ở các cơ sở y tế.
Thuốc kháng sinh
Bệnh lậu thường được điều trị bằng cách tiêm một liều duy nhất kháng sinh ceftriaxone vào mông và uống azithromycin cũng một liều duy nhất. Sau khi dùng thuốc kháng sinh, bạn sẽ cảm thấy bệnh đỡ trong vòng vài ngày.
Sự xuất hiện của các chủng vi khuẩn lậu kháng kháng sinh là một thách thức lớn. Những trường hợp này có thể yêu cầu điều trị mạnh hơn, với liệu trình một loại kháng sinh uống trong 7 ngày hoặc liệu pháp kép với hai loại kháng sinh khác nhau, cũng thường trong 7 ngày.
Các thuốc kháng sinh được sử dụng điều trị kéo dài thường được dùng một hoặc hai lần một ngày. Một số loại kháng sinh phổ biến được sử dụng bao gồm azithromycin và doxycycline.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu để phát triển vắc-xin giúp ngăn ngừa lây truyền bệnh lậu.
Biện pháp phòng bệnh lậu
Cách an toàn nhất để phòng bệnh lậu hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác là hạn chế quan hệ tình dục và sử dụng bao cao su hoặc các phương pháp bảo vệ khác.
Điều quan trọng là phải trao đổi, chia sẻ với bạn tình, xét nghiệm thường xuyên cũng như tìm hiểu xem họ đã được xét nghiệm hay chưa.
Nếu bạn tình của bạn có bất kỳ triệu chứng nào, hãy tránh quan hệ tình dục. Yêu cầu họ đi khám tại các sở y tế.
Bạn có nguy cơ mắc bệnh lậu cao hơn nếu bạn đã mắc bệnh này hoặc bất kỳ bệnh lây truyền qua đường tình dục nào khác. Bạn cũng có nguy cơ cao hơn nếu có nhiều bạn tình hoặc bạn tình mới.
Phải làm gì nếu bạn bị bệnh lậu?
Nếu bạn nghi ngờ bạn bị mắc bệnh lậu, bạn nên tránh mọi hoạt động tình dục. Hãy liên lạc với bác sĩ ngay lập tức.
Hãy trao đổi với bác sĩ:
- Chi tiết các triệu chứng
- Tiền sử các mối quan hệ tình dục
- Cung cấp thông tin liên hệ bạn tình trước đây để các cơ sở y tế cộng đồng có thể liên hệ riêng với họ.
Thông báo cho bạn tình hiện tại để họ đi khám ngay lập tức.
Nếu bạn đang sử dụng thuốc kháng sinh thì điều quan trọng là phải dùng đủ liệu trình để đảm bảo bạn được điều trị khỏi hoàn toàn. Việc rút ngắn thời gian dùng thuốc kháng sinh có thể khiến vi khuẩn trở nên kháng thuốc.
Bạn cũng cần tái khám bác sĩ từ 1 đến 2 tuần sau điều trị để đảm bảo bệnh đã điều trị khỏi hoàn toàn
Nếu kết quả âm tính và bạn tình cũng không bị nhiễm bệnh, bạn có thể tiếp tục hoạt động tình dục.
Xem thêm: