Thiếu máu là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa

Thiếu máu là tình trạng thiếu các tế bào hồng cầu khỏe mạnh để vận chuyển oxy đến các mô của cơ thể. Thiếu máu (còn được gọi là giảm nồng độ huyết sắc tố) có thể dẫn tớt mệt mỏi và suy nhược.

Có nhiều loại thiếu máu, mỗi loại đều có nguyên nhân riêng. Thiếu máu có thể xảy ra tạm thời hoặc mạn tính, có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng. Trong hầu hết các trường hợp, thiếu máu có nhiều hơn một nguyên nhân. Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn nghi ngờ mình bị thiếu máu. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo của một bệnh lý nghiêm trọng.

Video Bệnh thiếu máu (Anemia): nguyên nhân và chữa trị

Điều trị thiếu máu phụ thuộc vào từng nguyên nhân, từ điều trị nội khoa bằng thuốc đến điều trị ngoại khoa phẫu thuật. Bạn có thể dự phòng một số loại thiếu máu bằng chế độ ăn lành mạnh và đa dạng thực phẩm.

Phân loại thiếu máu theo nguyên nhân

  • Thiếu máu bất sản
  • Thiếu máu thiếu sắt
  • Thiếu máu hồng cầu hình liềm
  • Thiếu máu tan máu (bẩm sinh hoặc mắc phải)
  • Thiếu máu do thiếu vitamin

Triệu chứng của thiếu máu

Các triệu chứng của thiếu máu. Nguồn ảnh: Verywellhealth.comCác triệu chứng của thiếu máu. Nguồn ảnh: Verywellhealth.com

Các dấu hiệu và triệu chứng của thiếu máu sẽ khác nhau phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Một số nguyên nhân có thể gây thiếu máu mà không có triệu chứng.

Các dấu hiệu và triệu chứng của thiếu máu có thể là:

Ban đầu, thiếu máu có thể rất nhẹ nên chưa xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên, thiếu máu nặng sẽ gây ra các triệu chứng nghiêm trọng. 

Khi nào cần đi khám

Hãy đi khám nếu bạn cảm thấy mệt mỏi không rõ nguyên nhân.

Ngoài thiếu máu, tình trạng mệt mỏi có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra nên cần thăm khám để loại trừ các nguyên nhân này. Một số trường hợp tình cờ phát hiện nồng độ huyết sắc tố (hemoglobin – HGB) thấp khi đi hiến máu cũng nên đi khám. 

Nguyên nhân của thiếu máu

Nguyên nhân gây thiếu máu có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải. Thiếu máu xảy ra khi máu không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh, có thể do:

  • Rối loạn quá trình sản xuất hồng cầu
  • Chảy máu khiến mất hồng cầu nhiều hơn số lượng có thể sản xuất
  • Tăng quá trình phá hủy hồng cầu

Chức năng của hồng cầu

Cơ thể sản xuất 3 loại tế bào máu: bạch cầu có chức năng chống nhiễm trùng, tiểu cầu có vai trò trong quá trình đông máu, hồng cầu giúp đưa khí oxy từ phổi đi khắp cơ thể và khí carbon dioxit từ các cơ quan trở về phổi.

Hemoglobin (HGB) là một loại protein chứa nhiều sắt ở trong hồng cầu và làm hồng cầu có màu đỏ. HGB là yếu tố giúp hồng cầu có thể đem khí oxy từ phổi đến tất cả các bộ phận của cơ thể và đem khí carbon dioxit từ đó trở về phổi để trao đổi với môi trường bên ngoài.

Hầu hết các tế bào máu, bao gồm cả hồng cầu, thường được sản xuất tại tủy xương – mô xốp có trong nhiều xương dẹt. Để sản xuất HGB và hồng cầu, cơ thể cần sắt, vitamin B12, axit folic và các chất dinh dưỡng khác từ thực phẩm.

