Video Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh giang mai
Giang mai được biết đến là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (Sexually transmitted infection -STI) do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Nó lây nhiễm bằng cách xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc miệng hoặc vùng sinh dục.
Xét nghiệm sàng lọc không trực tiếp thấy vi khuẩn giang mai gây bệnh. Thay vào đó, nó đánh giá gián tiếp thông qua việc tìm thấy sự hiện diện của các kháng thể tạo ra bởi các kháng nguyên trên vi khuẩn gây bệnh. Kháng thể có bản chất là một loại protein được sản xuất bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn hoặc độc tố. Chính vì vậy, việc phát hiện ra có thể cho bác sĩ biết liệu bạn có bị bệnh giang mai hay không.
Kể cả khi không có các triệu chứng của bệnh giang mai tại thời điểm làm xét nghiệm thì kết quả vẫn phản ánh tương đối chính xác. Bởi vì nó chỉ ra bạn đã bị lây nhiễm vi khuẩn giang mai vào một thời điểm nào đó.
Khi nào bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm VDRL này?
Bác sĩ chỉ yêu cầu xét nghiệm nếu nghi ngờ có khả năng bạn mắc bệnh giang mai. Một vài các triệu chứng ban đầu có thể gợi ý bao gồm:
- Vết loét nhỏ, không đau
- Sưng hạch gần vết loét
- Phát ban trên da nhưng không ngứa
Tuy nhiên, trong một vài trường hợp khác, có thể sàng lọc bệnh giang mai ngay cả khi bạn không có biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Đặc biệt khi bạn đang mang thai. Đây là một quy trình được thực hiện thường quy.
Bên cạnh đó, nếu đang mắc một bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như bệnh lậu, nhiễm HIV hoặc nếu có nguy cao hoạt động tình dục không an toàn thì việc đồng nhiễm với giang mai là rất phổ biến. Vì vậy, việc sàng lọc là cần thiết. Xét nghiệm này cũng sẽ được làm nhằm theo dõi quá trình tiến triển cũng như khỏi bệnh trong khi điều trị bệnh giang mai.
Quy trình thực hiện xét nghiệm
Thông thường bạn sẽ được lấy máu để làm xét nghiệm, thường là máu tĩnh mạch ở gần nếp gấp khuỷu tay hoặc mu bàn tay sau đó sẽ gửi đến phòng thí nghiệm.
Thực hiện xét nghiệm trên không yêu cầu bạn phải nhịn ăn hoặc ngừng dùng bất kỳ loại thuốc nào. Nếu có điều gì cần lưu ý thêm, bác sỹ sẽ cho bạn biết trước khi xét nghiệm. Nếu bác sĩ nghi ngờ rằng bạn bị giang mai thần kinh (là một biến chứng của bệnh giang mai tác động đến hệ thống thần kinh với các biểu hiện lâm sàng khác nhau) thì việc bổ sung xét nghiệm dịch não tủy là rất quan trọng.
Cách đọc kết quả xét nghiệm.
Nếu xét nghiệm cho kết quả âm tính với kháng thể giang mai, điều đó cho thấy rằng khả năng cao là bạn không mắc bệnh giang mai.
Tương tự, nếu kết quả xét nghiệm cho kết quả dương tính với kháng thể giang mai, có khả năng cao (nhưng không chắc chắn 100%) là bạn mắc bệnh giang mai. Để khẳng định chắc chắn hơn, bác sĩ sẽ yêu cầu làm thêm một vài xét nghiệm. Xét nghiệm TPHA (Treponema Pallidum Hemagglutination Assay) thường được sử dụng để xác nhận kết quả dương tính. Nó giúp phát hiện các kháng thể trực tiếp phản ứng với xoắn khuẩn Treponema pallidum gây bệnh giang mai.
Kết quả dương tính giả và âm tính giả là gì?
Kiểm tra VDRL không phải lúc nào cũng chính xác hoàn toàn. Trong trường hợp nếu mắc bệnh giang mai dưới ba tháng, kết quả có thể âm tính giả vì cơ thể bạn chưa có đủ thời gian để tạo ra kháng thể. Xét nghiệm cũng không đáng tin cậy khi làm ở giai đoạn cuối của bệnh giang mai.
Ngược lại, những điều dưới đây có thể gây ra kết quả dương tính giả:
- HIV
- Bệnh hạch bạch huyết
- Bệnh sốt rét
- Một số thể bệnh của viêm phổi
- Lupus ban đỏ hệ thống
- Sử dụng thuốc đường tĩnh mạch
- Bệnh lao
Các kháng thể được tạo ra do nhiễm trùng giang mai có thể tồn tại lâu dài trong cơ thể ngay cả sau khi bệnh giang mai đã được điều trị khỏi. Điều này có nghĩa là bạn có thể có kết quả dương tính kéo dài sau nhiễm giang mai.
Những nguy cơ khi làm xét nghiệm
Nguy cơ của việc lấy một mẫu máu nhỏ để làm xét nghiệm là không đáng kể. Tuy nhiên, bạn có thể gặp một vài vấn đề nhẹ như đau nhẹ khi lấy máu, bầm tím nhẹ hoặc chảy máu sau đó. Hiếm khi bị viêm tĩnh mạch hoặc nhiễm trùng.
Kết luận
Bệnh giang mai có thể điều trị khỏi hoàn toàn, nhưng điều quan trọng là phải đến khám bác sĩ ngay khi nghĩ rằng mình có khả năng đã bị phơi nhiễm. Bởi vì, nếu không được điều trị kịp thời, nó có thể lây lan ra khắp cơ thể và gây ra các biến chứng không hồi phục đến các cơ quan quan trọng. Xét nghiệm sàng lọc có độ chính xác nhất định, tuy không đạt 100% nhưng đây là bước đầu đơn giản mà hiệu quả giúp định hướng xem liệu bạn có bị nhiễm bệnh hay không. Điều quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe cho bạn và người xung quanh bằng cách luôn nhớ các biện pháp quan hệ tình dục an toàn, và nếu nghi ngờ mình có khả năng đã phơi nhiễm với bệnh giang mai, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.