Nguyên nhân của thiếu máu

Các loại thiếu máu khác nhau có nguyên nhân khác nhau. Các nguyên nhân chủ yếu là:

  • Thiếu máu thiếu sắt. Đây là loại thiếu máu phổ biến nhất, gây ra bởi sự thiếu hụt sắt trong cơ thể. Tủy xương cần sắt để tổng hợp HGB. Cơ thể không thể sản xuất đủ HGB cho hồng cầu nếu thiếu sắt.

Thiếu máu thiếu sắt thường xảy ra ở phụ nữ có thai do không bổ sung sắt. Nó cũng có thể do mất máu như ra máu nhiều trong kỳ kinh; loét dạ dày hoặc ruột non; ung thư đại tràng; sử dụng kéo dài một số thuốc giảm đau không kê đơn, đặc biệt là aspirin, có thể gây viêm niêm mạc dạ dày, dẫn đến mất máu. Điều quan trọng là phải xác định nguyên nhân gây thiếu sắt để dự phòng thiếu máu tái phát.

  • Thiếu máu do thiếu vitamin. Bên cạnh sắt, cơ thể còn cần axit folic và vitamin B12 để sản xuất hồng cầu bình thường. Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng có thể gây giảm sản xuất hồng cầu. Một số trường hợp dù bổ sung đủ lượng vitamin B12 nhưng không có khả năng hấp thu vitamin. Tình trạng này có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu vitamin, còn được gọi là thiếu máu ác tính (thiếu máu hồng cầu khổng lồ).
  • Thiếu máu do viêm nhiễm. Một số bệnh lý như ung thư, nhiễm HIV/AIDS, viêm khớp dạng thấp, bệnh thận, bệnh Crohn và các bệnh viêm cấp tính hoặc mạn tính khác có thể cản trở việc sản xuất hồng cầu.
  • Thiếu máu bất sản. Thiếu máu bất sản là loại thiếu máu nguy hiểm, đe dọa tính mạng, xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ tế bào hồng cầu. Nguyên nhân gây thiếu máu bất sản bao gồm nhiễm trùng, một số loại thuốc, bệnh tự miễn và tiếp xúc với hóa chất độc hại.
  • Thiếu máu do các bệnh lý của tủy xương. Các bệnh lý như bệnh bạch cầu cấp (Lơ-xê-mi cấp, một bệnh ung thư máu) và bệnh xơ tủy nguyên phát có thể gây thiếu máu do ảnh hưởng đến quá trình sản xuất máu tại tủy xương. Mức độ ảnh hưởng của các loại ung thư máu và các rối loạn giống ung thư này có thể thay đổi từ nhẹ đến đe dọa tính mạng.
  • Thiếu máu tan máu. Loại thiếu máu này gây ra bởi quá trình phá hủy hồng cầu nhanh hơn khả năng sản xuất hồng cầu của tủy xương. Một số bệnh về máu làm tăng phá hủy hồng cầu. Thiếu máu tan máu có thể do bẩm sinh (Thalassemia) hoặc mắc phải (nhiễm trùng, tự miễn, ...)
  • Thiếu máu hồng cầu hình liềm. Đây là bệnh lý di truyền và đôi khi gây thiếu máu tan máu nặng. Nguyên nhân là do đột biến gen sản xuất HGB khiến hồng cầu có hình dạng bất thường (hình liềm). Những tế bào hồng cầu hình liềm có đời sống ngắn hơn bình thường, dẫn đến tình trạng thiếu máu mạn tính. 

Các yếu tố nguy cơ của tình trạng thiếu máu

Những yếu tố dưới đây làm tăng nguy cơ thiếu máu:

  • Chế độ ăn thiếu một số vitamin và khoáng chất nhất định. Chế độ ăn thiếu sắt, vitamin B12, axit folic và đồng kéo dài làm tăng nguy cơ thiếu máu.
  • Rối loạn tiêu hóa. Rối loạn tiêu hóa ảnh hưởng đến khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng của ruột non như trong bệnh Crohn và bệnh Celiac (Không dung nạp với gluten), làm tăng nguy cơ thiếu máu.
  • Kinh nguyệt. Nhìn chung, phụ nữ còn kinh nguyệt có nguy cơ thiếu máu thiếu sắt nhiều hơn so với đàn ông và phụ nữ đã mãn kinh. Kinh nguyệt gây mất các tế bào hồng cầu.
  • Phụ nữ có thai. Phụ nữ có thai không bổ sung vitamin tổng hợp có axit folic và sắt sẽ có nguy cơ thiếu máu cao hơn.
  • Mắc bệnh mạn tính. Bệnh ung thư, suy thận hoặc các bệnh mạn tính khác làm tăng nguy cơ thiếu máu. Những bệnh lý này có thể dẫn đến sự thiếu hụt các tế bào hồng cầu.

Tình trạng mất máu chậm, mạn tính do có ổ loét hoặc từ các nguồn khác có thể làm cạn kiệt sắt dự trữ của cơ thể, dẫn đến thiếu máu thiếu sắt.

  • Tiền sử gia đình. Nếu gia đình có tiền sử thiếu máu do di truyền như thiếu máu hồng cầu hình liềm thì cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Những yếu tố khác. Tiền sử nhiễm trùng, các bệnh về máu và bệnh tự miễn làm tăng nguy cơ thiếu máu. Nghiện rượu, tiếp xúc với hóa chất độc hại và sử dụng một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hồng cầu, dẫn đến tình trạng thiếu máu.
  • Tuổi tác. Những người trên 65 tuổi có nguy cơ bị thiếu máu. 

Các biến chứng của thiếu máu

Nếu không được điều trị, thiếu máu có thể gây ra nhiều biến chứng như:

  • Suy nhược. Thiếu máu nặng có thể khiến bạn mệt mỏi đến mức không thể tự sinh hoạt hàng ngày.
  • Biến chứng thai kỳ. Phụ nữ có thai bị thiếu máu do thiếu axit folic có thể bị sinh non.
  • Các bệnh lý tim mạch. Thiếu máu có thể làm tim đập nhanh hoặc rối loạn nhịp tim. Khi bị thiếu máu, tim sẽ tăng co bóp để bù đắp lượng oxy thiếu trong máu. Điều này có thể dẫn đến chứng tim to hoặc suy tim.
  • Tử vong. Một số bệnh thiếu máu do di truyền như thiếu máu hồng cầu hình liềm có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng. Tình trạng phá hủy hồng cầu ồ ạt dẫn đến thiếu máu cấp tính nghiêm trọng và có thể gây tử vong. Ở những người cao tuổi, thiếu máu cũng làm tăng nguy cơ tử vong. 

Phòng ngừa tình trạng thiếu máu

Chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng giúp phòng ngừa tình trạng thiếu máu thiếu sắt và thiếu máu do thiếu vitamin. Nguồn ảnh: Webmd.comCó nhiều loại thiếu máu không thể ngăn ngừa được nhưng bạn có thể dự phòng thiếu máu thiếu sắt và thiếu máu do thiếu vitamin bằng một chế độ ăn đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất dưới đây:

  • Sắt. Thực phẩm chứa nhiều sắt gồm thịt bò và các loại thịt khác, đậu, đậu lăng, ngũ cốc bổ sung sắt, rau màu xanh đậm và hoa quả sấy.
  • Axit folic. Chất dinh dưỡng này có thể tìm thấy trong hoa quả, nước ép hoa quả, rau màu xanh đậm, đậu xanh, đậu đỏ, đậu phộng và các sản phẩm ngũ cốc giàu dinh dưỡng như bánh mì, ngũ cốc, mì ống và gạo.
  • Vitamin B12. Vitamin B12 có nhiều trong thịt, các sản phẩm từ sữa, ngũ cốc và các sản phẩm từ đậu nành.
  • Vitamin C. Một số thực phẩm giàu vitamin C là hoa quả họ cam quýt và nước ép của chúng, hạt tiêu, súp lơ xanh, cà chua, dưa hấu và dâu tây. Những loại thực phẩm này cũng làm tăng khả năng hấp thu sắt.

Bạn có thể nhờ bác sĩ tư vấn về các loại vitamin tổng hợp để bổ sung đủ lượng vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. 

Chẩn đoán thiếu máu

Để chẩn đoán tình trạng thiếu máu, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh và tiền sử gia đình của bạn, đồng thời thăm khám kết hợp chỉ định các xét nghiệm sau:

  • Công thức máu toàn phần (Complete blood count – CBC). CBC được sử dụng để đánh giá số lượng tế bào máu trên một đơn vị thể tích. Đối với tình trạng thiếu máu, bác sĩ sẽ chú ý đến tỉ lệ thể tích hồng cầu trên thể tích máu toàn phần (hematocrit – HCT) và nồng độ HGB trong máu.

Giá trị HCT ở người trưởng thành bình thường sẽ khác nhau giữa các phương pháp đo nhưng nói chung HCT thường trong khoảng từ 40 – 50% đối với nam giới và 35 – 43% đối với nữ giới. Giá trị HGB ở người trưởng thành bình thường trong khoảng từ 13,6 – 16,9 g/dL đối với nam giới và 11,0 – 14,8 g/dL đối với nữ giới.

Những chỉ số này có thể thấp hơn ở những người hoạt động thể chất cường độ cao, phụ nữ có thai hoặc người cao tuổi. Hút thuốc lá và sống ở vùng cao có thể làm tăng số lượng hồng cầu.

  • Xét nghiệm đánh giá kích thước và hình dạng của hồng cầu. Bác sĩ sẽ phết một ít máu lên tiêu bản và soi dưới kính hiển vi để kiểm tra kích thước, hình dạng và màu sắc bất thường của hồng cầu.

Các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán

Nếu bạn bị thiếu máu, bác sĩ có thể yêu cầu thêm các xét nghiệm khác để xác định nguyên nhân. Đôi khi, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm tủy đồ để chẩn đoán nguyên nhân thiếu máu. 

Điều trị thiếu máu

Truyền máu là một biện pháp điều trị thiếu máu ở bệnh nhân Thalassemia. Nguồn ảnh: Nih.govĐiều trị thiếu máu phụ thuộc vào nguyên nhân của nó.

  • Thiếu máu thiếu sắt. Điều trị loại thiếu máu này bao gồm bổ sung sắt và thay đổi chế độ ăn. Một số trường hợp phải truyền sắt qua đường tĩnh mạch.

Nếu nguyên nhân thiếu sắt là do mất máu (trừ do kinh nguyệt) thì phải xác định được nguồn chảy máu và cầm máu, đôi khi cần phải phẫu thuật.

  • Thiếu máu do thiếu vitamin. Điều trị thiếu axit folic và vitamin C bằng cách sử dụng thực phẩm chức năng và tăng cường các chất dinh dưỡng này trong chế độ ăn hàng ngày.

Nếu hệ tiêu hóa khó hấp thu vitamin B12 từ chế độ ăn, bạn có thể phải sử dụng bằng đường tiêm. Khởi đầu, bạn sẽ cần tiêm cách ngày. Sau đó, bạn chỉ cần tiêm 1 lần/tháng nhưng có thể phải tiêm suốt đời. Điều này phụ thuộc vào tình trạng bệnh.

  • Thiếu máu do bệnh mạn tính. Không có phương pháp điều trị cụ thể cho loại thiếu máu này. Bác sĩ sẽ tập trung điều trị bệnh lý nền. Nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định truyền máu hoặc tiêm một loại hormone tổng hợp do thận sản xuất (erythropoietin) để giúp kích thích sản xuất hồng cầu và giảm tình trạng mệt mỏi.
  • Thiếu máu bất sản. Điều trị loại thiếu máu này bằng cách truyền máu để tăng lượng hồng cầu. Bạn cũng có thể được cấy ghép tủy xương nếu tủy xương không thể sản xuất các tế bào máu khỏe mạnh.
  • Thiếu máu do các bệnh lý của tủy xương. Phương pháp điều trị có thể bao gồm sử dụng thuốc, hóa trị liệu hoặc cấy ghép tủy xương.
  • Thiếu máu tan máu mắc phải. Để kiểm soát thiếu máu tan máu, bạn không nên tự ý dùng thuốc không rõ tác dụng, nên điều trị nhiễm trùng và dùng thuốc ức chế miễn dịch để ngăn chặn các tế bào hồng cầu bị phá hủy. Thiếu máu tan máu nặng thường phải điều trị kéo dài.
  • Thiếu máu hồng cầu hình liềm. Các biện pháp điều trị có thể là thở oxy, sử dụng thuốc đường uống hoặc đường tiêm để giảm đau và ngăn ngừa biến chứng. Bác sĩ cũng có thể chỉ định truyền máu, bổ sung axit folic và thuốc kháng sinh. Một loại thuốc điều trị ung thư là hydroxyurea (Droxia, Hydrea, Siklos) cũng được sử dụng để điều trị bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm.
  • Thiếu máu tan máu bẩm sinh (Thalassemia). Hầu hết các loại thalassemia đều nhẹ và không cần điều trị. Các loại thalassemia nặng thường phải truyền máu, bổ sung axit folic, dùng thuốc, phẫu thuật cắt lách hoặc cấy ghép tủy xương (cấy ghép tế bào gốc tạo máu). 

Chuẩn bị trước khi đi khám

Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn bị mệt mỏi kéo dài hoặc có các dấu hiệu, triệu chứng khiến bạn lo lắng. Bạn có thể đi khám chuyên khoa huyết học, chuyên khoa tim mạch hoặc chuyên khoa tiêu hóa.

Dưới đây là một số thông tin giúp bạn chuẩn bị cho cuộc hẹn của mình.

Những việc bạn có thể làm

Trước khi đi khám, hãy lập danh sách:

  • Các triệu chứng và thời gian bắt đầu xuất hiện
  • Thông tin cá nhân bao gồm các vấn đề gây căng thẳng, các can thiệp cấy ghép trước đó, tiếp xúc với hóa chất độc hại và những thay đổi trong cuộc sống gần đây
  • Tất cả các loại thuốc, vitamin và thực phẩm chức năng mà bạn đang dùng kèm liều lượng
  • Các thắc mắc cần bác sĩ giải đáp

Đối với tình trạng thiếu máu, một số câu hỏi cơ bản có thể hỏi bác sĩ như:

  • Nguyên nhân nào có thể gây ra các triệu chứng của tôi?
  • Còn nguyên nhân nào khác có thể gây ra thiếu máu không?
  • Tôi sẽ cần phải làm những xét nghiệm nào?
  • Tình trạng thiếu máu của tôi có thể khỏi hoàn toàn hay sẽ tiến triển thành mạn tính?
  • Có những phương pháp điều trị nào? Phương pháp nào phù hợp với tôi?
  • Những tác dụng phụ nào có thể xảy ra trong quá trình điều trị?
  • Tôi có những bệnh lý kèm theo khác. Làm thế nào để có thể kết hợp kiểm soát các bệnh này tốt nhất?
  • Có thực phẩm nào mà tôi cần hạn chế ăn không?
  • Tôi cần bổ sung thực phẩm nào vào chế độ ăn của mình? Bổ sung bao nhiêu là đủ?
  • Tôi có thể đọc tài liệu về thiếu máu ở đâu?

Các câu hỏi của bác sĩ

Bác sĩ có thể sẽ hỏi bạn một số câu hỏi như:

  • Các triệu chứng của bạn xuất hiện ngắt quãng hay liên tục?
  • Các triệu chứng của bạn nghiêm trọng đến mức nào?
  • Có biện pháp nào giúp cải thiện các triệu chứng của bạn không?
  • Có điều gì làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bạn không?
  • Bạn có ăn chay không?
  • Bạn thường ăn bao nhiêu hoa quả và rau củ một ngày?
  • Bạn có uống rượu bia không? Nếu có, bao lâu bạn uống 1 lần và mỗi lần uống bao nhiêu?
  • Bạn có nghiện thuốc lá không?
  • Gần đây bạn có hiến máu không?

Xem thêm: 

Câu hỏi liên quan

Mẹ bầu cần bao nhiêu sắt mỗi ngày? Thông thường trước khi mang thai một người người phụ nữ cần tối thiểu 15mg/ngày. Đến khi có thai, cơ thể sẽ cần một lượng sắt gấp đôi tức là khoảng 30mg/ngày. Trong trường hợp không cung cấp đủ, bà bầu sẽ mắc chứng thiếu máu, ảnh hưởng tới sức khỏe của cả thai nhi. Theo như Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo, phụ nữ lần đầu tiên phát hiện có thai nên sử dụng viên sắt mỗi ngày, uống kéo dài tới sau khi sinh một tháng. Liều bổ sung là 60mg sắt kèm theo acid folic 400mcg mỗi ngày. Ngoài ra cũng nên sử dụng các thực phẩm có tăng cường sắt, acid folic cho phụ nữ mang thai.
Xem thêm
Thực đơn dành cho người thiếu máu trong 7 ngày nên thêm những thực phẩm giàu chất sắt để hỗ trợ điều trị thiếu máu hiệu quả. Các nguồn cung cấp chất sắt dồi dào nhất gồm thịt đỏ, cá, thịt gia cầm, trứng, các loại đậu, rau xanh, ngũ cốc ăn sáng, rau bina… thực đơn 7 ngày cho người thiếu máu NGÀY 1 Bữa sáng: 2 lát bánh mì nguyên hạt, 1 cốc sữa và 1 quả chuối, 5-6 hạt hạnh nhân hoặc hạt điều Ăn nhẹ 1: 1 quả ổi, 1 quả táo Bữa trưa: Rau xanh, cá Ăn nhẹ 2: 1 tách trà xanh với bánh quy kem Bữa tối: Thịt gà, hoặc thịt bò với khoai lang và bông cải xanh NGÀY 2 Bữa sáng: Bột yến mạch, trái cây khô Ăn nhẹ 1: 1 quả chuối Bữa trưa: Đậu lăng, khoai tây, rau sống và gà nướng Ăn nhẹ 2: 1 tách trà xanh với gạo rang Bữa tối: Thịt lợn nướng, rau bina và đậu ngày 2 thiếu máu nên ăn gì NGÀY 3 Bữa sáng: Trứng cuộn với rau bina và cà chua Ăn nhẹ 1: Bánh mì nướng ngũ cốc nguyên hạt với bơ Bữa trưa: Rau lá xanh, thịt bò và súp lơ Ăn nhẹ 2: 1 quả chuối, hạt điều Bữa tối: Gà hoặc bò sốt cà chua và mì ống NGÀY 4 Bữa sáng: 1 cốc sữa với mật ong, 1 quả kiwi, rau bina Ăn nhẹ 1: 1 quả ổi, 1 quả cam Bữa trưa: Khoai tây luộc, bông cải xanh luộc, và cá hun khói Ăn nhẹ 2: 1 tách trà xanh với 2 bánh quy kem Bữa tối: Tôm xào với ớt đỏ, súp lơ, cơm thực đơn 7 ngày cho người thiếu máu NGÀY 5 Bữa sáng: 1 bát yến mạch với sữa và mật ong, 1 quả trứng luộc Ăn nhẹ 1: 1 quả táo Bữa trưa: Rau xanh, thịt gà rang Ăn nhẹ 2: Trái cây sấy khô, và bỏng ngô Bữa tối: Salad rau, thịt lợn luộc NGÀY 6 Bữa sáng: Bánh mì phết mứt trái cây Ăn nhẹ 1: Cam và trái cây khô Bữa trưa: Bánh hamburger nhân thịt bò nạc với rau, khoai lang nướng Ăn nhẹ 2: Tách trà xanh, bánh quy kem Bữa tối: Cá hấp, đậu lăng, khoai tây và cà ri đùi nên ăn những món từ cá NGÀY 7 Bữa sáng: 1 cốc sữa với mật ong, trái cây khô, 3 lát bánh mì nướng ngũ cốc nguyên hạt Ăn nhẹ 1: 1 quả táo, 1 quả chuối Bữa trưa: Thịt gà/ gà tây, bông cải xanh và khoai lang Ăn nhẹ 2: Trái cây khô Bữa tối: Salad rau trộn, gà hoặc bò sốt cà chua, mì ống Nhìn chung, bạn cũng có thể tự tạo nên thực đơn 7 ngày cho người thiếu máu dựa trên những thực phẩm giàu sắt nên ăn. So với dùng thuốc hay thực phẩm chức năng, việc áp dụng phương pháp tự nhiên để thoát khỏi tình trạng thiếu máu luôn được mọi người ưu tiên hơn. Thiếu máu sẽ khiến cơ thể thiếu một lượng oxy cần thiết để hoạt động bình thường. Vì vậy, nếu đang bị thiếu máu, hãy cố gắng bổ sung đầy đủ chất như gợi ý trong thực đơn cho người bị thiếu máu.
Xem thêm
Sữa từ các loại đậu; Các loại sữa từ ngũ cốc; Sữa từ các loại quả; ...
Xem thêm
Thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc là một dạng bệnh thiếu máu. Nó xảy ra khi tế bào hồng cầu bị nhỏ và có huyết sắc tố thấp (hay còn gọi là nhược sắc).
Xem thêm
Các nguyên nhân gây bệnh có thể được phân loại dựa trên số lượng hemoglobin có trong hồng cầu. Thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc Trẻ bị thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc có nguy hiểm không? | Vinmec Thiếu máu nhược sắc hồng cầu nhỏ là gì? Các dạng của bệnh thiếu máu nhược sắc hồng cầu nhỏ. Bệnh xảy ra do nồng độ hemoglobin trong các tế bào hồng cầu xuống thấp, khiến hồng cầu có màu nhạt hơn. Khi mắc tình trạng thiếu máu này, lượng hồng cầu trong cơ thể sẽ thấp hơn, lại vừa nhỏ hơn và nhạt hơn bình thường. Hội chứng thiếu máu nhược sắc hồng cầu nhỏ có thể gặp ở nhiều độ tuổi, giới tính khác nhau. Tuy nhiên đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh nở và trẻ em thường chiếm tỷ lệ cao hơn. Các dạng thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc: Thiếu máu do thiếu sắt phổ biến như thế nào? | Vinmec Thiếu máu thiếu sắt: Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh là do thiếu chất sắt trong cơ thể. Lý do thiếu sắt thường thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi và giới tính của một người. Thiếu máu thiếu sắt có thể xảy ra do các nguyên nhân sau: Phụ nữ mang thai thiếu máu do nhu cầu sắt ở phụ nữ mang thai tăng cao. Thiếu hụt dinh dưỡng thường là nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt ở cả trẻ em và người lớn. Cơ thể không thể hấp thụ sắt do mắc các bệnh gây rối loạn chuyển hóa sắt. Có kinh nguyệt, mất máu kinh nguyệt là thủ phạm phổ biến nhất gây thiếu sắt ở nữ giới. Mất máu cũng có thể là kết quả của tình trạng chảy máu trong, xuất huyết đường tiêu hóa trên hoặc bệnh viêm ruột.
Xem thêm
Nếu bạn đang bị mệt mỏi, khó thở, chóng mặt thường xuyên, nhịp tim loạn, tê hoặc ngứa ở tay và chân thì đây chính là những triệu chứng của thiếu máu do thiếu vitamin. Mặc dù những dấu hiệu này trước đó có những tiến triển chậm khiến bạn nghĩ tới những bệnh lý khác. Vậy thiếu máu uống vitamin gì để cải thiện những triệu chứng trên đây? Câu trả lời là “thiếu gì bổ sung đó”. Bổ sung thực phẩm chứa vitamin B9, B12, C Vitamin có trong thực phẩm khá dồi dào và đa dạng. Đây cũng là giải pháp giúp bạn bổ sung vitamin nhanh, an toàn, không tác dụng phụ, nhất là cải thiện được tình trạng thiếu máu nhanh. Bổ sung vitamin nhóm B tốt cho máu Thực phẩm giàu vitamin B9 (folate): 400mcg/ ngày Rau màu xanh đậm: súp lơ xanh, rau bina, rau diếp Quả hạch: hạnh nhân, óc chó, hạt điều, hạt macca, đậu phộng; Ngũ cốc các loại: bánh mì, gạo, mì ống Trái cây và nước ép trái cây, nhất là quả bơ
Xem thêm
Người thiếu máu cần tránh một số loại thức ăn, như: Thức ăn nhiều canxi; Thực phẩm, đồ uống có tannin; Thực phẩm chứa gluten; ...
Xem thêm
Bệnh thiếu máu nhược sắc có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu để bệnh kéo dài mà không điều trị hoặc điều trị không hiệu quả.
Xem thêm
Trùng hợp hemoglobin - Phản ứng trùng hợp Deoxy-hemoglobin S (HbS) là sự kiện khởi đầu cơ bản, không thể thiếu trong sinh lý bệnh SCD. Sự phân bổ tất cả các khía cạnh của SCD đối với các sự kiện liên quan đến quá trình trùng hợp hemoglobin đã phát triển rất nhiều từ các bằng chứng liên quan đến hình dạng đặc biệt, đặc tính của các tế bào hồng cầu hình liềm, độ nhớt của máu. Ức chế sự trùng hợp HbS bằng cách tăng hemoglobin (HbF) của thai nhi bằng cách sử dụng hydroxyurea hoặc bằng các liệu pháp dựa trên tế bào làm giảm tắc mạch và tan máu. Các ví dụ lâm sàng cung cấp bằng chứng tốt nhất cho hiện tượng liềm do trùng hợp là nguyên nhân khởi đầu của tắc mạch máu là hai bệnh rối loạn hồng cầu hình liềm bệnh hemoglobin SC và bệnh HbS. - Sự mất nước tế bào rõ rệt được thấy trong các tế bào hồng cầu HbSC dẫn đến tăng nồng độ HbS trong tế bào hỗ trợ quá trình trùng hợp của nó, gây ra các triệu chứng của bệnh. - Sự vắng mặt ảo của biến chứng tắc mạch và tan máu ở dị hợp tử hợp chất với HbS-HPFH là do nồng độ HbF cao trong tế bào, ức chế quá trình trùng hợp HbS và hình liềm tế bào. Hồng cầu hình liềm - Biến dạng hồng cầu (RBC) hình liềm (hình liềm) là tác nhân duy nhất của chứng tắc mạch gây đau vì chỉ có mối tương quan yếu giữa các sự kiện đau đớn và số lượng hồng cầu dày đặc, dễ bị trùng hợp HbS nhất.
Xem thêm
Không có tình trạng thiếu máu nào mà gây vàng da, mà chỉ có những bệnh có thể gây ra cả hai triệu chứng thiếu máu và vàng da.
Xem thêm
Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Thiếu máu
Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!